Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông
Ngày nay, cùng với sự gia tăng tỷ lệ đô thị hóa, người dân đô thị ngày
càng mất đi không gian tự nhiên và các nét văn hóa cộng đồng. Du lịch nông
thôn trở nên thu hút sự quan tâm, vì là một hình thức nghỉ ngơi, tham quan
một vùng nông thôn nhằm mục đích trải nghiệm những hoạt động, sự kiện
hoặc nét hấp dẫn riêng của vùng nông thôn mà các đô thị không có được. [8].
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch được tổ chức ở địa bàn nông thôn
trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên tại chỗ nhằm thỏa mãn các nhu cầu
đa dạng của du khách như thực phẩm tươi sạch và không gian sinh hoạt của
các nông hộ, các cộng đồng nông nghiệp còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng văn
hóa truyền thống. Đồng thời, việc phát triển du lịch nông thôn sẽ có những tác
động tích cực góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương vùng nông
thôn; tạo cơ hội việc làm qua đó làm thay đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao trình
độ người lao động và hạn chế tình trạng xuất cư từ nông thôn. Du lịch nông
thôn còn góp phần tích cực trong việc phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa
truyền thống, thúc đẩy giao lưu văn hóa và kinh tế giữa các vùng miền [1].
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông
54 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6-7 (104-105) . 2013 TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN TẠI HUYỆN ĐẮK MIL, TỈNH ĐẮK NÔNG Ngô Thanh Loan* I. Đặt vấn đề Ngày nay, cùng với sự gia tăng tỷ lệ đô thị hóa, người dân đô thị ngày càng mất đi không gian tự nhiên và các nét văn hóa cộng đồng. Du lịch nông thôn trở nên thu hút sự quan tâm, vì là một hình thức nghỉ ngơi, tham quan một vùng nông thôn nhằm mục đích trải nghiệm những hoạt động, sự kiện hoặc nét hấp dẫn riêng của vùng nông thôn mà các đô thị không có được. [8]. Du lịch nông thôn là loại hình du lịch được tổ chức ở địa bàn nông thôn trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên tại chỗ nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của du khách như thực phẩm tươi sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các cộng đồng nông nghiệp còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng văn hóa truyền thống. Đồng thời, việc phát triển du lịch nông thôn sẽ có những tác động tích cực góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương vùng nông thôn; tạo cơ hội việc làm qua đó làm thay đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ người lao động và hạn chế tình trạng xuất cư từ nông thôn. Du lịch nông thôn còn góp phần tích cực trong việc phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy giao lưu văn hóa và kinh tế giữa các vùng miền [1]. Du lịch nông thôn không chỉ gói gọn trong một loại hình du lịch nhất định, nó có thể bao gồm nhiều loại hình du lịch trong một không gian lãnh thổ của một vùng nông thôn thuộc địa phương nào đó. Phát triển du lịch nông thôn là phát triển theo hướng mở rộng và khai thác các mối liên kết giữa các loại hình du lịch ở địa phương nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của tổ chức làm du lịch và lợi ích của cộng đồng địa phương, có sự tham gia của cộng đồng và sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương nhằm góp phần phát triển nông thôn của địa phương theo định hướng bền vững [2]. Du lịch nông thôn đã được phát triển ở nhiều nước trên thế giới với những cách thức, hình thức tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, ở nước ta cho đến nay du lịch nông thôn vẫn dừng lại ở mức là những hoạt động đơn lẻ, ngành du lịch chưa xây dựng lý luận, phương hướng phát triển rõ ràng cho loại hình kinh tế du lịch quan trọng này tại một nước nông nghiệp như Việt Nam. Về phía các địa phương, cũng rất ít nơi có chính sách cụ thể, định hướng phát triển đối với loại hình du lịch này [3]. Tỉnh Đắk Nông có diện tích đất nông nghiệp là 306.749ha, chiếm 47% tổng diện tích tự nhiên, chủ yếu là đất xám, đất đỏ bazan và đất phù sa ven sông suối. Với tài nguyên đất đai như trên, Đắk Nông có nhiều thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, chè, tiêu, * Bộ môn Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6-7 (104-105) . 