Kỳ nhân sư trong ngư tiều vấn đáp y thuật của Nguyễn Đình Chiểu – một kiểu mẫu nhân cách ẩn sĩ

Ẩn sĩ là một kiểu trí thức đặc biệt của xã hội Á Đông thời cổ - trung đại. Lịch sử ẩn

sĩ ở cả Trung Hoa lẫn Việt Nam đã cung cấp những kiểu mẫu nhân cách và mô

hình ứng xử cho các nhà nho noi theo khi gặp hoàn cảnh không thuận lợi để hành

đạo. Truyện Nôm Ngư Tiều vấn đáp y thuật của Nguyễn Đình Chiểu đã góp thêm

một kiểu mẫu nhân cách ẩn sĩ - Kỳ Nhân Sư, vào dòng chảy của văn chương ẩn

dật, được tổng hợp và hư cấu dựa trên nhiều “nguyên mẫu” ẩn sĩ của cả Trung

Hoa lẫn Việt Nam. Kỳ Nhân Sư là mẫu người có tài năng, có nhân cách cao đẹp

nhưng vì gặp thời loạn nên buộc phải lựa chọn con đường ẩn dật, thậm chí phải

hy sinh một phần thân thể để bày tỏ thái độ cương quyết cự tuyệt sự chiêu dụng

của kẻ xâm lược, dù vậy vẫn không từ bỏ lý tưởng giúp đời bằng những việc làm y

đức. Mô hình ứng xử này được cụ Đồ Chiểu chọn lưu truyền bằng hình thức

truyện Nôm nhằm khuyến khích các nhà nho Việt Nam cuối thế kỷ XIX noi theo.

pdf 12 trang kimcuc 18140
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ nhân sư trong ngư tiều vấn đáp y thuật của Nguyễn Đình Chiểu – một kiểu mẫu nhân cách ẩn sĩ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Kỳ nhân sư trong ngư tiều vấn đáp y thuật của Nguyễn Đình Chiểu – một kiểu mẫu nhân cách ẩn sĩ

