Một số đặc điểm từ ngữ biểu đạt không gian và thời gian trong ngôn ngữ lời bình "Mêkông ký sự"

Ký sự truyền hình (journalese sketch) là một thể loại báo chí khá mới mẻ ở nước ta. Việc

nghiên cứu ngôn ngữ lời bình ký sự truyền hình ở góc độ ngôn ngữ học là một việc làm cần thiết để

đóng góp các nghiên cứu chuyên sâu về thể loại này, giúp các biên tập, người viết lời bình nâng cao

chất lượng bài viết, phục vụ tốt nhu cầu của khán giả xem đài.

Một trong những điểm nổi bật của ngôn ngữ lời bình của ký sự truyền hình thể hiện ở các

từ ngữ biểu đạt không gian và thời gian trong tác phẩm Mêkông ký sự (MKKS). Ngôn ngữ biểu đạt

không gian, thời gian trong MKKS luôn xuất phát từ điểm nhìn trần thuật bên trong. Từ góc độ

nghiên cứu của ngôn ngữ học tri nhận, nhiều từ ngữ biểu đạt không gian chuyển thành từ ngữ thời

gian, thể hiện lối tư duy, thói quen sử dụng ngôn ngữ của người bản ngữ. Ngôn ngữ lời bình biểu

đạt thời gian, không gian trong MKKS được nhà văn Trần Đức Tuấn sử dụng khá đặc sắc, cuốn hút

người xem mặc dù ai cũng biết câu chuyện của tác giả kể là câu chuyện của quá khứ chứ không phải

câu chuyện đang đồng thời xảy ra lúc tác giả đang kể.

pdf 12 trang kimcuc 10420
Bạn đang xem tài liệu "Một số đặc điểm từ ngữ biểu đạt không gian và thời gian trong ngôn ngữ lời bình "Mêkông ký sự"", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số đặc điểm từ ngữ biểu đạt không gian và thời gian trong ngôn ngữ lời bình "Mêkông ký sự"

