Hệ thống tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam trong tiến trình phát triển văn học Trung đại Việt Nam

Tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam góp phần hình thành truyền thống văn hóa của dân

tộc trong nhiều thế kỉ. Tiến trình phát triển văn học trung đại Việt Nam đã được tìm hiểu trên cơ

sở nghiên cứu về các tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thường

chỉ dừng lại ở các tác giả có sự nghiệp trước tác đồ sộ, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển

văn học như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Tung, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,

Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình

Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương. . . ; hoặc nghiên cứu các tác giả của một thời kì văn học như

tác giả văn học thời Lý Trần, tác giả văn học thời Tây Sơn.; hoặc nghiên cứu những tác giả của

một dòng họ như dòng họ Ngô Thì, dòng họ Nguyễn Huy, dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.; hoặc

nghiên cứu theo vùng miền như các tác giả văn học Nam Bộ. . . Có thể thấy, chúng ta vẫn thiếu

khuyết một cái nhìn chỉnh thể về toàn bộ tiến trình phát triển của hệ thống tác giả văn học Hán

Nôm trong lịch sử. Bài viết này tổng quan quá trình phát triển các tác giả văn học Hán Nôm Việt

Nam từ thế kỉ thứ I đến thế kỉ XX.

pdf 8 trang kimcuc 3720
Bạn đang xem tài liệu "Hệ thống tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam trong tiến trình phát triển văn học Trung đại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Hệ thống tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam trong tiến trình phát triển văn học Trung đại Việt Nam

