Giáo lý công giáo với việc hình thành lối sống trong gia đình công giáo Việt Nam
Nội dung bài viết đề cập tới ảnh hưởng của giáo lý Công
giáo đối với các mối quan hệ trong gia đình giáo dân Công giáo
Việt Nam, biểu hiện qua mối quan hệ giữa vợ - chồng, cha mẹ - con
cái, thông qua những huấn thị của Giáo hội Công giáo về nghĩa vụ
và trách nhiệm tương tác giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái.
Giáo lý Công giáo cũng đóng góp đối với giáo dục về đạo hiếu mà
mỗi người dân Việt Nam nói chung, người Công giáo nói riêng
đang thực hiện trong đời sống hằng ngày.
Bạn đang xem tài liệu "Giáo lý công giáo với việc hình thành lối sống trong gia đình công giáo Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Giáo lý công giáo với việc hình thành lối sống trong gia đình công giáo Việt Nam
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2015 83 LÊ ĐỨC HẠNH * GIÁO LÝ CÔNG GIÁO VỚI VIỆC HÌNH THÀNH LỐI SỐNG TRONG GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO VIỆT NAM Tóm tắt: Nội dung bài viết đề cập tới ảnh hưởng của giáo lý Công giáo đối với các mối quan hệ trong gia đình giáo dân Công giáo Việt Nam, biểu hiện qua mối quan hệ giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái, thông qua những huấn thị của Giáo hội Công giáo về nghĩa vụ và trách nhiệm tương tác giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái. Giáo lý Công giáo cũng đóng góp đối với giáo dục về đạo hiếu mà mỗi người dân Việt Nam nói chung, người Công giáo nói riêng đang thực hiện trong đời sống hằng ngày. Từ khóa: Công giáo, gia đình, mối quan hệ, giáo lý, giáo dục. 1. Đặt vấn đề Công giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVI và đã có một quá trình hội nhập, phát triển dưới nhiều góc độ văn hóa, xã hội... Giáo lý Công giáo có những ảnh hưởng đối với đời sống của người giáo dân trên các khía cạnh như: thờ cúng tổ tiên, hạnh phúc gia đình, hôn nhân, ly hôn, sinh sản, cách giáo dục dạy dỗ con cái, các quan hệ đồng đạo, quan hệ trong gia đình, v.v.. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không đề cập tới tất cả khía cạnh nêu trên mà chỉ tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của giáo lý Công giáo tới việc hình thành lối sống trong gia đình giáo dân Công giáo qua những nghiên cứu thực tế tại giáo họ Nỗ Lực (tỉnh Phú Thọ) năm 2009 - 2012, giáo xứ Tử Nê (Bắc Ninh) và giáo xứ Cái Mơn (Bến Tre) năm 2014. Trong đó, tập trung làm rõ những ảnh hưởng của giáo lý Công giáo trong việc xây dựng mối quan hệ giữa vợ - chồng, cha - con. 2. Giáo lý Công giáo góp phần giáo dục về đạo hiếu của người Việt Nam Người Việt Nam dù theo hay không theo tôn giáo đều mang tâm thức “đạo hiếu” của truyền thống dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam, cũng * Tiến sĩ. Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 84 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2015 như nhiều dân tộc Châu Á khác được giáo dưỡng trong cách sống hiếu nghĩa với các bậc sinh thành khi còn sống và chu tất việc cúng giỗ khi tổ tiên đã mất1. “Đạo Hiếu” tồn tại một cách tự nhiên trong cuộc sống của người Việt Nam ở mọi thời và mọi nơi, không phân biệt là người có hay không có tôn giáo. Đối với tín đồ Công giáo, đạo hiếu là một phần không thể thiếu trong đời sống của giáo dân. Điều dễ nhận thấy, đạo hiếu nằm ngay trong 10 điều răn căn bản của Luật Luân lý Công giáo. Mười điều răn được chia làm hai nhóm: Nhóm 1 gồm 3 điều đầu tiên, liên quan đến Thiên Chúa; Nhóm 2 gồm 7 điều kế tiếp, liên quan đến con người. Điều răn thứ 4, “thảo kính cha mẹ”, là điều răn đứng đầu nhóm 2. Ðiều đó có nghĩa: “thảo kính cha mẹ” là điều răn quan trọng nhất trong các điều răn liên quan đến tha nhân. Bên cạnh đó, trong các bản văn Kinh Thánh (Cựu Ước và Tân Ước) đều có các lời khuyên dạy, khuyến khích lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, nhất là trong sách Châm Ngôn và Huấn Ca. Kinh Thánh dạy rất rõ về trách