Những yếu tố ảnh hưởng đến dạy và học tiếng việt bậc tiểu học cho học sinh Khmer trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Kỹ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh bậc tiểu học người Khmer hiện nay còn yếu kém. Thực trạng đó đặt ra các câu hỏi: làm sao để con em dân tộc Khmer trên địa bàn TPHCM nói riêng, đặc biệt là học sinh bậc tiểu học, có thể sử dụng tốt tiếng Việt? Những nguyên nhân nào khiến cho việc giảng dạy tiếng Việt cho đối tượng này chưa đạt kết quả như mong muốn? Chúng ta khắc phục nó bằng cách nào? Đây là những câu hỏi đang cần được sớm giải đáp.

pdf 7 trang thom 09/01/2024 520
Bạn đang xem tài liệu "Những yếu tố ảnh hưởng đến dạy và học tiếng việt bậc tiểu học cho học sinh Khmer trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Những yếu tố ảnh hưởng đến dạy và học tiếng việt bậc tiểu học cho học sinh Khmer trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Những yếu tố ảnh hưởng đến dạy và học tiếng việt bậc tiểu học cho học sinh Khmer trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 6 (202) 2015 
47
NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN DẠY VÀ HỌC 
TIẾNG VIỆT BẬC TIỂU HỌC CHO HỌC SINH KHMER 
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 
HỒ XUÂN MAI 
Kỹ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh bậc tiểu học người Khmer hiện nay còn 
yếu kém. Thực trạng đó đặt ra các câu hỏi: làm sao để con em dân tộc Khmer 
trên địa bàn TPHCM nói riêng, đặc biệt là học sinh bậc tiểu học, có thể sử dụng 
tốt tiếng Việt? Những nguyên nhân nào khiến cho việc giảng dạy tiếng Việt cho 
đối tượng này chưa đạt kết quả như mong muốn? Chúng ta khắc phục nó bằng 
cách nào? Đây là những câu hỏi đang cần được sớm giải đáp. 
1. ĐẶT VẤN ĐỀ 
Cuối tháng 3/2015, để thực hiện đề tài 
nghiên cứu: Thực trạng dạy và học 
môn Tiếng Việt bậc tiểu học đối với 
học sinh Khmer trên địa bàn TPHCM 
hiện nay, chúng tôi có một đợt khảo 
sát thực trạng dạy và học môn Tiếng 
Việt bậc tiểu học đối với học sinh 
Khmer trên địa bàn TPHCM, cụ thể là 
các quận Bình Tân và huyện Bình 
Chánh. Đây là những địa phương có 
số học sinh Khmer tương đối đông, 
tập trung hơn các quận khác trong 
Thành phố. Mỗi địa phương chúng tôi 
chọn 1 trường; mỗi trường chúng tôi 
chọn (ngẫu nhiên) từ các lớp khoảng 
20 - 25 học sinh để khảo sát. Tổng 
cộng có 45 học sinh người Khmer 
tham gia vào cuộc khảo sát này. Có 
bốn kỹ năng về tiếng Việt được khảo 
sát là nghe, nói, đọc, viết. Ngoài ra, 
chúng tôi còn phỏng vấn chiến lược 
giáo viên, các vị chức sắc tôn giáo và 
những người làm công tác giáo dục. 
Kết quả khảo sát 25 em thuộc khối 2, 
3, 4 của 2 trường thuộc huyện Bình 
Chánh và 20 em khối 3, 4 ở quận 
Bình Tân, thì có 45 em (100%) đọc 
kém và 43 em (hơn 95%) diễn đạt 
kém vì không hiểu. Riêng lớp 5, tổng 
số học sinh khối này ở hai địa phương 
Bình Chánh và Bình Tân chỉ có 10 em. 
Khi được yêu cầu viết một đoạn miêu 
tả giờ ra chơi, các em phải rất khó 
khăn mới viết được; mỗi em viết trung 
bình 6 câu nhưng cả 10 em (100%) 
đều sai ngữ pháp, sử dụng từ sai và 
sai chính tả. 
