Di tích giồng nổi (Bến tre) trong bối cảnh khảo cổ học nam bộ thời Tiền - Sơ sử

Giồng Nổi là địa điểm khảo cổ học tiền sử đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Bến Tre, có vị trí quan trọng trong nghiên cứu về tiến trình phát triển của thời tiền - sơ sử Nam Bộ. Bộ sưu tập di vật phát hiện tại đây phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và chủng loại, bao gồm các loại hình đồ đá, đồ gốm, đồ xương. Thông qua so sánh loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tạo và hoa văn trang trí của di vật đá, gốm và nhất là việc tìm thấy đồ gốm wavy-rimmed, bài viết góp phần nhận thức về (1) các mối quan hệ văn hóa giữa Giồng Nổi với các di tích Đông Nam Bộ và lưu vực sông Vàm Cỏ thời tiền - sơ sử và (2) quá trình phát triển của Giồng Nổi với khung niên đại giai đoạn sớm khoảng 3.500 - 3.000 năm BP và giai đoạn muộn kết thúc khoảng thế kỷ III-II trước Công nguyên.

pdf 12 trang thom 04/01/2024 3340
Bạn đang xem tài liệu "Di tích giồng nổi (Bến tre) trong bối cảnh khảo cổ học nam bộ thời Tiền - Sơ sử", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Di tích giồng nổi (Bến tre) trong bối cảnh khảo cổ học nam bộ thời Tiền - Sơ sử

Di tích giồng nổi (Bến tre) trong bối cảnh khảo cổ học nam bộ thời Tiền - Sơ sử
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 9 (253) 2019 
65 
DI TÍCH GIỒNG NỔI (BẾN TRE) TRONG BỐI CẢNH 
KHẢO CỔ HỌC NAM BỘ THỜI TIỀN - SƠ SỬ 
 NGUYỄN HOÀNG BÁCH LINH* 
LÊ HOÀNG PHONG** 
Giồng Nổi là địa điểm khảo cổ học tiền sử đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Bến 
Tre, có vị trí quan trọng trong nghiên cứu về tiến trình phát triển của thời tiền - 
sơ sử Nam Bộ. Bộ sưu tập di vật phát hiện tại đây phong phú về số lượng, đa 
dạng về loại hình và chủng loại, bao gồm các loại hình đồ đá, đồ gốm, đồ 
xương... Thông qua so sánh loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tạo và hoa văn 
trang trí của di vật đá, gốm và nhất là việc tìm thấy đồ gốm wavy-rimmed, bài 
viết góp phần nhận thức về (1) các mối quan hệ văn hóa giữa Giồng Nổi với các 
di tích Đông Nam Bộ và lưu vực sông Vàm Cỏ thời tiền - sơ sử và (2) quá trình 
phát triển của Giồng Nổi với khung niên đại giai đoạn sớm khoảng 3.500 - 3.000 
năm BP và giai đoạn muộn kết thúc khoảng thế kỷ III-II trước Công nguyên. 
Từ khóa: Giồng Nổi, loại hình, di tích, đồ gốm, công cụ, tiền sử 
Nhận bài ngày: 12/7/2019; đưa vào biên tập: 13/7/2019; phản biện: 14/7/2019; 
duyệt đăng: 4/9/2019 
1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ - ĐIỀU KIỆN TỰ 
NHIÊN CỦA DI TÍCH GIỒNG NỔI 
Di tích khảo cổ học Giồng Nổi có tọa 
độ địa lý 10014’22” vĩ Bắc - 106021’5” 
kinh Đông, thuộc ấp Bình Thành, 
xã Bình Phú, thành phố Bến Tre, 
tỉnh Bến Tre, nằm về phía tây và 
cách trung tâm thành phố Bến Tre 
khoảng 2,5km đường chim bay, 
cách sông Hàm Luông khoảng 
1,5km về phía đông. Di tích là một 
giồng đất nhỏ, diện tích hơn 
10.000m
2, địa hình hiện tại cao ở 
phía tây và thoải dần về phía đông, 
trong đó, nơi có mật độ hiện vật 
dày đặc nhất có diện tích 4.000m2, 
nằm về phía tây của giồng. Bề mặt 
hiện tại cao hơn khu vực xung quanh 
khoảng 0,7m, bị chia cắt thành hai 
phần bởi con lộ chạy ngang và biến 
Hình 1. Các di tích thời kỳ Đá mới và muộn 
hơn ở vùng Nam Bộ Việt Nam và Campuchia 
Nguồn: Andrea Reinecke, 2009. 
*, **
 Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. 
 NGUYỄN HOÀNG BÁCH LINH - LÊ HOÀNG PHONG – DI TÍCH GIỒNG NỔI 
66 
dạng khá nhiều do hoạt động canh tác, 
sinh sống của người dân. Về phía 
đông là dấu vết của một bàu nước cổ, 
có thể là nơi cung cấp nước cho cộng 
đồng cư dân khi xưa. 
Giồng là một loại địa hình đặc thù và 
hầu như chỉ được biết đến ở vùng 
duyên hải phía đông của Nam Bộ, là 
những phần đất nhô cao với cao độ 
tuyệt đối từ 2 đến 5m, có dạng hình 
vòng cung theo dấu tích của những 
đường bờ biển cổ. Giồng có thể được 
thành tạo dưới tác động của thủy triều 
biển, gió, biển tiến - thoái, từ phù sa 
sông hoặc hỗn hợp trầm tích sông và 
biển. Giồng Nổi được hình thành từ 
thềm phù sa cổ của rạch Cái Hiên, 
một nhánh của sông Hàm Luông, nằm 
về hướng đông nam với đoạn cuối 
chảy qua di tích. Từ Giồng Nổi theo 
rạch Cái Hiên vào sông Hàm Luông 
và ra cửa biển Hàm Luông khoảng 
10km, ra cửa Ba Lai khoảng trên 
30km. 
