Đô thị di sản - Nền tảng xây dựng sản phẩm du lịch mới phát triển du lịch An Giang
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020 và Việt
Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển đến năm 2030 đã được khẳng định tại
Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22-1-2013 của Chính phủ và Quyết định số 381/QĐ-
UBND về phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020, ngày 23-2-
2016 của tỉnh An Giang. Dưới góc nhìn di sản kiến trúc - đô thị, các chương trình du lịch
của tỉnh từ trước đến nay chưa đề cập rõ các giá trị thẩm mỹ của hình thái đô thị, nghệ
thuật kiến trúc và không gian cảnh quan gắn với lối sống bản địa ở An Giang. Do đó, mục
tiêu bài viết này nhằm xem xét và gợi mở tiềm năng mới trên cơ sở đô thị lịch sử của tỉnh
có tính “thuộc địa” (đô thị từng là khu vực thuộc địa Pháp) làm nền tảng khởi đầu mới
cho phát triển kinh tế “toàn cầu” giai đoạn sắp tới.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Đô thị di sản - Nền tảng xây dựng sản phẩm du lịch mới phát triển du lịch An Giang
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Ngô Minh Hùng và tgk 95 ĐÔ THỊ DI SẢN - NỀN TẢNG XÂY DỰNG SẢN PHẨM DU LỊCH MỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH AN GIANG HERITAGE CITY - A BASE TO DEVELOP NEW TOURISM PRODUCTS TO PROMOTE AN GIANG’S TOURISM NGÔ MINH HÙNG và TRẦN THỊ MỸ DIỆU TS. Trường Đại học Văn Lang, hungnm_vn@vanlanguni.edu.vn, Mã số: TCKH10-08-2018 PGS.TS. Trường Đại học Văn Lang, tranthimydieu@vanlanguni.edu.vn TÓM TẮT: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020 và Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển đến năm 2030 đã được khẳng định tại Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22-1-2013 của Chính phủ và Quyết định số 381/QĐ- UBND về phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020, ngày 23-2- 2016 của tỉnh An Giang. Dưới góc nhìn di sản kiến trúc - đô thị, các chương trình du lịch của tỉnh từ trước đến nay chưa đề cập rõ các giá trị thẩm mỹ của hình thái đô thị, nghệ thuật kiến trúc và không gian cảnh quan gắn với lối sống bản địa ở An Giang. Do đó, mục tiêu bài viết này nhằm xem xét và gợi mở tiềm năng mới trên cơ sở đô thị lịch sử của tỉnh có tính “thuộc địa” (đô thị từng là khu vực thuộc địa Pháp) làm nền tảng khởi đầu mới cho phát triển kinh tế “toàn cầu” giai đoạn sắp tới. Từ khóa: di sản, thuộc địa, toàn cầu, sản phẩm du lịch. ABSTRACTS: The target of developing tourism into a spearhead economic sector by 2020, and Vietnam to become a country with a developed tourism industry by 2030, has been affirmed in Decision No. 201/QD-TTg dated January 22, 2013, and Decision No. 381/QD-UBND dated February 23, 2016 on developing tourism in An Giang province from 2014 to 2020. From the perspective of architectural-urban heritage, previous tourism programs of the province have not clearly mentioned the aesthetic values of urban form, architectural art and landscape associated with local lifestyle in An Giang. Therefore, this article aims to study and point out new potentials on the basis of the "colonial" historic city (a formerly French colonial city) as the new starting point for the “globalized” economic development in the coming period. Key words: heritage, colonial, global, tourism product. