Vai trò của rừng tâm linh trong đời sống của các tộc người thiểu số ở miền núi trung bộ Việt Nam
Ở các cộng đồng tộc người thiểu số (TNTS) vùng miền núi Trung Bộ, rừng hoàn toàn không chỉ là vật chất, tài nguyên và môi trường theo nghĩa hẹp, mà còn là văn hóa tâm linh. Rừng tâm linh là một loại hình tồn tại từ lâu đời trong ý thức và đời sống các TNTS, dựa trên các quan niệm về vũ trụ, về vạn vật hữu linh, phản ánh qua hình thức rừng thiêng và rừng ma. Chính nhờ lòng tin tôn giáo đã tạo nên những khu rừng tâm linh Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới mới còn lại những khu rừng nguyên sinh theo đúng nghĩa của nó. Hơn thế, rừng tâm linh đã và đang có những vai trò quan trọng đối với đời sống các TNTS cả trên khía cạnh vật chất lẫn tinh thần, tự nhiên và xã hội. Vai trò của rừng tâm linh đối với lĩnh vực đời sống xã hội được thể hiện ở khía cạnh duy trì và tạo ra các môi trường không gian xã hội thực hành và trao truyền phong tục tập quán, tri thức bản địa, tập quán kiêng cữ gắn với cây rừng, thú rừng, nghi lễ cúng rừng, lễ hiến sinh Do vậy, rừng tâm linh là thứ tài sản quý giá, quan trọng của cộng đồng TNTS ở vùng miền núi Trung Bộ.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Vai trò của rừng tâm linh trong đời sống của các tộc người thiểu số ở miền núi trung bộ Việt Nam
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2016 3 3 LÊ ANH TUẤN VAI TRÒ CỦA RỪNG TÂM LINH TRONG ĐỜI SỐNG CỦA CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ Ở MIỀN NÚI TRUNG BỘ VIỆT NAM Tóm tắt: Ở các cộng đồng tộc người thiểu số (TNTS) vùng miền núi Trung Bộ, rừng hoàn toàn không chỉ là vật chất, tài nguyên và môi trường theo nghĩa hẹp, mà còn là văn hóa tâm linh. Rừng tâm linh là một loại hình tồn tại từ lâu đời trong ý thức và đời sống các TNTS, dựa trên các quan niệm về vũ trụ, về vạn vật hữu linh, phản ánh qua hình thức rừng thiêng và rừng ma. Chính nhờ lòng tin tôn giáo đã tạo nên những khu rừng tâm linh Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới mới còn lại những khu rừng nguyên sinh theo đúng nghĩa của nó. Hơn thế, rừng tâm linh đã và đang có những vai trò quan trọng đối với đời sống các TNTS cả trên khía cạnh vật chất lẫn tinh thần, tự nhiên và xã hội. Vai trò của rừng tâm linh đối với lĩnh vực đời sống xã hội được thể hiện ở khía cạnh duy trì và tạo ra các môi trường không gian xã hội thực hành và trao truyền phong tục tập quán, tri thức bản địa, tập quán kiêng cữ gắn với cây rừng, thú rừng, nghi lễ cúng rừng, lễ hiến sinh Do vậy, rừng tâm linh là thứ tài sản quý giá, quan trọng của cộng đồng TNTS ở vùng miền núi Trung Bộ. Từ khóa: Rừng tâm linh, rừng thiêng, tộc người thiểu số, luật tục, quản lý truyền thống, miền núi Trung Bộ. 1. Vài nét về văn hóa tâm linh và rừng tâm linh Hiện nay, khi nói đến tôn giáo, niềm tin vào cái thiêng, hay một khía cạnh thiêng liêng, bí ẩn nào đó, chúng ta thường sử dụng thuật ngữ “tâm linh” như: đời sống tâm linh, thế giới tâm linh, văn hóa tâm linh,... Vậy, tâm linh và văn hóa tâm linh được các nhà khoa học trên thế giới và ở Việt Nam hiểu thế nào? Xin điểm lại một số quan niệm. Trong Vật tổ và cấm kỵ, Sigmund Freud đã đưa ra nhiều quan niệm về nguồn gốc ra đời và phát triển của cấm kỵ. Theo ông, cấm kỵ có hai hướng cùng tồn tại: một mặt, nó có nghĩa là thiêng liêng, thần thánh; mặt Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế. 4 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2016 khác, là bí hiểm, nguy hiểm, nghiêm cấm, không thuần nhất. Như thế, trong từ cấm kỵ hàm chứa cái gì đó như khái niệm tiềm tàng, cấm kỵ thể hiện ra một cách hệ thống trong những cấm đoán và hạn chế. Với nghĩa rộng, người ta có thể phân biệt nhiều kiểu cấm kỵ khác nhau: Cấm kỵ tự nhiên hay trực tiếp là kết quả của một sức mạnh bí ẩn có ở một người hay vật; Cấm kỵ được thông báo hay cấm kỵ gián tiếp phát sinh từ chính sức mạnh đã nói. Cấm kỵ là biểu hiện và kết quả của tín ngưỡng các dân tộc nguyên thủy vào quyền lực ma quỷ. Sau đó, cấm kỵ bị phân rã gốc rễ này và tồn tại như một thứ quyền lực, đơn