nhiệm hiếu thảo của con cái đối với những bậc sinh thành ra mình. Trong Cựu Ước dạy về lòng thảo hiếu đối với mẹ cha là “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Việc thảo kính mẹ cha còn được cụ thể hóa bằng những lời khuyên dạy những bậc làm con, sách Cách Ngôn ghi rằng: “Này con, giáo huấn của cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ, con đừng gạt bỏ. Vì những lời ấy sẽ là vòng hoa xinh con đội lên đầu, là vòng kiềng con đeo vào cổ” (Cn 1, 8-9). Sách Huấn Ca cũng ghi: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7, 27-28). Sách Huấn Ca còn có những lời chỉ dẫn cho những người làm con sống lòng hiếu thảo là một nghĩa vụ đối với cha mẹ, họ sẽ được chúc phúc và được đẹp lòng Thiên Chúa. Trong Tân Ước, Chúa Jesus đòi hỏi người tín hữu sống đạo hiếu không chỉ trong lời nói mà phải cụ thể hóa trong hành động sống của mỗi người. Luật hiếu thảo đã chỉ rõ: “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó” (Xh 20, 12 và Lv 20, 9). Đây là những minh chứng cho việc răn dạy những người sống đạo đức giả, trốn tránh trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ mình. Đối với người Công giáo, thờ phụng Chúa, vâng lời Thiên Lê Đức Hạnh. Giáo lý Công giáo với việc hình thành... 85 Chúa là bổn phận và trách nhiệm hàng đầu của mỗi người. Khi vâng lời Thiên Chúa, phụng dưỡng và hiếu thảo với cha mẹ là điều phải đạo. Thánh Paul nói rằng: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20). Hội Thánh là dân Thiên Chúa, sống theo gương Đức Giêsu trên con đường hiếu thảo đối với các bậc sinh thành ra mình, không ngừng dạy các tín hữu về bổn phận của con cái phải có đối với cha mẹ2. “Sự tôn kính của con cái (sự hiếu thảo) đối với cha mẹ là tình cảm tri ân đối với những vị đã ban sự sống, dùng tình yêu thương, công khó nhọc để sinh thành và nuôi dưỡng con cái cho khôn lớn về thể xác, về khôn ngoan và về ân sủng”3. Đặc biệt, lòng hiếu thảo tri ân ấy còn được mở rộng đến tất cả những ai đã sinh thành và nuôi dưỡng người tín hữu qua việc lãnh nhận và sống đức tin của mình4. Người tín đồ Công giáo nhận thức sâu sắc hơn rằng, nếu họ không hiếu thảo với ông bà, cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày thì họ không thể hiếu thảo thật sự với Thiên Chúa. Lòng hiếu thảo với cha mẹ trong cuộc sống, chính là sự phản ánh và là thước đo của lòng hiếu thảo và tình yêu của mỗi người tín đồ đối với Thiên Chúa ở trên trời5. Người Công giáo quan niệm rằng: con cái là kết quả từ tình yêu của cha và mẹ, của Thiên Chúa và Hội Thánh. Bởi vậy, khi được sinh ra, con cái được cha mẹ nuôi dưỡng và dạy dỗ thành người. Công ơn sinh thành và nuôi dưỡng là vô cùng to lớn. Vì thế, Giáo hội Công giáo luôn đề cao đạo hiếu trong quan hệ con cái - cha mẹ. Vấn đề đạo hiếu trong mối quan hệ này ở người Công giáo mang tính lịch sử lâu dài. Bởi một thời gian dài, Giáo hội Công giáo không cho phép tín đồ thờ cúng tổ tiên. Do vậy, đã có những xung đột văn hóa, niềm tin và luân lý giữa những người theo Công giáo với người không theo Công giáo. Thậm chí đến nay, một bộ phận lớn người dân không theo Công giáo vẫn còn cho rằng: theo Công giáo là bỏ ông bà tổ tiên, là bất hiếu với cha mẹ. Nhưng như trên đã đề cập, giáo lý Công giáo răn dạy tín đồ trước hết phải biết chu toàn bổn phận với Đức Chúa Trời - người Cha thiêng liêng, sau phải chu toàn bổn phận với cha mẹ - người trực tiếp sinh thành, nuôi dưỡng con cái lớn khôn. Bổn phận của con cái trong quan hệ con cái - cha mẹ là bổn phận cao trọng, chỉ sau bổn phận với Thiên Chúa. Trong quan hệ con cái - cha mẹ, con cái phải luôn xác định rằng: bố mẹ là người thay quyền Thiên Chúa, sinh thành và giáo dưỡng mình, do vậy mỗi người phải có trách nhiệm hiếu thảo với cha mẹ. Trong gia đình Công 86 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2015 giáo, việc con cái không nghe lời cha mẹ tức là không nghe lời Thiên Chúa. Như vậy, họ không chỉ mang tội bất hiếu với cha mẹ - những người sinh thành, mà còn mang tội với Thiên Chúa. Với người Công giáo, lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ phải được xuất phát từ sự biết ơn đối với những bậc đã cộng tác với Thiên Chúa truyền sinh sự sống cho mình, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục mình nên người. Công đồng Vatican II cho rằng: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh”6. Lòng hiếu thảo với cha mẹ khi còn sống là con cái phải biết yêu mến, tôn kính, vâng lời, chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ. Con cái phải yêu mến cha mẹ bởi cha mẹ đã sinh thành, yêu thương, dưỡng dục con nên người. Tôn kính vì cha mẹ là bậc cao niên, nhiều kinh nghiệm, dạy con nhiều điều hay lẽ phải, là tấm gương cho con cái học tập. Vâng lời là vì cha mẹ chính là những người thay mặt Thiên Chúa dạy dỗ con cái những đạo hiếu, ứng xử trong đời sống hằng ngày. Không chỉ vậy, con cái còn có trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ bố mẹ khi cao tuổi, ốm yếu, túng nghèo, cô đơn, hay đau đớn tinh thần. Con cái phải luôn luôn giúp đỡ cha mẹ về phần hồn và phần xác, nhất là khi các cha mẹ già cả, ốm đau, thiếu thốn. Đó là những lúc con cái cần tận tâm, tận lực phụng dưỡng, thuốc thang đầy đủ, vui vẻ thăm nom sớm tối. Đây là trách nhiệm của con cái. “Hiếu thảo với bố mẹ là mình phải vâng lời, mình phải tôn trọng bố, chăm sóc bố mẹ lúc ốm đau, mình mong muốn cho bố mẹ những cái tốt lành. Đấy là hiếu thảo. Chứ không phải bắt buộc nay anh cho bố mẹ năm ba đồng, mai cho năm ba đồng. Cái đó không phải, đồng tiền không phải bắt buộc. Chỉ cái tinh thần là động viên bố mẹ, mình sống cho tốt thì bố mẹ hài lòng. Chứ không bắt buộc bằng cách anh cứ phải cho bố mẹ cái gì. Lúc bố mẹ còn sống thì lo chăm sóc, nâng đỡ, thuốc thang cho bố mẹ khi ốm để cho bố mẹ yên tâm bớt bệnh đi” (Phỏng vấn sâu, nữ, 68 tuổi, Phú Thọ). Lòng hiếu kính của người Công giáo không chỉ với người còn sống mà còn được thể hiện với những người đã qua đời (ông bà, cha mẹ, tổ tiên ). Hội Thánh dạy bảo người tín đồ phải chu toàn đạo hiếu: tôn kính, biết ơn và vâng lời ông bà, cha mẹ trong những điều chính đáng; chăm lo cho cha mẹ được đầy đủ phần xác cũng như phần hồn; khi cha mẹ qua đời phải lo việc tang ma, làm các việc thiện, cầu nguyện và dâng Lê Đức Hạnh. Giáo lý Công giáo với việc hình thành... 87 lễ cho tổ tiên. Đặc biệt trong những ngày giỗ, trong tháng lễ các thánh (tháng 11 hằng năm, đặc biệt là ngày mùng 2 tháng 11), ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, người tín đồ Công giáo phải hết lòng chú tâm vào việc cầu nguyện, dâng lễ cho ông bà, cha mẹ. Để cụ thể hóa những điều răn dạy trên, Hội Thánh Công giáo Việt Nam đã có những chỉ dẫn rất cụ thể về việc tôn kính ông bà tổ tiên, ví dụ: Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên; việc đốt nhang hương, đèn nến và vái lạy trước bàn thờ tổ tiên; trong hôn lễ, dâu rể được làm nghi lễ bái gia tiên trước bàn thờ; trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương; được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng7. Các nghiên cứu về thờ cúng tổ tiên của người Công giáo ở Việt Nam cho thấy việc tôn kính tổ tiên của người Công giáo còn được thực hiện vào nhiều dịp khác như cưới xin, hay khi gia đình có việc quan trọng nào đó Kết quả điều tra xã hội học tại một làng Công giáo vào tháng 3 năm 2008 cho thấy người Công giáo thực hiện thờ kính tổ tiên vào dịp lễ tết chiếm 87,5%; khi tổ chức đám tang và giỗ là 96,3%; đám cưới là 53,7%; khi gia đình có việc vui, trọng đại như con cái đỗ đạt, hay có người nhà đi làm ăn xa là 65%; vào ngày lễ các thánh là 83,8%; tôn kính tổ tiên trong các giờ cầu nguyện chiếm 61,3% và trong các thánh lễ là 87,6%8. Người Công giáo khác với người không Công giáo ở chỗ: ngoài những nghĩa vụ, trách nhiệm của con cái với cha mẹ như trên, họ còn phải cầu nguyện cho cha mẹ được hưởng ơn lành, lo liệu cho cha mẹ được lãnh các bí