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ An Giang có vị trí “trung tâm” (theo quan điểm không gian vùng của tác giả) giữa các điểm đô thị tầm cỡ quốc tế ở phía Tây - Nam Bộ. Các điểm đô thị kể đến gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (phía Đông), thành phố Cần Thơ, sông Hậu thông thương cửa biển Định An và Trần Đề (phía Đông Nam), thành phố Cà Mau, cửa biển kết nối khu vực Đông Nam Á (phía Nam), TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 10, Tháng 7 - 2018 96 đảo Phú Quốc, vịnh Thái Lan (phía Tây), thành phố Phnôm Pênh (phía Bắc). Đây là tỉnh có nhiều đặc trưng riêng mang dấu ấn của nền văn hóa đa sắc thái - dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Thủy [7] cho thấy, An Giang từ thế kỷ I đến thế kỷ VII là một điểm quần cư quan trọng ở miền Tây sông Hậu. Khởi đầu, nơi đây mạnh về kinh tế với thương cảng Óc Eo - lớn nhất Đông Nam Á thời đó. Nơi đây cũng từng diễn ra cuộc chiến dài giữa Campuchia và Chămpa (giai đoạn 1113-1220) trên sông Tiền, sông Hậu. Qua đó cho thấy, An Giang trở thành đầu mối giao thông thương mại chiến lược; đồng thời, là trung tâm tiếp nhận văn hóa nước ngoài và Ấn Độ. Khi đó, An Giang là một khu đô thị sầm uất có lớp văn hóa cổ Óc Eo- Ba Thê (Vọng Thê - Thoại Sơn), đá Nổi (Phú Hòa cách thị xã Long Xuyên khoảng 7 km), Định Mỹ (núi Sập), Tráp Đá (núi Chóc), Lỗ Mô (Châu Phú), Núi Sam, Phum Quao, Trà Cột (Tịnh Biên) và Đam Pô (Tri Tôn). Trong thế kỷ VIII, người Khơme đã đến An Giang cư trú rải rác trên những vùng đất (giồng) cao ven sông thuận lợi cho kinh tế nông nghiệp. Tiếp đến đầu thế kỷ XVIII, cư dân Việt (chủ yếu binh lính theo Nguyễn Hữu Cảnh, người khai phá đầu tiên vùng đất An Giang) đã có mặt từ Chợ Mới đến Cái Hố. Hình 1. Bản đồ Đông Dương và An Giang năm 1872 Nguồn: www.bandovietnamtreotuong.com (tháng 6-2018) Cho đến năm 2015, tỉnh An Giang đang trên đà phát triển mọi mặt và đã có 2 thành phố Châu Đốc và Long Xuyên được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là đô thị loại II. Đến năm 2017, thành phố Long Xuyên đang trên hành trình trở TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Ngô Minh Hùng và tgk 97 thành đô thị loại I [12] thuộc tỉnh, tập trung phát triển mạng lưới các điểm, tuyến du lịch sinh thái, sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Về hạ tầng kỹ thuật, thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Long Xuyên, triển khai các đề án nâng cấp giao thông và các dự án trọng điểm khác (hạ tầng khu Tây Sông Hậu, khu hành chính thành phố, cụm dân cư Tây Khánh 3 mở rộng, khu hành chính Mỹ Hòa Hưng, khu văn hóa và thể thao tỉnh An Giang. Ở vùng biên giới Tây Nam, thành phố Châu Đốc nằm trong vùng nhiều tiềm năng gắn liền với cửa khẩu Tịnh Biên, Vĩnh Xương và cửa khẩu quốc gia Khánh Bình. Dân số thành phố trên 159 nghìn người, tỷ lệ đô thị hóa lên tới 92,55% (năm 2014) [13]. Đến nay, Châu Đốc được xem là một thành phố đồng bằng đặc biệt có sông, núi với cảnh quan tự nhiên hấp dẫn, nhiều di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia