Quân đội xứ Đàng Trong: Tượng binh

Trong Nam triều công nghiệp diễn chí, Nguyễn Khoa Chiêm tường thuật

một trận quân Nguyễn sử dụng voi để uy hiếp tinh thần của lính Đàng Ngoài khá

thú vị trong lần cuối cùng quân Trịnh đánh Đàng Trong năm 1672 như sau: Hiệp

Đức hầu Nguyễn Phúc Hiệp “sai Cai đội Thắng Lâm điều khiển đoàn voi trận

hơn sáu mươi con, sửa sang khí giới uy nghiêm tề chỉnh, dàn hàng ở phía trong

Lũy Cát, mở cửa Đông Bắc cho voi đi từ từ ra bãi cát Trường Sa, rồi vòng lại đi

vào lũy ở cửa Tây Nam. Cứ cho voi vòng đi vòng lại như thế từ giờ Thìn đến giờ

Ngọ, tưởng như voi đi không bao giờ hết. Lại truyền cho đội thủy quân sai lấy bốn

chiếc thuyền nhỏ, buổi sáng chèo ra ngoài khơi cửa Ròn, buổi chiều quay lại cửa

Nhật Lệ để thám thính tình hình quân giặc, làm như kế hư hư thực thực”. Quân

Bắc ở bên kia sông nhìn qua, chỉ thấy một phía voi đi ra mà không thấy phía voi

đi vào, sợ hãi bảo nhau: “Nam trấn nhiều voi thật, phải đến năm sáu nghìn con

chứ không ít, quân Nam hùng cường như thế, ai dám ra mà đương đầu. Hơn nữa,

tướng bên Nam cao mưu diệu kế, nếu họ cho voi tràn sang bên ta, đàn voi ấy ầm

ầm xông tới xéo nát tất cả thì quân ta ắt chết mất xác cả”. Tướng Trịnh là Hào

Man hầu Lê Thì Hiến bán tín bán nghi, bèn chọn người giỏi ăn nói đến đồn lũy

hỏi quân Nam đang tính làm gì. Quân Nam trả lời: “Đó là chưa đầy một phần số

voi theo hộ giá nguyên súy tướng công. Đầu tháng này vì trời mưa, đường sá lầy

lội, nay trời nắng ráo cho voi đi dạo phơi nắng để tăng phần hùng tráng chứ có

ý gì đâu. Còn như thuyền con ra vào ngoài khơi thì đó là nghề nghiệp làm ăn thả

lưới câu cá của bọn ngư dân chứ có gì khác. Các ngươi muốn đánh thì cứ dẫn

quân đến đây, đừng gặng hỏi vu vơ”.(1)

pdf 10 trang kimcuc 4840
Bạn đang xem tài liệu "Quân đội xứ Đàng Trong: Tượng binh", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Quân đội xứ Đàng Trong: Tượng binh

