Dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc trong quan niệm của người công giáo Việt Nam về các vị thánh trong đạo

Cho đến nay vẫn có những quan điểm khác nhau về mối tương quan giữa các vị

thánh trong Công giáo với văn hóa, tâm thức người Việt. Nghiên cứu này được thực hiện

để xác nhận giả định rằng văn hóa truyền thống của người Việt đã ảnh hưởng và làm

thay đổi quan niệm của người Việt Công giáo về các vị thánh trong đạo. Trên cơ sở kế

thừa kết quả nghiên cứu của những tác giả khác và nghiên cứu thực tế, chúng tôi thấy

rằng truyền thống trọng Mẫu đã ảnh hưởng đến quan niệm của người Việt Công giáo về

Đức Maria với những đặc điểm như sự che chở, ban ơn và bảo trợ cho sinh sôi nảy nở;

còn thánh Quan Thầy của xứ đạo cũng giống như Thành Hoàng làng, đều có vai trò quan

trọng đối với cộng đồng làng, là chỗ dựa tinh thần của dân làng. Sự giao thoa văn hóa

này có nguồn gốc sâu xa từ chính “bản chất Việt” của người Công giáo Việt Nam.

pdf 9 trang kimcuc 5240
Bạn đang xem tài liệu "Dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc trong quan niệm của người công giáo Việt Nam về các vị thánh trong đạo", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc trong quan niệm của người công giáo Việt Nam về các vị thánh trong đạo

Dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc trong quan niệm của người công giáo Việt Nam về các vị thánh trong đạo
88 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI 
DẤU ẤN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC 
TRONG QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM 
VỀ CÁC VỊ THÁNH TRONG ĐẠO 
Vũ Văn Đạt 
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội 
Tóm tắt: Cho đến nay vẫn có những quan điểm khác nhau về mối tương quan giữa các vị 
thánh trong Công giáo với văn hóa, tâm thức người Việt. Nghiên cứu này được thực hiện 
để xác nhận giả định rằng văn hóa truyền thống của người Việt đã ảnh hưởng và làm 
thay đổi quan niệm của người Việt Công giáo về các vị thánh trong đạo. Trên cơ sở kế 
thừa kết quả nghiên cứu của những tác giả khác và nghiên cứu thực tế, chúng tôi thấy 
rằng truyền thống trọng Mẫu đã ảnh hưởng đến quan niệm của người Việt Công giáo về 
Đức Maria với những đặc điểm như sự che chở, ban ơn và bảo trợ cho sinh sôi nảy nở; 
còn thánh Quan Thầy của xứ đạo cũng giống như Thành Hoàng làng, đều có vai trò quan 
trọng đối với cộng đồng làng, là chỗ dựa tinh thần của dân làng. Sự giao thoa văn hóa 
này có nguồn gốc sâu xa từ chính “bản chất Việt” của người Công giáo Việt Nam. 
Từ khóa: Công giáo Việt Nam, các thánh Công giáo, hội nhập văn hóa. 
Nhận bài ngày 25.5.2018; gửi phản biện, chỉnh sửa và duyệt đăng ngày 20.7.2018 
Liên hệ tác giả: Vũ Văn Đạt; Email: vuvandat2007@gmail.com 
1. MỞ ĐẦU 
Lâu nay, một số người vẫn cho rằng Công giáo là một tôn giáo có nguồn gốc phương 
Tây, do đó, xa lạ với văn hóa Việt Nam, các vị thánh trong đạo Công giáo cũng không mấy 
gần gũi với văn hóa, tâm thức người Việt. Tuy nhiên, đã có nhiều công trình nghiên cứu 
cho thấy rằng Công giáo đã và đang hội nhập mạnh mẽ với văn hóa dân tộc và ngày càng 
chứng tỏ là một thành tố quan trọng của văn hóa Việt Nam. Trong số đó, có những nghiên 
cứu chỉ ra rằng, quan niệm về Chúa Trời của người Công giáo có nhiều điểm gần gũi với 
quan niệm về Trời, Ông Trời trong văn hóa tâm linh người Việt; truyền thống trọng Mẫu 
và tục thờ Thành Hoàng làng của người Việt lương giáo cũng tương tự như hành vi thờ 
cúng Đức Maria và thánh Quan Thầy của người Công giáo. 