Hệ thống tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam trong tiến trình phát triển văn học Trung đại Việt Nam
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0003
Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 19-26
This paper is available online at 
HỆ THỐNG TÁC GIẢ VĂN HỌC HÁN NÔM VIỆT NAM
TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
Nguyễn Thị Thanh Chung
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Bài viết này tổng quan sự phát triển các tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam từ
thế kỉ thứ I đến thế kỉ XX với bốn giai đoạn gồm giai đoạn xuất hiện tác giả văn học từ thế
kỉ I đến thế kỉ X, giai đoạn kiện toàn hệ thống tác giả văn học từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIV,
giai đoạn phát triển mạnh mẽ của hệ thống tác giả văn học từ thế kỉ XV đến nửa đầu thế kỉ
XIX, giai đoạn chuyển biến lực lượng sáng tác từ nửa sau thế kỉ XIX.
Từ khóa:Hệ thống tác giả, tác giả văn học Hán Nôm, tiến trình phát triển văn học, văn học
Việt Nam thời trung đại.
1. Mở đầu
Tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam góp phần hình thành truyền thống văn hóa của dân
tộc trong nhiều thế kỉ. Tiến trình phát triển văn học trung đại Việt Nam đã được tìm hiểu trên cơ
sở nghiên cứu về các tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thường
chỉ dừng lại ở các tác giả có sự nghiệp trước tác đồ sộ, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển
văn học như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Tung, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,
Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình
Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương. . . ; hoặc nghiên cứu các tác giả của một thời kì văn học như
tác giả văn học thời Lý Trần, tác giả văn học thời Tây Sơn...; hoặc nghiên cứu những tác giả của
một dòng họ như dòng họ Ngô Thì, dòng họ Nguyễn Huy, dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền...; hoặc
nghiên cứu theo vùng miền như các tác giả văn học Nam Bộ. . . Có thể thấy, chúng ta vẫn thiếu
khuyết một cái nhìn chỉnh thể về toàn bộ tiến trình phát triển của hệ thống tác giả văn học Hán
Nôm trong lịch sử. Bài viết này tổng quan quá trình phát triển các tác giả văn học Hán Nôm Việt
Nam từ thế kỉ thứ I đến thế kỉ XX.
2. Nội dung nghiên cứu
Khái niệm tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam được xác định thông qua các khía cạnh tác
thành gồm tác giả văn học, văn học, Hán Nôm, Việt Nam. Tác giả văn học là những người có sáng
tác văn chương, cố nhiên văn chương được xem xét theo quan niệm thời trung đại. Tác phẩm văn
học của của tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam có thể tồn tại trong thư tịch khắc in hoặc viết
Ngày nhận bài: 15/10/2016. Ngày nhận đăng: 20/3/2017
Liên hệ: Nguyễn Thị Thanh Chung, e-mail: thanhchungdhsp@gmail.com
19
Nguyễn Thị Thanh Chung
tay trong các biệt tập và vựng tập hoặc được khắc trong văn bia, hoành phi. . . Xét về quy mô, tác
giả văn học trước tác đồ sộ như Nguyễn Du (1766-1820) với Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp
ngâm, Bắc hành tạp lục, Đoạn trường tân thanh hoặc tác giả chỉ còn duy nhất một bài thơ như
Đặng Dung (1373 -1414) với bài thơ Cảm hoài. Xét về mặt văn tự, tác giả có thể sáng tác bằng
văn tự Hán và văn tự Nôm như Nguyễn Trãi (1380 - 1442), hoặc chỉ sáng tác bằng văn tự Hán như
Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872), hoặc chỉ sáng tác bằng chữ Nôm như Nguyễn Thị Hinh (1805 -
1848).
Khái niệm văn học thời trung đại tương đối phức tạp. Việc định danh thể loại của cổ nhân
cho thấy đặc tính không thuần nhất của các thể loại, ví dụ cùng là chữ lục nhưng trong Lĩnh Nam
chích quái lục, Truyền kì mạn lục là truyện thì trong Bắc hành tạp lục là thơ. Mặt khác, tính không
thuần nhất còn biểu hiện ở đặc điểm một tác phẩm đan xen nhiều thể loại như Thánh Tông di thảo,
Truyền kì mạn lục, Truyền kì tân phản, Tang thương ngẫu lục. Điều đó dẫn đến việc xác định một
tác phẩm văn học vấp phải những khó khăn. Theo quan niệm của chúng tôi, khái niệm văn học
