Đặc điểm của phong trào cách mạng ở Nam Trung Kỳ những năm 1930-1931

Trong những năm 1930-1931, ở Việt Nam đã diễn ra nhiều sự kiện

lịch sử quan trọng phản ảnh những chiều hướng phát triển khác nhau của

phong trào dân tộc tư sản (do Việt Nam Quốc dân Đảng đại diện) và phong

trào dân tộc vô sản với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong giai

đoạn lịch sử này, phong trào cách mạng ở Nam Trung Kỳ chỉ diễn ra theo xu

hướng vô sản, phản ánh những đặc điểm của phong trào này trong cả nước,

đồng thời thời cũng có nét riêng: đó là dù bùng nổ muộn so với các khu vực

khác trong toàn quốc, nhưng diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, tồn tại lâu dài, tiêu

biểu nhất là ở Quảng Ngãi.

pdf 8 trang kimcuc 4920
Bạn đang xem tài liệu "Đặc điểm của phong trào cách mạng ở Nam Trung Kỳ những năm 1930-1931", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đặc điểm của phong trào cách mạng ở Nam Trung Kỳ những năm 1930-1931

Đặc điểm của phong trào cách mạng ở Nam Trung Kỳ những năm 1930-1931
 Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế 
ISSN 1859-1612, Số 01(49)/2019: tr. 117-124 
Ngày nhận bài: 30/11/2018; Hoàn thành phản biện: 06/3/2019; Ngày nhận đăng: 14/3/2019 
ĐẶC ĐIỂM CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở NAM TRUNG KỲ 
NHỮNG NĂM 1930-1931 
TRƯƠNG CÔNG HUỲNH KỲ 
 Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế 
Tóm tắt: Trong những năm 1930-1931, ở Việt Nam đã diễn ra nhiều sự kiện 
lịch sử quan trọng phản ảnh những chiều hướng phát triển khác nhau của 
phong trào dân tộc tư sản (do Việt Nam Quốc dân Đảng đại diện) và phong 
trào dân tộc vô sản với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong giai 
đoạn lịch sử này, phong trào cách mạng ở Nam Trung Kỳ chỉ diễn ra theo xu 
hướng vô sản, phản ánh những đặc điểm của phong trào này trong cả nước, 
đồng thời thời cũng có nét riêng: đó là dù bùng nổ muộn so với các khu vực 
khác trong toàn quốc, nhưng diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, tồn tại lâu dài, tiêu 
biểu nhất là ở Quảng Ngãi. 
Từ khóa: Việt Nam, Nam Trung Kỳ, đặc điểm, phong trào, cách mạng, 
1930, 1931. 
1. ĐẶT VẤN ĐỀ 
Trong những năm 1930-1931, ở Việt Nam đã diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng 
phản ảnh chiều hướng phát triển trái ngược của phong trào dân tộc tư sản và phong trào 
dân tộc vô sản. Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng (2-1930) đánh dấu sự 
thất bại của phong trào dân tộc tư sản trên vũ đài chính trị Việt Nam. Ngược lại, sự ra 
đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo đã khẳng 
định xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam theo lập trường vô sản. Phong 
trào cách mạng trong những năm 1930-1931 do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động và 
lãnh đạo trên cơ sở đường lối đúng đắn và sáng tạo, đã diễn ra trên quy mô rộng lớn, thu 
hút đông đảo quần chúng công nông tham gia, hình thức đấu tranh quyết liệt và mang 
tính chất cách mạng triệt để, mặc dù ở Trung Kỳ có bộc lộ sự tả khuynh nhất định. 
Phong trào cách mạng ở Nam Trung Kỳ những năm 1930-1931 đã phản ảnh những đặc 
điểm mang tính phổ quát trên đây của toàn quốc nhưng cũng có những điểm riêng do 
điều kiện lịch sử địa phương quy định. 
2. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở NAM 
TRUNG KỲ NHỮNG NĂM 1930-1931 
2.1. Phong trào cách mạng ở Nam Trung Kỳ những năm 1930-1931 chỉ diễn ra 
theo lập trường cách mạng vô sản 
Nói về đặc điểm cua phong trào cách mạng Việt Nam trong những năm từ 1925 đến 
1930, Lê Duẩn - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Phong 
trào dân tộc có tính chất xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản đã có song song với 
phong trào dân tộc có tính chất tư sản, là một hiện tượng lịch sử đặc biệt của nước 
118 TRƯƠNG CÔNG HUỲNH KỲ 
Việt Nam”... Cuộc cách mạng dân tộc Việt Nam không tiến tuần tự từ tính chất tư sản 
qua tính chất vô sản, hết tư sản rồi mới đến vô sản, mà bản chất là nhảy vọt. Trong một 
thời gian, phong trào dân tộc tư sản và phong trào dân tộc vô sản đã chen nhau mà tiến 
lên” [5, tr. 38-39]. 
Thật vậy, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào cách mạng theo lập trường tư 
sản tiếp tục phát triển với đỉnh cao là sự ra đời của Việt Nam Quốc dân Đảng (25-12-
1930). Tuy nhiên, địa bàn ảnh hưởng của tổ chức này chủ yếu là ở Bắc Kỳ. Do đó, khi 
Việt Nam Quốc dân Đảng phát động khởi nghĩa vào tháng 2-1930, cuộc khởi nghĩa chủ 
yếu diễn ra ở các tỉnh Bắc Kỳ như Yên Bái, Phú Thọ (Hưng Hóa, Lâm Thao), Hà Nội, 
Hải Dương, Thái Bình, [10, tr.249-250]. 
Cùng với Việt Nam Quốc dân Đảng, có tổ chức Phục Việt ra đời vào năm 1925 theo xu 
hướng cách mạng dân chủ tư sản, sau đó cải tổ thành Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng 
Đảng (1926), Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội (1926), Tân Việt Cách mạng Đảng 
(1928). Những tổ chức này có mặt ở các tỉnh Nam Trung Kỳ từ những năm 1926-1927 
và đã dần chuyển sang xu hướng cách mạng vô sản, hoạt động theo đường lối của Hội 
Việt Nam Cách mạng Thanh niên rồi chuyển biến thành các tổ chức Cộng sản thuộc 
Động Dương Cộng sản Liên đoàn. Trên cơ sở này, đến tháng 3-1930, đã lần lượt thành 
lập các đảng bộ thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam như Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam, Tỉnh 
Đảng bộ Quảng Ngãi, 
Ngay khi thành lập, các chấp ủy của Đảng bộ Cộng sản các tỉnh Nam Trung Kỳ đã nhanh 
chóng chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng, cũng như Xứ ủy Trung Kỳ và Nam Kỳ, 
đứng lên đấu tranh chống đế quốc và chống phong kiến, phản đối chính sách đàn áp 
khủng bố của đế quốc, đòi những quyền lợi hàng ngày trong những năm 1930-1931. 
Những minh chứng trên đây khẳng định phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Trung 
Kỳ những năm 1930-1931 chỉ diễn ra theo lập trường vô sản do Đảng Cộng sản Việt 
Nam (sau đó là Đảng Cộng sản Đông Dương) lãnh đạo. Đây là nét khác biệt với phong 
trào cách mạng ở Bắc Kỳ, đồng thời là nét chung của các tỉnh Trung Kỳ cũng như của 
Nam Kỳ. 
