Một số đặc trưng trong châu bản thời vua Bảo Đại

Bảo Đại là niên hiệu vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là vị

vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Cầm quyền trong giai đoạn lịch sử

cận đại đầy phức tạp, khi đất nước đã không còn quyền độc lập tự chủ, trong 20

năm ở ngôi Hoàng đế, từ tháng 11 năm 1925 đến tháng 8 năm 1945, Bảo Đại có lẽ

là vị vua khá đặc biệt không chỉ đối với triều Nguyễn mà còn trong lịch sử phong

kiến Việt Nam. Sinh ra trong gia đình hoàng tộc, là con trai duy nhất của vua Khải

Định, chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng phong kiến từ các đời ông cha nhưng Bảo

Đại lại được học tập đào tạo gần như hoàn toàn tại Pháp, một nước văn minh khác

xa nơi ông sinh ra.

pdf 8 trang thom 04/01/2024 1920
Bạn đang xem tài liệu "Một số đặc trưng trong châu bản thời vua Bảo Đại", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số đặc trưng trong châu bản thời vua Bảo Đại

Một số đặc trưng trong châu bản thời vua Bảo Đại
140 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG TRONG CHÂU BẢN 
THỜI VUA BẢO ĐẠI
 Nguyễn Thu Hoài*
Bảo Đại là niên hiệu vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là vị 
vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Cầm quyền trong giai đoạn lịch sử 
cận đại đầy phức tạp, khi đất nước đã không còn quyền độc lập tự chủ, trong 20 
năm ở ngôi Hoàng đế, từ tháng 11 năm 1925 đến tháng 8 năm 1945, Bảo Đại có lẽ 
là vị vua khá đặc biệt không chỉ đối với triều Nguyễn mà còn trong lịch sử phong 
kiến Việt Nam. Sinh ra trong gia đình hoàng tộc, là con trai duy nhất của vua Khải 
Định, chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng phong kiến từ các đời ông cha nhưng Bảo 
Đại lại được học tập đào tạo gần như hoàn toàn tại Pháp, một nước văn minh khác 
xa nơi ông sinh ra. 
Năm 1932, nhà vua trở về nước sau 10 năm học tập tại Pháp, chính thức nắm 
quyền chấp chính triều đình, với hoài bão của một người trẻ tuổi tiến bộ, khát khao 
mang những điều mới mẻ từ phương Tây để canh tân đất nước. Tuy nhiên vua Bảo 
Đại đã vấp phải không ít trở ngại không chỉ từ phía chính quyền bảo hộ Pháp mà 
còn ngay trong nội bộ triều đình Huế. Dù vậy hệ thống chính quyền thời ông trị vì 
vẫn có những thay đổi so với các triều đại trước đó dẫn đến hệ thống văn bản hành 
chính giai đoạn này có một số khác biệt. 
Trên cơ sở khảo cứu thực tế khối Châu bản triều Nguyễn - triều Bảo Đại hiện 
đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tại Hà Nội, bài viết sẽ trình bày 
một số nghiên cứu khái lược về 3 vấn đề chính:
- Sơ lược về khối tài liệu Châu bản triều Bảo Đại
- Những thay đổi về mặt hành chính dưới thời vua Bảo Đại
- Một số đặc trưng trong Châu bản thời vua Bảo Đại
1. Sơ lược về khối tài liệu Châu bản triều Bảo Đại
Châu bản là khối tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà 
nước của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn (1802-1945), trong đó triều Bảo 
Đại là 1 trong 11 triều vua nhà Nguyễn còn lưu giữ được tài liệu Châu bản.(1) Châu 
bản triều Bảo Đại có 54 tập tài liệu gốc, trong đó có sự khác biệt khá rõ về hình 
thức của hai nhóm tài liệu. Cụ thể 20 tập đầu tiên đánh số từ 1 đến 20 là tài liệu 
* Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
TƯ LIỆU
141Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
