Nghệ thuật kiến trúc và tạo hình của người Maya cổ đại

Nền văn minh của người Maya cổ đại là một trong những nền văn

minh lớn ở châu Mỹ trước khi người Tây Ban Nha xâm lược vào thế kỷ

XVI. Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, người Maya đã đạt được

nhiều thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, khoa

học tự nhiên. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu, nghiên cứu

nghệ thuật kiến trúc và tạo hình của người Maya, nhằm giúp độc giả hiểu rõ

hơn về những giá trị nghệ thuật của nền văn minh Maya cổ đại.

pdf 7 trang kimcuc 12800
Bạn đang xem tài liệu "Nghệ thuật kiến trúc và tạo hình của người Maya cổ đại", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Nghệ thuật kiến trúc và tạo hình của người Maya cổ đại

Nghệ thuật kiến trúc và tạo hình của người Maya cổ đại
 NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC VÀ TẠO HÌNH CỦA NGƯỜI MAYA CỔ ĐẠI 
 NGUYỄN TUẤN BÌNH 
 Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế 
 Tóm tắt: Nền văn minh của người Maya cổ đại là một trong những nền văn 
 minh lớn ở châu Mỹ trước khi người Tây Ban Nha xâm lược vào thế kỷ 
 XVI. Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, người Maya đã đạt được 
 nhiều thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, khoa 
 học tự nhiên... Trong bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu, nghiên cứu 
 nghệ thuật kiến trúc và tạo hình của người Maya, nhằm giúp độc giả hiểu rõ 
 hơn về những giá trị nghệ thuật của nền văn minh Maya cổ đại. 
Trước khi nhà hàng hải Christopher Columbus (1451-1506) phát hiện ra châu Mỹ, trên 
“vùng đất mới” này đã từng tồn tại các nền văn minh cổ kính, rực rỡ của người Indian, 
trong đó có nền văn minh của tộc người Maya cổ đại. Nền văn minh Maya là một trong 
những nền văn minh có trình độ phát triển cao ở Tân thế giới. Từ những thế kỷ sau cùng 
trước Công Nguyên đến thế kỷ IX sau Công Nguyên, nền văn minh Maya phát triển 
mạnh mẽ ở bán đảo Yucatan (lãnh thổ của Mexico, Guatemala, Honduras, Belize và El 
Salvador ngày nay). Lịch sử tộc người Maya đã trải qua nhiều triều đại với biết bao vị 
vua ngự trị ở các thành phố lớn như: Copan, Tikal, Palenque, Uxmal, Chichen Itza... 
Trong suốt quá trình tồn tại của mình, người Maya đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật 
về văn hoá, nghệ thuật, khoa học tự nhiên... Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đi sâu 
nghiên cứu, tìm hiểu về những thành tựu nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo hình của 
người Maya, qua đó để thấy được sức lao động mạnh mẽ, sáng tạo của họ trong quá 
trình tồn tại và phát triển. Những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ... là một 
trong những bằng chứng cụ thể chứng minh cho thời kỳ phát triển đỉnh cao của người 
Maya cổ đại. 
1. KIẾN TRÚC 
Giống như kiến trúc Hy Lạp - La Mã cổ đại, kiến trúc Maya có hàng nghìn năm tuổi và 
được đánh giá là một nền nghệ thuật độc đáo và hiếm có. Trong suốt chiều dài của nền 
văn hoá Maya, những trung tâm tôn giáo, thương mại và chính quyền nhà nước đã được 
xây dựng ở các thành phố lớn, bao gồm Chichen Itza, Tikal, Copan, Uxmal... Các công 
trình kiến trúc của người Maya đã ghi lại dấu ấn những thời kỳ phát triển huy hoàng của 
dân tộc. Do tính chất của đời sống xã hội, kiến trúc Maya chịu ảnh hưởng từ tôn giáo, 
tín ngưỡng. Thông qua sự quan sát về nhiều yếu tố phù hợp và những nét nghệ thuật đặc 
sắc, các di tích của kiến trúc Maya là chìa khoá quan trọng để nghiên cứu sự phát triển 
của nền văn minh này. 