Một số đặc điểm từ ngữ biểu đạt không gian và thời gian trong ngôn ngữ lời bình "Mêkông ký sự"
107
Một số đặc điểm . . .
Nghiên cứu – Trao đổi
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TỪ NGỮ BIỂU ĐẠT KHÔNG GIAN 
VÀ THỜI GIAN TRONG NGÔN NGỮ LỜI BÌNH 
“MÊKÔNG KÝ SỰ”
Huỳnh Thị Hồng Hạnh*, Lê Thị Mỹ Phương** 
TÓM TẮT
Ký sự truyền hình (journalese sketch) là một thể loại báo chí khá mới mẻ ở nước ta. Việc 
nghiên cứu ngôn ngữ lời bình ký sự truyền hình ở góc độ ngôn ngữ học là một việc làm cần thiết để 
đóng góp các nghiên cứu chuyên sâu về thể loại này, giúp các biên tập, người viết lời bình nâng cao 
chất lượng bài viết, phục vụ tốt nhu cầu của khán giả xem đài. 
Một trong những điểm nổi bật của ngôn ngữ lời bình của ký sự truyền hình thể hiện ở các 
từ ngữ biểu đạt không gian và thời gian trong tác phẩm Mêkông ký sự (MKKS). Ngôn ngữ biểu đạt 
không gian, thời gian trong MKKS luôn xuất phát từ điểm nhìn trần thuật bên trong. Từ góc độ 
nghiên cứu của ngôn ngữ học tri nhận, nhiều từ ngữ biểu đạt không gian chuyển thành từ ngữ thời 
gian, thể hiện lối tư duy, thói quen sử dụng ngôn ngữ của người bản ngữ. Ngôn ngữ lời bình biểu 
đạt thời gian, không gian trong MKKS được nhà văn Trần Đức Tuấn sử dụng khá đặc sắc, cuốn hút 
người xem mặc dù ai cũng biết câu chuyện của tác giả kể là câu chuyện của quá khứ chứ không phải 
câu chuyện đang đồng thời xảy ra lúc tác giả đang kể. 
Từ khóa: ký sự truyền hình, Mêkông ký sự, ngôn ngữ lời bình
LANGUAGE OF THE JOURNALESE SKETCH IS SHOWN IN WORDS THAT 
EXPRESS SPACE AND TIME IN A PIECE OF WORK ENTITLED 
“MEKONG CATALOG RECORD”
ABSTRACT
Journalese sketch is a rather new kind of press in our nation. It is necessary to study 
commentary language of journalese sketch from the point of view of linguistics in order to contribute 
intensive researches about this genre. It helps editors and writers of comments improve their articles’ 
quality and well meet television views’ demand.
One of striking points of the commentary language of the journalese sketch is shown in words 
that express space and time in a piece of work entitled: “Mekong Catalog Record”. The language 
expressing space and time in the Mekong Catalog Record always comes from the internal narrative 
* TS. Khoa Văn học và Ngôn ngữ trường Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Tp. HCM. 
** HVCH. trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. 
108
Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật
viewpoint. From the point of view of studying Cognitive Linguistics, many words expressing space 
are turned into time words, that demonstrates the way of thinking and language using habit of 
vernacular people. The commentary language expressing space and time in the Mekong Catalog 
Record is used rather excellently by author Tran Duc Tuan which attracts viewers although everyone 
knows the story that he tells is the story of the past, not the one that happens at the same time when 
the author is telling. 
Keywords: Journalese sketch, Mekong Catalog Record, the commentary language.
1. Giới thiệu chung
Đã từ lâu, ở nhiều nước trên thế giới, ký 
sự truyền hình (journalese sketch) luôn được 
xem là một thể loại hấp dẫn, thu hút người xem. 
Tại Việt Nam, các tác phẩm thuộc thể loại này 
cũng chỉ thu hút sự chú ý, thực sự được quan 
tâm, sản xuất hàng loạt trong khoảng 20 năm 
trở lại đây. Bên cạnh những đặc điểm cơ bản 
của thể loại ký sự truyền hình quốc tế, ký sự 
truyền hình Việt Nam có những nét riêng, phù 
hợp với nhu cầu, thị hiếu của khán giả Việt, 
đi sâu khai thác vẻ đẹp trong văn hóa, phong 
tục tập quán, khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ nơi 
người xem. Đi đầu trong việc đầu tư, sản xuất 
các tác phẩm ký sự truyền hình ở Việt Nam có 
thể nhắc đến Hãng phim tài liệu – Đài truyền 
hình TP. HCM (TFS). Có thể kể ra một số ký 
sự truyền hình nổi bật do hãng phim TFS thực 
hiện trong thời gian gần đây như: Trung Hoa 
du ký, Mêkông ký sự, Ký sự Amazôn, Ký sự 
Hỏa xa, Ký sự hành trình theo chân Bác, Ký 
sự 54 dân tộc...
Cũng thuộc loại hình ký sự nhưng hầu 
hết các sản phẩm truyền hình này được viết 
dưới dạng ký sự hành trình hay còn gọi là du 
ký; nhằm ghi lại các chuyến đi trong và ngoài 
nước. Hầu hết các sản phẩm này được giới 
