Nghiên cứu các tiểu văn hóa như điều kiện ban đầu của kỹ năng liên văn hóa

Văn hóa là một thực thể của nhiều giá trị tinh thần với những thành tố mang những bản sắc riêng. Không nên quan niệm văn hóa như một khối đồng nhất, và việc xác định các tiểu văn hóa là cần thiết, đặc biệt trong lớp học ngoại ngữ.

 Kỹ năng đơn văn hóa được xem như quá trình tiếp cận nội tại của những cộng đồng, và mỗi cộng đồng mang những đặc tính riêng. Trong quá trình hỗ trợ người học tiếp cận văn hóa nước ngoài, trước tiên cần phân tích những khác biệt tồn tại trong chính nền văn hóa gốc của người học, tạo liên kết giữa những thành tố này với mục đích hình thành sự giao thoa giữa các tiểu văn hóa. Sự giao thoa này, dù là tương đối, sẽ tạo điều kiện cho kỹ năng liên văn hóa về sau.

 

docx 7 trang kimcuc 6060
Bạn đang xem tài liệu "Nghiên cứu các tiểu văn hóa như điều kiện ban đầu của kỹ năng liên văn hóa", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Nghiên cứu các tiểu văn hóa như điều kiện ban đầu của kỹ năng liên văn hóa

Nghiên cứu các tiểu văn hóa như điều kiện ban đầu của kỹ năng liên văn hóa
BÁO CÁO TOÀN VĂN
HỘI THẢO QUỐC TẾ NGHIÊN CỨU LIÊN NGÀNH VỀ 
NGÔN NGỮ VÀ GIẢNG DẠY NGÔN NGỮ LẦN THỨ IV
(Huế, 25-26/10/2018)
Tên bài báo cáo:
NGHIÊN CỨU CÁC TIỂU VĂN HÓA NHƯ ĐIỀU KIỆN BAN ĐẦU CỦA KỸ NĂNG LIÊN VĂN HÓA
Họ tên đầy đủ của tác giả:
PHẠM ANH TÚ
Cơ quan công tác:
Khoa Tiếng Pháp - trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế
Địa chỉ cơ quan công tác:
Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, 57 Nguyễn Khoa Chiêm - thành phố Huế
NGHIÊN CỨU CÁC TIỂU VĂN HÓA NHƯ ĐIỀU KIỆN BAN ĐẦU
CỦA KỸ NĂNG LIÊN VĂN HÓA
Tóm tắt : Văn hóa là một thực thể của nhiều giá trị tinh thần với những thành tố mang những bản sắc riêng. Không nên quan niệm văn hóa như một khối đồng nhất, và việc xác định các tiểu văn hóa là cần thiết, đặc biệt trong lớp học ngoại ngữ.
	 Kỹ năng đơn văn hóa được xem như quá trình tiếp cận nội tại của những cộng đồng, và mỗi cộng đồng mang những đặc tính riêng. Trong quá trình hỗ trợ người học tiếp cận văn hóa nước ngoài, trước tiên cần phân tích những khác biệt tồn tại trong chính nền văn hóa gốc của người học, tạo liên kết giữa những thành tố này với mục đích hình thành sự giao thoa giữa các tiểu văn hóa. Sự giao thoa này, dù là tương đối, sẽ tạo điều kiện cho kỹ năng liên văn hóa về sau.
Từ khóa : Văn hóa gốc - Tiểu văn hóa - Liên văn hóa.
Vấn đề « giao thoa » (interférence) và « chuyển giao » (transfert) trong mối tương quan giữa ngôn ngữ và văn hóa, cũng như việc lĩnh hội hai yếu tố này tại lớp học ngoại ngữ đã từng được nhiều nhà nghiên cứu như M. Abdallah-Pretceille (1996), M. Byram (1992), G. Zarate (1986), đề cập. Dĩ nhiên, đến thời điểm này, sẽ là lạc hậu và bị phản bác, khi một chương trình giảng dạy ngôn ngữ / ngoại ngữ chỉ chú trọng đến những khía cạnh cú pháp, ngữ âm, từ vựng,, tức khía cạnh thuần túy ngôn ngữ, nhưng đồng thời cũng chẳng hề đơn giản khi xác định những nội dung văn hóa, cũng như cách đưa nội dung, trong bài giảng ngôn ngữ / ngoại ngữ. Ở đây, chúng tôi không đề cập đến vấn đề không đơn giản trong tư duy người dạy, với ý nghĩ rằng tư duy này đã được tháo gỡ trước những trào lưu mới của lý luận và phương pháp giảng dạy ngoại ngữ. Khó khăn cơ bản và lớn hơn nằm ở hai yếu tố : người học và những tính chất của nền văn hóa gốc của họ.