Người Maya xây dựng các công trình kiến trúc trong những khoảng thời gian khác 
nhau, theo những loại hình, độ cao thấp khác nhau. Những thành phố của người Maya 
được xây dựng một cách ngẫu nhiên theo mỗi vị trí độ c lập của đị a hình. Kiến trúc 
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế 
ISSN 1859-1612, Số 04(12)/2009: tr. 98-104 
NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC VÀ TẠO HÌNH CỦA NGƯỜI MAYA CỔ ĐẠI 99 
Maya hướng tới một trình độ cao của những nét đặc trưng tự nhiên. Ví dụ, một số thành 
phố tồn tại trên những đồng bằng đá vôi bằng phẳng ở phía bắc bán đảo Yucatan đã 
phát triển nhiều đô thị lớn trải dài; trong khi đó một số khác được xây dựng trên những 
ngọn đồi của lưu vực sông Usumacinta sử dụng dãy đất tự nhiên của địa hình để làm 
nên những ngọn tháp và đền thờ với độ cao hùng vĩ [8]. 
Mỗi một thành phố của người Maya là một quần thể kiến trúc đồ sộ. Ở trung tâm thành 
phố là một quảng trường lớn. Đây là địa điểm tụ họp của mọi người trong các dịp lễ hội. 
Các quảng trường này là trọng tâm của sự thiết kế xây dựng thành phố. Bao quanh 
quảng trường là cung điện, các kim tự tháp, đền thờ, sân bóng... Bên ngoài trung tâm 
thành phố là những ngôi nhà giản dị của người dân. “Tại khu trung tâm của thành phố 
Tikal có một quảng trường rộng lớn, là nơi cử hành nghi lễ, rộng khoảng 2,5 km2. 
Quảng trường này ở hai phía Đông Tây có xây dựng kim tự tháp, phía Bắc có thành 
bảo vệ kiểu Hy Lạp cổ. Cách xa những công trình này, có khoảng đất rộng chừng 16 
km2 làm nơi nhà ở, có thể ở được từ 1 - 4,5 vạn người” [2, tr. 150]. 
Các công trình kiến trúc của người Maya được xây dựng trên một cái nền bằng phẳng, 
cao hơn mặt đất. Nó chiếm vị trí tại trung tâm và từ trên cao nhìn xuống, để tăng thêm 
cảm giác kính sợ của mọi người đối với những kiến trúc tôn giáo. Đồng thời, nó cũng 
giúp cho những người tham gia hoạt động tôn giáo nhìn thấy rõ những nghi thức đang 
tiến hành ở trên nền cao. Kiến trúc của người Maya có những nét độc đáo, nhất là kỹ 
thuật xây tháp với những khối đá nặng trên đỉnh đồi. “Những cột, tường lớn với đường 
nét cứng xuất hiện trên đỉnh đồi cao dưới ánh nắng mặt trời chói chang gây cho con 
người một cảm giác bị chế ngự nặng nề” [4, tr. 37]. Mặc dù thiếu những công nghệ tiên 
tiến như các công cụ kim loại, ròng rọc... nhưng với nguồn nhân lực phong phú, người 
Maya đã xây dựng nên các công trình kiến trúc đặc sắc của mình. 
Tất cả các loại đá phục vụ cho việc xây dựng đều được lấy từ các mỏ đá ở địa phương. 
Người Maya thường sử dụng đá vôi, một loại đá mềm và dễ chế biến [8]. Phần lớn 
những tảng đá riêng lẻ sử dụng trong công trình đều nhỏ, trọng lượng đủ cho một người 
thợ có thể mang vác. Tuy nhiên, để tạo ấn tượng ở mặt tiền công trình như: bậc thang, 
hàng lan can..., người Maya cũng sử dụng các tảng đá lớn. Nhằm tăng kết cấu công 
trình, phần lớn vữa của người Maya là đá vôi được nghiền, đốt và trộn có những tính 
chất của ximăng ngày nay. Vữa này được sử dụng phổ biến cho việc tô tường. Bên cạnh 
đó, họ dùng một hỗn hợp đá vôi hoặc đất được nghiền nát trộn lẫn với đá dăm làm 
nguyên liệu xây dựng. Để che lấp lớp đá bên trong, người Maya quét một lớp vữa mỏng 
và tô sơn lên bề mặt. Còn đá vôi được đẽo gọt và thạch cao được dùng để tô hoặc lát 
mặt bằng. Mặt chính diện của các công trình kiến trúc được trang trí bằng hoa văn và 
những bức bích họa vẽ trên các phiến đá. Đối với những ngôi nhà bình thường, những 
cột gỗ, gạch sống và lá tranh là các vật liệu xây dựng chủ yếu. 