chuyên môn cũng như khán giả đánh giá cao 
về giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa. 
Với đặc thù là một thể loại khó trong báo 
chí, đòi hỏi sự đầu tư công phu cả về chủ đề, 
kịch bản, bối cảnh, hình ảnh, âm thanh, ánh 
sáng, ngôn từ, chất giọng thể hiện lời bình...
ký sự hành trình qua nhiều quốc gia là những 
hành trình chuyên chở cảm xúc văn hóa, thẩm 
mỹ đến cho người xem qua từng vùng đất, 
lãnh thổ, từng phong tục tập quán, từng nét 
văn hóa, từng hình tượng nhân vật điển hình 
trong hành trình ký sự. Bên cạnh ngôn ngữ 
hình ảnh, ngôn ngữ lời bình của ký sự truyền 
hình đã chuyển tải những nét đẹp ngoài hình 
ảnh, chuyển tải cảm xúc sống động của chính 
người viết qua ký sự. 
Với những giá trị đặc sắc về thể loại, khả 
năng chuyển tải cảm xúc, văn hóa, sự am hiểu 
sâu sắc về lịch sử, văn hóa, tập tục...của những 
cư dân đông đúc cùng chung sống trên cùng 
một dòng sông vĩ đại, Mêkông ký sự (MKKS) 
của nhà văn Trần Đức Tuấn mang đầy đủ đặc 
điểm của ký sự truyền hình và thể hiện nhiều 
điểm đặc sắc về ngôn ngữ lời bình của ký sự 
truyền hình. 
Tác giả này cũng cho rằng trong ký sự 
truyền hình không dùng các biện pháp điển 
hình hóa, nhân cách hóa của văn học hoặc các 
thủ pháp dàn dựng, diễn xuất của điện ảnh. 
Ký sự truyền hình phản ảnh con người, sự 
kiện điển hình bằng các chi tiết có thật, thông 
qua sự chọn lọc của nhà báo làm cho tác phẩm 
có sức truyền cảm. Con người, sự kiện trong 
ký sự không phải là sự tổng hợp của chi tiết 
từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, mà sự lấp lánh 
của nó xuất phát từ chính sự kiện, con người. 
Việc chọn con người, sự kiện điển hình thông 
109
Một số đặc điểm . . .
qua chi tiết có thật làm cho tác phẩm trở nên 
sâu sắc, có tính giáo dục cao. Trong tác phẩm 
ký sự truyền hình, năng lực thông tin không 
nằm ở sự kiện, nhưng sự kiện vẫn là cái gốc, 
là cơ sở để nhà báo trăn trở, suy ngẫm hướng 
tới một tình cảm cao đẹp và đánh thức ở con 
người tình cảm cao đẹp.
Ký sự truyền hình và các thể loại khác của 
truyền hình như: phóng sự, phim tài liệu
thường hay bị đóng gói chung là phóng sự 
hoặc phim tài liệu, ít người gọi đúng tên thể 
loại này. Có lẽ bởi vì giữa chúng có khá nhiều 
điểm tương đồng về thủ pháp sáng tạo, về 
quy trình sáng tác thông thường. Tuy nhiên, ở 
ngay cả những điểm chung thông thường này 
cũng vẫn tồn tại sự khác biệt trong đó. Trước 
hết, có thể xem xét những khác biệt này giữa 
phóng sự và ký sự như sau:
 Thể loại
Điểm khác biệt
PHÓNG SỰ KÝ SỰ TRUYỀN HÌNH
Về người viết lời bình Có vai trò kể lại sự kiện, sự việc. 
Không dừng lại ở kể mà còn suy ngẫm 
về sự kiện, sự việc, bày tỏ quan điểm, suy 
nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình.
Về chi tiết
Chi tiết là bộ phận của sự kiện, 
nó làm cho khán giả hiểu về sự 
kiện; trong ký sự.
Chi tiết hướng tới việc trở thành hình 
tượng có sức tác động vào khán giả. Việc 
chi tiết có trở thành hình tượng hay không 
còn phụ thuộc vào khả năng tìm tòi, lựa 
chọn và sử dụng chi tiết trong tác phẩm, 
nhưng việc tạo ra khả năng này của chi 
tiết trong ký sự đã làm cho tầm quan trọng 
của ký sự tăng lên.
Về bố cục
Bố cục thường tuân theo trình tự 
của các sự kiện, các vấn đề được 
trình bày theo trình tự nhất định.
Bố cục theo dòng suy nghĩ, sự liên tưởng 
và cảm xúc của tác giả.
Về trọng tâm
Trọng tâm là sự việc, sự kiện với 
các chi tiết bản chất.
Trọng tâm là các nhân vật với đời sống 
tinh thần ở dạng điển hình khác nhau 
Về thông tin
Thông tin luôn hướng tới bản 
chất sự kiện, sự việc, cùng với nó 
là thông tin về bản chất sự kiện, 
sự việc.
Thông tin tới việc làm toát ra từ sự kiện, 
sự việc đó các mối liên quan với sự kiện 
khác, hoặc một chủ đề khác mang tính 
nhân văn sâu sắc.
Về ngôn ngữ
Thường sử dụng ngôn ngữ tường 
thuật cộng với sự phân tích để 
làm rõ sự kiện.
Bên cạnh ngôn ngữ tường thuật, phân 
tích còn sử dụng ngôn ngữ hình tượng, ẩn 
dụ hướng tới phản ánh nội tâm nhân vật.
2. Thời gian, không gian trong lời bình 
Mêkông ký sự nhìn từ góc độ ngôn ngữ học 
tri nhận:
Trước nay đã có nhiều công trình nghiên 
cứu về phạm trù thời gian - không gian trong 
Việt ngữ học từ góc nhìn ngôn ngữ học tri 
nhận. Có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng 
tựu trung có 2 quan điểm là thừa nhận hoặc 
