Báo chí quốc ngữ Latinh với sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Văn học Việt Nam hiện đại đã khởi đầu từ báo chí quốc ngữ latinh.
Báo chí là bà đỡ mát tay cho văn học quốc ngữ và đã góp phần hình thành nên đời sống
văn học hiện đại. Có thể kể đến sự đóng góp rất lớn của Trương Vĩnh Ký với những tờ
báo quốc ngữ đầu tiên như Gia Định báo, Thông loại khóa trình. Đặc biệt là từ đầu thế kỷ
XX, với các tờ báo như Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Nam Kỳ địa phận, Công luận
báo, Phụ nữ tân văn , một đội ngũ các nhà viết tiểu thuyết đã xuất hiện. Nhiều nhà văn
nổi tiếng của Nam Bộ như Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Phú Đức,
Bửu Đình trước khi là nhà tiểu thuyết đã là các nhà báo. Hầu hết các tác phẩm của họ
trước khi xuất bản thành sách đã được in nhiều kỳ trên báo chí. Các tờ báo quốc ngữ là
môi trường tốt nhất cho các nhà văn rèn luyện ngòi bút của mình, là nơi kích thích sự
sáng tạo của họ, giúp họ nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của công chúng độc giả. Báo chí
cũng góp phần định hình quan niệm về thể loại, đa dạng hóa các thể tài của tiểu thuyết
đầu thế kỷ XX.
Nhưng báo chí cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nghệ thuật viết tiểu thuyết của các
nhà văn Nam Bộ. Do chiều theo thị hiếu của công chúng, do phải chạy theo tốc độ xuất
bản nên tiểu thuyết trên các báo còn nhiều hạn chế trong việc lựa chọn đề tài, trong kết
cấu, trong ngôn ngữ nghệ thuật
Tóm tắt nội dung tài liệu: Báo chí quốc ngữ Latinh với sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
TẠP CHÍ PHT TRIỂN KH&CN, TẬP 9, SỐ 3-2006 Trang 47 BÁO CHÍ QUỐC NGỮ LATINH VỚI SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TIỂU THUYẾT NAM BỘ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX Võ Văn Nhơn Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG-HCM TÓM TẮT : Văn học Việt Nam hiện đại đã khởi đầu từ báo chí quốc ngữ latinh. Báo chí là bà đỡ mát tay cho văn học quốc ngữ và đã góp phần hình thành nên đời sống văn học hiện đại. Có thể kể đến sự đóng góp rất lớn của Trương Vĩnh Ký với những tờ báo quốc ngữ đầu tiên như Gia Định báo, Thông loại khóa trình. Đặc biệt là từ đầu thế kỷ XX, với các tờ báo như Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Nam Kỳ địa phận, Công luận báo, Phụ nữ tân văn , một đội ngũ các nhà viết tiểu thuyết đã xuất hiện. Nhiều nhà văn nổi tiếng của Nam Bộ như Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Phú Đức, Bửu Đình trước khi là nhà tiểu thuyết đã là các nhà báo. Hầu hết các tác phẩm của họ trước khi xuất bản thành sách đã được in nhiều kỳ trên báo chí. Các tờ báo quốc ngữ là môi trường tốt nhất cho các nhà văn rèn luyện ngòi bút của mình, là nơi kích thích sự sáng tạo của họ, giúp họ nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của công chúng độc giả. Báo chí cũng góp phần định hình quan niệm về thể loại, đa dạng hóa các thể tài của tiểu thuyết đầu thế kỷ XX. Nhưng báo chí cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nghệ thuật viết tiểu thuyết của các nhà văn Nam Bộ. Do chiều theo thị hiếu của công chúng, do phải chạy theo tốc độ xuất bản nên tiểu thuyết trên các báo còn nhiều hạn chế trong việc lựa chọn đề tài, trong kết cấu, trong ngôn ngữ nghệ thuật Sự đóng góp của báo chí Quốc ngữ đầu thế kỷ 20 cho nền văn học Việt Nam hiện đại là hết sức to lớn. Cùng với chữ Quốc ngữ được dùng thay thế chữ Hán và chữ Nôm ở Nam Kỳ trước Trung Kỳ và Bắc Kỳ, báo chí chữ Quốc ngữ ra đời ở Nam Kỳ đã tạo điều kiện cho Nam Kỳ đi trước một bước trong sự hình thành và phát triển tiểu thuyết văn xuôi Quốc ngữ. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định điều này, từ Vũ Ngọc Phan những năm 40 của thế kỷ 20 với Nhà văn hiện đại cho đến các tác giả của Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới, từ sách báo của miền Nam cho đến các giáo trình đại học ở miền Bắc, từ trong nước cho đến ngoài nước như Maurice M. Durand và Nguyễn Trần Huân trong Introduction à la littérature vietnamienne. Thiếu Sơn trong bài diễn thuyết Báo giới và văn học quốc ngữ năm 1933 tại Hội Nam Kỳ Khuyến học Sài Gòn đã thấy sự quan hệ đặc biệt của văn học và báo chí ở Việt Nam: “Ở các nước văn minh tiên tiến thì văn học đều có trước báo chí, mà ở nước ta thì chính lại nhờ báo chí xây dựng nền văn học”1. Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên đã coi “vai trò tiên phong của báo chí” như là một trong “mấy yếu tính” của văn học giai đoạn 1907 – 1932. Thanh Lãng trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam cũng đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của báo chí khi nói đến “văn học thế hệ 1913” và dành hẳn một chương cho 1 Thiếu Sơn, Phê bình và cảo luận, Nam Ký xuất bản, Hà Nội, 1933, tr. 115. TẠP CHÍ PHT TRIỂN KH&CN, TẬP 9, SỐ 3-2006 Trang 48 Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh với hai tờ Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí, hai nhà văn – nhà báo và hai tờ báo theo ông là tiêu biểu đương thời. Bùi Đức Tịnh trong Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới, Bằng Giang trong Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930 cũng cho báo chí là một “bộ môn tiên phong của nền văn học mới” đồng thời là “môi trường nảy sinh và phát triển của tất cả các bộ môn khác”. Các tác giả của Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh khẳng định “báo ở Sài Gòn thật sự có đóng góp vào sự phát triển của văn học”2. Ở miền Bắc, vai trò của báo chí đối với sự hình thành của nền văn học mới cũng thường xuyên được nhắc tới và nhấn mạnh trong các giáo trình lịch sử văn học như Văn học Việt Nam 1900 – 1930 của Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng; Lịch sử văn học Việt Nam (Thời kỳ II: Giai đoạn II: Đầu thế kỷ XX – 1930) của Lê Trí Viễn, Nguyễn Đình Chú. Tờ báo Quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo. Lúc đầu chỉ là một tờ báo công vụ, nhưng từ khi Trương Vĩnh Ký nhận chức tổng tài thì báo đã có những đóng góp quan trọng trong việc cổ động sử dụng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán, chữ Nôm, khuyến khích tầng lớp trí thức đương thời tập viết báo, viết văn bằng chữ Quốc ngữ, ít nhiều nó đã đóng vai trò thúc đẩy sự chuyển tiếp của một nền văn chương cổ sang văn chương hiện đại. Thông