2.2. Diễn ra muộn hơn các tỉnh Bắc Kỳ và Nam Kỳ nhưng quyết liệt, mạnh mẽ, bền bỉ 
Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng bắt nhịp phong trào, 
phát động cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến. Từ tháng 2-1930, dưới sự lãnh 
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào đấu tranh nổ ra ở các trung tâm kinh tế, 
chính trị trong cả nước, giai cấp công nhân đã đóng vai trò tiên phong. Mở đầu là hàng 
loạt cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, nhà máy xi măng Hải 
Phòng, nhà máy dệt Nam Định, hãng dầu Xôcôni (Socony), Nhà Bè (Sài Gòn), đồn điền 
cao su Dầu Tiếng, nhà máy xe lửa Dĩ An, Nhà máy diêm, nhà máy cưa Bến Thủy, nhà 
máy Ba Son, Khu mỏ Mông Dương. Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân còn 
có phong trào đấu tranh của nông dân và các tầng lớp nhân dân khác. Làn sóng bãi công 
của công nhân từ tháng 2 đến tháng 4-1930 là những cuộc đấu tranh mở màn, quyết 
ĐẶC ĐIỂM CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở NAM TRUNG KỲ... 119 
định trực tiếp sự bùng nổ phong trào cách mạng 1930-1931 do Đảng Cộng sản Việt 
Nam lãnh đạo. 
Đến ngày 1-5-1930, phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã 
chuyển lên bước ngoặt với cuộc đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Phong trào 
diễn ra trong toàn quốc với nhiều hình thức đấu tranh phong phú: rải truyền đơn, treo cờ 
đỏ, mít tinh, biểu tình, tuần hành. Lần đầu tiên quần chúng công nông cả nước dưới sự 
lãnh đạo của Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuống đường đấu tranh nhân kỉ niệm 
ngày Quốc tế Lao động (1-5). Phong trào đã thể hiện sự lãnh đạo và tính tiên phong của 
giai cấp công nhân. Mục tiêu đấu tranh không chỉ đòi quyền lợi cho mình mà còn biểu 
thị tình đoàn kết cách mạng với nhân dân lạo động thế giới, thể hiện vai trò lãnh đạo của 
Đảng và khối liên minh công nông. Từ ngày 1-5, phong trào tiếp tục phát triển trong các 
tháng 6, 7, 8 với khí thế đấu tranh ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt, trong toàn quốc có 
126 cuộc đấu tranh, mạnh nhất là ở Nghệ Tĩnh với 97 cuộc bãi công và biểu tình của 
công nhân, tạo ra đêm trước của Xô viết Nghệ Tĩnh. 
Ở Nam Trung Kỳ, phong trào đấu tranh diễn ra muộn so với các tỉnh Bắc Kỳ, Bắc 
Trung Kỳ và Nam Kỳ, bắt đầu với các cuộc đấu tranh của nông dân Quảng Ngãi do 
Tỉnh ủy phát động nhân ngày Quốc tế Lao động (1-5), kết hợp mục tiêu chính trị với 
mục tiêu kinh tế và tinh thần quốc tế vô sản, chống đế quốc và phong kiến, đòi giảm sưu 
thuế, tăng tiền lương, ngày làm 8 giờ, phản đối chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên bang 
Xô viết. Phong trào tiếp diễn tại Khánh Hòa (16-7-1930), Ninh Thuận (1-8-1930), 
Quảng Nam (4-8-1930) 
Đến tháng 9-1930, phong trào cách mạng cả nước phát triển lên đỉnh cao với sự xuất hiện 
của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh. Thực dân Pháp đàn áp khốc liệt. Để duy trì và giữ 
vững phong trào, Trung ương Đảng ra chỉ thị, kêu gọi toàn quốc đấu tranh, phối hợp và 
ủng hộ “Nghệ Tĩnh đỏ” [6]. Hưởng ứng chủ trương trên, chỉ trong tháng 9 và tháng 10-
1930, trong cả nước có 362 cuộc đấu tranh: 29 cuộc ở miền Bắc, 316 cuộc ở miền Trung 
và 17 cuộc ở miền Nam. Phong trào tiếp tục trong các tháng 11 và 12-1930 [1, tr. 125]. 
