Hình tượng con người “Bé Mọn”, suy tư trong diễn ngôn truyện ngắn khu vực ngoại biên giai đoạn 1945 – 1975

Bất kì nền văn hoá, văn học nào, ở mọi yếu tố, cấp độ cũng có phần trung tâm

và ngoại biên. Với văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng giai đoạn 1945 – 1975

cũng vậy. Nếu những tác phẩm viết để cổ vũ, tuyên truyền cho cách mạng, bảo vệ chủ

nghĩa xã hội được xem là trung tâm của đời sống văn học, được độc giả đương thời

quan tâm cổ vũ thì những tác phẩm viết không theo tinh thần đó hoặc không quán

triệt tinh thần đó một cách triệt để sẽ bị xem là ngoại biên. Nói gọn lại, toàn bộ những

tác phẩm từng bị cấm đoán, bị phê phán trong giai đoạn 1945 – 1975 đều có thể coi là

văn học ngoại biên. Về phần văn học ngoại biên này, chúng tôi đồng tình với quan

điểm của một nhà nghiên cứu: “Chúng ta có thể không thích nó, thậm chí ghét bỏ nó,

nhưng nó vẫn là một phần, dù là rất bé nhỏ, rất phụ, đã lui vào quá khứ của quá trình

văn học. Hiểu như thế mọi hiện tượng văn học ngoại biên đều đáng được xem xét,

đều có ý nghĩa để soi sáng lịch sử văn học từ chỗ này hay chỗ khác” [5]. Theo quan

điểm như vậy, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xem xét chiến lược kiến tạo

hình tượng nhân vật trong truyện ngắn khu vực ngoại biên để bước đầu có cái nhìn

đầy đủ hơn về vùng văn học này.

pdf 8 trang kimcuc 3260
Bạn đang xem tài liệu "Hình tượng con người “Bé Mọn”, suy tư trong diễn ngôn truyện ngắn khu vực ngoại biên giai đoạn 1945 – 1975", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Hình tượng con người “Bé Mọn”, suy tư trong diễn ngôn truyện ngắn khu vực ngoại biên giai đoạn 1945 – 1975