giản vì nó là cái dựa trên một kiểu quán tính tâm lý; vậy là bản thân nó trở thành cội rễ của những tập tục và luật lệ của chúng ta1. Một ý kiến khác ở Việt Nam, đều xem tâm linh và văn hóa tâm linh là một dạng thức của văn hóa tinh thần: “Văn hóa tâm linh là một thuật ngữ được dùng để chỉ một loại hình văn hóa tinh thần đặc thù của người Việt Nam, lấy đối tượng là sự bày tỏ tình cảm linh thiêng, niềm tin linh thiêng, sự tri ân của những người đang sống đối với những người thân đã mất, đối với những vị anh hùng dân tộc, những liệt sĩ được tôn làm thánh, làm thần, làm thành hoàng;... diễn ra trong một không gian thiêng và thời gian thiêng nhất định... Văn hóa tâm linh và hoạt động văn hóa tâm linh về bản chất là tích cực, hướng thiện và nhân văn”2. Còn Nguyễn Đăng Duy quan niệm: “Văn hóa tâm linh là văn hóa biểu hiện những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống đời thường và biểu hiện niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng, tôn giáo”. Tác giả còn chỉ cho chúng ta thấy một vấn đề không kém phần quan trọng trong nghiên cứu về tâm linh đó là niềm tin. “Niềm tin là sự tín nhiệm, khâm phục ở một con người với một con người, một sự việc, một học thuyết, một tôn giáo, được thể hiện ra bằng hành động theo một lẽ sống. Niềm tin là hạt nhân quyết định trong việc xác lập mối quan hệ xã hội”3. Trong đó, niềm tin tâm thức là niềm tin thiêng liêng, hòa quyện cả tình cảm và lý trí, dẫn đến sự say đắm, say sưa tự nguyện hành động theo niềm tin ấy. Nhìn vào các tộc người thiểu số, văn hóa tâm linh và đời sống tâm linh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, như là mạch nguồn sống trước sự hùng vỹ, bí ẩn của núi rừng và các thế lực vây quanh. Cuộc sống dựa nhiều vào tự nhiên, mang tính chất bị động, càng buộc chặt đồng bào vào những hoạt động tâm linh nhằm cầu mong các đấng thần linh phù hộ, ban phát cho họ mùa màng bội thu, buôn làng yên ổn. Cho nên, họ thường tổ chức nhiều nghi lễ, tâm linh nhằm tạ ơn thần linh, tổ tiên,... Trải qua quá Lê Anh Tuấn. Vai trò của rừng tâm linh... 5 trình lịch sử tộc người lâu dài, đồng bào đã xây dựng nên một hệ thống các loại hình tín ngưỡng/tâm linh phong phú và đa dạng, từ thờ cúng Trời, đất,... đến cúng rừng, cúng sông suối, cây cỏ, súc vật,... và các vật vô tri vô giác như hòn đá/tảng đá... Sự “thiêng hóa” các niềm tin vào thần linh chính là sự thích ứng của họ đối với tự nhiên trong cuộc sinh tồn; và rừng tâm linh là một trong những biểu hiện về văn hóa tâm linh của các cư dân vùng miền núi. Cách tiếp cận mácxít đã chỉ ra cơ sở lao động/kinh tế của việc hình thành ý thức xã hội, văn hóa, tôn giáo, các phong tục tập quán và mối tương quan giữa ý thức xã hội với nhân cách cá nhân. Tuy nhiên, hành động của con người, đặc biệt là hành vi của cá nhân, không phải chỉ được điều khiển bởi ý thức, mà có khi nó còn bị thúc đẩy bởi các động lực vô thức nằm sâu trong tận đáy tâm thức của con người, cái đôi khi được đồng nhất với bản năng4. Chính những động lực vô thức ấy đã đưa đến những quan niệm rất phong phú, đa dạng về thế giới quan, nhân sinh quan của các tộc người thiểu số. Trong thực tế, đời sống làng bao giờ cũng là một thực thể gắn bó mật thiết với rất nhiều thế lực siêu nhiên (thần linh, ma quỷ), ngự trị bên trên và trong phạm vi ngôi làng, mọi hoạt động của dân làng trên mọi mặt đời sống đều có thể là họa hay phúc dưới sự phán xét hoặc “cách nhìn” của thần linh. Điều này được thể hiện trong nhân sinh quan và vũ trụ quan, phân chia cõi trời-cõi đất, cõi sống-cõi chết, cõi người-cõi thần,... với các mối quan hệ qua lại và ràng buộc lẫn nhau, giữa thần linh - con người - ma quỷ. Trong đó, lực lượng thần linh, ma quỷ là thế lực lượng quan trọng, có mặt, trú ngụ, bủa vây khắp mọi nơi từ sông, suối, núi, rừng, cây, đá, vật lạ, hiện tượng tự nhiên bất thường và đặc biệt là cái chết... chi phối đến từng ngõ ngách của cuộc sống con người. Hệ thống các thế lực siêu nhiên “cai quản” làng trên tất cả các phương diện, vì vậy, đối với người như là “hệ thống quản lý trật tự xã hội siêu hình”5. Chính