Kỳ nhân sư trong ngư tiều vấn đáp y thuật của Nguyễn Đình Chiểu – một kiểu mẫu nhân cách ẩn sĩ
69 
CHUYÊN MỤC 
SỬ HỌC - NHÂN HỌC - NGHIÊN CỨU TÔN GIÁO 
KỲ NHÂN SƯ TRONG NGƯ TIỀU VẤN ĐÁP 
Y THUẬT CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU – 
MỘT KIỂU MẪU NHÂN CÁCH ẨN SĨ 
 TẠ THỊ THANH HUYỀN* 
Ẩn sĩ là một kiểu trí thức đặc biệt của xã hội Á Đông thời cổ - trung đại. Lịch sử ẩn 
sĩ ở cả Trung Hoa lẫn Việt Nam đã cung cấp những kiểu mẫu nhân cách và mô 
hình ứng xử cho các nhà nho noi theo khi gặp hoàn cảnh không thuận lợi để hành 
đạo. Truyện Nôm Ngư Tiều vấn đáp y thuật của Nguyễn Đình Chiểu đã góp thêm 
một kiểu mẫu nhân cách ẩn sĩ - Kỳ Nhân Sư, vào dòng chảy của văn chương ẩn 
dật, được tổng hợp và hư cấu dựa trên nhiều “nguyên mẫu” ẩn sĩ của cả Trung 
Hoa lẫn Việt Nam. Kỳ Nhân Sư là mẫu người có tài năng, có nhân cách cao đẹp 
nhưng vì gặp thời loạn nên buộc phải lựa chọn con đường ẩn dật, thậm chí phải 
hy sinh một phần thân thể để bày tỏ thái độ cương quyết cự tuyệt sự chiêu dụng 
của kẻ xâm lược, dù vậy vẫn không từ bỏ lý tưởng giúp đời bằng những việc làm y 
đức. Mô hình ứng xử này được cụ Đồ Chiểu chọn lưu truyền bằng hình thức 
truyện Nôm nhằm khuyến khích các nhà nho Việt Nam cuối thế kỷ XIX noi theo. 
Từ khóa: ẩn sĩ, Kỳ Nhân Sư, khí tiết, kiểu mẫu nhân cách, mô hình ứng xử 
Nhận bài ngày: 22/6/2019; đưa vào biên tập: 26/6/2019; phản biện: 11/7/2019; 
duyệt đăng: 12/8/2019 
1. ĐẶT VẤN ĐỀ 
Trong xã hội Trung Hoa và Việt Nam 
thời cổ có một kiểu trí thức đặc biệt, 
đó là: người ẩn sĩ. Họ là những người 
có đạo đức, có tài năng, nếu họ muốn 
có thể ra làm quan nhưng lại lựa chọn 
ở ẩn, hoặc đang làm quan nhưng vì lý 
do khách quan hay chủ quan nào đó 
mà lựa chọn con đường quy ẩn. Đó là 
một phần trong phương châm xử thế 
kinh điển của Nho gia: “đạt tắc kiêm 
thiện thiên hạ, cùng tắc độc thiện kỳ 
thân” (gặp thời trị bình thì ra làm quan 
giúp vua trị nước giúp đời, gặp đời 
loạn thì ở ẩn để bảo toàn nhân cách). 
*
 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân 
văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 
 TẠ THỊ THANH HUYỀN – KỲ NHÂN SƯ TRONG NGƯ TIỀU VẤN ĐÁP 
70 
Kiểu trí thức này tuy có số lượng 
không nhiều nhưng cũng đủ để lại ảnh 
hưởng không nhỏ trong lịch sử chính 
trị cũng như văn chương Á Đông thời 
cổ - trung đại, đặc biệt khi mẫu người 
này trở thành một “mẫu người văn 
hóa”. Cách ứng xử với đế vương, thái 
độ với danh lợi và lối sống khi lui về 
ẩn dật của các ẩn sĩ đã trở thành “mô 
hình xử thế” cho nhiều thế hệ nho sĩ 
noi theo khi gặp phải hoàn cảnh 
không thuận lợi cho việc hành đạo. 
Bên cạnh đó, các ẩn sĩ còn đi vào văn 
chương như những biểu tượng để các 
tác giả nhà nho ký ngụ thái độ chính 
trị và tâm sự của chính mình. Bởi vậy, 
thông qua những điển tích về các ẩn 
sĩ, người đọc có thể đoán biết được 
phần nào tâm tư của các tác giả. 
Nhận thức này là cơ sở quan trọng để 
chúng tôi phân tích và lý giải một trong 
những mẫu hình ẩn sĩ khá đặc biệt 
trong văn học trung đại Việt Nam: 
nhân vật Kỳ Nhân Sư trong truyện 
Nôm Ngư Tiều vấn đáp y thuật của 
nhà nho Nguyễn Đình Chiểu. 
Có thể nhận định Ngư Tiều vấn đáp y 
thuật là một tác phẩm có vị trí khá đặc 
biệt trong sự nghiệp sáng tác của 
Nguyễn Đình Chiểu. Truyện Nôm này 
ra đời vào giai đoạn Nam Kỳ lục tỉnh 
đã bị nhượng làm thuộc địa của thực 
dân Pháp, sau khi cuộc kháng chiến 
do các nhà nho và võ quan vùng đất 
này lãnh đạo đã thất bại. Dù đau lòng 
trước thất bại đó, Nguyễn Đình Chiểu 
vẫn không cam chịu và buông xuôi mà 
tiếp tục nỗ lực thực hiện sứ mệnh 
“giúp đời” bằng một phương thức 
khác: vận dụng những tri thức Đông y 
để khám và chữa bệnh cho người dân. 
Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn 
“diễn Nôm” một tác phẩm có cốt 
truyện, bằng những câu thơ lục bát dễ 
hiểu, dễ nhớ để vừa chuyển tải đạo lý 
Nho gia, vừa lưu truyền những tri thức 
và kinh nghiệm y học. Hình tượng Kỳ 
Nhân Sư chính là kết tinh nghệ thuật 
của truyện Nôm này. 
2. NỘI DUNG 
2.1. Ẩn sĩ như một mẫu người trí 
thức trong văn hóa Á Đông 
Trong bài viết này, chúng tôi tiếp cận 
mẫu người ẩn sĩ từ góc độ văn hóa 
học, theo đó, người ẩn sĩ sẽ được 
nhìn như một kiểu “nhân vật văn hóa”. 
Cách tiếp cận của chúng tôi được gợi 
ý bởi quan điểm về văn hóa của Gerrt 
Hofstede trong công trình Cultures 
and Organizations: Software of the 
Mind (Văn hóa và tổ chức: phần mềm 
của tâm trí) (2010). Trong công trình 