Trong quá trình đó, nhân dân ở Nam Trung Kỳ nhanh chóng hưởng ứng phối hợp đấu 
tranh và ủng hộ “Nghệ Tĩnh đỏ”. Phong trào cách mạng diễn ra quyết liệt và kéo dài hơn 
so với các khu vực khác. Trong khi, ở Hà Nội, đến ngày 11-10-1930, mới xuất hiện 
những đội xung phong làm nhiệm vụ tuyên truyền, kêu gọi nhân dân đoàn kết, ủng vệ 
Nghệ Tĩnh đỏ; ở Thái Bình, đến ngày 14-10-1930, mới bùng nổ cuộc biểu tình ủng hộ 
Nghệ Tĩnh đỏ của hơn 700 nông dân huyện Tiền Hải; tại Hà Nam, đến ngày 20-10-1930, 
nhân dân nổi dậy đấu tranh của nhân dân huyện Bình Lục; đến cuối tháng 10-1930, đến 
lượt công nhân ở Nam Định, Hải Phòng, Cẩm Phả, Hà Nội tiếp tục đứng lên đấu 
tranh Tuy nhiên không có cuộc biểu tình nào có quy mô lớn hơn 1.000 người. 
Trong bối cảnh đó, trong hai ngày 26 và 28-9-1930, Đảng bộ Hoài Nhơn tổ chức rải 
truyền đơn kêu gọi nhân dân ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, vào đầu tháng 10-
1930, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã phát động một phong trào đấu tranh rộng khắp. Đêm 
mùng 7 rạng ngày 8-10-1930, 5.000 nông dân huyện Đức Phổ đã biểu tình kéo về huyện 
lỵ, chiếm huyện đường, đốt hồ sơ sổ sách, giải phóng tù nhân. Phối hợp và ủng hộ với 
120 TRƯƠNG CÔNG HUỲNH KỲ 
nhân dân Đức Phổ, Huyện ủy Mộ Đức đã vận động nhân dân các huyện Mộ Đức, Ba Tơ, 
chặt cây to, lăn đá làm chướng ngại vật trên đường thuộc địa (Quốc lộ số 1 ngày nay), 
để gây khó khăn cho thực dân Pháp và tay sai khi đưa lính đến Đức Phổ đàn áp. Cuộc 
đấu tranh của 5.000 nông dân huyện Đức Phổ thực sự đánh dấu bước chuyển biến của 
phong trào cách mạng không chỉ ở Quảng Ngãi mà cả vùng Nam Trung Kỳ. 
Để chủ động đối phó với tình hình, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh tiến lên, ngày 
13-10-1930, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chủ trương đẩy mạnh đấu tranh, lấy các phủ Mộ Đức và 
huyện Sơn Tịnh làm trọng điểm. Một đợt đấu tranh mới đã diễn ra từ tháng 10 đến tháng 
12 -1930, diễn ra quyết liệt ở các huyện Sơn Tịnh (30-10-1930), Đức Phổ (12-1930) 
Rạng sáng ngày 30-10-1930, hơn 1.000 nông dân vùng đông huyện Sơn Tịnh biểu tình 
kéo về huyện lỵ đưa yêu sách, hô vang các khẩu hiệu chống khủng bố, ủng hộ Nghệ 
Tĩnh đỏ, đòi giảm sưu thuế. Cuộc biểu tình bị đàn áp, dẫn đến sự xô xát giữa quần 
chúng với binh lính thuộc địa, nhưng đoàn biểu tình tiếp tục xông lên, đến 9 giờ sáng 
mới chịu giải tán. 
Tại Mộ Đức, sáng ngày 30-10-1930, hàng ngàn quần chúng biểu tình, kéo lên huyện lị. 
Thực dân Pháp nổ súng thị uy nhưng quần chúng vẫn kiên trì đấu tranh. 
Từ sau các cuộc biểu tình ngày 30-10-1930, thực dân Pháp đặt phủ Mộ Đức và huyện 
Sơn Tịnh vào tình trạng giới nghiêm. Song phong trào đấu tranh ở nhiều huyện vẫn tiếp 
tục bùng nổ. Ngày 16-11-1930, ở Mộ Đức tiếp tục diễn ra cuộc biểu tình của hơn 500 
nông dân. 
