Nghiên cứu giải pháp khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên để phát triển sản phẩm du lịch biển tỉnh Bình Định trong điều kiện mới

Bình Định là tỉnh có nhiều lợi thế về mặt tự nhiên để phát triển các

sản phẩm du lịch biển. Sự hình thành và phát triển sản phẩm du lịch biển

Bình Định chịu tác động tổng hợp của nhiều loại tài nguyên tự nhiên. Tài

nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển du lịch biển tỉnh Bình Định khá

phong phú, đa dạng. Mặc dù có tiềm năng, nhưng trong thời gian qua du lịch

biển Bình Định vẫn còn phát triển chậm, sản phẩm còn thiếu tính cạnh tranh,

chưa xứng tầm với những tiềm năng to lớn mà địa phương đang sở hữu.

Trên cơ sở phân tích những lợi thế, cơ hội và thách thức của nguồn tài

nguyên du lịch tự nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch biển, bài viết đề

xuất một số giải pháp cơ bản để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên này

nhằm phát triển sản phẩm du lịch biển ở Bình Định trong điều kiện mới.

pdf 10 trang kimcuc 35180
Bạn đang xem tài liệu "Nghiên cứu giải pháp khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên để phát triển sản phẩm du lịch biển tỉnh Bình Định trong điều kiện mới", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Nghiên cứu giải pháp khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên để phát triển sản phẩm du lịch biển tỉnh Bình Định trong điều kiện mới