này, Gerrt Hofstede hình dung văn 
hóa giống như các lớp vỏ của một củ 
hành: lớp ngoài cùng là các biểu 
tượng (tức là các sự vật có tính vật 
chất mang chức năng biểu hiện một 
tư tưởng, một ý nghĩa trừu tượng, lớp 
tiếp theo là các nhân vật tiêu biểu (tức 
là những con người có những phẩm 
chất được một nền văn hóa đánh giá 
cao, do đó đóng vai trò như hình mẫu 
cho hành vi; lớp thứ ba là nghi lễ (tức 
là những hành vi, cử chỉ, trang phục, 
ngôn từ, vẻ mặt... được quy ước và 
chi phối quan hệ tương tác giữa 
người với người); lớp trong cùng và 
cũng là cốt lõi chính là các quan niệm 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 8 (252) 2019 
71 
về giá trị (tức là sự phân biệt, đề cao, 
lựa chọn giữa yếu tố này với yếu tố 
khác, đặc điểm này với đặc điểm kia..., 
ví dụ như phương Tây thời tư bản chủ 
nghĩa trọng thương, trong khi Á Đông 
phong kiến thì trọng nông) (dẫn theo 
Trần Nho Thìn, 2017: 17). Căn cứ theo 
quan điểm này, chúng tôi cho rằng có 
thể xem ẩn sĩ như là một (trong nhiều) 
nhóm “nhân vật tiêu biểu” trong văn 
hóa Á Đông đại diện cho những quan 
niệm về giá trị khác biệt. Họ là những 
trí thức (phần lớn là nho sĩ) có tài 
năng và đạo đức, gặp thời thịnh trị thì 
đa số đều nhiệt tình xuất thế để thực 
thi phương châm “trí quân trạch dân” 
(vừa giúp vua vừa làm cho dân được 
nhờ), còn nếu gặp phải nghịch cảnh 
có thể gây nguy hại đến tính mạng 
hoặc buộc họ phải hành xử trái ngược 
với những lý tưởng đạo đức mà họ 
hằng tin tưởng thì họ sẽ ẩn mình, 
ngay giữa chốn quan trường hay ở 
nơi rừng núi. Lui về ở ẩn, người ẩn sĩ 
thường tìm niềm vui và sự thanh thản 
nơi bầu rượu túi thơ, thú ngao du sơn 
thủy hay thú điền viên. Niềm tự hào và 
cũng là nguồn an ủi đối với họ chính 
là họ đã giữ vững được bản lĩnh đạo 
đức trước quyền lực và tiền bạc, xem 
trọng sự trong sạch của nhân cách và 
lý tưởng của bản thân hơn danh lợi. 
Văn chương của họ, với nội dung chủ 
đạo là ca ngợi cuộc sống ẩn dật và sự 
thanh cao về đạo đức đặt trong thế 
đối lập với cuộc sống ô trọc chạy theo 
lợi danh, thực chất vẫn là văn chương 
giáo huấn, bởi lẽ chúng vẫn thực hiện 
chức năng định hướng giá trị và cung 
cấp mô hình ứng xử. 
Nhà nghiên cứu Hàn Triệu Kỳ, trong 
Ẩn sĩ Trung Hoa đã tóm lược lịch sử 
và những đặc trưng của mẫu người 
ẩn sĩ như sau: “Ẩn sĩ cũng gọi là u 
nhân, dật nhân, cao sĩ, v.v Hậu Hán 
thư có Dật dân truyện, Tấn thư, 
Đường thư, Tống sử, Minh sử đều có 
Ẩn dật truyện, Nam Tề thư có Cao dật 
truyện, Thanh sử cảo có Di dật truyện, 
Kê Khang, Hoàng Phủ Mật có Cao sĩ 
truyện, Viên Thục có Chân ấn truyện, 
cách gọi khác nhau nhưng đều viết về 
một loại người [] Từ ẩn sĩ đối lập 
với từ quan lại, ý nói người ấy vốn có 
đạo đức, tài năng, vốn có thể làm 
quan, nhưng vì lý do khách quan hay 
chủ quan nào đó mà không bước vào 
quan trường, hoặc đang làm quan rất 
thuận lợi nhưng vì lý do khách quan 
hay chủ quan nào đó nên rời bỏ quan 
trường, tìm một nơi để ở ẩn” (Hàn 
Triệu Kỳ, 2001: 11). Hàn Triệu Kỳ 
khảo sát và phân loại các ẩn sĩ trong 
lịch sử Trung Quốc căn cứ trên các 
phương diện: nguồn gốc, lý do đi ở ẩn, 
diện mạo, quan hệ với chính trị, quan 
hệ xã hội, quan hệ gia đình, đời sống 
ăn ở, thú ngao du sơn thủy, các thú 
vui thanh cao của ẩn sĩ như làm thơ, 
uống rượu, thưởng trà, triết lý dưỡng 
sinh. Nhờ đó, độc giả hiện đại mới 
được biết rằng các ẩn sĩ thời xưa 
cũng bị phân hóa theo nhiều xu 
hướng chứ không phải đều tuân theo 
một lối hành xử duy nhất. Có những 
người kiên quyết bất hợp tác với triều 
đại thống trị đương thời để giữ lòng 
trung với triều đại cũ như Bá Di, Thúc 
Tề thời Chu, Vương Chúc nước Tề 
thời Chiến Quốc, Lương Hồng thời 
 TẠ THỊ THANH HUYỀN – KỲ NHÂN SƯ TRONG NGƯ TIỀU VẤN ĐÁP 
72 
Đông Hán (được gọi là loại ẩn sĩ khí 
tiết). Có những người ở ẩn để tránh 
thời loạn, xa rời sự nguy hại để cầu 
sự an toàn của bản thân và gia đình 
như Trang Tử (chủ trương bảo thân: 
“muốn làm con rùa sống lê đuôi trong 
bùn” chứ không muốn “làm con thần 
quy chết để được người ta thờ”), Tôn 
Đăng cuối thời Ngụy đầu thời Tấn 
(chủ trương giấu tài vì cho rằng “lửa 
thì có ánh sáng, chỉ có không để phát 
ra ánh sáng mới có thể giữ được ánh 
sáng; người thì có tài năng, chỉ không 
biểu hiện tài năng mới có thể giữ 
được tài năng”) hay Đổng Kính thời 
Tấn (thấu hiểu chân lý “con cá tham 
mồi mới mắc câu” (Hàn Triệu Kỳ, 
2001: 27). Có những người không 
chấp nhận “khom lưng uốn gối” vì 
“năm đấu gạo” nên từ bỏ quan trường 
