Tổ chức dạy học môn kĩ thuật ở tiểu học vận dụng phương pháp dự án

Dạy học dự án là một kiểu dạy học hiện đại, có tác dụng sâu sắc trong việc rèn luyện các năng lực học tập cho học sinh, tạo cơ hội cho học sinh độc lập nghiên cứu, giải quyết vấn đề thực tiễn đồng thời rèn luyện cho các em năng lực sáng tạo, hợp tác, giao tiếp. . . Đối với học sinh tiểu học, việc rèn luyện cho các em những phẩm chất năng lực kể trên ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách, tạo cơ sở và nền tảng để thực hiện tốt mục tiêu giáo dục trong bối cảnh xã hội hiện tại. Điều này cần phải được thực hiện trong các môn học ở tiểu học nói chung và môn Kĩ thuật nói riêng. Trên cơ sở phân tích khái niệm, đặc điểm và bản chất của dạy học dự án (DHDA), tính phù hợp của DHDA với đặc điểm chương trình môn Kĩ thuật ở tiểu học, với đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh tiểu học, bài viết đề cập tới việc xây dựng quy trình vận dụng phương pháp DHDA trong quá trình dạy học môn học này đồng thời đưa ra những gợi ý về việc vận dụng phương pháp này đối với các chủ đề môn Kĩ thuật trong chương trình lớp 4, 5.

pdf 11 trang thom 04/01/2024 2200
Bạn đang xem tài liệu "Tổ chức dạy học môn kĩ thuật ở tiểu học vận dụng phương pháp dự án", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tổ chức dạy học môn kĩ thuật ở tiểu học vận dụng phương pháp dự án

Tổ chức dạy học môn kĩ thuật ở tiểu học vận dụng phương pháp dự án
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0108
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 6B, pp. 118-128
This paper is available online at 
TỔ CHỨC DẠY HỌCMÔN KĨ THUẬT
Ở TIỂU HỌC VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP DỰ ÁN
Dương Giáng Thiên Hương
Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Dạy học dự án là một kiểu dạy học hiện đại, có tác dụng sâu sắc trong việc rèn
luyện các năng lực học tập cho học sinh, tạo cơ hội cho học sinh độc lập nghiên cứu, giải
quyết vấn đề thực tiễn đồng thời rèn luyện cho các em năng lực sáng tạo, hợp tác, giao
tiếp. . . Đối với học sinh tiểu học, việc rèn luyện cho các em những phẩm chất năng lực kể
trên ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách, tạo cơ sở và nền tảng để thực hiện tốt mục
tiêu giáo dục trong bối cảnh xã hội hiện tại. Điều này cần phải được thực hiện trong các
môn học ở tiểu học nói chung và môn Kĩ thuật nói riêng. Trên cơ sở phân tích khái niệm,
đặc điểm và bản chất của dạy học dự án (DHDA), tính phù hợp của DHDA với đặc điểm
chương trình môn Kĩ thuật ở tiểu học, với đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh tiểu học, bài
viết đề cập tới việc xây dựng quy trình vận dụng phương pháp DHDA trong quá trình dạy
học môn học này đồng thời đưa ra những gợi ý về việc vận dụng phương pháp này đối với
các chủ đề môn Kĩ thuật trong chương trình lớp 4, 5.
Từ khóa: Dạy học dự án, tiểu học, môn Kĩ thuật.
1. Mở đầu
Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt
động của người học, lấy hoạt động của người học làm trung tâm, từ lâu đã trở thành một trong
những nội dung phát triển giáo dục mà ngành giáo dục đang nỗ lực thực hiện. Đã có nhiều công
trình nghiên cứu và tài liệu hướng dẫn thực hiện việc tổ chức hoạt động dạy học lấy học sinh làm
trung tâm, nhấn mạnh tới vai trò chủ đạo, nhận thức tích cực, chủ động, sáng tạo của người học
được triển khai và bước đầu có những hiệu quả nhất định. Phương pháp dạy học dự án là một trong
những phương pháp dạy học đáp ứng với định hướng đổi mới giáo dục đã đề ra. Nó giúp cho học
sinh tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực học tập và áp dụng một cách sáng tạo, kết hợp lí thuyết
và thực hành để giải quyết các vấn đề thực tiễn, giúp người học tạo ra được những sản phẩm thật,
có thể trưng bày và sử dụng, hiểu được sâu sắc hơn ý nghĩa của kiến thức. Không dừng lại ở đó,
dạy học theo dự án tạo điều kiện để học sinh phát triển kĩ năng giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm
và học tập độc lập.
Chính bởi những ưu điểm vượt trội này, phương pháp dạy học dự án được nghiên cứu và
vận dụng ở nhiều nơi trên thế giới, trong nhiều môn học, cấp học theo nhiều hướng nghiên cứu
khác nhau như các nghiên cứu lí luận của Kilpatrick. W. H , Thomas J. W, Blumenfeld. P. C, Frey.