Nghiên cứu giải pháp khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên để phát triển sản phẩm du lịch biển tỉnh Bình Định trong điều kiện mới
 NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP KHAI THÁC TÀI NGUYÊN DU LỊCH 
 TỰ NHIÊN ĐỂ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH BIỂN 
 TỈNH BÌNH ĐỊNH TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI 
 VŨ ĐÌNH CHIẾN 
 Trường Cao đẳng Bình Định 
 Tóm tắt: Bình Định là tỉnh có nhiều lợi thế về mặt tự nhiên để phát triển các 
 sản phẩm du lịch biển. Sự hình thành và phát triển sản phẩm du lịch biển 
 Bình Định chịu tác động tổng hợp của nhiều loại tài nguyên tự nhiên. Tài 
 nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển du lịch biển tỉnh Bình Định khá 
 phong phú, đa dạng. Mặc dù có tiềm năng, nhưng trong thời gian qua du lịch 
 biển Bình Định vẫn còn phát triển chậm, sản phẩm còn thiếu tính cạnh tranh, 
 chưa xứng tầm với những tiềm năng to lớn mà địa phương đang sở hữu. 
 Trên cơ sở phân tích những lợi thế, cơ hội và thách thức của nguồn tài 
 nguyên du lịch tự nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch biển, bài viết đề 
 xuất một số giải pháp cơ bản để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên này 
 nhằm phát triển sản phẩm du lịch biển ở Bình Định trong điều kiện mới. 
 Từ khóa: giải pháp, tài nguyên du lịch tự nhiên, sản phẩm du lịch biển, Bình Định 
1. MỞ ĐẦU 
Bình Định nằm ở vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ trong qui hoạch chiến lược Du 
lịch Việt Nam với sản phẩm du lịch (SPDL) đặc trưng là du lịch biển gắn với các di sản 
văn hóa, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển. Bình Định được đánh giá là một trong 
những tỉnh có tài nguyên du lịch (TNDL) khá phong phú, đa dạng, gồm: Du lịch sinh 
thái biển, đảo với nhiều bãi tắm và thắng cảnh đẹp, hấp dẫn [2]. Mặc dù đã có những 
thành công bước đầu, tuy nhiên so với tiềm năng sẵn có, sự phát triển SPDL biển của 
Bình Định vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức, chưa có sản phẩm độc đáo, mang tính 
cạnh tranh cao để hấp dẫn, lưu giữ du khách nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành 
kinh tế quan trọng của tỉnh [1], [2]. Xác định lấy du lịch biển làm mũi nhọn trong chiến 
lược phát triển du lịch chung của địa phương trong giai đoạn tới [1], tỉnh Bình Định cần 
có những giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong việc khai thác 
những lợi thế về tự nhiên để phát triển các SPDL biển. Bài viết phân tích, đánh giá 
những tiềm năng, thế mạnh và khó khăn, thách thức, từ đó đề xuất một số giải pháp 
nhằm xây dựng, phát triển các SPDL biển của tỉnh Bình Định trong điều kiện có những 
thuận lợi và khó khăn, thách thức của địa phương. 
2. NHỮNG LỢI THẾ CỦA TÀI NGUYÊN TỰ NHIÊN ĐỂ PHÁT TRIỂN SẢN 
PHẨM DU LỊCH BIỂN TỈNH BÌNH ĐỊNH TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI 
2.1. Bình Định có nhiều lợi thế về vị trí địa lý để khai thác, phát triển các sản phẩm 
du lịch biển 
Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng 
điểm miền Trung, có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong giao lưu khu vực và 
quốc tế, nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc - Nam, đồng 
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế 
ISSN 1859-1612, Số 01(37)/2016: tr. 109-118 
110 VŨ ĐÌNH CHIẾN 
thời là cửa ngõ ra biển gần và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc 
Campuchia và Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển Quy Nhơn [4]. 
Về khía cạnh phát triển du lịch, Bình Định vừa tiếp giáp với các tuyến du lịch Di sản 
miền Trung, gần với biển và các tỉnh lân cận có nhiều tiềm năng về biển đảo, lịch sử - 
văn hóa của cả vùng miền Trung – Tây Nguyên; có các tuyến đường hàng không, hàng 
hải, đường bộ, đường sắt xuyên Việt đi qua. Với tư cách là một nguồn tài nguyên, trong 
điều kiện hiện nay, vị trí địa lý trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Bình Định phát triển 
các SPDL biển đảo của địa phương và liên kết các tuyến điểm du lịch với các tỉnh bạn. 
2.2. Sự đa dạng của các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên tỉnh Bình Định 
Trong các loại TNDL của tỉnh hiện nay, ưu thế nổi trội có thể nói đến là vùng biển đảo. 