được xây dựng dựa vào hệ thống thể loại văn học theo quan niệm của thời đại đảm bảo tính lịch
sử trong nghiên cứu đối tượng văn học thời trung đại. Hệ thống thể loại văn học được xác lập dựa
vào hệ thống các tuyển tập như tuyển tập thơ, tuyển tập phú, tuyển tập văn và dựa trên thực tế phát
triển các thể loại như truyện thơ, khúc ngâm, hát nói, tiểu thuyết lịch sử. . .
Ngoài ra, văn học Việt Nam bao gồm sáng tác bằng chữ Hán và những sáng tác bằng chữ
Nôm. Hai dòng văn học chữ Hán và chữ Nôm song hành, bổ sung cho nhau và tác thành nền văn
học Việt Nam thời trung đại. Trong dòng chảy của lịch sử, chúng ta cũng cần xét đến sự thay đổi
về địa lí và quốc hiệu. Tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam bao gồm tác giả có tổ tiên ở nước ngoài
nhưng đã sống và gắn bó với Việt Nam và những tác giả là người Việt Nam phải lưu vong ở nước
ngoài.
Như vậy, khái niệm tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam được xây dựng từ các khái niệm
tác giả, văn học, Hán Nôm, Việt Nam. Hệ thống các tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam theo tiến
trình lịch sử có thể phân chia thành bốn giai đoạn.
2.1. Giai đoạn xuất hiện tác giả văn học từ thế kỉ I đến thế kỉ X
Từ thế kỉ I đến thế kỉ X, dân tộc ta đã trải qua thời kì Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Trong
thời kì này có những giai đoạn giành được độc lập của Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu
Quang Phục, Khúc Hạo, Khúc Thừa Dụ, Phùng Hưng. Còn lại, nước ta bị đặt làm quận huyện,
chịu sự kiểm soát của chính quyền đô hộ Phương Bắc. Chữ Hán và văn hóa Hán được truyền nhập
vào nước ta để trở thành ngôn ngữ văn tự chuyên dụng của tầng lớp đô hộ và người có chức vị
trong xã hội. Nhiều người thi thố tài năng và đóng góp cho sự phát triển xã hội, nhất là khi nhà
Đường thúc đẩy chế độ khoa cử ở nước ta thông qua việc mở trường dạy học Nho học và tổ chức
cho các sĩ tử tham gia các kì thi. Vì thế, ở nước ta hình thành một tầng lớp nho sĩ tinh thông chữ
Hán giữ vai trò thúc đẩy việc truyền bá văn hóa Hán.
Từ thế kỉ thứ I đến thế kỉ V, tác giả có trước thuật còn xác định được tác phẩm là Đạo Cao,
Pháp Minh, Lý Miễu với 6 bức thư tranh luận về việc thấy hay không thấy chân hình của Phật.
Trong ba tác giả thì Đạo Cao và Pháp Minh là người Giao Châu. Từ thế kỉ VI đến thế kỉ IX, “có sự
gia tăng rõ rệt về số lượng người Việt cầm bút. Theo nghiên cứu của học giả Trần Nghĩa, “số người
có khả năng tham gia vào các hoạt động sáng tác văn học, học thuật là 23 người, có thể chia thành
3 nhóm: 18 người là tu sĩ, 4 nho sĩ và 2 người chưa xác định rõ danh tính” [3;146]. Một số tác giả
tiêu biểu như Chí Hàm, Khương Công Phụ, Đại Thừa Đăng, Định Không, Liêu Hữu Phương.
20
Hệ thống tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam trong tiến trình phát triển văn học trung đại Việt Nam
Sau khi Ngô Quyền giành được độc lập đến trước thời Lý, nước ta trải qua ba triều đại Ngô,
Đinh, Tiền Lê. Do hoàn cảnh lịch sử chiến tranh, do mục tiêu xã hội còn hướng đến việc ổn định
chính trị nên học thuật và văn chương chưa được chú trọng phát triển. Thời kì này có thể kể đến ba
tác giả là Ngô Chân Lưu (933-1011), Đỗ Pháp Thuận (915 – 990), Vạn Hạnh (? – 1018).
2.2. Giai đoạn kiện toàn hệ thống tác giả văn học từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIV
Đất nước bước vào thời kì xây dựng quốc gia tự chủ về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa.
Nhà Lý dung hòa tư tưởng Nho, Phật, Đạo. Nhà Trần phát triển mạnh tư tưởng Phật giáo Thiền
tông ở giai đoạn đầu, sau đó Nho giáo từng bước trở thành quốc giáo qua các sự kiện lập Văn miếu,
thi Minh kinh và Nho học tam trường, sa thải tăng đồ và tăng cường thi cử kiểu Nho học... Thời kì
này diễn ra những cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc như nhà Lý chống quân Tống, nhà Trần
chống quân Nguyên Mông, nhà Hậu Trần và nhà Hồ chống quân Minh. Thời kì này, văn hóa phát
triển rực rỡ với sự thống nhất của văn tự. Trong điều kiện vừa độc lập, lại trải 10 thế kỉ dùng chữ