1. Văn hóa gốc - những thực thể trong cùng một thực thể 
	Không chỉ đơn thuần là thực hiện sự liên kết giữa văn hóa gốc của người học và văn hóa nước ngoài thông qua phương tiện ngôn ngữ, trước tiên cần thiết xem xét, phân tích chính nền văn hóa gốc này. Những giả thiết có thể liên tiếp được đặt ra : những người học có chăng cùng một nhận thức chung và sự lĩnh hội thống nhất về những tri thức trong nền văn hóa này ? Nguồn thông tin phong phú về khoa học, lịch sử, nghệ thuật, văn học, những ứng xử trong giao tiếp, liệu đã được ghi nhận và thẩm thấu ở mức độ đồng đều ? Vị trí và cách nhìn nhận văn hóa nước ngoài của những người học phải chăng là đồng nhất ? Những câu hỏi này, với phần trả lời mặc nhiên nghiêng về phủ định, cho phép chúng ta tiếp cận, thông qua văn hóa gốc, những tiểu văn hóa (sous-cultures) đang thực sự tồn tại và liên tục vận hành trong tư duy của người học.
	B. Suchaut (2007), M. Le Prévos (2010) đã bàn luận về tính chất khác biệt trong lớp học (hétérogénéité), điều rất gần gũi với khái niệm tiểu văn hóa ở đây. Khái niệm này, khi mở rộng ra phạm vi một xã hội, được hiểu như sự chỉ định một cộng đồng có riêng những cách ứng xử, những biểu hiện phần nào khác biệt với văn hóa gốc thống trị. Như vậy, về thực chất, không có một xã hội nào là đồng nhất thuần khiết, điều có thể được phân định dựa trên những yếu tố sau :
	- Yếu tố sắc tộc : liên quan đến một nhóm người với cùng một cội nguồn sắc tộc, và từ đó là ngôn ngữ, có những khác biệt so với những chuẩn mực được quy ước bởi xã hội nơi họ sinh sống và với các chuẩn mực của những cộng đồng khác. Cộng đồng người Algérie, người gốc châu Á trong xã hội Pháp là những ví dụ. 
- Yếu tố tôn giáo : bao gồm những cá nhân cùng chia sẻ những tín ngưỡng khác với tín ngưỡng của cộng đồng chiếm đa số. Cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp, hoặc cộng đồng người theo Thiên Chúa giáo tại Bắc Phi, là những minh họa cụ thể. 
- Yếu tố độ tuổi / thế hệ : Tại một số quốc gia, đặc biệt tại Tây Âu, Bắc Mỹ, những người lớn tuổi góp phần đáng kể vào những biến đổi xã hội. Dù không còn trực tiếp làm việc, tiếng nói của họ vẫn tạo những ảnh hưởng tinh thần, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị. Ngược lại, giới trẻ, nhất là các thành phần thất nghiệp, cư ngụ tại ngoại ô, thường là đối tượng của những phản kháng, bạo động. 
 - Yếu tố giàu / nghèo : Mức thu nhập của người học, hoặc phụ huynh của người học, quyết định một phần quan trọng đời sống kinh tế của những người cá nhân liên quan và tạo sự phân hóa giàu / nghèo. Dường như những thành phần có khó khăn chiếm đa số trong xã hội và hiện trạng này ít nhiều mâu thuẫn với cách gọi « hội nhập » hoặc « toàn cầu hóa ».
- Yếu tố quốc gia : tại các nước có lượng người nhập cư cao, tồn tại những khu dân cư với đa phần người gốc nước ngoài, chẳng hạn quận 13 tại Paris - Pháp, khu người Việt tại quận Cam, tiểu bang California - Hoa Kỳ. Những cư dân này vẫn giữ cách sống, tập quán của cố quốc, có những quan hệ riêng trong cộng đồng của họ và cùng phát huy những bản sắc của quốc gia gốc (ẩm thực, âm nhạc, truyền thông,).