và tỉnh; đồng thời, được xác định là thành phố du lịch tâm linh đặc sắc tại khu vực ngã ba sông Tiền-sông Hậu [14]. Thành phố gồm 5 phường: Châu Phú A, Châu Phú B, núi Sam, Vĩnh Mỹ, Vĩnh Ngươn, và 2 xã Vĩnh Tế, Vĩnh Châu gắn và trải dài dọc các nhánh sông. 2. NỘI DUNG 2.1. Những giá trị “tiền - đô thị” và “hậu - thuộc địa” tiềm ẩn Ở giai đoạn “tiền - đô thị” (qua nghiên cứu của tác giả, khái niệm này chỉ đặc điểm một khu vực trong giai đoạn trước khi nơi đó chính thức được công nhận là đô thị), di tích Óc Eo cho thấy hình ảnh một quần thể cổ với nhiều di chỉ cư trú, sản xuất đạt đến trình độ cao về kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Khu vực Óc Eo là một trong những trung tâm hành chính, tôn giáo và xung quanh là quần thể các khu dân cư rộng với nhà sàn và mạng lưới kênh đào thủy nông (trên 200 km) và cảng chính Óc Eo nằm sâu trong đất liền (cách biển gần 5km). Ngoài ra, các tiền cảng như: Trăm Phố, Ông Ngọc, Cần Giờ đều có mối quan hệ với trung tâm giao thương Óc Eo bằng những con sông và kênh đào. Hệ thống cảng này gắn với đường thủy nối liền các con sông lớn và đổ ra biển cho thấy cảng rất phát triển hoạt động buôn bán với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới [7]. Ở lối tụ cư, người Việt, Hoa, Khơme, Chăm đã sử dụng đường thủy, đường bộ di chuyển đến Châu Đốc - núi Sam, buôn bán tại những đầu mối giao thông thuận lợi. Đó là, chợ ở Châu Đốc được hình thành khiến cho bộ mặt vùng Châu Đốc thay đổi trở thành trung tâm kinh tế của cả vùng. Trong khi đó, người Hoa ngày càng đông đảo ở Tân Châu, Châu Đốc và Châu Phú. Rồi năm 1840, khâm sai Lê Văn Đức từ trấn Tây Thành rút về Châu Đốc cùng một số người Chăm về cư trú và định cư dọc theo sông Hậu nhờ chính sách “tận dân vi binh” của vua Thiệu Trị [7]. Những năm 40, thế kỷ XIX dân cư ở các tỉnh miền Trung tìm tới vùng Năng Gù (do chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn) để lập làng Năng Gù. Theo đặc điểm làng xóm, người Việt, Hoa ở An Giang sống tập trung, xen kẽ trong các làng. Làng không lũy tre, nhà không rào. Trong mỗi làng đều có một ngôi đình làm nơi sinh hoạt của làng. Người Hoa sống trong làng cùng những người chung hoàn cảnh, gốc gác, ngôn ngữ, ngành nghề và tuân thủ những quy ước của làng. Họ cũng tiến hành xây dựng miếu ông Bổn và TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 10, Tháng 7 - 2018 98 miếu bà Thiên Hậu ở mỗi làng. Người Chăm cất nhà sàn ở dọc theo bờ sông, bờ kênh và không ở dạng quây quần mà tổ chức nhà thành từng dãy và lối đi ở giữa. Người Khơme sống tập trung trong các phum và chùa Khơme trở thành trung tâm tôn giáo, văn hóa, xã hội, nơi bảo lưu và truyền kế di sản văn hóa. Đối với công trình nhà ở, nhà sàn được người Khơme, Chăm, Việt, Hoa sử dụng để ở phía trên; chăn nuôi, kho vật liệu bên dưới, thích hợp với mùa nước nổi. Người Khơme cất nhà nơi cao ráo, đất giồng ven núi hoặc ven các đường mòn. Trong khi đó, người Việt, Hoa, Chăm cất nhà theo các kênh, rạch, bờ sông và ưu tiên mặt tiền quay ra mặt sông. Nên, dân cư thường tập trung đông tại những nơi giáp mặt nước, ngã ba (tư) sông, để rồi hình thành nên điểm quần cư, trao đổi mua bán “trên bến dưới thuyền”. Chính vì lối tụ cư, phong tục tập quán của cư dân bản địa mà hầu như các điểm dân cư xưa phát triển tự do theo kiểu “làng xóm nông nghiệp”, “buôn bán gắn với sông nước” (dưới góc nhìn phát triển đô thị). Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut áp đặt tư tưởng cai trị và khai thác thuộc địa ứng với hoàn cảnh thực tế [3]. Khu vực phía Tây - Nam Kỳ, người Pháp đã mở rộng lãnh thổ với chế độ bảo hộ sang phần đất Campuchia (1863) và định ra khu vực thuộc địa của Pháp giữa Việt, Xiêm và Trung Quốc qua hiệp ước năm 1884. Như vậy, không gian “thuộc địa mới” được mở rộng và không còn đơn thuần “Việt Nam” nữa. Kế tiếp, người Pháp đã khép kín để xây dựng vùng thuộc địa riêng này. Bước đầu, quy hoạch đô thị được thực hiện bằng lối tư duy “công binh”, “kiểu ô cờ” được áp dụng nhiều thành phố lớn nhỏ từ Nam ra Bắc. Đây dường như trở thành hình mẫu đô thị hiện đại tại thời điểm đó dưới sự thống trị của Pháp tại Nam Kỳ nói chung và An Giang nói riêng. Song song, họ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, trường học và trụ sở để phục vụ cho quản lý và phát triển thuộc địa. Việc giới thiệu hệ thống và phương tiện giao thông mới (ô tô, tàu hỏa, tàu thủy hơi nước) đã liên kết Nam Kỳ với Campuchia hình thành không gian thương mại và đô thị mới có tính chất liên vùng quốc tế. Từ đó, xu thế di cư “Nam tiến” của người Việt dần chuyển sang “Tây tiến” phục vụ cho sự phát triển kinh tế chính trị Đông Dương [3]. Và Châu Đốc, Long Xuyên trở nên quan trọng hơn trong trục không gian kết nối Đông - Tây và Nam Kỳ. Hai điểm đô thị trên một dòng sông đã dần phát triển theo hình thức thành phố phương Tây hiện đại tại thời kỳ đó. Lối tổ chức “ô cờ” kết nối sông Châu Đốc với trục giao thông chính (đường Thủ Khoa Nghĩa ngày nay) cho thấy sự kế thừa lối sinh hoạt và giao thương “trên bến dưới thuyền” của người Việt và Hoa (hình 2). Đi cùng với hình thái đô thị đặc trưng đó là hệ thống các ô phố khá rõ cùng các công trình kiến trúc tiêu biểu. Trước kia, Châu Đốc từng được ví trung tâm của một vùng rộng lớn [1]. Rồi Châu Đốc được người Pháp dùng làm nơi trông giữ một vùng bao trùm Long Xuyên (Long Xuyên và Sa Đéc ngày nay). Người Pháp đã cho xây dựng nhiều công trình trụ sở, nhà ở phục vụ dân sinh (chợ, trường học,) mang đặc điểm kiến trúc Pháp, Pháp - Việt phục vụ bộ máy cai trị và công TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Ngô Minh Hùng và tgk 99 chức chính quyền tại Châu Đốc và Long Xuyên. Ngoài chợ Châu Đốc (xây năm 1876) còn có đình Thần Châu Phú, Thoại Ngọc Hậu, nhà các quan chức và người dân. Ngôi biệt phủ xứ Trương Tấn Dĩ, xây năm 1921, còn gìn giữ kiểu dáng ban đầu, trang trí kiểu Pháp cho đến ngày nay. Qua các giai đoạn thăng trầm của vùng đất Nam Bộ và „hậu - thuộc địa‟ (dưới góc nhìn về kiến trúc để chỉ thời kỳ phát triển sau khi một vùng lãnh thổ không còn chịu sự cai trị trực tiếp về chính trị của Pháp nữa), cấu trúc Long Xuyên xưa đã thay đổi khá nhiều và có phần hiện đại cho một thành phố trẻ và năng động. Tuy nhiên về lịch sử đô thị, Long Xuyên dường như xuất phát từ cồn đất cao rộng, bao quanh bởi sông Hậu, rạch Rạch Giá - Long Xuyên, cầu