mà tìm về với ruộng vườn để giữ gìn 
nhân cách trong sạch như Đào Uyên 
Minh. Có những người có tài năng, có 
chí tiến thủ công danh mãnh liệt 
nhưng chưa gặp cơ hội nên đành tạm 
ẩn nhẫn chờ thời như Khương Thái 
Công cuối thời Thương đầu thời Chu, 
Gia Cát Lượng thời Hán, Lưu Cơ thời 
Minh. Có những người quyết định quy 
ẩn sau khi đã hoàn thành đại nghiệp 
do thấu hiểu quy luật “thỏ chết thì chó 
săn bị mổ, chim chóc hết thì cung tốt 
bị xếp xó, nước địch bị phá thì mưu 
thần bị giết” như Trương Lương thời 
Hán, Phạm Lãi của nước Việt (Hàn 
Triệu Kỳ, 2001: 29). Có những người 
tuy ở ẩn, không tham gia chính sự 
nhưng rất tích cực đào tạo thế hệ sau 
nhằm cung cấp nhân tài cho quan 
trường như Kỳ Gia (đời Tấn), Chu Khải 
Minh, Cao Dịch, Lâm Bô (đời Tống) 
(Hàn Triệu Kỳ, 2001: 58); hoặc đóng 
cửa viết sách đề cao trung hiếu tiết 
nghĩa của Nho gia và tự nguyện trở 
thành người tuyên truyền tư tưởng và 
đạo đức - luân lý phong kiến (Hàn 
Triệu Kỳ, 2001: 58); hoặc bày mưu 
vạch kế giúp cho kẻ thống trị trong 
những giờ phút then chốt, ví dụ như 
Đào Hoằng Cảnh, Cố Hoan thời Nam 
Triều, Lý Sĩ Khiêm thời Tùy, Vương 
Hy Di thời Đường, Đỗ Anh thời 
Nguyên. Hơn thế, Hàn Triệu Kỳ còn 
đề cập đến các trường hợp khác như: 
Bạch Cư Dị sau những lần “bầm dập” 
trong cuộc đời làm quan thì quyết định 
lựa chọn ở ẩn giữa chốn quan trường 
(được gọi là “trung ẩn”). Lại có tiêu 
biểu là Ngô Duân, Lý Bạch thời 
Đường là những người đi làm ẩn sĩ 
cốt để tạo danh tiếng và từ đó mà 
được vua biết đến nhanh chóng hơn 
như những ẩn sĩ đi theo “lối tắt Chung 
Nam” (Hàn Triệu Kỳ, 2001: 58). 
Riêng về mẫu người thuộc nhóm này 
mà Hàn Triệu Kỳ đã khái quát chưa 
hẳn đã phù hợp với mẫu người ẩn sĩ 
theo nghĩa họ “không còn tin vào khả 
năng thiết lập xã hội thái bình thịnh trị 
bằng việc kêu gọi đế vương hành 
động theo đạo nhân nghĩa” (Trần Nho 
Thìn, 2017: 98) mà bài viết hướng tới. 
Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy tính 
hệ thống và tính lịch sử của mô hình 
ẩn sĩ Á Đông (mà chủ yếu là Trung 
Hoa) qua nghiên cứu của Hàn Triệu 
Kỳ. Nhà nho ẩn dật và ẩn sĩ là mẫu 
người có điểm tương đồng trong sự 
khác biệt. 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 8 (252) 2019 
73 
Trong khi nhà nho ẩn dật vẫn còn 
nặng lòng với thế sự thì ẩn sĩ là người 
đã hoàn toàn quay lưng với chính trị 
và trở về với thiên nhiên để di dưỡng 
tính tình, bảo toàn nhân cách. Những 
nhà nho như Nguyễn Trãi và Nguyễn 
Bỉnh Khiêm tuy ở ẩn mà lòng vẫn 
hướng về cuộc đời, vẫn suy tư về thời 
cuộc và nhân tình thế thái. Trong khi 
đó, nhà nho Lê Hữu Trác, trong 
Thượng kinh ký sự, bày tỏ thái độ thờ 
ơ với công danh và vinh hoa phú quý, 
bởi lẽ, qua những kinh nghiệm trực 
tiếp của bản thân, ông đã nhận rõ tính 
chất ảo tưởng của lý tưởng “minh 
quân - lương thần” nên chỉ muốn 
được làm ẩn sĩ như Hứa Do, Sào Phủ. 
Nhân vật tiều phu núi Na trong Truyền 
kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đã hoàn 
toàn xa lánh cuộc đời, thậm chí không 
còn biết ở ngoài kia là triều đại nào, 
vua quan nào; Hồ Hán Thương muốn 
mời ông ra làm quan nhưng ông đã 
dứt khoát chối từ, dù kẻ cầm quyền 
kia có cho đốt cháy núi thì khi núi cháy 
hết cũng chỉ thấy con hạc đen bay lên 
múa lượn trên không trung. 
2.2. Nhân vật Kỳ Nhân Sư qua Ngư 
Tiều vấn đáp y thuật của Nguyễn 
Đình Chiểu trong truyền thống của 
kiểu mẫu ẩn sĩ 
2.2.1. Kỳ Nhân Sư - kiểu mẫu ẩn sĩ 
khí tiết Việt Nam 
Trong truyện Nôm Ngư Tiều vấn đáp y 
thuật, tất cả các nhân vật chính, nhân 
vật phụ lẫn những nhân vật chỉ được 
nhắc đến trong các điển tích đều 
thuộc mẫu hình nhân cách ẩn sĩ. Khảo 
sát toàn bộ tác phẩm, chúng ta có thể 
thấy khá nhiều sự hiện diện của 
những ẩn sĩ tiêu biểu trong suốt hàng 
nghìn năm lịch sử của Trung Hoa như: 
Bá Di, Thúc Tề (thời Chu), Quỷ Cốc 
Tử (thời Chiến Quốc), bốn lão 
Thương San (tức bốn ông già đời Hán 
được Hán Cao Tổ rất kính trọng 
nhưng vì cho rằng vua Hán khinh 
người nên đã bỏ trốn vào ở ẩn trong 
núi), Nghiêm Châu (thời Hậu Hán, 
ghét đời kiêu bạc không ra làm quan), 
Đào Tiềm (thời Tấn, không chịu được 
luồn cúi nên bỏ quan về vui thú điền 
viên), Đào Hoằng Cảnh (đời Lương, 
bỏ quan đi tu đạo thần tiên trong núi 
Câu Dung nhưng khi nước nhà gặp 
việc khó khăn vẫn được nhà vua cho 
sứ đến hỏi ý kiến, được mệnh danh là 
“Sơn trung tể tướng”), Vương Thông 
(thời Tùy, từng dâng vua Thái bình 
thập nhị sách nhưng không được 