Bài viết này là một nội dung trong nghiên cứu của chúng tôi về sự hội nhập văn hóa 
dân tộc của Công giáo Việt Nam. Bên cạnh sự kết thừa những nghiên cứu của các tác giả 
TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 25/2018 89 
khác, công trình này là kết quả nghiên cứu thực địa tại một số xứ đạo ở tỉnh Nam Định 
năm 2017 và nửa đầu năm 2018. Các phương pháp nghiên cứu được vận dụng bao gồm 
quan sát, quan sát tham dự (để thấy được bối cảnh cũng như những hành vi tôn giáo của 
người dân), phỏng vấn sâu (để hiểu tâm tư, suy nghĩ của giáo dân và ý nghĩa các hành vi 
tôn giáo của họ) 
2. NỘI DUNG 
2.1. Dấu ấn của truyền thống trọng Mẫu trong quan niệm của người Công giáo 
Việt về Đức Maria 
Truyền thống trọng Mẫu của người Việt thể hiện rõ nét trong tín ngưỡng thờ Mẫu. 
Đây là một tín ngưỡng dân gian xuất hiện từ rất sớm và có vai trò quan trọng trong đời 
sống văn hóa tâm linh của người Việt. Trên cả nước có khoảng 1000 di tích văn hóa thì có 
đến 250 di tích thờ cúng các vị thần là nữ. Trong 27 vị thần tiên có nguồn gốc thuần Việt 
thì 17 vị là tiên nữ [2]. Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện sự tin tưởng, ngưỡng mộ và tôn vinh 
và thờ phụng những vị Nữ thần gắn liền với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời 
cho rằng có chức năng sáng tạo, sinh ra, bảo trợ và che chở cho cuộc sống của con người 
như: trời (Mẫu Thượng Thiên), đất (Mẫu Địa), sông nước (Mẫu Thoải), rừng núi (Mẫu 
Thượng Ngàn) Ngoài ra, nhân dân ta còn thờ những Thái hậu, Hoàng hậu, Công chúa 
(như Mẫu Liễu Hạnh), những người mẹ khi còn sống tài giỏi, có công với dân, với nước, 
khi mất về phù hộ cho người an, vật thịnh. 
Tục thờ Mẫu của người Việt không chỉ là sự tôn thờ người mẹ có công lao to lớn mang 
nặng đẻ đau, sinh ra, nuôi dưỡng và che chở cho con mà còn là khát vọng, niềm tin mãnh 
liệt vào quyền lực, năng lực thiêng liêng che chở cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, 
mùa màng tốt tươi, thoát khỏi thiên tai, địch họa v.v Do mang trong mình tâm thức coi 
trọng Mẫu, nên khi tiếp nhận các tôn giáo từ bên ngoài, người Việt đã dần cải biến và “nữ 
tính hóa” chúng. Quan Âm của đạo Phật từ một nam thần, sang Việt Nam được chuyển 
thành nữ; hệ thống Tứ pháp (Lôi, Vũ, Vân, Điện) cũng là các nữ thần. Khi Công giáo vào 
Việt Nam, Đức Maria (Mary) - một thánh nữ cũng được các tín hữu sùng kính đặc biệt. 
Đa phần mọi người đều biết rằng, Đức Maria là một vị thánh rất được người Công 
giáo, đặc biệt là người Công giáo Việt Nam coi trọng. Người Công giáo sử dụng rất nhiều 
những danh xưng hoa mỹ để nói về Đức Maria như: Đức Mẹ, Đức Nữ Vương, Nữ Vương 
Thiên Đàng, Nữ Vương Ban Sự Bình An, Trinh Nữ Rất Thánh, Mẹ Hằng Cứu Giúp 
Trong niềm tin Công giáo, Đức Maria đã mang thai một cách màu nhiệm (do quyền năng 
Thiên Chúa) và sinh ra Chúa Giêsu (Jesus), do đó, Đức Maria được tôn vinh là Mẹ Thiên 
Chúa, cũng là Mẹ của Giáo hội Công giáo toàn cầu. Ngoài ra, Đức Maria còn được tôn 
90 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI 
vinh với các danh hiệu cao quý khác như: Trọn Đời Đồng Trinh, Vô Nhiễm Nguyên Tội và 
Hồn Xác Lên Trời 
Khi Công giáo du nhập vào Việt Nam, Đức Maria được giáo dân gọi với những danh 
xưng rất quen thuộc như Thánh Mẫu, Đức Bà... Bên cạnh đó, phần lớn những nữ giáo dân 
ở Việt Nam lấy tên thánh là Maria. Hầu như trong gia đình Công giáo nào cũng trưng bày 