2013 55 điều; đồng thời phát triển một diện tích lớn cây lương thực như lúa, ngô và các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác. Bên cạnh đó, diện tích đất có rừng là 279.510ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 42,9% [4]. Với cơ cấu ngành trồng trọt đa dạng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu thuận lợi, Đắk Nông có đầy đủ tiềm năng để thu hút du khách đến với những trải nghiệm nông nghiệp thú vị. Qua bài viết này, chúng tôi chọn huyện Đắk Mil làm ví dụ điển hình để phân tích các tiềm năng và đề xuất một vài hướng phát triển cho du lịch nông thôn tại tỉnh Đắk Nông. II. Tài nguyên du lịch của Đắk Mil Huyện Đắk Mil nằm về phía đông bắc của tỉnh Đắk Nông, cách thị xã Gia Nghĩa 60km theo quốc lộ 14. Diện tích tự nhiên khoảng 682km2, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 25.174ha, đất nông nghiệp chiếm 36.872ha, chủ yếu là đất đỏ bazan, thích hợp với cây cà phê, hồ tiêu và nhiều loại cây nông, công nghiệp khác. Đắk Mil hiện có khoảng 19.000ha cà phê, trong đó tập trung ở các xã Thuận An, Đắk Lao, Đức Mạnh, Đức Minh [4]. Địa hình Đắk Mil có độ cao trung bình 500m so với mặt nước biển, vùng phía bắc huyện từ 400-600m và phía nam huyện từ 700-900m, phần lớn địa hình có dạng đồi lượn sóng nối liền nhau bị chia cắt bởi nhiều sông suối nhỏ, xen kẽ là các thung lũng nhỏ, bằng phẳng. Đắk Mil là khu vực khí hậu mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, mỗi năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến hết tháng 11, tập trung trên 90% lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 12 đến hết tháng 3 năm sau, lượng mưa không đáng kể. Nhiệt độ bình quân 22,3oC, ẩm độ không khí bình quân năm là 85%, lượng mưa bình quân 2.513mm. Điều kiện khí hậu thích hợp với nhiều loại cây trồng vật nuôi vùng nhiệt đới có giá trị kinh tế cao; đồng thời thích hợp cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Trong địa bàn hành chính của thị trấn Đắk Mil (huyện Đắk Mil) có Hồ Tây, là một công trình thủy lợi được xây dựng vào năm 1940 nhằm cung cấp nước cho việc tưới tiêu một diện tích cà phê rất lớn ở khu vực này. Đến năm 1982, huyện Đắk Mil đã đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt hồ như hiện nay. Hồ Tây có diện tích mặt nước khoảng 108ha, điểm sâu nhất của hồ khoảng 15- 17m. Do không có nguồn nước các sông suối đổ vào mà chỉ có các mạch nước ngầm và nước mưa lắng đọng nên nước Hồ Tây quanh năm trong xanh và chưa bao giờ cạn. Các loài thủy sinh vật của hồ rất phong phú, theo kết quả công bố của các nhà nghiên cứu thì có tới 500 loài [4, 5]. Hồ Tây được xem là một trong những hồ đẹp nhất Tây Nguyên. Phía đông của hồ là khu vực trung tâm của thị trấn Đắk Mil, phía nam và tây nam hồ là rừng cà phê, ca cao bạt ngàn. Do hồ nằm sát thị trấn Đắk Mil sầm uất và ngay cạnh quốc lộ 14, lại có phong cảnh rất đẹp nên đã được quy hoạch thành một khu công viên của thị trấn với chu vi 10km [6]. Bên cạnh các lợi thế tự nhiên, Đắk Mil còn có nhiều tài nguyên nhân văn độc đáo. Thành phần dân tộc của huyện Đắk Mil khá đa dạng, có tới 19 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm 80% dân số toàn huyện, dân tộc ít người tại 56 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6-7 (104-105) . 2013 chỗ chiếm 8,6%; chủ yếu là dân tộc Mơ Nông, dân tộc Ê Đê; dân tộc ít người khác là đồng bào dân tộc có nguồn gốc từ các tỉnh miền núi phía bắc như Tày, Nùng, Dao, H’Mông Sự đa dạng về thành phần dân tộc đã mang đến cho Đắk Mil những sinh hoạt văn hóa hết sức độc đáo: những lễ hội văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc (cồng chiêng) và kiến trúc cổ truyền nhà sàn, nhà dài, trong đó nhiều thế hệ chung sống. Đặc biệt, Đắk Mil là một trong những nơi phát hiện ra đầu tiên hình thức văn hóa dân gian “sử thi”, được xem là một thể loại văn học truyền miệng có quá trình văn hóa-lịch sử lâu đời đặc trưng của vùng Tây Nguyên [4]. Nhà ngục Đắk Mil được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và cùng với khu di