Quân đội xứ Đàng Trong: Tượng binh
61Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
* Thành phố Huế.
** Palme: Đơn vị đo chiều dài của người La Mã xưa, bằng một gang tay. BT.
QUÂN ĐỘI XỨ ĐÀNG TRONG: TƯỢNG BINH
 Lê Nguyễn Lưu*
Trong Nam triều công nghiệp diễn chí, Nguyễn Khoa Chiêm tường thuật 
một trận quân Nguyễn sử dụng voi để uy hiếp tinh thần của lính Đàng Ngoài khá 
thú vị trong lần cuối cùng quân Trịnh đánh Đàng Trong năm 1672 như sau: Hiệp 
Đức hầu Nguyễn Phúc Hiệp “sai Cai đội Thắng Lâm điều khiển đoàn voi trận 
hơn sáu mươi con, sửa sang khí giới uy nghiêm tề chỉnh, dàn hàng ở phía trong 
Lũy Cát, mở cửa Đông Bắc cho voi đi từ từ ra bãi cát Trường Sa, rồi vòng lại đi 
vào lũy ở cửa Tây Nam. Cứ cho voi vòng đi vòng lại như thế từ giờ Thìn đến giờ 
Ngọ, tưởng như voi đi không bao giờ hết. Lại truyền cho đội thủy quân sai lấy bốn 
chiếc thuyền nhỏ, buổi sáng chèo ra ngoài khơi cửa Ròn, buổi chiều quay lại cửa 
Nhật Lệ để thám thính tình hình quân giặc, làm như kế hư hư thực thực”. Quân 
Bắc ở bên kia sông nhìn qua, chỉ thấy một phía voi đi ra mà không thấy phía voi 
đi vào, sợ hãi bảo nhau: “Nam trấn nhiều voi thật, phải đến năm sáu nghìn con 
chứ không ít, quân Nam hùng cường như thế, ai dám ra mà đương đầu. Hơn nữa, 
tướng bên Nam cao mưu diệu kế, nếu họ cho voi tràn sang bên ta, đàn voi ấy ầm 
ầm xông tới xéo nát tất cả thì quân ta ắt chết mất xác cả”. Tướng Trịnh là Hào 
Man hầu Lê Thì Hiến bán tín bán nghi, bèn chọn người giỏi ăn nói đến đồn lũy 
hỏi quân Nam đang tính làm gì. Quân Nam trả lời: “Đó là chưa đầy một phần số 
voi theo hộ giá nguyên súy tướng công. Đầu tháng này vì trời mưa, đường sá lầy 
lội, nay trời nắng ráo cho voi đi dạo phơi nắng để tăng phần hùng tráng chứ có 
ý gì đâu. Còn như thuyền con ra vào ngoài khơi thì đó là nghề nghiệp làm ăn thả 
lưới câu cá của bọn ngư dân chứ có gì khác. Các ngươi muốn đánh thì cứ dẫn 
quân đến đây, đừng gặng hỏi vu vơ”.(1)
Quả thực, xứ Đàng Trong có một lực lượng tượng binh trội hơn so với xứ 
Đàng Ngoài. Theo C. Borri, “Trong vùng núi xứ Đàng Trong có rất nhiều voi, mà 
người Đàng Trong không sử dụng, vì họ không biết bắt chúng, cũng như không 
biết nuôi và luyện chúng. Người ta đưa chúng, đã được huấn luyện, từ Cao Miên, 
một vương quốc láng giềng về. Những con voi này lớn gấp đôi voi Ấn Độ, dấu 
chân chúng có đường kính không dưới 2 palmes** chiều dài đối với con đực, ở các 
con cái thì ngắn hơn nhiều. Người ta có thể kiểm tra dễ dàng về hình dáng con 
voi xứ Đàng Trong lớn hơn như thế nào so với các con [voi] người ta đem sang 
62 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
châu Âu để trình bày mà các ngà của chúng không dài quá 3 palmes”.(2) Người 
ta dùng voi để vận tải, “Voi thường chở 13 đến 14 người, họ xếp chỗ theo cách 
này: giống như người ta đặt yên ngựa, họ đặt trên lưng voi một thứ như thùng 
xe, trong đó có 4 xe ngồi, người ta cột xích dưới bụng voi như đai yên ngựa. Chỗ 
ngồi có 2 lối vào ở các phía, nơi đó 6 người ngồi, mỗi bên 3; một lối vào đàng 
sau, ở đây 2 người ngồi; và thêm một người nài, giống như người lái xe ngựa, 
ngồi trên đầu voi, chính anh ta điều khiển và dẫn dắt voi”.(3) Đặc biệt là voi dùng 
trong quân đội: “Trong trường hợp chiến tranh và trận mạc, người ta lấy đi mái 
của chỗ ngồi, tại đây những người lính chiến đấu như từ tháp canh với súng hỏa 
mai, tên và đôi khi với cả đại pháo, vì voi không thiếu sức để mang nó. Thật thế, 
voi rất mạnh, so với các con thú khác, và tôi đã từng thấy một con voi mang bằng 
vòi mình những trọng lượng lớn, một con khác nâng cao một cỗ trọng pháo và 
một con khác một mình nó đã hạ thủy 10 chiếc thuyền nhỏ, nó mang bằng ngà rất 
khéo léo và đưa xuống biển”.(4) 