Hình tượng con người “Bé Mọn”, suy tư trong diễn ngôn truyện ngắn khu vực ngoại biên giai đoạn 1945 – 1975
HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI “BÉ MỌN”, SUY TƯ 
TRONG DIỄN NGÔN TRUYỆN NGẮN KHU VỰC 
NGOẠI BIÊN GIAI ĐOẠN 1945 – 1975 
Hoàng Thị Thu Giang1 
Tóm tắt: Bất kì nền văn hóa, văn học nào, ở mọi yếu tố, cấp độ cũng có phần trung 
tâm và ngoại biên. Với văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng giai đoạn 1945 – 
1975 cũng vậy. Ở phương diện thế giới hình tượng, có thể thấy diễn ngôn ngoại biên 
đã kiến tạo thế giới hình tượng theo tinh thần hướng về đời sống nhân sinh, góp phần 
mang lại cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống, thời đại giai đoạn 30 năm sau cách 
mạng tháng Tám. Bài viết này tập trung làm sáng tỏ một phần điều đó. 
1. Mở đầu 
Bất kì nền văn hoá, văn học nào, ở mọi yếu tố, cấp độ cũng có phần trung tâm 
và ngoại biên. Với văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng giai đoạn 1945 – 1975 
cũng vậy. Nếu những tác phẩm viết để cổ vũ, tuyên truyền cho cách mạng, bảo vệ chủ 
nghĩa xã hội được xem là trung tâm của đời sống văn học, được độc giả đương thời 
quan tâm cổ vũ thì những tác phẩm viết không theo tinh thần đó hoặc không quán 
triệt tinh thần đó một cách triệt để sẽ bị xem là ngoại biên. Nói gọn lại, toàn bộ những 
tác phẩm từng bị cấm đoán, bị phê phán trong giai đoạn 1945 – 1975 đều có thể coi là 
văn học ngoại biên. Về phần văn học ngoại biên này, chúng tôi đồng tình với quan 
điểm của một nhà nghiên cứu: “Chúng ta có thể không thích nó, thậm chí ghét bỏ nó, 
nhưng nó vẫn là một phần, dù là rất bé nhỏ, rất phụ, đã lui vào quá khứ của quá trình 
văn học. Hiểu như thế mọi hiện tượng văn học ngoại biên đều đáng được xem xét, 
đều có ý nghĩa để soi sáng lịch sử văn học từ chỗ này hay chỗ khác” [5]. Theo quan 
điểm như vậy, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xem xét chiến lược kiến tạo 
hình tượng nhân vật trong truyện ngắn khu vực ngoại biên để bước đầu có cái nhìn 
đầy đủ hơn về vùng văn học này. 
2. Hình tượng nhân vật bé mọn, suy tư trong diễn ngôn truyện ngắn ngoại 
biên giai đoạn 1945 - 1975 
Đọc truyện ngắn khu vực trung tâm giai đoạn 1945 – 1975, thấy bức tranh cuộc 
sống hiện lên với những gam màu hồng đầy lạc quan và hi vọng, với những con 
người sẵn sàng cống hiến hết mình cho cách mạng, cho đất nước – những con người 
mang vẻ đẹp lí tưởng, hiện lên sừng sững như những tượng đài. Bức tranh thế giới 
1 TS, trường Đại học Hạ Long 
HOÀNG THỊ THU GIANG 
 34 
này quả thực đã truyền cho người đọc niềm tự hào về đất nước, thời đại và niềm tin 
vào sự nghiệp đấu tranh, dựng xây Tổ quốc do Đảng lãnh đạo. 
Bức tranh hiện thực trong diễn ngôn truyện ngắn ngoại biên lại khác, đó không 
chỉ là cuộc sống màu hồng với những niềm vui phơi phới, mà là bức tranh của những 
mảng màu sáng tối đan xen; ở đó, con người của cuộc sống đời thường hiện lên 
khiêm nhường với những niềm vui bé nhỏ và với cả những trăn trở suy tư về đời, về 
người và về chính bản thân mình. Đó là chú bé Lư mồ côi (Chú bé làm văn - Trần 
Dần), những đứa trẻ ăn mày (Hai đứa trẻ vào đêm giao thừa – Trần Dần), vợ chồng 
ông bà Tư Chản (Mộ phách – Phùng Cung), vợ chồng bác phó Lâm (Biệt tích – 