tích và dọn mình chết lành. Khi cha mẹ qua đời, người Công giáo thể hiện sự hiếu thảo bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện và xin lễ ở nhà thờ cho cha mẹ. Hằng ngày tưởng nhớ tới công sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ bằng những lời kinh nguyện. Ngày giỗ, ngày Tết, ngày lễ phải nhớ tới bố mẹ, tổ tiên bằng việc thăm viếng, sửa sang mộ, xin lễ ở nhà thờ. “Bố mẹ mất đi con cái phải có trách nhiệm lo việc ma chay cho bố mẹ, bên Công giáo chúng em là phải làm các thủ tục Công giáo, sau khi chôn cất xong cho bố mẹ con cái phải có trách nhiệm xin lễ, hằng năm phải xin lễ cho bố mẹ” (Phỏng vấn sâu nhóm tập trung, Phú Thọ). Như vậy, có thể nhận thấy Hội Thánh Công giáo rất chú trọng việc khuyên bảo tín đồ làm việc hiếu thảo đối với các bậc sinh thành, đối với tổ tiên. Ở cấp độ gia đình, sống hiếu thảo phải được đào luyện dạy dỗ 88 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2015 ngay từ thuở còn thơ: dạy cho biết gia phong lễ nghĩa, dạy cho biết kính trên nhường dưới, dạy cho biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Như vậy, con người sẽ tập được những đức tính cần thiết trong cuộc sống của người con hiếu nghĩa: tình yêu chân thật, hy sinh và quên mình, kiên nhẫn và tha thứ, từ bỏ ý riêng và tôn trọng người khác, quan tâm và chia sẻ với người khác Khi con cái được giáo dục về lòng hiếu thảo và sống đạo hiếu ấy trong cuộc đời mình, chúng sẽ trở nên người con hiếu thảo: biết vâng lời cha mẹ, biết coi trọng lời khuyên bảo dạy dỗ của mẹ cha, sẽ thành công trong cuộc sống gia đình và xã hội. 3. Giáo lý Công giáo điều tiết mối quan hệ vợ chồng, cha con Theo quan niệm của người Công giáo, quan hệ vợ chồng có một ý nghĩa quan trọng, quan hệ này được hình thành và phát triển trải qua thời gian, kể từ khi hai người chính thức kết hôn đến khi cả hai người chết đi. Hội Thánh Công giáo đề cao thời kỳ đính hôn của các cặp vợ chồng, do vậy Hội Thánh buộc các bậc cha mẹ và những người có trách nhiệm như giám mục, linh mục, các giáo lý viên có trách nhiệm “phải biết giáo dục thanh thiếu niên hợp thời và hợp cách về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình yêu vợ chồng, nhất là trong chính khung cảnh gia đình; nhờ đó, một khi đã rèn luyện để giữ đức khiết tịnh, đến tuổi thích hợp, có thể tiến tới hôn nhân sau khi đã sống đúng đắn giai đoạn đính hôn”9. Với người Công giáo, sau thánh lễ hôn phối, họ chính thức trở thành vợ chồng, được Giáo hội và toàn thể cộng đoàn dân Chúa chứng giám. Cũng chính từ thời khắc đó, mối quan hệ vợ chồng được gắn chặt hơn bao giờ hết. Người Việt không Công giáo có thể ly dị sau một thời gian sống chung vì một vài lý do nào đó, nhưng người Công giáo sau thánh lễ hôn phối không bao giờ được phép ly dị. Bởi lẽ, một khi hôn nhân của họ đã thành sự, Hội Thánh Công giáo không cho phép ly dị. Thời điểm tuyên xưng tình yêu cũng như sự thủy chung và trách nhiệm của đôi nam nữ trong thánh lễ hôn phối ở nhà thờ trước toàn thể cộng đoàn dân Chúa là thời khắc thiêng liêng trong mối quan hệ vợ chồng của người giáo dân Công giáo. Thời khắc này, trước Thiên Chúa và toàn thể tín đồ giáo dân, đôi nam nữ phải tuyên xưng làm vợ chồng suốt đời và hứa giữ lòng chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, phải yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày. Đây là nguyên tắc cơ bản trong ứng xử văn hóa giữa vợ - chồng của người Công giáo mà mỗi tín đồ đã được Hội Thánh giáo dục. Lê Đức Hạnh. Giáo lý Công giáo với việc hình thành... 