C. Borri nói người Đàng Trong “không biết bắt chúng, cũng như không biết 
nuôi và luyện chúng”, nhưng đó là ở thời điểm ông đến Đàng Trong thuở ban đầu 
của chính quyền họ Nguyễn, cư dân, nhất là lính tráng chưa quen “thủy thổ”, chứ 
về sau dần dần đã có những người chuyên nghiệp bắt, nuôi và dạy voi. Phần nhiều 
họ làm nghề này cha truyền con nối, và rất được chính quyền trọng dụng, đưa vào 
diện “không thể thay thế”, để lập nên các đạo tượng binh; riêng ở Chính Dinh có 
cơ Trung Tượng, chia làm 64 đội, mỗi đội từ 6 đến 10 người, cộng 584 người, 
kèm theo là 4 tượng lương y (tức 4 thầy thuốc để chữa bệnh cho voi).(5) 
Theo nghiên cứu của bà Li Tana, trong lúc xứ Đàng Ngoài phải mua voi từ 
Lào, và lực lượng quân đội có khoảng 100 con, thì “Ngược lại, Đàng Trong được 
lợi thế lớn là có thể kiếm được nhiều voi ngay tại chỗ. Trừ vùng Quảng Nam ra 
thì hầu như vùng nào cũng có voi. Nguồn voi dồi dào này có thể khiến chúng ta 
tin được một bài báo cáo của Hà Lan nói là vua Đàng Trong vào năm 1642 có 
đến 600 con voi”.(6) Thật là lợi hại! Không lạ gì quân đội Đàng Trong đã sáu lần 
đẩy lùi sự xâm lấn của họ Trịnh. Năm 1694, chúa Nguyễn Phúc Chu “chiêu đãi” 
nhà sư Thích Đại Sán một cuộc thao diễn trận voi, nhà sư kể lại trong cuốn Hải 
ngoại kỷ sự: “Thuyền chèo quanh co chừng 10 dặm, nghe trong khói mù có tiếng 
ồn ào, nội giám bảo rằng: “Đã đến nơi”. Nhìn lên thấy người đi xem, đàn ông 
đàn bà đứng bao quanh bốn năm dặm. Quân hầu nạt người tránh, dẫn đường đi 
trước. Vương lên đài ở trung ương, xưởng vương tượng gần một bên, chứa toàn 
những voi cao lớn. Tả hữu la liệt những đồn lính và xưởng tượng, cỏ rơm và mía 
để chất đầy đống. Lúc dàn trận, voi sắp từng hàng 10 con, đứng ở phía tây, mỗi 
con trên lưng đặt một cỗ yên bằng gỗ sơn đỏ, hình như cái hộc. Trong hộc, có 
3 người đứng, đầu đội hồng kim khôi, mình mặc áo nhung lục, tay cầm kim câu 
63Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
trường thương, một tên nài cầm câu liêm ngồi trên vai voi. Phía đông, 500 quân 
cầm đao thương và đuốc châm lửa, xây mặt về phía voi đứng. Đằng sau đài đặt 
những bù nhìn bện rơm như hình quân lính. Cờ lệnh trên đài phất lên. Ba quân 
múa đao thương, nhằm hàng voi xông tới. Hỏa khí đốt lên, khói bay mù mịt, voi 
vẫn đứng yên. Bỗng chốc, trống đồng đánh liên hồi, các quân phấn dõng xông 
vào voi, bọn nài bổ câu liêm vào đầu, võ sĩ đâm vào đùi. Bầy voi chạy thẳng đến 
rượt đuổi. Quân lính lui tránh; mỗi con voi lấy vòi quấn một bù nhìn bằng rơm 
đem về. Thớt voi nào chạy hơi chậm, liền bị thương đâm búa bổ, chảy máu đứt 
da, đến đỗi có con quá mệt, phục quỵ không thể dậy nổi. Tan trận, lấy đó phân 
hơn thua”.(7) Nhà sư còn làm bài Thao tượng hành (Bài ca diễn tập trận voi), xin 
trích đoạn đầu bản dịch như sau:
Quốc vương thành tâm việc cung dưỡng
Rước ta đi thuyền xem tập tượng
Ban mai sương khói đương mịt mờ
Gió thổi mặt sông nước nhấp nhoáng
Mười dặm đã đến Diễn Võ Trường
Bốn bên người đứng như vây tường
Vương ngồi cao đài mặc long cổn
Cẩm bào thị vệ cầm đao thương
Voi Việt Nam như ngựa Ký Bắc
Từng bầy đồng cao ăn rải rác
Người đem voi cái đi dụ về
Buộc chân gốc cây giam đói khát
Dụ về nuôi dưỡng mấy lâu nay
Nước nhà nuôi tượng hậu hơn người
Lúa đậu lương ăn ngày một hộc
Quân sĩ cắt cỏ lo hằng ngày
Nửa tháng trước ngày ra điểm thí
Voi đực voi cái chia từng đoàn
Mỗi đoàn năm mươi lính tập luyện
Lúc tiến lúc thối nghe lệnh tràn
Tháng Tư ngày dài, buổi ban mai
Nón hồng mũi bạc tuốt sáng ngời
Đứng trên lưng voi ba võ sĩ
Tay cầm xà mâu dáng hùng oai
Phía đông (?) mười voi làm một đội
64 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
Phía tây (?) quân sĩ năm trăm người(*)
Cờ trắng phất lên quân sĩ tiến