- Yếu tố ngôn ngữ : đây là hiện tượng đa ngôn ngữ trên bình diện quốc gia. Ví dụ, cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha chiếm gần 10% dân số của Hoa Kỳ, với những quan hệ gần gũi với các nước láng giềng cùng dùng ngôn ngữ này (Mexico, các nước Trung Mỹ,). Một chính sách lớn của quốc gia, trong nhiều trường hợp, cần được chuyển ngữ để tiếp cận với những cộng đồng này, ví dụ Luật Lao động dành cho người nước ngoài tại Thụy Sĩ được thông qua vào tháng 7/2018 với 4 ngôn ngữ chính thức của quốc gia châu Âu này. 
- Yếu tố giới tính : những phân biệt về giới từng tồn tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại những nước Hồi giáo. Tại Pháp, phong trào nữ giới (« làn sóng thứ hai ») đã phát triển rất mạnh sau chiến tranh thế giới thứ hai, tập hợp những phụ nữ, và cả nam giới, trong những mục tiêu chung. Ngoài ra, có thể kể cộng đồng những người đồng tính trong giai đoạn hiện nay, tạo thành một tiểu văn hóa riêng biệt, có những biểu hiện và liên kết khá rõ ràng và chặt chẽ.
- Những yếu tố khác 
Nếu chúng ta sử dụng sơ đồ của D. Lussier (2007:32) :
 tôi
chúng ta
kẻ khác
Giá trị của chúng ta
Giá trị của 
kẻ khác
Giá trị của tôi
 Hình 1
không gian chung của văn hóa gốc và văn hóa nước ngoài được D. Lussier gọi là vùng của « giá trị của chúng ta » - « liên văn hóa ». Tuy nhiên, « giá trị của tôi », như đã trình bày ở trên, không hẳn là một nền văn hóa thuần nhất, nơi các tiểu văn hóa đang cùng tồn tại và tính chất của chúng càng được phản ánh đậm nét hơn trong vùng của « liên văn hóa ». Những phản kháng, xung đột có nguy cơ trở nên mạnh mẽ hơn và những đặc thù của các tiểu văn hóa có nguy cơ gây trở ngại cho một kỹ năng liên văn hóa, vốn được hiểu như sự cảm thông, chia sẻ và khoan dung với những gì không thuộc về văn hóa gốc.
Tiểu văn hóa
 Hình 2
2. Từ sự hình thành kỹ năng liên tiểu văn hóa (compétence inter-sous-culturelle) 
M. Benabdallah và A. Jolibert (2013) cho rằng sự phân tích tiến trình tiếp biến văn hóa (acculturation) cần được đặt cơ sở trên các tiểu văn hóa hơn là nền văn hóa gốc tổng thể. Theo hai nhà nghiên cứu, khoảng cách giữa các tiểu văn hóa gốc và nền văn hóa nước ngoài được xem là vùng trung gian giữa tiểu văn hóa và những tiếp biến văn hóa. Sự tiếp biến này sẽ dài hay ngắn, khó khăn hay dễ dàng, tất cả phụ thuộc vào không gian lớn hay nhỏ của khoảng cách này và, theo chúng tôi, phụ thuộc một phần quan trọng vào những tiếp biến giữa nội bộ các tiểu văn hóa này, với cùng với những lập luận trên.
Quá trình tiếp biến giữa các tiểu văn hóa có thể được thực hiện trên những tiêu chí sau :
Mặc nhiên công nhận những khác biệt giữa các tiểu văn hóa, nhưng đồng thời thừa nhận những điểm tương đồng giữa chúng. Tất cả những nhận định này nằm trong bối ảnh của từng tiểu văn hóa và đòi hỏi vai trò của trí tuệ, một nhãn quan khách quan và tránh tư duy vị chủng (ethnocentrisme) - được hiểu như cách đánh giá văn hóa khác bằng những tiêu chuẩn văn hóa của riêng mình, thay vào đó là tư duy tương đối (relativisme) - được hiểu như sự đánh giá một văn hóa khác trong bối cảnh của chính nền văn hóa ấy, từ đó người đánh giá có thể hạn chế hoặc loại trừ được những bất công, sai lệch cũng như những phản ứng tiêu cực trước văn hóa khác biệt. Ngày nay, sự phát triển của công nghệ, truyền thông đã tác động tích cực đến sự phổ biến văn hóa với tốc độ nhanh, chính xác, và nhu cầu tìm hiểu văn hóa khác cũng tăng lên.