những quan niệm về vũ trụ, thế giới tại chỗ, và “Hồn linh giáo” ở các TNTS là cơ sở hình thành rừng thiêng, rừng ma, một loại rừng dù đã trải qua bao nhiêu thời gian nhưng đến nay vẫn còn hiện hữu trong ý thức và trong đời sống các TNTS nói chung và vùng núi Trung Bộ nói riêng: Rừng tâm linh. Khái niệm “rừng tâm linh” xuất phát từ một số nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu, chỉ loại rừng hình thành và tồn tại từ lâu đời trong đời sống của người TNTS, có nội hàm bao gồm những thuộc tính phản ánh đặc điểm rừng thiêng và rừng ma, dựa trên các quan niệm về vũ trụ, 6 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2016 vạn vật và niềm tin tôn giáo. Trong thực tế, đồng bào TNTS không có khái niệm “rừng tâm linh” mà chỉ tồn tại các khái niệm cụ thể, trực quan là “rừng thiêng” gắn với hiện tượng thiêng, nơi linh thiêng (rừng cấm6) và “rừng ma” gắn với tha ma, nghĩa địa (rừng kiêng). Trong quan niệm đồng bào TNTS ở vùng miền núi Trung Bộ, rừng hoàn toàn không chỉ là vật chất, là tài nguyên, là môi trường theo nghĩa hẹp mà “Rừng là tâm linh”7. Hình thức “Rừng tâm linh” ở đây được thể hiện trên nhiều khía cạnh phong phú, đa dạng của đời sống tôn giáo như truyền thuyết, câu chuyện liên quan đến rừng thiêng/rừng cấm, những biểu hiện niềm tin vào rừng ma/nghĩa địa, rừng cấm/rừng đầu nguồn... Như vậy, khái niệm “rừng tâm linh” ở vùng núi Trung Bộ được hiểu là: [i] những khu rừng được người dân bản địa “linh thiêng hóa” niềm tin thông qua sự tồn tại của thế lực siêu nhiên; [ii] được sở hữu, quản lý bởi cộng đồng và thần linh; [iii] được bảo vệ bởi công cụ luật tục và các “chế tài tâm linh”. 2. Đặc điểm rừng tâm linh ở vùng tộc người thiểu số miền núi Trung Bộ TNTS vùng núi Trung Bộ có sự phân biệt và nhận thức rõ ràng về rừng thiêng, rừng cấm nói chung. Trong đó, phổ biến nhất là loại rừng thiêng và rừng ma với những đặc điểm tính chất nhận biết rõ ràng: [i] “Rừng thiêng” là loại rừng có nhiều cây to (thường ở đầu nguồn nước), là nơi ở của các loài động vật hung dữ (rắn trắng, trăn to, thuồng luồng, hổ...), là nơi trú ngụ của các vị thần linh đầy quyền năng mà con người ngưỡng vọng, sùng kính, luôn che chở cho dân làng trước thiên tai, dịch bệnh, luôn ban tặng vụ mùa bội thu, cây cối xanh tốt; [ii] “rừng ma” là nơi chôn cất người chết, nơi ở của ma quỷ - những thế lực luôn gây ra tai nạn, gieo rắc sự sợ hãi, đau khổ đối với dân làng. Quá trình “thiêng hóa” các khu rừng tâm linh ở vùng TNTS từ các sự vật, hiện tượng kỳ bí diễn ra trong đời sống, không chỉ phản ánh sự kính trọng các thần linh cư ngụ trong rừng thiêng, mà còn lo sợ trước ma quỷ, ác thần cư ngụ trong rừng ma. Do vậy, gắn với sinh hoạt tôn giáo là những thực hành tôn giáo, các kiêng cữ, cấm kỵ của cộng đồng. Rừng tâm linh ở vùng TNTS miền núi Trung Bộ là một trong những hình thức của rừng cộng đồng, nhưng mang những đặc điểm của rừng thiêng và rừng ma. [i] Rừng thiêng ở vị trí đầu nguồn, có quy mô rộng, được phân bố trên nhiều làng, nhiều tộc người sinh sống. Rừng thiêng Lê Anh Tuấn. Vai trò của rừng tâm linh... 7 được xác định không phải bằng thước đo, bản đồ, mà bằng tâm thức, sự “thiêng hóa” các niềm tin vào không gian linh thiêng. Vì vậy, trong quá trình xác định diện tích, không gian của rừng tâm linh xưa, các già làng chỉ ước lượng tương đối, bởi bản thân nhiều già làng không dám vào các khu rừng thiêng đó8. [ii] Rừng ma thường có quy mô nhỏ, có vị trí gần nơi cư trú, gắn với các cộng đồng làng bản cụ thể. Điều này phản ánh tính chất độc lập, riêng biệt của hệ thống thần linh, ma qủy gắn với các địa vực làng bản cụ thể, câu chuyện cụ thể, của các dòng họ cũng như các thành viên thuộc làng. Ngoài ra, rừng ma và rừng thiêng có những dấu hiệu nhận biết đặc thù. Về mặt tự nhiên, hầu như các khu rừng thiêng đều là những nơi có cây cối cổ thụ, nơi phân bố của các loại cây lá nhiều tầng, mật độ cây dày; nhiều động vật quý hiếm cũng như nhiều ác thú (hổ, rắn,...); nơi đầu nguồn nước. Về mặt niềm tin tôn giáo, các khu rừng này thường gắn với những câu chuyện rất kỳ bí về các