Hò reo đốt lửa khói mù trời
Cờ trắng hạ xuống phất cờ xanh
Nài cứ đầu voi bủa chan chát
Voi quật bù nhìn cuốn đem về
Mau thì có thưởng chậm bị phạt
Bỗng chốc tập xong định hơn thua
Xiết bao máu chảy, thịt da nát
Xiết bao khó nhọc qụy sa trường
Lính bị roi đòn quan bị cách...
Sau cuộc tập trận voi, chúa kể với sư: “Bản quốc có những tê ngưu và voi 
đi từng bầy trong núi. Muốn bắt voi sống, người ta đem hai con voi cái thuần đi 
dụ, voi cái kèm voi rừng cho người ta lấy dây lớn cột chân vào gốc cây, giam cho 
đói khát ít ngày, rồi người nài lần đến gần, cho ăn uống. Lâu dần quen, hai voi 
cái bèn kèm voi mới về giao cho một viên quản tượng. Thường thường có 50 lính 
coi việc diễn tập. Mấy năm gần đây, những trận đánh với Đông Kinh (Hà Nội), 
Chiêm Thành, quân ta thắng trận phần lớn nhờ sức voi vậy”.(8) Những lời này 
chứng tỏ sau thời gian đầu xa lạ, người xứ Đàng Trong đã học tập được phép bắt 
voi, nuôi voi và điều khiển voi. Chúng tôi xin dẫn chuyện “Một con người - ba 
triều đại” để thấy rõ tầm quan trọng của lính tượng binh.
Mới đây, chúng tôi phát hiện được tại nhà thờ họ Hoàng, làng Nguyệt Biều 
một bản sắc phong đề niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45 (1784), loại giấy bồi dày (kích 
cỡ chưa đo đạc được), nền màu vàng nhạt, hoa văn những vòng tròn lớn và nhỏ, 
vẽ rồng lượn trong mây (long ẩn vân). Văn viết 7 dòng, chữ lối khải thư, chân 
phương, ngay thẳng nhưng bay bướm, các nét hất lên bên trái thường uốn mềm, rất 
khác chữ Đàng Trong. Nội dung phong chức Bá hộ cho Hoàng Trọng Thảo, người 
làng Nguyệt Biều, huyện Hương Trà (nay là phường Thủy Biều, thành phố Huế). 
Ở dòng niên đại đóng dấu ấn vuông cỡ 11,0 x 11,0cm, đường gờ viền dày 01,0cm, 
mép trên đè lên giữa chữ “興 Hưng” niên hiệu; mặt ấn khắc bốn chữ triện 敕命之
寶 Sắc mệnh chi bảo, đường nét đều đặn, dày khoảng 00,4cm. Chúng tôi xin dẫn 
dịch (có một chữ chưa đọc được vì nhìn qua ảnh chụp mờ quá):
敕香茶縣月瓢社隊長黃仲討為順廣道右中象隊土兵守禦封疆壬寅年奉嗣王
初政準及諸軍翊戴功一體霑覃許〇百戶職可為奮力將軍號令司壯士百戶下秩故敕 
景興四十五年七月二十七日 
* Vị trí đội hình của voi và quân sĩ (đông - tây) ngược với phần mô tả của chính Thích Đại Sán 
đã dẫn ở trên. Chưa rõ do đâu! BT.
65Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
Phiên âm:
Sắc: Hương Trà huyện, Nguyệt Biều xã Đội trưởng Hoàng Trọng Thảo vi 
Thuận Quảng đạo Hữu Trung Tượng đội thổ binh, thủ ngự phong cương, Nhâm 
Dần niên phụng Tự vương sơ chính, chuẩn cập chư quân dực đái công nhất thể 
triêm đàm, hứa ... Bách hộ chức, khả vi phấn lực tướng quân hiệu lệnh. Ty (tư) 
Tráng sĩ bách hộ hạ trật. Cố sắc.
Cảnh Hưng tứ thập ngũ niên thất nguyệt nhị thập thất nhật.
Dịch nghĩa:
Ban sắc cho: Đội trưởng Hoàng Trọng Thảo người xã Nguyệt Biều, huyện 
Hương Trà, là lính địa phương của đội Hữu Trung Tượng trong đạo Thuận Quảng, 
đóng giữ biên giới, năm Nhâm Dần, Tự vương buổi đầu coi việc chính sự, chuẩn 
cho các quân có công phò tá được nhuần gội ơn trên, một thể ban chức Bách hộ 
(hay Bá hộ). Hãy hết sức cố gắng theo hiệu lệnh của tướng quân. Ngạch trật dưới 
Tráng sĩ bách hộ.
Ngày 27 tháng Bảy năm Cảnh Hưng thứ 45 (11/9/1784)
Tờ sắc được ban trong thời gian quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân. Hai chữ 
嗣 王 Tự vương chỉ chúa Trịnh mới nối ngôi, không phải vua Lê (vua Lê là hoàng 
đế, 嗣皇 Tự hoàng). Trịnh Sâm lên ngôi tháng Giêng năm Đinh Hợi (khoảng tháng 
2 năm 1767), mất ngày 13 tháng Chín năm Nhâm Dần (19/10/1782). Trịnh Cán nối 
ngôi, tước Điện Đô Vương, hơn một tháng thì bị quân Tam phủ phế mà lập Trịnh 
Khải ngày 24 tháng Mười năm Nhâm Dần (28/11/1782), tước Đoan Nam Vương. 
Như vậy, Hoàng Trọng Thảo có thể là lính tượng quân cũ của chúa Nguyễn, tiếp 