Phối hợp với phong trào Quảng Ngãi, Bình Định, tại Phú Yên, trong các ngày 30 và31-
10-1930, quần chúng cách mạng đã tổ chức treo cờ đỏ, rải truyền đơn ở nhiều nơi, kêu 
gọi ủng hộ công nông ở Nghệ Tĩnh và Quảng Ngãi. Tháng 11-1930, nhiều nơi ở Bình 
Định xuất hiện truyền đơn và cờ đỏ Cộng sản. 
Thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố quyết liệt, nhưng phong trào vẫn tiếp tục 
diễn ra, xu hướng tả khuynh xuất hiện ở nhiều tỉnh. Từ cuối năm 1930, cùng với các 
hình thức biểu tình, mít tinh, tuần hành, thị uy, đưa yêu sách, lực lượng tự vệ, xích vệ 
xuất hiện, hoạt động tiễu trừ Việt gian, cường hào và tay sai ngày càng phổ biến, giành 
quyền làm chủ từng phần ở nông thôn. Các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Hội 
Phụ nữ, Hội Thanh niên học sinh, Hội Cứu tế đỏ có hàng ngàn người tham gia. Ngày 1-
12-1930, quần chúng nhân dân ở Đức Phổ tiến hành trừng trị Việt gian: Lý trưởng làng 
Lộ Bàn và Xã Huế ở Văn Trường nhưng không thành công. Nhiều nơi quần chúng trấn 
áp cường hào địa chủ. 
Cuối tháng 12-1930, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chủ trương đẩy mạnh chống khủng bố trắng, 
đưa phong trào cách mạng lên cao hơn nữa, đấu tranh trực diện với đế quốc và phong 
kiến ở phủ lị, huyện lị, tỉnh lị, bao vây cô lập các đồn địch. 
Trong tháng 1 và 2-1931, một đợt đấu tranh mới diễn ra ở khắp các phủ huyện trong 
tỉnh Quảng Ngãi thu hút hàng chục ngàn quần chúng trong bối cảnh phong trào cách 
mạng trong nước chửng lại và có chiều hướng đi xuống dần [1, tr.150]. Từ tháng 3/1931, 
ĐẶC ĐIỂM CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở NAM TRUNG KỲ... 121 
do bị nội phản, cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ bị mật thám Pháp phá vỡ, phần lớn cán bộ Xứ ủy 
bị bắt, vì vậy từ đó trở về sau không có cuộc đấu tranh lớn nào được tổ chức ở Bắc Kỳ 
[7, tr.473]. 
Ở Nam Kỳ, phong trào ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ diễn ra sôi nổi với vai trò tiên phong của 
giai cấp công nhân từ tháng 10-1930 đến tháng 5-1931, tiêu biểu là các cuộc bãi công 
của công nhân Hãng Đông Á (1930), Hãng dầu Standard (1-1931), Hãng dầu Pháp -Á 
(1-1931) Từ đầu tháng 9-1930, phong trào đấu tranh của nông dân chủ yếu diễn ra ở 
Long Xuyên, Vĩnh Long, Cần Thơ [8]. Ngày 20-3-1931, xảy ra một vụ ném bom nhằm 
trừng trị viên tỉnh trưởng Kiến An (Long Xuyên). 
Ở Nam Trung Kỳ, mặc dù đế quốc và phong kiến đàn áp khốc liệt, ngày 19-1-1931, hơn 
2.000 nông dân Sơn Tịnh (Quảng Ngã) biểu tình, xung đột với quân đội thực dân, 6 
người bị giết hại. 
Ngày 2-2-1931, nhân dân vùng Nam phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) phối hợp với nhân 
dân Nghĩa Hành đấu tranh, bị đàn áp, 18 người bị giết. 
Tại Đức Phổ, ngày 5-2-1931, nhân dân tuần hành thị uy kéo về Tân Hội, trị tội Xã Đạt, 
Chủ Cát, tổ chức biểu tình ở Lộ Bàn 13 người bị sát hại. Ngày 8-2-1931, 1.000 nông 
dân ở phía Đông phủ Bình Sơn tiến hành trừng trị các phần từ phản động [9]. 