bác bỏ trong Tiếng Việt có phạm trù thời/ thì 
(tense). 
Đại diện quan niệm bác bỏ trong tiếng Việt 
có phạm trù thời có thể nhắc đến Trần Trọng 
Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Nghiêm, Hoàng Tuệ, 
Nguyễn Kim Thản, Đái Xuân Ninh, Nguyễn 
110
Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật
Đức Dân, Phan Thị Minh Thúy. Đặc biệt là 
GS Cao Xuân Hạo đã có rất nhiều công trình 
nghiên cứu chứng minh Tiếng Việt không có 
phạm trù thời, chỉ có phạm trù thể.
Ngược lại, quan niệm thừa nhận tiếng Việt 
có phạm trù thời/thì (tense) có các tác giả: 
Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Bạt Tụy, Phan Khôi, 
Trương Văn Chình- Nguyễn Hiến Lê , Lê Văn 
Lý, Diệp Quang Ban- Hoàng Văn Thung...
Trong khuôn khổ đề tài này người viết 
theo quan điểm cho rằng trong tiếng Việt 
không có phạm trù thời. Chúng tôi không 
trình bày quan điểm về thời gian- không gian 
nói chung theo tri nhận của Người Việt mà xét 
riêng trong lời bình tác phẩm Mêkông ký sự. 
Với đặc thù của thể loại báo hình, bắt buộc 
trả lời lời cho câu hỏi 5W thông thường là 
“Who”, “What”,”Where”, “When”, “Why”, 
Tứ 5 câu hỏi Ai? Việc gì?, Ở đâu? Khi nào? 
Như thế nào? Thì câu trả lời cho yếu tố thời 
gian, không gian là vô cùng quan trọng.
Với lối viết lời bình cho tác phẩm 
“Mêkông ký sự” xuất phát từ lối tri nhận thời 
gian của người Việt, chúng tôi vận dụng lý 
thuyết này để làm rõ một số đặc điểm từ ngữ 
biểu đạt thời gian và không gian trong lời bình 
ký sự truyền hình qua MêKông ký sự. 
3. Không gian- thời gian trong lời bình 
“Mêkông ký sự” từ điểm nhìn trần thuật 
bên trong
3.1. Điểm nhìn trần thuật bên trong
“Ký là một thể loại văn xuôi mà người 
thật việc thật được trình bày theo quan sát 
điểm của ngôi thứ 1”. [6,22]
Thể hiện đúng đặc điểm thể loại đó, toàn 
bộ lời bình của MKKS được thể hiện qua lời 
kể của nhân vật xưng “tôi” hoặc “chúng tôi”- 
người viết lời bình. “Tôi” là nhân vật trực tiếp 
tham gia vào MKKS, vào các sự kiện, các 
biến cố xảy ra của câu chuyện, vừa là người 
dẫn chuyện, kể lại câu chuyện đó qua lăng 
kính cảm nhận của mình. 
Điểm nhìn của chủ thể ở ngôi thứ nhất này 
là trung tâm cố định thu hút khán giả. Trong vai 
trò đặc biệt quan trọng đó, câu chuyện được 
tác giả kể ra không tách rời ý thức của người 
kể. Như vậy qua sự trần thuật của “tôi”, câu 
chuyện không chỉ hấp dẫn, giàu tính thuyết 
phục mà từ đây “tôi” có thể kể mọi chuyện về 
những gì xảy ra xung quanh, về các nhân vật 
trong câu chuyện, vai trò, ý nghĩa sự xuất hiện 
của họ, lý giải về nguyên nhân các sự kiện, sự 
việc, và kể về cảm nhận của bản thân “tôi” về 
mọi sự kiện, sự việc xảy ra. Điểm khác biệt 
có thể dễ dàng nhận thấy trong thể loại ký sự 
truyền hình là chỉ tồn tại điểm nhìn trần thuật 
bên trong chứ không tồn tại điểm nhìn trần 
thuật bên ngoài, tất cả thu gọn trong sự cảm 
nhận, qua sự tường thuật của nhân vật xưng 
“tôi” là tác giả, và điểm nhìn trần thuật bên 
trong tồn tại xuyên suốt, không có sự thay đổi 
điểm nhìn sang góc độ nào khác. 
Ví dụ: 
“Chúng tôi đang vượt sông Hàm Luông 
để đến với “Kinh đô dừa” của chính xứ dừa 
Bến Tre là huyện Mỏ Cày”. (tập 75)
Hoặc: “Chúng tôi đang có mặt ở huyện 
Cờ Đỏ, một miền đất trù phú”. (tập 82)
“Chúng tôi đang ngược quốc lộ 91 men 
theo bờ Tây sông Hậu tiến về phía thượng 
nguồn để khảo sát miền đất biên cương An 
Giang...”. (tập 67)
Điểm nhìn trần thuật bên trong là yếu tố 
cực kỳ quan trọng, chi phối toàn bộ thời gian, 
không gian trong MKKS. 
3.2. Không gian và từ ngữ biểu đạt không 
gian trong MKKS
Không gian trong MKKS không phải là 
không gian đơn thuần mà đó là không gian 
thực mà thể hiện qua lăng kính cảm nhận của 
111
Một số đặc điểm . . .
tác giả đó là sự hòa trộn của nhiều yếu tố, vừa 
là không gian thực, vừa nhuốm màu không 
gian nghệ thuật. 
“Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ 
về không gian nên mang tính chủ quan, ngoài 
không gian vật thể, có không gian tâm tưởng. 
Do vậy, không gian nghệ thuật có tính độc lập 
tương đối không quy được vào không gian địa 
lý”. [5,109].
Không gian và thời gian là những yếu tố 
đi liền nhau. Theo Nguyễn Thái Hòa, không 
gian bao gồm: không gian bối cảnh, không 
gian sự kiện, không gian tâm lý và không 
gian kể chuyện. Không gian kể chuyện khác 
với các không gian kể trên vì tuy ta không 