Hán và tiếng Hán như sinh ngữ thứ hai nên chữ Hán trở thành văn tự chính thống. Song song với
chữ Hán là sự phát triển của chữ Nôm. Vào thế kỉ XIII, chữ Nôm được sử dụng để sáng tác văn học
tác thành nền văn học trung đại Việt Nam gồm Văn học viết bằng chữ Hán và văn học viết bằng
chữ Nôm. Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIV là giai đoạn kiện toàn hệ thống tác giả văn học Hán Nôm
Việt Nam với những tác giả thuộc tầng lớp tăng lữ, những tác giả thuộc thuộc tầng lớp nho sĩ và
những tác giả thuộc tầng lớp quý tộc.
2.2.1. Tác giả văn học thuộc tầng lớp tăng lữ
Đến thời đại Lý Trần, Phật giáo của Đại Việt phát triển mạnh nhất là Thiền Tông với bốn
chi phái lớn. Chi phái thứ nhất do thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi người Ấn Độ truyền vào nước ta từ
cuối thế kỉ VI, đến thời Lý truyền đăng qua các thiền sư như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn
Minh Không, Khánh Hỷ, Diệu Nhân. . . Chi phái thứ hai do thiền sư Vô Ngôn Thông người Trung
Quốc truyền vào nước ta từ đầu thế kỉ IX, đến thời Lý truyền đăng qua các thiền sư Viên Chiếu,
Quảng Nghiêm, Mãn Giác, Ngộ Ấn, Không Lộ, Giác Hải, Quảng Nghiêm. . . Chi phái thứ ba là
phái Thảo Đường nảy sinh ở nước ta cuối thế kỉ IX, được truyền qua Lý Thái Tông, Không Lộ,
Định Giác, Phạm Âm, Tam Tạng, Hải Tĩnh. . . Chi phái thứ tư là phái Trúc Lâm, nảy sinh ở nước
ta cuối thế kỉ XIII được Trần Nhân Tông gây dựng và trở thành tổ sư thứ nhất, truyền đăng qua
Pháp Loa, Huyền Quang. Trong năm thế kỉ này, tăng lữ chiếm vị trí quan trọng trong lực lượng
sáng tác văn học với số lượng khoảng 40 tác giả. Tuy nhiên, số tăng lữ sáng tác ngày càng giảm
theo thời gian do ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo khiến Phật giáo từng bước thoái lui, giảm dần
sự ảnh hưởng đến xã hội. Đến thời Trần, số tác giả văn học là tăng lữ chỉ còn khoảng 10 tác giả.
Tác giả Đỗ Thu Hiền nhận định: “Từ thời Lí đến thời Trần là giai đoạn loại hình tác giả nhà sư biến
đổi theo chiều hướng chiếm từ đa số (65%) đến chỉ còn một bộ phận rất nhỏ (6%, 4%)” [1;384].
Xét đến tính quy mô sáng tác của từng tác giả, thời kì nhà Lý số tác giả là nhà sư chiếm phần lớn
nhưng số lượng tác phẩm của mỗi người để lại không nhiều. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng
đã thống kê: “Trong số 41 tác giả thơ Thiền tiêu biểu của thời này có 20 người sáng tác 1 bài, 19
người sáng tác 2 bài, 3 người sáng tác 3 bài và 1 người sáng tác 4 bài” [2;86].
2.2.2. Tác giả văn học thuộc tầng lớp nho sĩ
Thời Lý, một tầng lớp quan lại và tướng lĩnh sáng tác văn chương là Lý Thường Kiệt,
Nguyễn Cống Bật, Đoàn Văn Khâm, Nguyễn Nguyên Úc, Lý Thừa Ân... nhưng lực lượng sáng tác
chủ yếu vẫn là tăng lữ. Lực lượng sáng tác thời Trần bao gồm quý tộc, nho sĩ và tăng lữ nhưng nho
21
Nguyễn Thị Thanh Chung
sĩ trở đã thành lực lượng sáng tác chủ yếu. Trong khoảng 60 tác giả văn học bao gồm 40 tác giả
thuộc tầng lớp nho sĩ, 10 tác giả thuộc tầng lớp quý tộc, 10 tác giả thuộc tầng lớp tăng lữ. Nho sĩ
phần lớn theo con đường khoa cử, trở thành quan liêu trong bộ máy chính quyền phong kiến. Một
số khác là những người không đi thi hoặc thi trượt, hoặc thi đỗ không ra làm quan. Có thể kể đến
các tác giả Nguyễn Bá Thông, Sử Hy Nhan (1320 -1390), Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346), Nguyễn
Trung Ngạn, Đinh Củng Viên, Nguyễn Thuyên, Trương Hán Siêu (? – 1354), Bùi Mộ, Chu Văn
An (1292 – 1370), Phạm Sư Mạnh, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Lê Bá Quát, Trần Đình Thám, Nguyễn
Sưởng, Nguyễn Cố Phu, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Đường Anh, Đỗ Tử Vi, Lê Cảnh Tuân, Hồ Tông Thốc,
Bùi Tông Quán, Nguyễn Bá Thông, Lý Tế Xuyên. . . Nhiều tác giả có những tác phẩm dày dặn như
Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) viết Giới Hiên Thi tập, Chu Văn An (1292-1370) viết Tiều Ẩn
thi tập, Phạm Sư Mạnh viết Hiệp Thạch tập. . . Nhiều tác giả có những tác phẩm nổi tiếng như
Mạc Đĩnh Chi với Ngọc tỉnh liên phú, Trương Hán Siêu viết Bạch Đằng giang phú. . .