bằng giấy dó viết chữ Hán Nôm, thời gian của tài liệu từ năm 1925 đến năm 1933. 
34 tập tiếp theo đánh số từ 21 đến 54 là tài liệu chủ yếu viết chữ Pháp và chữ Việt 
(chữ Quốc ngữ) trên loại giấy mới (giấy công nghiệp), có đan xen một số văn bản 
bằng chữ Hán Nôm, thời gian tài liệu từ năm 1935 đến năm 1945.(2) 
Nhóm tài liệu viết trên giấy dó trước đây được đóng thành tập có bìa. Thực tế 
trong nhóm này chỉ có 2 tập (tập 1 và tập 2) được sắp xếp thống kê trong khối Châu 
bản triều Nguyễn qua đợt chỉnh đốn phân mục năm 1942 của Viện Văn hóa Huế 
do ông Trần Văn Lý, Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Bảo Đại chủ trì, 18 tập còn lại 
được sắp xếp đóng quyển đánh số tiếp theo sau năm 1975. Nhóm tài liệu viết trên 
giấy kiểu mới là các văn bản rời lẻ không đóng quyển, cách sắp xếp dưới dạng các 
hồ sơ. Mỗi cặp hồ sơ là tập hợp tài liệu của một bộ hoặc của Ngự tiền Văn phòng, 
bên trong được sắp xếp theo thời gian của tài liệu. 
Nghiên cứu nội dung tài liệu, nhận thấy sự khác nhau giữa hai nhóm tài liệu 
có nguyên nhân xuất phát từ những thay đổi về chính trị cũng như hành chính dưới 
triều vua Bảo Đại. Từ những thay đổi trong bộ máy tổ chức đã dẫn đến những đặc 
trưng trong hệ thống văn bản hành chính giai đoạn này.
2. Những thay đổi về mặt hành chính dưới thời vua Bảo Đại
Mặc dù lên ngôi tháng 11 năm 1925, chính thức đăng quang ngày 8 tháng 1 
năm 1926 nhưng vua Bảo Đại lúc đó chỉ mới 12 tuổi, sau lễ tấn phong đã nhanh 
chóng quay trở lại Pháp để tiếp tục con đường học tập. Toàn bộ công việc của triều 
đình Huế được giao cho Hội đồng Phụ chính điều hành. Năm 1932 vua Bảo Đại 
trở về nước chính thức bắt đầu nắm quyền điều hành đất nước. Vì vậy toàn bộ thời 
gian ông trị vì có thể chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn từ 1925 đến 1932 lúc vua 
Bảo Đại chưa nắm quyền chấp chính và giai đoạn từ cuối 1932 đến tháng 8 năm 
1945 khi đã nắm quyền chấp chính.
- Giai đoạn từ 1925 đến 1932:
Sau khi vua Khải Định mất tháng 11 năm 1925, Hoàng tử Vĩnh Thụy về 
nước thọ tang cha sau đó chính thức lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Bảo Đại. 
Tuy nhiên, do vua Bảo Đại phải tiếp tục trở lại Pháp để học tập, mọi công việc 
của triều đình đều giao cho Hội đồng Phụ chính nắm giữ. Ngày 06/11/1925, Toàn 
quyền Đông Dương và Hội đồng Phụ chính đã ký một bản Quy ước (Convention) 
cho phép Hội đồng Phụ chính được quyền thay mặt nhà vua điều hành mọi công 
việc của triều đình. Tuy nhiên Hội đồng này chỉ được quyết định những vấn đề có 
liên quan đến điển lệ, ân xá, phong tặng tước hàm, chức sắc... còn lại những việc 
khác đều thuộc quyền của nhà nước Bảo hộ. Văn bản này cũng đồng thời sáp nhập 
ngân sách Nam triều vào ngân sách Trung Kỳ và mọi cuộc họp bàn của Hội đồng 
Thượng thư đều do Khâm sứ Trung Kỳ chủ tọa. 
142 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
Về mặt hành chính, bộ máy hành chính Nam triều giai đoạn này hầu như 
không có gì thay đổi so với các triều đại trước vẫn gồm Lục Bộ (Binh, Công, Hình, 
Hộ, Lại, Lễ) và Bộ Học mới thành lập dưới thời Duy Tân năm 1907; ngoài ra các 
cơ quan khác như Nội Các, Cơ Mật Viện, Hàn Lâm Viện, Đô Sát Viện, Thái Y 
Viện, Tôn Nhân Phủ, Nội Vụ Phủ, Quốc Tử Giám, Quốc Sử Quán, Khâm Thiên 
Giám hầu như vẫn giữ nguyên về mặt tổ chức. 