dùng nên lui về ở đất Phần Hà mở 
trường dạy học), Quản Ninh (nước 
Ngụy thời Tam Quốc, quyết tâm sống 
ẩn dật không màng đến thế sự), các 
nhân vật trong nhóm Trúc Lâm thất 
hiền (thời Ngụy - Tấn). 
Kỳ Nhân Sư là nhân vật trung tâm của 
tác phẩm. Ông không trực tiếp xuất 
hiện hay phát ngôn mà chỉ hiện diện 
trong những câu chuyện của các nhân 
vật Ngư, Tiều, Châu Đạo Dẫn và 
Đường Nhập Môn. Học vấn, tài năng 
và nhân cách của Kỳ Nhân Sư được 
giới thiệu ở ngay phần đầu tác phẩm, 
qua lời Ngư và Tiều: 
Ngư rằng: Vốn thiệt thầy nhu, 
Lòng cưu gấm nhiễu lại giàu lược thao. 
Nói ra vàng đá chẳng xao, 
 TẠ THỊ THANH HUYỀN – KỲ NHÂN SƯ TRONG NGƯ TIỀU VẤN ĐÁP 
74 
Văn ra dấy phụng rời giao tưng bừng. 
Trong mình đủ việc kinh luân, 
Thêm trau đạo đức mười phân rõ ràng. 
Chẳng may gặp thuở nước loàn, 
Thương câu dân mạc về đàng Y Lâm. 
(Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, 
Nguyễn Thạch Giang, 1997, tập 2: 202). 
Tuy nhiên, nhân vật ẩn sĩ Kỳ Nhân Sư 
của Nguyễn Đình Chiểu không rập 
khuôn một mẫu người cụ thể nào 
trong sách vở mà là một hình tượng 
văn chương mang tính tổng hợp. Sở 
dĩ nói đây là một hình tượng tổng hợp 
bởi nó được xây dựng bằng những 
chất liệu từ nhiều nguồn khác nhau: từ 
chính cuộc đời tác giả, từ một số mẫu 
hình ẩn sĩ thuộc loại “khí tiết” và 
những tấm gương trung thần “xả thân 
thủ nghĩa” của Trung Hoa. Cụ Đồ 
Chiểu bị mù, không thể đi thi ra làm 
quan nên chọn làm một người thầy 
nơi thôn dã. Cụ Đồ không chỉ dạy chữ, 
dạy đạo làm người mà còn làm nghề 
thuốc chữa bệnh cứu người. Nho, y, 
lý, số cụ đều tinh thông. Khi thực dân 
Pháp xâm lược Nam Bộ, ba tỉnh miền 
Đông rơi vào tay giặc, cụ đã cùng với 
các quan lại, văn thân sĩ phu Nam Bộ 
dời mộ người thầy Võ Trường Toản 
về huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (thuộc 
Tây Nam Bộ ngày nay), tổ chức 
phong trào tị địa để thể hiện thái độ 
bất hợp tác với quân xâm lược. 
Nghịch cảnh cá nhân và cá tính quyết 
liệt của cụ Đồ, qua hư cấu nghệ thuật, 
đã trở thành hành động “xả thân thủ 
nghĩa” của Kỳ Nhân Sư:  ... ệt để với triều đại 
thống trị đương thời như Bá Di, Thúc 
Tề thời Chu (thà chết đói chứ kiên 
quyết không ăn lúa nhà Chu vì Chu 
Vũ Vương đã giết vua Trụ), Vương 
Chúc nước Tề thời Chiến Quốc (tự 
sát chứ không chịu bị Nhạc Nghị - 
tướng nước Yên xâm lược nước Tề - 
ép làm bù nhìn), Phạm Xán cuối thời 
Ngụy đầu thời Tấn trung thành với họ 
Tào nên giả điên ba mươi năm để 
không bị chiêu nạp bởi họ Tư Mã, Phó 
Sơn cuối thời Minh cho đến chết cũng 
không chịu ra làm quan với nhà Thanh, 
dù quan phủ kiên quyết dùng kiệu đưa 
ông đến kinh thành Những ẩn sĩ 
như vậy thường xuất hiện trong lịch 
sử Trung Quốc khi có sự thay đổi triều 
đại hoặc khi có dị tộc xâm lược và làm 
chủ Trung Nguyên. Nhân vật Kỳ Nhân 
Sư “tự xông mù mắt” để không bị 
chiêu dụng bởi dị tộc xâm lược có thể 
đã được xây dựng theo hình mẫu của 
những ẩn sĩ thuộc nhóm này. 
Ngoài ra, những nét đặc trưng khác 
của nhân cách ẩn sĩ cũng được nhận 
thấy rõ ở nhân vật Kỳ Nhân Sư. Tên 
của nhân vật chứa đựng ngụ ý về sự 
khác thường, vượt trội của nhân vật 
này: “kỳ” là kỳ lạ, “nhân” là người, “sư” 
là bậc thầy. Người thầy kỳ lạ. Nhưng 
con người khác thường, có tài năng 
hơn người, có nhân cách cao cả ấy, 
tiếc thay, lại rơi vào thời loạn, buộc 
phải lánh đục tìm trong: 
Hơi chính ngàn năm về cụm núi, 
Thói tà bốn biển động vầng mây. 
(Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, 
Nguyễn Thạch Giang, 1997, tập 2: 
200). 
nên đành ôm tài, giữ tiết, chọn con 
đường “minh triết bảo thân”: 
Đã cam hai chữ tỵ Tần, 
Nguồn đào tìm dấu non xuân ruổi miền. 
(Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, 
Nguyễn Thạch Giang, 1997, tập 2: 
197). 
Hai câu thơ trên ám chỉ tới tác phẩm 
Đào hoa nguyên ký của Đào Uyên 
Minh, cho thấy quan niệm ẩn dật của 
Nguyễn Đình Chiểu chịu ảnh hưởng 
phần nào của thi nhân họ Đào. Ảnh 
hưởng này có thể nhận thấy trong 
đoạn thơ miêu tả về không gian ẩn dật 
chỉ thuần túy có thiên nhiên: 
Trời Tây cảnh vật buồn hiu, 
Hồ sen ngút tỏa, non Kiều mây bay. 
Nơi nơi tang giá bóng cây. 
Cày lui dặm liễu, mục quày đường lê. 
Ngày chiều nhả bức hồng nghê, 
Hươu vào động núi, hạc về đình xưa. 
(Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, 
Nguyễn Thạch Giang, 1997, tập 2: 321). 
 TẠ THỊ THANH HUYỀN – KỲ NHÂN SƯ TRONG NGƯ TIỀU VẤN ĐÁP 
76 
Đối lập với nơi ẩn náu thanh tịnh của 
vị ẩn sĩ là cõi trần “lục trầm can qua”, 