Tìm hiểu nguyên nhân học tập yếu 
kém của học sinh từ những người làm 
giáo dục và các bậc phụ huynh học 
sinh, chúng tôi có kết quả sau: Trong 
số 65 phụ huynh được phỏng vấn, 60 
người (hơn 92%) có ý kiến chung là 
do đời sống kinh tế của các gia đình 
người Khmer còn nhiều khó khăn. Với 
Hồ Xuân Mai. Tiến sĩ. Trung tâm Nghiên
cứu Văn học và Ngôn ngữ học. Viện Khoa
học xã hội vùng Nam Bộ. 
 HỒ XUÂN MAI – NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN DẠY 
48
4 hiệu trưởng và 2 trưởng phòng 
được phỏng vấn, thì có 5 người (83%) 
khẳng định, ngoài lý do kinh tế, lý do 
thứ hai khiến các em tiếp thu bài 
không nổi vì năng lực tiếng Việt của 
các em quá kém; Có 60 phụ huynh và 
24 giáo viên ở hai địa phương Bình 
Chánh và Bình Tân cho rằng do ảnh 
hưởng của tiếng mẹ đẻ (100%); Có 66 
trong tổng số 70 phụ huynh được 
phỏng vấn nói rằng có nguyên nhân 
từ chính sách tuyển dụng và áp lực xã 
hội (94%); Có 30 trong số 35 giáo viên 
được hỏi (85%), và đều là người Kinh, 
cho rằng do quy định của thời lượng, 
phải đảm bảo tiến độ bài giảng, nên 
giáo viên không thể dừng lại để giải 
thích đầy đủ hơn cho các em học sinh 
người Khmer. 
Từ các kết quả điều tra, bài viết phân 
tích làm rõ những nguyên nhân chủ 
yếu dẫn đến tình trạng học tập yếu 
kém của học sinh tiểu học người Khmer. 
2. VÀI NÉT VỀ NGƯỜI KHMER TRÊN 
ĐỊA BÀN TPHCM 
Người Khmer đã sinh sống từ rất lâu 
đời trên địa bàn TPHCM, với tổng số 
dân khoảng 24.268 người, tập trung 
chủ yếu là các quận Bình Tân (5.358 
người), Bình Chánh (4.116 người) và 
Thủ Đức (1.487 người). Một vài nơi 
như quận 6, 12, Hóc Môn, quận 8 và 
Tân Bình cũng có người Khmer sinh 
sống nhưng số lượng rất ít, chỉ vài 
chục người (do Ban Dân tộc TPHCM 
cung cấp). 
Đặc điểm lớn nhất của cộng đồng 
người Khmer ở TPHCM là sinh sống 
khép kín, ít tiếp xúc với những cộng 
đồng khác. Đặc điểm này, cùng với 
bản chất thật thà, hiền lành đã làm 
thành một cộng đồng người Khmer 
còn thụ động giữa một xã hội năng 
động như TPHCM. Đó cũng là lý do 
khiến đời sống của người Khmer ở 
TPHCM còn nhiều khó khăn so với 
những cộng đồng xung quanh. 
Hầu hết người Khmer theo Phật giáo 
Tiểu thừa. Niềm tin tôn giáo đã ăn sâu 
vào đời sống của cộng đồng tộc 
người này. Chính vì vậy, ngoài thời 
gian lao động, học tập, người Khmer 
thường tới chùa sinh hoạt. Nói cách 
khác, ngôi chùa chính là ngôi nhà thứ 
hai của cộng đồng này, đảm nhiệm 
những chức năng quan trọng trong 
đời sống văn hóa-tinh thần của họ. 