- Giai đoạn từ tháng 8 năm 1932 đến tháng 8 năm 1945:
Sau 10 năm theo học tại Pháp, tháng 8 năm 1932 vua Bảo Đại về nước, việc 
đầu tiên sau khi trở về là ban hành một đạo dụ tuyên cáo chấp chính, đồng thời hủy 
bỏ bản Quy ước ngày 06 tháng 11 năm 1925 do Hội đồng Phụ chính Nam triều 
ký với Pháp sau khi vua Khải Định mất. Ngay sau đó ông thực thi một số cải cách 
trong triều, xóa bỏ một số nghi thức trước đây như cho phép thần dân không phải 
rập đầu cúi lạy khi gặp xa giá nhà vua mà có thể được ngước nhìn long diện, bãi bỏ 
nghi thức quỳ lạy đối với quan lại khi vào chầu, quan Tây được phép bắt tay nhà 
vua trong nghi thức chào hỏi Đặc biệt, vua Bảo Đại bổ nhiệm ngay 5 Thượng 
thư mới là những học giả theo trường phái tân tiến gồm Phạm Quỳnh, Thái Văn 
Toản, Hồ Đắc Khải, Ngô Đình Diệm và Bùi Bằng Đoàn thay thế các Thượng thư 
già yếu bảo thủ như Nguyễn Hữu Bài, Tôn Thất Đàn, Phạm Liệu, Võ Liêm, Vương 
Tứ Đại. Trong đó Ngô Đình Diệm thay thế Nguyễn Hữu Bài làm Thượng thư Bộ 
Lại, Bùi Bằng Đoàn thay thế Tôn Thất Đàn làm Thượng thư Bộ Hình, Thái Văn 
Toản thay thế Vương Tứ Đại làm Thượng thư Bộ Công, Hồ Đắc Khải được bổ làm 
Thượng thư Bộ Hộ, Phạm Quỳnh làm Đổng lý Ngự tiền Văn phòng.(3) 
Cùng với việc thay đổi về nhân sự, bộ máy hành chính cũng có một số thay 
đổi. Năm 1932 vua Bảo Đại cho xây dựng mới một tòa nhà theo kiến trúc kiểu 
Pháp hiện đại với 2 tầng đổ mái bằng nằm ở phía bắc Tử Cấm Thành làm trụ sở 
mới cho bộ máy văn phòng giúp việc của nhà vua. Đồng thời năm 1933 đổi tên 
Nội Các, cơ quan do vua Minh Mệnh thành lập từ năm 1829 thành Ngự tiền Văn 
phòng. Mặc dù đổi tên nhưng chức năng của Ngự tiền Văn phòng gần như không 
thay đổi so với Nội Các trước đây, vẫn là cơ quan giúp việc trực tiếp của nhà vua, 
luân chuyển, tàng trữ các văn thư quan trọng của triều đình, chỉ khác là người đứng 
đầu được đặt cho chức danh Đổng lý Ngự tiền Văn phòng.(4) 
Năm 1935 để phù hợp với xu thế mới, vua Bảo Đại cho đổi tên và thành lập 
mới một loạt các bộ trong hệ thống chính quyền Nam triều như: 
+ Bộ Học đổi tên thành Bộ Quốc gia Giáo dục (năm 1943 lại đổi thành Bộ 
Quốc dân Giáo dục, năm 1945 là Bộ Giáo dục và Mỹ thuật);
+ Bộ Hộ bị xóa bỏ để thành lập hai bộ mới là Bộ Kinh tế (năm 1943 đổi tên 
thành Bộ Kinh tế-Nông nghiệp) và Bộ Tài chính;
143Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
+ Bộ Công được đổi tên thành Bộ Công chánh giao thông;
+ Thành lập mới Bộ Lễ - Công trên cơ sở Bộ Lễ cũ, năm 1943 đổi thành Bộ 
Lễ nghi Công tác;
+ Bộ Hình đổi tên thành Bộ Tư pháp; 
+ Bộ Lại được giữ nguyên tên gọi trong những văn bản viết chữ Hán Nôm và 
chữ Việt nhưng trong các văn bản bằng chữ Pháp tương đương gọi tên là Bộ Nội 
vụ (Ministère de l’Intérieur). 
Ngoài ra sau đó vua Bảo Đại còn thành lập thêm một số bộ mới như Bộ 
Thanh niên, Bộ Y tế cứu tế trên cơ sở tách ra từ những bộ đã thành lập. Người 
đứng đầu các bộ theo cách gọi Nam triều là Thượng thư nhưng trong các văn bản 
tiếng Pháp được gọi là Bộ trưởng (Ministre). 
3. Một số đặc trưng trong Châu bản thời vua Bảo Đại
Từ những thay đổi về mặt tổ chức bộ máy, hệ thống văn bản hành chính thời 
Bảo Đại cũng có những thay đổi, chia thành 2 giai đoạn: từ năm 1925 đến năm 
1933, từ năm 1935 đến năm 1945.
- Giai đoạn từ 1925 đến 1933: 
Giai đoạn này văn bản chủ yếu viết bằng chữ Hán Nôm trên giấy dó, loại 