ảnh hoặc tượng Đức Maria với nhiều hình hài, phong cách khác nhau. Bức ảnh mà người 
Công giáo hay lựa chọn để trưng bày nhất là ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - một biểu tượng 
nghệ thuật, tôn giáo nổi tiếng có từ thế kỷ XV. Ở các nhà thờ/thánh đường Công giáo, 
không khó để nhận thấy hình tượng Đức Maria được đặt ở nhiều vị trí khác nhau, cả ở 
trong và ngoài nhà thờ. Ở nhà thờ giáo xứ Bình Hải (xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, 
tỉnh Nam Định), trên khu vực gian thánh, tượng Đức Maria cũng được đặt đứng bên phải 
tượng Chúa Giêsu, bên trái là tượng ông Thánh Giuse. Ở bên cánh gà có một tòa đặt ảnh 
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bên ngoài nhà thờ, nơi có một cây si cổ thụ rất lớn, người ta làm 
một núi đá và đặt tượng Đức Maria lên trên đó, gọi là Núi đá Đức Mẹ. Tượng này được 
làm bằng thạch cao, màu trắng, cao khoảng 1,2 mét, thiết kế theo phong cách tượng Đức 
Mẹ Lộ Đức đang chắp tay và ngước nhìn trời như đang cầu nguyện. Chân núi là một hồ 
nước nhỏ và có các dòng nước chảy xuống. Cuối nhà thờ lại có một tượng Đức Maria 
khác: tượng đài Nữ Vương Thiên Đàng. Tượng này cao khoảng 1,5 mét, được đặt trên đài 
cao 2,5m; trên đầu tượng có triều thiên 12 ngôi sao, chân đạp lên đầu con rắn. Sau mỗi 
thánh lễ cuối tuần, cha xứ và giáo dân lại ra ngoài núi đá Đức Mẹ hoặc tượng đài để làm 
nghi thức xông hương và đọc kinh cầu nguyện riêng với Mẹ. Sau mỗi buổi kinh sáng, 
chiều, giáo dân cũng thường nán lại nơi tượng đài để đọc kinh. Mặc dù trong thánh lễ hay 
mỗi buổi kinh đều có những nghi thức, kinh cầu dành cho Đức Maria, nhưng đối với 
những giáo dân nơi đây có lẽ như thế là chưa đủ, nên người ta thường nán lại để “tâm sự 
riêng” với Người. 
Thực ra, việc tôn kính Đức Maria khá phổ biến đối với người Công giáo trên thế giới, 
nhưng đối với người Công giáo Việt Nam, việc tôn kính Đức Maria dường như được nâng 
lên một tầm cao hơn. Theo giáo lý Công giáo, đối với Đức Maria chỉ thể hiện lòng sùng 
kính chứ không tôn thờ, nhưng theo cảm nhận của chúng tôi, những niềm tin và nghi lễ mà 
người Công giáo Bình Hải nói riêng, Công giáo Việt Nam nói chung, dành cho Đức Maria 
không khác gì một sự tôn thờ dành cho Thánh Mẫu. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng 
Dương, Thánh Mẫu Maria mang đầy đủ những đặc trưng của một Mẫu, đó là: Che chở, 
Ban ơn, Sinh sôi. 
Trong khó khăn, gian khổ hay khi gặp hoạn nạn, các giáo sĩ và giáo dân đều đến cầu 
xin Đức Maria che chở, đặc biệt là thời kỳ đạo Công giáo bị nhà nước phong kiến Việt 
Nam ngăn cấm. Theo lịch sử giáo phận Bùi Chu (Nam Định), vào nửa cuối thế kỷ XIX, 
triều đình cấm đạo rất gắt gao, việc truyền đạo và giữ đạo gặp nhiều khó khăn và thử thách. 
TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 25/2018 91 
Trong hoàn cảnh bi đát ấy, giám mục Valentinô Berrio-Ochoa Vinh cùng với một số giáo 
sĩ đã cùng nhau tha thiết khấn cùng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (một tước hiệu của 
Đức Maria) rằng: Nếu Đức Maria ban sự bình an cho giáo phận, thì giáo phận sẽ nhận 
Người làm Quan Thầy và sẽ xây một Đền Thờ xứng đáng để dâng kính Người. Tương 
truyền là lời khấn đã được chấp nhận và sau đó giáo phận Bùi Chu đã xây Đền thờ kính 
Đức Maria tại Phú Nhai (nay là Vương Cung Thánh Đường Phú Nhai, tại xã Xuân 
Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) và tuyên bố nhận Đức Maria làm Quan 
Thầy của giáo phận. 