loại khóa trình, do Trương Vĩnh Ký chủ trương, tờ báo tư nhân đầu tiên, tạp chí văn học đầu tiên của nước ta, nơi ghi lại những cực nhục cuối đời của Trương Vĩnh Ký cũng rất đáng chú ý. Mảng văn chương trên Thông loại khóa trình đã dạy cho độc giả (đối tượng của Thông loại 2 Nhiều tác giả, Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tập II: Văn học – Báo chí – Giáo dục, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr.334. khóa trình là học sinh như tôn chỉ ghi trên trang bìa) biết chữ nghĩa văn chương và tập viết văn chương. Trong các tờ báo Quốc ngữ đầu tiên, Nông cổ mín đàm là cái nôi của tiểu thuyết Nam Bộ. Mục đích của báo, như chủ nhân của nó là Canavaggio nói là để “luận việc nông cổ, trước là để cho thông tình cùng nhau, sau là để cho anh em ai có điều chi lợi ích về việc nông cổ thì xin tỏ cùng bổn quán in ra cho kẻ đồng chí xem chơi. Hoặc là có nghĩ đặng điều chi ích lợi thì làm mà chung nhờ cùng nhau”, “chẳng phải là có ý tiện mãi văn chương hay là sức phí văn quả mà khoe tài”3. Nhưng ngay từ số đầu tiên, người đọc đã thấy xuất hiện Tam quốc chí tục dịch, dịch giả chính là Canavaggio, chủ nhân của báo. Đây là bản dịch đầu tiên của Tam quốc chí ở nước ta, mà lại do một người nước ngoài thực hiện! Nông cổ mín đàm cũng chính là tờ báo tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết đầu tiên ở nước ta khi “ông Phủ Minh Tân” Gilbert Trần Chánh Chiếu về làm chủ bút. Cuộc thi mở ra từ tháng 10 năm 1906, mang tên là Quốc âm thí cuộc với giải thích như sau: “Người Langsa gọi Roman nghĩa là lấy trí riêng mình mà đặt ra một truyện tùy theo nhơn vật, phong tục trong xứ, dường như truyện có thiệt vậy”4. Cuộc thi không đạt được kết quả như ý khi chỉ có tác giả Nguyễn Khánh Nhương dự thi với tác phẩm Lương Hoa truyện, nhưng cuộc thi đã là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của thể loại non trẻ này chỉ trong vài năm sau. Nông cổ mín đàm theo Bằng Giang, là tờ báo đầu tiên đăng một bộ tiểu thuyết dày dặn, đúng nghĩa của nó (Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu); là nơi xuất hiện những tiểu thuyết đầu tiên của văn xuôi Nam Bộ: Hà Hương phong nguyệt (1912), Ai làm 3 Canavaggio, Đáp từ, Nông cổ mín đàm số 7, 12.9.1901. 4 Nông cổ mín đàm số 262, 23.10.1905. TẠP CHÍ PHT TRIỂN KH&CN, TẬP 9, SỐ 3-2006 Trang 49 được (1919) của Hồ Biểu Chánh, Nghĩa hiệp kỳ duyên (1920) của Nguyễn Chánh Sắt Chính nhờ Nông cổ mín đàm mà Lê Hoằng Mưu và Nguyễn Chánh Sắt đã trở thành những nhà văn danh tiếng của Nam Bộ. Phạm Minh Kiên, cây bút viết tiểu thuyết lịch sử khỏe nhất của Nam Bộ, tác giả của hàng loạt tiểu thuyết như Việt Nam Lý trung hưng, Việt Nam anh kiệt, Lê triều Lý thị, Tiền Lê vận mạt, Trần Hưng Đạo cũng từ Nông cổ mín đàm mà trưởng thành. Với 23 năm tồn tại, Nông cổ mín đàm không chỉ được biết tới như một tờ báo kinh tế đầu tiên của đất nước mà còn là mảnh đất ươm mầm cho thể loại tiểu thuyết non trẻ của văn học hiện đại. Lục Tỉnh tân văn cũng là tờ báo có uy tín vào bậc nhất ở Nam kỳ vào thời kỳ đó. Nhiều cây bút của xứ Bắc, Trung đã từng vào Sài Gòn học nghề làm báo ở tờ này, từ Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi đến Trần Huy Liệu, Tản Đà Ngay Đông Dương tạp chí khi mới ra đời phải ghi trên măng-xét của mình là “Ấn phẩm đặc biệt của Lục Tỉnh tân văn cho xứ Bắc và Trung kỳ”. Từ khi Lê Hoằng Mưu về làm chủ bút năm 1921, mảng văn chương trên Lục Tỉnh tân văn mới bắt đầu khởi sắc với hàng loạt tác phẩm của chính ông như Oan kia theo mãi hay Ba mươi đêm Hồ Cảnh Tiên tự thuật, Đỗ Triệu kỳ duyên, Hoan hỉ kỳ oan, Đêm rốt của người tội tử hình Ra đời sau Lục Tỉnh tân văn, nhưng Công luận báo (chào đời năm 1916) đã đóng góp cho tiểu thuyết Nam Bộ rất nhiều tác phẩm của những tên tuổi như Biến Ngũ Nhy, Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Dương Minh Đạt, Nam Đình Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Ý Bửu, Trần Quang Nghiệp, Bửu Đình Đây là nơi xuất hiện Kim thời dị sử – Ba Lâu ròng nghề đạo tặc của Biến Ngũ Nhy, quyển tiểu thuyết trinh thám đầu tiên ở nước ta. Các tác phẩm nổi tiếng của Phú Đức như Hiệp phố châu hườn, Lửa lòng, Tiểu anh hùng Võ Kiết cũng xuất hiện đầu tiên trên Công luận báo. Chúa Tàu Kim Quy của Hồ Biểu Chánh; Oan hồn yểu tử, Bình vỡ gương tan của Dương Minh Đạt; Bó hoa lài, Vô oan trái, Giọt lệ má hồng, Khép cửa phòng thu, Di hận ngàn thu của Nam Đình Nguyễn Thế Phương; Giọt máu anh hùng, Cù lao Thanh Thủy của Trần Quang Nghiệp; Một thiên tuyệt bút trường hận của Bửu Đình cũng đăng lần đầu trên tờ báo này. Phụ nữ tân văn cũng là một tờ báo có nhiều đóng góp cho văn học Việt Nam trong giai đoạn giao thời. Theo Vũ Ngọc Phan, đó là “một tạp chí mà sức truyền bá đã rất mạnh trong đám trí thức đương thời”5. Đây cũng là nơi đăng nhiều tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, của Bửu Đình; là nơi phát pháo khai cuộc tấn công vào thành trì của thơ cũ với bài báo Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ và Tình già, bài thơ được cho là bài thơ mới đầu tiên của Phan Khôi. Có thể nói ngoại trừ Nguyễn Trọng Quản do du học ở Algérie nên xa sinh hoạt văn học trong nước và do đó đã cho ra đời truyện Thầy Lazarô Phiền đi trước thời đại như một cánh chim lạ, còn hầu hết các nhà tiểu thuyết của chúng ta đều từ cái nôi báo chí mà ra, kể cả Hồ Biểu Chánh. Có người do nhầm lẫn nên cho Hồ Biểu Chánh là một ngoại lệ khi nói rằng “hầu như mọi tác phẩm của nhà văn có bút lực phi thường này chỉ là ấn phẩm của các nhà xuất bản ở Tiền Giang và ở Sài Gòn” 6. Thật ra tác phẩm văn xuôi đầu tay của Hồ Biểu Chánh là Ai làm được đã đăng trên Nông cổ mín đàm năm 1919, đến 1922 mới xuất bản thành sách. Nhiều tiểu thuyết khác của ông như như Cay đắng mùi đời, Vì một chữ tình, Tỉnh mộng, Nhơn tình ấm lạnh, Ngọn cỏ 5 Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989, tr. 335. 6 Trần Thị Trâm, Vai trò của báo chí trong sự phát triển văn học dân tộc đầu thế kỷ XX, Văn học số 6. 