Nét đặc sắc của sức mạnh chính trị - Tinh thần trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Bài viết nêu rõ sức mạnh chính trị - tinh thần của toàn Đảng, toàn quân và toàn
dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả tổng
hợp của nhiều yếu tố, trong đó sức mạnh chính trị - tinh thần của dân tộc là yếu tố có vai trò
quyết định làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại này. Thắng lợi này không những bảo vệ được
thành quả cách mạng mà nhân dân ta giành được từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nó
không chỉ là mốc son lịch sử trong truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân
tộc ta mà còn mang tầm vóc quốc tế.
Bạn đang xem tài liệu "Nét đặc sắc của sức mạnh chính trị - Tinh thần trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Nét đặc sắc của sức mạnh chính trị - Tinh thần trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0069 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 119-123 This paper is available online at NÉT ĐẶC SẮC CỦA SỨC MẠNH CHÍNH TRỊ - TINH THẦN TRONG CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ Khuất Văn Hùng Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng Tóm tắt. Bài viết nêu rõ sức mạnh chính trị - tinh thần của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó sức mạnh chính trị - tinh thần của dân tộc là yếu tố có vai trò quyết định làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại này. Thắng lợi này không những bảo vệ được thành quả cách mạng mà nhân dân ta giành được từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nó không chỉ là mốc son lịch sử trong truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà còn mang tầm vóc quốc tế. Từ khóa: Sức mạnh chính trị - tinh thần, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Thực dân Pháp. 1. Mở đầu Trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những mốc son chói lọi, một kì tích vẻ vang, ghi thêm một trang sử oanh liệt và hào hùng của dân tộc ta như những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thời đại Hồ Chí Minh. Sức mạnh chính trị - tinh thần của nhân dân và quân đội ta trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sự hội tụ và phát huy đến đỉnh cao sức mạnh của dân tộc đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử và được thử thách qua những năm tháng trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nét đặc sắc của sức mạnh chính trị - tinh thần trong chiến thắng Điện Biên Phủ được biểu hiện ở ý chí và trí tuệ của Đảng, quân đội và nhân dân ta. Đó là sức mạnh được bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa dân tộc, đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí quyết tâm kháng chiến, tinh thần dũng cảm hi sinh của quân đội và nhân dân ta, kết hợp chặt chẽ với sức mạnh của thời đại được quy tụ trong chiến dịch. Kế thừa tinh thần của các tác giả đi trước [3-10]. Bài viết sẽ tập trung làm rõ những nét đặc sắc cơ bản của sức mạnh chính trị - tinh thần trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, những nhân tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng này. Ngày nhận bài: 1/2/2016. Ngày nhận đăng: 2/5/2016 Liên hệ: Khuất Văn Hùng, e-mail: khuathungkq@gmail.com 119 Khuất Văn Hùng 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Lòng yêu nước, ý chí quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là cội nguồn Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Không chịu khuất phục, ngày 19/12/1946, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh dũng bước vào cuộc kháng chiến gian khổ, trường kì chống kẻ thù xâm lược, với ý chí quyết tâm “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” [1;480]. Chính ý chí quyết tâm đó đã tạo ra một sức mạnh chính trị - tinh thần vô cùng to lớn để chiến thắng kẻ thù. Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhân dân ta, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất tề đứng lên kháng chiến, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức thi đua giết giặc lập công, thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, đóng góp sức người, sức của bảo đảm mọi điều kiện cần thiết cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang ngoài mặt trận. Với ý chí quyết tâm kháng chiến giành thắng lợi, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp, buộc chúng ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Đến năm 1953, quân đội và nhân dân ta đã làm chủ trên chiến trường, tạo ra sự so sánh tương quan lực lượng có lợi cho ta. Để cứu vãn tình thế, tháng 5 năm 1953 thực dân Pháp đã cử tướng Navarre làm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương thay thế cho tướng Salan và từ tháng 7 năm 1953 chính thức triển khai kế hoạch Navarre. Kế hoạch Navarre với việc tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ giành một thắng lợi quyết định về quân sự làm xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Dương, chuyển bại thành thắng. Kế hoạch Navarre là nỗ lực lớn mạnh và cố gắng cuối cùng của Pháp - Mỹ với hi vọng tạo ra những điều kiện quân sự để làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho chúng trên bàn hội nghị. Để đạt được mục tiêu đó, Bộ chỉ huy chiến trường Đông Dương của Pháp được sự giúp đỡ của Mỹ đã xúc tiến đẩy mạnh xây dựng lực lượng quân đội, đến năm 1954 quân chủ lực Pháp có 7 sư đoàn cơ động chiến lược với 27 binh đoàn tạo thành quả đấm thép sẵn sàng đối phó với chủ lực của Việt Minh trên chiến trường. Với sự tập trung ưu tiên cao độ, thực dân Pháp đã tập trung ở Điện Biên Phủ lên tới hơn 16.000 quân, chiếm 1/3 lực lượng cơ động