Do nằm giữa môi trường sông và biển, 
chịu ảnh hưởng của khí hậu gió mùa 
nhiệt đới nên cảnh quang tự nhiên 
của Giồng Nổi nói riêng và Bến Tre 
nói chung mang đặc trưng của miền 
địa lý động vật Tây Nam Bộ. Do ở khá 
xa rừng núi cao, lại có những dòng 
sông lớn cho nên hệ sinh thái ở đây 
mang tính đặc trưng của vùng ven 
biển. Cùng với sự bồi lấp tự nhiên, 
quá trình con người đến cư trú từ rất 
sớm là nguyên nhân hình thành các di 
tích khảo cổ học trên địa hình 
giồng/gò với niên đại chung khoảng 
3.000 đến 2.000 năm cách nay. Cũng 
cần lưu ý là lưu lượng dòng chảy 
cùng với quá trình tích tụ phù sa khác 
nhau sẽ tạo nên sự đa dạng trong địa 
hình của từng khu vực và có thể tác 
động đến thời điểm hình thành các 
loại giồng ở Đồng bằng sông Cửu 
Long nói chung và Bến Tre nói riêng. 
2. LỊCH SỬ PHÁT HIỆN VÀ NGHIÊN 
CỨU 
Nếu như ở các khu vực lân cận như 
Long An, Tiền Giang, Trà Vinh hay 
Đồng Tháp, một số lượng không nhỏ 
các di tích đã được phát hiện từ rất 
lâu thì Bến Tre được xem là vùng đất 
thành tạo và khai phá muộn, thậm chí 
có quan điểm cho rằng, khu vực này 
không có di tích khảo cổ học trước thế 
kỷ XVII - XVIII. Các ghi chép trước đây 
cũng không thấy đề cập đến. Trước 
năm 2000, một số cuộc điều tra khảo cổ 
cũng đã được tiến hành song không 
thu lại kết quả, từ đó, Bến Tre được 
xem là “vùng trắng” của khảo cổ học. 
Cuối năm 2003, nhân cuộc khai quật 
di chỉ cảng thị Ba Vát, cán bộ của Viện 
Khảo cổ học và Bảo tàng Bến Tre đã 
đến khảo sát khu vực trước đây 
(những năm 90 của thế kỷ XX) tìm 
thấy bàn mài, rìu đá, và đã đào thám 
sát 4m
2
, kết quả đã phát hiện được 
một số công cụ đá như rìu, bôn, đục, 
bàn mài... cùng với 13.268 mảnh gốm 
thuộc các loại hình nồi, vò, chì lưới, 
vòng tay, hạt chuỗi hình trụ tròn (Lại 
Văn Tới, 2005: 175-177). 
Kết quả bước đầu đã cho thấy Giồng 
Nổi là di chỉ khảo cổ học thuộc thời 
tiền - sơ sử đầu tiên được biết đến 
trên địa bàn tỉnh Bến Tre ngày nay. 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 9 (253) 2019 
67 
Qua đó cũng đã đặt ra hàng loạt các 
vấn đề khoa học cần nghiên cứu như: 
địa lý, địa chất Bến Tre, sự hình thành, 
kiến tạo, tính chất các giồng hình 
thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu 
Long và Bến Tre; các giai đoạn tiền 
Óc Eo, đặc trưng, tính chất, nguồn 
gốc, những con đường phát triển lên 
văn hóa Óc Eo hoặc các văn hóa khác 
đồng đại với văn hóa Óc Eo; các mối 
quan hệ với văn hóa, khung niên đại, 
truyền thống, ảnh hưởng với các văn 
hóa phụ cận như Sa Huỳnh - Kalanay... 
Di tích Giồng Nổi được Viện Khảo cổ 
học và Bảo tàng Bến Tre liên tục khai 
quật 3 đợt vào các năm 2004 (70m2), 
2005 (213m
2
) và 2006 (150m
2
) với 
tổng diện tích 433m2. Năm 2010, 
Giồng Nổi được hai cơ quan nói trên 
tiếp tục khảo sát và thăm dò với diện 
tích 47,5m
2
. Các kết quả nghiên cứu 
của những người trực tiếp khai quật 
(Trần Anh Dũng - Lại Văn Tới, 2004; 
Trần Anh Dũng - Lại Văn Tới - Vũ Thế 
Long và nnk, 2005, 2006; Trần Anh 
Dũng - Lại Văn Tới, 2007; Lại Văn Tới 
- Phan Trường Thị, 2007; Lại Văn Tới, 
2007; Hà Văn Cẩn, 2010) đã xác định 
được diện mạo và môi trường tự 
nhiên của Giồng Nổi, tính chất, niên 
đại của di tích cũng như mối quan hệ 
giữa Giồng Nổi với văn hóa Sa Huỳnh 
và các văn hóa khác thông qua các di 
vật khảo cổ. 
Sau 3 lần khai quật, Trần Anh Dũng 
và Lại văn Tới (2007) đã nhận định 
Giồng Nổi là một trong những di tích 
có số lượng di vật lớn, nội hàm văn 
hóa đa dạng, thể hiện sự gần gũi với 
các di tích tiền sử Đông Nam Bộ và 
lưu vực sông Vàm Cỏ; đồng thời cũng 
có nhiều đặc trưng khác lạ, lần đầu 
tiên được biết đến. 
Đồ gốm: mật độ gốm dày đặc với 
479.712 mảnh cùng với 513 tiêu bản 
còn nhận ra dáng trên tổng diện tích 
khai quật 433m2, được phân chia 
thành 27 loại hình với số lượng khác 
nhau, trong đó ngoài những loại hình 
phổ biến vốn đã được tìm thấy nhiều 
trong các di tích thời tiền - sơ sử Nam 
Bộ, tại Giồng Nổi còn có một số hiện 
vật độc đáo như đèn gốm, trang sức 
gốm, linga gốm (?), cốc gốm... 