1994, tr.7. TẠP CHÍ PHT TRIỂN KH&CN, TẬP 9, SỐ 3-2006 Trang 50 gió đùa, Nam Cực tinh huy đã đăng trên Đông pháp thời báo; Chúa Tàu Kim Quy đăng trên Công luận báo; Vì nghĩa vì tình, Cha con nghĩa nặng, Khóc thầm, Con nhà giàu, Con nhà nghèo trước khi in thành sách cũng đã đăng trên Phụ nữ tân văn. Các tiểu thuyết Mảnh trăng thu, Cậu Tám Lọ của nhà văn, nhà yêu nước Bửu Đình còn lưu lại được cũng là nhờ Phụ nữ tân văn đăng vào những năm 30. Nhiều nhà văn cũng chúng ta đồng thời là nhà báo. Trần Chánh Chiếu đã làm chủ bút nhiều tờ báo nổi tiếng như Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn Lê Hoằng Mưu với tiểu thuyết “bán chạy như tôm tươi giữa chợ buổi sớm” đồng thời cũng là một nhà báo kỳ cựu, “khét tiếng” trong báo giới thời kỳ mới phôi thai, là người có lương chủ bút cao nhất thời đó. Bửu Đình từng cộng tác với tờ Công luận với bút danh Hà Trì, là người sáng lập ra tờ Nam Kỳ kinh tế báo. Nhìn chung, qua sự phát triển của báo chí Quốc ngữ đầu thế kỷ XX, chúng ta cũng thấy được sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết Nam Bộ nói riêng và tiểu thuyết Việt Nam nói chung. Quan sát báo chí đầu thế kỷ 20, chúng ta có thể thấy sự phát triển của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam. Ở thập niên đầu của thế kỷ 20, trong Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Nam Kỳ địa phận chỉ mới có truyện dịch và các bút ký, đoản thiên tiểu thuyết, trường hợp của Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Thiên Trung (tức Trần Chánh Chiếu) và Phan Yên ngoại sử – Tiết phụ gian truân của Trương Duy Toản là rất hiếm hoi. Đến thập niên thứ hai, chúng ta mới bắt đầu có tiểu thuyết với Hà Hương phong nguyệt (1912), Ai làm được (1919) của Hồ Biểu Chánh, Nghĩa hiệp kỳ duyên (1920) của Nguyễn Chánh Sắt trên Nông cổ mín đàm; Kim thời dị sử – Ba Lâu ròng nghề đạo tặc (1917) của Biến Ngũ Nhy trên Công luận báo. Thập niên thứ ba là thập niên phát triển mạnh mẽ nhất của tiểu thuyết Quốc ngữ Nam Bộ như chúng ta thấy trên các báo Lục tỉnh tân văn, Công luận báo... Đến Nam Kỳ địa phận, tờ báo của Công giáo cũng dành đất để đăng tiểu thuyết và đến năm 1926 báo tăng thêm số trang và dành hẳn phần phụ trương (supplément du N.K.Đ.P.) gồm 4 trang chuyên đăng quảng cáo và truyện, tiểu thuyết. Các tiểu thuyết đăng trên phụ trương như Người mặt sắt (1932), Mối thù mật nhiệm (1934).... là những tiểu thuyết phiêu lưu, mạo hiểm và có cả tiểu thuyết hình sự như Trên đường quản hạt (1932). Đến 1925 Nam Kỳ địa phận đã có các truyện có cốt truyện Việt Nam, nhân vật Việt Nam như Bạch Mai truyện của J.Trần T. và Huỳnh Ngọc Diệp của T.N.C.Đ. Báo chí là nơi định hình quan niệm về tiểu thuyết, là diễn đàn, là nơi giới thiệu, phê bình các tiểu thuyết mới ra đời. Nhiều trận bút chiến nảy lửa đã nổ ra như trận bút chiến quanh tiểu thuyết Hà Hương hoa nguyệt của Lê Hoằng Mưu. Công Luận báo thời đó đã gọi Lê Hoằng Mưu là “đứa tội nhơn lớn nhứt của An Nam”7. Cuối cùng chính quyền thuộc địa đã ra lệnh tịch thu và tiêu huỷ tác phẩm. Tác phẩm Lỗi bước phong tình của Nguyễn Thành Long cũng đã chịu búa rìu dư luận trên Nam Kỳ kinh tế báoNhững cuộc thi tiểu thuyết trên Nông cổ mín đàm, trên Đuốc Nhà Nam đã góp phần vào phong trào viết tiểu thuyết và đã giới thiệu được nhiều tác giả mới và tác phẩm có giá trị như Nguyễn Khánh Nhương, Phan Huấn Chương với Lương Hoa truyện, Hòn máu bỏ rơi Nhưng báo chí cũng có lúc “làm hại” tiểu thuyết. Yếu tố giải trí được coi trọng hơn các chức năng khác, việc