Vận dụng phân loại phong cách học tập của Neil Fleming để tổ chức dạy học phân hóa môn Địa lí ở trường trung học phổ thông

Bài báo này đề cập tới việc vận dụng phân loại phong cách học tập của Neil

Fleming để dạy học phân hóa môn Địa lí hướng đến đa dạng phương pháp dạy học, hình

thức tổ chức dạy học và cách thức kiểm tra đánh giá môn học góp phần nâng cao chất lượng

dạy học môn Địa lí ở trường phổ thông.

pdf 7 trang thom 08/01/2024 3060
Bạn đang xem tài liệu "Vận dụng phân loại phong cách học tập của Neil Fleming để tổ chức dạy học phân hóa môn Địa lí ở trường trung học phổ thông", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Vận dụng phân loại phong cách học tập của Neil Fleming để tổ chức dạy học phân hóa môn Địa lí ở trường trung học phổ thông

Vận dụng phân loại phong cách học tập của Neil Fleming để tổ chức dạy học phân hóa môn Địa lí ở trường trung học phổ thông
DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0011JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci., 2017, Vol. 62, No. 1, pp. 105-111 
This paper is available online at 
VẬN DỤNG PHÂN LOẠI PHONG CÁCH HỌC TẬP CỦA NEIL FLEMING
ĐỂ TỔ CHỨC DẠY HỌC PHÂN HÓAMÔN ĐỊA LÍ
Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Nguyễn Thị Thu Anh
Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội
Tóm tắt. Bài báo này đề cập tới việc vận dụng phân loại phong cách học tập của Neil
Fleming để dạy học phân hóa môn Địa lí hướng đến đa dạng phương pháp dạy học, hình
thức tổ chức dạy học và cách thức kiểm tra đánh giá môn học góp phần nâng cao chất lượng
dạy học môn Địa lí ở trường phổ thông.
Từ khóa: Phong cách học tập, dạy học phân hóa, học sinh, giáo viên, hứng thú học tập.
1. Mở đầu
“Phong cách học tập (PCHT) là những đặc điểm riêng có tính ưu thế, tương đối bền vững
của cá nhân quy định cách tiếp nhận, xử lí, lưu giữ và phản hồi thông tin trong môi trường học tập”
[5; tr12]. Kiến thức về các PCHT rất hữu ích trong việc nâng cao nhận thức của cả học sinh (HS)
và giáo viên (GV) về cách học tốt nhất và các hoạt động có thể thực hiện để nâng cao chất lượng
học tập.
Theo nghiên cứu của Coffield, hiện nay có 71 mô hình PCHT được xây dựng và công bố
[7; tr. 9]. Mỗi mô hình PCHT phân loại dựa vào các tiêu chí khác nhau. Neil Fleming (đại học
Lincoln, New Zealand) thuộc nhóm các nhà nghiên cứu phân loại PCHT dựa vào yếu tố thể chất,
bao gồm các thể thức (nhìn, nghe, vận động) liên quan đến yếu tố gen và môi trường. Đặc điểm
chung của các lí thuyết này cho rằng PCHT là bền vững, khó thay đổi trong suốt cuộc đời. Mô hình
VARK của Neil Fleming là một trong những mô hình phong cách học tập được sử dụng rộng rãi
trong các trường học phổ thông trên thế giới. Hiểu biết về phân loại phong cách học tập của Neil
Fleming giúp GV môn Địa lí biết cách tổ chức các hoạt động học tập phù hợp với đặc điểm tiếp
nhận thông tin của từng HS, giúp HS hứng thú, tự tin và chủ động trong quá trình học tập.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Phân loại phong cách học tập của Neil Fleming
Neil Fleming đã phân loại PCHT dựa trên ưu thế về cách học qua nhìn (tranh ảnh, sơ đồ),
hoặc qua nghe (âm nhạc, thảo luận, thuyết trình) và học qua vận động (chuyển động, thí nghiệm,
Ngày nhận bài: 5/11/2016. Ngày nhận đăng: 10/1/2017.
Liên hệ: Nguyễn Thị Thu Anh, e-mail: thuanhntt@gmail.com
105
Nguyễn Thị Thu Anh
thực hành) (Fleming, 2001).
Người học có PCHT qua nhìn (Visual Learners): học tốt nhất khi được quan sát sơ đồ, tranh
ảnh, bản đồ, đồ thị, xem đoạn phim,... Những người thích học cách này sẽ thấy thích thú với những
thông tin được trình bày dưới dạng hình ảnh hơn là dạng chữ viết, họ nhớ thông tin bằng cách hồi
tưởng hình ảnh, vị trí trình bày của chúng trên trang giấy.
Người học qua nghe (Aural/auditory Learner): học tốt nhất thông qua lắng nghe thông tin.
Những HS này lĩnh hội và tiếp cận thông tin dễ dàng hơn khi được GV hướng dẫn bằng lời (thuyết