2.2.3. Tác giả văn học thuộc tầng lớp quý tộc
Nhiều nhân vật thuộc tầng lớp quý tộc cũng trở thành những tác gủa văn học có đóng góp
cho nền văn học dân tộc. Các vị vua thời Lý có sáng tác như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Nhân
Tông, Lý Chiêu Hoàng. Các vị vua thời Trần trở thành những tác giả văn học như Trần Thái Tông,
Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông. Hoàng
thân cũng là tác giả văn học như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toại, Trần Quang
Triều, Trần Tung, Trần Nguyên Đán. . . Nhiều tác giả có những tác phẩm nổi tiếng như Trần Tung
(1230 – 1291) với các tác phẩm hiện còn trong văn bản Thượng sĩ ngữ lục, Trần Quang Khải (1241-
1291) với Lạc đạo tập, Trần Quang Triều (1286 – 1325) với Cúc Đường di cảo, Trần Nguyên Đán
(1320 -1390) với Băng Hồ ngọc hác tập...
2.3. Giai đoạn phát triển mạnh mẽ của hệ thống tác giả văn học từ thế kỉ XV
đến nửa đầu thế kỉ XIX
Từ thế kỉ XV đến nửa đầu thế kỉ XIX là một chặng đường phát triển mạnh mẽ của nền văn
học dân tộc. Văn học trung đại Việt Nam trải qua quá trình phát triển tự thân và đạt đến đỉnh cao
trên nhiều lĩnh vực. Tác giả văn học cũng đạt đến một bước phát triển mạnh mẽ, tạo thành một lực
lượng lớn mạnh, thể hiện trên các phương diện về giai tầng, vùng miền, thể loại, dòng phái. . .
2.3.1. Phát triển tác giả văn học thuộc các giai tầng xã hội
Từ thế kỉ X đến thế kỉ XIII, do Phật giáo thịnh hành nên lực lượng sáng tác chủ yếu là tầng
lớp tăng lữ nhưng càng về sau tầng lớp tác giả tăng lữ ngày càng giảm. Từ cuối Trần, Nho giáo
phát triển mạnh mẽ. Thời Lê xuất hiện một tầng lớp quan lại tinh thông Nho học tham gia vào bộ
máy hành chính nhà nước được triều đình chọn lựa qua khoa cử. Từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII,
lực lượng sáng tác chủ yếu là các nhà nho phân hóa thành nho sĩ quan liêu, nho sĩ ẩn dật, nho sĩ
bình dân. Đến giai đoạn cuối XVIII, hoàn cảnh lịch sử biến chuyển, nhất là sự thay đổi của kinh
tế đô thị về cơ sở vật chất và nhu cầu thẩm mĩ. Lực lượng sáng tác là nhà nho tiếp tục phân hóa
thành nhà nhà nho hành đạo, nho ẩn dật, nhà nho tài tử. Có thể kể đến các tác giả như Nguyễn
Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Ngô Thế Lân, Vũ Phương Đề, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Cư Trinh,
Đặng Đức Siêu, Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích, Phạm Quý Thích, Trần Danh Án, Vũ Trinh, Nguyễn
Du, Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Văn Siêu, Trương Quốc Dụng, Cao Bá Quát, Bùi Văn Dị,
Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Lộ Trạch. . .
Tầng lớp quý tộc vẫn đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của văn học. Thế kỉ XV nổi tiếng
22
Hệ thống tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam trong tiến trình phát triển văn học trung đại Việt Nam
với nhân vật Lê Thánh Tông. Các chúa Trịnh cũng có nhiều sáng tác thơ văn như Trịnh Tùng, Trịnh
Căn, Trịnh Sâm. Những bậc đế vương thời Nguyễn là tác gia văn học có thể kể đến Gia Long, Minh
Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Các tác giả hoàng tộc khác cũng nhiều người tài hoa như Nguyễn Miên
Bật, Nguyễn Miên Bửu, Nguyễn Miên Cư, Nguyễn Miên Định, Nguyễn Miên Ngung, Nguyễn
Miên Thanh, Nguyễn Miên Thẩm, Nguyễn Miên Trinh, Nguyễn Trinh Thận, Nguyễn Tĩnh Hòa. . .
2.3.2. Phát triển tác giả văn học trên các vùng miền
Trong khoảng năm thế kỉ này, các vùng miền văn học phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự
phát triển của vùng miền văn học mới – văn học Đàng Trong. Đến thế kỉ XVII – XVIII, văn hóa
Việt mở rộng về phía Nam của đất nước. Đàng Trong bắt đầu được định danh khi Nguyễn Hoàng
quyết tâm xây dựng một thế lực độc lập vào đầu thế kỉ XVII và ngày càng phát triển về kinh tế,
văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật, văn học. Lực lượng sáng tác của văn học Đàng Trong đa dạng gồm
quý tộc, quan lại, nho sĩ, đạo sĩ, tăng ni, thương nhân, giáo dân, người Hoa. . . Tính đến thập niên