Phùng Cung), An (Lịch sử một câu chuyện tình – Trần Lê Văn), Thang (Đống máy – 
Minh Hoàng), vợ chồng Đoàn, ông chắt Dự (Ông lão hàng xóm – Kim Lân), chị Lê 
(Sương tan – Hoàng Tiến), ông Lành (Cây táo ông Lành – Hoàng Cát), những nhân 
vật xưng “tôi” trong Lão Rồng (Trần Dần), Ông Năm Chuột (Phan Khôi), Con chó 
xấu xí (Kim Lân) Trong truyện ngắn ngoại biên, nhân vật không được tập trung 
khắc hoạ ở phương diện con người "mới" trong tính tích cực cách mạng, mà là con 
người trong những quan hệ đời sống và tâm lí phức tạp, trái tim họ đập theo nhịp của 
đời thường, hướng về đời thường với nhiều trăn trở, lo toan. Ở đây, giá trị của con 
người được xác định như một sự tự ý thức về môi trường sống và bản thân mình. Sự 
tự ý thức đó phản ánh tinh thần phản tư của nhà văn về cuộc sống và thời đại, “biểu 
hiện một cách nhìn không hề dập khuôn, mà hoàn toàn cụ thể của các nhà văn về con 
người” [2;144]. 
Trong “Chú bé làm văn”, hiện lên giữa bức tranh lạnh, trống trải là chú bé Lư 
mồ côi. Miên man theo dòng suy tư của chú (đích thực là tâm trạng suy tư, dù chú bé 
này mới học lớp Sáu), người đọc được làm quen với Khiền, anh trai chú, là “cán bộ 
một cơ quan Trung ương”, một người “rất thương em” nhưng vì “đã từng biết những 
ngày ăn toàn măng mà vẫn làm việc trong những lán rừng kháng chiến”, và vì “không 
muốn em mình sớm vào đời, sớm đóng góp với hai bàn tay còn non nớt và bộ óc thất 
học” nên “anh nẩy ra phương kế phải thi hành một chính sách tiết kiệm hết mức. 
Đúng với nghĩa đen của chữ "thắt lưng buộc bụng". Khiền nhịn quà sáng, cai cả thuốc 
lá, từ chối mọi giải trí của thành phố, lại còn tiết chế cả lòng thương em nữa. () 
Người anh ấy thu vén chi ly, thực là một sự hy sinh cực nhọc vì tương lai của em. 
Hòa bình đối với anh, hẳn lại là một cuộc chiến tranh mới, cũng tự nguyện gian khổ 
và cũng cao đẹp như những ngày kháng chíến trước kia”. Một con người đáng trọng, 
nhưng cũng đáng thương, bởi cuộc sống còn khó khăn nên phải “tiết chế cả lòng 
thương em”. Cũng qua Lư, người đọc được ngắm nhìn một góc phố Hà Nội, nơi “Tất 
cả chỉ có mười lăm nóc nhà thôi. Vậy mà cái thì thò ra, cái thì thụt vào, màu vôi đều 
đã nham nhở. Cả phố cứ như một hàm răng khấp khểnh và hà xún”, “Cái phố xộc 
xệch, cũ kĩ, nhỏ xíu đến nỗi ban đêm không có nổi một ngọn đèn đường”, “nhưng nếu 
phải chuyển đi nơi khác, hẳn chú Lư nhớ, buồn lắm” Còn ở “Hai đứa trẻ” vào đêm 
HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI “BÉ MỌN”, SUY TƯ TRONG DIỄN NGÔN 
  35 
giao thừa, trong “đêm Ba mươi vào cái Tết hòa bình năm thứ nhất”, ở “cái giờ biên 
thuỳ giữa hai năm cũ mới”, theo bước chân “nhà thơ trẻ sống độc thân”, chúng ta bắt 
gặp những đứa trẻ vô thừa nhận, phải ăn mày mà sống. Nhìn những đứa trẻ “cọc 
người”, mang “bộ mặt nhem nhuốc” nhưng “có vẻ đanh đanh của trẻ sớm khôn”, mà 
“cuộc sống vỉa hè đã phết lên nó những nét láu cá cùng những nét quỷ quyệt thật khó 
chịu”, người đọc thật không khỏi chạnh lòng xót xa. Diễn ngôn truyện ngắn ngoại 
biên đưa đến cho người đọc những tâm tình có vẻ tản mạn, tâm tình về những điều có 
thể chẳng to tát, lớn lao nhưng đáng lưu ý, trân trọng. Nó truyền tới cho độc giả niềm 