hình cũng như thể thức văn bản hầu như giống văn bản hành chính các triều đại 
trước, chữ viết theo chiều dọc, đọc từ phải qua trái. Quy thức ấn triện vẫn theo nếp 
cũ đóng trên dòng niên đại và chỗ giáp lai văn bản. Từ năm 1925 đến năm 1932, 
 Một bản tấu của Cơ Mật Viện trình lên vua Bảo Đại (năm Bảo Đại thứ 8 - 1933)
(Văn bản viết bằng chữ Hán Nôm trên giấy dó, viết theo chiều dọc đọc từ phải sang trái.
Châu điểm trên chữ Tấu, Châu phê: “Đặc chuẩn”. Dấu “Cơ Mật Viện ấn” đóng đè lên dòng niên 
đại, dấu kiềm “Cơ Mật” đóng giáp lai văn bản, dấu công văn đi đến đóng ở giữa văn bản)
144 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
trong khi vua Bảo Đại còn ở Pháp, Hội đồng Phụ chính chỉ thay mặt nhà vua điều 
hành công việc nhưng không được phép bút phê, vì vậy văn bản giai đoạn này hoàn 
toàn không có bút tích Châu phê. Loại hình văn bản chủ yếu là bẩm, trình của các 
địa phương gởi lên Hội đồng Phụ chính và các bản điện tấu, điện thư của Hội đồng 
Phụ chính gởi sang Pháp xin ý kiến nhà vua về một số việc.(5) Từ năm 1933 vua 
Bảo Đại bắt đầu việc ngự phê lên văn bản. Ban đầu vẫn giữ kiểu ngự phê như các 
triều đại trước, dùng bút đỏ phê duyệt bằng các hình thức Châu phê, Châu điểm, 
Châu khuyên, Châu mạt.(6) Nhà vua phê duyệt bằng chữ Hán Nôm, thường ở đầu 
hoặc cuối văn bản, có lúc xen giữa các dòng. Tuy nhiên văn bản giai đoạn này bắt 
đầu được đóng thêm một loại dấu mới bên trong viết chữ Pháp là dấu chuyển phát 
công văn đi và đến. 
- Giai đoạn từ 1935 đến 1945: 
Văn bản hành chính giai đoạn này có sự thay đổi căn bản từ chữ viết, chất 
giấy, chất mực, thể thức, loại hình văn bản, ngự phê, con dấu 
Về chữ viết, ngoài chữ Hán Nôm là loại chữ thông dụng trong các văn bản 
hành chính trước đây, giai đoạn này có thêm chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Thực chất 
từ sau khi có sự can thiệp của Pháp ở Việt Nam, chữ Pháp đã xuất hiện trong hệ 
thống văn bản hành chính và đến đầu thế kỷ 20 thì có thêm chữ Quốc ngữ. Nhưng 
phải đến giai đoạn này loại hình Châu bản với bút phê của vua Bảo Đại bằng 
Châu bản giai đoạn từ 1935 đến 1945, viết bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp
(Dòng chữ đỏ là châu phê và chữ ký của vua Bảo Đại; văn bản soạn thảo bằng loại 
chữ nào nhà vua phê duyệt bằng loại chữ đó)
145Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
chữ Pháp và chữ Quốc ngữ mới xuất hiện. 
Điều này có nghĩa là trên mỗi văn bản viết 
bằng ngôn ngữ nào (Hán Nôm, Pháp hay 
Việt) vua Bảo Đại sẽ phê duyệt bằng ngôn 
ngữ đó. 
Về chất liệu, văn bản viết bằng chữ Pháp và 
Quốc ngữ được đánh máy trên giấy pelure 
hoặc giấy công nghiệp, khác hoàn toàn với 
việc dùng bút lông viết tay chữ Hán Nôm 
trên giấy dó trước đây. Ngoài ra có một số 
ít văn bản được viết tay bằng bút sắt.
Về thể thức, khác với văn bản trước đây 
được viết trên giấy dó, theo chiều dọc, đọc 
từ phải qua trái, văn bản giai đoạn này bắt 
đầu có bố cục khá giống các văn bản hiện 
đại ngày nay. Tiêu đề trên bên trái là quốc 
hiệu, dưới là tên cơ quan ban hành; tiếp 
dưới có số hiệu văn bản và trích yếu nội 
dung. Tiêu đề trên bên phải là địa danh, 
ngày tháng năm theo niên đại; dòng dưới 
là ngày tháng năm dương lịch tương ứng. 
Nội dung văn bản được trình bày giữa trang chếch về bên phải, bên dưới ghi chức 
vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền. 