Với niềm tin rằng Đức Maria có thể ban ơn cho con cái thông qua việc chấp nhận 
những lời cầu xin, người Công giáo thường tìm đến Đức Maria để xin Người ban cho họ 
được thỏa mãn một số nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày như: xin cho có công ăn việc 
làm, xin tìm thấy của đã mất, xin cho được lành bệnh, xin cho đi đường bình an, xin cho 
học hành tấn tới và thành công trong thi cử Nhìn chung nhu cầu con người thì rất nhiều, 
nhưng như một điều cấm kỵ, người Công giáo thường chỉ xin những điều thiết thực và ở 
mức độ vừa phải. Ví dụ như người ta thường không dám xin cho được trúng đề, trúng số, 
cũng không dám xin giàu có mà chỉ cầu xin được “hàng ngày dùng đủ”, tức là không đói 
khát, khổ sở quá là được. Tại nhà thờ Bình Hải, mỗi buổi cầu nguyện có hàng chục người 
“xin khấn”. Còn tại Nhà thờ Thái Hà - một trung tâm Công giáo lớn ở Hà Nội, nơi có Đền 
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - mỗi tuần có tới hàng ngàn người (trong đó có cả những người 
không Công giáo) đến để cầu khấn Đức Mẹ. Bên cạnh những người đến để xin ơn, cũng có 
nhiều người đến tạ ơn vì lời cầu xin của họ đã được đáp ứng. Theo số liệu chúng tôi thu 
thập được, trong tuần từ ngày 26/2 đến ngày 4/3/2017 có 6.749 người xin ơn và 843 người 
tạ ơn; tuần từ ngày 6/5 đến ngày 12/5/2018 có 3.793 người đến xin ơn và 392 người tạ ơn. 
Cùng với những lời cầu nguyện thầm thì, người ta còn ghi những tâm nguyện của mình 
vào một cuốn sổ được đặt ở bàn thờ nơi có linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Mỗi lần xin 
ơn hay tạ ơn, người ta thường bỏ vào “hòm khấn” một ít tiền (tùy tâm) để thể hiện lòng 
thành của mình. 
Đức Maria cũng được xem là người bảo trợ cho sự sinh sôi, nảy nở. Bên cạnh xin 
những ơn về tiền tài danh vọng, những người muộn mằn về đường con cái đều tìm đến 
Đức Maria để “xin cho có con cái”. Người ta tâm niệm rằng, Đức Maria cũng là mẹ, lại là 
một người mẹ nhân từ nên Người rất thấu hiểu tâm tư tình cảm của những người làm mẹ. 
Trong thời kỳ mang thai, nhiều phụ nữ Công giáo rất thích trưng bày ảnh “Mẹ bồng con” 
(Đức mẹ bế Chúa Giêsu hồi thơ ấu) trong nhà, bởi họ tin rằng khi tôn kính bức ảnh này, họ 
sẽ được may mắn trong sinh nở. Ngoài ra, đã từ lâu, người Công giáo, nhất là ở các vùng 
quê, có tục “bán con cho Đức Mẹ”. Nhiều con trẻ sinh ra khó nuôi, nhiều gia đình đã đem 
“bán” con cho Mẹ với niềm tin rằng Đức Mẹ sẽ quan tâm đặc biệt và phù hộ, che chở cho 
bé. Đến khi trẻ 13 tuổi tức là khi trẻ đã qua giai đoạn “khó nuôi” thì làm lễ xin con về. 
92 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI 
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Dương, việc người Công giáo có tục “bán con cho 
Đức Mẹ” chính là biểu hiện của hình thức “bán khoán” trẻ cho đền phủ hoặc cho Phật mà 
những người Việt hay làm [1, tr.314]. 
2.2. Dấu ấn của tục thờ Thành Hoàng làng trong quan niệm của người Công 
giáo Việt về thánh Quan Thầy 
Thành Hoàng là một biểu tượng cổ xưa có gốc từ Trung Hoa để chỉ vị thần đại diện 
cho một tòa thành lớn có hào bao quanh, vị thần này được thờ nhằm để bảo vệ cho tòa 
thành đó. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ cuối thời nhà 
Đường (khoảng thế kỷ thứ IX) rồi phát triển qua các triều đại phong kiến độc lập của nước 
ta. Các Thành Hoàng được phong các mỹ tự, các tước vị được phong là do có công giúp 
dân, giúp nước. 