Quay. Về mặt hình thái đô thị, bản đồ năm 1920 (hình 3) đã chỉ ra cấu trúc đô thị ở đây được hoạch định theo mạng lưới “ô cờ” và trải dọc bên bờ sông Hậu [11]. Hình 2. Châu Đốc năm 1890 Nguồn: commons.wikimedia.org (tháng 6/2018) Hình 3. Long Xuyên năm 1920 Nguồn: sites.google.com (tháng 6/2018) Có thể thấy một số công trình còn tồn tại đến nay đã phản ánh hình ảnh đô thị thuộc địa ở Châu Đốc và Long Xuyên. Đầu tiên, phong cách kiến trúc Pháp (cổ điển, tân cổ điển, romance, modernism, art noveau, art deco) (hình 4) như: nhà thờ Năng Gù, dinh Tham biện Châu Đốc, nhà thờ Cù lao Giêng, dinh Tham biện Long Xuyên, cầu Hoàng Diệu, cầu Quay, trường Tiểu học Pháp - Việt, nhà Thờ Cái Đôi. Tiếp đến, kiến trúc giao thoa (Pháp - Việt) và Đông Dương gồm: biệt thự tại Châu Đốc, bệnh viện Long Xuyên, rạp chiếu bóng Nam Xương, trường Trung học Long Xuyên, đình Thần Bình Long, đình Thần Bình Mỹ, đình Châu Phú, miếu Bà Chúa Xứ - Núi Sam, thánh đường Hồi giáo Chăm, lăng Thoại Ngọc Hầu và hồ Ông Thoại [9]. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 10, Tháng 7 - 2018 100 Hình 4. Một số hình ảnh đô thị thuộc địa Châu Đốc và Long Xuyên xưa Nguồn: banxuabannay.blogspot.com (tháng 6/2018) 2.2. Đô thị “thuộc địa” di sản vươn tầm “toàn cầu” Nhìn ra khu vực, một số nơi chốn có chung đặc điểm từng là thuộc địa, quy mô vừa và nhỏ, đa dạng văn hóa Đông - Tây so với Châu Đốc và Long Xuyên, đó là trung tâm đô thị Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc), Malacca (Malaysia) và Singapore. Cho đến nay, những nơi này đã trở thành tâm điểm trong mạng lưới “thành phố toàn cầu” trên thế giới sau khi đã chuyển đổi thành công từ các “đô thị thuộc địa”. Thượng Hải, đã từng là thuộc địa của Anh, với khu Tô giới Pháp là một thí dụ thú vị khi nó hầu như cắt đứt phần lớn giao tiếp với thế giới sau năm 1949. Thành phố với phong cách kiến trúc và không gian Anh, Pháp và Châu Âu khác biệt và cổ kính đã tự mình đứng lên sau khi bị sụp đổ (kết thúc thời kỳ thuộc địa và tồn tại 200 năm). Quá trình gây dựng lại hình ảnh vốn có của thành phố thuộc địa diễn ra ngay sau khi cải cách kinh tế mở cửa vào năm 1978 và vai trò của Thượng Hải định vị lại nhằm cạnh tranh với các nơi khác (như Thâm Quyến). Khu Tô giới Pháp - “một Châu Âu thu nhỏ” hiện là một điểm đến đáng tự hào của Trung Quốc, với diện mạo mới, tầm vóc sánh ngang với nhiều quốc gia phát triển, thu hút lượng khách du lịch bậc nhất tới tham quan; đồng thời, là khu vực được người nước ngoài chọn lựa để sinh sống và làm việc. Đối với Hong Kong: “mạng công nghệ thông tin và truyền thông” (ICT) dường Châu Đốc 1937 Chợ Long Xuyên Phố Long Xuyên Châu Đốc- L‟Hotel de Inspection TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Ngô Minh Hùng và tgk 101 như đã không thể thay thế “mạng xã hội” [6]. Mạng xã hội nơi đây là nền tảng cho phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế (về luật kinh doanh, thương mại, du lịch). Yếu tố này được thiết lập bởi người Anh nhằm đáp ứng quản lý khu vực thành thị và từ đó phát huy trở thành điểm nổi trội khác biệt. Kế đến, đội ngũ quản lý được đào tạo tại các trường danh tiếng ở Anh với tư tưởng và sự tập trung