bảy mươi của thế kỉ XVII, lực lượng sáng tác ở Đàng Trong vẫn chủ yếu là nhà nho tham gia chính
quyền họ Nguyễn với một số tên tuổi như Đào Duy Từ (1572 – 1634), Nguyễn Phước Nguyên,
Nguyễn Hữu Dật (1604 -1681)... Sau khi Đàng Trong ổn định vào phát triển từ cuối thế kỉ XVIII,
văn học Đàng Trong ngày càng phát triển với đội ngũ nho sĩ. Trên thực tế, Chúa Nguyễn trải tám
đời với những thành tựu đáng ghi nhận về văn hóa, văn học nhưng những cuộc di biến chính trị
khiến đã khiến việc bảo quản những tư liệu Hán Nôm trở thành bất khả. Có lẽ, vì vậy mà nhiều tác
giả văn học Hán Nôm đã không còn cứ liệu để khẳng định cuộc đời và sự nghiệp. Tuy nhiên, những
tác gia còn lại cũng đã minh chứng sự phát triển mạnh mẽ của văn học Đàng Trong. Có thể kể
đến các tác giả Nguyễn Phước Châu, Nguyễn Hữu Hào (1647 – 1713), Nguyễn Phước Tứ, Nguyễn
Khoa Chiêm (1659 – 1736), Vũ Đình Phương, Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Đăng Thịnh, Nguyễn
Đăng Tiến, Nguyễn Cư Trinh, Đặng Đức Thuật, Hoàng Quang, Nguyễn Hương, Lê Quang Định
(1795 – 1813), Ngô Nhân Tĩnh (? – 1813), Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825), Nguyễn Cư Trinh, Ngô
Thế Lân, Nguyễn Dưỡng Hạo, Trần Thế Xương, Mạc Thiên Tích (1706 – 1780). . .
2.3.3. Phát triển tác gia văn học ở các thể loại văn học
Các thể loại văn học tiếp thu từ Trung Hoa cũng đạt thành tựu cao như thơ ca phát triển
mạnh mẽ với nhiều tên tuổi và hàng trăm thi tập. Các thể văn cũng đạt thành tựu rực rỡ với các thể
chiếu, biểu, hịch, cáo, phú, văn bia, luận, thuyết, nghị, biện... Các tác giả viết kí đã để lại những
trước tác trứ danh như Vũ Phương Đề, Trần Tiến, Lê Hữu Trác, Trần Trợ, Phạm Đình Hổ, Lý Văn
Phức, Cao Bá Quát. Truyện truyền kì đạt nhiều thành tựu qua sáng tác của tác giả Lê Thánh Tông,
Nguyễn Dữ, Đoàn Thị Điểm. Tiểu thuyết lịch sử là tác giả Nguyễn Khoa Chiêm, Ngô Gia văn
phái. Nhìn chung các thể loại văn học được sáng tác bằng chữ Hán đã đạt đến thành tựu cao về nội
dung và hình thức.
Cũng từ thế kỉ XV, các thể loại văn học viết bằng chữ Nôm phát triển mạnh mẽ, cho thấy
quá trình chuyển mình của nền văn học. Thơ Nôm với nhiều tác giả như Nguyễn Trãi, Lê Thánh
Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Hinh, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Sang
thế kỉ XVI – XVII, các thể loại văn học nội sinh của dân tộc xuất hiện như hát nói với các tác giả
Lê Đức Mao, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh; ngâm khúc viết theo thể song
thất lục bát của các tác giả Đào Duy Từ, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Lê Ngọc Hân, Phạm
Thái, Nguyễn Du, Phan Huy Ích, Cao Bá Nhạ, Phan Huy Thực, Hoàng Quan; truyện thơ theo thể
lục bát đạt đến đỉnh cao với các sáng tác của Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu.
23
Nguyễn Thị Thanh Chung
2.3.4. Phát triển tác gia văn học cùng tổ chức và dòng tộc
Sự phát triển mạnh mẽ của các tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam còn phải kể đến quá
trình phát triển của các tổ chức văn học, các dòng phái văn học. Có thể kể đến các tổ chức như
hội Tao đàn, Chiêu Anh các, hội Hướng thiện. . . Hội Tao đàn ra đời vào thế kỉ XV là một thi xã
cung đình có quy mô lớn đầu tiên ở nước ta do vua Lê Thánh Tông lập ra, tập hợp 28 tác giả văn
tài. Chiêu Anh các do Mạc Thiên Tứ (1718-1780) khởi xướng vào năm 1736 ở Hà Tiên gây dựng
sự phát triển mạnh mẽ của vùng văn học. Hội Hướng thiện do Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Siêu
đứng đầu đã tạo thành một phong trào văn học ở Thăng Long – Hà Nội trong thế kỉ XIX..
Các dòng phái văn học ở Việt Nam thời trung đại còn hệ thuộc vào các dòng tộc. Tác giả
văn học Việt Nam kế thừa truyền thống dòng họ trở thành những tập thể tác giả tạo được dấu ấn
sâu sắc trong dòng chảy văn học Việt Nam. Số lượng tác giả có mối quan hệ gia tộc khá lớn và
tạo nên những tiếng vang. Đến khoảng thế kỉ XVIII, những dòng họ văn nhân nổi tiếng gồm dòng
văn họ Ngô Thì, dòng văn họ Phan Huy, dòng văn họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, dòng văn họ