Với nhu cầu tìm hiểu những điểm tương đồng trong những tiểu văn hóa khác, kết quả tìm kiếm sẽ tạo ra một thái độ vững tin và an tâm. Ngược lại, sự phát hiện những điểm khác biệt có nguy cơ, vào thời gian đầu, tạo sự bất an, nghi ngại. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận những khác biệt sẽ giúp người quan sát dần thích nghi và chấp nhận, dù những điểm này chưa hẳn mang tính tích cực. Việc thừa nhận các tiểu văn hóa khác mang những giá trị riêng là điều cần có, khi người quan sát có được một nhãn quan thông thoáng và thái độ khoan dung. Một thái độ như thế là rất tích cực, vì cho phép hình thành yếu tố hòa bình, an toàn giữa những cá nhân thuộc các tiểu văn hóa khác nhau.
Quá trình tìm hiểu các tiểu văn hóa khác cho phép người quan sát có cơ hội hiểu sâu sát hơn những tính chất của tiểu văn hóa của chính mình. Chính sự tìm hiểu này giúp chúng ta có sự chiêm nghiệm, hơn thế nữa có thể cải thiện một vài yếu tố của riêng mình, khi có sự đối chiếu, so sánh với những điểm tương tự ở các tiểu văn hóa khác. Hành vi vị chủng sẽ một lần nữa bị loại trừ và những cải thiện này sẽ giúp tiểu văn hóa của mình được nhìn nhận với thái độ tích cực hơn.
Những tiêu chí của tiếp biến văn hóa liên quan đến các tiểu văn hóa có thể được áp dụng bằng nhiều phương tiện khác nhau. Phương tiện trực tiếp nhất, theo chúng tôi, là sự thâm nhập vào các tiểu văn hóa khác, cùng sinh hoạt và chia sẻ với những cá nhân khác với mục đích phát hiện, thông hiểu và thực sự chia sẻ những tính chất của một hay nhiều tiểu văn hóa khác. Ngoài ra, tiếp xúc với những chứng nhân, những cá thể vốn xuất thân từ các tiểu văn hóa khác, sử dụng các tư liệu (sách báo, phim ảnh, công nghệ thông tin,) là những phương tiện gián tiếp hỗ trợ cho quá trình tiếp biến văn hóa này.
Trong không gian lớp học, quá trình này diễn ra với sự quản lý của người giáo viên, với vai trò của người điều tiết và hòa giải văn hóa (médiateur culturel), tức nhân vật trung gian giữa thực tế các tiểu văn hóa và từng cá nhân người học có liên quan. Đây là một vai trò đa chiều, đòi hỏi sự kết hợp nhiều phương thức tâm lý - sư phạm nằm giúp cho người học ý thức được vị thế của mình trong không gian đa văn hóa là lớp học. Vì vậy, tùy vào những tình huống cụ thể, người giáo viên cần tạo những cơ hội cho những hội nhập giữa các tiểu văn hóa, các quan hệ giữa cá nhân với những giá trị khác biệt, từ đó hình thành thái độ chấp nhận và chia sẻ.
Dù không dễ dàng để thực hiện những tiêu chí cho quá trình tiếp biến văn hóa đã nêu và thời gian thực hiện đòi hỏi một thời gian không nhỏ, cùng nhiều yếu tố khác, sự tiếp biến, khi đã thành công, sẽ mở đầu cho kỹ năng liên - tiểu văn hóa trong mục tiêu thống nhất hóa các thành phần, ở mức độ tương đối và không hoàn toàn, trong nền văn hóa gốc. Việc thực hiện này có thể được minh họa qua lộ trình sau :
 1 2 3 
 Hình 3
Một sự liên thông giữa các tiểu văn hóa, khi đã đến giai đoạn 3 của lộ trình, là tiền đề thích hợp để người học chuẩn bị cho lộ trình tiếp theo.