Ngôi chùa của người Khmer là một 
trường học thực thụ: có người dạy là 
các nhà sư; có phòng và lớp học; có 
người học, chủ yếu là các đối tượng 
trong độ tuổi học phổ thông; có 
chương trình giảng dạy với những tài 
liệu được biên soạn tùy theo kinh 
nghiệm của mỗi người. Hầu hết các 
thế hệ người Khmer đều được đào 
tạo từ chùa trước khi đi học trong các 
trường phổ thông. Vì vậy, nhiều người 
Khmer không biết chữ Quốc ngữ 
nhưng rất giỏi chữ Khmer. Hiện nay, 
khi đang học ở các trường phổ thông, 
được học chữ Khmer theo chương 
trình phổ thông, nhưng thời gian rảnh 
rỗi học sinh Khmer cũng vẫn phải tới 
chùa để học chữ(1). 
Người Khmer trên địa bàn TPHCM sử 
dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt để giao 
tiếp. Tiếng Khmer thuộc loại hình đơn 
lập như tiếng Việt, nằm trong ngữ hệ 
Nam đảo (Austroasiatic), nhóm Môn-
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 6 (202) 2015 
49
Khmer, và đang trên đường đơn tiết 
hóa mạnh mẽ(2). Tiếng Khmer ở 
TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, 
có sự khác biệt về ngữ âm, từ vựng 
so với tiếng Khmer ở Campuchia. 
Tiếng Khmer của người Khmer ở 
TPHCM cũng khác với tiếng Khmer 
của người Khmer ở Sóc Trăng và Trà 
Vinh(3). Người Khmer cũng sử dụng 
chữ Sanskrit mượn của người Ấn Độ, 
nhưng cũng như tiếng nói, chữ viết 
của cộng đồng này có những khác 
biệt so với chữ viết của người Khmer 
ở chính quốc. 
3. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG 
ĐẾN DẠY VÀ HỌC TIẾNG VIỆT BẬC 
TIỂU HỌC 
3.1. Đời sống kinh tế 
TPHCM là một trong những địa 
phương phát triển nhất nước. Đời 
sống vật chất của người dân thành 
phố cũng nhờ đó được cải thiện, mức 
sống được nâng cao. Riêng đời sống 
của người Khmer chưa được cải thiện 
nhiều, mà nguyên nhân chính là sự 
thụ động của cộng đồng. Các bậc phụ 
huynh người Khmer quan tâm đến 
cuộc sống gia đình nhiều hơn việc học 
tập của con em. Họ xem việc học của 
các em là một hình thức “cho có”, 
không mấy quan trọng. Mặt khác, do 
trình độ học vấn của phụ huynh có 
giới hạn nên ít có khả năng kiểm tra, 
theo dõi, nhắc nhở con em trong việc 
học tập. Cho nên, kết quả học tập của 
con em như thế nào phụ huynh hoàn 
toàn không biết. Cũng vì đời sống kinh 
tế còn khó khăn nên hầu hết các bậc 
phụ huynh Khmer ở những địa bàn 
chúng tôi khảo sát đều sẵn sàng để 
con em mình nghỉ học nhằm giảm bớt 
chi phí; cũng bởi khi nghỉ học, những 
em này còn có thể giúp được cha mẹ. 
Rất nhiều em mới chỉ học hết lớp 3, 4 
hoặc đang học lớp 5 đã bị bắt buộc 
phải nghỉ học. Nói cách khác, vì phải 
lo cái ăn cái mặc nên các bậc phụ 
huynh Khmer ít để ý đến việc học của 
con em mình; không nghĩ rằng việc 
học có thể thoát nghèo, cải thiện đời 
sống sau này. Đó là lý do tại sao kết 
quả học tập của các em học sinh tiểu 
học người Khmer trên địa bàn TPHCM 
luôn luôn thấp, chưa như mong muốn. 
Điều này cũng giải thích số liệu mà 
chúng tôi thu thập được: 85% trong 
tổng số những trường hợp nghỉ học, 
bỏ học của học sinh Khmer trên địa 
bàn TPHCM hiện nay là do hoàn cảnh 
khó khăn, cha mẹ nghèo túng. 
Kết quả của giáo dục nói chung, dạy 
tiếng Việt nói riêng, luôn có sự đóng 
góp “công sức của ba phía”: sự dạy 
dỗ của giáo viên, sự nỗ lực của bản 
thân học sinh và sự quan tâm của gia 
đình. Vì thiếu sự chăm lo của gia đình 
nên khó nâng cao kết quả học tập của 
các em. 