loài vật thiêng, hung dữ hay cây thần, người chết bí hiểm...9. Bên cạnh đó, một số khu rừng thiêng còn có những đặc điểm tự nhiên riêng biệt, như: có loại cây đặc biệt10; phát ra tiếng kêu; các hình thù kỳ quái; nơi bí hiểm tối tăm, có khí độc...11. Rừng ma được các TNTS ở đây phân định rất rõ ràng, nhất là khu vực ranh giới rừng ma giữa hai làng với nhau, điều này khác so với rừng thiêng thường không có ranh giới cụ thể do tính chất và quy mô rộng lớn cả về không gian lẫn đối tượng quản lý. Rừng ma là khu vực nghĩa địa nằm cạnh làng, nơi cộng đồng dùng để chôn cất khi các thành viên khi chết. Theo tập tục, không bao giờ người của làng này lại đi vào khu rừng ma của làng kia và ngược lại. Rừng ma được xem là không gian linh thiêng, cho dù là nơi chôn người chết tốt hay người chết xấu. Tuy nhiên, đồng bào luôn có sự phân biệt rõ giữa hai khu rừng nơi cư ngụ của ma tốt/lành và ma xấu/dữ để có sự ứng xử phù hợp. Chính quan niệm và sự phân biệt chết tốt và chết xấu đã hình thành nên hai loại rừng ma: [i] Rừng chôn người chết tốt là những người chết có nguyên nhân rõ ràng (đau ốm, người già, chết tại nhà,...); được chôn ngay ngắn, được làm quan tài, được tổ chức lễ “bỏ mả”, làm “nhà mồ”. [ii] Rừng chôn người chết xấu là những cái chết không rõ ràng, không có nguyên nhân (chết do dịch bệnh, bị điên, hổ vồ, rắn cắn, chết đuối...), là những cái chết bất thường nên chôn ở xa nơi cư trú do lo sợ các thế lực ma quỷ về làng quấy phá. Đồng bào dành sự ứng xử mang tính sợ hãi và sùng kính đối với khu rừng có người chết xấu, nơi có những oan hồn, những lực lượng gây ra tai nạn, khổ đau cho con người. Sự phân biệt 8 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2016 và đối xử này bắt nguồn từ quan niệm “thế giới lưỡng phân” phổ biến ở hầu hết các tộc người: Thần linh và ma quỷ, sự sống và cái chết, chết bình thường và không bình thường, ma xấu và ma tốt,.... Một phần chính từ quan niệm đó, ở mỗi tộc người, mỗi vùng lại có những sự thể hiện ứng xử khác nhau, đưa đến sự tồn tại nhiều hình thức và tên gọi khác nhau về rừng ma/nghĩa địa, rừng cấm, rừng thiêng, rừng cãi12. 3. Vai trò rừng tâm linh trong đời sống các TNTS vùng miền núi Trung Bộ Rừng tâm linh là sản phẩm mang tính tích cực của niềm tin tôn giáo, tuy thô sơ, đơn giản nhưng nó giúp cho con người gần gũi, biết yêu/tôn sùng, hòa đồng, sống chung với tự nhiên, xem tự nhiên như một phần tất yếu của cuộc sống. Hơn thế, rừng tâm linh đã và đang có những vai trò quan trọng đối với đời sống các TNTS cả trên khía cạnh vật chất lẫn tinh thần, tự nhiên và xã hội. Vai trò của rừng tâm linh đối với sinh hoạt và thực hành tôn giáo: Nhiều ý kiến cho rằng, nếu rừng nói chung là trung tâm sự sống của con người trên Trái Đất, thì rừng tâm linh chính là phần hồn của sự sống đó. Có thể nói, rừng sản xuất có vai trò chủ yếu đối với đời sống kinh tế, đời sống vật chất thông qua việc cung cấp các nguồn lợi và sản phẩm, thì rừng tâm linh lại đóng vai trò chủ yếu và trực tiếp đối với đời sống tinh thần, tôn giáo. Khác với các khu rừng sản xuất, những khu rừng thiêng, rừng ma tạo nên những tác động về mặt tâm linh, tinh thần, gián tiếp củng cố, duy trì và đảm bảo sự ổn định về mặt xã hội13. Đối với các TNTS ở Trường Sơn, rừng là tâm linh, là cội nguồn của văn hóa. “Đố ai có thể tìm ra được một biểu hiện văn hóa nào ở đây mà không liên quan đến rừng, hay đúng hơn, không có mối quan hệ sâu xa thăm thẳm của con người với rừng làm cơ sở”14. Không gian rừng tâm linh là nơi diễn ra các nghi lễ cúng tế, thực hành niềm tin tôn giáo của cộng đồng từ bao đời nay. Cứ sau khoảng 2 - 3 năm hoặc lâu hơn, cộng đồng lại tổ chức lễ cúng rừng với nhiều loại lễ vật, cầu mong thần linh phù hộ, ban tặng mùa màng bội thu, đời sống no đủ, tránh thiên tai, hiểm họa. Nghi lễ cúng rừng đã quy tụ, tạo nên một sự thống nhất về mặt tinh thần và ý thức của người dân đối với vai trò của các khu rừng thiêng, rừng ma, tạo thành một “liên minh” bảo vệ rừng tâm linh15. Cư dân TNTS bao đời nay sống dựa vào rừng: sống rừng nuôi, chết rừng chôn. Vì vậy, rừng đối