Tuy nhiên, việc thờ vị thần cai quản thành trì này không sâu đậm và không dài lâu ở 
các thành đô ở nước ta. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng bắt đầu lan truyền đến các vùng 
nông thôn, nơi tín ngưỡng thờ thần in đậm dấu ấn trong nét văn hóa của người dân làm 
nông nghiệp lúa nước. Chẳng bao lâu, nhân dân đồng lòng suy tôn Thành Hoàng làng là 
những vị thần bảo vệ cho cuộc sống của người dân trong làng, nhất là những nhân vật lịch 
sử từng có công tạo lập, phát triển đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội cho làng, nước. 
Đối với các làng quê Việt Nam, đặc biệt là trong lịch sử, Thành Hoàng có vị trí, vai trò 
rất quan trọng trong đời sống cộng đồng làng. Nhà nước phong kiến Việt Nam chọn lọc và 
sắc phong cho Thành Hoàng làng nhằm mục đích đoàn kết và động viên toàn bộ sức mạnh 
của cộng đồng làng, xã và dân tộc thành một khối. Và đình làng, từ một trụ sở hành chính, 
trở thành nơi thờ cúng Thành Hoàng và là nơi tụ họp dân làng khi có việc chung, là chốn 
vui chơi của cả làng vào các dịp lễ hội. Sự thờ cúng thần Thành Hoàng là nền tảng gắn kết 
mọi thành viên trong cộng đồng làng, xã. Quan trọng hơn, Thành Hoàng đã trở thành một 
biểu tượng tâm linh, một chỗ dựa tinh thần vững chắc của người dân. Bởi với họ, chỉ có 
thần mới có thể giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; giúp cho cuộc sống của 
họ ngày một thêm ổn định, thịnh vượng, nên làng nào không có Thành Hoàng thì làng xã 
đó bất an. 
Cũng giống như làng Việt cổ truyền, mỗi xứ đạo - làng Công giáo cũng lựa chọn cho 
mình một vị thánh bảo trợ, gọi là thánh Quan Thầy (còn gọi là thánh bổn mạng hay thánh 
bảo trợ, tiếng Latinh là Patronus). Cần nói thêm rằng, giáo hội Công giáo có hàng trăm vị 
thánh. Họ là những người được Giáo hội tôn phong bởi những đóng góp to lớn của họ 
trong sự phát triển của Giáo hội (như các thánh Tông đồ Chúa Giêsu, Thánh Tômát 
Đacanh, Thánh Augustinô) hoặc bởi những đóng góp, hy sinh đặc biệt đối với xã hội 
(như Thánh Têrêsa thành Calcutta ở Ấn Độ). Việc chọn lựa thánh Quan Thầy cho một xứ 
đạo do giám mục trong giáo phận quyết định sau khi đã bàn bạc kỹ càng, hoặc sau một 
TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 25/2018 93 
cuộc bỏ phiếu hay qua các đơn thỉnh nguyện của cộng đoàn giáo dân. Mỗi xứ đạo chỉ được 
chọn một thánh Quan Thầy, không có thánh Quan Thầy thứ hai hay Quan Thầy phụ. 
Như vậy, thánh Quan Thầy không phải là tên riêng của một vị thánh nào mà là một 
chức danh để chỉ vị thánh được chọn để bảo vệ, hướng dẫn và cầu bầu (cầu xin, bầu cử) 
cho một người (thông qua lễ rửa tội), một xứ đạo, một dòng tu, một địa phương (ví dụ như 
ở Hoa Kỳ có Los Angeles được đặt theo tên Đức Maria, San Francisco theo tên thánh 
Phanxicô, San Jose theo tên thánh Giuse, San Diego theo tên thánh Điđacô...; ở Nga có St. 
Petersburg nghĩa là thành phố của Thánh Phêrô), hoặc thậm chí là một sự kiện. Ở đây 
chúng tôi chỉ đề cập đến thánh Quan Thầy của xứ đạo - làng Công giáo. 
Cũng giống như cảm thức của người Việt về các vị Thành Hoàng, người Công giáo 
cũng rất đề cao vai trò của vị thánh Quan Thầy xứ đạo. Trong các làng giáo, người ta 
thường đặt tên thánh của cá nhân theo tên của vị thánh Quan Thầy giáo xứ. Ví dụ: Nếu 
thánh Quan Thầy của giáo xứ đó là Thánh Tôma (Thomas) thì hầu như tất cả nam giới 
trong giáo xứ đều lấy tên thánh là Tôma (ví dụ: Tôma Vũ Văn Nghĩa). Trong nhà thờ, 
bao giờ cũng phải có tượng thánh Quan Thầy và phải đặt ở nơi trang trọng. 