3.2. Học sinh Khmer biết nói tiếng Việt 
muộn 
Một vấn đề khá quan trọng khi nghiên 
cứu năng lực sử dụng tiếng Việt trong 
giao tiếp của học sinh tiểu học người 
Khmer là độ tuổi bắt đầu nói tiếng Việt 
của các em. Một học sinh người Kinh 
đủ sáu tuổi là bắt đầu học lớp 1. Học 
sinh Khmer cũng vậy. Nhưng khác với 
học sinh người Kinh, học sinh Khmer, 
hoặc bước vào lớp 1 mới biết nói 
 HỒ XUÂN MAI – NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN DẠY 
50
tiếng Việt; hoặc đã biết nói tiếng Việt 
nhưng rất yếu, chỉ ở mức bập bẹ hoặc 
diễn đạt được một vài câu. Như vậy, 
so với học sinh người Kinh, học sinh 
Khmer khi bước vào lớp 1 phải tập nói 
lần thứ hai. Đây là một trong những 
trở ngại rất lớn, cả về mặt tâm lý lẫn 
mặt ngôn ngữ học, bắt buộc các thầy 
cô giáo phải tốn rất nhiều công sức 
nhưng không chắc có kết quả như 
mong muốn. 
Mặt khác, bậc tiểu học là giai đoạn 
các em hoàn thiện ngôn ngữ cá nhân. 
Nếu chỉ dạy tiếng Việt thì chắc chắn 
các em sẽ sử dụng tiếng mẹ đẻ khó 
khăn và không đảm bảo yêu cầu bảo 
vệ tiếng nói của các dân tộc ít người. 
Còn nếu trường dạy cả hai thì xuất 
hiện một khó khăn khác: thiếu đội ngũ 
giáo viên biết tiếng Khmer và có năng 
lực giảng dạy. Hơn nữa, trên thực tế, 
các em đã sử dụng tiếng mẹ đẻ nhiều 
hơn tiếng Việt, cho nên, việc học tiếng 
Việt trở thành học ngoại ngữ. Điều 
này cũng có nghĩa là khi bước vào lớp 
1, học sinh bậc tiểu học Khmer đã 
phải học song ngữ; thậm chí là tam 
ngữ (vì các em còn phải học tiếng 
Anh). Nói cách khác, học sinh tiểu học 
Khmer ngay từ khi bước vào lớp 1 đã 
có điểm xuất phát thấp so với học sinh 
người Kinh. Đây là một trong những 
trở ngại lớn nhất tác động đến quá 
trình dạy tiếng Việt cho học sinh 
Khmer. Để theo kịp với các bạn cùng 
lớp, các em học sinh Khmer phải nỗ 
lực rất đặc biệt, nhưng rõ ràng, với độ 
tuổi của các em, điều này là không thể. 
Đến khi lên học ở những lớp trên, 
trong khi các em học sinh Khmer vẫn 
phải đối phó với những hạn chế về 
tiếng Việt của mình thì các bạn học 
sinh người Kinh cùng lớp đã vượt lên 
hẳn, có nhiều ưu thế hơn. Tới đây thì 
có hai khả năng xảy ra: nếu mặc cảm 
tự ti các em sẽ nghỉ học, hoặc gia 
đình cho nghỉ; hoặc các em sẽ luôn bị 
thua kém so với các bạn khác trong 
lớp. 