Đồ gốm Giồng Nổi về cơ bản có 3 nhóm 
chất liệu chính: (1) gốm cứng, thành 
phần đất sét pha cát mịn, bề mặt miết 
lát, thân dày, áo gốm màu nâu đỏ, 
xương gốm nâu, độ nung cứng chắc; 
(2) gốm thô, thành phần đất sét pha 
bã thực vật và nhuyễn thể, lớp áo 
màu đỏ hồng hoặc vàng nhạt, bề mặt 
thô mỏng dễ vỡ, xương gốm màu đen; 
(3) gốm mịn làm từ đất sét không lẫn 
tạp chất, áo gốm màu hồng hoặc vàng 
nhạt, xương gốm thường không khác 
biệt với áo gốm, gần với xương của 
đồ gốm giai đoạn tiền Óc Eo. 
Đồ gốm có sự phối hợp hài hòa về bố 
cục, motif và kỹ thuật tạo văn, đặc biệt 
là văn khắc vạch, in ấn và đắp nổi, 
các yếu tố này đã góp phần tạo nên 
đặc trưng của gốm Giồng Nổi. Trong 
đó, nhiều motif đã được phát hiện tại 
các di tích lân cận như Gò Ô Chùa, 
Gò Cao Su, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt 
và xa hơn là với văn hóa Sa Huỳnh. 
“Sự giống nhau của gốm Giồng Nổi và 
 NGUYỄN HOÀNG BÁCH LINH - LÊ HOÀNG PHONG – DI TÍCH GIỒNG NỔI 
68 
gốm trong văn hóa Sa Huỳnh ở miền 
Trung không hẳn là do sự giao lưu mà 
là sự phản ánh tính truyền thống, 
nguồn gốc. Tuy nhiên, trong quá trình 
giao lưu văn hóa với các vùng khác 
như Đồng Nai, Cần Giờ, Đức Hòa 
(Long An), tính truyền thống, nguồn 
gốc chỉ còn lại trong phong cách, đã 
có những thay đổi trong bố cục, chi 
tiết, tiết tấu hoa văn và có cả những 
loại hoa văn mới xuất hiện, như văn lá 
dừa nước, hoa văn bốn cánh, băng ô 
tứ giác” (Trần Anh Dũng - Lại Văn Tới, 
2007: 34). Ngoài ra, đồ gốm Giồng 
Nổi còn có một số motif cho thấy sự 
gần gũi với đồ gốm Óc Eo. 
Đồ đá: đa dạng về loại hình, phong 
phú về số lượng và có sự tương đồng 
về kỹ thuật chế tác. Qua hai đợt thám 
sát và ba đợt khai quật di chỉ Giồng 
Nổi, các nhà khảo cổ đã thu được 313 
hiện vật đá gồm: 211 công cụ sản xuất 
như rìu, cuốc, dao, nạo, đục, bàn mài 
(67,09%); 83 các loại đá nguyên liệu 
(26,52%); 13 mảnh tước (4,15%); 3 
hiện vật liên quan đến tín ngưỡng 
(0,96%) và 1 con rùa đá (?) (0,32%). 
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, nhóm 
công cụ sản xuất chiếm ưu thế về số 
lượng và có sự đa dạng về loại hình. 
Việc tìm thấy các mảnh bàn mài, 
mảnh tước, phác vật rìu, mảnh vỡ của 
các công cụ... đã góp phần chứng tỏ 
sự tồn tại của hoạt động sửa chữa, 
tận dụng lại các công cụ của cư dân 
cổ. Về mặt loại hình, tỷ lệ rìu có vai 
vượt trội hơn các loại hình khác, tuy 
nhiên di tích này lại vắng bóng loại 
hình đồ trang sức, vũ khí. Về chất liệu, 
đồ đá Giồng Nổi gồm các loại đá biến 
chất, đá sừng, đá tufrhyolit, đá bột kết, 
cát kết, đá phiến. Công cụ đá tại 
Giồng Nổi đã cho thấy mối quan hệ 
với các nhóm cư dân cổ lân cận qua 
sự tương đồng và gần gũi với những 
đặc điểm về loại hình, kiểu dáng và 
kích thước cơ bản của nhiều di tích 
tiền sử Đông Nam Bộ và lưu vực sông 
Vàm Cỏ như An Sơn, Rạch Núi, Cù 
Lao Rùa, Bến Đò, Cái Vạn... Kết quả 
phân tích 5 mẫu đá trong đợt khai 
quật năm 2005 cho thấy: 1 mẫu có 
xuất xứ từ Đồng Nai, Quảng Nam, 4 
mẫu còn lại có nguồn gốc từ Đồng Nai 
và vùng Tây Nam Bộ. Các loại đá này 
có kết cấu hạt mịn đến rất mịn (0,4 - 
0,6mm), độ cứng cao (từ 7 đến 7,5), 
rất thích hợp cho việc chế tạo các loại 
hình công cụ sản xuất. 
Các loại hình di vật khác: số lượng 
lớn xương động vật, xương người và 
cả những tàn tích phân hóa thạch 
(coprolite, tương tự như di tích Rạch 
Núi) phát hiện trong tầng văn hóa cho 
thấy, Giồng Nổi trước đây rất gần biển 
với địa hình rừng nước mặn xen lẫn 
với đầm lầy, sông rạch. Trong điều 
kiện môi trường khá thuận lợi đó, cư 
dân cổ Giồng Nổi có thể đã sống bằng 
nghề đánh cá, săn bắn hay bắt bẫy thú. 
Tuy nhiên, số lượng công cụ chế tác 
từ xương - sừng lại ít ỏi, chỉ có 35 
hiện vật qua cả ba đợt khai quật, gồm: 
26 mũi nhọn, 5 mảnh xương có khắc 
rãnh, 2 lưỡi câu, 1 công cụ mài lưỡi 
và 1 mảnh xương có vết mài. Nhìn 
chung loại hình thì đơn điệu và kỹ 
thuật chế tác đơn giản, đồng thời lại 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 9 (253) 2019 
69 
vắng bóng hiện vật nhuyễn thể (một 
hiện tượng khác lạ so với các di tích 
có cùng điều kiện tự nhiên và môi 
trường sinh thái, chẳng hạn ở khu vực 
Long An). 