Theo lịch pháp Maya, sau 52 năm, tức là một thế kỷ theo cách gọi của người Maya, các 
đền thờ và kim tự tháp được sửa chữa và xây dựng lại. Quá trình xây dựng thường được 
tiến hành theo mệnh lệnh của người cầm quyền mới hoặc phục vụ cho những sự kiện 
chính trị quan trọng. Tuy nhiên, quy trình xây dựng lại trên đỉnh của công trình cũ là 
100 NGUYỄN TUẤN BÌNH 
một việc làm bình thường. Ví dụ, công trình North Acropolis ở Tikal được xem như là 
tổng thể của 1.500 năm của sự biến đổi kiến trúc [9]. 
Nhìn chung, kiến trúc Maya chủ yếu gồm các loại hình: cung điện của vua chúa, quý 
tộc, tăng lữ; kim tự tháp bậc thang hình chóp cụt; sân bóng; đền thờ. 
Loại hình kiến trúc thứ nhất là lâu đài, cung điện. 
Các lâu đài, cung điện được xây dựng ở những khu đất bằng phẳng thuộc trung tâm của 
thành phố. “Cung điện thường có rất nhiều phòng, nhiều cửa ra vào và cửa sổ. Các 
vòm giả và các vòm viền là nét chủ đạo trong nghệ thuật kiến trúc của người Maya. Họ 
không xây trần nhà phẳng. Xung quanh tường là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật 
kiến trúc và điêu khắc. Sự phối hợp giữa các đường nét, màu sắc, ánh sáng... cùng với 
các hình vẽ, các tượng đắp nổi đã mang lại hiệu quả cao cho các công trình” [1, tr. 44]. 
Loại hình kiến trúc cung điện có mặt ở trung tâm các thành phố lớn của người Maya 
như: Copan, Tikal, Palenque, Chichen Itza, Uxmal... 
Loại hình kiến trúc thứ hai là kim tự tháp bậc thang. 
Kim tự tháp bậc thang của người Maya (gọi là El Castillo) được sử dụng như các đền 
thờ tế thần linh. Kim tự tháp ở đây không đồ sộ như kim tự tháp ở Ai Cập, nhưng lại là 
một công trình kiến trúc được chạm trổ công phu, tạo nên một phong cách kiến trúc đặc 
sắc. Mỗi kim tự tháp đều có những bậc thang thẳng đứng - “đây là cây cầu nối liền thế 
giới thần linh với thế giới trần tục” [6, tr. 151]. Các vị thần sẽ từ thượng giới xuống trần 
gian bằng những cái thang này. Đó cũng là phương tiện để các pháp sư cầu mưa thuận 
gió hòa. 
Các kim tự tháp của người Maya mang trên mình những dấu ấn nói lên sự hiểu biết cơ 
bản và chính xác về thiên văn học của những người sáng tạo chúng, từ sự bố trí đến số 
lượng bậc đá. Người Maya xây dựng kim tự tháp theo nguyên tắc: mỗi bậc thang tương 
ứng với một ngày, mỗi tầng tương ứng với một tháng, bậc thang cao nhất trên đỉnh là 
ngày thứ 365 của năm, và là bàn thờ các vị thần. Trên mặt phẳng ở đỉnh kim tự tháp, 
người Maya xây đền thờ và dựng các bức tượng thần linh. Họ quan niệm đây là nơi gần 
nhất để bước lên thiên đường. Khoảng đất rộng nằm trải dài dưới chân kim tự tháp là 
nơi dân chúng tập trung hành lễ, cúng tế và ca múa trong các lễ hội. 