cao, Hong Kong nơi chứa các thành phần đô thị lịch sử, đã trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp cho mọi hoạt động thương mại. Chính vì điều này mà Hong Kong từ một làng chài nhỏ [2] đã vươn lên thành phố toàn cầu ngày nay [10]. Thành phố Malacca (di sản văn hóa thế giới được công nhận từ năm 2008) được mệnh danh là một Venice của Châu Á [8] còn lưu giữ nhiều nét lịch sử lâu đời, đa sắc màu văn hóa phương Tây. Quy mô thành phố tương đương với đô thị cổ Hội An (Việt Nam). Nơi đây từng làng chài nhỏ lâu đời (từ năm 1403) nằm ở đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất Đông Nam Á, thuộc eo biển Malacca, đã nhanh chóng thu hút thương lái người Hoa (thế kỷ XV) sớm định cư quanh trung tâm. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, hình ảnh đô thị chính đã được tạo dựng bởi người Bồ Đào Nha (130 năm), sau đó người Hà Lan (154 năm). Thời kỳ này, tòa nhà chính quyền thuộc địa được xây ở khu đồi St. Paul, trung tâm chính nằm dải bờ sông và được chia thành các ô phố thương mại. Sau này, thay bằng việc chia cắt trung tâm thành các ô phố nhỏ và nhóm văn hóa tách biệt, nơi đây đã hình thành các không gian phố đi bộ đan xen gắn kết xã hội, thúc đẩy hoạt động thương mại và du lịch hấp dẫn. Gần đây nhất, Singapore, thuộc địa của Anh từ năm 1819 đến năm 1942, xác định các “sản phẩm không gian di sản” phản ánh những ý thức của các thế hệ lãnh đạo và văn hóa nổi trội. Sản phẩm di sản này được phát huy một cách lô-gíc trên nền văn hóa chủ nghĩa tư bản kế thừa từ thời kỳ thuộc địa. Vì thế, đô thị di sản gắn chặt với nhận thực về kinh tế thị trường và phát huy giá trị gia tăng từ góc nhìn về quá khứ. Năm 1990, quốc đảo này đã tích cực thúc đẩy di sản như một “sản phẩm du lịch” bằng việc (tái) tạo lại trung tâm đô thị lịch sử ngay tại khu vực giao thoa đa văn hóa dân tộc nổi bật như: Chinatown, Kampong Glam, Little India và xung quanh các công trình thuộc địa Anh trước kia [4], [6]. Kết quả, trung tâm Singapore nay đã trở thành không gian có đặc điểm riêng gắn với chức năng thương mại, đã và đang là điểm thu hút du lịch rất lớn. Điều này được xác định rõ trong chiến lược thành phố toàn cầu của Singapore. Từ những ví dụ trên cho thấy, Hiến chương về Bảo tồn đô thị lịch sử và khu vực đô thị (Washington Charter 1987) của ICOMOS (Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ các di sản văn hóa cùng với UNESCO) đã được các quốc gia vận dụng linh hoạt mà tỉnh An Giang và 2 thành phố có thể học hỏi cho định hướng phát triển địa phương. Một số nguyên tắc đó là: Bảo tồn đô thị lịch sử và các khu vực đô thị lịch sử khác cần trở thành một phần lồng ghép vào các chính sách phát triển TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 10, Tháng 7 - 2018 102 kinh tế, xã hội trong quy hoạch vùng và đô thị tại các cấp độ; Chất lượng bảo tồn, bao gồm: đặc điểm lịch sử của đô thị hay khu vực đô thị và các loại vật liệu, thành phần tâm linh, đặc biệt về hình thái đô thị, mối tương quan giữa công trình, không gian xanh mở và các thành phần đô thị xung quanh. Mặt ngoài, nội ngoại thất của công trình; Sự tham gia của cộng đồng vào chương trình bảo tồn và tiếp cận đa chiều. 