Về niên đại: những người trực tiếp 
khai quật nhận định Giồng Nổi nằm 
trong khung niên đại sơ kỳ đồ sắt, 
khoảng 2.500 năm BP đến đầu Công 
nguyên, thông qua: (1) các tài liệu địa 
chất cho thấy Giồng Nổi được hình 
thành tương đương tuổi của hệ thống 
giồng Trà Vinh và Châu Thành với 
mẫu C14 là 2.500±80 năm BP và 
2.500±70 năm BP; (2) địa tầng thể 
hiện tính ổn định với một tầng văn hóa 
mỏng chỉ vài chục centimet thì không 
thể có sự kéo dài tới 1.000 đến 2.000 
năm; (3) tỷ lệ đồ đá thấp hơn rất nhiều 
so với đồ gốm, chỉ thể hiện sự tồn tại 
dai dẳng của đồ đá trong di chỉ, tương 
tự một số di tích thuộc văn hóa Sa 
Huỳnh ở miền Trung Việt Nam. Trong 
khi đó, đồ gốm Giồng Nổi thể hiện sự 
tương đồng về chất liệu, loại hình và 
hoa văn trang trí với Gò Cao Su, Gò Ô 
Chùa, Lò Gạch, Cù Lao Rùa, Giồng 
Cá Vồ, Giồng Phệt và xa hơn là Hòa 
Diêm, Sa Huỳnh... Đồng thời, đồ gốm 
có nhiều yếu tố chỉ hình thành trong 
sơ kỳ thời đại đồ sắt và được văn hóa 
Óc Eo kế thừa. Hơn nữa, sự có mặt 
của hiện vật bằng sắt, dù không nhiều, 
càng khẳng định niên đại sơ kỳ đồ sắt 
của Giồng Nổi; (4) các kết quả phân 
tích niên đại C14 của địa chất và khảo 
cổ học rất gần nhau với ba mẫu từ hố 
04GNH1L1 cho kết quả 2.220±50 năm 
BP, 2.290±65 năm BP và 2.310±70 
năm BP (Trần Anh Dũng - Lại Văn Tới, 
2007: 31-32). 
Có thể nói, việc phát hiện và khai quật 
di tích Giồng Nổi đã đưa đến nguồn tư 
liệu khảo cổ học mới, mở ra triển vọng 
cho việc nghiên cứu văn hóa - lịch sử 
vào giai đoạn tiền sử trên địa bàn Bến 
Tre nói riêng và Nam Bộ nói chung. 
Thông qua nghiên cứu địa hình, địa 
mạo di tích, đặc biệt là trữ lượng lớn 
di vật tại đây, các nhà khảo cổ bước 
đầu đã xác định được đặc trưng loại 
hình di tích, di vật, các mối quan hệ 
văn hóa dần dần được nhận thức, 
cùng với đó là một số vấn đề về đời 
sống xã hội cũng được phát thảo ra. 
3. NHẬN THỨC VỀ DI TÍCH GIỒNG 
NỔI QUA TIẾP CẬN TƯ LIỆU HIỆN 
VẬT 
3.1. Quan điểm trước đây của các 
nhà khoa học về di tích Giồng Nổi 
Thông qua mẫu than phân tích C14, 
niên đại tuyệt đối được xác lập, tuy 
nhiên, vấn đề này cho đến nay vẫn là 
đề tài được nhiều nhà nghiên cứu 
tranh luận nhất, bởi sự “ổn định” của 
tầng văn hóa chỉ dày 30 - 40cm và 
tính độc đáo của bộ sưu tập di vật mà 
sự đa dạng về loại hình và thuộc 
nhiều truyền thống kỹ thuật chế tác 
khác nhau đã làm cho nhận định về 
niên đại của các nhà nghiên cứu khó 
có thể đồng nhất. 
Cùng quan điểm với những người 
trực tiếp khai quật, Lâm Thị Mỹ Dung 
(2007: 82) cho rằng Giồng Nổi, thông 
qua loại hình và trang trí trên đồ gốm, 
“là một mắt xích quan trọng trong 
dòng chảy gốm từ Nam Trung Bộ thời 
 NGUYỄN HOÀNG BÁCH LINH - LÊ HOÀNG PHONG – DI TÍCH GIỒNG NỔI 
70 
sơ sử sang thời kỳ lịch sử sớm hòa 
quyện vào các nguồn văn hóa khác 
hình thành nên văn hoá Óc Eo” và di 
tích này “có mối liên quan trực tiếp với 
các địa điểm sớm hơn và cùng thời ở 
Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ”. 
Tống Trung Tín (2008: 221-228) căn 
cứ vào chất liệu, màu sắc, hoa văn 
trên đồ gốm đã cho rằng Giồng Nổi có 
niên đại mở đầu tương đương sơ kỳ 
thời đồ sắt, kết thúc vào khoảng thế 
kỷ I - II Công nguyên và xem Giồng 
Nổi là một ngả đường phát triển để 
hình thành nền văn hóa Óc Eo ở 
Đồng bằng sông Cửu Long. 
Một số nhà nghiên cứu khác, tuy thừa 
nhận Giồng Nổi mang nhiều yếu tố 
của văn hóa tiền Óc Eo trong thời đại 
sơ kỳ đồ sắt, song cho rằng đó chỉ là 
giai đoạn phát triển sau cùng của 
Giồng Nổi và khẳng định tồn tại giai 
đoạn tiền sử của di tích với niên đại 
hơn 3.000 năm BP. 