3.  đến sự hình thành kỹ năng liên văn hóa có tính dung hòa (une compétence interculturelle modérée)
	Điều quan trọng nhất, khi thực hiện kỹ năng này, là cần xác định tính chất của một lớp học ngoại ngữ. Dù quá trình tiếp biến văn hóa và kỹ năng liên tiểu văn hóa đã được hình thành, lớp học vẫn tồn tại tính khác biệt (hétérogénéité), dù mức độ đã được cải thiện nhiều, và người học vẫn sử dụng một phần, theo cách gần như vô thức, các tiêu chí của tiểu văn hóa trong các ứng xử và tham gia các hoạt động. Cần thiết xem những biểu hiện này dưới lăng kính tích cực hơn là những trở ngại và vướng mắc. Đường hướng sư phạm dựa trên các cá thể (pédagogie individualisée) cho phép thừa nhận người học như cá nhân có những biểu trưng riêng trong bối cảnh đào tạo và phương pháp tiếp cận người học cũng từ đó trở nên mềm dẻo, linh hoạt. Những phản ứng trước một hiện tượng của tiểu văn hóa khác, hay của văn hóa nước ngoài, cần được ghi nhận trên tinh thần chia sẻ, đồng cảm hơn là sự đả kích, phê phán.
	Theo F. Lorcerie (2002), để thực hiện kỹ năng liên văn hóa có tính dung hòa, giảng viên cần tránh những điểm sau :
 - trình bày thông tin với duy nhất một cách diễn giải và không đồng ý sự phản biện. Động thái này như một biểu hiện của hành vi vị chủng trong tiểu văn hóa ở người dạy ;
 	- tự đề cao bản thân, như người duy nhất có ý kiến đúng. Tiếp tục là một hành vi vị chủng ;
	- trình bày những ý kiến hoặc những đánh giá dưới hình thức các sự kiện, điều này đồng nghĩa với sự triệt tiêu các phản biện. Trong trường hợp này, thay vì thiết lập sự áp đặt, sự tranh luận là cần thiết và hành vi tiếp cận và thâm nhập giữa các tiểu văn hóa sẽ được xúc tiến ;
	- trình bày hộ quan điểm, nhãn quan của người học, thay vì chính người học thực hiện công việc này. Hành vi này khiến các tiểu văn hóa ở người học không có cơ hội được thể hiện ;
	- biểu lộ những sở thích, khuynh hướng cá nhân. Thay vào đó giảng viên có thể tạo mới một không khí lớp học, nơi người học có quyền nêu quan điểm, dù quan điểm này có thể đối nghịch với giảng viên hoặc với những người học khác.
	F. Lorcerie (2002) tiếp tục đề xuất ba cách tiếp cận liên quan đến kỹ năng liên văn hóa :
	- sự điều hành mang tính trung lập (la présidence neutre) : giảng viên chỉ can thiệp trên tư cách là người điều phối những tranh luận, trên tinh thần tất cả những ý kiến của người học đều được trình bày. Đây là cơ hội rất tốt để các tiểu văn hóa xâm nhập lẫn nhau và, ở mức độ cao hơn, văn hóa nước ngoài được tiếp cận bởi các cá thể người học. Sự chủ động tiếp cận, trong trường hợp này, sẽ có hiệu quả tích cực hơn sự dẫn dắt của người dạy, khi sự chủ quan ở họ hoàn toàn có thể xảy ra.
	- tính cân bằng (l’équilibre) : giảng viên nêu nhận định về những ý kiến của người học đối với một hiện tượng văn hóa (tiểu văn hóa, văn hóa gốc, văn hóa nước ngoài) và khuyến khích người học đưa ra những phản biện về nhận định của giảng viên. Hình thức « xoay vòng » giữa người dạy - người học sẽ tạo ra hình thức giao tiếp đa chiều. 