cảm thương, chia sẻ với đất nước, con người một thời gian khó. 
Ở truyện ngắn ngoại biên, bên cạnh những con người của đời thường với những 
suy tư man mác về cuộc sống còn nhiều khốn khó như vậy, còn có những con người 
bé nhỏ mang những nỗi đau do chính những kẻ được coi là đại diện của “con người 
thời đại mới” gây ra. Những con người bé nhỏ đáng thương ấy là Đoàn (Ông lão 
hàng xóm – Kim Lân), một người từng đi bộ đội trong chín năm kháng chiến, vào 
sống ra chết, nay bị Đội cải cách vu cho là Quốc dân đảng, bị đày đoạ, khủng bố tinh 
thần; là vợ Đoàn – người phụ nữ “suốt chín năm giời chồng đi kháng chiến, chồng đi 
bộ đội vắng, chị lặn lội đầu hôm sớm mai nuôi bố chồng, nuôi con nhưng chưa bao 
giờ thấy khó khăn như bây giờ” khi chồng chị bị Đội vu cho tội phản quốc, Việt gian 
và bản thân chị cũng bị theo dõi, bị truất quyền sinh hoạt nơi làng xóm; là Mùi, bạn 
Đoàn – “một đồng chí bí thư chi bộ trung kiên, suốt sáu bẩy năm trời chiến đấu trong 
lòng địch” nhưng đã bị Đội cải cách vu cho tội làm Quốc dân đảng và bắt đi; là ông 
chắt Dự với nỗi đau biết rõ mười mươi con mình, bạn con mình là chiến sĩ trung kiên 
trong kháng chiến mà chẳng thể giúp gì vì không thể chống lại cả một thiết chế quy 
chụp mà Đội cải cách đã dựng lên. Những con người bé nhỏ đáng thương còn là ông 
bà Tư Chản (Mộ phách – Phùng Cung) - những anh kép, cô đào tài ba gắn với nghiệp 
ca trù nổi danh một thuở nhưng từ sau cải cách ruộng đất, khi ca trù cùng với chèo, 
tuồng .v.v. bị “đào tận gốc trốc tận rễ”, họ luôn phải sống trong tâm trạng bất an, bị 
nghe ngóng, dò xét. Và tuy “chẳng phải phong kiến, quan lại, không có nợ máu, 
không có chiếm hữu bóc lột” nhưng “cái nghề ca trù, đàn hát chỉ để làm vui cho bọn 
quan lại, lý hào, bọn bóc lột”, nên ông bà Tư Chản bị xếp vào nhóm đối tượng cần 
giáo dục, cải đổi, còn cây đàn quý - “Ðáy đàn bằng gỗ dâu vàng, cần đàn bằng gỗ 
xâng chun, trục vặn bằng gỗ sưa. 
Phần trên của đáy đàn, hai khoáy gỗ đối nhau như hai con mắt. Cây đàn lên 
tiếng ngân vang gần một nửa thế kỷ” - vật mà nhà nghề gọi là "hồn đàn bất tử", vật 
được ông Tư Chản coi “như một người cha, một ông tổ”, “nguồn nghệ thuật và nguồn 
sống” của mình được Đội cải cách xác định là cần phải huỷ bỏ và đã huỷ bỏ thành 
công thông qua chính bàn tay của con trai ông bà đào kép. Hụt hẫng, thất vọng, ông 
Chản ốm rồi mất, để lại bà Chản cô đơn “trống rỗng; ngơ ngác” giữa cuộc đời, để rồi 
đi đến hành động chôn phách đầy bi ai: “Chờ lúc chạng vạng, bà Chản mang cỗ 
HOÀNG THỊ THU GIANG 
 36 
phách ra phía bờ ao, tìm nơi mai táng. Nách bên trái ủ chặt phách; tay phải cầm một 
cái sén cấy rau, bà Chản vừa khóc vừa cạy đất. Cạy đến hai, ba chỗ, chưa thấy yên 
lòng, lại lấp đi, lại đào tiếp một huyệt, lấp đất và nói xuống huyệt : “Bạn không ở lại, 
đời đào Khuê chả biết ngày mai ra sao? Đào Khuê đặt bạn nằm yên đây để bạn khỏi 
bơ vơ!” - Hai bàn tay bóp đất, vun một nấm mộ nhỏ vừa bằng chiếc gối đầu để có thể 
ở trong nhà vẫn nhìn thấy. Ngồi lặng bên mộ phách một lúc lâu, bà Chản đứng dậy 
liêu xiêu vào nhà. Trong nhà, bóng tối đã tràn ra ngoài cửa”. Đàn bị đập, phách bị 
chôn, câu chuyện cuộc đời ông bà Tư Chản trong Mộ phách là câu chuyện một thời 