Về loại hình văn bản, giai đoạn này ngoài các loại văn bản truyền thống như 
dụ, chỉ, tấu, tư trình còn có thêm một số loại hình văn bản mới như nghị định, báo 
cáo, công văn, điện
Về con dấu, dấu cơ quan ban hành văn bản trước đây thường được đóng ở 
cuối văn bản đè lên dòng niên đại, dấu hình vuông kích cỡ thông thường khoảng 
10 x 10cm. Văn bản giai đoạn này dấu cơ quan ban hành văn bản được đóng ở góc 
phải bên dưới, dấu hình vuông kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều khoảng 3 x 3cm, được 
đóng đè lên chữ ký của người có thẩm quyền. Ngoài ra góc dưới bên trái có thêm 
dấu công văn đi và đến hình chữ nhật bên trong viết chữ Pháp. 
Về ngự phê, Hoàng đế Bảo Đại phê duyệt lên văn bản bằng bút dạ đỏ, lời phê 
đè lên chữ viết của văn bản. Dưới dòng Châu phê nhà vua ký tắt 2 chữ BĐ (tức Bảo 
Đại). Tuy nhiên cũng có văn bản nhà vua không phê chỉ ký 2 chữ BĐ đồng nghĩa 
với việc nhà vua đã xem và phê chuẩn. Đây là điều khá đặc biệt bởi lẽ các vị vua 
trước đó thường chỉ bút phê nhưng không bao giờ ký tên lên văn bản. 
Một văn bản do Ngự tiền Văn phòng sao 
lục, phụng Châu phê: “Chuẩn y, khâm thử”, 
bên dưới là dấu “Ngự tiền Văn phòng cung 
lục”, dấu “Ngự tiền Văn phòng” đóng đè lên 
chữ ký của viên Đổng lý. 
146 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
Đối với bản sao lục, Ngự tiền Văn phòng có trách nhiệm đánh máy lại lời 
vua phê ở lề bên trái dưới phần trích yếu văn bản và ghi rõ “Phụng châu phê” đồng 
thời đóng dấu “Ngự tiền Văn phòng” đè lên. Bên dưới đóng dấu “Ngự tiền Văn 
phòng cung lục”, cùng chữ ký và chức danh Đổng lý Ngự tiền Văn phòng - người 
chịu trách nhiệm sao lục, trên chữ ký của viên Đổng lý lại đóng dấu “Ngự tiền Văn 
phòng” đè lên.
Có thể nói, trong 20 năm với danh vị Hoàng đế nhưng thời gian ngồi trên ngai 
vàng thực tế của vua Bảo Đại rất ít, thời gian ông dành cho công việc triều chính 
cũng không nhiều. Nói vậy không có nghĩa ông là vị vua vô dụng, ông ấp ủ nhiều 
dự định cải cách nhưng có lẽ mong muốn lớn lao đó khó thành công khi mà bản 
thân ông và cả triều đình mà ông làm chủ bị phụ thuộc quá nhiều vào phương Tây. 
Về thực chất kể cả khi đã chính thức chấp chính, vua Bảo Đại cũng hầu như không 
có thực quyền, mọi quyền hành đều nằm trong tay chính phủ bảo hộ Pháp. Dù vậy 
những thay đổi về mặt hành chính giai đoạn ông trị vì, dù là chủ đích hay do người 
Pháp dẫn dắt cũng là một bước ngoặt quan trọng đối với nền hành chính phong 
kiến của nhà Nguyễn. Đồng thời đánh dấu giai đoạn giao thời của xã hội đang biến 
chuyển như một tất yếu trong dòng chảy lịch sử cận đại Việt Nam.
 N T H
CHÚ THÍCH
(1) Nhà Nguyễn có 13 triều vua nhưng chỉ có 11 triều còn lưu giữ được Châu bản là Gia Long, 
Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Hàm Nghi, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, 
Khải Định và Bảo Đại; 2 triều không có Châu bản là Dục Đức (làm vua 3 ngày) và Hiệp Hòa 
(làm vua 4 tháng 10 ngày).
(2) Không thấy các tài liệu năm 1934.
(3) Sự kiện này được Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn, một nhà thơ đương thời mô tả rất thú vị như sau: 
Năm cụ khi không rớt cái ình
Đất bằng sấm dậy giữa Thần Kinh
Bài không đeo nữa xin dâng Lại
Đàn chẳng ai nghe khéo dở Hình 
Liệu thế không xong Binh chẳng được
Liêm đành chịu đói Lễ đừng dinh