Nguyễn ở Tiên Điền. Những dòng học có nhiều tác giả văn học với những trước tác đồ sộ như hoạt
động văn học của Ngô gia văn phái hơn trăm năm, gồm bốn thế hệ chính bắt đầu từ Ngô Thì Ức,
kéo dài suốt thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX. Tác giả thuộc Ngô Gia tiêu biểu gồm Ngô Thì
Ức, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Đạo, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hoàng, Ngô
Thì Hương, Ngô Thì Du, Ngô Thì Điển, Ngô Thì Lữ. Những dòng văn góp phần thúc đẩy nền văn
học nước nhà và khẳng định sự phát triển vượt bậc của tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam.
2.4. Giai đoạn chuyển biến lực lượng sáng tác từ nửa sau thế kỉ XIX
Sự chuyển biến lực lượng sáng tác nửa sau thể kỉ XIX là dấu ấn của nhiều điều kiện lịch sử,
trong đo phải kể đến hai yếu tố chính là chính trị và văn tự. Sự xuất hiện của thực dân Pháp với sự
chuyển đổi của hình thức xã hội từ chế độ phong kiến sang chế độ thực dân nửa phong kiến. Văn
tự cũng có sự thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện và thống lĩnh của chữ quốc ngữ. Hai yếu tố chính
trị và văn tự đã thúc đẩy sự chuyển biến lực lượng sáng tác văn học. Lực lượng sáng tác văn học
bao gồm nhóm tác giả văn học Hán Nôm là trí thức Nho giáo cổ điển, nhóm tác giả văn học Hán
Nôm Việt Nam là tầng lớp sĩ phu tân tiến và nhóm tác giả văn học là trí thức mới dùng chữ quốc
ngữ. Trong tiến trình phát triển hệ thống tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam, giai đoạn cuối thế
kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX diễn ra chuyển biến của lực lượng sáng tác, phân chia thành nhóm tác
giả văn học Hán Nôm Việt Nam là trí thức Nho giáo cổ điển và sĩ phu tân tiến.
2.4.1. Tác giả văn học Hán Nôm là trí thức Nho giáo cổ điển
Học giả Trịnh Văn Thảo nhận định: “Những trí thức Nho giáo rất coi trọng kiến thức, tôn
trọng các quy tắc nghi lễ, có nghĩa vụ, có mối quan hệ đan xen với nhà vua (quốc gia) theo những
nguyên tắc đạo đức chính trị của Nho giáo. Ngay cả khi nghiêm khắc giữ mình trong mối liên hệ
giữa một bên là triều đình vinh danh họ và một bên là nhân dân nuôi sống họ, đôi khi đã dẫn họ
vào con đường nổi dậy, thì họ vẫn coi hành động đó là tuân theo những nguyên lý cơ bản của nhà
nước Khổng giáo”[4; 27]. Những tác giả thuộc thế hệ trí thức cổ điển cơ bản trải qua quá trình giáo
dục và thi cử phong kiến, trải qua hệ thống giáo dục truyền thống với các cuộc thi tam trường. Tuy
nhiên, một số tác giả như Cao Bá Nhạ không trải qua việc thi cử vì là con cháu của người cuộc nổi
dậy chống triều đình.
Những tác giả có sự giao thoa với nửa trước thế kỉ như Nguyễn Quang Bích (1832-1890),
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nguyễn Thượng Phiên (1228-?), Nguyễn Xuân Ôn (1830
24
Hệ thống tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam trong tiến trình phát triển văn học trung đại Việt Nam
-1889), Cao Bá Nhạ (nửa sau XIX), Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), Phạm Văn Nghị (1805 -1880),
Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), Trần Bích San (1830-1877), Đỗ Quang (1807-1866), Nguyễn
Trường Tộ (1828-1871), Phạm Phú Thứ (1820-1880), Võ Duy Thanh (1807-?), Nguyễn Miên
Trinh (1820 -1897), Nguyễn Miên Thẩm (1819-1870). . . Những tác giả sáng tác vào nửa thế kỉ
sau như: Nguyễn Khuyến (1835-1909); Lê Ninh (1857-1886), Bùi Xuân Nghi (Nửa sau XIX), Đỗ
Huy Liệu (Nửa sau XIX); Đinh Nhật Tân (1836-1887), Trần Xuân Soạn (1849-1932), Phan Đình
Phùng (1847-1895), Đặng Hữu Phố (1854-1885), Đào Tấn (1845-1907), Vũ Công Tự (1855-1920),
Đoàn Hữu Trừng (1844-1866), Chu Mạnh Trinh (1862-1905), Trần Tế Xương (1870-1907). . .
2.4.2. Tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam thuộc tầng lớp sĩ phu tân tiến
Tầng lớp sĩ phu tân tiến là những người chọn lựa và tham gia vào công cuộc canh tân về
tư tưởng. Xã hội nảy sinh mâu thuẫn phức tạp, trí thức đương thời đứng trước sự lựa chọn giữa
một bên là những người trung thành với triều đình, bảo thủ phục vụ cho ngoại bang và một bên