Ngày nhận bài: 15/5/2016. Ngày nhận đăng: 20/7/2016
Liên hệ: Dương Giáng Thiên Hương, e-mail: huongdgt@hnue.edu.vn
118
Tổ chức dạy học môn kĩ thuật ở tiểu học vận dụng phương pháp dự án
K, Knoll. M, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Lăng Bình, Đỗ Hương Trà [1 - 4]. . . ; các nghiên cứu
thực tiễn về hiệu quả của dạy học dự án, phong cách học tập dự án, những thách thức trong dạy
học dự án, giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học dự án hay thiết kế và tổ chức dạy học dự án ở các
cấp học. . . của các tác giả Allison, Boaler J , Edelson D. C, Đỗ Hương Trà [3, 5]. . .
Môn Kĩ thuật trong nhà trường Tiểu học dành cho học sinh lớp 4, lớp 5 nghiên cứu hai thành
phần cơ bản là các phương tiện kĩ thuật và các quá trình sản xuất. Đây là môn học có tính thực
hành cao, giúp học sinh biết cách sử dụng một số dụng cụ lao động đơn giản để cắt khâu thêu trên
vải, nấu ăn, chăm sóc rau hoa, vật nuôi, lắp ghép mô hình kĩ thuật, tạo ra được những sản phẩm có
tính thực tiễn cao, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của các em. Với mục tiêu như trên, quá trình
dạy và học môn Kĩ thuật rất phù hợp với việc vận dụng các phương pháp dạy học hướng đến việc
phát triển năng lực người học, gắn lí thuyết với thực tiễn như PPDA.
Tuy nhiên, việc vận dụng PPDA trong dạy học các môn học ở tiểu học nói chung và đặc
biệt là môn Kĩ thuật nói riêng chưa được quan tâm nghiên cứu, nhận thức của GVTH về PPDA
cũng như việc vận dụng PPDA trong dạy học vẫn còn hạn chế. Thực trạng này đã đặt ra nhiệm vụ
nghiên cứu việc tổ chức dạy học môn Kĩ thuật vận dụng PPDA nhằm góp phần nâng cao khả năng
vận dụng phương pháp này, góp phần đổi mới quá trình giáo dục ở tiểu học hiện nay.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khái quát cơ sở lí luận về dạy học dự án trong dạy học tiểu học
2.1.1. Dự án và phương pháp dạy học dự án
Trong tiếng Anh thuật ngữ “dự án” là “project”, có nguồn gốc từ tiếng Latinh là “proicere”
có nghĩa là phác thảo, dự thảo, thiết kế.
Tác giả Nguyễn Văn Cường cho rằng: Dạy học theo dự án là một hình thức dạy học, trong
đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết với thực hành,
tạo ra các sản phẩm có thể giới thiệu. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao
trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế hoạch, đến việc thực hiện dự án,
kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện. Làm việc nhóm là hình thức cơ bản
của dạy học theo dự án [8].
Với đặc thù của môn Kĩ thuật lớp 4, 5, kết hợp với các đặc điểm cơ bản của DHDA, có thể
nói "Dạy học theo dự án là một phương pháp dạy học, trong đó, học sinh thực hiện một nhiệm vụ
học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết với thực hành, tự lực lập kế hoạch, thực hiện và đánh
giá kết quả. Hình thức làm việc chủ yếu là theo nhóm, kết quả dự án là những sản phẩm hành động
có thể giới thiệu được" [9].
2.1.2. Đặc điểm của phương pháp dự án
Khi vận dụng trong quá trình dạy học môn Kĩ thuật ở tiểu học, DHDA có các đặc điểm cụ
thể và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đó là:
a) Định hướng thực tiễn: Chủ đề của dự án xuất phát từ những tình huống thực tiễn xã hội,
thực tiễn cuộc sống của học sinh tiểu học.
b) Có ý nghĩa thực tiễn xã hội: Các dự án học tập góp phần gắn việc học trong nhà trường
với thực tiễn đời sống, xã hội. Trong những trường hợp lí tưởng, việc thực hiện các dự án có thể
mang lại những tác động xã hội tích cực.
c) Định hướng hứng thú người học: Học sinh được tham gia chọn đề tài, nội dung học tập
119
Dương Giáng Thiên Hương
phù hợp với khả năng và hứng thú cá nhân. Ngoài ra, hứng thú của người học cần được tiếp tục
phát triển trong quá trình thực hiện dự án. Các nhiệm vụ đề ra phải phù hợp với đặc điểm nhận
thức lứa tuổi của học sinh tiểu học.
d) Tính phức hợp: nội dung dự án có sự kết hợp tri thức với nhiều lĩnh vực hoặc môn học
khác nhau nhằm giải quyết một vấn đề mang tính phức hợp. Đối với các chủ đề học tập của môn
KĨ thuật, có thể tích hợp các nội dung môn Khoa học, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và địa lí, Tiếng
Việt, Toán. . . .
e) Định hướng hành động: Trong quá trình thực hiện dự án có sự kết hợp giữa nghiên cứu
lí thuyết và vận dụng lí thuyết vào trong hoạt động thực tiễn, thực hành. Thông qua đó, kiểm tra,
củng cố, mở rộng hiểu biết lí thuyết cũng như rèn luyện kĩ năng hành động, kinh nghiệm thực tiễn
của người học. Với đặc thù môn học được thiết kế theo quan điểm coi trọng thực hành, nội dung
cơ bản thiết thực để học sinh có thể ứng dụng trong cuộc sống, việc định hướng hành động cho
học sinh trong dạy học dự án là rất tương thích.