văn hoá dân tộc bị những tư tưởng ấu trĩ huỷ diệt, không khỏi khiến nhiều độc giả 
cũng “Nước mắt đa cảm chảy ba bốn chiều trong tuyến lệ bẩm sinh”. Con người bé 
nhỏ đáng thương trong truyện ngắn ngoại biên còn là An, cô sinh viên ban Sử trong 
Lịch sử một câu chuyện tình (Bùi Quang Đoài) thông minh, trong sáng nhưng cuộc 
đời đã nhanh chóng tràn ngập bóng tối vì bị Bằng – Bí thư chi bộ Đảng chi hội sinh 
viên giở trò đồi bại, là Tân, chàng sinh viên ban Văn lãng mạn, trí tuệ nhưng vì bị Bí 
thư chi bộ Bằng tuyên truyền nói xấu (với lí do anh chưa được vào Đảng) mà tình yêu 
của anh với An tan vỡ. Và còn biết bao con người bé nhỏ nữa như Thân – “bí thư 
kiêm hiệu trưởng có bố mẹ làm địa chủ” , Lâu – “công an ở khu Hà Nội về nghỉ dài 
hạn”, Chung – “học sinh lục quân được nghỉ vì thiếu sức khoẻ”, Quang – “người vẫn 
thư từ gửi đi gửi về với gia đình trong vùng địch và vẫn nhận đồng hồ, bút máy, xe 
đạp cha mẹ gửi ra”.v.v. luôn bị rình rập, bị đưa vào diện “phải cảnh giác” vì “có 
vấn đề” về lí lịch và bất cứ lúc nào cũng có thể bị hãm hại bởi những kẻ như Tuất – 
kẻ luôn lấy việc vu cáo, hãm hại người khác “để làm đà vọt cho công tác sau này” 
(Lộn sòng – Hữu Loan). Những con người bé nhỏ với những số phận như thế không 
phải là sản phẩm sáng tạo thuần tuý của các cây bút ngoại biên. Họ, cũng như những 
hình tượng anh hùng trong lao động và chiến đấu ở truyện ngắn trung tâm, là con 
người của cuộc đời ánh xạ vào văn chương. Qua tâm tư của những con người bé nhỏ 
ấy, các nhà văn muốn nói rằng: cuộc đời mới, bên cạnh sự sinh thành những niềm vui 
lớn lao, bên cạnh những cái tốt đẹp đang “xé vỏ trổ mầm” thì vẫn còn nhiều điều cần 
lo lắng, băn khoăn, cần quan tâm, chia sẻ. 
Trong số những con người bé nhỏ - nhân vật trung tâm của bức tranh truyện 
ngắn ngoại biên - còn có những con người đang hằng ngày, hằng giờ lao động, sản 
xuất để cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là chị Phương – 
chủ tịch xã H, người phụ nữ đã sáng chế ra “chiếc cày ba đảm đang”, vừa một mình 
nuôi con vừa “đi họp, đi học, đi làm, ba năm liền là chiến sĩ thi đua kể từ buổi sáng 
tiễn chồng ra mặt trận”, đó là các chị Nghĩa, Tâm, Loan và rất nhiều phụ nữ đảm 
đang khác của vùng khu 4 – khu vực cán gáo, nơi tỷ lệ bom đạn tính theo đầu người 
cao nhất thế giới vẫn một nắng hai sương “đi cày dướibom”, vét hết số lương thực 
ít ỏi mình làm ra đóng góp cho tiền tuyến, ngày ngày nghênh chiến tàu bay Mĩ và đã 
lập được nhiều chiến công (Cái gốc – Nguyễn Thành Long). Đó là chị Lê (Sương tan 
HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI “BÉ MỌN”, SUY TƯ TRONG DIỄN NGÔN 
  37 
– Hoàng Tiến), người phụ nữ có chồng là liệt sĩ, đã vượt nỗi đau mất chồng để lao 
động hết mình, trọn vẹn việc nhà chồng cũng như việc hợp tác xã. Đó là ông Lành 
(Cây táo ông Lành – Hoàng Cát), người đã gửi đứa con trai duy nhất cho đội “quân 
chủ lực” tham gia bảo vệ Tổ quốc, và ở tuổi già bóng xế, ông vẫn quan tâm tới thế hệ 
tương lai của đất nước nên quyết định “cho chuyển lũ nhỏ về ngôi nhà mới của ông 
mà học” vì “ông đã nghe phong thanh, đâu cái chỗ lớp học hiện giờ chật chội quá, cô 
giáo Hà định dời lớp sang một làng khác”. Đó là bà Tám (Bà mẹ - Hoàng Tiến), mặc 