Đến đầu tháng 3-1931, đế quốc và phong kiến tăng cường khủng bố, nhiều cán bộ đảng 
viên và quần chúng sa vào tay giặc. Phong trào tiếp tục bùng nổ ở Quảng Ngãi. Ở Quảng 
Ngãi, ngày 9-3-1931, nhân dân hai xã Bình Yến và Bình Vĩnh trên đảo Lý Sơn nổi dậy, 
bao vây đồn địch, làm chủ đảo trong ngày. Tiến tới kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1-5), 
từ ngày 25 đến ngày 30-4-1931, khắp các huyện trong tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện cờ đỏ 
búa liềm, truyền đơn biểu ngữ, biểu tình thị uy thu hút hàng ngàn người tham gia, phản 
đối đế quốc Pháp và các thế lực tay sai khủng bố những người yêu nước; đòi bỏ hẳn thuế 
thân, thuế chợ, thuế đò; đòi chia lại và chia hết công điền cho nông dân lao động; Ủng hộ 
Xô viết Nghệ Tĩnh! Ủng hộ Liên bang Xô viết! Phong trào diễn ra mạnh nhất ở các huyện 
Sơn Tịnh, phủ Mộ Đức, phủ Tư Nghĩa. Địch khủng bố, hàng trăm người bị sát hại (Mộ 
Đức bị giết hại 73 người, Tây Tư Nghĩa 12 người, Sơn Tịnh: 40 người). 
Tại tỉnh Phú Yên, trong tháng 4-1931, truyền đơn cộng sản xuất hiện ở Tuy Hòa, Sông Cầu, 
La Hai. Từ tháng 4 đến tháng 7-1931, tiếp tục nổ ra các hoạt động đấu tranh ủng hộ Nghệ 
Tĩnh đỏ và Quảng Ngãi, tiêu biểu là 4 cuộc biểu tình tại Cồn Loi (Triêm Đức), Ba Cụm 
(Phước Long), Đồng Cỏ (Phước Lãnh), Đá Mũi với sự tham gia của hàng trăm người. 
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1-5), “nhiều sự cố xảy ra ở nhiều khu vực. Ở 
Nam Kỳ, có nhiều cuộc biểu tình nổ ra quyết liệt ở Thạnh Phú (Bến Tre) và Đức Hòa 
(Chợ Lớn). Ở Trung Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi là nơi xảy ra nhiều cuộc bạo loạn nghiêm 
trọng hơn cả” [4, tr.54]. Hàng ngàn dân chúng ở Đức Phổ, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh đã biểu 
tình bị lính lê dương và bộ binh thuộc địa đàn áp. 
Do bị đàn áp khủng bố ác liệt, “đến cuối tháng 6-1931, tình hình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, 
Quảng Ngãi có vẻ lắng dịu do việc bắt giữ những người cầm đầu chủ chốt” [4, tr.54]. Ở 
122 TRƯƠNG CÔNG HUỲNH KỲ 
Quảng Ngãi không còn những cuộc đấu tranh quyết liệt như trước, nhưng phong trào 
vẫn diễn ra với các cuộc mít tinh, rải truyền đơn, đưa kiến nghị, đòi quyền lợi hàng ngày 
như đòi tăng thù lao ngày công, đòi chia lại công điền, đòi cải thiện chế độ sinh hoạt 
nhà tù, phản đối đánh đập, tra tấn tù nhân Tiêu biểu, trong hai ngày 13 và 14-7-1931, 
nhân kỷ niệm Quốc khánh nước Pháp, nhân dân Lý Sơn biểu tình đấu tranh đòi những 
quyền dân sinh, dân chủ hàng ngày. 