	- thái độ rõ ràng, nhất quán (l’engagement clair) : nhãn quan của giảng viên được trình bày công khai ngay từ đầu, tạo tiền đề cho sự tranh luận và người học được quyền thể hiện sự đồng ý hay không đồng ý với nhãn quan này. Khi tình huống không đồng ý xảy ra, cần xem đây không phải là một nguy cơ, mà là cơ hội để những tranh luận tiếp tục và những yếu tố từ các tiểu văn hóa được phát huy. Khía cạnh tích cực của những ý kiến trái chiều, dù không dễ đàng được chấp nhận trong thời gian đầu, là một điều kiện quan trọng trong việc hình thành kỹ năng liên văn hóa.
4. Kết luận
Những khác biệt giữa các tiểu văn hóa, giữa văn hóa gốc và văn hóa nước ngoài cần được xem như những động lực cho sự khám phá, thích nghi và chấp nhận, hơn là những vật cản. Không gian lớp học ngoại ngữ là một môi trường thuận lợi để những biểu trưng văn hóa được bộc lộ và giờ học, vì vậy, không chỉ xoay quanh các nội dung thuần túy ngôn ngữ. Rất thường khi, chính ngôn ngữ là chất xúc tác để triển khai các khía cạnh văn hóa và liên văn hóa ở người học và người dạy. 
Lộ trình tiểu văn hóa - kỹ năng liên tiểu văn hóa - kỹ năng liên văn hóa sẽ không là một lộ trình thẳng tắp và một chiều. Khi điểm xuất phát là rõ ràng, điểm đến sẽ không là điều tương tự, và sự trở lại lộ trình, với những giai đoạn đã qua, là hoàn toàn khả thi. Quá trình vận hành liên tục và đa chiều như vậy sẽ càng làm những kỹ năng, vốn ở dạng tiềm ẩn, được biểu lộ nhiều hơn, và tính cách tiểu văn hóa càng được thể hiện với nhiều sắc thái hơn.
Tài liệu tham khảo
Abdallah-Pretceille M. & Porcher L. (1996). Éducation et communication interculturelle. Paris, Presses Universitaires de France.
Benabdallah M., Jolibert A. (2013). L’acculturation: l’influence des sous-cultures d’origine et de la distance culturelle. Décisions Marketing n°72 Octobre-Décembre 2013, 179-205.
Byram M. (1992). Culture et éducation en langue étrangère. Paris, Hatier/Didier. 
Le Prévos M. (2010). Hétérogénéité, diversité, différences : vers quelle égalité des élèves ?. CAIRN Chercher, Repérer, Avancer. Récupéré le 20 août 2018 de 
 https://www.cairn.info/revue-nouvelle-revue-de-psychosociologie-2010-1-page-55.htm
Lorcerie F. (2002). Éducation interculturelle : État des lieux. VEI Enjeux, n° 129, juin 2002, 170-189.
Lussier D. (2007). Les compétences interculturelles : Un référentiel en enseignement et en évaluation. Paris, Colloque ALTE/CIEP.
Suchaut B. (2007). L’hétérogénéité des élèves : un éclairage par la recherche en éducation. Les cahiers pédagogiques - Université de Bourgogne et Irédu-CNRS, N°454, juin 2007. 18-19. Zarate G. (1986). Enseigner une culture étrangère. Paris, Hachette. 
Thông tin bản thân: 
	PHẠM ANH TÚ - Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Huế - Khoa Pháp năm 1984. Tốt nghiệp Cao học Maîtrise FLE (Tiếng Pháp như ngoại ngữ) tại Đại học Rouen (Cộng hòa Pháp) năm 1997, Thạc sĩ (DEA) Ngôn ngữ tình huống tại Đại học Rouen (Pháp) năm 1999. Bảo vệ Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Đại học Rouen (Pháp) tháng 01/2003. 
Các hướng nghiên cứu chính : Ngôn ngữ học, Văn hóa và Liên văn hóa, Đa ngôn ngữ - Đa văn hóa, Giảng dạy Tiếng Pháp như một ngoại ngữ (Didactique du FLE).
	- Nơi công tác : Khoa Tiếng Pháp - trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, 57 Nguyễn Khoa Chiêm - thành phố Huế.
- Địa chỉ email : panhtu@hueuni.edu.vn 
- Điện thoại : 0989 077 625

File đính kèm:

  • docxnghien_cuu_cac_tieu_van_hoa_nhu_dieu_kien_ban_dau_cua_ky_nan.docx