Là 1 trong số 28 tỉnh thành của cả nước tiếp giáp biển, Bình Định có 134 km bờ biển, 
được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh và bãi biển đẹp. Hiện nay, tiềm năng du lịch 
biển ở Bình Định mới chỉ bắt đầu được khai thác, sự tác động của con người vào cảnh 
quan tự nhiên chưa nhiều, nên môi trường và cảnh quan tự nhiên vẫn còn trong lành, 
hoang sơ. Tận dụng tốt lợi thế này, Bình Định có thể tạo nên một thương hiệu du lịch 
độc đáo. Sự đa dạng của nguồn TNDL tự nhiên được thể hiện cụ thể dưới đây: 
- Các bãi biển: Với 134 km đường bờ biển, ven bờ biển Bình Định hiện có trên 10 bãi 
tắm với qui mô khác nhau, trong đó có những bãi tắm lớn mà chiều dài từ 2-5km và 
nhiều bãi tắm nhỏ có chiều dài dưới 1km, các bãi biển đều khá bằng phẳng, cát trắng, 
nước trong xanh, tương đối lặng sóng, ngập tràn ánh nắng, không khí trong lành và có 
cảnh quan đẹp đủ điều kiện thuận lợi để khai thác phục vụ các hoạt động du lịch biển 
(tắm biển, du lịch sinh thái biển, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng...) như: Lộ Diêu, Tân 
Phụng, Cát Tiến, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Nhơn Lý, Hải Giang, Quy Nhơn, 
Hoàng Hậu, Quy Hòa, Bãi Dài, Bãi Xép. Những bãi tắm đẹp phân bố nhiều nhất là ở 
khu vực Quy Nhơn và vùng phụ cận, rất thuận lợi cho việc lập quy hoạch và đầu tư xây 
dựng thành các cụm, tuyến du lịch biển tập trung, liên hoàn, có sức cạnh tranh cao trong 
vùng, cả nước, có thể khai thác nhiều loại hình du lịch hấp dẫn. 
- Các vịnh, đầm: Do có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên các vịnh và đầm ven biển Bình 
Định cũng có tính hấp dẫn cao trong việc tạo ra SPDL biển (tham quan, nghỉ dưỡng, 
sinh thái). Các vịnh và đầm có giá trị khai thác du lịch biển ở Bình Định như: Vịnh Quy 
Nhơn, đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ, đầm Đề Gi [6]. 
- Hệ thống đảo, bán đảo, đèo, mũi đá: Cùng với bờ biển dài, vùng biển Bình Định còn 
có hệ thống đảo, bán đảo, mũi đá với nhiều hình thù và cảnh quan đặc thù. Dọc ven bờ 
tỉnh Bình Định tồn tại 32 hải đảo lớn nhỏ, trong đó có giá trị cho khai thác du lịch là đảo 
Cù Lao Xanh, đảo Hòn Khô, đảo Hòn Đất, đảo Hòn Tranh và đảo Hòn Rùa. Vùng ven 
biển Bình Định có bán đảo Phương Mai - Núi Bà (Phù Mỹ - Quy Nhơn) đã được quy 
hoạch thành khu du lịch quốc gia, mũi đá từ đèo Bình Đê (giáp ranh với bãi biển Sa 
Huỳnh của tỉnh Quảng Ngãi), mũi Rồng - Tân Phụng (huyện Phù Mỹ), Ghềnh Ráng, 
đèo Cù Mông (TP.Quy Nhơn). Các đảo, bán đảo, mũi đá tạo ra những cảnh quan đẹp, 
có thể phục vụ ngắm cảnh, vui chơi giải trí... 
NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP KHAI THÁC TÀI NGUYÊN DU LỊCH TỰ NHIÊN 111 
- Khí hậu: Bình Định nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ thuộc khu vực gió mùa 
á xích đạo với vị trí là điểm giao nhau giữa khí hậu miền Bắc và khí hậu miền Nam 
nhưng tính hai mùa tương đối rõ nét. Sự tác động mang tính mùa của yếu tố khí hậu - 
thời tiết đối với hoạt động du lịch nói chung, du lịch biển đảo nói riêng ở Bình Định là 
không quá lớn (có thể khai thác từ tháng 3 đến tháng 10). Tóm lại, khí hậu - thời tiết 
trong tỉnh khá thuận lợi cho hoạt động du lịch, nhất là khai thác các SPDL biển. 
- Tài nguyên sinh vật : Tài nguyên sinh vật phục vụ phát triển SPDL biển đảo của Bình 
Định khá đa dạng với các loài động vật nổi, động vật đáy và một số hải sản quí khác cả 
ở khu hệ sinh vật các lưu vực nước nội địa, ven biển và vùng biển (chình Mun, cá ngừ, 
cá mú, tôm sú, tôm hùm, mực ống, mực lá, cua huỳnh đế, ghẹ, các loại ốc). Trên một 
số đảo còn có tổ yến. Ngoài ra, Bình Định còn có hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các đầm 
(rừng ngập mặn - Cồn Chim) và các rạn san hô ở các đảo ven bờ (Hòn Khô, Kỳ Co...). 
Chúng tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc sinh động và hài hòa.Tính đa dạng của tài 
nguyên sinh vật tạo ra tính đa dạng sinh học, có thể khai thác phát triển du lịch sinh thái, 
du lịch tham quan, thưởng thức ẩm thực biển. 
- Cảnh quan thiên nhiên: Bình Định với một bên là núi non trùng điệp, một bên là biển 
rộng bao la. Gạch nối giữa núi và biển là hệ thống đầm nước mặn, những dải đồng bằng 
trú phú bát ngát màu xanh của cây lúa, hoa màu và những rặng dừa ven biển. Do sự giao 