tích lịch sử Đồi 722 - Đăk Săk, là những di tích ghi dấu sự đóng góp của quân và dân Đắk Mil vào công cuộc kháng chiến giải phóng đất nước. Với các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, Đắk Mil có tiềm năng để phát triển thành một điểm du lịch có sức thu hút du khách trong và ngoài nước. III. Các hình thức du lịch Như đã phân tích ở trên, du lịch nông thôn gồm nhiều loại hình có thể tổ chức trên địa bàn nông thôn. Chúng tôi xin đề xuất 4 hình thức du lịch nông thôn có thể phát triển ở Đắk Mil là: 1. Du lịch tự nhiên, mang tính chất tham quan, giải trí: với nhiều thắng cảnh tại Đắk Mil và khu vực phụ cận, đây là hình thức khai thác du lịch có nhiều thuận lợi để tổ chức: - Hồ Tây Đắk Mil sẽ là điểm dừng chân, tham quan tuyệt đẹp, là điểm trung chuyển trung tâm của một loạt các danh lam thắng cảnh quanh vùng. - Từ trung tâm Đắk Mil du khách có thể tham quan cụm thác Gia Long - Đray Sap - Đray Nur - Trinh Nữ cách 30km theo tỉnh lộ 3; Vườn Quốc gia Buôn Đôn cách 50km theo quốc lộ 14C. - Hoặc du khách có thể ngược về phía nam đến thị xã Gia Nghĩa cách 65km, qua các điểm tham quan như thác Ba Tầng, thác Diệu Thanh, chùa Pháp Hoa 2. Du lịch văn hóa, lịch sử của địa phương: như viếng thăm khu di tích lịch sử Ngục Đắk Mil và khu di tích lịch sử Đồi 722. Đến với Đắk Mil ngoài việc tham quan các di tích lịch sử, du khách còn được tham dự những lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc như lễ hội đâm trâu (ăn trâu), lễ mừng nhà mới, lễ mừng mùa, lễ bỏ mả; xem những điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc (cồng chiêng) và bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức những món ẩm thực mang đặc trưng của vùng Tây nguyên như cà đắng, cơm lam, rượu cần... 3. Du lịch cộng đồng làng xã: trong đó du khách chia sẻ sinh hoạt hàng ngày với người dân địa phương và dân làng được hưởng các lợi ích kinh tế do các hoạt động du lịch mang lại. Mô hình đón khách lưu trú tại nhà (homestay) sẽ là phương thức lý tưởng để du khách được gặp gỡ những cư dân hiền lành và mến khách, thăm các nhà vườn xinh xắn, dạo chơi trong vùng hay nghỉ lại quanh các thắng cảnh, được sống trong không gian bao la của núi đồi cùng hương hoa cà phê, được thưởng thức ly cà phê hay những trái bơ, xoài, sầu riêng đặc sản của Đắk Mil [6]. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6-7 (104-105) . 2013 57 4. Du lịch nông nghiệp: trong đó khách du lịch tham quan và tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống, không phá hoại, hay làm giảm năng suất cây trồng của địa phương [7]. Mô hình “một ngày làm nông dân” đã được một số địa phương thử nghiệm và đã đúc kết thành những kinh nghiệm quý như ở đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long)., Trà Quế (Hội An), phát triển du lịch biển có sự tham gia của cộng đồng bảo vệ sinh vật biển (Cù Lao Chàm, Quảng Nam), làng hoa (Đà Lạt) Đến Đắk Mil mùa thu hoạch cà phê hay cùng thu hoạch mủ cao su với nông dân chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên đối với du khách. IV. Một số hạn chế Mặc dù có nhiều tiềm năng như đã phân tích ở trên, việc phát triển du lịch nông thôn ở Đắk Mil trước mắt có những khó khăn cần được lưu tâm: 1. Loại hình này phù hợp với du khách đại chúng, thường xuất phát từ các khu vực đô thị, muốn tìm hiểu về đời sống và hoạt động sản xuất của người nông dân, thưởng thức các đặc sản của địa phương. Đối với Đắk Mil nguồn khách này sẽ chủ yếu từ TP Hồ Chí Minh và một số đô thị nhỏ phụ cận (bao gồm cả khách trong nước và khách du lịch quốc tế). Khoảng cách, thời gian di chuyển sẽ là yếu tố cần được tính toán để có những chương trình du lịch phù hợp với các đối tượng du khách khác nhau từ điểm xuất phát này. 2. Cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch cần được đầu tư thêm để tạo sự thoải mái cho khách du lịch, tăng tính hấp dẫn của điểm đến. 3. Bên cạnh các khó khăn khách quan trên, Đắk Mil còn gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với các trung tâm du lịch khác ở Tây Nguyên là Lâm Đồng và Đắk Lắk. Việc tránh trùng lặp, tạo được sản phẩm đặc thù là điều quan trọng để thu hút khách đến Đắk Nông. 