chạy theo thị hiếu quần chúng dẫn đến loại tiểu thuyết feuilleton viết nhanh, viết ẩu Một vài tiểu thuyết như Hồ Thể 7 Công luận báo, số 40- 41, năm 1928. TẠP CHÍ PHT TRIỂN KH&CN, TẬP 9, SỐ 3-2006 Trang 51 Ngọc, Hà Hương phong nguyệt (Lê Hoằng Mưu), Một duyên hai nợ ba tình (Nguyễn Phú Hựu), Hồng phấn phiêu lưu (Vạn Trọng Huân) đã ở trong tình trạng dở dang, đang hồi vào cao trào thì ngưng đăng, làm công chúng rất ấm ức. Không có phần kết thúc là chuyện thường ngày của nhiều tiểu thuyết đăng báo thời ấy. Do chiều theo thị hiếu của công chúng và do phải chạy theo tốc độ xuất bản nên tiểu thuyết trên các báo còn nhiều hạn chế trong việc lựa chọn đề tài, trong kết cấu, trong ngôn ngữ nghệ thuật Tiểu thuyết tình yêu có lúc đã chiếm số lượng chủ yếu do thị hiếu của công chúng thành thị. Tùng Lâm trên Công luận báo có nhận xét: “Xã hội ta hiện giờ, phần nhiều lại ưa đọc tiểu thuyết TÌNH, bất kì chuyện gì, bất kể lối văn gì, miễn cho có chuyện tình là ưa đọc lắm”8. Có tác phẩm khi đăng báo phần đầu rất mới mẻ, như Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu chẳng hạn, nhưng vì chiều theo thị hiếu độc giả nên phần sau lại quay về với lối văn biền ngẫu cũ kỹ. Nam Đình Nguyễn Thế Phương có lẽ cũng ý thức được hạn chế của loại tiểu thuyết feuilleton nên khi xuất bản Chén thuốc độc có nói thêm ở cuối sách: “Tiểu thuyết Chén thuốc độc nay viết từng ngày đăng báo, thành thử còn nhiều chỗ sống sượng. Ngay đến khi xuất bản thành quyển, tôi cũng vẫn giữ nguyên văn không sửa một chữ nào. Độc giả tưởng cũng biết mà thứ cho”. Phi Vân trong lời nói đầu tập phóng sự – tiểu thuyết Đồng quê cũng cho:“Đây là những bài báo. Bởi thế cách hành văn cũng như nội dung đều có tính cách “nhật trình”. Lối văn gần như cẩu thả. Câu chuyện có vẻ nhất thời”. Nhìn chung, cho đến hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tổng kết hết những đóng góp cụ thể của báo chí Quốc ngữ đầu thế kỷ 20 đối với sự phát triển của văn học nói chung và 8 Công luận báo số 45, 21.3.1925. tiểu thuyết nói riêng. Đó là do tư liệu tản mát, thất lạc phần lớn và còn do quan niệm sai lầm của chúng ta. Như Nam Kỳ địa phận, xuất hiện cùng thời với Nông cổ mín đàm và Lục Tỉnh tân văn và tồn tại gần 40 năm, tờ báo được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung cho là Nam Phong của Nam Kỳ, nhưng lâu nay Nam Kỳ địa phận ít được giới nghiên cứu văn học chú ý, có lẽ do có sự ngộ nhận khi thấy đây là một tờ báo của tôn giáo. Nam Kỳ kinh tế báo do cái tên của nó nên cũng ít được quan tâm. Ngoài ra còn Đông pháp thời báo, nơi đăng Giấc mộng con của Tản Đà và những tiểu thuyết ban đầu của Hồ Biểu Chánh; nơi đăng nhiều tác phẩm của Trần Quang Nghiệp, Bửu Đình. Rồi còn Thần chung, Trung lập báo, Tân đợi thời báo Đó là nhũng “hóa thạch văn hóa” cần phải được khai thác kỹ để khôi phục lại diện mạo cho văn học Nam Bộ và văn học Việt Nam nói chung. TẠP CHÍ PHT TRIỂN KH&CN, TẬP 9, SỐ 3-2006 Trang 52 THE LATIN-BASED NATIONAL LANGUAGE PRESS AND ITS ROLE IN ESTABLISHING AND DEVELOPING THE NOVEL IN COCHINCHINA AT THE TURN OF THE 20th CENTURY Vo Van Nhon University of Social Sciences of Humanities, VNU-HCM