tục phục vụ quân Trịnh với chức Đội trưởng.(9) Chắc ông từng ra Thăng Long và có 
tham gia vào cuộc đảo chánh năm 1782, phế Trịnh Cán, lập Trịnh Khải.(10) Sau khi 
Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân, ông Hoàng Trọng Thảo chắc cũng về với Tây Sơn 
từ năm 1786, nhưng không có tờ sắc nào, có lẽ vì bị thất lạc, nhưng tại nhà thờ họ 
Hoàng làng Nguyệt Biều, chúng tôi lại phát hiện thêm một tờ phó đề năm Bảo Hưng 
thứ nhất (nguyên niên), khổ giấy chưa đo được, xếp lại thành hai mặt, mặt trước ghi 
nội dung, gồm 7 dòng, chữ viết lối khải hơi thảo, cũng không giống lối viết Đàng 
Trong, nội dung: “Thống soái Thiếu phó công” [Trần Quang Diệu] vâng mệnh vua 
chuẩn cho ông Hoàng Trọng Thảo làm chức Đô ty tước Diễm Đức hầu. Chúng tôi 
xin dẫn dịch như sau (có ba chữ chưa đọc được vì ảnh chụp trông không rõ):
統帥少傅公 
計欽付肇豐府香茶縣月瓢社護軍使艷黃仲討係〇象政道右象奇歷經
戰陣今著勤勞等司應〇準為都司艷德侯率本分員軍隸隨統屯官差撥攻這
66 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
遵恪師律茂建戎功待後〇成龍敕以正名分以表勤勞若厥職弗勤有軍憲在
茲欽付 
寶興元年九月初六日 
Phiên âm:
Thống soái Thiếu phó công
Kê: Khâm phó Triệu Phong phủ, Hương Trà huyện, Nguyệt Biều xã Hộ quân 
sứ Diễm Hoàng Trọng Thảo hệ ... Tượng Chính đạo Hữu Tượng cơ lịch kinh chiến 
trận, kim trứ cần lao đẳng ty (tư) ưng ... chuẩn vi Đô ty Diễm Đức hầu, suất bản 
phận viên quân lệ tùy thống đồn quan sai bát công giá ... tuân khác sư luật, mậu 
kiến nhung công, đãi hậu ... thành long sắc dĩ chính danh phận, dĩ biểu cần lao. 
Nhược khuyết chức phất cần, hữu quân hiến tại. Tư khâm phó.
Bảo Hưng nguyên niên cửu nguyệt sơ lục nhật.
Dịch nghĩa:
Thống soái Thiếu phó công
Kê: Kính vâng (mệnh vua) trao cho: Hộ quân sứ Diễm Hoàng Trọng Thảo 
người xã Nguyệt Biều, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, làm việc ở cơ Hữu 
Tượng thuộc đạo Tượng Chính, đã trải nhiều chiến trận, nay tỏ ra siêng năng chịu 
khó..., chuẩn cho làm chức Đô ty, tước Diễm Đức hầu, dẫn dắt lính của mình theo 
quan thống đồn sai phái đánh giặc... Hãy tuân theo phép quân, lập nhiều công trận, 
đợi sau khi xong việc, sẽ tâu vua ban sắc để danh phận được chính đáng, để nêu 
cao sự siêng năng khó nhọc. Nếu sơ sót nhiệm vụ, không siêng năng thì đã có phép 
quân xử trí. Nay vâng mệnh vua trao cho.
Ngày mồng 6 tháng Chín năm Bảo Hưng thứ nhất (13/10/1801)
Ta biết tháng Năm năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Phúc Ánh ra đánh Phú 
Xuân. Đồn Tư Dung thất thủ, ngày mồng 3 tháng Năm năm Tân Dậu (13/6/1801), 
Nguyễn Quang Toản cùng các quan mang theo của cải chạy ra Bắc, vất bỏ cả sắc 
ấn do nhà Thanh ban cho. Trong lúc đó, hai tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng 
bấy giờ đã chiếm được thành Bình Định, nhưng nghe tin Phú Xuân thất thủ, đang 
tính rút quân theo đường núi tiến ra Bắc để hợp lực cùng vua Cảnh Thịnh. Vào 
tháng Chín năm Tân Dậu, Trần Quang Diệu và Từ Văn Chiêu đem 18.000 quân tinh 
nhuệ đối lũy với Lê Văn Duyệt và Lê Chất, rồi ngầm sai 2.000 quân vượt thượng 
đạo để đánh úp sau lưng địch. Nhưng Nguyễn Phúc Ánh đã biết, gấp tin cho Duyệt 
và Chất đề phòng. Có thể trong tình hình khó khăn này, cần phải động viên tướng 
sĩ ra sức, nên Trần Quang Diệu(11) đã tự “vâng mệnh vua” để gia phong chức tước 
cho họ. Ông chính là “統帥少傅公 Thống soái Thiếu phó công” đóng dấu trên tờ 
67Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
phó. Dấu hình vuông, kích cỡ 10,5 x 10,5cm, đường gờ viền dày 01,0cm, mép trên 
đè lên giữa chữ “年 niên”, mặt khắc bốn chữ triện “少傅之印 Thiếu phó chi ấn”, 
nét dài, không mảnh lắm, uốn tròn mềm mại nhiều tầng, bố trí hai dòng, dòng hai 
chữ, đây là lối chữ triện đặc hữu của thời Tây Sơn.
Cuối năm ấy, Nguyễn Quang Toản đem quân vào quyết khôi phục cơ đồ, 
nhưng bị đánh tan tại lũy Trấn Ninh và lũy Đâu Mâu, lại rút ra Thăng Long. Nguyễn 