89 Thời khắc hai người trở thành vợ chồng được Thiên Chúa và cộng đoàn giáo dân chứng giám cũng là khi mối quan hệ giữa người nam và người nữ thay đổi sang một giai đoạn mới - quan hệ hôn nhân gia đình. Cũng giống như các quan hệ xã hội khác, hôn nhân là một quan hệ xã hội đặc biệt, chịu sự chi phối từ rất nhiều tác nhân và môi trường sống. Văn hóa người Việt nói chung, người Việt Công giáo nói riêng, được thể hiện rõ qua văn hóa gia đình mà quan hệ hôn nhân là cơ sở. Với người Công giáo, quan hệ này bên cạnh việc dựa trên cơ sở của tình yêu đôi lứa, còn đ ... liên hệ đến đời sống của vợ chồng”11. Trong gia đình Công giáo, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng đối với việc “xây tổ ấm”. Người đàn ông Công giáo thoát ly đi làm ăn ở ngoài thì người phụ nữ, về cơ bản ở nhà chăm lo công việc gia đình, nội trợ, đồng áng... Không chỉ vậy, người phụ nữ Công giáo còn có vai trò quan trọng trong việc dạy dỗ, giáo dục con cái giữ đạo, trong việc làm sống động đời sống đức tin Công giáo trong gia đình, như giáo dục con cái tham gia cầu nguyện chung ở gia đình, đọc kinh sớm tối, cầu nguyện, làm dấu thánh trước và sau các bữa ăn, v.v... Văn hóa ứng xử trong mối quan hệ vợ chồng của người Công giáo, ngoài những trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình nói chung, người giáo dân Công giáo luôn đề cao sự chung thủy trong hôn nhân. Sự chung thủy có nghĩa là: không được ly dị vì những mâu thuẫn, bất đồng hoặc những khó khăn hay bất cứ một lý do nào khác trong cuộc sống, khi đã được Thiên Chúa chứng giám. Với người Công giáo, chung thủy nghĩa là tình yêu trước sau không thay đổi, đó là tình yêu vĩnh viễn không lay chuyển, phải giữ những lời thề nguyện mà hai bên đã thề ước trong thánh lễ hôn phối trước mặt Thiên chúa và trước toàn thể cộng đoàn giáo dân Công giáo. Những người không chăm sóc vợ hoặc chồng trong cuộc sống hằng ngày, bỏ bê vợ/chồng khi đau ốm, lúc trái gió trở trời, không quan tâm đến sức khỏe, cách sinh hoạt của vợ chồng là vô trách nhiệm, là Lê Đức Hạnh. Giáo lý Công giáo với việc hình thành... 91 những người không giữ đạo vợ chồng. Người Việt không Công giáo, nếu sau khi kết hôn, vợ chồng sống với nhau một thời gian thấy không hợp nhau, hoặc vì một vài lý do nào đó, không thể chung sống được nữa, họ có thể ly dị để xây dựng một cuộc sống mới. Nhưng với người Công giáo, ly dị là điều bị ngăn cấm bởi Giáo luật. Người Công giáo không chấp nhận việc ly dị dù bất kể lý do gì. Theo kết quả điều tra định lượng tại một xứ đạo Công giáo cho thấy, có 75,3% số người được hỏi không chấp nhận việc ly dị vì bất kể lý do nào. Trong quan niệm của người Công giáo, những người không giữ đạo vợ chồng cũng không được sống ly thân vì những mâu thuẫn, hay những bất đồng khó giải quyết được. Có 87,8% không chấp nhận việc ly thân, bỏ bê không chăm sóc vợ/chồng hay con cái. Số người phản đối việc không chung thủy giữa vợ và chồng ở người Công giáo chiếm tới 85,4%12. Bởi nguyên tắc không thể phân ly trong hôn nhân của người Công giáo, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân thể hiện qua giao ước hôn nhân (và cũng vì lợi ích của con cái) không thể rút lại, nên người Công giáo nhìn chung trong văn hóa ứng xử thường cố giữ đạo vợ chồng, sống chung thủy với nhau trọn đời. Trong cuộc sống khi có những mâu thuẫn, bất đồng giữa vợ và chồng thường được giải quyết trên tinh thần vị tha, bao dung, chia sẻ với nhau. Những buổi cầu nguyện chung của gia đình Công giáo là những thời điểm gia đình sẻ chia với nhau những khó khăn, vui buồn, những khúc mắc trong cuộc sống hằng ngày để rồi bỏ qua cho nhau, tha thứ cho nhau, để cùng động viên nhau sống trong tình yêu thương hơn. Đối với quan hệ cha mẹ - con cái, Công đồng Vatican II khẳng định: “Con cái là ơn huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ”13. Giáo dục theo tinh thần của người Công giáo có đề cập tới việc chăm lo đời sống vật chất, chăm lo dạy dỗ con cái về đời sống luân lý, tinh thần và đức tin. Bởi vậy, cha mẹ lĩnh nhận trách nhiệm giáo dục rất lớn đối với sự phát triển về nhân cách, đức tin của con cái. Người Công giáo coi nghĩa vụ giáo dục sinh sản và giáo dưỡng con cái không chỉ là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng, mà còn là nhiệm vụ của cộng đoàn, trực tiếp là linh mục, các giáo lý viên, các chức việc (những người trong Ban