hòa của cảnh quan sơn thủy hữu tình cùng với sự tô điểm của các công trình kiến trúc 
nghệ thuật đã tạo ra cho mảnh đất này một vẻ nên thơ, nhất là thành phố biển Quy 
Nhơn. Đây là yếu tố thuận lợi trong việc khai thác thế mạnh của nguồn TNDL cho mục 
đích phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái biển [6]. 
2.3. Sự hỗ trợ về chính sách, định hướng đầu tư, khai thác để phát triển du lịch 
biển của tỉnh Bình Định 
Trong thời gian qua, việc phát triển các SPDL biển đảo được tỉnh chú trọng đầu tư và 
kêu gọi đầu tư thông qua hệ thống chính sách như thu hút vốn, cải tạo môi trường ven 
biển, xây dựng mới và hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế thông thoáng, quy hoạch 
các SPDL biển đảo, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá cho các sản phẩm và hoạt 
động du lịch của địa phương đã góp phần nâng cao sức hấp dẫn của các SPDL biển, thu 
hút và thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, tỉnh đã 
xác định: "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế 
địa phương", vì vậy, Bình Định là một trong những tỉnh của miền Trung sớm có Quy 
hoạch tổng thể phát triển du lịch (năm 1996) và Điều chỉnh quy hoạch du lịch đến năm 
2020. Tỉnh đã có Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 24/10/2011 về đầu tư 
phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015 [2]. Và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh 
Bình Định lần thứ XIX đã khẳng định "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan 
trọng của tỉnh, trong đó lấy du lịch biển, du lịch sinh thái làm mũi nhọn. Ưu tiên đầu tư 
phát triển hạ tầng du lịch. Tích cực thu hút đầu tư, xây dựng tuyến du lịch trọng điểm 
quốc gia Phương Mai - Núi Bà; thúc đẩy các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án đã 
đăng ký đầu tư trên các tuyến du lịch Quy Nhơn - Sông Cầu, Nhơn Lý - Cát Tiến, Trung 
Lương - Vĩnh Hội để khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch biển..." [1]. 
112 VŨ ĐÌNH CHIẾN 
2.4. Xu hướng sử dụng và đầu tư đối với sản phẩm du lịch biển tại tỉnh Bình Định 
Một trong các lợi thế để khai thác TNDL tự nhiên để phát triển các SPDL biển Bình 
Định (nghỉ dưỡng, tắm biển, lặn ngắm san hô, thưởng thức đặc sản biển...) là xu hướng 
đầu tư và đi du lịch của du khách tại tỉnh Bình Định trong thời gian qua. 
Hiện nay hầu hết các dự án du lịch lớn tại Bình Định đều tập trung vào khu vực ven 
biển Bình Định, gắn với nhu cầu khai thác các SPDL biển như: Tổ hợp không gian khoa 
học ở Bình Định, Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (Trung tâm 
ICICE); Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy 
Nhơn; dự án lớn như Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội; khu du lịch VinPearl 
Quy Nhơn; khu nghỉ dưỡng Mũi Rồng – Tân Phụng; các điểm du lịch ven biển Hoài 
Hải – Tam Quan Bắc; khu nghỉ dưỡng sinh thái đầm Thị Nại; Một loạt các khu du lịch, 
khách sạn cao cấp ven biển được mọc lên và dần khẳng định thương hiệu như: Avani 
Quy Nhơn Resort & Spa, resort Hoàng Gia – Quy Nhơn, khách sạn Sài Gòn – Quy 
Nhơn, khách sạn Hải Âu... 
Theo thống kê trong một số năm qua của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định 
và dự báo của các chuyên gia, số lượng khách quốc tế cũng như khách nội địa đến tham 
quan du lịch tại Bình Định đang ngày càng tăng với tốc độ nhanh chóng. 
Đây rõ ràng là những cơ hội tốt để phát triển du lịch nói chung và các SPDL biển nói 
riêng của địa phương. 
3. CÁC GIẢI PHÁP KHAI THÁC TÀI NGUYÊN DU LỊCH TỰ NHIÊN ĐỂ PHÁT 
TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH BIỂN TỈNH BÌNH ĐỊNH TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI 
3.1. Cơ sở của việc đề xuất giải pháp 
3.1.1. Một số điều kiện mới cho phát triển du lịch biển của Bình Định 
a. Điều kiện thuận lợi: 
- Sự hội nhập khu vực và quốc tế, điều kiện trong nước, xu thế đi du lịch nghỉ dưỡng, du 
lịch sinh thái biển đ ang gia tăng. Trong điều kiện đó, Bình Định đang là một trong 
những điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Giai đoạn từ năm 2005 đến năm 
2015, cùng với sự tăng trưởng khách du lịch chung của cả nước, lượng khách du lịch 
đến Bình Định liên tục tăng với mức tăng trưởng tương đối cao [5]. 