Một trong những kim tự tháp nổi tiếng nhất của người Maya là kim tự tháp Kukulcan 
(tên Maya của vua Quetzalcoatl) ở thành phố Chichen Itza. Công trình này cao 24m, có 
đáy hình vuông, mỗi cạnh dài 60m. Trên đỉnh của kim tự tháp là đền thờ cao 6m. Người 
Maya đã xây dựng bốn cầu thang ở bốn hướng dẫn đến ngôi đền. Bốn cầu thang này có 
tổng cộng là 364 bậc thang (91 bậc/1 cầu thang), cộng với nền của đền thờ là 365 bậc, 
tượng trưng cho 365 ngày trong một năm theo lịch của người Maya. Tầng trên cùng của 
kim tự tháp Kukulcan là đền thờ thần rắn Kukulcan (Rắn Lông Vũ), được biểu tượng 
bằng một con vật có cả những đặc tính của chim và rắn. Trong ngôi đền còn có ngai 
vàng hình con báo châu Mỹ được đẽo từ đá, sơn màu đỏ, tráng ngọc bích của thần 
Kukulcan. Mặt ngoài của kim tự tháp được tô điểm bằng nhiều hoa văn được sắp xếp 
cầu kỳ tạo nên các dải băng ngang, phân bức tường thành những khoảng cách đều nhau. 
NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC VÀ TẠO HÌNH CỦA NGƯỜI MAYA CỔ ĐẠI 101 
Những bậc thang đi lên của kim tự tháp đều nhìn thẳng về các hướng chính Bắc, chính 
Nam, chính Đông và chính Tây. Vào buổi sáng, ánh mặt trời sẽ chiếu thẳng vào phần 
đầu đến phần đuôi của bức tượng thần rắn đặt trên chóp đỉnh, tượng trưng cho sự thức 
tỉnh của thần rắn Kukulcan. 
Tại thành phố Tikal, người Maya đã xây dựng “6 kim tự tháp cao đứng, với bậc thang 
đá thật dài, có thể đi lên phòng mộ trên đỉnh. Những phòng mộ đều có phần trang trí 
bên trên khá uy nghi. Trong số đó, có một kim tự tháp lớn nhất, được gọi là kim tự tháp 
số 4, cao 70m. Những kim tự tháp này thường dùng làm nơi chôn cất của người quyền 
quý, bên trong có những đồ vật chôn theo rất xinh đẹp, để cung cấp cho người chết ăn 
uống và sử dụng khi qua thế giới bên kia” [2, tr. 151]. 
Loại hình kiến trúc thứ ba là sân bóng. 
Tại các thành phố Maya có rất nhiều sân bóng được xây dựng với diện tích lớn, có hình 
chữ I hoa với các bức tường bao quanh. Sân bóng được tìm thấy tại thành phố Chichen 
Itza có hai bức tường dài 83m, cao 8,2m, chạy song song. Khoảng cách giữa hai bức 
tường là 27m. Chính giữa sân bóng là một khoảnh đất có hình chữ nhật dài 135m và 
rộng 68m. Sân bóng được dùng để chơi môn “bóng đá” của người Maya. Môn chơi 
bóng này không đơn thuần là một môn thể thao mà còn là một nghi lễ tôn giáo. Theo 
quan niệm của người Maya, “sân bóng tượng trưng cho thế giới, quả bóng mang hình 
ảnh của mặt trời, mặt trăng” [1, tr. 45]. Tại hai đầu sân bóng có xây hai đền thờ. Những 
người tham gia thi đấu đều đội mũ cứng, đeo găng tay, đeo các tấm da để bảo vệ hai bên 
hông và đầu gối. Các cầu thủ dùng vai, đầu gối và hông để đưa một quả bóng làm bằng 
cao su, nặng khoảng 3 kg, qua những cái vòng bằng đá được gắn vào hai phía của sân 
bóng. Đội trưởng của đội thua cuộc sẽ bị đem ra tế thần. Trong số phù điêu chạm khắc 
trên tường, có những phù điêu miêu tả cảnh những người thi đấu bị chặt đầu. 
Loại hình kiến trúc thứ tư là những ngôi đền. 