g) Tính tự lực cao của người học: Trong dạy học dự án, người học cần tham gia tích cực và
tự lực vào các giai đoạn của quá trình dạy học. Điều đó cũng đòi hỏi và khuyến khích tính trách
nhiệm, sự sáng tạo của người học. Tuy nhiên mức độ tự lực cần phù hợp với kinh nghiệm, khả năng
của học sinh và mức độ khó khăn của nhiệm vụ.
h) Cộng tác làm việc: Các dự án học tập thường được thực hiện theo nhóm, trong đó có sự
cộng tác làm việc và sự phân công việc giữa các thành viên trong nhóm. Dạy học dự án đòi hỏi và
rèn luyện tính sẵn sàng và kĩ năng cộng tác làm việc giữa các thành viên tham gia, giữa học sinh
và giáo viên cũng như với các lực lượng xã hội khác tham gia trong dự án. Đặc điểm này còn đuợc
gọi là học tập mang tính xã hội.
i) Định hướng sản phẩm: Trong quá trình thực hiện dự án, các sản phẩm được tạo ra. Sản
phẩm của dự án không giới hạn trong những thu hoạch lí thuyết, mà trong đa số trường hợp các dự
án học tập tạo ra những sản phẩm vật chất của hoạt động thực tiễn, thực hành. Những sản phẩm
này có thể sử dụng, công bố, giới thiệu.
2.2. Quy trình thực hiện dạy học dự án trong dạy học môn Kĩ thuật ở tiểu học
Tham khảo các quy trình thực hiện dạy học dự án của các tác giả đi trước [1], dựa vào đặc
điểm môn học cũng như đặc điểm tâm lí của học sinh tiểu học, chúng tôi xin đề xuất quy trình dạy
học dự án trong dạy học môn Kĩ thuật ở tiểu học bao gồm 3 giai đoạn như sau:
2.2.1. Giai đoạn 1: Lựa chọn chủ đề và lập kế hoạch
Bước 1.1. Lựa chọn chủ đề
Dựa vào mục tiêu và nội dung dạy học của bài học trong từng phần Kĩ thuật mà giáo viên
lựa chọn những bài có thể tích hợp với nhau để tạo thành một dự án học tập cho học sinh.
Sau khi lựa chọn, giáo viên có thể giới thiệu qua các bài học, khơi gợi ra chủ đề bằng cách
đặt các câu hỏi gợi mở, dẫn dắt thuộc một tình huống học tập thực tiễn liên quan đến bài học, gần
gũi với học sinh.
Chủ đề của dự án tối ưu là do học sinh lựa chọn theo sở thích, hứng thú, tự lực thảo luận
nhóm chọn tên dự án sao cho phù hợp với nội dung dự án, tuy nhiên, đối với HS lứa tuổi tiểu học,
GV có thể phải gợi ý, hỗ trợ nếu các em gặp khó khăn.
Bước 1.2. Xây dựng các tiểu chủ đề
Từ chủ đề lớn, giáo viên tổ chức, hướng dẫn học sinh phát triển tìm các chủ đề nhỏ hơn còn
120
Tổ chức dạy học môn kĩ thuật ở tiểu học vận dụng phương pháp dự án
Sơ đồ 1. Quy trình thực hiện dạy học dự án trong môn Kĩ thuật
gọi là tiểu chủ đề. Sơ đồ tư duy là công cụ hiệu quả để xác định, lựa chọn ý tưởng cũng như những
vấn đề cần giải quyết xung quanh dự án. Sơ đồ tư duy để:
- Tập hợp ý kiến của các thành viên;
- Kết hợp các ý tưởng;
- Xây dựng cấu trúc kiến thức;
- Xác định quy mô nghiên cứu;
- Xác định các hoạt động học tập cần thực hiện.
Cách tiến hành như sau:
- Giáo viên ghi chủ đề chính lên bảng, đồng thời cử 1 học sinh ghi lại các ý tưởng.
- Giáo viên đặt câu hỏi để phát triển các ý tưởng. Khi đặt câu hỏi để phát triển ý tưởng, giáo
viên nên sử dụng các câu hỏi có chứa những từ như: Ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Tại sao? Như
thế nào? Trong đó, câu hỏi “Tại sao” và “Như thế nào” là quan trọng nhất.
- Để các ý tưởng phát triển tự do, các ý tưởng đều được tôn trọng, không phê phán.
- Khi không có thêm ý tưởng, sắp xếp kết hợp các ý tưởng, lập sơ đồ tư duy.
- Các nhóm đặt tên cho tiểu chủ đề, đặt tên nhóm và lựa chọn các thành viên tham gia.
Bước 1.3. Sơ bộ xây dựng kế hoạch
Trong bước này, với sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh đề xuất sơ bộ các giải pháp cần
thực hiện để đạt được mục tiêu, dự kiến sản phẩm cần đạt, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phác
thảo cho việc thực hiện dự án. Trong kế hoạch cần xác định những công việc cần làm, thời gian dự
kiến, cách tiến hành, người phụ trách mỗi công việc. . .