dù người con trai lớn của mẹ đã hi sinh cho đất nước, nhưng khi người con trai út xin 
đi công trường xa, bà đã hành động như bao người mẹ cùng thời khác, đồng ý để con 
đi theo lời kêu gọi của Đảng. Những con người ấy thật đáng quý, đáng trọng. Và nếu 
như chỉ hiện lên với những đường nét như thế trong bức tranh cuộc sống thì họ đã là 
con người lí tưởng của truyện ngắn trung tâm. Nhưng sự thực, những nhân vật, những 
con người ấy đã bị xếp vào vùng ngoại biên và bị chối bỏ. Bởi họ, bên những nỗ lực 
lao động để cống hiến cho đất nước mỗi ngày, mỗi giờ, vẫn còn một lúc nào đấy có 
những trăn trở, suy tư. Và để thể hiện sinh động thế giới tinh thần với những trăn trở, 
suy tư ấy, các nhà văn thường chú ý cho nhân vật độc thoại nội tâm. Trong nhiều 
trường hợp, độc thoại có khi không hiện trên bề mặt trang viết như một diễn ngôn độc 
lập mà hòa trong lời trần thuật của tác giả dưới hình thức lời nửa trực tiếp. Nhờ đó 
những mạch ngầm trong tâm hồn nhân vật hiện lên một cách tự nhiên. 
Những người phụ nữ khu 4 trong Cái gốc thật sự là những người “anh hùng, bất 
khuất, trung hậu, đảm đang”. Họ là những “cái gốc” của gia đình và tiền tuyến. 
Nhưng khi phải bằn bặt xa người đàn ông yêu dấu, bao đêm họ đã sống trong khắc 
khoải chờ mong và nhiều lúc “cả cán bộ lẫn chị em đều ôm nhau khóc”, và họ nghĩ 
“khóc một tí cũng được chứ sao, rồi sáng mai trỗi dậy, đối mặt với bọn chó Mĩ, cái 
đứa làm cho chúng ta chồng xa vợ, vợ xa chồng như thế này, tôi theo gương chị, chị 
theo gương tôi”. Còn chị Lê (Sương tan), ngoài những lúc băm bèo nấu cám, cày 
bừa cấy hái, đi họp đi hành, trong những đêm khuya chị lại da diết nhớ chồng. “Chị 
mơ thấy anh Lê trở về. Anh cởi trần, người to lớn, bắp thịt ở lườn vai nầng nẫng. Chị 
nằm im nghe hơi anh thở sung sướng không sao tả xiết. Khi tỉnh giấc, chị hãy còn 
như thấy anh nằm đâu đây, ước sao được mơ lại nhiều lần như thế”. Trong bối cảnh 
văn học cách mạng vùng trung tâm hầu như vắng bóng tính dục thì cảnh nhục thể ở 
mức “ấm” (chưa thể gọi là “nóng”) trong tâm tưởng ấy một thời từng bị không ít nhà 
phê bình phán xét, công kích. Nhưng rõ ràng, chi tiết ấy đã vén mở thế giới tâm tư 
của người đàn bà có chồng ra trận. Đằng sau cái vẻ lạnh lùng, “chẳng thèm bờm 
xơm” khi “nhiều anh tập tèm” là trái tim luôn khát khao hạnh phúc. “Tình của người 
đàn bà goá bụa nó như mặt nước. Bề ngoài âm thầm đấy nhưng bên trong chứa chất 
bao điều bí ẩn. Gặp một cơn gió thổi tới là mặt nước sẽ nổi sóng. Sóng đã nổi lên rồi 
thì bất chấp tất cả, nó có thể làm được những việc không ai ngờ tới”. Và việc không 
ai ngờ tới, nhất là ông Hai Lê – bố chồng chị, là việc chị xin phép được tái hôn với 
HOÀNG THỊ THU GIANG 
 38 
anh Hồng, người bạn chiến đấu của chồng mình, người đã “năm bẩy lần bị thương, 
giờ được phục viên”. Còn ông Lành (Cây táo ông Lành), trong những lúc cô đơn bên 
cây táo trĩu quả, khi nhớ lũ trẻ con trong xóm, ông “lại đâm ra nghĩ ngợi, nhớ lây 
sang thằng Sửu nhà ông, với niềm hy vọng một ngày gần đây ông sẽ có cháu nội. Rồi 
chúng cũng đi học lớp Một, cũng nhặt táo rụng trên vườn kia...” .v.v. Nhưng ở một 
thời, khi mà “trật tự diễn ngôn” chỉ cho phép những phát biểu kiểu “Khi đứng riêng 
tây ta thấy mình xấu hổ” (Chế Lan Viên) được lên tiếng thì những nghĩ suy, trăn trở 