tìm thấy được trên bề mặt ngôn từ của lời 
bình ký sự nhưng đóng vai trò hết sức quan 
trọng trong nghệ thuật kể chuyện. Vì người 
kể lại câu chuyện phải nhập trở lại không gian 
sự kiện để kể nên không gian được chuyển 
từ không gian bối cảnh- không gian tâm lý, 
không gian sự kiện đến không gian kể chuyện.
Như vậy không gian của ký sự truyền hình 
không hoàn toàn là không gian thực. Mặc dù 
trong mỗi tập phim, mỗi trường đoạn, mỗi 
điểm đến, tác giả luôn cho người xem thưởng 
lãm một không gian, bối cảnh thật chi tiết: địa 
điểm đó thuộc kinh độ, vĩ đạo nào, độ cao địa 
hình bao nhiêu, vực sâu bao nhiêu so với mực 
nước biển...nhưng qua lăng lính, điểm nhìn 
trần thuật của tác giả, không gian khán giả 
cảm nhận là không gian của sự hồi tưởng, qua 
sự cảm nhận của tác giả. 
Như Lại Nguyên Ân khẳng định “Muốn thể 
hiện được không gian này, nhà văn phải dùng 
cơ chế của sự hồi tưởng, thể hiện không gian 
như một yếu tố liên quan đến ký ức của nhân 
vật... Không gian tuy có rộng lớn bao nhiêu 
nhưng cũng không thể thoát ra được cách xử lý 
của tư duy nhân vật người kể chuyện”. [1, 250]. 
Không gian là yếu tố vô cùng quan trọng 
trong một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là ký 
sự truyền hình. Không gian ký sự là sự hòa 
quyện giữa không gian thực tế, không gian 
được phản ánh, là không gian kể chuyện đã 
được thể hiện qua lăng kính cảm nhận của tác 
giả, trở thành không gian nghệ thuật.
Không gian trong MKKS là không gian 
hiện hữu trong tâm tưởng của tác giả, câu 
chuyện thực tế trong quá khứ được tác giả kể 
lại, không gian của câu chuyện được tái hiện 
rất linh hoạt, khi thì ở hiện tại, khi ngược về 
quá khứ, có khi xuôi về tương lai, nhưng tất 
cả vẫn diễn ra và hoàn tất trong không gian kể 
chuyện hiện tại. 
Không gian trong ký sự được mở rộng độ 
cao, độ rộng về địa lý, được thể hiện bằng hình 
ảnh chi tiết, bằng màu sắc, âm thanh, mùi vị, 
không gian đó được mở rộng bằng điểm nhìn 
của tác giả và được tường thuật lại bằng sự 
hồi tưởng của tác giả.
Không gian ký sự thể hiện bằng các chiều: 
“ở trên”, “ở dưới”, “bên này”, “bên kia”, 
“bên đó”, “trên này”, dưới kia», “phía 
trước”, “đằng sau»...trong đó tác giả là chủ 
thể, là trung tâm, và không gian ký sự thể hiện 
qua sự cảm nhận của tác giả, lấy điểm  ... hỉ có trong sáng tác nghệ thuật, bởi 
nó nhằm tạo ra cảm giác thời gian và dòng 
thời gian trong tâm hồn người đọc. Nó như 
được đồn nén vào trong đó biết bao biến cố sự 
kiện, bao cảm xúc, tậm trạng của nhân vật”. 
[8,244].
3.3.2.Thời gian sự kiện
Thời gian xảy ra các sự kiện, sự việc trong 
quá khứ có liên quan chặt chẽ với thời gian 
kể chuyện. Nhịp thời gian của sự kiện, nhận 
vật trong ký sự truyền hình là mốc thời gian, 
khoảng thời gian cụ thể... Yếu tố này đóng vai 
trò quyết định, có thời gian, có sự kiện thì mới 
có câu chuyện thực tế mà tác giả kể lại cho 
khán giả bằng ngôn từ, hình ảnh. Và đặc biệt 
với thể loại ký sự truyền hình, hình ảnh chiếm 
vai trò đặc biệt quan trọng, khi hình ảnh nói 
lên thời gian thì ngôn ngữ chỉ góp phần làm 
sáng tỏ thời gian, không gian cụ thể ấy. 
Thời gian sự kiện có liên quan đặc biệt 
với thời gian nhân vật. Trong suốt hành trình 
MKKS, trừ các thành viên của đoàn làm phim 
gần như là những nhân vật chính xuyên suốt 
ký sự, các nhân vật mà đoàn làm phim gặp 
gỡ chỉ xuất hiện trong một vài lăng hình hoặc 
một vài tập phim. Thông qua phát biểu của 
các nhân vật, thời gian cụ thể được khẳng 
định, chân thực hơn.
Trong câu chuyện thực tế của tác giả, 3 
mảng hiện tại- quá khứ- tương lai được lồng 
ghép vào nhau, có khi xuôi theo vận động 
tuyến tính, có khi lại đan xen cả thời gian, 
không gian một cách linh hoạt, hấp dẫn, lôi 
cuốn người xem theo cảm nhận, cảm xúc, sự 
liên tưởng phong phú, tài tình của tác giả.
Trong MKKS tác giả sử dụng khá nhiều 
từ ngữ chỉ thời gian, đó có thể là thời điểm cụ 
thể, cũng có thể là khoảng thời gian.
- Thời gian cụ thể được thể hiện theo trình 
tự ngày- đêm, ngày – tháng - năm, mùa: xuân 
- hạ thu- đông, mùa mưa - mùa khô... Vì thời 
gian trong MKKS được thể hiện bằng hình 
ảnh trong phim khá rõ nét nên yếu tố thời gian 
ngày - đêm trong MKKS được nói ít hơn
- Có thể nói trong suốt hành trình MKKS, 
phần bị áp lực về thời gian, phần do khó khăn 
vì sự hiểm trở của địa hình mà thời gian ban 