- Học sinh xây dựng kế hoạch thực hiện bằng cách trả lời các câu hỏi định hướng:
+ Mục tiêu của dự án là gì? Sản phẩm dự kiến có thể là gì?
+ Để có được sản phẩm cần thực hiện những hoạt động nào?
Ví dụ: Có thể thu thập thông tin ở đâu? Từ nguồn nào? Gặp ai? Địa điểm ở đâu? Ai có thể
121
Dương Giáng Thiên Hương
hỗ trợ/ giúp đỡ quá trình thực hiện.
Làm thế nào để ghi lại thông tin? (chụp ảnh, vẽ, ghi chép, lập bảng). Thời gian thu thập
thông tin là bao lâu?
Có thể tìm các vật liệu và dụng cụ ở đâu?
Có thể thực hiện các công đoạn làm ra sản phẩm ở đâu? Như thế nào? Cần nguồn lực gì,
lấy từ đâu?
- Học sinh trong mỗi nhóm thảo luận:
+ Điền tên các thành viên trong nhóm vào sổ theo dõi dự án;
+ Thống nhất nội dung, câu hỏi tìm hiểu, công việc cần làm;
+ Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết (trả lời theo câu hỏi định hướng của giáo viên);
+ Phân công và ghi rõ nhiệm vụ cá nhân trong sổ theo dõi;
+ Dự kiến sản phẩm của tiểu chủ đề.
2.2.2. Giai đoạn 2: Thực hiện dự án
Bước 2.1. Xây dựng kế hoạch chi tiết
Học sinh tiến hành thảo luận và xây dựng kế hoạch chi tiết cho dự án. Trong kế hoạch phải
thể hiện rõ các công việc cần thực hiện, các phương tiện và dụng cụ cần thiết, dự kiến các nguồn
tài liệu cần khai thác, phương pháp thực hiện các công việc cụ thể, thời gian thực hiện, địa điểm
thực hiện. Kế hoạch chi tiết là phần cụ thể hóa kế hoạch sơ bộ đã tiến hành ở bước 1.3, trong đó
giúp học sinh trả lời được các câu hỏi: phải làm gì, ai làm, làm như thế nào, ở đâu, cần nguồn kinh
phí và tài liệu nào, sản phẩm cần có là gì..
Bước 2.2. Thực hiện kế hoạch
Học sinh tiến hành thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, mỗi thành viên trong nhóm thức hiện
nhiệm vụ của mình, đồng thời thực hiện nhiệm vụ chung của nhóm. Trước những điều kiện khó
lường của thực tiễn, kế hoạch có thể phải điều chỉnh và thay đổi. Nhóm cần chú ý đến việc thảo
luận và ra quyết định khi gặp tình huống này (bước 2.3).
Bước 2.3. Thảo luận và xin ý kiến giáo viên
Trong quá trình thực hiện dự án, có thể nảy sinh các vấn đề thứ cấp, các thành viên trong
nhóm cần trao đổi, đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề đó, đồng thời xin ý kiến của giáo viên,
có sự giúp đỡ kịp thời để đảm bảo tiến độ và hướng đi của dự án. Những hoạt động đã đề xuất
trong kế hoạch, khi thực hiện có khó khăn, trở ngại, học sinh cũng cần tiến hành như vậy. Tất cả
các hoạt động theo kế hoạch cần được ghi chép cẩn thận, có sự trao đổi thường xuyên giữa các học
sinh trong nhóm và với giáo viên để kiểm soát tiến độ dự án.
2.2.3. Giai đoạn 3: Kết thúc dự án
Bước 3.1. Thu thập sản phẩm và tổng hợp báo cáo
Tổng hợp tất cả các kết quả của các hoạt động đã thực hiện thành sản phẩm cuối cùng. Sản
phẩm này có thể được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau.
Khi đó, học sinh cần chuẩn bị sản phẩm theo phân công nhiệm vụ của cá nhân trong nhóm.
Ngoài ra, giáo viên có thể tư vấn, trao đổi về kết quả thu được, hình thức trình bày của các nhóm
trong suốt quá trình chuẩn bị báo cáo sản phẩm.
Bước 3.2. Trình bày, báo cáo kết quả
Các nhóm phân công các thành viên tham gia trình bày báo cáo dưới các hình thức như: bài
122
Tổ chức dạy học môn kĩ thuật ở tiểu học vận dụng phương pháp dự án
thuyết trình, biểu diễn (đóng kịch, hát, múa, thơ,. . . ), trưng bày triển lãm (tranh ảnh, mô hình. . . ),
powperpoint. . .
Bước 3.3. Đánh giá, rút kinh nghiệm và hệ thống hóa kiến thức
Các nhóm luân phiên trình bày sản phẩm của dự án mà nhóm mình thực hiện. Trong quá
trình trình bày, các nhóm khác và GV có thể “chất vấn”, đưa ra các câu hỏi hoặc phản biện để làm
rõ những vấn đề còn băn khoăn.