của Pháp ở chiến trường Bắc Bộ, với trang bị vũ khí hiện đại, bố trí ở 49 cứ điểm trong thế liên hoàn các "trung tâm đề kháng". Điện Biên Phủ thực sự trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân Pháp ở Đông Dương lúc đó. Theo đánh giá của Pháp và Mỹ thì Điện Biên Phủ là "pháo đài khổng lồ không thể công phá", là "cái bẫy hiểm độc" thực hiện tham vọng "nghiền nát" quân chủ lực Việt Minh. Trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, lòng yêu nước và tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã tạo nên tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Sau nhiều tháng nỗ lực chuẩn bị chiến dịch và 56 ngày đêm chiến đấu với tinh thần kiên cường, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo vô song của quân dân ta, ngày 7 tháng 5 năm 1954, cờ chiến thắng của quân ta đã tung bay trên nóc hầm của tướng De Castries. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nơi thực dân Pháp dựa vào như "con đê xung yếu" cứu cánh cuối cùng của chúng ở Đông Dương đã bị quân và dân ta đánh bại hoàn toàn. Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử như một huyền thoại về sức mạnh chính trị - tinh thần; trong đó ý chí quyết tâm kháng chiến là nét tiêu biểu, chiếm ưu thế vượt trội của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đè bẹp sức mạnh quân 120 Nét đặc sắc của sức mạnh chính trị - tinh thần trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sự khổng lồ của thực dân Pháp xâm lược. 2.2. Đường lối kháng chiến đúng đắn, bản lĩnh, trí tuệ sáng tạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định Thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trước hết bắt nguồn sâu sắc từ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, vô cùng sáng suốt của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tài thao lược của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy mặt trận là nhân tố quyết định hàng đầu làm nên chiến thắng. Ngay từ những ngày đầu phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng đã đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là chống đế quốc và Việt gian tay sai phản động với phát triển chế độ dân chủ nhân dân, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng chế độ mới, Đảng ta đã lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng nhân dân; đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao. Trong suốt cuộc kháng chiến, nhất là ở những thời điểm có tính bước ngoặt của chiến tranh, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nắm vững lí luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, phát động cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, xây dựng và sử dụng lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt. Tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chúng ta đánh địch bằng cả sức mạnh của kinh nghiệm truyền thống của dân tộc trong sự kết hợp chặt chẽ với sức mạnh của thời đại mới; đánh địch bằng sức mình là chính đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ mọi mặt của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp năm châu; chủ động tạo nên sự chuyển hóa căn bản về thế và lực làm cho sức ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng và đẩy địch vào tình thế ngày càng khốn đốn, dẫn tới thất bại. Kể từ mùa hè năm 1953, được sự tiếp sức của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp ráo riết triển khai thực hiện kế hoạch Navarre ở Đông Dương với quy mô lớn nhất, cường độ cao nhất so với các kế hoạch chiến lược trước đó nhằm mưu đồ cứu vãn sự sa lầy nghiêm trọng, giành cho được thắng lợi quyết định về quân sự, đánh bại quân chủ lực Việt Minh, đi đến một giải pháp chính trị có lợi cho chúng. Điểm then chốt trong kế hoạch chiến lược Navarre là tập trung xây dựng và sử dụng đội quân cơ động mạnh để giành thế chủ động về địa điểm, thời gian và cách đánh nhằm đè bẹp quân chủ lực của Việt Minh. Nhưng với tầm nhìn chiến lược sâu xa của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chủ trương đánh đúng vào xương sống của chiến lược Navarre, chúng ta đã chủ động mở các chiến dịch làm phân tán, dàn mỏng đội quân cơ động chiến lược của thực dân Pháp trên cả chiến trường Đông Dương. Với ý chí quyết tâm chiến đấu và tài thao lược quân sự, chúng ta đã buộc địch phải chấp nhận trận quyết chiến chiến lược với ta mà không gian, thời gian do ta làm chủ. Ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện quyết tâm đó, cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Toàn dân ta với khí thế hăng hái bước vào chiến dịch, hơn 26 vạn dân công, thanh niên xung phong từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và toàn miền Bắc đã bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. Tầm tư duy chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là chỗ dựa tinh thần căn bản, là nền tảng phương pháp luận để Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ có sức sáng tạo 121 Khuất Văn Hùng phi thường. Sự sáng tạo nghệ thuật quân sự, cách đánh là yếu tố trực tiếp quyết định đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 25 tháng 1 năm 1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Nhưng sau khi khảo sát, nhận định lại tình hình, trong cuộc họp ngày 26 tháng 1 năm 1954, Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định thay đổi sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”; hoãn thời điểm tiến công để chuyển đổi đội hình, bố trí lại lực lượng theo phương án tác chiến mới. Việc quyết định thay đổi từ phương châm ban đầu là "đánh nhanh, thắng nhanh" sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc" là kết