4. Du lịch Đắk Mil mang tính mùa vụ, do vậy cần có nhiều hoạt động để đảm bảo thu nhập thường xuyên cho người dân địa phương, để họ thực sự được hưởng lợi từ hoạt động du lịch, bên cạnh việc duy trì những hoạt động nông nghiệp của mình. 5. Cuối cùng, việc đào tạo nhân lực du lịch (quản lý, kinh doanh và chuyên môn), nâng cao nhận thức của người dân và hướng dẫn họ tham gia vào hoạt động du lịch sẽ đòi hỏi thời gian và đầu tư để tránh tình trạng phát triển du lịch tự phát, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, môi trường du lịch của địa phương. V. Kết luận Nông thôn Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức mới, trong đó có việc nông dân bỏ làng lên thành phố sinh sống; cấu trúc làng xã truyền thống đang dần bị phá vỡ. Tại một địa phương có đa số dân số sống ở khu vực nông thôn và sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp như tỉnh Đắk Nông, vấn đề việc làm và tạo thêm thu nhập cho người dân ở nông thôn có ảnh hưởng lớn tới công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng các mô hình nông thôn mới. Đối với khu vục đô thị, du lịch nông thôn đưa người dân thành thị trở về gần với thiên nhiên hơn, quý trọng giá trị của sản xuất nông nghiệp và truyền thống nông thôn, tăng cường sự gắn kết giữa nông thôn và thành thị. 58 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6-7 (104-105) . 2013 Đắk Mil nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông thôn. Tạo sinh kế bền vững cho người dân gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp qua hoạt động du lịch là một hướng đi hiệu quả và bền vững. Để biến tiềm năng này thành hiện thực cần có định hướng chiến lược, quy hoạch chung của tỉnh, tạo được sự liên kết giữa các địa phương, xây dựng các dự án khả thi và đầu tư thích đáng cho nguồn nhân lực. N T L TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trung tâm Năng suất Việt Nam, Phát triển du lịch nông thôn: cần chú trọng chất lượng dịch vụ, can_chu_trong_chat_luong_dich_vu/ 2. Bùi Thị Lan Hương, Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nông thôn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý tài nguyên môi trường, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (bảo vệ cấp đơn vị chuyên môn tháng 11/2013). 3. Trang tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Du lịch nông nghiệp: Để lối nhỏ thành đường, bài 1, 2, 3 và 4, id=62 4. Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Nông, nguyen-thien-nhien.aspx 5. Trang thông tin điện tử Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Đắk Nông, Hồ Tây, điểm du lịch hấp dẫn tại thị trấn Đăk Mil, mi-du-lch/im-n-du-lch/4632-h-tay-im-du-lch-hp-dn-ti-th-trn-k-mil 6. Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hồ Tây - Dak Mil, dak-mil.html 7. Du lịch nông nghiệp: Hướng đi mới cho nông thôn Việt Nam? vn/vn/Tin-Tuc/thong-tin-ve-linh-vuc-nong-nghiep/du-lich-nong-nghiep-huong-di-moi-cho- nong-thon-viet-nam/ 8. Sebastian Wieczorek, Rafal Rouba, Rural tourism course, php?option=com_docman&task=doc_view&gid=25 TÓM TẮT Đắk Mil là huyện vùng cao thuộc tỉnh Đắk Nông, có cơ cấu ngành trồng trọt đa dạng, cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu thuận lợi. Vì vậy, Đắk Mil có đầy đủ tiềm năng để thu hút du khách đến với những trải nghiệm nông thôn thú vị. Qua bài viết này, chúng tôi đề xuất việc phát triển các hình thức du lịch nông thôn tại Đắk Mil, nhằm tạo điều kiện khai thác các tiềm năng của địa phương, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương, ABSTRACT POTENTIALS OF DEVELOPING RURAL TOURISM IN ĐẮK MIL DISTRICT, ĐẮK NÔNG PROVINCE Located in the highland of Đắk Nông Province, Đắk Mil possesses a diversified agricultural structure, beautiful landscapes and favorable climate conditions that offer Đắk Mil full potentials to attract tourists to experience the charm of its countryside. This article aims to propose some forms of rural tourism in Đắk Mil in order to exploit its tourism resources as well as to diversify economic activities and to improve income for local people.
File đính kèm:
- tiem_nang_phat_trien_du_lich_nong_thon_tai_huyen_dak_mil_tin.pdf