hành giáo, trong các hội đoàn). Với người Công giáo, việc sinh sản và giáo dục con cái được xem như là sự cộng tác với Thiên Chúa, và là sự diễn đạt tình yêu của Thiên Chúa đối với Giáo 92 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2015 hội, với tín đồ. Trên nền tảng đó, giáo dân Công giáo luôn chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình với tư cách là một tín đồ trong trách nhiệm với Thiên Chúa. Người Công giáo nhận thức rõ bổn phận sinh con ra, bố mẹ phải có trách nhiệm giáo dục con cái và coi đó là điều cốt lõi trong đời sống gia đình, và được bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ. Giáo huấn của Công đồng Vatican II đã chỉ rõ “Vì đã lĩnh nhận ân sủng cũng như bổn phận của Bí tích Hôn nhân nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ”14. Giáo hội Công giáo chỉ rõ, trách nhiệm trong quan hệ giữa cha mẹ với con cái là cha mẹ có nghĩa vụ giáo dục nhân bản và giáo dục đức tin cho con. “Cha mẹ có trách nhiệm rất nặng nề và quyền lợi phải hết sức chăm lo việc giáo dục con cái về thể lý, xã hội và văn hóa, về luân lý và tôn giáo”15. Giáo dục nhân bản được hiểu là giáo dục bản chất làm người công dân tốt, làm tín đồ ngoan đạo cho con cái. Trách nhiệm của cha mẹ khi sinh con ra là chăm lo, nuôi dạy con thành người, tốt về mặt đời, đẹp về mặt đạo. Người Công giáo, trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái luôn tồn tại song song hai mối dây tình cảm ràng buộc nhau: Quan hệ giữa bố mẹ đẻ với con đẻ và quan hệ giữa bố mẹ đỡ đầu với con thiêng liêng. Trách nhiệm của cả hai cặp bố mẹ này đều ngang nhau trong việc chăm lo và giáo dục con cái. Khi bố mẹ đẻ còn sống, bố mẹ đỡ đầu vẫn có trách nhiệm bảo ban con cái cách ứng xử với đồng đạo, với linh mục, với người cao tuổi hay như việc học giáo lý, đi lễ nhà thờ... Trong vấn đề kinh tế, nếu thấy con đỡ đầu khó khăn, bố mẹ có thể giúp đỡ, sẻ chia với nhiều hình thức khác nhau như tạo công ăn việc làm, vật chất nếu có điều kiện. Khi bố mẹ đẻ của con thiêng liêng chết đi, bố mẹ đỡ đầu phải có trách nhiệm nuôi dạy, chăm lo chu đáo cho con trong điều kiện cho phép. Giáo dục nhân bản theo quan niệm của giáo dân Công giáo là giáo dục và nuôi dạy con cái về các mặt thể dục, trí dục và đức dục. Thể dục là dạy con biết vệ sinh sạch sẽ và giữ gìn sức khỏe. Trí dục là trau dồi về học vấn, nghề nghiệp cho con để sau này con có thể tự lập xây dựng tương lai cho mình và cho xã hội. Còn đức dục là loại trừ những thói hư tật xấu và luyện tập, tích tụ những tính tốt. Đức dục của con người có bốn phẩm chất trụ cột là khôn ngoan, công bằng, tiết độ và dũng cảm, làm nền tảng cho những phẩm chất khác của con người. Riêng đối với nữ giới, cần có thêm công, dung, ngôn, hạnh. Giáo hoàng John Paul II, trong Tông huấn về gia đình, đã nhắc nhở: “Dù phải đương đầu với những khó Lê Đức Hạnh. Giáo lý Công giáo với việc hình thành... 93 khăn, mà ngày nay lại thường là những khó khăn to lớn trong trách nhiệm giáo dục con cái, bậc cha mẹ cần phải tin tưởng và can đảm giáo dục con cái họ theo những giá trị chính yếu của đời người. Trẻ em phải lớn lên trong một sự tự do chân chính trước các của cải vật chất, biết chọn một nếp sống giản dị và khắc khổ, vì xác tín mạnh mẽ rằng: giá trị của con người là do cái mình làm, hơn là do cái mình có”16. Từ quan niệm và giáo huấn như vậy, người Công giáo luôn ý thức trách nhiệm trong quan hệ với con cái là phải chăm lo cho con đầy đủ về vật chất và được học hành, quan trọng hơn là giúp cho con cái biết yêu thương, trân trọng, cộng tác và nâng đỡ người khác, biết cư xử lễ độ và tế nhị, biết suy nghĩ chín chắn và biết tạo sự tin cậy trong cuộc sống. 4. Kết luận Có thể nói, Công giáo đã có những giáo lý răn dạy con người hướng tới điều thiện, điều tốt, tới những giá trị nhân văn cao đẹp thể hiện trong ứng xử giữa các thành viên trong gia đình nói riêng, xã hội nói chung. Từ những ứng xử trong môi trường văn hóa gia đình