3. KẾT LUẬN Xét về lịch sử hình thành, vùng đất An Giang hàm chứa những chuỗi giá trị văn hóa - lịch sử (phi vật thể) cùng không gian, công trình kiến trúc, cảnh quan (vật thể) đều có mối liên kết chặt trẽ phản ánh các giai đoạn thịnh vượng mà lĩnh vực du lịch chưa khai phá và bỏ ngỏ. Trong xu thế toàn cầu hóa, phát triển du lịch địa phương đòi hỏi “tầm nhìn chiến lược” xa hơn (hay) mang tính toàn cầu qua việc định vị lại “ngành công nghiệp không khói” để nâng tầm các điểm hấp dẫn du khách trong bối cảnh đô thị lịch sử có tính “thuộc địa” sớm đóng vai trò và tầm ảnh hưởng “toàn cầu” trên cơ sở khám phá mới và phát huy hệ thống giá trị ẩn sâu trong các nơi chốn, công trình kiến trúc, cảnh quan, cấu trúc và thành phần di sản của hai thành phố Châu Đốc và Long Xuyên. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các cấp có liên quan cần phải có kế hoạch đầu tư, quy hoạch và quảng bá để đô thị di sản An Giang trở thành sản phẩm du lịch mới, độc đáo nhằm thu hút khách du lịch trong, ngoài nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] ATV (2012), An Giang Đất và Người, www.youtube.com. [2] Chui Hau Man và Tsoi Tan Mei (2003), Heritage Preservation: Hong Kong & Overseas Experience, The conservation Association, Hong Kong. [3] Chistopher E. Goscha (2012), Going Indochinese, Contesting Concepts of Space and Place in French Indochina, Nias Press, Denmark. [4] Daniel P.S. Goh (2014), Between History and Heritage: Post-Colonialism, Globalisation, and the Remaking of Malacca, Penang, and Singapore, Vol 2, Spacial Issue 1: Heritage, History, and Historical Processes, Cambridge University Press, United Kingdom. [5] Dương Thế Hiền (2014), Vùng đất An Giang trong chính sách quốc phòng của chính quyền chúa Nguyễn và vua Nguyễn thời kỳ 1757-1867, Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. [6] Gregory Bracken (2015), Asian Cities: Colonial to Global, Amsterdam University Press. [7] Nguyễn Ngọc Thủy (2004), Vùng đất An Giang thời kỳ 1757-1867, Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. [8] Nguyễn Hồng (2016), Thành phố Malacca, thegioidisan.vn. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Ngô Minh Hùng và tgk 103 [9] Võ Văn Thắng và Nguyễn Thị Ngọc Thơ (2017), Dấu ấn văn hóa Pháp trong kiến trúc ở An Giang cuối thế kỷ XIX-nửa đầu thế kỷ XX, Tạp chí Khoa học trường Đại học An Giang, Vol 13 (1). ISSN 0866-8086. Việt Nam. [10] World Cities Culture Forum (2018), Hong Kong, Perspectives on the City, www.worldcitiescultureforum.com. [11] Ngô Minh Hùng (2014), Bảo tồn môi trường Di sản, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. [12] Gia Khánh (2017), Long Xuyên với hành trình trở thành đô thị loại I, Báo An Giang Online, baoangiang.com.vn, ngày 25/01/2017. [13] Hoàng Diên (2015), Công nhận thành phố Châu Đốc là đô thị loại II, Báo Chính phủ Online, baochinhphu.vn, ngày 16/04/2015. [14] Minh Thư (2018), Châu Đốc-Thành phố du lịch tâm linh đặc sắc, Báo An Giang Online, baoangiang.com.vn, ngày 30/04/2018. Ngày nhận bài: 13-6-2018. Ngày biên tập xong: 03-7-2018. Duyệt đăng: 23-7-2018
File đính kèm:
- do_thi_di_san_nen_tang_xay_dung_san_pham_du_lich_moi_phat_tr.pdf