ngày ít được đề cập hơn đêm. Thời gian nghỉ 
ngơi ban đêm chính là thời gian mà cảm xúc 
của tác giả dâng trào.
VD: 
“Đoàn làm phim lên đường lúc 2 giờ sáng 
để chứng kiến phiên chợ đêm náo nhiệt”. 
(tập 53)
“Đền Trung Điện trời rất lạnh”. tập 4)
“Trời đêm cuối thu dịu mát tạo cảm giác 
khoan khoái êm đềm...”. (tập 56)
“Chiều Đakbla êm ả khởi đầu cho một 
đêm cao nguyên huyền bí...”. (tập 63)
“Trời đêm biên giới cho ta một cảm giác 
mơ màng...”. (tập 68)
Khác với các đoạn phim quay ban ngày, 
mọi cảnh vật có thể đặc tả bằng hình ảnh chi 
tiết, cảnh quay đêm bị hạn chế khá nhiều. Về 
kỹ thuật là do thiếu sáng, về hình ảnh bị hạn 
chế nên nghèo nàn hơn. Vì vậy trong thời gian 
ban đêm, đó là lúc ngôn ngữ đặc tả thể hiện 
nhiều nhất. 
“Châu đốc về đêm như một chòm sao 
rực sáng giữa dãy ngân hà Mêkông tráng lệ”. 
(tập 68)
“Trên đường tìm kiếm Mêkông chúng tôi 
đã đi qua biết bao thị thành tráng lệ nhưng cái 
đêm lung linh kỳ điệu như thế này chỉ có ở Lệ 
Giang. Những ngôi nhà cổ lộng lẫy soi mình bên 
dòng suối chỉ thấy ở đây. Suối mơ bên rừng thu 
vắng thì nhiều nhưng bên những lâu đài cổ kính 
không có bao nhiêu. Dòng nước linh thiêng từ 
trong núi tuyết chảy về nâng niu ước mơ bồng 
bềnh của con người trên những đóa hoa đăng 
mong manh khuất dần trong đêm tối là kỷ niệm 
đẹp nhất về thành cổ Lệ Giang...”. (tập 12)
- Các mùa trong năm cũng được tác giả 
nhắc đến rất nhiều lần vì thời gian trong năm 
có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới thời tiết, 
khí hậu, sự phát triển của thảm thực vật, mùa 
vụ canh tác của nông dân.
VD: “Lúc này là giữa mùa xuân nên phần 
lớn các đỉnh núi đều có tuyết.”(tập 2)
“Một cơn mưa xuân bất chợ ào tới, kèm 
116
Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật
theo dông nhiệt chẳng khác gì mùa hè, làm 
chúng tôi thật sự lúng túng. Vì đang trong 
mùa khô nên đây cũng được coi là hiện tượng 
quý hiếm ...” ( tập 16).
“... Từ những năm 70 của thế kỷ trước, 
người ta đã trồng thành công loại tiểu mạch 
mùa đông, năng suất và sản lượng cao hơn 
hẳn tiểu mạch mùa xuân và thanh khỏa”. 
(tập 6)
“Cuối cùng, đoàn làm phim được lệnh lên 
đường hướng về phía Côn Minh trong một 
ngày xuân ấm áp... Vậy là từ giờ phút này, 
Mêkông ký sự tiếp nhận những người bạn 
mới...”. (tập 8).
“Thà Khẹc mơ màng trong sương sớm. 
Nó vừa tỉnh giấc bên dòng chảy êm đềm sau 
một đêm dài đầu hạ.”(tập 41)
“Lúc này đang là giữa mùa khô, nước 
Mêkông khá trong”. (tập 67)
“Nhìn cảnh tượng thật ngao ngán nhưng 
đó là cách duy nhất để con người không phải 
bỏ xứ đi xa vào mùa mưa lũ”. (tập 67)
Đề cập nhiều tới thời gian, đặc biệt là các 
mùa trong năm, tác giả cho thấy có những 
vùng miền có sự biến đổi khí hậu mạnh mẽ 
theo các mùa trong năm, cũng như cho thấy 
sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn của các khu 
vực gần như trùng vĩ độ.
“... Cuối tháng 3 rồi, khi những nơi khác 
cùng vĩ độ như Triết Giang, Phúc Kiến trời đã 
nóng nực mà tại nơi đây vẫn có thể vui đùa 
với tuyết lạnh..., chẳng khác gì mùa đông đẹp 
đẽ của nước Nga”. (tập 4)
Đó là những điều kiện ảnh hưởng trực 
tiếp đến sinh hoạt, canh tác, sản xuất, các hoạt 
động văn hóa, lễ hội... Chẳng hạn như khí hậu 
khu vực sông Lan Thương:
“Trời lạnh gần như quanh năm nên việc 
bảo quản thực phẩm hết sức thuận lợi... Đã 
cuối tháng 3 nhưng các loài cây rụng lá mùa 
đông vẫn chưa thể đâm chồi vì trời còn quá 
lạnh”. ( tập 11)
“... Nếu tới đây vào mùa thu, thời gian cư 
trú của chúng, bạn sẽ được chứng kiến một 
cảnh tượng hiếm có...”
“Buổi sáng cuối tháng ba ở Đại Lý trời 
lạnh khoảng 3 độ C, rét hơn mùa đông ở Hà 
Nội”. ( tập 14)
- Tác giả cũng sử dụng thường xuyên sử 
dụng các từ chỉ khoảng thời gian như: thập 
niên, thập kỷ, nửa thế kỷ, nhiều thế kỷ qua, 
các thế kỷ, nhiều năm sau mùa lũ, những năm 
gần đây, thời kỳ này Việc dùng các từ chỉ 
thời gian trong quá khứ cũng là một trong các 
yếu tố tạo màu sắc cổ xưa cho các sự kiện, các 
cột mốc lịch sử quan trọng.
 Ví dụ: 
“Đã có thời kỳ người ta kêu gọi “cải tạo 
thiên nhiên”, “chế ngự dòng chảy” nhưng rồi 
cũng nhanh chóng nhận ra đó chỉ là sự động 
viên ý chí”. (tập 1)
“Sangrila chủ yếu nằm trong lãnh thổ 
châu Địch Khánh nơi mà người đời đã dốc 
công tìn kiếm suốt nửa thế kỷ”. (tập 4)
“Trung Điện là thủ phủ của châu tự trị 