là những người hướng đến sự lựa chọn nền cộng hòa dân chủ. Có thể xem đây là cuộc đấu tranh
giữa cái cũ và cái mới, truyền thống và hiện đại. Trong cuộc đấu tranh này, “sức mạnh quá khứ (hệ
tư tưởng Nho giáo, nền quân chủ, hệ thống quan lại già cỗi, cộng đồng làng xóm khép kín) có vẻ
như sắp sửa nhanh chóng biến mất”[4; 29]. Tuy nhiên, cái mới của những cuộc cách tân cũng chỉ
đạt được những thắng lợi thoáng qua và nhanh chóng thất bại như các phong trào của cụ Phan Bội
Châu, Phan Chu Trinh.
Tác giả văn học Hán Nôm thuộc tầng lớp sĩ phu tân tiến tiêu biểu gồm Dương Lâm
(1851-1920), Phan Bội Châu (1867-1940), Huỳnh Thúc Kháng (1867-1947), Nguyễn Thượng
Hiền (1868-1925), Nguyễn Quyền (1870-1942), Trần Quý Cáp (1870-1908), Phan Châu Trinh
(1872-1926), Hồ Tá Bang (1875-1943), Hoàng Tăng Bí (1883-1939), Nguyễn Mộng Can
(1885-1953). . .
3. Kết luận
Hệ thống tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam bắt đầu hình thành trong mời thế kỉ với một
số tác giả và một số tác phẩm. Sang thời kì độc lập tự chủ, các tác giả văn học Hán Nôm đã phát
triển hơn trở thành một lực lượng có sức ảnh hưởng trong xã hội, phân chia thành những tác giả
văn học Hán Nôm là tăng lữ, là nho sĩ, là quý tộc. Sang thế kỉ XV, song song với sự phát triển về
kinh tế xã hội và quá trình vận động tự thân của nền văn học, hệ thống tác giả văn học Hán Nôm
có bước phát triển mạnh mẽ của hệ thống tác giả văn học biểu hiện ở sự phong phú của các tầng
lớp xuất thân, quá trình mở rộng của các vùng miền, sự nở rộ các thể loại văn học, sự bề thế của
các dòng phái, tổ chức hoạt động văn chương. Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX bước vào giai đoạn
chuyển mình mạnh mẽ của đội ngũ tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam vì ngoài tầng lớp tác giả
theo tư tưởng cổ điển đã xuất hiện các sĩ phu tân tiến, đồng thời với sự xuất hiện của tầng lớn tác
giả tân học. Như vậy, hệ thống tác giả văn học Hán Nôm Việt Nam đã trải qua những quá trình
hình thành, phát triển và chuyển biến, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền văn học dân tộc trong
chặng đường hai mươi thế kỉ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Thu Hiền, 2006. “Các loại hình tác giả trong văn học Lý Trần”, Văn học Việt Nam thế kỉ
X-XIX – những vấn đế lí luận và lịch sử. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[2] Nguyễn Phạm Hùng, 1998. Thơ Thiền Việt Nam – những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật.
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
25
Nguyễn Thị Thanh Chung
[3] Trần Nghĩa, 2006. “Một số vấn đề về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc dưới thời trung đại”,
Văn học Việt Nam thế kỉ X-XIX – những vấn đế lí luận và lịch sử. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Trịnh Văn Thảo, 2013. Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954) - Nghiên cứu lịch sử xã hội.
Nxb Thế giới, Hà Nội.
ABSTRACT
System of the Han – Nom literature authors of Vietnam
in the Medieval literature development process of Vietnam
Nguyen Thi Thanh Chung
Faculty of Philology, Hanoi National University of Education
System of the Han – Nom literature authors of Vietnam in the Medieval literature
development process of Vietnam. This article will give an overview of the development of Han
Nom literature authors of Vietnam from the first century to the twentieth century with four stages.
Literature authors was developed for ten centuries with some authors and some works. Entering the
era of independence, literature authors further developed, who were clergies, scholars and noble
people. Up to the fifteenth century, literature authors achieved the powerful developments of the
literature system. In the late nineteenth century and early twentieth century, literature authors force
entered its strong transition period.
Keywords: System of authors, Authors of Han Nom literature, Medieval literary, the
Medieval literature development.
26

File đính kèm:

  • pdfhe_thong_tac_gia_van_hoc_han_nom_viet_nam_trong_tien_trinh_p.pdf