như của các chị em khu 4, của chị Lê hay ông Lành phải cất sâu ở đáy lòng mỗi 
người, không được phép cất tiếng, bởi nói về những điều ấy là phạm quy. Vì vậy, 
Sương tan của Hoàng Tiến, Cây táo ông Lành của Hoàng Cát hay Cái gốc của 
Nguyễn Thành Long đã bị xem là những truyện ngắn “có vấn đề”, thể hiện sự lãng 
mạn ủy mị có hại cho kháng chiến, cần phê phán, loại bỏ. Tuy nhiên, nay nhìn lại, 
chắc không mấy người còn có suy nghĩ như vậy. Có thể khẳng định, hình ảnh con 
người bé nhỏ suy tư trong truyện ngắn ngoại biên đã tỏa sáng trong tinh thần nhân 
bản và rất “đời”. Xuân Diệu, khi bàn về thơ Hồ Xuân Hương đã cho rằng: “Không 
phải cái gì vướng với lề lối tập tục thông thường một chút là dìm đi ngay, như vậy 
cũng làm cho văn học nghèo nàn đi, và như vậy, sẽ có những vùng rất lớn của tâm tư 
con người không ai dám bén mảng dò la đến nữa, những vùng thẳm sâu rộng lớn đó 
là những mạch nước ngầm rất quan trọng” [dẫn 4]. Thiết nghĩ, phát biểu đó của Xuân 
Diệu là một ý kiến đáng lưu ý khi chúng ta nhìn nhận và đánh giá về bộ phận văn học 
ngoại biên. 
Qua hệ thống những nhân vật “bé mọn”, suy tư, diễn ngôn truyện ngắn ngoại 
biên đã mang lại cái nhìn toàn diện hơn về con người và cuộc sống những năm kháng 
chiến. Đọc văn học cách mạng giai đoạn 1945 - 1975, ở những trang truyện khu vực 
trung tâm, có thể thấy các nhà văn đã tập trung kiến tạo hình ảnh một dân tộc Việt 
Nam “anh dũng tuyệt vời”, “trong lửa đạn vẫn sáng ngời”, “rũ bùn đứng dậy sáng 
lòa”  khiến độc giả thăng hoa trong những cảm xúc hùng tráng, sử thi. Tuy nhiên, 
vì chú tâm khắc họa cái phi thường, có phần sơ giản khi miêu tả cái đời thường, bình 
thường, truyện ngắn trung tâm đã khiến độc giả (chủ yếu là độc giả thuộc giai đoạn 
sau 1975) có cảm giác con người và cuộc sống trong văn học cách mạng nói chung 
còn thiếu sinh động. Đọc truyện ngắn ngoại biên, cảm giác thiếu hụt ấy phần nào 
được giải tỏa. Tiếp xúc những thân phận bé mọn trong truyện ngắn khu vực bên lề 
này, thấy gương mặt, dáng vóc, cuộc sống của con người Việt Nam giai đoạn 30 năm 
chiến tranh, đặc biệt, của nhân dân miền Bắc sau hoà bình 1954 hiện lên thật ám ảnh. 
Qua số phận và nhận cảm của những con người bình dị ấy, có thể thấy trang sử mới, 
xã hội mới sau 1945 không ngập tràn duy nhất những niềm hạnh phúc, phấn khởi, 
kiểu “mỗi ngày vui một quả trứng hồng” như diễn ngôn trung tâm đã ngợi ca mà còn 
bộn bề khó khăn, vất vả, và, bên cạnh những điều tốt đẹp, đáng quý đang “xé vỏ”, 
“trổ mầm” thì cái xấu, cái giả trá cũng đang tìm cách len sâu, ngoi cao (điều này đã 
HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI “BÉ MỌN”, SUY TƯ TRONG DIỄN NGÔN 
  39 
được nói kĩ hơn trong một bài viết khác – bài viết Hình tượng kẻ tha hóa trong diễn 
ngôn truyện ngắn khu vực ngoại biên giai đoạn 1945 – 1975, [1]). Trong dòng suy tư 
của những con người bé nhỏ ấy, một mặt, tồn tại những cảm xúc, nghĩ suy, sự quan 
tâm đến những vấn đề thiêng liêng, lớn lao, thể hiện sự gắn bó với cộng đồng, dân 
tộc, trách nhiệm đối với Tổ quốc, quê hương .v.v. – những cảm xúc có tính đặc trưng, 
phổ biến ở con người Việt Nam những khi đất nước bị giặc xâm lăng, mặt khác, vẫn 