...của nhà văn Anh Hiltơn vào những năm 30 
của thế kỷ trước”. (tập 2)
“... Từ những năm 70 của thế kỷ trước, 
người ta đã trồng thành công loại tiểu mạch 
mùa đông...”. (tập 6)
“... như một cánh chim lạ cô đơn, cảm xúc 
lữ khách đường chiều trào dâng mạnh mẽ, sẽ 
giúp cho cảm giác và tư duy của bạn thêm 
sức thẩm thấu, phát hiện ra nhiều điều trầm 
ẩn đằng sau những thế kỷ, những dáng vẻ huy 
hoàng của phố phường cổ kính, bởi đó chính 
là bản lĩnh, là tài năng, là khát vọng và cũng là 
số phận của dân tộc này...”. (tập 12)
“Ngay từ thế kỷ 12 Hồng Giáo và Bạch 
Giáo đã được truyền vào địa phận phía Bắc, 
tiếp theo là Hoa Giáo...Tới thế kỷ 17... Vào 
các thế kỷ 18,19... Tuy nhiên hiện nay Phật 
giáo Tạng truyền vẫn là tôn giáo lớn nhất”. 
(tập 6)
“...các thế kỷ chậm chạp trôi đi, tự lự, u ẩn 
trước một thiên nhiên bao la diễm lệ, buồn tẻ 
đến mơ màng”. (tập 63) 
- Tác giả cũng sử dụng nhiều mốc thời 
gian cụ thể khi kể về các sự kiện lịch sử: 
“Từ năm 1866 đến trước năm 1994 đã có 
một chục công trình nghiên cứu về Mêkông 
nhưng chẳng chút thành công. Phải chờ đến 
117
Một số đặc điểm . . .
ngày 17/9/1994 người ta mới tới được cao 
điểm 4.975m ...”. (tập 1)
Hoặc sử dụng mốc thời gian chính xác 
theo năm như:
“Năm 1373, nhà cải cách Tông Khách 
Ba..., năm 1437, một đệ tử ông đã dựng ngôi 
chùa đồ sộ này...”. (tập 6)
Khi cần, người kể chuyện có thể nhắc lại 
hoặc trích dẫn các thông tin quan trọng có ý 
nghĩa lịch sử bằng các số liệu cụ thể.
Ví dụ: “... Đây là khu di chỉ Ca Nhược...
được phát hiện năm 1977. Tháng 5 năm 1978 
người ta đào thử và tìm ra 26 di tích... Năm 
1979 khai quật chính thức và phát hiện thêm 
31 di tích...”. (tập 6)
Không thừa nhận có thời/thì (tense) trong 
Tiếng Việt nhưng hầu hết các tác giả đều thừa 
nhận sự tồn tại của các hư từ biểu thị ý nghĩa 
thời gian như: đã, từng, vừa, đang, sẽ, sắp.
Theo đó từ “đã” biểu thị ý nghĩa quá khứ 
chung. 
Từ “từng” biểu thị quá khứ xa, cho biết 
hành động kết thúc trước thời điểm phát ngôn. 
Từ “vừa”, “mới”, “mới vừa” biểu thị quá 
khứ gần, đồng thời cho biết hành động có thể 
vẫn tiếp tục trong thời điểm phát ngôn.Từ 
“đang” biểu thị ý nghĩa hiện tại. Từ “sẽ” biểu 
thị ý nghĩa tương lai chung. Từ “sắp” biểu thị 
ý nghĩa tương lai gần, đồng thời cho biết hành 
động chắc chắn sẽ diễn ra. 
Tuy nhiên vì trong tiếng Việt không có 
thời (tense), động từ có thể đi kèm hoặc không 
cần đi kèm với các hư từ này nên vai trò của 
các hư từ không mang tính chất quan trọng.
Trong ngôn ngữ nói, trong ngữ cảnh cụ 
thể rất ít khi người Việt sử dụng các hư từ này.
Ví dụ khi nói “ Tôi học bài” thì hiển nhiên 
không cần nói “Tôi đang học bài”, người 
nghe cũng có thể hiểu rằng hiện tại người nói 
đang học bài.
Hoặc nói: Hôm qua tôi và cô ấy đi 
xem phim”
Không cần thiết phải nói “Hôm qua tôi và 
cô ấy đã đi xem phim”. Chỉ riêng từ “hôm 
qua” người nghe đã biết sự việc diễn ra trong 
quá khứ. 
Tương tự, thời gian trong MKKS là thời 
gian quá khứ, được tác giả kể lại, nên mọi sự 
việc đều hoàn tất trong quá khứ, vì vậy các từ 
“đã”, “đã từng”, "đang", "sẽ" , “sắp” ...chỉ 
có giá trị tương đối trong tường thuật sự tình. 
Thực chất tất cả đã hoàn thnàh trong quá khứ.
Hầu hết lời bình của MKKS được viết 
dưới dạng trần thuật, tự sự, vì vậy việc tác 
giả chú trọng sử dụng các hư từ mang ý 
nghĩa rất lớn, nó giúp tạo ra một không gian 
tâm tưởng, thời gian luôn ở hiện tại để khán 
giả có thể cảm nhận các sự kiện với tất cả 
tính mới mẻ, bất ngờ. Ngay thời điểm câu 
chuyện được tác giả kể lại đều sử dụng từ chỉ 
thời điểm hiện tại:
VD: “Chiếc trực thăng của chúng tôi đang 
bay ngược sông Tiền đoạn nó ăn thông với 
Vàm Nao...”. (tập 70)
Hoặc “Chúng tôi đang đi vào một trong 
hai vùng đạo Thiên Chúa xưa nhất của đất 
Bến Tre”. (tập 76)
“...chặng đường thiên lý gian nan đã đưa 
chúng tôi tới được điểm xa nhất có thể về phía 
thượng nguồn dòng sông vĩ đại”. (tập 3)
“Vậy là chúng tôi đã có mặt trên phần 
đất nằm giữa hai dòng chảy lớn nhất của 
MêKông...”. (tập 70) 
“Trên đường đi chúng sẽ tiếp nhận 
thêm hàng ngàn dòng chảy nữa để đến 
vùng đồng Tháp Mười và Tứ giác Long 
Xuyên...”. (tập 3) 
“Chúng ta sẽ phải dừng lại dăm ba phút để 
làm việc với xuống cao tốc của các nhà chức 
trách...”. (tập 68 )
“Vậy là chúng tôi đã sắp tới dòng chính, 