Vương đánh Thăng Long, ngày 16 tháng Sáu (17/7/1802), Nguyễn Quang Toản bỏ 
Thăng Long chạy ra vùng Hải Dương, bị dân bắt đóng cũi nạp cho quân Nguyễn, 
còn Quang Thùy thì tự sát. Nhà Tây Sơn chấm dứt! Trong quá trình chinh chiến 
giữa hai bên, tướng sĩ Tây Sơn bỏ trốn vào dân gian và ra đầu hàng họ Nguyễn 
không ít. Sách Đại Nam thực lục cũng chép nhiều thời điểm, tướng sĩ Tây Sơn ra 
hàng, Nguyễn Vương sẵn sàng cấp cho lương thực ăn đường để họ trở về quê quán, 
hoặc nếu ai tình nguyện “đái tội lập công”, thì cho biên chế vào đội ngũ, cấp chỉ 
huy thì vẫn được giữ nguyên chức tước, sai phái cầm quân đi đánh “giặc”, và tất 
nhiên họ đem hết sức để lập công chuộc tội. Không rõ ông Hoàng Trọng Thảo về 
hàng trong thời điểm nào, nhưng gia tộc hiện còn giữ một văn bản đề 嘉隆元年
十一月二十肆日申 Gia Long nguyên niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật thân 
(trình ngày 24 tháng Mười Một năm Gia Long thứ nhất, dương lịch: 30/12/1802) 
dành cho ông, không rõ nội dung vì mất phần chính; phía dưới sau dòng niên đại 
ghi “正長支艷黃仲討記 Chánh trưởng chi Diễm Hoàng Trọng Thảo ký”, đóng bên 
trái hình dấu bát giác hai cạnh bên khuyết, khắc ba chữ triện một dòng: “黃宗記 
Hoàng tông ký”. Bên phải dòng niên đại, quan phê mấy chữ và đóng dấu ấn ngay 
dưới, hình vuông cỡ 07,0 x 07,0cm, đường gờ viền 0,5cm, mặt khắc sáu chữ triện
後軍副將之章 Hậu quân Phó tướng chi chương, nét hơi mập, dày chừng 0,1cm, 
chia ba dòng, dòng hai chữ. Bấy giờ, tướng chỉ huy Hậu quân là Lê Chất, còn Phó 
tướng đây là Nguyễn Văn Biện.
Như vậy, ông Hoàng Trọng Thảo đã phục vụ lần lượt ba triều đại: Lê - Trịnh, 
Tây Sơn, Nguyễn. Có thể ngay trong thời chúa Nguyễn, ông cũng đã là một người 
lính trẻ thuộc tượng binh, trải qua lâu năm tay nghề càng cao, nên triều đại nào 
cũng sử dụng, họ Trịnh cho làm Đội trưởng, rồi cất nhắc lên chức Bách hộ (cũng 
gọi là Bá hộ, hàng chánh lục phẩm bên võ theo quan chế Hồng Đức; tổ chức quân 
sự thì mỗi quân chia làm nhiều vệ, mỗi vệ chia làm 5 sở thiên hộ, mỗi sở thiên hộ 
chia làm 10 sở bách hộ, mỗi sở bách hộ có 10 thập, mỗi thập có 2 ngũ, mỗi ngũ có 
5 lính). Có thể ông đã đóng quân tại kinh thành Thăng Long, cho nên tham gia vụ 
lật đổ Trịnh Cán, tôn phù Trịnh Khải năm 1782, nên được gia phong. Khi Nguyễn 
Huệ ra Bắc lật đổ Trịnh Khải, ông hưởng ứng theo, sau đó trở về quê hương, được 
làm Hộ quân sứ, đến năm 1801, Trần Quang Diệu tạm quyền thăng cho ông chức 
Đô ty, tước Diễm Đức hầu ngay tại mặt trận Bình Định.(12) Sau đó, có thể ông ra 
68 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
đầu hàng quân Nguyễn tại Thanh Hóa, nơi Trần Quang Diệu bị bắt, và tự nguyện 
phục vụ triều đại mới, làm Chánh trưởng chi ở Hậu quân do Lê Chất thống soái, 
cũng là một chức khá “to” bên hàng võ.(13) Trong lúc các loại lính khác phải tuyển 
mộ và điền thế, thì tượng quân được hưởng quyền “thế tập”, cha truyền con nối 
(con thường theo cha đi bắt voi, nuôi voi, nên có nhiều kinh nghiệm), vì đào tạo 
rất khó. Bấy giờ, ngoại trừ cuộc chiến chống giặc Thanh xâm lược của vua Quang 
Trung, các thế lực đều tương tranh vì lợi ích của phe phái, chẳng ai có danh nghĩa 
vì nước vì dân, không khác gì tình hình “tam phân đỉnh lập” cuối thời Hán ở Trung 
Quốc, mỗi một người cứ “chọn chúa mà thờ”, thờ chúa này không được, bỏ đi 
thờ chúa khác trong cái vòng luẩn quẩn của chế độ quân chủ phong kiến... Hoàng 
Trọng Thảo là một trong số đó
Sau thời gian chiến tranh với họ Trịnh, voi nhàn hạ hơn, ngoài các cuộc diễn 
tập, chẳng phải xông pha tên đạn, các chúa Nguyễn bày trò đấu voi cọp, đấu trường 
tổ chức trên cồn phía thượng lưu Sông Hương, nay gọi là cồn Dã Viên. Phan Thuận 