Tính đến cuối tháng 6-1931, về đại thể phong trào đấu tranh ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ trên 
toàn quốc lắng xuống hoàn toàn. Tuy vậy, đến trung tuần tháng 7-1931, Xứ ủy Trung 
Kỳ quyết định phát động cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến và ủng hộ đấu tranh 
ở Nghệ Tĩnh và Quảng Ngãi. Tại Bình Định, “thi hành chủ trương của Xứ ủy Trung Kỳ 
về phát động một đợt đấu tranh lớn để phối hợp với Nghệ Tĩnh và Quảng Ngãi, các 
đảng bộ Hoài Nhơn và Quy Nhơn ráo riết đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị khẩn 
trương” [2, tr.28], dẫn đến cuộc đấu tranh quyết liệt của 3.000 nông dân Hoài Nhơn vào 
đêm 22-7-1931. Quần chúng có vũ trang tự vệ đã tấn công vào đồn lính khố xanh cách 
Bồng Sơn 6 km và bọn cường hào ở địa phương, nhiều hào lý bị thương nặng trong vụ 
biểu tình này [4, tr.54]. 
Ngày 14-9-1931 đã diễn ra một cuộc đấu tranh lớn tại huyện Sơn Tịnh với sự tham gia 
của hơn 4.000 nông dân, thợ thủ công kéo vào huyện đường đưa yêu sách và bị đàn áp, 
4 người chết và 7 người bị thương. Bất mãn trước hành động đàn áp, quần chúng đấu 
tranh quyết liệt, tố cáo tội ác của bọn Pháp và ta sai, đòi bồi thường cho những người bị 
chết, bị thương; đông đảo quần chúng xuống đường sục sôi, tuần hành vũ trang kéo về 
huyện lỵ. 
Cũng vào tháng 9-1931, Tỉnh ủy Quảng Nam tiến hành vận động một cuộc biểu tình của 
quần chúng để kịp thời hưởng ứng với phong trào đấu tranh ở Quảng Ngãi [3]. 
Từ thực tế phong trào trên đây, có thể khẳng định rằng, trong những năm 1930-1931, 
thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ, Xứ ủy Nam Kỳ, Tỉnh 
ủy và cấp ủy các tỉnh Nam Trung Kỳ đã kịp thời phát động phong trào đấu tranh. Mặc 
dù bị kẻ thù đàn áp, khủng bố khốc liệt, song phong trào đấu tranh ở Nam Trung Kỳ 
diễn ra từ tháng 5-1930, đến tháng 10-1930 bùng nổ mạnh mẽ, quyết liệt, tồn tại đến 
tháng 9-1931, đồng hành cùng với các tỉnh, thành phố ở Bắc Kỳ như Hà Nội, Hà Nam, 
Thái Bình; các tỉnh Bắc Trung Kỳ như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên, Quảng Trị; các 
tỉnh Nam Kỳ như Cao Lãnh, Cần Thơ, Long Xuyên, Chợ Lớn, Gia Định, trong đó, 
Quảng Ngãi được Trung ương Đảng đánh giá là tỉnh có phong trào mạnh nhất ở Nam 
Trung Kỳ: “Quảng Ngãi tuy phong trào chưa bằng Nghệ - Tĩnh nhưng nó mạnh nhất 
trong phía Nam Trung Kỳ” [6, tr. 229]. 
3. KẾT LUẬN 
Phong trào cách mạng ở Nam Trung Kỳ trong những năm 1930-1931 vận động trong 
phạm trù của cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản Việt Nam (sau là Đảng Cộng sản 
Đông Dương) lãnh đạo, thể hiện tính chất cách mạng, gắn mục tiêu chính trị với mục 
tiêu kinh tế, mục tiêu dân tộc với mục tiêu quốc tế, chĩa mũi nhọn vào hai đối tượng là 
ĐẶC ĐIỂM CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở NAM TRUNG KỲ... 123 
đế quốc và phong kiến tay sai, ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh và Liên bang Xô viết, chống 
khủng bố, đòi những quyền lợi kinh tế thiết thân. 