Người Công giáo còn tin rằng, thánh Quan Thầy có ảnh hưởng rất lớn đến các sự kiện 
lớn của cộng đồng xứ đạo. Khi hỏi một người Công giáo rằng thánh Quan Thầy có phải 
Thành Hoàng làng không, người ấy dứt khoát trả lời là không. Nhưng khi hỏi về vai trò 
của thánh Quan Thầy, người này cho biết: “Ở đây chúng tôi rất kính Thánh Quan Thầy. 
Mỗi khi trong xứ đạo có việc quan trọng như sửa sang nhà thờ, sửa gác chuông, xây nhà 
giáo lý, chuẩn bị tuần Chầu, cha xứ và giáo dân đều hướng lên thánh Quan Thầy, cầu xin 
Ngài ban cho được bình yên, công việc suôn sẻ, không thì không yên tâm làm gì” (nam, 68 
tuổi, từng tham gia ban hành giáo tại giáo xứ Bình Hải). Điều này cho thấy một thực tế là: 
Theo giáo lý Công giáo, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền “ban” cho thứ này thứ khác, còn 
các thánh, kể cả Đức Maria, chỉ có thể cầu bầu với Chúa cho giáo dân, chứ không có quyền 
năng ban phát điều gì cả; tuy nhiên, quan niệm này chỉ tồn tại ở những người thông thạo 
giáo lý, còn theo cảm thức bình dân, nhiều người vẫn xem thánh Quan Thầy như một đấng 
quyền năng bảo vệ, che chở và ban phát ơn lành cho cộng đồng của họ. Đó cũng chính là 
quan niệm của người Việt về Thành Hoàng làng. 
Đối với nhiều làng giáo, ngày lễ kính thánh Quan Thầy cũng chính là ngày hội làng. 
Trong ngày lễ này, người ta thường tổ chức rước kiệu thánh Quan Thầy rất long trọng. 
Chúng tôi đã có dịp theo dõi một cuộc rước kiệu thánh Quan Thầy ở giáo xứ Bình Hải. 
Trước khi cuộc rước bắt đầu, cha chủ tế (linh mục) đến trước tượng thánh Quan Thầy để 
thực hiện nghi thức làm phép tượng và xông hương. Điều này gợi nhớ đến nghi lễ “phụng 
nghinh” trước các cuộc rước thần trong hội làng. Sau đó tượng thánh Quan Thầy được 
rước từ trong nhà thờ ra và đặt cố định trên kiệu vàng (còn gọi là kiệu bát cống). Lễ rước 
94 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI 
kiệu diễn ra trang nghiêm: đi đầu đoàn rước là cờ Hội thánh, tiếp theo là đội cầm Thánh 
giá và nến cao (nhìn xa giống các đồ “bát bửu”), tiếp là đoàn người đánh chiêng, trống, đội 
kèn đồng, đội bát âm; tiếp theo là các đoàn hội khác như hội gia trưởng, hội hiền mẫu, hội 
dòng ba và đội kiệu. Để tham gia đoàn rước, trang phục của mỗi người phải lịch sự, đặc 
biệt là phụ nữ phải mặc áo dài truyền thống - đây được coi là trang phục phù hợp nhất với 
nữ giới mỗi khi đến nhà thờ. Theo dõi cuộc rước kiệu thánh Quan Thầy, từ cách sắp xếp 
đoàn rước, các đồ lễ, trang phục cho đến các lễ nghi có nhiều điểm khá giống với đám rước 
Thành Hoàng làng. Có lẽ điểm cơ bản giúp người ta phân biệt đám rước thánh Quan Thầy 
với rước thần Thành Hoàng đó là đám rước này được diễn ra ở nhà thờ Công giáo chứ 
không phải ở đình làng. Trong mỗi dịp lễ kính thánh Quan Thầy, các gia đình thường làm 
cỗ để thết đãi anh em bạn bè và những người thân ở xa về tham dự lễ. Điều này phản ánh 
văn hóa “lễ đi đôi với lạt” vốn rất thịnh hành nơi người Việt. 