Người Maya đã xây dựng các ngôi đền và được sử dụng như các công trình mai táng 
dành cho những người quyền quý. Tiêu biểu cho loại hình kiến trúc này là đền Đề Tặng 
(Temple of the Inscriptions). Ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ VII sau Công Nguyên 
ở thành phố Palenque (phía nam nước Mexico ngày nay). Đền được xây dựng một phần 
trên đồi dốc đứng. Phía bên trong đền Đề Tặng là lăng mộ của vị vua vĩ đại nhất 
Palenque, Hanab Pakal. Ông là vị vua thứ X của vương triều Palenque. Năm 615 sau 
Công Nguyên, ông lên ngôi vua khi mới 12 tuổi. Sau một sự nghiệp lâu dài, Hanab 
Pakal bắt đầu khởi công xây dựng ngôi đền vào khoảng năm 675. Năm 683, vua Pakal 
băng hà, thọ 80 tuổi. Công trình này được Chan Bahlam, con trai của vua Pakal, tiếp tục 
xây dựng và hoàn thành vào khoảng năm 700. 
Tuy nhiên, không phải chính bản thân đền Đề Tặng mà chính là lăng mộ khổng lồ nằm 
bên dưới đền khiến cho công trình trở nên quan trọng. Lăng mộ Pakal là một trong 
những công trình kiến trúc ấn tượng nhất, tinh vi nhất của người Maya cổ đại. Đây là 
một căn phòng mái cong dạng vòm được xây bằng những tảng đá vôi trắng khổng lồ, 
bên trong cất giữ quan tài bằng đá được chạm trổ công phu. Các tảng đá có khối lượng 
102 NGUYỄN TUẤN BÌNH 
12-15 tấn được sử dụng trong nhiều chi tiết khác nhau của lăng mộ. Các vách tường 
trong phòng và quan tài đều được chạm trổ các hình ảnh mô tả con người hay các nam 
thần, kèm theo là những câu đề tặng và ngày tháng bằng chữ tượng hình. Một nét đặc 
biệt của đền Đề Tặng là việc các nhà khảo cổ phát hiện ra một ống dẫn bằng đá nằm dọc 
theo mép cầu thang dẫn từ hầm mộ đến phần móng của ngôi đền ở trên đỉnh. Mục đích 
của ống dẫn này như là một con đường để linh hồn của vị vua quá cố Pakal có thể giao 
tiếp với những người còn sống tham gia các nghi lễ diễn ra trong đền ở phía trên một 
cách thuận tiện [10, tr. 76-77]. 
Có thể nói, đền Đề Tặng với lăng mộ Pakal là một công trình cổ đại nổi tiếng nhất của 
người Maya, vừa có giá trị về mặt nghệ thuật, vừa có giá trị về mặt lịch sử. Công trình 
giúp chúng ta hiểu biết hơn về bản chất xã hội Maya cổ đại và thế giới quan của họ. 
Lăng mộ vua Pakal đã chứng minh một cách đầy đủ xã hội người Maya có sự phân hoá 
giai cấp và cũng chứng minh các kim tự tháp vừa là đền thờ thần linh, vừa là lăng mộ 
vua chúa. 
2. NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH 
Nghệ thuật điêu khắc của người Maya đạt đến trình độ rất cao. “Một trong những nét 
đặc trưng nhất của nghệ thuật Maya là sự khéo léo được các nhà điêu khắc và tạo hình 
kết hợp với các nhà kiến trúc; sự hài hoà của nền trang trí và tỉ lệ các hình, cách thức 
sử dụng tương phản ánh sáng và bóng tối đã xếp những nhà điêu khắc Maya vào số 
những người giỏi nhất.” [7, tr. 75]. 
Với những nét chạm khắc của không gian ba chiều, nghệ thuật điêu khắc đã đi vào cuộc 
sống thường nhật của những người dân Maya. Trước cửa nhà là những bức tượng, mặt 
nạ đắp nổi hình ảnh các vị thần đầy quyền năng phù trợ cho cuộc sống người Maya. 
Chất liệu ban đầu là gỗ, sau thay bằng đá vôi. Những hình hoa văn chạm nổi trên tường, 
trên các cửa ra vào, cột đá bốn mặt với những hình khắc nổi là những công trình điêu 
khắc có giá trị, chứng tỏ tài năng của những nghệ nhân Maya cổ xưa. Điêu khắc nhằm 
phục vụ mục đích tín ngưỡng thờ cúng (trên các bia mộ), ca tụng các vị vua và khẳng 
định nguồn gốc thần thánh của họ. Bia mộ thường có hình cột 4 mặt mang chân dung vị 
vua ở mặt trước và các chữ tượng hình ở mặt sau [3, tr. 262]. 