An cho biết “một chứng nhân người Pháp bấy giờ thuật lại rằng vào năm 1750, 
chúa và các quan trong triều đi trên 12 chiếc thuyền đến đậu gần cồn để xem voi 
và cọp đọ sức nhau cho đến khi 40 con voi giết chết hết 18 con cọp mới thôi. Cọp 
đã được xem là những ác thú của rừng xanh, sánh với những người chống lại triều 
đình”.(14) Đầu thời Nguyễn, trò chơi hùng tráng này vẫn được tiếp tục, nhưng diễn 
ra trên bờ nam Sông Hương, thuộc địa phận làng Dương Xuân. Người ta kể rằng 
một lần đấu, con cọp giật đứt dây trói, nhảy xuống sông tránh voi, bơi về phía long 
thuyền, vua Minh Mạng phải dùng cái sào dài để đẩy ra, rồi lính hộ vệ nhảy xuống 
thuyền con xông tới giết chết. Từ đó, vua Minh Mạng mới cho lập đấu trường 
riêng, gọi là 虎圈 Hổ Quyền (chữ Quyền đọc đúng là Khuyên).(15) 
 L N L
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Khoa Chiêm (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí, bản dịch: Ngô Đức Thọ & 
Nguyễn Thúy Nga, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 565-566.
(2) C. Borri (2003), “Bản tường trình về xứ Đàng Trong”, tạp chí Những người bạn cố đô Huế 
(BAVH), tập XVIII, năm 1931, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 371.
(3) C. Borri (2003), “Bản tường trình về xứ Đàng Trong”, tạp chí đ.d, tr. 372.
(4) C. Borri (2003), “Bản tường trình về xứ Đàng Trong”, tạp chí đ.d, tr. 375.
(5) Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 189.
(6) Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong, Nhà xuất bản Trẻ, tr. 71 - 72.
(7) Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, tr. 92.
(8) Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Sđd, tr. 92-93.
(9) Cũng như trường hợp Hoàng Trọng Thảo, gia đình họ Võ ở làng Nguyệt Biều còn lưu giữ 
một tờ lệnh chỉ của chúa Đoan Nam Vương Trịnh Khải cho Võ Bá Lộc, nguyên trước là lính 
69Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
thuộc tượng binh, được tiếp tục công tác với chức Cai đội trong đội “thổ binh” Hữu Tượng 
đạo Thuận Hóa (tờ lệnh chỉ cùng ngày 27 tháng Bảy năm Cảnh Hưng thứ 45, dương lịch: 
1784, đóng dấu ấn 端南王璽 Đoan Nam Vương tỷ). Sang thời Tây Sơn, Võ Bá Lộc vẫn được 
trọng dụng, chọn lấy vào đội voi hầu vua, hiện còn tờ sắc viết trên giấy dó khổ lớn, phong 
chức Cai đội, tước Viện Trung hầu, đề niên đại 光中二年十一月二十八日 Quang Trung nhị 
niên thập nhất nguyệt nhị thập bát nhật (Ngày 28 tháng Mười Một năm Quang Trung thứ 
hai, dương lịch 1789); sau đó, ông còn có hai tờ sắc niên hiệu Cảnh Thịnh thứ nhất và thứ 
ba (không rõ vì sao thời Cảnh Thịnh, ông được thăng chức nhưng giáng xuống tước tử, sau 
lại khôi phục tước hầu).
(10) Kèm theo bản sắc trên đây là một bản lệnh chỉ đề cùng niên đại, cùng kiểu chữ, cùng nội 
dung, của “大元帥總國政端南王 Đại nguyên súy tổng quốc chính Đoan Nam Vương”, tức 
chúa Trịnh Khải, viết trên giấy thường, đã bị mòn rách, mất nhiều chữ, nhưng chỗ dấu ấn 
còn khá rõ. Ấn hình vuông, cỡ 05,0 x 05,0cm, đường gờ viền dày 00,5cm, mặt khắc 4 chữ 
triện 端南王璽 Đoan Nam Vương tỷ, bố trí hai dòng, dòng hai chữ, nét thon, dày khoảng hơn 
00,1cm, hơi dài và gấp khúc nhưng vẫn dễ đọc. Có lẽ ấn này chỉ dùng từ năm 1782 đến năm 
1784, vì năm 1785, Trịnh Khải được tiến phong tước Sư Thượng Đoan Vương. Nguyễn 
Công Việt đã giới thiệu một hình dấu ấn khắc sáu chữ Sư Thượng Đoan Vương chi tỷ trên 
tờ lệnh chỉ Cảnh Hưng tứ thập lục niên bát nguyệt sơ tứ nhật (ngày mồng 4 tháng Tám năm 
Cảnh Hưng thứ 46, dương lịch: 1785).
(11) Trần Quang Diệu (Đại Nam liệt truyện và Đại Nam thực lục chép họ Nguyễn) gốc người 
Quảng Ngãi, tổ tiên vào ngụ ở ấp Ân Tín, huyện Hoài Ân (Bình Định), kết bạn chí thân với 
ba anh em nhà Tây Sơn. Lúc đầu ông theo Nguyễn Nhạc, sau phò giúp Nguyễn Huệ, làm Đô 