Dựa trên nghiên cứu về đặc điểm địa 
chất vùng đất Nam Bộ và phân tích 
các di vật mang yếu tố văn hóa Đồng 
Nai, Đặng Văn Thắng (2007: 72-73) 
cho rằng Giồng Nổi nằm trên một cồn 
cát duyên hải được thành tạo cách 
đây khoảng 4.000 năm, có những hiện 
vật thuộc thời đại đồ đồng và cả thời 
đại đồ sắt. Di tích này có mối liên hệ 
với An Sơn, Lộc Giang, Rạch Núi, Cù 
Lao Rùa qua loại hình rìu đá; với Gò 
Ô Chùa qua vòng tay gốm; với Giồng 
Cá Vồ, Giồng Phệt qua loại hình bình 
gốm, hạt chuỗi gốm, chai gốm. Đồng 
thời, nhiều yếu tố của văn hóa Óc Eo 
cũn ... kết 
hợp với việc phân tích, so sánh về loại 
hình, chất liệu, kỹ thuật chế tác trên 
các công cụ đá, gốm..., chúng tôi đưa 
ra những nhận thức về quan hệ văn 
hóa và niên đại của di tích Giồng Nổi. 
- Công cụ đá 
Có thể nhận thấy các công cụ đá 
Giồng Nổi khá tương đồng với loại 
hình đồng dạng đã được phát hiện ở 
nhiều di tích thuộc lưu vực sông Đồng 
Nai, sông Vàm Cỏ và khu vực ven 
biển, hải đảo Nam Bộ. 
Loại hình rìu có vai ở Giồng Nổi gồm 
19 rìu vai ngang, 10 rìu vai nhọn và 6 
rìu vai xuôi. Rìu vai ngang được chế 
tác khá quy chuẩn, cạnh được mài 
thẳng, góc vai vuông vức, đốc và thân 
hình thang cân, lưỡi mài vát hai bên 
khá cân xứng, rìa lưỡi cong nhẹ; kích 
thước gồm 3 nhóm: nhỏ 7 tiêu bản (1 
- 3cm), trung bình 5 tiêu bản (4 - 6cm), 
lớn 7 tiêu bản (7 - 11cm). Rìu vai nhọn 
được mài nhẵn toàn thân, vai nhỏ hơn 
90
0, đốc và thân dạng hình thang cân, 
lưỡi được mài từ hai bên khá cân 
xứng, rìa lưỡi đều, thẳng; kích thước: 
nhóm nhỏ và lớn đều có 1 tiêu bản, 
còn lại thuộc nhóm trung bình. Rìu vai 
xuôi cũng mang đặc điểm tương tự, 
tuy nhiên chỉ thuộc nhóm kích thước 
trung bình và lớn. Rìu tứ giác gồm 12 
rìu dáng hình thang và 3 rìu dáng hình 
chữ nhật, toàn thân được mài nhẵn, 
đốc, cạnh bên và rìa lưỡi sứt mẻ trong 
quá trình sử dụng; kích thước: nhóm 
trung bình có 7 tiêu bản, còn lại là 
nhóm kích thước lớn. Rìu tam giác có 
1 tiêu bản kích thước trung bình, hai 
 NGUYỄN HOÀNG BÁCH LINH - LÊ HOÀNG PHONG – DI TÍCH GIỒNG NỔI 
72 
cạnh bên mài vát làm cho rìu có một 
mặt to, một mặt nhỏ, đốc rìu nhỏ, 
cong nhẹ, lưỡi mài vát dáng chữ V 
cân đối, rìa lưỡi cong nhẹ, mỏng và 
sắc. Rìu xòe cân có 1 tiêu bản kích 
thước trung bình, mặt cắt, đốc gần 
vuông, xuôi dần về hai bên tạo vai 
cong đều, lưỡi mài từ hai bên, rìa lưỡi 
cong tròn và sắc (Lại Văn Tới - Phan 
Trường Thị, 2007: 37-38). 
Những đặc điểm của rìu có vai ở 
Giồng Nổi khá tương đồng với rìu có 
vai tìm thấy ở Bến Đò, Phước Tân, 
Hội Sơn (TPHCM); An Sơn, Rạch Núi 
(Long An); Mỹ Lộc, Cù Lao Rùa (Bình 
Dương); Cái Vạn, Cái Lăng (Đồng 
Nai); Dinh Ông (Tây Ninh); Hòn Cau 
(Bà Rịa - Vũng Tàu)... niên đại khoảng 
3.400 - 3.200 năm BP. 
Đặc biệt, khi so sánh với loại hình rìu 
có vai ở An Sơn, chúng ta dễ dàng 
nhận thấy sự gần gũi không chỉ về loại 
hình mà còn ở chất liệu và kỹ thuật 
chế tác. Về chất liệu, rìu có vai ở hai 
di chỉ này có đặc trưng chung là làm 
từ loại đá cứng chắc, màu xám đen 
hoặc xám xanh, ít bị patine bao phủ, 
xương đá mịn và thường không có 
các đường vân, được cho là ít được 
phát hiện ở nhiều di tích đồng dạng 
khác. Về kỹ thuật chế tác, phần lớn 
công cụ rìu có vai Giồng Nổi đều 
được mài nhẵn toàn thân, thân ngắn 
hình chữ nhật, mặt cắt ngang thân 
hình chữ nhật, hai vai ngang cân hoặc 
xuôi cân và hẹp, đốc ngắn, lưỡi vát 
cân hoặc hơi lệch nhẹ, rất sắc. Những 
đặc điểm này so với loại hình tương 
ứng ở An Sơn cũng như một số di tích 
khác thuộc lưu vực sông Đồng Nai, 
điển hình là Cù Lao Rùa, tuy có đôi 
chút khác biệt, song nhìn tổng thể, 
công cụ rìu có vai Giồng Nổi mang nét 
tương đồng khó có thể phủ nhận về 
mối quan hệ văn hóa mang tính kế 
thừa, phát triển liên tục của truyền 
thống Đông Nam Bộ. 
Ở Giồng Nổi, rìu tứ giác (16 tiêu bản) 
có số lượng ít hơn hẳn so với rìu có 
vai (35 tiêu bản), chủ yếu có dáng 
hình thang dài, nhìn chung chế tác sơ 
sài, thân còn nhiều vết ghè, đốc nhỏ, 
thường chỉ mài ở hai mặt lưỡi, hai 
cạnh bên thường không mài, bề mặt 
thường phủ lớp patine dày, đá màu 
xám xanh, có nhiều đường vân sọc, 
dễ vỡ hơn so với loại hình rìu có vai. 