luôn thường trực những cảm xúc, tâm tình rất riêng tư, sâu kín, những mơ mộng, khát 
khao, những nhớ nhung, hờn dỗi, thậm chí có cả những đau khổ, sầu thương. Có thể 
nói, những con người bé mọn, suy tư trong truyện ngắn ngoại biên là những hình 
tượng rất “đời” và rất “người”. Đáng tiếc là, những hình tượng được kiến tạo trong 
tinh thần nhân bản như vậy đã bị các nhà phê bình văn học cách mạng đương thời phê 
phán, kết tội nặng nề và bị gạt sang bên lề của đời sống văn hoá, văn học. Nhưng, 
thời gian đã chứng minh, loại nghệ thuật bao chứa cả niềm vui và nỗi buồn, cả hào 
hùng và bi thương luôn có giá trị và có sức sống dài lâu, hay nói như I.Lôtman thì: 
“Trên các giai đoạn khác nhau của lịch sử từng la liệt những luận điệu có tính chu kỳ 
về tính vô bổ, thậm chí về tính có hại của nghệ thuật Tuy nhiên, nghệ thuật vẫn tái 
sinh như bất biến, thách thức những kẻ xua đuổi nó” [3;13]. 
3. Kết luận 
Tiếp cận diễn ngôn truyện ngắn ngoại biên giai đoạn 1945 – 1975, chúng tôi 
thấy rằng: tuy số lượng không nhiều (khoảng vài chục tác phẩm trong đối sánh với 
hàng nghìn truyện ngắn khu vực trung tâm chính thống), nhưng diễn ngôn truyện 
ngắn khu vực này đáng được lắng nghe, đón nhận. Kiến tạo thế giới hình tượng theo 
nguyên tắc đời thường hoá, xây dựng hình tượng con người bé mọn, suy tư, truyện 
ngắn khu vực ngoại biên mang ý thức phản tư và giàu tinh thần nhân bản. Đó là lí do 
truyện ngắn ngoại biên vẫn sống, dù từng bị phê phán, chối bỏ, để đến hôm nay, 
nhiều diễn ngôn trong số đó đã được đón nhận vào trung tâm của đời sống văn học. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1] Hoàng Thị Thu Giang (2014), “Hình tượng kẻ tha hóa trong diễn ngôn truyện 
ngắn khu vực ngoại biên giai đoạn 1945 – 1975,” Tạp chí Khoa học số 1, 
Trường Đại học Hùng Vương. 
[2] Phùng Ngọc Kiếm (2000), Con người trong truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975, 
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 
[3] I.Lotman (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá 
Đĩnh, Nguyễn Thu Thuỷ dịch, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội. 
HOÀNG THỊ THU GIANG 
 40 
[4] Trần Thanh Mại (1961), “Thử bàn lại vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ 
Xuân Hương”, Tạp chí Văn học, (số 4). 
[5] Trần Đình Sử (2013), Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam 
đương đại, nguồn: 
trong-tien-trinh-van-hoc-viet-nam-duong-dai/ 
Title: THE IMAGE OF “LITTLE PEOPLE”, THE REFLECTION IN 
DISCOURSE OF SHORT STORIES IN THE PERIPHERAL AREAS IN THE 
PERIOD 1945 – 1975 
HOANG THI THU GIANG 
 Ha Long University 
Abstract: As with every culture and literature, as well as factors and levels, there are 
peripheral and central parts. This is similar to the literature in general, in particular 
for short stories during the period 1945-1975. For the symbol world, it can be seen 
that the discourse of the peripheral area built the symbol world according to personal 
life, and contributed to bringing a clearer picture of the life and time of the past – 30 
years after the August Revolution. This article focuses on clarifying some of this 
aspect. 

File đính kèm:

  • pdfhinh_tuong_con_nguoi_be_mon_suy_tu_trong_dien_ngon_truyen_ng.pdf