qua mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái, mỗi người ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển bền vững của một “Hội thánh tại gia”17. Ý thức về trách nhiệm, vai trò của người chồng với vợ và ngược lại, tạo nên tính bền vững của hôn nhân Công giáo, làm nền tảng bền vững cho môi trường văn hóa gia đình. Chính từ ý thức này, người ta ít thấy hiện tượng vợ chồng đánh đập, chửi mắng nhau để rồi dẫn đến sự chia ly, tan vỡ trong các gia đình Công giáo. Nếu như tỷ lệ ly thân, ly dị ở người không Công giáo ngày càng gia tăng thì ở người Công giáo hiện tượng này ít xảy ra18. Tỷ lệ ly thân, ly dị ở người Việt Công giáo rất ít chứng tỏ sự bền vững của hôn nhân Công giáo. Qua những cuộc phỏng vấn, được biết: trong các gia đình Công giáo cũng có hiện tượng vợ chồng mâu thuẫn, xích mích nhau, nhưng về cơ bản các mâu thuẫn đó thường được giải quyết trong sự bao dung tha thứ trên tinh thần giáo dục của Giáo hội về sự vị tha đối với vợ/chồng khi có lỗi lầm. Đây có thể là những lý do khiến ngày càng nhiều người ngoài Công giáo kết hôn với người Công giáo để bảo đảm tính bền vững của gia đình khi mà tỷ lệ ly dị ở các gia đình Việt Nam ngày một tăng. Theo thống kê của Công giáo năm 2007, có 67.780 người khác đạo gia nhập Công giáo qua kết hôn với giáo dân19. Từ sự giáo dục của Hội Thánh Công giáo về ý thức và trách nhiệm của cha mẹ với con cái và nghĩa vụ của con cái với cha mẹ, khi còn sống 94 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2015 cũng như khi cha mẹ qua đời, đã cho thấy giáo lý Công giáo có những đóng góp tạo nên những chuẩn mực đạo đức để con người sống yêu thương, có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống hằng ngày. Những chuẩn mực này đã tác động và tạo nên một môi trường sống hài hòa, yêu thương, vị tha, ít bạo lực gia đình trong cộng đồng giáo dân. Những điều đó phần nào góp phần tạo nên sự ổn định xã hội ở phạm vi hẹp./. CHÚ THÍCH: 1 Khái niệm tổ tiên là một khái niệm rộng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, dòng họ mà còn mở rộng ra cộng đồng, quốc gia. Khi hiểu tổ tiên là những người đã khuất, nếu chỉ đơn thuần là những người thân trong dòng họ, gia đình, việc thờ cúng có sự khác nhau giữa các nhóm tộc người. Khi hiểu tổ tiên là những người đã mất, bao gồm cả những người ngoài dòng tộc, như những người có công với làng với nước, các anh hùng dân tộc, thì việc thờ cúng cũng có sự khác nhau như thờ thành hoàng làng, thờ Quốc tổ Hùng Vương,... Mỗi tộc người, mỗi nhóm tôn giáo có những quan niệm và cách thờ cúng hay tôn kính với người đã khuất theo tư duy và quan niệm của riêng mình. Xem thêm: Lê Đức Hạnh (2008), “Vấn đề thờ cúng tổ tiên của người Công giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ - Việt Nam (Tiếp cận Nhân học Tôn giáo qua nghiên cứu trường hợp làng đạo Tử Nê - Bắc Ninh)”, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 2. 2 Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 2214 - 2220. 3 Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 2215. 4 Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 2220. 5 Theo Pet. Đinh Ngọc Lâm, Đạo hiếu trong Kitô giáo. 6 Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay. 7 Giám mục Philip Nguyễn Kim Điền, Giám mục Francis Xavier Nguyễn Văn Thuận, Quyết Nghị về Lễ Nghi Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên, dinh.org/?open=contents&display=2&id=1440, truy cập ngày 26/7/2010. 8 Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Kết quả điều tra xã hội học tôn giáo tại Tử Nê tháng 3 năm 2008; Lê Đức Hạnh (2008), “Vấn đề thờ cúng tổ tiên của người Công giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ - Việt Nam (Tiếp cận Nhân học Tôn giáo qua nghiên cứu trường hợp làng đạo Tử Nê - Bắc Ninh)”, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 2. 9 Điều 1632, Bộ Giáo luật, Nguyệt san Trái tim Đức Mẹ xuất bản, 1986. 