Loại hình này đã được tìm thấy trong 
hầu hết các di tích tiền sử ở Đông 
Nam Bộ như Suối Linh, Rạch Lá, Cái 
Vạn (Đồng Nai); An Sơn, Rạch Núi 
(Long An); Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc (Bình 
Dương); Bến Đò (TPHCM) với số 
lượng rất lớn. Đặc biệt, Rạch Núi là 
nơi số lượng rìu tứ giác chiếm tỷ lệ 
nhiều hơn so với rìu có vai mặc dù 
tính chất cũng như điều kiện môi 
trường tự nhiên không có nhiều sự 
khác biệt so với di tích Giồng Nổi. Sự 
chênh lệch lớn giữa hai loại hình này 
có thể liên quan đến truyền thống hay 
các giai đoạn phát triển khác nhau. 
Theo một số nhà nghiên cứu, tỷ lệ 
giữa công cụ có vai và không có vai 
liên quan đến niên đại sớm - muộn 
của di tích (Phạm Quang Sơn, 1978; 
Hoàng Xuân Chinh, 1984). Diệp Đình 
Hoa (1978) chỉ rõ hai truyền thống chế 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 9 (253) 2019 
73 
tác chủ yếu là rìu bôn có vai với các 
sưu tập đặc trưng của các di tích Bến 
Đò, Phước Tân, Hội Sơn, Mỹ Lộc, Cái 
Vạn, Cù Lao Rùa bên cạnh truyền 
thống chế tác rìu bôn tứ giác ở Bình 
Xuân, Đồi Mít, Đồi Xoài. 
- Đồ gốm 
Gốm Giồng Nổi được làm từ đất sét 
pha thêm các phụ gia như cát hay bã 
thực vật, cấu thành các loại gốm cứng, 
gốm mịn và gốm thô. Gốm cứng với 
thành phần chính là sét pha cát, được 
dùng để tạo ra các vật dụng sinh hoạt 
như nồi, bình, bát bồng đây là loại 
gốm điển hình tìm thấy trong hầu hết 
các di tích tiền sử lưu vực sông Đồng 
Nai và sông Vàm Cỏ, đặc biệt là ở di 
tích An Sơn (Long An), Cù Lao Rùa 
(Bình Dương), Dinh Ông (Tây Ninh). 
Gốm thô pha bã thực vật với nguyên 
liệu từ khoáng sét phù sa sông, chứa 
nhiều vôi và bã thực vật, loại gốm này 
có ở một số địa điểm vùng cận biển 
như Cái Vạn, Bưng Bạc, Rạch Núi, 
Núi Đất Lớn... Trong khi đó, gốm mịn 
được cấu tạo từ khoáng sét đã tiến 
hành khâu lọc rửa nguyên liệu, dùng 
để sản xuất các vật dụng có đường 
kính nhỏ như bình, bát, đĩa, nắp, 
chai mang nhiều điểm tương đồng 
với đồ gốm giai đoạn tiền Óc Eo như 
Giồng Cá Vồ, Gò Ô Chùa, Long Bửu, 
Gò Cao Su 
Về mặt kỹ - mỹ thuật, gốm Giồng Nổi 
có nhiều cách chế tạo khác nhau như 
nặn bằng tay, bàn xoay và được trang 
trí các loại thừng, văn in dấu phẩy, 
văn khắc vạch với các đường thẳng 
song song nhau, văn đắp nổi, văn 
sóng nước trên nền gốm trơn hoặc 
trên nền văn chải... tạo nên sự đa 
dạng của motif trang trí, cũng đồng 
thời có mặt trên đồ gốm ở các địa 
điểm khảo cổ học An Sơn, Rạch Núi, 
Dốc Chùa, Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc 
Về loại hình, đồ gốm Giồng Nổi ở giai 
đoạn sớm có các loại nồi, bát, bát 
bồng chân thấp với kiểu miệng loe 
đặc trưng (loe đơn giản, loe khum, loe 
uốn vành mép) và các loại chân đế 
đơn giản (đế choãi cao, chân đế hình 
trụ). Giai đoạn muộn hơn là sự phổ 
biến của các loại chum, xuất hiện khá 
nhiều trong các di tích khảo cổ học 
như Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ Đặc 
biệt, chúng tôi tìm thấy 8 mảnh gốm 
có miệng dạng lượn sóng (wavy-
rimmed) đều thuộc lớp L1 ở cả hai đợt 
khai quật năm 2005 và năm 2006. 
Đây là loại hình đồ gốm độc đáo và 
đặc trưng, phát hiện với số lượng lớn 
và mang tính liên tục trong tầng văn 
hóa của di chỉ An Sơn với chức năng 
nghi lễ hay làm đồ tùy táng. Với 
những tư liệu hiện biết, ngoài An Sơn 
chỉ có Lộc Giang (Long An), Bà Đao, 
Cao Sơn Tự (Tây Ninh) và An Phú, 
Long Hưng 1 (thành đất đắp dạng tròn 
- Bình Phước) phát hiện loại hình này 
với số lượng không nhiều. 
Cả 8 mảnh wavy-rimmed tìm thấy tại 
Giồng Nổi đều thuộc dòng gốm mịn 
pha cát, tương tự như của An Sơn, 
bên ngoài màu xám đen hay nâu 
vàng, văn chải xiên, nét mịn. Trong đó, 
có 6 mảnh thuộc wavy-rimmed dạng 1 
(3 mảnh dạng dải lượn sóng dài (ký 
hiệu 06GNH3L1 K7:334a, 06GNH3L1 
 NGUYỄN HOÀNG BÁCH LINH - LÊ HOÀNG PHONG – DI TÍCH GIỒNG NỔI 
74 
K7:1a và 05GNH2L1:28a) và 3 mảnh 
dạng dải lượn sóng ngắn (ký hiệu 
06GNH3L1:588a, 06GNH3L1:589a và 
06GNH3L1)); 2 mảnh còn lại làm từ 
gốm thô pha bã thực vật (ký hiệu 
05GNH2L1:141 và 06GNH3L1:574), 
bề mặt lỗ trỗ, màu nâu đỏ, gần với 
wavy-rimmed dạng 3, tuy nhiên miệng 
khắc răng cưa nhỏ không đều, đỉnh 
răng cưa tương đối phẳng và cách 
nhau 4 - 5cm, rãnh sâu 2cm, rất giống 
với mảnh gốm wavy-rimmed tìm thấy 
tại H1L4 của di tích An Sơn trong đợt 
khai quật năm 2004 từ loại hình đến 
chất liệu. 