Sau đó, các nhóm sẽ tự đánh giá, đánh giá sản phẩm của nhau cũng như đánh giá toàn bộ
quá trình thực hiện dự án. Giáo viên là người đánh giá cuối cùng. Đồng thời, giáo viên cũng cần
chốt lại kiến thức, hệ thống hoá lại một cách khoa học những gì mà học sinh cần ghi nhớ sau khi
hoàn thành dự án.
2.3. Gợi ý xây dựng dự án học tập trong chương trình môn Kĩ thuật ở Tiểu học
Bảng 1. Lớp 4
Chủ đề Bài Gợi ý dự án Thời gian
thực hiện
Cắt,
khâu,
thêu
Bài 8: Cắt, khâu, thêu
sản phẩm tự chọn
- Tên dự án: Biểu tượng của dân tộc – Áo dài Việt
Nam
- Loại dự án: Dự án lớn
- Tích hợp với nội dung: Lịch sử, Mĩ thuật
- Hoạt động chủ yếu:
+ Học sinh tìm hiểu các kiến thức về áo dài như: chất
liệu, màu sắc, kiểu dáng, hoa văn, họa tiết qua từng
thời kì; áo dài trong thi ca, hội họa,. . .
+ Học sinh có thể vận dụng các kĩ năng như cắt, khâu,
thêu, vẽ, dán, in. . . để thiết kế và làm các sản phẩm áo
dài cho búp bê, hoàn thiện các sản phẩm áo dài cho
bản thân sử dụng trong dịp lễ. . .
+ Học sinh có thể tham quan, thu thập thông tin tại các
bảo tàng, các cơ sở may áo dài, sưu tầm một số loại
nguyên vật may áo dài như: các mẫu vải, chỉ thêu,
khuy, cúc áo,. . . ; các dụng cụ sử dụng khi may áo dài;
sự chuyển đổi phương tiện cũng như mẫu thiết kế qua
các giai đoạn
+ Sưu tầm các bài hát, bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của chiếc
áo dài..
- Dự kiến sản phẩm: báo tường, thuyết trình
powerpoint, trình diễn trang phục, thi thiết kế thời
trang, thi cắt may áo dài cho búp bê. . . ; các bài hát,
bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của áo dài. . .
2 tuần
Trồng
rau,
hoa
Bài 10: Vật liệu và
dụng cụ trồng rau,
hoa.
Bài 11: Điều kiện
ngoại cảnh của cây
rau, hoa
- Tên dự án: Người trồng rau, hoa tài năng
- Loại dự án: Dự án lớn
- Tích hợp với nội dung các môn học: Phần Địa lí;
Khoa học
- Hoạt động chủ yếu:
4 tuần
123
Dương Giáng Thiên Hương
Bài 12: Trồng cây
rau, hoa
Bài 13: Chăm sóc
rau, hoa
+ Học sinh tìm hiểu các kiến thức về vật liệu, dụng cụ
trồng rau hoa, cũng như điều kiện ngoại cảnh của cây
rau, hoa.
+ Học sinh có thể sưu tầm hoặc chụp ảnh các loại
dụng cụ trồng rau, hoa. . . ,
+ Học sinh có thể sưu tầm các loại hạt giống cây trồng
tiêu biểu, các mẫu phân bón, mẫu đất khác nhau ở địa
phương .. . Ngoài ra, các em có thể phỏng vấn những
chuyên gia nông nghiệp, các bác nông dân để thu thập
thông tin, kiến thức.
+ Học sinh có thể tìm hiểu các điều kiện ngoại cảnh
ảnh hưởng đến việc trồng rau và hoa tại địa phương,
các kinh nghiệm trồng trọt tại địa phương. . . ; tìm hiểu
các phương pháp trồng ra hoa đang được sử dụng tại
địa phương.
+ Học sinh có thể tham gia một khâu trong quá trình
trồng trọt một sản phẩm nông nghiệp tại địa phương,
trồng rau mầm tại nhà, . . . chụp ảnh và nêu các ý kiến
nhận xét.
+ Đề xuất các mô hình trồng rau hoa hiệu quả tại địa
phương trên cơ sở học tập các mô hình trên cả nước,
so sánh với điều kiện hiện tại
+ Sáng tác thơ văn, vẽ tranh có chủ đề liên quan
- Dự kiến sản phẩm: thuyết trình powerpoint, bảng
mẫu đất, bảng mẫu hạt giống, các hình ảnh về điều
kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến cây trồng tại địa
phương, các sản phẩm nông nghiệp thu thập được,
đóng vai chuyên gia để thuyết trình, mô hình các dụng
cụ trồng rau hoa, trưng bày các tác phẩm thơ văn,
tranh vẽ. . .
Bảng 2. Lớp 5
Chủ đề Bài Gợi ý dự án Thời gian
thực hiện
Nấu ăn
Bài 9: Cắt, khâu thêu
hoặc nấu ăn tự chọn
Bài 11: Hướng dẫn
cách bày bàn ăn. . .
Bài 12: Thi khéo tay
- Tên dự án: Ngày Tết cổ truyền ở quê em
- Loại dự án: Dự án lớn
- Tích hợp với các nội dung thuộc phânmôn Thủ công,
Mĩ thuật, phần Lịch sử, Khoa học.