Nắp đậy quan tài vua Pakal ở đền Đề Tặng là một trong những sản phẩm tinh xảo nhất 
của nghệ thuật Maya cổ đại. Trên nắp đậy quan tài, người Maya chạm khắc hình ảnh 
của nhà vua Pakal vào giờ phút lâm chung, một con rắn siêu nhiên há hốc miệng tượng 
trưng cho cổng vào thế giới khác, nơi ở của tiền nhân. Nhà vua ăn vận như một nam 
thần Maize, một vị thần thường được liên tưởng đến sự hình thành thế giới và hồi sinh. 
Phía sau Pakal là một cây thế giới to lớn với con rắn trời đang quấn trên cành. Trên 
ngọn cây là một con chim siêu nhiên đang đậu, tượng trưng cho Shaman giáo và ma 
thuật. Toàn bộ thông điệp ngụ ý Pakal vào lúc lâm chung đang được tái sinh như một vị 
thần và tổ tiên được sùng kính [10, tr. 77]. 
So với điêu khắc, nghệ thuật hội họa của người Maya cũng khá công phu. Sự hài hòa 
trên nền trang trí và tỉ lệ các hình vẽ, cách thức sử dụng độ tương phản giữa ánh sáng và 
NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC VÀ TẠO HÌNH CỦA NGƯỜI MAYA CỔ ĐẠI 103 
bóng tối là một trong những nét đặc trưng của nghệ thuật Maya. Các tác phẩm hội họa 
hiện còn lại rất ít. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở di tích Bonampak những bức bích họa 
trên tường với vẻ đẹp trường tồn. Đây là một trong những bức bích họa cổ điển có giá 
trị nghệ thuật cao. Niên đại sáng tác bích họa này vào khoảng thế kỷ VI đến thế kỷ VIII 
sau Công Nguyên, được thực hiện trên vách tường một ngôi đền với màu sắc sặc sỡ, 
đường nét rõ ràng. Những bức bích họa này cho thấy cuộc sống sinh động của người 
Maya như: cảnh quân chiến thắng trở về, dân nộp cống phẩm, xét xử tù nhân... “Các 
bức tranh tường này đẹp đến mức người ta đã so sánh chúng với các bức tranh của Ý 
thời kỳ Phục hưng. Chúng cho thấy khả năng phối cảnh và tình cảm sống động trong bố 
cục” [7, tr. 77]. 
Nghệ thuật trang trí đồ gốm của người Maya cũng được biết đến với dáng vẻ lịch lãm, 
kết hợp với nhiều hình ảnh, màu sắc phong phú. Nhiều tác phẩm gốm được tìm thấy 
trong các hang động, trong các hầm mộ và đây là đồ vật của các nghi lễ hiến tế, mai 
táng... 
Bên cạnh đó, như nhiều tộc người khác ở Trung Mỹ, người Maya rất ưa thích những sản 
phẩm bằng đá quý. Bằng sự khéo léo của mình, những người thợ Maya đã chế tác ra 
nhiều đồ trang sức tinh xảo và vật dụng hàng ngày. Tại các kim tự tháp, hầm mộ của 
vua chúa được phủ đầy châu báu và các đồ vật làm từ đá quý khảm ngọc trai, các vòng 
nhẫn bằng ngọc bích. Tại lăng mộ Pakal ở Palenque, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một 
chiếc mặt nạ khảm đá ngọc bích ở trong quan tài và các đồ vật khác chế tạo bằng ngọc 
bích, xà cừ ở trong áo quan. Các nhà nghiên cứu đã cho rằng “nghệ thuật của Maya 
mang phong cách đặc biệt của Ai Cập, Trung Quốc và Ấn Độ” [5, tr. 490]. 
Tóm lại, bên cạnh những thành tựu về văn tự, khoa học tự nhiên, những công trình kiến 
trúc, điêu khắc và hội họa của người Maya là những công trình mang tính nghệ thuật cao. 