ABSTRACT : Modern Vietnamese literature rose from the Latin-based national language press. This press has been considered a "skillful midwife" for the literature in the national language, giving birth to Vietnamese modern literature of today. It is important to note the great contribution to this press by Truong Vinh Ky with his writings in the first national language press like Gia Dinh Bao or Thong loai khoa trinh. The beginning of the 20th century saw the mushroomings of other national language newspapers such as Nong Co Min Dam, Luc tinh tan van, Nam Ky dia phan, Cong luan bao, Phu nu tan van, etc, and with them the appearance of a new generation of novelists. Many of the famous writers in Cochinchina such as Tran Chanh Chieu, Ho Bieu Chanh, Le Hoang Muu, Phu Duc, Buu Dinh had been journalists before they became novelists. Many of their works had appeared in newspapers in serialised form before they were published in book form. The national language press provided the best environment for writers to practise their writing skills, stimulating their creativity and helping them to quickly understand the reader's taste. The press also helped establishing the notion of genres and diversifying different types of novels at the beginning of the 20th century. On the other hand, the press also left some negative influences on the art of writing of novelists in Cochinchina. As they were writing only to the reader's taste and the demand of the publisher, these novels written in serialised form still had a number of limitations in terms of theme choice, structure, and diction. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Nguyễn Thị Kim Anh (chủ biên) (2004), Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM. [2]. Maurice M. Durand and Nguyen Tran Huan (1985), An Introduction to Vietnamese Literature, translated by D. M. Hawke, New York: Columbia University Press. [3]. Bằng Giang (1992), Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. [4]. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (chủ biên) (1988), Địa chí văn hoá TP. Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. [5]. Đỗ Quang Hưng (2000), Lịch sử báo chí Việt Nam 1985 – 1945, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. TẠP CHÍ PHT TRIỂN KH&CN, TẬP 9, SỐ 3-2006 Trang 53 [6]. Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng (1988), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời (1900 – 1930), Nxb ĐH và THCN, Hà Nội. [7]. Vũ Ngọc Phan (1989), Nhà văn hiện đại, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [8]. Bùi Đức Tịnh (2002), Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và Thơ mới, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. [9]. Huỳnh Văn Tòng (2000), Báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ đến 1945, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. [10]. Lê Trí Viễn, Nguyễn Đình Chú (1976), Lịch sử văn học Việt Nam (Thời kỳ II: Giai đoạn II: Đầu thế kỷ XX – 1930), in lần thứ 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
File đính kèm:
- bao_chi_quoc_ngu_latinh_voi_su_hinh_thanh_va_phat_trien_cua.pdf