- Hoạt động chủ yếu:
+ Học sinh tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc trong ngày
Tết cổ truyền, đặc biệt là về ẩm thực (các món ăn
cổ truyền, nguồn gốc, ý nghĩa, cách làm) và một số
phong tục ngày Tết tại địa phương.
+ Học sinh tìm hiểu về các trò chơi dân gian , các lễ
hội thường diễn ra tại địa phương trong dịp tết
+ Học sinh thực hành làm một số món ăn cổ truyền
ngày tết (bánh, chè, canh, bánh trưng. . . ).
3 tuần
(chọn thời
điểm sát
Tết âm
lịch)
124
Tổ chức dạy học môn kĩ thuật ở tiểu học vận dụng phương pháp dự án
+ Thiết kế chương trình gameshow cho trẻ em địa
phương trong dịp tết.
+ Học sinh tham dự các triển lãm, hội chợ dịp Tết,
được tự mình tham gia mua các nguyên vật liệu và đồ
phục vụ tết, tập bày biện mâm ngũ quả, trang trí nhà
cửa, cắt dán trang trí. . .
- Dự kiến sản phẩm: các bài thuyết trình, clip, tranh
ảnh, vật thật về các món ăn trong ngày Tết, các bài thơ,
câu đối do các em tự sáng tác về ngày Tết, một số tiết
mục văn nghệ, những chiếc bánh chưng, những chiếc
phong bao lì xì do các em tự làm, gameshow cho các
bạn trong lớp tìm hiểu về phong tục ngày Tết, thi vẽ
tranh với chủ đề Ngày Tết quê em.
Nuôi
gà
Bài 10: Lợi ích của
việc nuôi gà
Bài 11: Một số giống
gà được nuôi nhiều ở
nước ta.
Bài 13: Nuôi dưỡng
gà.
Bài 14: Chăm sóc gà.
Bài 15: Vệ sinh,
phòng bệnh cho gà.
- Tên dự án: Nuôi gà – Việc của các bác nông dân?
- Loại dự án: Dự án lớn
- Tích hợp với nội dung các môn học: Mĩ thuật, Khoa
học
- Hoạt động chủ yếu:
+ Học sinh tìm hiểu các kiến thức về lợi ích, tác dụng
của việc nuôi gà, biết và nhận diện được một số giống
gà được nuôi nhiều ở nước ta bằng cách thu thập thông
tin, tư liệu từ sách báo, mạng Internet, hỏi người lớn,
đi tham quan trang trại nuôi gà, phỏng vấn người nuôi
gà về đặc điểm của các giống gà. . .
+ Học sinh tìm hiểu điều kiện nuôi dưỡng gà, đặc
điểm của địa phương phù hợp với việc nuôi gà, các
loại thức ăn cho gà, cách chế biến thức ăn cho gà (nuôi
hộ gia đình hay nuôi công nghiệp), cách chăm sóc
gà, vệ sinh và phòng bệnh cho gà. . . thông qua các
phương tiện thông tin đại chúng, phỏng vấn chuyên
gia
+ Học sinh tìm hiểu về các giống gà được nuôi phổ
biến tại địa phương (phỏng vấn cha mẹ, người thân
trong gia đình, các lãnh đạo tại phường, xã...)
+ Học sinh tìm hiểu quy trình phân phối sản phẩm từ
gà, quy trình xử lí chất thải khi nuôi gà, tập phân phối
sản phẩm tại địa phương. . . Có thể tập chế biến thức
ăn cho gà, thành lập các mô hình truyền thông về sản
phẩm nông nghiệp của địa phương trong đó có gà thịt,
gà đẻ trứng. . .
- Dự kiến sản phẩm: báo tường, thuyết trình
Powerpoint, tranh học sinh vẽ về các giống gà,
gameshow học sinh tự tổ chức cho các bạn trong lớp
để tìm hiểu về các giống gà,. . .
4-5 tuần
2.4. Tổ chức dạy học các chủ đề môn Kĩ thuật ở tiểu học vận dụng phương pháp
dạy học dự án
Chúng tôi đã tiến hành làm thực nghiệm sư phạm việc tổ chức dạy học chủ đề “Cắt khâu
thêu” vận dụng phương pháp dự án cho học sinh lớp 4, trường tiểu học Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy,
125
Dương Giáng Thiên Hương
Thành phố Hà Nội. Qua quan sát quá trình thực hiện dự án của học sinh, chúng tôi nhận thấy:
- Ở lớp thực nghiệm, học sinh rất hứng thú với việc học tập theo nội dung và phương pháp
mới này. Các em làm việc rất say mê, tích cực, nhiệt tình trong tất cả các họat động của dự án, từ
việc tham gia phát triển mạng ý tưởng, lập kế hoạch học tập đến việc thu thập, tìm kiếm thông tin
từ nhiều nguồn để chuẩn bị cho sản phẩm cuối cùng của nhóm mình. Trong tiết báo cáo sản phẩm,
tiết học thể hiện toàn bộ thành quả của các em, học sinh tham gia với tinh thần háo hức, ở đây kĩ
năng trình bày của học sinh được thể hiện rõ nét. Các em nói kết hợp minh họa tranh ảnh trên máy
tính, báo tường, một số nhóm còn có vật thật. Học sinh thực sự chủ động, tự tin, mạnh dạn trình
bày rất thuyết phục nội dung, ý tưởng sản phẩm của nhóm mình. Phần đặt câu hỏi cho thấy học
sinh có khả năng bao quát vấn đề, biết cách đặt câu hỏi hay, hợp lí. Phần trả lời câu hỏi thể hiện sự
am hiểu cũng như nhạy bén của học sinh. Nhiều học sinh đã thực sự bộc lộ khả năng tiềm ẩn của
mình.