quả của tư duy, tính toán sắc sảo, thận trọng, biện chứng trong đánh giá tình hình địch và ta trên chiến trường. Đánh theo phương châm đúng là một nhân tố trực tiếp quyết định, bảo đảm cho quân và dân ta giành chiến thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến dịch có ý nghĩa lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân đã giao phó: "Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng" [2;266]. Với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hi sinh, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua thử thách, tổ chức, bố trí lại hệ thống hoả lực, kéo pháo phân tán ra các trận địa mới trên các điểm cao tạo thành vòng cung bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để bắn trực tiếp vào các mục tiêu dưới lòng chảo; chuẩn bị chu đáo mọi mặt trước giờ nổ súng. Kết quả thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nét tiêu biểu của sức mạnh chính trị - tinh thần, nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch. 2.3. Ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần dũng cảm hi sinh, mưu trí, sáng tạo là nhân tố trực tiếp làm nên chiến thắng Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta được rèn luyện trưởng thành vượt bậc về chính trị - tinh thần. Đó là nguồn sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mưu trí, sáng tạo, chiến đấu dũng cảm lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chiến dịch. Ý chí quyết tâm chiến đấu giành độc lập, tự do, sẵn sàng hi sinh, chiến đấu "vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì ruộng đất cho dân cày, để mở đường tiến lên chủ nghĩa xã hội" [3;144] là động lực căn bản để quân và dân ta khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hi sinh "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn tấm gương chiến đấu dũng cảm, hi sinh của bộ đội ta trong từng trận đánh, trên từng cao điểm trong suốt chiến dịch. Hơn 26 vạn dân công hỏa tuyến đã không quản gian khổ, hi sinh ngày đêm làm hàng trăm km đường giao thông, băng mình dưới mưa bom, đạn nổ, vượt qua hàng trăm dặm đường đầy đèo cao, hố sâu, bằng phương tiện thô sơ, sức lực cơ bắp đã vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm đảm bảo cho bộ đội chiến đấu trên chiến trường. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh của địch. Thắng lợi đó chính là thắng lợi của chí khí anh hùng của một quân đội cách mạng có quyết tâm cao độ, mưu trí sáng tạo trong chiến đấu, có tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời, khắc phục khó khăn, đạp bằng mọi gian khổ, sẵn sàng hi sinh xương máu, vì nước, vì dân. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội là một trong những nhân tố quyết định đã đưa chiến dịch Điện Biên Phủ, và nói chung cả chiến cuộc Đông Xuân trên khắp các mặt trận đến thắng lợi rực rỡ" [4;153]. Đó chính là nét tiêu biểu về sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. 122 Nét đặc sắc của sức mạnh chính trị - tinh thần trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 3. Kết luận Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải Hiệp định Giơnever công nhận nền độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã để lại bài học vô cùng sâu sắc về vấn đề xây dựng và động viên sức mạnh chính trị - tinh thần của dân tộc trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chiến thắng này là một dấu mốc trọng đại không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn là mốc vàng lịch sử trong cuộc đấu tranh thoát khỏi ách nô lệ của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Phát huy tinh thần Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm nêu cao tinh thần cách mạng thế tiến công, ý chí tự lực, tự cường, phát huy mọi tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kì mới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000. [2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996. [3] Võ Nguyên Giáp, 1969. Điện Biên Phủ. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. [4] Võ Nguyên Giáp, 1975. Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. [5] Võ Nguyên Giáp, 2001. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. [6] Võ Nguyên Giáp, 2001. Những năm tháng không thể nào quên. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [7] Võ Nguyên Giáp, 1994. Những chặng đường lịch sử. Nxb Sự thật, Hà Nội. [8] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lí thời đại. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004. [9] Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, 1996. Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [10] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, 2005. Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975). Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. ABSTRACT The specialcharacteristicsof the political - spiritual strength in the historic victory of Dien Bien Phu The article states the political – spiritual strength ofthe wholeCommunist Party, Army and People of Vietnam in the historicbattle of Dien Bien Phu. Dien Bien Phu victory was the result of many factors, in that the political-spiritual strength was the most important factordeciding this victory. This victory not only defended the revolutionary achievements which our people won in 1945, but also was the historic milestone in the struggle defending our country and was the great international significance. Keywords: The political - spiritual strength, Dien Bien Phu, the battle of Dien Bien Phu, the historic victory of Dien Bien Phu. 123
File đính kèm:
- net_dac_sac_cua_suc_manh_chinh_tri_tinh_than_trong_chien_tha.pdf