với họ không chỉ là mối quan hệ giữa cái tự nhiên Lê Anh Tuấn. Vai trò của rừng tâm linh... 9 (rừng) với cái xã hội (con người), mà nó còn mang tính thiêng liêng, niềm tin vào thần linh. Rừng tâm linh vì thế vừa là không gian, thời gian hữu hình, nhưng đồng thời là không gian, thời gi ... rừng cấm,... tiến hành thống kê, phân loại đánh giá rừng hiện nay, làm cơ sở đề xuất mô hình quản lý phù hợp. Bên cạnh pháp luật, phải xem xét sự quản lý của cộng đồng bằng “thiêng hóa”, như là một đặc trưng quan trọng cần tham khảo, đảm bảo mối quan hệ biện chứng, kế thừa tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của rừng tâm linh cũng như các giá trị văn hóa truyền thống khác. Cần thực hiện mô hình và cách thức quản lý theo “đạo đức của rừng” - một đạo lý quản lý đất công có giá trị ở vùng TNTS. Hiện nay, trong quản lý rừng có ba hình thức gắn với ba phương diện là: quản lý hành chính của cơ quan nhà nước/nhà quản lý; quản lý của cơ quan chuyên môn/nhà chuyên môn; quản lý truyền thống/cộng đồng địa phương. Quản lý truyền thống là cách thức quản lý dựa trên tri thức bản địa, luật tục, theo “đạo đức của rừng”, vốn được thừa nhận và đã phát huy tốt trong xã hội các TNTS. “Đạo đức rừng” hay ‘văn hóa rừng” là khái niệm dùng để chỉ một cách thức “đối xử”/quản lý khá đặc trưng của cư dân địa phương đối với môi trường sống thiết thân của mình. Nó bao gồm một hệ thống các tư duy, quan niệm về sở hữu, cách thức ứng xử, quản lý, sự ước chế, các quy định về tâm linh, phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan của tộc người. Đối với các TNTS ở miền núi, bảo vệ rừng - giữ rừng là yếu tố sống còn. Vì thế, trong quản lý nên lồng ghép các chuẩn mực “đạo đức rừng”, “văn hóa rừng” vào các điều luật quản lý rừng, góp phần hiện thực hóa mục đích tối cao của quản lý Nhà nước đối với rừng: bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng. Trên cơ sở đó, đề xuất mô hình “đồng quản lý” đảm bảo sự phát triển bền vững: Nhà nước (luật pháp) + cộng đồng (luật tục) + thiêng hóa niềm tin. Trong xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng, phải đề cao vai trò luật tục truyền thống và cơ chế “thiêng hóa” trong công tác quản lý hiện nay. Bên cạnh nhiều văn bản pháp luật về quản lý rừng, hương ước, luật tục của các TNTS tồn tại một cách bền bỉ qua thời gian và cấu trúc xã hội, vẫn có những ảnh hưởng nhất định. Sự hình thành và tồn tại của luật 14 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2016 tục bảo vệ rừng đáp ứng điều kiện vùng TNTS, do vậy phải thừa nhận nó như một yếu tố quan trọng trong nội dung quy ước21. Quá trình xây dựng quy ước phải có sự tham gia của cộng đồng, tạo sự đồng thuận cao với những điều khoản phù hợp với phong tục tập quán, quan niệm và nhận thức của người dân. Đề cao vai trò luật tục và cơ chế thiêng hóa trong quản lý sẽ góp phần bảo tồn các khu rừng tâm linh trong điều kiện hiện nay hiệu quả hơn. Cần thiết phục hồi, bảo tồn và phát triển rừng tâm linh trong điều kiện hiện nay, trước sự thay đổi, hội nhập, nhiều giá trị văn hóa truyền thống cũng như của tri thức bản địa đối với rừng cộng đồng nói chung và rừng tâm linh đang bị xói mòn. Có một thực tế là tại các rừng thiêng, rừng ma hiện nay, người dân đã tiến hành nhiều hoạt động sống khác nhau như chặt cây, trồng keo, khai thác gỗ, bắt cá, đánh mìn ở vực thiêng, thả trâu bò, chặt cây, chôn người chết không theo quy định của rừng ma trước đây,.... Lợi nhuận kinh tế cao của rừng đã làm cho nhiều người dân phá bỏ những rào cản của truyền thống trong việc bảo vệ rừng để chạy theo nhu cầu vật chất, gây nên hiện tượng rừng “chảy máu”. Cùng với nó, những mâu thuẫn, thách thức về niềm tin đối với rừng cộng đồng, rừng tâm linh diễn ra phổ biến ở mọi vùng TNTS, đang phá vỡ lớp áo giáp bảo vệ của các khu rừng. Chính vì vậy, nghiên cứu này chỉ ra rằng, một trong những phương cách bảo vệ rừng, giữ rừng thiết thực và hiệu quả, nhất thiết phải khơi gợi lại những giá trị truyền thống, kinh nghiệm, tri thức bản địa của người dân trong bảo vệ rừng, niềm tin vào rừng tâm linh. Tìm hiểu vai trò của rừng cộng đồng, rừng tâm linh, đưa ra bài học kinh nghiệm về quản lý rừng, góp phần duy trì và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng hôm nay và mai sau./. CHÚ THÍCH: 1 Sigmund Freud (2001), Nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo (Vật tổ và cấm kỵ), Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội: 65 - 75. 