Diễn tiến phát triển của gốm wavy-
rimmed đã được chứng minh cụ thể 
qua các nghiên cứu gần đây. Theo đó, 
loại hình đĩa sâu lòng và tô nông lòng 
có miệng dạng lượn sóng dài và ngắn 
(wavy-rimmed dạng 1) xuất hiện sớm 
nhất, có thể trước mốc 1.750 năm BC, 
tiếp tục được duy trì cùng với sự xuất 
hiện và thay thế dần của loại hình tô 
nông lòng có kiểu miệng dạng răng 
cưa lớn (wavy-rimmed dạng 2) khoảng 
mốc thời gian 1.500 năm BC. Loại hình 
mới này được thay đổi dần thành dạng 
răng cưa nhỏ, mịn (wavy-rimmed dạng 
3) mà thời điểm xuất hiện khoảng năm 
1.430 BC (C. Sarjeant, 2014: 390-391). 
Thời điểm kết thúc muộn nhất của di 
chỉ An Sơn là 3.200 năm BP. Hai mảnh 
wavy-rimmed tìm thấy tại thành tròn An 
Phú (lớp L.11-12-13) và 3 mảnh tại 
thành tròn Long Hưng 1 (lớp L2.7) đều 
thuộc dạng 1 với chất liệu sét pha cát 
cứng, chắc. Niên đại C14 đã hiệu chỉnh 
của mẫu AP.TS1.L12 cho kết quả năm 
1.428 - 1.293 BC, mẫu 
14.LH1.TS1.L15 cho kết quả năm 
1.409 - 1.280 BC, cả hai đều muộn 
hơn đôi chút so với loại hình tương tự 
ở An Sơn (Nguyễn Hoàng Bách Linh, 
2017: 61). 
Trong tình hình tư liệu hiện nay, dựa 
vào nghiên cứu và so sánh loại hình, 
chất liệu, kỹ thuật chế tác trên đồ đá 
và đồ gốm, chúng tôi ủng hộ quan 
điểm của Nguyễn Kim Dung về hai 
giai đoạn tồn tại của di tích Giồng Nổi. 
Cụ thể, niên đại giai đoạn sớm có thể 
từ khoảng 3.500 - 3.000 năm BP, thể 
hiện các mối liên hệ gần gũi với di tích 
An Sơn, Rạch Núi (Long An), Dinh 
Ông (Tây Ninh), Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc 
(Bình Dương), Núi Đất Lớn (khu Cần 
Giờ, giai đoạn sớm)... qua loại hình 
công cụ rìu có vai và rìu tứ giác cũng 
như đặc trưng về đồ gốm với các loại 
hình cà ràng (những người khai quật 
định danh là “linga gốm”), bát bồng, tô 
và quan trọng nhất là sự có mặt của 
đồ gốm wavy-rimmed. Giai đoạn 
muộn có thể kéo dài đến khoảng thế 
kỷ III-II trước Công nguyên, minh 
chứng qua loại hình bình gốm, vò, hạt 
chuỗi gốm, chai gốm... gần gũi với các 
di tích Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Gò 
Cây Tung... Bên cạnh đó là sự có mặt 
của các loại hình đặc trưng như nồi 
nấu kim loại, nắp gốm mang yếu tố 
của giai đoạn tiền Óc Eo. 
Như đã biết, Đông Nam Bộ đã có một 
cơ tầng ổn định, phát triển liên tục từ 
thời đá mới cho đến sơ kỳ đồ sắt, với 
những đặc trưng riêng biệt được khái 
quát như sự bảo lưu lâu dài của đồ đá, 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 9 (253) 2019 
75 
sự đơn giản trong tạo hình và trang trí 
đối với cả loại công cụ sản xuất lẫn đồ 
gốm. Tuy còn nhiều tranh luận, nhưng 
một phổ hệ phát triển của văn hóa 
Đông Nam Bộ gồm 4 giai đoạn Cầu 
Sắt - Cù Lao Rùa - Dốc Chùa - Phú 
Hòa đã được xác lập. Đông Nam Bộ 
đã có những mối giao lưu mở và đa 
chiều với các sản phẩm mang dấu ấn 
đặc trưng của vùng như rìu vai, rìu tứ 
giác, các loại đồ gốm có mặt ở các 
khu vực lân cận nói chung và Giồng 
Nổi nói riêng. Những yếu tố trên rõ 
ràng đã được cư dân cổ Giồng Nổi 
chấp nhận và tiếp biến vào trong văn 
hóa của mình. Nếu đặt Giồng Nổi nằm 
trong phổ hệ bốn giai đoạn như trên 
thì chúng tôi xếp di chỉ này, giai đoạn 
sớm tương ứng với giai đoạn Cù Lao 
Rùa, giai đoạn muộn tương ứng với 
giai đoạn Phú Hòa. 
4. KẾT LUẬN 
Giồng Nổi với sự phong phú và đa 
dạng của bộ sưu tập di vật đá, gốm, 
xương - sừng qua các đợt khai quật 
đã cho thấy mối liên hệ gần gũi với 
các loại hình tương ứng tại các di tích 
tiền sử lưu vực sông Đồng Nai và 
sông Vàm Cỏ từ chất liệu, loại hình 
đến kỹ thuật chế tạo. Bên cạnh đó, di 
tích này cũng mang những đặc trưng 
riêng, thể hiện cụ thể qua một số loại 
hình đồ gốm độc đáo với hoa văn 
trang trí cầu kỳ và tinh mỹ. 