đầy rẫy những kẻ “theo thói chiên cầu”, 
“ăn nhơ tanh rình”, “đắm sắc tham tài”, 
“dua nịnh theo đời” mà “nhân nghĩa bỏ 
đi”. Tuy nhiên, Kỳ Nhân Sư không có 
tâm thái nhàn dật của thi nhân họ Đào 
bởi ở ẩn là một lựa chọn bất đắc dĩ và 
tấm lòng ông vẫn hướng về cuộc đời, 
về những “sinh dân nghiêng nghèo” 
đang phải chịu đựng kiếp sống khổ 
đau dưới ách thống trị ngoại bang. 
Đây chính là nét khác biệt mang dấu 
ấn của chính tác giả cũng như của 
nho sĩ Nam Bộ. Kỳ Nhân Sư ẩn mình 
chốn non cao nhưng không từ bỏ hẳn 
lý tưởng mà vẫn nguyện đem một 
phần sở dụng của mình ra để cứu 
giúp người dân: 
Trời đông sùi sụt gió mưa tây, 
Đau ốm lòng dân cậy có thầy. 
Phương cũ vua tôi gìn trước mắt, 
Mạng nay già trẻ gởi trong tay. 
(Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, 
Nguyễn Thạch Giang, 1997, tập 2: 210) 
Có lẽ, với Nguyễn Đình Chiểu, đó 
cũng là một hình thức “trả nợ núi 
sông” của ẩn sĩ. Thái độ và lựa chọn 
của nhân vật Kỳ Nhân Sư (cũng như 
của Ngư, Tiều) phản ánh tinh thần 
năng động, tích cực, luôn hướng về 
cuộc đời của nhà nho Nam Bộ trước 
và cùng thời với Nguyễn Đình Chiểu 
như Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, 
Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, 
Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Thông, Phan 
Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trần Thiện 
Chánh... Rộng và xa hơn nữa, đó 
cũng là tâm sự của hầu hết các nhà 
nho Việt rơi vào hoàn cảnh phải lựa 
chọn giữa “xuất” và “xử”, như nhận 
định của Lưu Hồng Sơn: “Khác với 
văn nhân Trung Quốc, ở Việt Nam, 
ngoài nội chiến, sự tồn vong của dân 
tộc trước họa xâm lăng luôn là nỗi ám 
ảnh của các văn nhân đất Việt, trách 
nhiệm xã hội khiến họ không thể quay 
lưng với vận mệnh quốc gia. Đây 
không thể xem là một „hạn chế‟, mà 
thật sự là một đặc thù của sự quy hồi 
hay ẩn sĩ kiểu Việt Nam” (Lưu Hồng 
Sơn, 2014: 30-31). 
2.2.2. Kỳ Nhân Sư trong lịch sử của 
các ẩn sĩ Việt 
Đặt hình tượng Kỳ Nhân Sư trong lịch 
sử của các ẩn sĩ Việt nói chung, ẩn sĩ 
Nam Bộ nói riêng, chúng ta sẽ có thể 
thấu hiểu hơn những tâm sự mà 
Nguyễn Đình Chiểu ký thác qua hình 
tượng ẩn sĩ này. Lê Văn Tấn, trong 
công trình Tác giả nhà nho ẩn dật và 
văn học trung đại Việt Nam, nhận định 
rằng việc sử dụng các điển cố về ẩn sĩ 
của các tác giả nhà nho ẩn dật là 
nhằm mục đích “nêu gương” và tìm 
kiếm sự “đồng cảm”, chia sẻ với hoàn 
cảnh và suy tư của mình (Lê Văn Tấn, 
2013: 310). Nhưng ẩn sĩ, như Hàn 
Triệu Kỳ đã chỉ rõ, cũng đa dạng và có 
thể được phân chia thành nhiều nhóm 
khác nhau dựa trên chí hướng của họ. 
Vì vậy, qua xu hướng và tần suất sử 
dụng các điển tích về ẩn sĩ, độc giả có 
thể nhìn thấu nỗi niềm của tác giả. 
Vận dụng ý tưởng này khi khảo sát 
thơ văn của những ẩn sĩ Việt Nam 
điển hình như Nguyễn Trãi, Nguyễn 
Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, chúng 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 8 (252) 2019 
77 
ta có thể thấy các tác giả đều có xu 
hướng nhắc đến nhóm ẩn sĩ có tư 
tưởng gần gũi với mình nhằm thông 
qua đó biểu đạt gián tiếp tâm sự của 
bản thân. Nguyễn Trãi khi về trí sĩ 
thường hay nhắc đến Hứa Do, Sào 
Phủ (“Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào, 
Hứa” (Viện Sử học, 1976: 400)), 
Nghiêm Quang (“Kham hạ Nghiêm 
Quang từ chẳng đến” (Viện Sử học, 
1976: 447)). Nhưng nhân vật trở đi trở 
lại đến mức ám ảnh trong thơ ông là 
Trương Lương. Ông nhắc tới nhân vật 
này trong nhiều bài thơ: 
Mưu hưng Hán chừ, ai là Bình, ai là 
Lương? 
 (Viện Sử học, 1976: 85). 
 Vệ Nam mãi mãi ra tay thước, 
 Điện Bắc đà đà yên phận tiên, 
 Nghiệp Tiêu Hà làm khá kịp, 
 Xưa nay cũng một sử xanh truyền. 
(Viện Sử học, 1976: 450). 
Khám hạ Trương Lương chẳng khứng 
ở, 
Tìm tiên để nộp ấn phong hầu. 
(Viện Sử học, 1976: 457). 
Trương Lương, vì thù nhà nợ nước, 
thuê thích khách ám sát Tần Thủy 
Hoàng không thành công nên đã theo 
Lưu Bang (Hán Cao Tổ) tìm cách báo 
thù cho chủ cũ. Sau khi hoàn thành sứ 
mệnh, vì quá hiểu quy luật diệt trừ 
công thần của các đế vương nên ông 
đã không nhận phong thưởng mà bỏ 
đi tu tiên. Ứng xử của Trương Lương 
được xem như là đỉnh cao, là mẫu 
mực cho một bậc đế sư. Cũng chính 
vì sự mẫu mực đó mà Trương Lương 
trở thành một “sự ám ảnh” (Trịnh Văn 
Định, 2018: 192) trong văn chương 
nhà nho Trung Quốc cũng như Việt 
Nam. Đặc biệt là, “sĩ đại phu càng lớn 
càng chịu ảnh hưởng của Trương 
Lương sâu sắc” (Trịnh Văn Định, 2018: 