3.3. Truyền thống văn hóa 
3.3.1. Tâm lý ngại tiếp xúc của cộng 
đồng tộc người 
Một điểm rất đặc biệt ở cộng đồng 
người Khmer là họ ngại tiếp xúc với 
môi trường xung quanh. Họ sống 
khép kín trong phạm vi gia đình và 
cộng đồng; chỉ khi nào thật sự cần 
thiết thì họ mới giao tiếp với người 
ngoài tộc. Đặc điểm này có thể giúp 
bảo vệ được đặc trưng văn hóa của 
cộng đồng, nhưng mặt trái là nó hạn 
chế khả năng tiếp thu các thành tựu 
khoa học kỹ thuật và những tiến bộ xã 
hội. Đặc biệt, chính vì sống khép kín 
nên khả năng phát triển vốn từ tiếng 
Việt ở cộng đồng này rất hạn chế; khả 
năng sử dụng tiếng Việt để giao tiếp 
cũng khó khăn; làm hạn chế kỹ năng 
sử dụng tiếng Việt như một công cụ 
để phát triển xã hội và cộng đồng. 
Học sinh bậc tiểu học Khmer cũng có 
tâm lý ngại tiếp xúc với bạn bè cùng 
lớp, ít nói chuyện hoặc tham gia sinh 
hoạt chung với tập thể, do đó kỹ năng 
sử dụng tiếng Việt của các em gặp rất 
nhiều khó khăn; khả năng tích lũy và 
sử dụng vốn từ vựng ở các em cũng 
hạn chế. Mặc dù các nhà tâm lý học 
cho rằng ở bậc tiểu học, học sinh 
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 6 (202) 2015 
51
thường rất dễ hòa đồng, rất dễ làm 
quen, làm bạn, nhưng trên thực tế, do 
thói quen của truyền thống cộng đồng, 
các em rất khó hòa nhập với các bạn 
cùng lớp. Có thể thấy sự thụ động của 
các em khi quan sát các em trong 
những giờ ra chơi. 
Một vấn đề cần lưu ý là với học sinh 
tiểu học Khmer, trước khi bước vào 
lớp 1, hầu hết các em đều không 
được đến nhà trẻ hoặc các cơ sở giáo 
dục công cộng. Cho nên, các em càng 
thêm nhút nhát, ngại tiếp xúc. Tình 
trạng này làm tăng thêm khoảng cách 
giữa học sinh Khmer với học sinh 
người Kinh về điều kiện và năng lực 
sử dụng tiếng Việt. Khi học lên những 
lớp cao hơn, do vốn từ vựng bị hạn 
chế, khả năng tiếp thu bài học của các 
em sẽ khó khăn hơn. 
3.3.2. Truyền thống sinh hoạt gia đình 
Truyền thống sinh hoạt gia đình cũng 
là một trong những yếu tố gây trở ngại 
đối với việc dạy học tiếng Việt cho các 
em học sinh Khmer. Cuộc sống khép 
kín trong gia đình, khiến người Khmer 
rất ít khi tham gia những sinh hoạt xã 
hội. Vì vậy mà học sinh tiểu học 
Khmer không có điều kiện tiếp xúc với 
thế giới xung quanh. Khảo sát ở 
những khu vui chơi, những nơi có 
hoạt động văn hóa thì số người 
Khmer đưa con em tham gia rất ít, 
hầu như là không có. Điều này không 
chỉ vì tâm lý cộng đồng, mà còn có lý 
do về mặt kinh tế. Hơn nữa, vì hầu hết 
các bậc phụ huynh người Khmer đều 
sử dụng tiếng Việt còn yếu, cho nên, 
không thể giúp con em của mình học 
tốt tiếng Việt. Mà, khi phải giúp các 
em học tiếng Việt, hoặc môn học nào 
đó, thì các phụ huynh thường sử dụng 
tiếng Khmer để giải thích. Những điều 
này khiến cho học sinh tiểu học 
Khmer càng ít sử dụng tiếng Việt hiệu 
quả. 
3.4. Ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ 
Một lực cản rất lớn khác khi học sinh 
tiểu học Khmer học tiếng Việt chính là 
tiếng mẹ đẻ của các em. Tiếng Khmer 
thuộc ngữ hệ Nam Á, cùng nhóm 
Môn-Khmer với tiếng Việt. Tuy nhiên, 
tiếng Khmer phần lớn là đa tiết, trong 
khi đó tiếng Việt hoàn toàn đơn tiết. Vì 
vậy, cách phát âm của các em Khmer 
hoàn toàn khác với các em học sinh 
người Kinh cùng độ tuổi. Khi bước 
vào lớp 1, chính thói quen sử dụng 
tiếng mẹ đẻ đa tiết đã thành trở ngại 
khi các em tiếp xúc, nói tiếng Việt(4). 