đốc. Năm 1790, ông làm Đốc trấn Nghệ An, phụ trách xây dựng Phượng Hoàng trung đô; 
việc chưa xong thì vua Quang Trung mất (1792), Nguyễn Quang Toản nối ngôi, phong ông 
làm Thiếu phó, rồi năm 1801 giao cho ông và Võ Văn Dũng vào đánh thành Bình Định. Ông 
bao vây dài ngày, cắt đường tiếp tế lương thực, Võ Tánh và Ngô Tòng Châu phải giao thành 
cho ông rồi tử tiết. Ông cảm phục, cho mai táng tử tế. Rồi nghe tin Nguyễn Quang Toản thất 
bại ở Trấn Ninh, ông đem quân đi đường núi ra Thanh Hóa, bị bắt và bị xử cực hình ở Phú 
Xuân (1802).
(12) Cũng như trường hợp Võ Bá Lộc đã nói đến ở chú 9. Trong lệnh chỉ của chúa Trịnh (đóng ấn 
Đoan Nam Vương tỷ) ngày 27 tháng Bảy năm Cảnh Hưng thứ 45 (1784), ông được cho làm 
Cai đội tại đội Hữu Tượng đạo Thuận Hóa, qua thời Tây Sơn, ông vẫn được giữ lại, nhưng 
chắc “xuống” làm lính, rồi theo tờ sắc ngày 28 tháng Giêng năm Quang Trung thứ 2 (1789), 
ông được vua cho làm Cai đội, tước Viện Đức hầu ở vệ 4 cơ Trung Tượng thuộc quân Thị 
Nội; sang triều Cảnh Thịnh, lúc đầu ông được gia Anh Dũng tướng quân, nhưng tước thì 
hạ xuống Viện Tài tử (không rõ lý do) theo tờ sắc ngày 28 tháng Tư năm Cảnh Thịnh thứ 1 
(1793), sau thăng Hùng Liệt tướng quân, chức Hộ quân sứ, tước Viện Tài hầu, theo tờ sắc 
ngày 16 tháng Mười năm cảnh Thịnh thứ 3 (1795).
(13) Theo tổ chức quân đội của Nguyễn Phúc Ánh, đơn vị lớn nhất là quân (ngoài năm quân 
Trung, Tả, Hữu, Tiền, Hậu, còn có các quân độc lập như quân Tiền Phong, quân Tiền Du, 
quân Thần Sách... đều thuộc trung ương); mỗi quân do đại tướng thống lãnh, phó tướng 
phụ tá, chia làm hai chi hay nhiều hơn, mỗi chi do chánh trưởng chi quản lãnh, phó trưởng 
chi phụ tá. Theo quan chế thời Gia Long, chức chánh chi cai cơ thuộc hàng chánh tứ phẩm. 
70 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
Vua Minh Mạng đổi chi làm vệ, mỗi vệ do vệ úy quản lãnh, phó vệ úy phụ tá; vệ úy thuộc 
hàng chánh tam phẩm hay tòng tam phẩm tùy loại quân.
(14) Phan Thuận An (2008), Huế xưa và nay, di tích & danh thắng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà 
Nội, tr. 215.
(15) Hổ Quyền được xây dựng năm 1830 ở bờ nam Sông Hương, gần đồi Long Thọ. Hai vòng 
thành bao bọc chu vi 140m, vòng ngoài cao 4,75m, vòng trong cao 5,80m, giữa hai lớp 
thành này đổ đất. Khán đài chỗ vua ngồi ở phía bắc, quay mặt về nam, bên trái có đắp bậc 
lên xuống. Phía nam vòng thành trổ năm cửa thông với 5 chuồng cọp. Người ta nuôi cọp 
thường xuyên ở 5 chuồng này, vì thế có tên gọi Hổ Quyền.
TÓM TẮT
Tượng binh là một binh chủng lợi hại của quân đội xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn. 
Điều này đã được sử sách ghi lại. Bài viết này cung cấp thêm một số tài liệu Hán Nôm phát hiện 
được tại phường Thủy Biều, thành phố Huế, liên quan đến 2 vị chỉ huy tượng binh là Hoàng Trọng 
Thảo và Võ Bá Lộc. Trong đó, Hoàng Trọng Thảo đã từng phục vụ cho cả 3 triều đại: Lê - Trịnh, 
Tây Sơn và triều Nguyễn. Qua đó có thể thấy rõ hơn vai trò của tượng binh trong các cuộc chiến 
tranh chấp quyền lực vào nửa cuối thể kỷ 18 - đầu thế kỷ 19 ở Việt Nam.
ABSTRACT
ARMY OF COCHINCHINA: ELEPHANTRY
Elephantry is recorded in history books as a dangerous army of Cochinchina during the 
reign of the Nguyễn Lords. This article provides some more Sino-Vietnamese documents dis-
covered in Thủy Biều Ward, Huế City involving two military commanders Hoàng Trọng Thảo and 
Võ Bá Lộc. Particularly, Hoàng Trọng Thảo served three dynasties: Lê-Trịnh, Tây Sơn and the 
Nguyễn. Through the article, the role of elephantry in the power conflicts in the second half of the 
18th century - early 19th century in Vietnam can be clearly seen.

File đính kèm:

  • pdfquan_doi_xu_dang_trong_tuong_binh.pdf