2 Dương Văn Lượng (2008), “Một số vấn đề về văn hóa tâm linh ở Việt Nam hiện nay”, Cộng sản, số 4/148. 3 Nguyễn Đăng Duy (1996), Văn hóa tâm linh, Nxb. Hà Nội: 8 - 12, 27 - 29. 4 Sigmund Freud (2001), sđd: 9 - 10. 5 Nguyễn Hữu Thông, Lê Anh Tuấn, Trần Đình Hằng, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Tôn Nữ Khánh Trang, Trần Đức Sáng, Trần Thanh Hoàng (2005), Văn hóa làng miền núi Trung Bộ: Giá trị truyền thống và những bước chuyển lịch sử, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 309 - 310. Lê Anh Tuấn. Vai trò của rừng tâm linh... 15 6 Phạm Ngọc Dương (2007), Bí mật rừng cấm ở Pờ Ly Ngài, 7 Nguyên Ngọc (2005), “Rừng trong văn hóa Tây Nguyên”, in trong Tản mạn nhớ & quên, Nxb. Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh: 61 - 64. 8 Người Raglai luôn dạy bảo con cháu không bao giờ phá rừng làm rẫy, nếu phá rừng là vi phạm điều cấm kị. Luật tục Raglai đã quy định: “ Không được làm nhà ở; Không được phát nương làm rẫy bừa bãi. Người xưa tin rằng: Đỉnh núi, đỉnh đồi, rừng đầu nguồn, rừng còn nguyên. Là nơi trú ngụ của thần linh. Chặt phát rừng là xúc phạm đến thần linh. Sẽ bị các thần gây ra sạt núi, lũ lụt” (Phan Đăng Nhật, Tô Đông Hải, Sakaya, Chamaliaq Riya Tỉenq, Trần Vũ (2003), Luật tục Chăm và Luật tục Ra-glai, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội: 754). 9 Rừng thiêng K’Mrơng Prông A (xã Ea Tu, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) hiện nay vẫn giữ được nguyên sơ, gắn với câu chuyện tình giữa chàng Y Đhin và nàng H’Lăm được lưu truyền qua nhiều thế hệ cùng với lời nguyền khó lý giải: Nếu ai vào rừng vô tình nhắc đúng tên Y Đhin và H’Lăm sẽ bị thần rừng giam giữ đi mãi không ra; Những ai có ý đồ đen tối, trục lợi rừng đều phải đền tội (Chặt cây dựng nhà, lập tức nhà sập hoặc bị cháy trụi; săn bắt thú rừng sẽ gặp tai nạn hay phát bệnh điên khùng vô phương cứu chữa). 10 Ở người Katu/Cơtu vùng Bắc Trường Sơn, theo kinh nghiệm, khi đi rừng gặp cây cau rừng, cây chuối rừng thì quay lui vì những cây này được xem là cửa ngõ, bắt đầu của khu rừng thiêng. 11 Ở người Thái có loại “rừng ma”, ở người Mông, người Tày có loại “rừng cấm”, về hình thức rất giống với “rừng cãi” của người La Chí: đặt ở một khu rừng đẹp, nơi đắc địa và thường là rừng đầu nguồn hay rừng nguyên sinh, rộng lớn; có luật tục quy ước chung, người dân không được làm kinh động đến khu rừng; phải tôn trọng, bảo vệ một cách nguyên sơ, mang lại cái uy linh, huyền ảo cho rừng. 12 Ở người La Chí có hình thức gọi là rừng cãi, nơi “chôn” những điều uất ức, phiền muộn, bực bội, mất đoàn kết hay hận thù giữa các thành viên trong làng với nhau. Rừng cãi có vai trò rất quan trọng đối với đời sống cộng đồng. Vì vậy, việc đầu tiên khi lập bản lập làng là tìm và thiết lập khu rừng này. “Trong đoàn người “đi tìm rừng cãi” đó, không thể thiếu mặt một thầy cúng có uy tín trong vùng. Họ đi, hướng về phía Mặt Trời mọc, để chọn rừng. Khu rừng được chọn phải thật nguyên sơ, địa thế phải được quy tụ như thế phong thủy mà người La Chí thường xem, thường tính.... Những khu rừng được chọn làm “rừng cãi” phải có cửa rừng mở về hướng nam, hướng làm cho rừng mát mẻ. Rồi rừng phải rậm rạp, nguyên sơ, làm cho thâm nghiêm, thế đất không quá cao cũng không quá thấp, đủ để có thể quan sát được xung quanh, cách xa khu đất định lập làng lập xóm, đủ để những tiếng chặt cây, đẽo cột trong bản không vọng tới rừng...” (Nguyễn Quang, Thiếu Gia (2010), Rừng cãi (www.thanhnien.com.vn)). 