Thánh Quan Thầy cũng giống thần Thành Hoàng ở chỗ, mặc dù cộng đồng xứ đạo có 
thể tự nhận thánh Quan Thầy cho mình, cũng như dân làng có thể tự nhận thần Thành 
Hoàng, nhưng để cho chính danh và cũng để tăng uy thế cho vị thánh/thần thì chính quyền 
cấp trên như Giáo hội hoặc triều đình thường xác nhận bằng các văn bản, sắc phong 
Những phân tích trên để thấy rằng, việc người Công giáo Việt tôn kính thánh Quan 
Thầy chính là biểu hiện của tục thờ Thành Hoàng làng - một truyền thống tín ngưỡng của 
người Việt đã có từ xa xưa và còn thịnh hành đến ngày nay. Nói như nhà nghiên cứu 
Nguyễn Hồng Dương: “Ở nhiều làng Công giáo - xứ đạo thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, 
tuy không quan niệm nhà thờ là ngôi đình làng nhưng thánh Quan Thầy làng giáo - xứ đạo 
được cư dân xem là thần Thành Hoàng. Ngày kỷ niệm thánh Quan Thầy là ngày kỷ niệm 
thần Thành Hoàng” [1, tr.172]. 
Tuy nhiên, giữa thánh Quan Thầy và thần Thành Hoàng làng cũng có những điểm 
khác biệt: Thứ nhất, thánh Quan Thầy đều là những vị thánh, tức là những vị đáng kính 
được các tín hữu và Giáo hội tôn phong, nói theo cách của Nho giáo tức là “chính thần” - 
“phúc thần”; còn Thành Hoàng làng có thể là “chính thần”, cũng có thể là “tà thần” (dâm 
thần, ác thần, tạp thần...). Thứ hai, đối với người Công giáo, thánh Quan Thầy chỉ có ban 
ơn chứ không không có giáng họa; trong khi thần Thành Hoàng (nhất là các tà thần) không 
chỉ ban phước mà còn sẵn sàng giáng tai họa hay trừng phạt dân làng nếu không được cúng 
tế đầy đủ hoặc dân làng mắc lỗi với thần. Thứ ba, đối với thánh Quan Thầy, người Công 
giáo chỉ kính chứ không thờ, còn Thành Hoàng làng không chỉ được nhân dân tôn kính mà 
còn được thờ cúng. Thứ tư, dù lễ kính thánh Quan Thầy là một lễ lớn trong năm nhưng 
thường không kéo dài quá một ngày và không có nhiều hoạt động như lễ hội Thành Hoàng 
làng, bởi lẽ trong một năm, Công giáo còn có các lễ hội khác (như lễ Giáng sinh, lễ Phục 
sinh) trong khi làng Việt thường chỉ có một lễ hội. 
TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 25/2018 95 
2.3. Nguyên nhân sự ảnh hưởng của văn hóa truyền thống đến quan niệm của 
người Công giáo Việt Nam về các vị thánh Công giáo 
Sự ảnh hưởng của văn hóa truyền thống đến quan niệm của người Công giáo Việt về 
các vị thánh Công giáo là kết quả tất yếu của quá trình gặp gỡ, giao lưu và tiếp biến lâu dài 
giữa Công giáo và văn hóa Việt. Theo chúng tôi, nguồn gốc sâu xa của sự giao lưu/ hội 
nhập văn hóa này này nằm chính ở “bản chất Việt” của người Công giáo Việt Nam. Đã có 
nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, trong một thời gian dài, cho dù bị “đoàn ngũ hóa”, bị 
đóng khung trong các làng Công giáo, gần như tách biệt với đồng bào, nhưng người Công 
giáo Việt Nam vẫn không thể quên đi nguồn cội và truyền thống cha ông. Mặc dù có thời 
kỳ bị Giáo hội cấm thờ cúng tổ tiên, nhưng nhiều người Công giáo vẫn lén lút thờ tổ tiên 
bằng cách giấu bát hương trong chum hoặc gửi sang một gia đình làng bên lương [5, 
tr.314-315]. Bản chất Việt ấy luôn có sẵn trong mỗi người và do đó, việc diễn tả đức tin 
bằng truyền thống văn hóa dân tộc luôn được chính những giáo dân bình thường thực hiện 
và gìn giữ, phát triển qua nhiều thế hệ. 