- Ngoài sự hứng thú trong học tập, tinh thần hợp tác làm việc vì tập thể càng thể hiện rõ nét
ở học sinh. Các em cùng nhau tìm kiếm, phân tích thông tin, đưa ra ý tưởng cũng như nội dung cho
sản phẩm của mình và cuối cùng là trang trí sản phẩm. Có những học sinh thường ngày nhút nhát,
thụ động nhưng khi tham gia học theo dự án đã rất háo hức, nhiệt tình tham gia các họat động vì
kết quả chung của cả nhóm. Tham gia thực hiện dự án học sinh có cơ hội được sử dụng các phương
tiện hiện đại như máy vi tính để phục vụ cho việc tìm kiếm thông tin trên Internet và trình bày báo
cáo bằng Powerpoint.
Bên cạnh đó, do các công việc dự án được phân công cụ thể cho từng học sinh và được học
sinh thực hiện nghiêm túc nên chất lượng sản phẩm của các nhóm tương đối tốt. Qua đó, học sinh
tích lũy được các kiến thức về đặc điểm, cấu tạo của áo dài, lịch sử phát triển của áo dài cũng như
vẻ đẹp của áo dài trong thi ca, nhạc họa,. . . Và bước đầu, thông qua dự án đã giúp học sinh hình
thành những kĩ năng cần thiết như: Lập kế hoạch, ghi chép nhật kí hoạt động, giải quyết vấn đề. . .
Bên cạnh những thuận lợi đã nêu trên, trong quá trình thực nghiệm sư phạm vẫn còn tồn tại
một vài khó khăn nhất định như sau:
* Về phía học sinh:
- Sĩ số lớp học khá đông: 60 học sinh, điều này phần nào ảnh hưởng đến việc chia nhóm làm
việc, phân chia công việc trong từng nhóm cũng như sự kiểm soát hiệu quả làm việc của giáo viên
với từng em học sinh. Thật vậy, khi chia lớp thành 4 nhóm tức là 15 học sinh/1 nhóm, các em phải
chia nhỏ nhiệm vụ ra thành nhiều phần, một số nhóm phân chia chưa hợp lí dẫn đến tình trạng có
những em làm quá nhiều việc và có những em lại chầu rìa. Đồng thời sĩ số đông cũng khiến cho
giáo viên khó nắm bắt tình hình làm việc, biết được những băn khoăn, thắc mắc của từng em trong
quá trình thực hiện dự án để kịp thời giải đáp, giúp đỡ. Cuối cùng, lớp đông học sinh gây khó khăn
trong việc kiểm soát trật tự và an toàn cho các em trong một số hoạt động nhất định của dự án như
khi đi tham quan hay tham gia các hoạt động tập thể.
- Học sinh Tiểu học hiện nay, nhất là học sinh thành phố, ngoài giờ học chính khóa tại
trường, các em ít có cơ hội được tự mình ra ngoài khám phá, tìm hiểu thực tế. Do một số nguyên
nhân khách quan về tình hình an ninh – trật tự xã hội, để đảm bảo an toàn cho các em, phụ huynh ở
thành phố thường không cho phép con em ra khỏi nhà nếu không có sự kiểm soát của người thân.
Điều này phần nào đã làm hạn chế việc các em đi thực tế tìm hiểu, thu thập thông tin, hình ảnh về
bài học, dẫn tới tình trạng học sinh thường phải nhờ bố mẹ làm thay con hoặc chỉ thu thập thông
tin qua mạng Internet tại gia đình.
- Ngoài thời gian học cả ngày ở trường, tối về, các em học sinh Tiểu học ở thành phố hiện
nay còn phải hoàn thành bài tập trên lớp, chuẩn bị cho bài học ngày mai. Một số em còn thường
126
Tổ chức dạy học môn kĩ thuật ở tiểu học vận dụng phương pháp dự án
xuyên tham gia các lớp học phụ đạo năng khiếu vào buổi tối hoặc cuối tuần. Chính những điều này
khiến quỹ thời gian của các em khá hạn hẹp, phần nào gây ảnh hưởng đến việc đi thực tế, tìm hiểu
cuộc sống xung quanh mình để phục vụ cho các nội dung của dự án, cũng như khiến các em khó
có thể đầu tư công sức cho các sản phẩm dự án được phong phú, đa dạng, hấp dẫn.
- Học sinh còn gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng máy tính, nhất là phần mềm trình
chiếu Powerpoint trong khi điều kiện cơ sở vật chất không đủ để giáo viên có thể hướng dẫn, giải
đáp hết những thắc mắc của các em.