10 Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007), Giáo lý hôn nhân và gia đình, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội: 87. 11 Điều 1135, Bộ Giáo luật, Nguyệt san Trái tim Đức Mẹ xuất bản, 1986. 12 Lê Đức Hạnh (2009), Kết quả điều tra xã hội học tại giáo họ Nỗ Lực, tỉnh Phú Thọ. Lê Đức Hạnh. Giáo lý Công giáo với việc hình thành... 95 13 Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Phần thứ II:Một số vấn đề khẩn thiết, Chương 1: Phải đề cao phẩm giá của hôn nhân và gia đình, đoạn 50. Ve-Giao-Hoi-Trong-The-Gioi-Ngay-Nay-Gaudium-Et-Spes-Phan-II-Chuong- I.html 14 Đỗ Quang Hưng (2009), “Sống đạo của người Công giáo Việt Nam, Khái niệm và sự phát triển”, Hội thảo Nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Hà Nội. 15 Điều 1136, Bộ Giáo luật, Nguyệt san Trái tim Đức Mẹ xuất bản, 1986. 16 John Paul II (1981), Tông huấn về gia đình: 37 17 Quan niệm của Công giáo coi mỗi gia đình là một “Hội thánh tại gia”, một “Giáo hội thu nhỏ”... 18 Mặc dù vậy, hiện nay tình trạng ly dị và ly thân trong các gia đình Công giáo đã có xu hướng gia tăng so với trước. Một báo cáo ở Hà Nội cho biết, mỗi năm thành phố có 20.000 vụ kết hôn thì có 4.500 vụ ly hôn. Còn ở cả nước năm 1985 có 27.000 vụ ly hôn. Năm 1986 tăng lên 29.717 vụ. Trong khi đó, ở xã Hải Vân, Hải Hậu, Nam Định có 6.000 giáo dân từ năm 1980 đến năm 2000 chỉ có 2 đôi bỏ nhau. Xứ Sở Hạ ( Hà Nội) có 1.500 giáo dân mà từ năm 1945 đến nay chỉ có 1 đôi ly thân. Dẫn theo: Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2009), Hội thảo Nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam, Hà Nội. 19 Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2009), Hội thảo Nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam, Hà Nội. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Gioi-Ngay-Nay-Gaudium-Et-Spes-Phan-II-Chuong-I.html 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ngày 18/4/2006. 4. Giám mục Philip Nguyễn Kim Điền, Giám mụcFrancis Xavier Nguyễn Văn Thuận, Quyết nghị về lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên, ngày 26/7/2010. 5. Nguyễn Hồng Dương (chủ biên, 2009), Nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội. 6. Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 2214 - 2220. 7. Giáo luật 1983, Nguyệt san Trái tim Đức Mẹ xuất bản, 1986. 8. John Paul II (1981), Tông huấn về gia đình (Familiaris Consortio), 96 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2015 9. Lê Đức Hạnh (2008), “Vấn đề thờ cúng tổ tiên của người Công giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ - Việt Nam (Tiếp cận Nhân học Tôn giáo qua nghiên cứu trường hợp làng đạo Tử Nê - Bắc Ninh)”, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 2. 10. Lê Đức Hạnh (2012), Hôn nhân và nếp sống đạo trong gia đình người Việt Công giáo, Nxb. Văn hóa Thông tin & Viện Văn hóa, Hà Nội. 11. Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007), Giáo lý hôn nhân và gia đình, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 12. Đỗ Quang Hưng (2009), “Sống đạo của người Công giáo Việt Nam - Khái niệm và sự phát triển”, Hội thảo Nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Hà Nội. 13. Pet. Đinh Ngọc Lâm, Đạo hiếu trong Kitô giáo, 14. Sách Mục vụ, số 48. Abstract CATHOLICISM DOGMA WITH THE ESTABLISHMENT OF LIFE STYLE IN VIETNAM CATHOLIC FAMILY This article mentioned the effect of the Catholicism dogma on the relation of Catholic family in Vietnam through the relationship between husband and wife, among parents and children and the Instruction of the Catholic Church on duty and responsibility between husband and wife, among parents and children. The Catholicism dogma has contributed to educate the filial piety towards parents of Vietnamese in general and Catholics in particular in daily life. Keywords: Catholicism, family, relationship, dogma, education.
File đính kèm:
- giao_ly_cong_giao_voi_viec_hinh_thanh_loi_song_trong_gia_din.pdf