Sự hội nhập giữa Công giáo và văn hóa dân tộc nói chung, sự ảnh hưởng của văn hóa 
truyền thống đến quan niệm của người Công giáo Việt về các vị thánh Công giáo nói riêng 
cũng là kết quả của chủ trương hội nhập văn hóa dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt 
Nam. Đã có một thời gian dài trong lịch sử, nhiều người lãnh đạo Công giáo thiếu cái nhìn 
thiện cảm với các nền văn hóa ngoài Công giáo; họ cấm giáo dân của mình tham gia vào 
các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội dân gian. Điều đó làm cho Công giáo xung đột mạnh mẽ 
với văn hóa bản địa Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp thu tinh thần cởi mở của Giáo hội Công 
giáo từ sau Cộng đồng Vatican II (1962 - 1965), các nhà lãnh đạo Công giáo Việt Nam đã 
thay đổi mạnh mẽ quan điểm của mình: Từ việc cho phép và khuyến khích giáo dân được 
lập bàn thờ tổ tiên, được tôn kính tổ tiên theo truyền thống dân tộc, đến những kêu gọi trở 
về với văn hóa dân tộc như “Sống đạo theo cung cách Việt Nam”, “Sống Phúc âm giữa 
lòng dân tộc” và “ xây dựng một nếp sống diễn tả đức tin ngày càng phù hợp hơn với 
nền văn hóa dân tộc” Những đường hướng canh tân tôn giáo này rất cần thiết; đó là cơ 
sở và động lực cho những người Công giáo Việt, những “con chiên ngoan đạo” vốn rất 
vâng lời Giáo hội, được diễn tả đức tin của mình thông qua những hình thức văn hóa gần 
gũi vốn họ. 
3. KẾT LUẬN 
Kết quả nghiên cứu này cho thấy: những nhận thức rằng các vị thánh Công giáo không 
mấy gần gũi, thậm chí xa lạ với văn hóa - tâm thức người Việt là sự hiểu lầm đáng tiếc. Từ 
việc phân tích những ảnh hưởng của truyền thống trọng Mẫu và tục thờ Thành Hoàng làng 
đến quan niệm, hành vi thờ cúng của người Công giáo Việt đối với Đức Maria và Thánh 
96 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI 
Quan Thầy, có thể nói rằng, mặc dù đến từ một nền văn hóa xa xôi, nhưng thông qua tâm 
tư, tình cảm của người tín hữu Việt, những vị thánh trong đạo Công giáo đã mang đậm 
hình hài và vị thế của những vị thần thánh vốn đã quen thuộc trong tâm thức người Việt.. 
Những ảnh hưởng của văn hóa truyền thống đến quan niệm về các vị thánh Công giáo 
chính là một biểu hiện rất rõ nét cho sự hội nhập giữa Công giáo và văn hóa Việt Nam. 
Những ảnh hưởng này vừa mang tính tự nhiên, xuất phát từ chính “bản chất Việt” của 
người Công giáo, vừa mang tính chủ động của Giáo hội Công giáo với những quan điểm 
mới mẻ và tích cực. Việc hội nhập không làm Công giáo mất đi căn tính, trái lại, làm cho 
nó trở nên gần gũi hơn với người Việt, đời sống đạo nhờ đó thêm sống động và có gốc rễ 
vững chắc trong lòng dân tộc. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Nguyễn Hồng Dương (2001), Nghi lễ và lối sống Công giáo trong văn hóa Việt Nam, - Nxb 
Khoa học Xã hội, Hà Nội. 
2. Ngô Đức Thịnh, “Từ thờ nữ thần đến thờ Mẫu ở Việt Nam”, in trong Đạo Mẫu ở Việt Nam, 
 Truy cập ngày 15/3/2017 
3. Phạm Huy Thông (2012), Ảnh hưởng qua lại giữa Công giáo và văn hóa Việt Nam, - Nxb Tôn 
giáo, Hà Nội. 
4. Hà Huy Tú (2002), Tìm hiểu nét đẹp văn hóa Thiên Chúa giáo, - Nxb Văn hóa Thông tin & 
Viện Văn hóa, Hà Nội. 
5. Đặng Nghiêm Vạn (1996), Về tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, - Nxb Khoa học Xã 
hội, Hà Nội. 
THE INFLUENCE OF TRADITIONAL CULTURE 
ON VIETNAMESE CATHOLICS’ VIEWS ON CATHOLIC SAINTS 
Abstract: Up to now, there are different views on the relationship between Catholic saints 
and Vietnamese culture and mind. This study was undertaken to confirm an assumption 
that traditional cultural factors have influenced and changed the perspective of Viet 
Catholics on Catholic saints. Based on the actual research and inheritance of the results 
of other authors’ research, we find that the Mother Goddess worship tradition influenced 
the Vietnamese Catholics view of Mary with such characteristics as: protection, blessing 
and patronage for procreation. Patron Saint of the parish is like the god of the village, 
which is important to the village community, the spiritual support of the villagers. This 
cultural integration is deeply rooted in the “Vietnamese nature” of Vietnamese Catholics. 
Keywords: Vietnamese Catholic, Catholic saints, cultural integration. 

File đính kèm:

  • pdfdau_an_van_hoa_truyen_thong_dan_toc_trong_quan_niem_cua_nguo.pdf