13 Ở vùng núi phía Tây Bắc, “với dân tộc Thái Việt Nam, rừng - đặc biệt là rừng thiêng có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống và tâm linh. Những cánh rừng ấy không chỉ cung cấp nguồn nước mát cho các buôn làng mà còn ban tặng cho người Thái bao nhiêu sản vật quý. Bên cạnh đó, rừng còn là nơi cúng tế “Đông Xên”, nơi chôn cất những người quá cố “Đông Pá Heo”, và là nơi thờ cúng. “Bản mường dân tộc Thái, đầu mường có rừng hồn chiềng gọi là cửa xen, cuối mường có rừng hồn chiềng gọi là cửa pọng như nơi trú ngụ của linh hồn 16 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2016 bản mường, bên cạnh mường có rừng là nghĩa địa của mường gọi là chiềng kẻo, hình ảnh đó như một biểu tượng ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Vài năm một lần, bản mường tổ chức cúng rừng Xên đông. Lễ cúng diễn ra trang trọng, linh thiêng, thầy cúng đại diện cho cộng đồng cầu khẩn các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc” (Trần Văn Hạc (2010), Vài nét về rừng thiêng của dân tộc Thái (www.thiennhien.net)). 14 Nguyên Ngọc (2005), sđd: 61 - 64. 15 Lê Anh Tuấn (2001), “Lễ hội đâm trâu trong đời sống các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn - Tây Nguyên”, Thông tin Khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại Thành phố Huế, số tháng 9. 16 Tương tự như “biển động” ở các cộng đồng ngư dân ven biển, “rừng động” là quan niệm có tính phổ biến trong nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam chỉ những hiện tượng cây tự nhiên đổ, động vật nổi loạn, hoảng chạy tứ tung, chết chóc, phá phách,... 17 Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Hữu Thông (2001), Luật tục của người Tà Ôi, Cơ Tu, Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 301 - 304. 18 Dẫn theo: Lê Thị Diên (2002), “Rừng thiêng - một tập quán bảo tồn tài nguyên rừng cổ truyền của người Dao tại Chiêm Hóa - Tuyên Quang, Thông tin Khoa học Lâm nghiệp, số 2: 19 - 22. 19 Lê Thị Diên (2002), tlđd, tr. 19 - 22. 20 Lễ cúng rừng ở người Katu gọi là “Nghê bhuôi crung”, người Bru- Vân Kiều là lễ “Chéc Vát”, người Mạ là “Nhu Yang Bri” 21 Cần chú ý hơn đến khía cạnh chế tài khá đặc biệt của luật tục: không chú trọng nhiều đến việc trừng phạt tội ác, truy cứu trách nhiệm, mà hơn thế nữa nó quan tâm nhiều đến việc ngăn ngừa tội ác, khuyên răn, giáo dục đối với các hành vi vi phạm. Nhờ vậy, luật tục đã đi sâu vào đời sống người dân một cách hiệu quả. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bảo Huy (2005), Xây dựng mô hình quản lý rừng và đất rừng dựa vào cộng đồng dân tộc thiểu số Jrai và Bahnar tỉnh Gia Lai, Sở Khoa học và Công nghệ - UBND tỉnh Gia Lai. 2. Cục Lâm nghiệp và Tổ chức IUCN Việt Nam (2009), “Quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam: Chính sách và Thực tiễn”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia Quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam, Hà Nội, ngày 5/6/2009. 3. Dam Bo (J. Dournes) (2002), Rừng, đàn bà, điên loạn, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. 4. Dương Văn Lượng (2008), “Một số vấn đề về văn hóa tâm linh ở Việt Nam hiện nay”, Cộng sản, số 4/148. 5. Hoàng Thế Khang (2000), Tình hình sử dụng tài nguyên thiên nhiên tại vùng đệm Phong Điền, Huế, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT. 6. Hoàng Thị Sen (2008), “Thực trạng quản lý rừng và ảnh hưởng của nó đến sinh kế của người dân miền núi Thừa Thiên - Huế”, Kỷ yếu Hội nghị Khoa học lần I, Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung, trường Đại học Nông Lâm Huế (12- 13/4/2008). Lê Anh Tuấn. Vai trò của rừng tâm linh... 17 7. Lê Anh Tuấn (2001), “Tri thức bản địa của đồng bào Tà Ôi và vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng núi Thừa Thiên Huế”, Huế Xưa & Nay. 8. Lê Anh Tuấn (2002), “Đôi nét về luật tục truyền thống của người Cơ Tu”, Dân tộc học, số 02. 9. Lê Quang Minh (1999), “Kiến thức bản địa của một số dân tộc thiểu số trong việc quản lý sử dụng đất ở miền núi A Lưới, Huế”, Tài liệu tại Hội thảo Quốc gia Nghiên cứu về Phát triển Bền vững ở các vùng miền núi ở Việt Nam, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội. 10. Lê Thị Diên (2002), “Rừng thiêng - Một tập quán bảo tồn tài nguyên rừng cổ truyền của người Dao tại Chiêm Hóa - Tuyên Quang, Thông tin Khoa học Lâm nghiệp, số 2. 