Nếu lỗi phát âm của các em không 
được giáo viên khắc phục sớm, thì 
những hạn chế này sẽ theo các em về 
lâu dài, trong suốt quá trình học tập 
sau này. 
Nhưng về mặt khoa học, đây là giai 
đoạn các em hoàn thiện cơ bản vốn 
từ vựng cũng như ổn định ngữ âm-
tiếng nói của mình. Cho nên, chúng ta 
hoàn toàn có thể hướng dẫn, uốn nắn 
để giúp các em khắc phục những hạn 
chế khi phát âm tiếng Việt. 
3.5. Ảnh hưởng của chính sách tuyển 
dụng và áp lực xã hội 
Có một thực tế là hiện nay tất cả các 
cơ quan, đơn vị, công ty trong và 
ngoài nước khi tuyển dụng người đều 
đưa ra yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, 
 HỒ XUÂN MAI – NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN DẠY 
52
cụ thể là tiếng Anh. Đây là một yêu 
cầu chính đáng, bởi đó là một trong 
những tiêu chuẩn để đánh giá người 
được tuyển dụng và nâng cao chất 
lượng nhân lực. Tuy nhiên, đây lại là 
một trong những nguyên nhân khiến 
cho xã hội có cái nhìn không đúng về 
tiếng Việt, trong đó có các bậc phụ 
huynh người Khmer. Vì với họ có lẽ 
tiếng Việt không mấy quan trọng, 
không giúp con em của họ tìm được 
việc làm tốt, một nhu cầu bức thiết 
hiện nay. Đó là lý do tại sao ngay từ 
khi mới bước vào lớp 1, các bậc phụ 
huynh Khmer chú ý đến việc tạo điều 
kiện để con em họ học tốt môn tiếng 
Anh, nhưng không nhiều người giúp 
cho con em mình học tốt tiếng Việt. 
Các em học tiếng Việt như thế nào 
dường như không quan trọng, miễn 
học giỏi môn tiếng Anh là đủ. Đây là 
một trong những trở ngại không nhỏ 
trong việc dạy và học tiếng Việt cho 
học sinh tiểu học Khmer trên địa bàn 
TPHCM hiện nay(5). 
Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội Việt 
Nam, muốn học giỏi tiếng Anh, trước 
hết các em phải học giỏi tiếng Việt. 
Chỉ học giỏi tiếng Anh sẽ không giúp 
các em thành công ở đất nước mình. 
3.6. Năng lực của giáo viên dạy môn 
Tiếng Việt bậc tiểu học 
Tất cả giáo viên bậc tiểu học đều có 
bằng cấp chuyên môn và hầu hết đều 
có bằng Cử nhân Giáo dục tiểu học. 
Như vậy, họ có đủ trình độ chuyên 
môn để giảng dạy. Vấn đề là, hầu hết 
những giáo viên này đều là người 
Kinh(6). Cho nên, trong quá trình giảng 
dạy cho học sinh người Khmer, họ sẽ 
gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khi 
giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 5. Có hai lý 
do dẫn đến tình hình này. 
Về mặt khoa học, vốn từ của các em 
lúc này còn rất ít, vì chỉ mới học từ 3 
đến 5 năm, rất khó để tiếp thu bài 
giảng, mà giáo viên phải đảm bảo tiến 
độ bài giảng do quy định của thời 
lượng, không thể dừng lại để giải 
thích đầy đủ hơn. Vì thế, sau một thời 
gian, các em càng khó hiểu được 
những bài tiếp theo, dẫn đến cái gọi là 
“mất căn bản” trong học tập. 