Tuy diễn ra muộn hơn so với một số tỉnh, thành phố ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ, Bắc Trung 
Kỳ, nhưng phong trào Nam Trung Kỳ diễn ra mạnh mẽ, tồn tại bền bỉ cho đến tháng 9-
1931, tiêu biểu nhất là ở Quảng Ngãi. Hình thức đấu tranh ngày càng diễn ra quyết liệt 
với các hình thức từ mít tinh, treo cờ đỏ, rải truyền đơn, treo khẩu hiệu, biểu tình đến 
tuần hành thị uy, có vũ trang tự vệ, thành lập các đội xích vệ, đội phòng triệt, tiu trừ 
Việt gian, xung đột với binh lính thuộc địa... Trước sự đàn áp đẫm máu của kẻ thù, quần 
chúng đấu tranh quả cảm, chấp nhận hy sinh. 
Có thể khẳng định, Nam Trung Kỳ có phong trào đấu tranh mạnh chỉ sau Bắc Trung Kỳ 
(đỉnh cao là Nghệ Tĩnh) trong những năm 1930-1931. Đây là kết quả của quá trình đấu 
tranh yêu nước kiên cường với tinh thần chủ động linh hoạt trong việc tận dụng tình thế 
cách mạng của nhân dân Nam Trung Kỳ dưới tác động của phong trào cách mạng chung 
của cả nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, khẳng định sức mạnh của chủ nghĩa 
cộng sản. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1] Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1981). Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, 
tập I (1920-1954), NXB Sự Thật, Hà Nội. 
[2] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định (1996), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định, tập I 
(1929-1945), NXB Tổng hợp Bình Định. 
[3] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quế Sơn (1985), Lịch sử Đảng bộ huyện Quế Sơn 
(1929-1945), NXB Đà Nẵng. 
[4] Nguyễn Phan Quang (sưu tầm và giới thiệu) (2011). Báo cáo tổng hợp của Mật thám 
Pháp về phong trào cách mạng 1930-1931 ở Đông Dương, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 
số 7 (423)-2011. 
[5] Lê Duẩn (1975). Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, 
tiến lên giành những thắng lợi mới, NXB Sự thật, Hà Nội. 
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (1999). Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2 (1930), NXB Chính trị 
Quốc gia, Hà Nội. 
[7] Đinh Xuân Lâm (Chủ biên, 2012). Lịch sử Việt Nam, tập II, NXB Giáo dục, Hà Nội. 
[8] Note confidentielle, No. 199-C du Septembre 1930 sur le pasage du journal “Dan Lao 
Kho” qui dit que les enfants se sont convertis au communisme, TTLTQGII, Phông: Phủ 
Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ: IIA45/221(3). 
[9] Résidence de Quang Ngai (1931), Rapports sur la situation politique de Quang Ngai du 
1er Octobre 1930 au 1er Février 1931, Tại liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 
Quảng Ngãi. 
[10] Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1985). Lịch sử Việt Nam tập II, NXB Khoa học Xã 
hội, Hà Nội. 
124 TRƯƠNG CÔNG HUỲNH KỲ 
Title: CHARACTERISTICS OF THE REVOLUTIONARY MOVEMENT IN THE SOUTH 
CENTRAL OF VIETNAM THE YEARS 1930-1931 
Abstract: In the years 1930-1931, important historical events took place in Vietnam, reflecting 
the different development trends of the bourgeois nationalist movements (represented by 
Vietnam Nationalist Party) and the people's movement the proletariat with the leadership of the 
Communist Party of Vietnam. In this period of history, the revolutionary movement in the 
South Central of Vietnam only followed the proletarian trend, reflecting the characteristics of 
this movement throughout the country, and also has its own characteristics: that is, despite the 
late explosion in comparison with other areas in the country, but strong, fierce, lasting, typical 
in Quang Ngai. 
Keywords: Vietnam, South Central Vietnam, characteristics, movement, revolution, 1930, 1931. 

File đính kèm:

  • pdfdac_diem_cua_phong_trao_cach_mang_o_nam_trung_ky_nhung_nam_1.pdf