11. Nguyễn Bá Ngãi (2009), “Quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam: Thực trạng, vấn đề và giải pháp”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia Quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam: Chính Sách và Thực Tiễn, Hà Nội, ngày 5/6/2009. 12. Nguyễn Đăng Duy (1996), Văn hóa tâm linh, Nxb. Hà Nội. 13. Nguyễn Hữu Thông, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Trần Đức Sáng (2004), Katu kẻ sống đầu ngọn nước, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 14. Nguyễn Hữu Thông, Lê Anh Tuấn, Trần Đình Hằng, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Tôn Nữ Khánh Trang, Trần Đức Sáng, Trần Thanh Hoàng (2005), Văn hóa làng miền núi Trung Bộ: giá trị truyền thống và những bước chuyển lịch sử, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 15. Nguyên Ngọc (2005), “Rừng trong văn hóa Tây Nguyên”, in trong Tản mạn nhớ & quên, Nxb. Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh. 16. Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Hữu Thông (2001), Luật tục của người Tà Ôi, Cơ Tu, Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 17. Nguyễn Xuân Hồng (2002), Kinh nghiệm quản lý hệ sinh thái nhân văn trong vùng người Tà Ôi, CơTu, Bru-Vân Kiều Thừa Thiên - Huế, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 18. Nguyễn Xuân Hồng và Nhóm nghiên cứu (2009), “Sở hữu của làng đối với rừng cộng đồng truyền thống trong các dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế: Rừng tâm linh”, Kỷ yếu Hội thảo đánh giá dự án JICA: Nâng cao năng lực thích ứng và sinh kế bền vững của cộng đồng nhằm đối phó với thảm họa ở miền Trung Việt Nam, Huế, ngày 28/4/2009. 19. Nguyễn Xuân Hồng, Lê Anh Tuấn (2013), “Vai trò của rừng tâm linh, rừng cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Văn phòng Quốc hội - Trung tâm Thông tin, Thư viện & Nghiên cứu khoa học, Hà Nội. 20. Sigmund Freud (2001), Nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo (Vật tổ và cấm kỵ), Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội. 21. Tổng cục lâm nghiệp - Viện điều tra quy hoạch rừng - Trust Fund for Forest (2013), Lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam: thực trạng và định hướng chính sách, Hội thảo Quốc tế, Huế, ngày 3-5/4/2013. 22. Vương Xuân Tình (2001), “Tái lập quản lý cộng đồng về đất đai ở các buôn làng Tây Nguyên”, in trong Kỷ yếu Hội thảo Luật tục ‑ Hương ước và những vấn đề phát triển kinh tế xã hội ở buôn làng các dân tộc Tây Nguyên, Pleiku. 18 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2016 Abstract THE ROLE OF THE SPIRITUAL FORESTS IN LIFE OF ETHNIC MINORITIES IN THE VIETNAM’S CENTRAL MOUNTAINOUS AREA For ethnic minorities residing in the Vietnam’s central mountainous area, the meaning of forest does not simply refer to materials, environment, and resources but also the spiritual culture. The spiritual forest has been located in the consciousness and life of the ethnic minorities for a long time. It is based on the concepts of the universe, animism and represented in the forms of forest of the sacred and forest of ghosts. Religious beliefs formed spiritual forests in Vietnam and in other countries in the world and this helped preserving truly primitive forests. Moreover, spiritual forests have played an important role in the material, spiritual, and social lives of the ethnic minorities. The role of the spiritual forests in the social life can be seen in the activities of maintaining and creating the social space where people practise and hand down customs, indigenous knowledge, taboos associated with forest trees, wild animals, rituals with offerings for the god of forest, etc. Therefore, the spiritual forest is a valuable asset of the ethnic minority communities in the Vietnam’s central mountainous area. Keywords: Spiritual, forest, sacred, ethnic minorities, customary law, traditional management, central mountainous area, Vietnam.
File đính kèm:
- vai_tro_cua_rung_tam_linh_trong_doi_song_cua_cac_toc_nguoi_t.pdf