 Bảng 1. Các chỉ tiêu về khách du lịch tại Bình Định giai đoạn 2005 – 2015 [5] 
 Đơn vị: lượt khách 
 Chỉ tiêu 2005 2010 2015 
 Tổng 380.300 971.000 2.602.000 
 Khách quốc tế 28.500 79.000 205.950 
 Khách nội địa 351.800 892.000 2.396.050 
- Chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đã tạo ra những thuận lợi mới mang tính định 
hướng cho sự phát triển du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng của địa phương như: 
Quyết định số 2350/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy 
NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP KHAI THÁC TÀI NGUYÊN DU LỊCH TỰ NHIÊN 113 
hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 
đến năm 2030; Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ 
Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án "Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven 
biển Việt Nam đến năm 2020"; Đề án “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển 
du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” năm 2016 
- Nhiều nhà đầu tư lớn đ ã quan tâm đầu tư vào du lịch Bình Định như tập đoàn 
Vingroup (Việt Nam), FLC (Việt Nam), tập đoàn Avani (Thái Lan) với các dự án phát 
triển du lịch lớn ven biển, tạo động lực phát triển ngành du lịch của tỉnh. 
- Sự hình thành và phát triển các tuyến du lịch trọng điểm ven biển: 
+ Tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, trọng tâm là thành phố Quy Nhơn [2]. 
+ Tuyến Quy Nhơn - Nhơn Hội - Tam Quan [2]. 
Trên các tuyến du lịch này, nhiều SPDL biển đảo đã được bắt đầu đưa vào khai thác. 
b. Khó khăn, thách thức: 
Sự phát triển du lịch Bình Định hiện nay cũng đang gặp phải sự cạnh tranh khá lớn từ 
các thị trường du lịch của cả nước và vùng (về sản phẩm du lịch, về nguồn khách, về giá 
cả, chất lượng các dịch vụ); phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Bình 
Định là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong khai thác 
tài nguyên du lịch biển đảo; môi trường nói chung, môi trường biển đảo chưa được cải 
thiện nhiều; nhận thức của người dân và doanh nghiệp về khai thác và bảo vệ TNDL 
biển có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm. 
3.1.2. Tác động của việc phát triển du lịch tỉnh Bình Định 
Việc phát triển du lịch nói chung có tác động về nhiều mặt đối với tỉnh (kinh tế, xã hội, 
môi trường, thương hiệu...). Điều này thể hiện ở các số liệu dưới đây: 
 Bảng 2. Doanh thu du lịch theo giá hiện hành phân theo loại hình kinh tế [3] 
 Đơn vị: triệu đồng 
 2010 2011 2012 2013 2014 
 Doanh thu của cơ sở lưu trú 121166 125687 169431 178195 287259 
 Nhà nước 11057 11354 13213 14983 19377 
 Ngoài nhà nước 100312 104467 146177 154127 245893 
 Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 9797 9866 10041 9085 21989 
 Doanh thu của các cơ sở lữ hành 14885 22433 24831 26142 29375 
 Nhà nước 3783 4868 4849 4520 2460 
 Ngoài nhà nước 10881 17565 19982 21622 26915 
Kết quả về phát triển du lịch đoạn từ năm 2005 đến năm 2015 [5]: 
- Về khách du lịch: Tính chung cả giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015: Đạt tốc độ 
tăng trưởng 21,0%; trong đó khách quốc tế; 24,6%: khách nội địa: 20,44%. 
- Về doanh thu du lịch: Tính chung cả thời kỳ từ năm 2005 đến năm 2015: Đạt mức 
tăng trưởng 24,8%/năm. 
114 VŨ ĐÌNH CHIẾN 
- Về cơ sở lưu trú: Năm 2005 toàn tỉnh có 33 cơ sở lưu trú với 1.150 buồng, năm 2010 
có 105 cơ sở lưu trú với 2.500 buồng và năm 2015 toàn tỉnh có 140 cơ sở với 3.200 
buồng. Tốc độ tăng trưởng buồng lưu trú đạt 11,52%/năm. 
- Đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, góp phần giảm nghèo. Lao động trực tiếp trong 
ngành du lịch tỉnh Bình Đị nh năm 2005 có 1.112 lao động; đến năm 2010 tăng lên 
2.593 lao động; năm 2015 đạt 4.050 lao động, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 
16%/năm. 
- Về đào tạo nhân lực ngành du lịch: có 70% lao động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh 
được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch [3]. 
Từ việc thấy được lợi ích của việc tham gia hoạt động du lịch, cộng đồng dân cư nhận 
thức được trách nhiệm đối với việc bảo vệ và phát huy các giá trị, lợi ích của nguồn 
TNDL của địa phương. Qua việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, các SPDL 