192), tiêu biểu như Nguyễn Trãi, 
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công 
Trứ. 
Nguyễn Bỉnh Khiêm, người từng ra 
làm quan và ngay cả khi đi ở ẩn thì 
cũng có thể được xem như một “sơn 
trung tể tướng”, cũng thường xuyên 
nhắc đến Trương Lương cũng như 
các ẩn sĩ Trung Hoa thời cổ như Lã 
Vọng Khương Tử Nha và Nghiêm 
Quang, Lâm Bô: 
Kham hạ Lưu hầu từ Hán lộc, 
Cốc Thành náu ẩn Xích tùng chơi. 
(Dẫn từ Đinh Gia Khánh, 2000, tập 5: 
394). 
Kìa kìa Lữ Vọng câu Bàn Thạch, 
Nọ nọ Nghiêm Quang náu Phú Xuân. 
(Dẫn từ Đinh Gia Khánh, 1983: 164) 
Hồ Tây thuyền nổi hoa mai bạc 
(Dẫn từ Đinh Gia Khánh, 2000, tập 5: 
391). 
Nguyễn Khuyến, khác với các bậc tiền 
bối, lại thường xuyên nhắc đến Đào 
Tiềm(1). Theo thống kê của Lê Văn 
Tấn, vị Tam Nguyên Yên Đổ nhắc đến 
Đào Tiềm trong 10/20 bài thơ của ông, 
trong khi Nguyễn Trãi “nhắc đến Đào 
Tiềm khá dè dặt” (Lê Văn Tấn, 2013: 
310). Lý giải điều này, tác giả cho 
rằng: “Nguyên nhân có lẽ là do cách 
lựa chọn hành xử của Đào Bành 
Trạch không phải là khát vọng hướng 
 TẠ THỊ THANH HUYỀN – KỲ NHÂN SƯ TRONG NGƯ TIỀU VẤN ĐÁP 
78 
đến mạnh mẽ của Ức Trai” (Lê Văn 
Tấn, 2013: 310). 
Trong một truyền thống ẩn dật có 
phần khác ở vùng đất phía Nam, xử sĩ 
Võ Trường Toản, qua những tấm 
gương trong kinh sách cũng như 
những trải nghiệm mắt thấy tai nghe 
từ những cuộc “đất bằng dậy sóng” ở 
xứ Gia Định vào nửa cuối thế kỷ XVIII, 
đưa ra lời nhắc nhở về tính chất phù 
du của cõi nhân sinh: “Của có không 
nào khác khóm mây, người tan hiệp 
dường như bọt nước”, “Lao xao cõi 
trần ai, trường hoan lạc ngẫm không 
mấy lúc; thấm thoắt cơn mộng ảo, 
đoạn biệt ly há dễ bao lâu”, đồng thời 
liên hệ tới một loạt ẩn sĩ Trung Hoa 
thời cổ như “bốn lão Thương San”, 
Nghiêm Lăng, Phạm Lãi để khẳng 
định thái độ nhạt lạnh với công danh 
phú quý nhưng vẫn trung thành với lý 
tưởng của đạo Nho: “Cho hay dời đổi 
ấy lẽ thường; mới biết thảo ngay là 
nghĩa cả” (Hoài cổ phú) (dẫn theo 
Đoàn Lê Giang, 2016: 74). Người học 
trò xuất sắc của xử sĩ Võ Trường 
Toản là Trịnh Hoài Đức đã kế thừa từ 
thầy của mình coi nhẹ công danh phú 
quý và cả sự tỉnh táo trong cách thế 
xuất - xử, tiến - thoái đầy “minh triết”, 
và điều này cũng được ông ký ngụ 
trong hình tượng Trương Lương: 
Sáu nước gò hoang, kẻ sĩ sầu, 
Ngàn vàng coi nhẹ, trọng thù sâu. 
Chùy khua Bác Lãng, hươu Tần mất, 
Kiếm trở Bao Trung, vượn Sở đâu. 
Binh lính ruổi rong, mưu dưới trướng, 
Lão ông thành bại, chước trong đầu. 
Chán nghe trĩ ác ồn Tây Lạc, 
Tùng Tử theo người học phép tu. 
(Dẫn từ Lê Quang Trường, 2012: 268). 
Nguyễn Đình Chiểu khác với các nhà 
nho chủ động lựa chọn con đường ẩn 
dật do bản thân không phù hợp với 
chốn quan trường hay do thời đại 
không thuận lợi cho việc hành đạo. 
Thuở ban đầu, hoàn cảnh không may 
mắn của cá nhân đã đặt ông vào vị 
thế của một nhà nho ẩn dật. Nhưng 
sau năm 1867, khi toàn bộ Nam Kỳ 
Lục tỉnh đã rơi vào tay Pháp, đối diện 
với sự chiêu dụ của thực dân Pháp và 
những kẻ tình nguyện cộng tác với 
chúng, cụ Đồ đã chủ động và kiên 
quyết từ chối. Hình tượng Kỳ Nhân 
Sư trong truyện Nôm Ngư tiều vấn 
đáp y thuật xuất hiện vào thời kỳ này, 
vì thế, vừa là chân dung tự họa của 
chính tác giả vừa là mẫu hình mà cụ 
Đồ muốn kêu gọi các sĩ phu Nam Bộ 
noi theo sau khi mọi nỗ lực kháng 
chiến đều đã thất bại. Kỳ Nhân Sư tuy 
như Vương Chúc nước Tề “sát thân 
thành nhân” với câu nói nổi tiếng 
“Nước đã mất, ta không thể còn sống” 
thì cũng phải hy sinh một phần thân 
thể để bảo toàn nhân cách và khí tiết: 
Sự đời thà khuất đôi tròng thịt, 
Lòng đạo xin tròn một tấm gương. 
(Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, 
Nguyễn Thạch Giang, 1997, tập 2: 
330). 
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tinh 
thần xả thân của ẩn sĩ Kỳ Nhân Sư 
trong truyện Nôm của nhà nho Nam 
Bộ Nguyễn Đình Chiểu không hề xuất 
hiện trong thơ của nhà nho Bắc Hà 
quy ẩn Nguyễn Khuyến. Nếu như 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 8 (252) 2019 
79 
Nguyễn Đình Chiểu vẫn để cho nhân 
vật của mình thốt lên những câu nói 
chứa đầy lòng tin tưởng vào đạo Nho 
như: 
Hai chữ cương thường giằng các nước, 
Một câu trung hiếu dụng muôn nhà. 
(Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, 
Nguyễn Thạch Giang, 1997, tập 1: 335). 
thì Nguyễn Khuyến đã nhận thức ra 
sự vô dụng của sách vở thánh hiền 
khi đất nước đối mặt với họa thực dân: 
Sách vở ích gì cho buổi ấy, 