Công danh như thế là hưu hỉ
Đại sự xin nhường kẻ hậu sinh.
 Trong đó nói về 5 cụ tức Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Lại; Tôn Thất Đàn, Thượng thư 
Bộ Hình; Phạm Liệu, Thượng thư Bộ Binh; Võ Liêm, Thượng thư Bộ Lễ; Vương Tứ Đại, 
Thượng thư Bộ Công.
(4) Những người từng kinh qua chức Đổng lý Ngự tiền Văn phòng dưới thời vua Bảo Đại gồm 
Phạm Quỳnh, Trần Văn Lý, Phạm Khắc Hòe.
147Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017
(5) Thực chất những văn bản này không gọi là Châu bản nhưng chúng vẫn được sắp xếp 
chung trong khối Châu bản triều Bảo Đại.
(6) Các hình thức ngự phê trước đây gồm: Châu phê (硃批) là việc nhà vua cho ý kiến vào văn 
bản bằng một vài chữ, một câu hay đoạn văn. Châu điểm (硃點) là một nét son nhà vua 
chấm lên đầu văn bản thể hiện sự đồng ý. Châu khuyên (硃圈) là vòng son nhà vua khuyên 
lên tên người hoặc điều khoản được chấp thuận. Châu mạt (硃抹) là những nét chấm bên 
cạnh chỗ không chấp thuận.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế (1997), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa-
Thông tin, Hà Nội.
2. Trần Trọng Kim (1999), Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.
3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hệ thống thông tin Châu bản triều Nguyễn (Cơ sở dữ liệu - 
mạng nội bộ). 
4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Mục lục Châu bản triều Nguyễn (Hệ thống mục lục tra cứu).
TÓM TẮT
Trên cơ sở khảo cứu thực tế khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn, thời Bảo Đại (1926-1945) 
hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), bài viết trình bày 3 nội dung chính:
- Sơ lược về khối tài liệu Châu bản triều Bảo Đại.
- Những thay đổi của bộ máy hành chính Nam triều dưới thời Bảo Đại.
- Một số đặc trưng trong Ch
âu bản thời vua Bảo Đại.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tài liệu Châu bản thời Bảo Đại có một số khác biệt so với các 
triều đại trước, thể hiện qua văn tự, chất liệu giấy, thể thức trình bày, loại hình văn bản, con dấu 
và cách thức ngự phê Sự khác biệt này cho thấy ý định cải cách triều chính của vua Bảo Đại, 
người được đào tạo bài bản theo Tây học. Chỉ tiếc là những cải cách ấy không thể cứu nổi một 
triều đại rệu rã đã nằm gọn hoàn toàn trong tay thực dân Pháp.
ABSTRACT
SOME FEATURES OF ROYAL DECREES UNDER THE REIGN OF EMPEROR BẢO ĐẠI
Based on the factual research of the Nguyễn Dynasty’s royal decrees under the reign of 
Emperor Bảo Đại (1926-1945) being preserved at the National Archives Center No.I (Hanoi). The 
article presents three main contents:
- Brief of royal decrees under the reign of Emperor Bảo Đại.
- Changes in the administrative apparatus of the Huế Court under the reign of Emperor Bảo Đại.
- Some features of royal decrees under the reign of Emperor Bảo Đại.
The results of the study show that the royal decrees under the reign of Emperor Bảo Đại 
were somewhat different from those of previous dynasties based on the script, paper material, lay-
out, type of document, seal and royal comments. This distinction shows the intention of Emperor 
Bảo Đại, who was imbued with western education, to reform court affairs. Unfortunately, these 
reforms could not save a decadent dynasty under the French domination.

File đính kèm:

  • pdfmot_so_dac_trung_trong_chau_ban_thoi_vua_bao_dai.pdf