nơi rất gần đầu nguồn của Tử Khúc”. (tập 22)
Thời gian trong MKKS là thời gian được 
thể hiện linh hoạt, phong phú theo cảm xúc 
của tác giá với cách sắp xếp có chủ ý, chẳng 
hạn như để thể hiện sự hồi tưởng, tác giả 
viết: “Nhớ lại những khoảnh khắc đầu tiên 
nhìn thấy chiếc cầu thượng lưu Hồng Hà bắc 
ngang thành phố, những giây phút trò chuyện 
với gia đình người Di chất phác...Đài truyền 
hình Nam Giang đã cử hai quan chức lãnh đạo 
tiễn chúng tôi...”. (tập 16) 
118
Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật
Trung thành với ngôn ngữ trần thuật từ 
đầu đến cuối, thời gian hiện tại trong MKKS 
khiến người nghe, người xem cảm nhận 
được dòng sự kiện đang diễn ra liên tục ngay 
trong thời điểm tác giả kể, nó tương tự như 
việc tường thuật trực tiếp trong một chương 
trình trực tiếp truyền hình nhưng thực chất là 
sự kiện cũ, xét đến thời điểm tác giả kể lại 
câu chuyện.
Ví dụ: 
“Lúc này đang giữa tháng 2 âm lịch...”. (tập 2)
“Lúc này là 30 tháng 3 dương lịch, vừa 
qua tiết Xuân phân”. ( tập 13)
“Điểm tới lúc này là phần nóc của ngôi 
nhà rông, tức phần đầu cù lao về phía thượng 
nguồn” (tập 84)
“...đêm nay có ý nghĩa hết sức đặc biệt 
vì Trung Điện được đón tiếp đoàn làm phim 
từ phương Nam xa xôi đến tìm hiểu và quay 
phim về Mêkông...”. (tập 4)
Không chỉ thổi không khí hiện thực vào câu 
chuyện, tác giả còn sử dụng thời gian như một 
phương tiện hữu dụng để bày tỏ cảm xúc xuôi 
theo chiều thời gian tuyến tính của sự kiện.
Ví dụ:
 “Tới tận sau này, khi sống giữa Sài Gòn 
náo nhiệt, mỗi khi hồi tưởng lòng còn mãi 
bâng khuâng ...”(tập )*
“Khu du lịch này có tên là “Nhà Mát” 
...lúc này mới chỉ là đất bồi song 500 năm 
sau ai dám chắc cảnh vật sẽ còn đậm chất hải 
dương như thế này...”. (tập 85)
4. Kết luận
Có thể nói, đối với thể loại ký sự truyền 
hình, việc tạo ra một không gian hòa quyện 
giữa không gian thực, không gian sự kiện, 
không gian kể chuyện và không gian nghệ 
thuật đã thể hiện tài năng của tác giả. Không 
gian đi liền với thời gian được khai thác theo 
nhiều chiều đã làm cho câu chuyện thực tế 
trong hành trình MKKS được mở rộng ra 
nhiều lần, vừa phản ánh được chiều sâu của 
thời gian, không gian sự kiện vừa mở ra được 
không gian cảm xúc của người xem. Sự đan 
xen các mốc thời gian lịch sử, các diễn biến 
theo trật tự thời gian trong quá trình thực hiện 
ký sự đã làm cho câu chuyện thực của tác giả 
sống động, có lượng thông tin dồi dào, có 
điều kiện để tác giả khai thác, phân tích, tìm 
lời giải thích thỏa đáng cho các vấn đề đặt ra. 
Không những vậy, việc kết hợp tài tình yếu 
tố thời gian, không gian xuất phát từ điểm nhìn 
trần thuật bên trong đã làm cho bố cục của hành 
trình MKKS tránh được sự khuôn sáo, nhàm 
chán, sự gượng ép, khiêng cưỡng khi lồng ghép 
các thông tin kinh tế, văn hóa, lịch sử...
Việc thể hiện câu chuyện trên chuỗi thời 
gian tuyến tính làm cho câu chuyện thực tế 
trong MKKS không quá sa đà vào các chi 
tiết khác, làm loãng nội dung chính của ký 
sự. Mặc dù lồng ghép nhiều yếu tố thời gian, 
không gian, khai thác thời gian, không gian ở 
nhiều phương diện nhưng tác giả vẫn giữ nhịp 
thời gian theo trật tự tuyến tính, chính điều 
này làm cho các phần, các tập, các trường 
đoạn của MKKS có tính liên kết theo trật tự 
thời gian. Có thể nói việc khai thác thời gian, 
không gian trong MKKS là một trong những 
yếu tố quan trọng làm nên thành công của 
MKKS./. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, NXB ĐHQG Hà Nội,1999.
[2] Nguyễn Đức Dân, Ngôn ngữ báo chí- những vấn đề cơ bản, Nxb Giáo dục, 2007.
[3] Nguyễn Đức Dân, Tri nhận thời gian trong Tiếng Việt, Tạp chí ngôn ngữ số 12 năm 2009
[4] Đức Dũng, Các thể loại báo chí, NXB Văn hóa thông tin, HN,1996.
[5] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên),Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Đại 
học Quốc gia, HN,1992. 
[6] Tầm Dương, Về thể ký, Tạp chí văn học, (2), HN,1967. 
[7] Dương Xuân Sơn, Các thể loại báo chí chính luận nghệ thuật, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội,2004. 
[8] Trần Đình Sử (chủ biên), Tự sự học- một số vấn đề lý luận và lịch sử, NXB ĐH Sư Phạm Hà 
Nội,2007. 
[9] Trần Đình Sử, Giáo trình dẫn luận thi pháp học, NXB Giáo dục, Hà Nội,1998. 

File đính kèm:

  • pdfmot_so_dac_diem_tu_ngu_bieu_dat_khong_gian_va_thoi_gian_tron.pdf