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già. 
(Dẫn từ Đinh Gia Khánh, 2000, tập 14: 
1183). 
Nguyễn Đình Chiểu, cho đến khi từ 
giã cuộc đời (năm 1888, cũng là năm 
vua Hàm Nghi bị bắt, đánh dấu sự 
thất bại hoàn toàn của phong trào Cần 
Vương) vẫn tin tưởng vào nho giáo 
như một lý thuyết kiến tạo xã hội duy 
nhất đúng đắn. 
3. KẾT LUẬN 
Tóm lại, Kỳ Nhân Sư là nhân vật ẩn sĩ 
được hư cấu dựa trên nhiều nguyên 
mẫu: những ẩn sĩ “khí tiết” trong lịch 
sử ẩn sĩ Trung Hoa, những ẩn sĩ Nam 
Bộ như Võ Trường Toản cùng các 
học trò không chọn con đường khoa 
cử và chính cuộc đời cụ Đồ Chiểu. Đó 
là mẫu người có tài năng, có nhân 
cách cao đẹp nhưng vì gặp thời loạn 
nên buộc phải lựa chọn con đường ẩn 
dật để bảo toàn nhân cách, thậm chí 
phải hy sinh một phần thân thể được 
cha sinh mẹ đẻ để bày tỏ thái độ 
cương quyết cự tuyệt sự chiêu dụng 
của kẻ xâm lược. Tuy nhiên, đặc điểm 
khiến cho nhân vật ẩn sĩ Kỳ Nhân Sư 
toát lên nét Việt nho, cụ thể hơn là 
phong cách của nho sĩ Nam Bộ, chính 
là tấm lòng hướng về cuộc đời, và 
không chỉ có tấm lòng mà nhân vật 
còn thể hiện bằng hành động đem một 
phần sở dụng của mình hành nghề y 
để cứu giúp người dân trong cảnh 
nước mất nhà tan. Đó cũng chính là 
lựa chọn hành động của các bậc tiên 
nho cả Bắc lẫn Nam của đất Việt như 
Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn 
Bỉnh Khiêm, Lê Hữu Trác, Võ Trường 
Toản Việc đưa ra một mẫu hình ẩn 
sĩ như Kỳ Nhân Sư trong bối cảnh 
toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh đã rơi vào tay 
Pháp cũng chính là lời nhắn nhủ của 
cụ Đồ tới các sĩ phu Nam Bộ: kiên 
quyết bất hợp tác với kẻ xâm lược, 
giữ gìn nhân cách trong sạch và tiếp 
tục hành đạo trong khả năng có thể. 
Mô hình ứng xử của Kỳ Nhân Sư 
chính là mô hình mà cụ Đồ lựa chọn 
cho mình và khuyến khích các nho sĩ 
Việt Nam cuối thế kỷ XIX noi theo. 
Chính vì thế, cũng có thể xem Kỳ 
Nhân Sư như một “mẫu người văn 
hóa” thời kỳ này.  
CHÚ THÍCH 
(1)
 Đào Tiềm (365 - 427), tự Uyên Minh, sống vào đời Tấn. Ông bẩm tính thanh cao, ham 
học và giỏi thơ văn. Vì nhà nghèo ông phải ra làm quan huyện tại Bành Trạch. Một lần, có 
viên đốc bưu được quận thú phái đến huyện, nha lại khuyên Đào Tiềm chỉnh đốn y phục ra 
đón, Đào Tiềm than rằng: “Ta tại sao lại vì năm đấu gạo mà chịu khom lưng?”, rồi trả ấn, từ 
 TẠ THỊ THANH HUYỀN – KỲ NHÂN SƯ TRONG NGƯ TIỀU VẤN ĐÁP 
80 
quan. Sau khi quy ẩn, ông vui thú với cảnh điền viên, câu thơ chén rượu. Đặc biệt, Đào 
Tiềm rất chuộng hoa cúc, cứ đến ngày Trùng Cửu, ông lại cùng bạn bè bày tiệc rượu bên 
khóm cúc để thưởng hoa.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN 
1. Đinh Gia Khánh. 1983. Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hà Nội: Nxb. Văn học. 
2. Đinh Gia Khánh (chủ biên). 2000. Tổng tập văn học Việt Nam - tập 5, 14. Hà Nội: Nxb. 
Khoa học Xã hội. 
3. Đoàn Lê Giang (chủ nhiệm đề tài). 2016. Văn học Hán Nôm Nam Bộ từ thế kỷ XVII 
đến đầu thế kỷ XX: sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu. Công trình nghiên cứu của 
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM được Quỹ 
Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nafosted tài trợ. 
4. Hàn Triệu Kỳ. 2001. Ẩn sĩ Trung Hoa (Cao Tự Thanh dịch). TPHCM: Nxb. Trẻ. 
5. Hofstede, Geert; Gerrt J. Hofstede; Micheal Minkov. 2010. Cultures and Organizations: 
Software of the Mind. McGraw-Hill, Printed in the United States of America. 
6. Lê Quang Trường. 2012. Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam 
Bộ. Luận án tiến sĩ ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học 
Quốc gia TPHCM. 
7. Lê Văn Tấn. 2013. Tác giả nhà nho ẩn dật và văn học trung đại Việt Nam. Hà Nội: 
Nxb. Khoa học Xã hội. 
8. Lưu Hồng Sơn. 2014. “Đào Nguyên - Thế giới tâm linh của văn nhân Đông Á”, Tạp 
chí Nghiên cứu Văn học, số 1, tr. 22-36. 
9. Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang (biên soạn). 1997. Nguyễn 
Đình Chiểu toàn tập - tập 1, 2. Hà Nội: Nxb. Văn học. 
10. Viện Sử học. 1976. “Quốc âm thi tập”. In trong Nguyễn Trãi toàn tập. Hà Nội: Nxb. 
Khoa học Xã hội. 
11. Trần Nho Thìn. 2017. Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu giảng dạy 
văn học. Hà Nội: Nxb. Giáo dục Việt Nam. 
12. Trịnh Văn Định. 2018. Tự do và quyền lực nhân vật đế sư Trương Lương trong văn 
học nhà nho ở Việt Nam và Trung Quốc. Hà Nội: Nxb. Tri Thức. 

File đính kèm:

  • pdfky_nhan_su_trong_ngu_tieu_van_dap_y_thuat_cua_nguyen_dinh_ch.pdf