- Ngoài ra, một số khó khăn khác như: học sinh khó duy trì hứng thú trong suốt quá trình
tham gia dự án, một số em gặp khó khăn nhanh chán nản; hoạt động nhóm cũng gặp khó khăn
trong quá trình triển khai kế hoạch thu thập dữ liệu, sắp xếp công việc; một số kĩ năng mềm của
các em, chẳng hạn như thuyết trình, giao tiếp, hợp tác, lắng nghe ý kiến người khác cũng còn hạn
chế, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Các khó khăn đó có thể là hệ quả của quá trình học tập theo lối ghi nhớ kiến thức, bắt chước
làm theo. Dạy học dự án hướng tới rèn luyện năng lực hành động của học sinh, tập dượt cho học
sinh giải quyết các vấn đề trong đời sống thực, khắc phục khiếm khuyết của dạy học truyền thống
là chưa chú ý đúng mức đến việc phát triển năng lực hành động của người học. Vì thế xét cho
cùng, những khó khăn trên vừa là rào cản tất yếu mà dạy học dự án phải vượt qua, vừa là cái đích
mà dạy học dự án nhắm tới khắc phục. Việc khắc phục được khó khăn đó đồng nghĩa với việc đạt
được mục tiêu của dạy học dự án.
* Về phía giáo viên: Hai khó khăn lớn mà giáo viên gặp phải trong quá trình tổ chức dạy
học dự án cho học sinh đó là: Lựa chọn thời gian thực hiện dự án sao cho các họat động có thể
diễn ra thuận lợi nhất, phù hợp với các em học sinh nhất; Cân bằng giữa sự tự kiểm soát của giáo
viên và sự tự lực của học sinh.
3. Kết luận
Dạy học dự án là một kiểu dạy học hiện đại, tuy có nhiều ưu thế song khi vận dụng trong
dạy học ở Việt Nam, đặc biệt là đối với học sinh tiểu học trong môn Kĩ thuật cũng bộc lộ những
hạn chế khách quan và chủ quan. Những khó khăn đó xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lí của học
sinh tiểu học, cấu trúc mô hình lớp học ở tiểu học cũng như xuất phát từ chính nhận thức và sự
tận tụy của giáo viên. Việc thường xuyên đánh giá, động viên học sinh kịp thời cũng có tác động
không nhỏ đến thành công của dự án. Thực nghiệm sư phạm đã chứng tỏ, việc vận dụng PPDHDA
trong dạy học môn Kĩ thuật ở tiểu học là khả thi, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu sâu và rộng hơn
nữa với các môn học khác ở tiểu học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Kilpatrick W. H., 1918. The project methode. Teachers College (Record 19), pp. 319 – 334.
[2] Thomas J.W., 2003. Ph.D, A review of research on Project – Based learning. San Rafael,
California.
[3] Blumenfeld, P.C., Krajcik. J.S, Marx R.W., Soloway E., 1994. Lessons learned: How
collaboration helped middle grape science teachers learn project – based instruction.
Elementary School Journal, 94, 5, 539 – 551.
[4] Bộ Giáo dục và đào tạo, 2006. Chương trình Giáo dục phổ thông – Cấp tiểu học. Nhà xuất
bản Giáo dục.
[5] Nguyễn Lăng Bình (chủ biên), Đỗ Hương Trà, Nguyễn Phương Hồng, Cao Thị Thặng 2010.
Dạy và học tích cực – một số phương pháp và kĩ thuật dạy học. Nxb Đại học Sư phạm.
127
Dương Giáng Thiên Hương
[6] Đỗ Hương Trà, 2012. Các kiểu tổ chức dạy học hiện đại trong dạy học Vật lí ở trường phổ
thông. Nxb Đại học Sư phạm.
[7] Đào Quang Trung, 2014. Phương pháp dạy học Thủ công Kĩ thuật ở tiểu học. Nxb Đại học Sư
phạm.
[8] Dương Giáng Thiên Hương, 2013. Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tiểu học. Nxb Đại học Sư
phạm Hà Nội.
[9] Nguyễn Văn Cường, Bernd Meier, 2013. Lí luận dạy học hiện đại. Nxb Đại học Sư phạm.
ABSTRACT
Teaching and learning Engineering in primary schools using the project method
Duong Giang Thien Huong
Faculty of Primary Education, Hanoi National University of Education
The project method, also called the project approach and project–based learning, is a
modern teaching approach. It is very effective in fostering not only learning capacities for students
but also giving them more opportunities to study independently, to solve real problems and to
teach them creativity, collaboration and investigative skills. For elementary schools, bringing to
students these skills and capacities has become increasingly necessary and urgent, create a basic
background to carry out the education objective in the current social context. This needs to be
done in all subjects in primary education and in Engineering in particular. Based on the analysis
of the concept, characteristic and nature of the project method, the relevance of project method
to Engineering curriculum and the psychological characteristics of primary students, the article
refers to the process of the project method in learning and teaching, and suggests ways to improve
the application of this method in primary education.
Keywords: project method, primary education, Engineering.
128

File đính kèm:

  • pdfto_chuc_day_hoc_mon_ki_thuat_o_tieu_hoc_van_dung_phuong_phap.pdf