của địa phương sẽ có cơ hội quảng bá sản phẩm và nâng cao thương hiệu du lịch của 
tỉnh, các đối tác đầu tư sẽ tăng lên. 
3.1.3. Những thách thức trong việc khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên để phát 
triển sản phẩm du lịch biển tỉnh Bình Định trong điều kiện mới 
- Vị trí địa lý cũng đặt Bình Định phải đối mặt với một số khó khăn do thiên nhiên gây 
ra (áp thấp, bão, lũ, hạn hán, thủy triều...). Bình Định nằm trong vùng du lịch với các 
tỉnh đều có biển nên các tài nguyên có nhiều đặc tính chung giống nhau, từ đó SPDL 
của vùng dễ bị trùng lắp (tắm biển, nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển, ẩm thực 
biển), gây khó khăn trong việc thu hút và giữ khách, đồng thời dễ nảy sinh những 
hiện tượng cạnh tranh nội bộ dẫn tới giảm hiệu quả kinh doanh du lịch và ảnh hướng tới 
hình ảnh cũng như chất lượng SPDL nói chung. 
- Tính thương hiệu của du lịch Bình Định chưa rõ nét. Mặc dù có số lượng khá nhiều 
bãi biển đẹp nhưng ở Bình Định chưa có một SPDL biển nào mang tầm cỡ lớn. Do đó, 
sự cạnh tranh về khía cạnh sức hấp dẫn đối với du khách của SPDL biển sẽ thấp hơn so 
với các địa phương khác. 
- Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh (tranh 
giành thị trường khách, phá giá tour và một số dịch vụ ) và sự liên kết với các doanh 
nghiệp du lịch bên ngoài chưa tốt đã làm giảm sức mạnh cạnh tranh, sức hút đối với sự 
phát triển của du lịch biển đảo. 
- Trình độ và kỹ năng nghề còn thấp, công tác phục vụ của nguồn nhân lực chưa chuyên 
nghiệp cũng như cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng của ngành vẫn chưa đáp ứng được nhu 
cầu phát triển, chất lượng còn thấp, đặc biệt là vào mùa cao điểm du lịch. Năm 2015, 
trong tổng số 4.050 lao động trực tiếp trong ngành du lịch của tỉnh thì số lao động có 
trình độ đại học và trên đại học chiếm gần 23%; lao động có trình độ cao đẳng và trung 
cấp chiếm gần 55%; lao động đã qua đào tạo sơ cấp và bồi dưỡng chiếm hơn 7%; còn 
lại chưa qua đào tạo chiếm gần 17%. Về trình độ ngoại ngữ, phần lớn có trình độ ngoại 
ngữ tương đương bằng A, B tiếng Anh. Trong thời kỳ từ năm 2005 đến năm 2015, tốc 
NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP KHAI THÁC TÀI NGUYÊN DU LỊCH TỰ NHIÊN 115 
độ tăng trưởng buồng lưu trú cẩu tỉnh chỉ đạt 11,52%/năm, thấp hơn mặt bằng chung 
của vùng và cả nước. Đến năm 2015 cả tỉnh mới chỉ có 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 
sao, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, chưa có khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao. 
- Vấn đề môi trường và bảo vệ các nguồn TNDL biển đảo vẫn chưa được thực hiện 
nghiêm túc. Một số điểm du lịch ven biển có hiện tượng bị xâm hại và ô nhiễm (tình 
trạng khai thác san hô trái phép, xả rác thải không đúng nơi qui định, đổ chất thải chưa 
qua xử lý xuống biển), dẫn đến tài nguyên đã bị xuống cấp, khai thác chưa có hiệu 
quả. Đây cũng là thách thức đối với ngành du lịch trong việc hấp dẫn và lưu giữ du 
khách đến với du lịch biển đảo. 
3.2. Giải pháp khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên để phát triển sản phẩm du lịch 
biển tỉnh Bình Định trong điều kiện mới 
Để phát triển SPDL biển tỉnh Bình Định trong điều kiện mới, trong quá trình khai thác 
TNDL tự nhiên của tỉnh cần chú ý một số giả pháp sau: 
3.2.1. Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch biển 
- Tập trung xây dựng và phát triển hệ thống SPDL có lợi thế cạnh tranh địa phương, đa 
dạng và đặc trưng, có thương hiệu riêng, có tính cạnh tranh cao, đảm bảo đáp ứng nhu 
cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; phát triển SPDL “xanh”. 
- Tạo sự phong phú, đặc trưng của SPDL biển qua những giá trị ẩm thực biển độc đáo 
của những đặc sản biển tươi ngon, bổ dưỡng, giá rẻ. 
- Phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết hướng tới hình thành SPDL đặc trưng giữa 
các điểm du lịch biển phía bắc (nghỉ dưỡng, tắm biển, sinh thái gắn với thưởng thức ẩm 
thực biển) và phía nam (tham quan thắng cảnh biển, du lịch sinh thái, cảnh quan đầm, 
thưởng thức đặc sản biển, kết hợp du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch MICE) của tỉnh. 
3.2.2. Giải pháp phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch biển 
- Quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu 
sáng đảm bảo đồng bộ, nhất là các tuyến đường nối từ quốc lộ 1A về phía biển, hệ 
thống chiếu sáng nghệ thuật ven thành phố Quy Nhơn. 
- Phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo số lương và nâng 
cao chất lượng hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, nhất là phương tiện giao 
thông đường biển, các trung tâm vui chơi, giải trí ven biển. 
3.2.3. Giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch 
- Việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng, số lượng cho địa phương là 
yếu tố quan trọng cho việc quảng bá, khai thác và bảo vệ nguồn TNDL biển hiện nay. 
- Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo về du lịch mạnh, cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị 
giảng dạy đồng bộ, hiện đại; chuẩn hóa chất lượng giảng viên; chuẩn hóa giáo trình 
khung đào tạo du lịch. 
116 VŨ ĐÌNH CHIẾN 
- Đa dạng hóa phương thức đào tạo; khuyến khích đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu 
cầu của doanh nghiệp. 
3.2.4. Giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch biển 
- Về phát triển thị trường khách du lịch: Tập trung thu hút thị trường khách du lịch có 
khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày (TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội); Phát triển mạnh thị 
trường du lịch nội địa (một số tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên); Đẩy 
mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến từ Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Nga, 
Trung Quốc, Hàn Quốc. Chú trọng phân đoạn khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ 
cuối tuần và thưởng thức đặc sản biển. 
- Về xúc tiến quảng bá du lịch: Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên 
nghiệp, nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy SPDL và thương hiệu du lịch biển là trọng 
tâm; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh địa phương; Xây dựng và tổ chức thực 
hiện các chương trình, kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước với các 
hình thức linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với các mục tiêu đã xác định. 
- Về phát triển thương hiệu du lịch: Tập trung phát triển thương hiệu du lịch biển của 
tỉnh trên cơ sở phát triển thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu SPDL; Tăng cường 
sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, các ngành, các cấp trong việc xây dựng và phát 
triển thương hiệu du lịch biển để đảm bảo tính thống nhất, tạo lợi thế cạnh tranh. 
3.2.5. Giải pháp đầu tư và chính sách phát triển du lịch 
- Tỉnh cần tiếp tục có những biện pháp quyết liệt trong việc làm sạch môi trường biển, 
chống lấn chiếm vùng biển, làm du lịch tự phát. 
- Tỉnh cần tiếp tục có chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo 
nhân lực và xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch biển; có chính sách liên 
kết, huy động nguồn lực để tập trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng 
dịch vụ du lịch, hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch có tầm cỡ khu vực, quốc 
gia và quốc tế. 
- Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các điểm, khu, tuyến du lịch ven biển có điều kiện 
thuận lợi và có tiềm năng phát triển du lịch biển mạnh. 
- Thực hiện chính sách phát triển bền vững; có chính sách ưu đãi đối với phát triển du 
lịch sinh thái, du lịch “xanh”, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm. 
- Thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển 
hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nhân lực và quảng bá, xúc tiến du lịch. 
3.2.6. Giải pháp hợp tác, liên kết về du lịch 
- Tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các cam kết về đầu tư và khai thác du lịch đã 
ký kết. 
- Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương, gắn thị trường du lịch Bình Định với 
thị trường du lịch khu vực miền Trung và cả nước. 
NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP KHAI THÁC TÀI NGUYÊN DU LỊCH TỰ NHIÊN 117 
- Mở rộng các quan hệ hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức và cá nhân trong và 
ngoài nước để góp phần đẩy nhanh sự phát triển và hội nhập của du lịch Bình Định vào 