Về tâm lý, học sinh Khmer ở những 
lớp này không dám hỏi giáo viên 
những gì mình chưa hiểu như các em 
người Kinh. Không phải các em sợ, 
mà do các em không đủ vốn từ để hỏi, 
không đủ vốn từ để diễn đạt nội dung 
cần hỏi. Nói cách khác, các em không 
biết phải diễn đạt bằng cách nào. 
Cho nên, các em chấp nhận những gì 
đã biết. Về phía giáo viên, họ chỉ 
được trang bị những kiến thức về 
tâm lý độ tuổi, ít hiểu biết về đặc 
trưng văn hóa của một cộng đồng, 
nên khó nắm bắt được những gì các 
em đang cần phải bổ túc. Mặt khác, 
tất cả học sinh Khmer đều nói tiếng 
mẹ đẻ, là ngôn ngữ thứ nhất của các 
em. Theo các nhà ngôn ngữ học, 
ngôn ngữ thứ nhất sẽ là ngôn ngữ 
chiếm ưu thế trong suốt quá trình giao 
tiếp xã hội. Do đó các em sẽ sử dụng 
tiếng mẹ đẻ để tiếp nhận các kiến 
thức khoa học nhiều hơn tiếng Việt. 
Giáo viên người Kinh thì không biết 
tiếng Khmer nên không thể diễn đạt 
cho các em hiểu. Do vậy, giáo viên 
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 6 (202) 2015 
53
khó phát huy được năng lực, sở 
trường một cách tốt nhất khi giảng 
dạy cho học sinh Khmer. 
4. KẾT LUẬN 
Học sinh bậc tiểu học Khmer ở TPHCM 
gặp nhiều khó khăn khi học môn Tiếng 
Việt so với học sinh người Kinh cùng 
khối lớp. Chính vì lý do này mà hầu 
hết các em đều học kém hơn so với 
các bạn và là một trong những nguyên 
nhân khiến các em bỏ học sớm. 
Có bốn nguyên nhân khiến cho các 
em học sinh bậc tiểu học Khmer học 
kém môn Tiếng Việt, đó là: do đời 
sống kinh tế khó khăn, do các em biết 
nói tiếng Việt muộn, do ảnh của truyền 
thống văn hóa (tộc người) và do ảnh 
hưởng của chính sách tuyển dụng lao 
động của xã hội. Nếu các chính sách 
xã hội và ngành giáo dục khắc phục 
được những trở ngại trên thì mới có 
thể giải quyết căn bản tình trạng học 
yếu tiếng Việt của học sinh người 
Khmer hiện nay.  
CHÚ THÍCH 
(1) Riêng những địa bàn chúng tôi khảo sát không có tình hình này, bởi những nơi này không 
có chùa Khmer. 
(2) Đây là chỗ khác biệt giữa tiếng Việt và tiếng Khmer: tiếng Khmer vẫn còn rất nhiều từ đa 
tiết như Chnăm, Thmây, Preyveng, 
(3) Chúng tôi đã đề cập vấn đề này trong đề tài “Một số vấn đề chính sách ngôn ngữ đối với 
cộng đồng người Khmer trong phát triển bền vững vùng Nam Bộ” 2011-2013. (chủ nhiệm: 
Hồ Xuân Mai; chủ trì: Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ). 
(4) Chúng tôi không đề cập đến vấn đề chữ viết vì ở độ tuổi này các em chưa học viết chữ ; 
cho nên, các em học sinh bậc tiểu học Khmer nói hai thứ tiếng nhưng chỉ có một loại chữ và 
đây là chỗ thuận lợi trong giáo dục song ngữ cho đối tượng này. 
(5) Đây cũng là một vấn nạn đối với việc dạy và học môn Tiếng Việt trong nhà trường phổ 
thông của chúng ta hiện nay. 
(6) Theo số liệu từ Phòng Giáo dục Bình Chánh và Bình Tân thì cả hai địa phương này chỉ có 
3 giáo viên là người Khmer và chỉ có 1 giáo viên trực tiếp giảng dạy. 

File đính kèm:

  • pdfnhung_yeu_to_anh_huong_den_day_va_hoc_tieng_viet_bac_tieu_ho.pdf