Những quần thể kim tự tháp ở Tikal, đền Đề Tặng và lăng mộ vua Pakal ở Palenque, kim 
tự tháp Kukulcan và sân bóng ở Chichen Itza... không chỉ có ý nghĩa về mặt nghệ thuật 
mà còn mang ý nghĩa về mặt tôn giáo, tín ngưỡng. Những cung điện được thiết kế cao 
sang, hùng vĩ với hàng trăm bức phù điêu, chạm khắc đầy tính dân tộc ở bên trong. 
Những kim tự tháp, đền thờ... với dáng vẻ bên ngoài thanh thoát mà bên trong chứa đầy 
văn tự cổ mặc dù trải qua hàng ngàn năm vẫn đứng sừng sững cùng sông núi. Người 
Maya cổ đại, với bàn tay và khối óc bình dị, đã khắc phục muôn vàn khó khăn, tay không 
tạo dựng nên những công trình kiến trúc, đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc 
với một nghị lực siêu phàm. Những công trình đó đã làm giàu thêm kho tàng các công 
trình kiến trúc cổ đại trên thế giới, sánh ngang hàng với những kim tự tháp Ai Cập, vườn 
treo Babylon (Lưỡng Hà), đền thờ Partheon (Hy Lạp), Vạn Lý Trường Thành (Trung 
Quốc)... Chính vì vậy, vào tháng 7 năm 2007, thành phố cổ Chichen Itza của người Maya 
đã được thế giới bình chọn là một trong bảy kỳ quan thế giới mới. Với trình độ phát triển 
cao cách đây hơn 2000 năm, nền văn minh của người Maya thật sự đáng được cả thế giới 
trong quá khứ, hiện tại và cả mai sau phải ngưỡng mộ. 
104 NGUYỄN TUẤN BÌNH 
 TÀI LIỆU THAM KHẢO 
 [1] Nguyễn Kim Anh, Lê Thị Thu Hà (2007), Nền văn minh Maya vùng Trung Mỹ, Tạp 
 chí Châu Mỹ ngày nay, Số 8. 
 [2] Rossemarie Burgh, Richard Cowendish (2004), Kỳ quan kiến trúc thế giới (Bản dịch 
 của Phong Đảo), NXB Mỹ thuật, Hà Nội. 
 [3] X.Carpusina, V.Carpusin (2002), Lịch sử văn hóa thế giới (Bản dịch của Mai Lý 
 Quảng, Đặng Trần Hạnh, Hoàng Giang, Lê Tâm Hằng), NXB Thế giới, Hà Nội. 
 [4] Bùi Đẹp (2005), Di sản thế giới, Tập 8, tái bản lần thứ hai, NXB Trẻ, TP Hồ Chí 
 Minh. 
 [5] Lưu Minh Hàn (2002), Lịch sử thế giới, tập 2 (Thời trung cổ) (Bản dịch của Phong 
 Đảo), NXB TP Hồ Chí Minh. 
 [6] Lê Phụng Hoàng, Hà Bích Liên, Trần Hồng Ngọc (1998), Các công trình kiến trúc 
 nổi tiếng trong lịch sử thế giới cổ trung đại, NXB Giáo dục, Hà Nội. 
 [7] Henri Lehmann (2003), Các nền văn minh thời tiền Colomb (Bản dịch của Trịnh Thu 
 Hồng), NXB Thế giới, Hà Nội. 
 [8] Maya architecture,  
 [9] Nền văn minh Maya,  
 [10] Chris Scarre (2003), 70 kỳ quan thế giới cổ đại, NXB Mỹ thuật, Hà Nội. 
Title: THE ARCHITECTURAL AND PLASTIC ARTS OF THE ANCIENT MAYA 
PEOPLES 
Abstract: Before the Spaniard invaded America in sixteenth century, the civilization of the 
ancient Maya peoples had been one of the great civilizations in this continent. During the 
process of existence and development, the Maya peoples had many radiant achievements about 
many spheres, such as: economy, culture, art, natural sciences... In this article, we focus on 
researching the architectural and plastic arts of the Maya peoples, in order to help the readers to 
know more about the values of art of the ancient Maya civilization. 
NGUYỄN TUẤN BÌNH 
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế 
ĐT: 0975.470545. Email: nguyentuanbinh@gmail.com. 

File đính kèm:

  • pdfnghe_thuat_kien_truc_va_tao_hinh_cua_nguoi_maya_co_dai.pdf