thị trường du lịch vùng và cả nước, nâng cao hình ảnh và vị thế du lịch Bình Định trong 
vùng, cả nước và các nước trong khu vực. 
3.2.7. Giải pháp quản lý nhà nước về du lịch 
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch biển, tạo môi trường thuận lợi cho 
các doanh nghiệp khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch biển tại địa phương. 
- Tăng cường năng lực cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch; tăng cường phối hợp, liên 
kết giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương để phát triển du lịch. 
- Thực hiện tốt công tác hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch đảm bảo 
chất lượng và tính khả thi cao; Tỉnh cần tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển các 
điểm du lịch biển có tính trọng điểm, không dàn trải. 
- Tăng cường áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn ngành; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, 
giám sát nhằm kiểm soát, duy trì chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, qua đó tạo môi 
trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành du lịch. 
- Đẩy mạnh nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò 
của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đề cao trách nhiệm xã hội 
và môi trường trong mọi hoạt động du lịch. 
4. KẾT LUẬN 
Có thể khẳng định, Bình Định có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch biển thành 
lĩnh vực mũi nhọn của ngành du lịch. Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi 
thế đó, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tạo SPDL có lợi thế cạnh tranh; hệ 
thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đào tạo và phát triển nguồn 
nhân lực du lịch; phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch; đầu tư 
và chính sách phát triển du lịch; hợp tác, liên kết về du lịch; quản lý nhà nước về du 
lịch. Các giải pháp này sẽ tạo cơ sở để thúc đẩy việc khai thác các TNDL tự nhiên để 
phát triển các SPDL biển của tỉnh có tính khả thi, góp phần vào sự phát triển ngành nói 
chung trong điều kiện mới. 
 TÀI LIỆU THAM KHẢO 
 [1] Đảng bộ tỉnh Bình Định (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIX đảng bộ tỉnh 
 Bình Định, Bình Định. 
 [2] Tỉnh ủy Bình Định (2015). Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động 
 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVIII 
 Đảng bộ tỉnh về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015. 
 [3] UBND tỉnh Bình Định (2014). Niên giám thống kê tỉnh Bình Định năm 2014, Bình 
 Định. 
 [4] UBND tỉnh Bình Định (2014). Tài liệu Hội thảo giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch 
 Bình Định, Bình Định. 
118 VŨ ĐÌNH CHIẾN 
 [5] UBND tỉnh Bình Định (2016). Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch 
 tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bình Định. 
 [6] Vũ Đình Chiến, Nguyễn Đình Hoãn (2013). Địa lý du lịch tỉnh Bình Định. Tài liệu 
 phục vụ dạy học Trường Cao đẳng Bình Định. 
Title: SOLUTIONS FOR TOURISM RESOURCE EXPLOITATION OF NATURAL 
PRODUCTS TO DEVELOP MARINE TOURISM IN BINH DINH PROVINCE IN NEW 
CONDITIONS 
Abstract: Binh Dinh province has many advantages regarding natural resources to develop 
coastal and marine tourism services and products. The foundation and development of marine 
tourism in Binh Dinh have been greatly affected by its availability of natural resources. 
Although there is a wide range of natural tourism resources, Binh Dinh has not yet achieved the 
success in coastal and marine tourism that it should have. By analyzing the advantages, possible 
opportunities as well as potential challenges, the author aims to suggest several measures to 
exploit the natural tourism resources to develop coastal and marine tourism services and 
products in Binh Dinh in the new context. 
Keywords: solutions, natural tourism resources, the marine tourism, Binh Dinh 
ThS. VŨ ĐÌNH CHIẾN 
Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Bình Định 
ĐT: 0905 334 399, Email: vudinhchien.qtkd@gmail.com 
(Ngày nhận bài: 22/3/2016; Hoàn thành phản biện: 21/4/2015; Ngày nhận đăng: 25/5/2016) 

File đính kèm:

  • pdfnghien_cuu_giai_phap_khai_thac_tai_nguyen_du_lich_tu_nhien_d.pdf