Việc tìm thấy tại Giồng Nổi, dù chủ 
yếu ở lớp mặt, không ít mảnh gốm 
mang đặc điểm về loại hình và hoa 
văn trang trí được nhiều nhà nghiên 
cứu cho là gần gũi với những yếu tố 
của giai đoạn tiền Óc Eo với niên đại 
muộn nhất khoảng một hai thế kỷ 
trước Công nguyên là một vấn đề 
quan trọng cần tiếp tục được nghiên 
cứu làm rõ khi mà tầng văn hóa của di 
tích này chỉ dày nhất 39 - 45cm và 
tầng đất bên trên của giồng vốn đã bị 
xáo trộn mạnh mẽ do hoạt động san ủi 
của người dân trước đây. Do vậy, sẽ 
là rất cần thiết nếu có thể kiểm tra địa 
tầng của di tích bằng thám sát hay 
khai quật nhằm góp phần chứng minh 
cho sự ổn định hay gián đoạn của 
tầng văn hóa và làm rõ về quá trình 
phát triển và niên đại của di tích thông 
qua diễn tiến hiện vật tại đây.  
CHÚ THÍCH 
(1)
 Đề tài cấp cơ sở Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ năm 2019, chủ nhiệm: ThS. Nguyễn 
Hoàng Bách Linh. 
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN 
1. Andrea Reinecke. 2009. The First Golden Age of Cambodia: Excavations at Prohear. 
Bonn: German Foreign Office. 
2. Carmen Sarjeant. 2014. Contextualising the Neolithic Occupation of Southern 
Vietnam - The Role of Ceramics and Potters at An Son. ANU Press. The Australian 
National University. 
 NGUYỄN HOÀNG BÁCH LINH - LÊ HOÀNG PHONG – DI TÍCH GIỒNG NỔI 
76 
3. Diệp Đình Hoa. 1978. “Nền văn minh nông nghiệp của cư dân thời đại đồ đồng và sơ 
kỳ thời đại sắt ở miền Đông Nam Bộ”. Tạp chí Dân tộc học, số 3, 1-13. 
4. Đặng Văn Thắng. 2007. “Di chỉ Giồng Nổi (Bến Tre) trong không gian và thời gian”. 
Tạp chí Khảo cổ học, số 2, tr. 70-75. 
5. Hoàng Xuân Chinh. 1984. “Miền Đông Nam Bộ, một trung tâm văn hóa thời đại kim 
khí”, In trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ở Đồng bằng 
sông Cửu Long. Long Xuyên, 11-12. 
6. Lại Văn Tới, Phan Trường Thị. 2007. “Đồ đá di chỉ Giồng Nổi (Bến Tre)”. Tạp chí 
Khảo cổ học số 2, tr. 36-48. 
7. Lại Văn Tới. 2007. “Loại hình đồ xương di chỉ Giồng Nổi (Bến Tre)”. Tạp chí Khảo cổ 
học, số 2, tr. 58-63. 
8. Lâm Thị Mỹ Dung. 2007. “Gốm di chỉ Giồng Nổi trong mối tương quan với phức hợp 
gốm sơ sử Nam Trung Bộ”. Tạp chí Khảo cổ học, số 2, tr. 79-86. 
9. Lê Xuân Diệm. 2007. “Giồng Nổi, di chỉ Giồng Nổi và văn hóa cổ ở Giồng Nổi (Bến 
Tre)”. Tạp chí Khảo cổ học, số 2, tr. 63-70. 
10. Nguyễn Hoàng Bách Linh. 2007. “Đồ gốm có miệng dạng lượn sóng trong di tích An 
Sơn (Đức Hòa, Long An) - Tư liệu và nhận thức”. Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM, số 
10 (23), tr. 51-63. 
11. Nguyễn Thị Kim Dung. 2007. “Di chỉ Giồng Nổi (Bến Tre) trong nền cảnh khảo cổ 
học tiền - sơ sử vùng Nam Bộ Việt Nam”. Tạp chí Khảo cổ học, số 2, tr. 86-96. 
12. Phạm Quang Sơn. 1978. “Bước đầu tìm hiểu sự phát triển văn hóa hậu kỳ đá mới - 
sơ kỳ đồng ở lưu vực sông Đồng Nai”. Tạp chí Khảo cổ học, số 1, 35-40. 
13. Thạch Phương, Đoàn Tứ (chủ biên). 2001. Địa chí Bến Tre. Hà Nội: Nxb. Khoa học 
Xã hội. 
14. Tống Trung Tín. 2008. “Đóng góp vào việc nghiên cứu Nam Bộ”. In trong Kỷ yếu hội 
thảo khoa học Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Hà Nội: Nxb. Thế giới, tr. 200-
228. 
15. Trần Anh Dũng, Lại Văn Tới, Vũ Thế Long và nnk. 2005. Khai quật di chỉ Giồng Nổi 
(Bến Tre) lần thứ hai (năm 2005). Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, tư liệu Bảo tàng 
Bến Tre. 
16. Trần Anh Dũng, Lại Văn Tới, Vũ Thế Long và nnk. 2006. Khai quật di chỉ Giồng Nổi 
lần thứ ba (năm 2006). Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, tư liệu Bảo tàng Bến Tre. 
17. Trần Anh Dũng, Lại Văn Tới. 2004. Khai quật di chỉ Giồng Nổi (Bến Tre) lần thứ nhất - 
năm 2004. Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, tư liệu Bảo tàng Bến Tre. 
18. Trần Anh Dũng, Lại Văn Tới. 2007. “Di chỉ Giồng Nổi (Bến Tre) qua ba lần khai 
quật”. Tạp chí Khảo cổ, học số 2, tr. 13-36. 

File đính kèm:

  • pdfdi_tich_giong_noi_ben_tre_trong_boi_canh_khao_co_hoc_nam_bo.pdf