trình, giảng giải), thích dùng vần điệu, âm thanh làm đầu mối ghi nhớ tài liệu học tập.
Người học qua đọc và ghi chép (Reading and Writing Learners): tiếp cận tốt nhất các thông
tin được trình bày dưới dạng chữ viết. Các tài liệu học tập trình bày dưới dạng văn bản được người
học kiểu này ưa thích.
Người học qua vận động (Kinaesthetic Learners): học tốt nhất khi được vận động, được di
chuyển, được chạm vào học liệu và được thực hành, được làm.
Neil Fleming đã xây dựng bộ câu hỏi VARK (Visual; Auditory; Reading; Kinesthetic) để
phân loại PCHT của người học. “VARK được thiết kế để là nơi khởi đầu cho một cuộc đối thoại
giữa GV và HS về việc học. Nó cũng có thể là một chất xúc tác cho phát triển năng lực suy nghĩ về
phương pháp giảng dạy cho các nhóm đối tượng HS khác nhau để từ đó đa dạng về phương pháp
dạy và học” [8].
Bộ câu hỏi VARK của Neil Fleming sẽ giúp HS hiểu PCHT của bản thân để có thể tự học
hiệu quả “Bất kì công cụ nào thôi thúc người học suy nghĩ về cách học thì đều hữu ích đối với sự
hiểu biết, nhờ thế cải thiện hiệu quả học tập của họ” [8].
Phân loại PCHT của Nei Fleming là những định hướng giúp GV xây dựng mục tiêu dạy
học, lựa chọn học liệu và sử dụng phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá đáp ứng các
PCHT khác nhau của HS.
Tuy nhiên, GV không nên mặc định gắn mỗi HS với 1 trong 4 loại PCHT theo phân loại của
Neil Fleming. Một cá nhân có thể sở hữu 1 hoặc cả 4 PCHT, có những HS có thể có PCHT nằm
giữa 4 nhóm PCHT. Cần linh hoạt trong việc sử dụng kết quả điều tra PCHT của HS để không cản
trở việc học của HS do GV mặc định HS chỉ phù hợp với PCHT đã được nghiên cứu. Jenifer Fox
Whitney Hoffman cũng lưu ý: “Hãy nhớ rằng không phải bài giảng nào cũng cần đáp ứng tất cả
các phong cách học tập tại mọi thời điểm” [6; tr.32].
Có nhiều tác giả sử dụng phân loại PCHT của Neil Fleming để dạy học phân hóa. Elizabeth
Breaux và Monique Boutte Magee lưu ý: “Một số người có thể nghe và nhớ thông tin chính xác
đến từng chữ trong khi người khác lại nhớ nhanh các hình ảnh hay thông tin in sẵn. Một số người
khác lại cần chạm vào hoặc nhìn thấy sự vật cụ thể" [5; tr.31].
Jenifer Fox và Whitney Hoffman cũng đã sử dụng phân loại PCHT của Neil Fleming và
chia PCHT thành 3 nhóm là: người học bằng trực quan (học kiểu nhìn, kiểu đọc), người học kiểu
nghe và người học kiểu vận động.
106
Vận dụng phân loại phong cách học tập của Neil Fleming để tổ chức dạy học phân hóa...
2.2. Vận dụng phân loại phong cách học tập của Neil Fleming để tổ chức dạy
học phân hóa trong môn Địa lí
2.2.1. Xác định mục tiêu bài học phân hóa
Để đáp ứng các PCHT khác nhau của mỗi HS, khi xây dựng kế hoạch dạy học cho từng nội
dung bài học GV Địa lí có thể xây dựng thành nhiều mục tiêu khác nhau phù hợp với các nhóm
PCHT khác nhau để HS có thể chủ động và hứng thú hoàn thành nhiệm vụ học tập. Ví dụ: Nội
dung “Các nhân tố ảnh hưởng tới lượng mưa” (bài 13, Địa lí 10, chương trình chuẩn) GV có thể
xây dựng mục tiêu khác nhau tương ứng với các PCHT khác nhau.
Với những HS học kiểu nghe và kiểu đọc mục tiêu cần đạt là: HS trình bày được ảnh hưởng
của các nhân tố đến lượng mưa; Mục tiêu dạy học với những HS học kiểu nhìn là: HS sưu tầm
được tranh ảnh, video clip, tư liệu,. . . để thể hiện ảnh hưởng của các nhân tố đến lượng mưa; Với
HS học kiểu vận động GV xây dựng mục tiêu: HS vẽ được sơ đồ ảnh hưởng của các nhân tố đến
lượng mưa,. . .
2.2.2. Lựa chọn học liệu cho bài học phân hóa
Khi HS được tiếp cận với các học liệu phù hợp với PCHT của bản thân, các em sẽ hứng thú
với các nhiệm vụ học tập. Vì vậy, trong quá trình dạy học, GV cần chủ động lựa chọn nhiều loại
học liệu phù hợp với sự đa dạng về PCHT của HS trong lớp.
Phân loại PCHT của Neil Fleming đã đưa ra những gợi ý về lựa chọn học liệu phù hợp
với HS.
Người học kiểu nhìn: Hứng thú học tập khi được làm việc với các hình minh họa, các tranh
ảnh, các sơ đồ, các đoạn phim,...[6; tr.32]. Với những HS có PCHT qua nhìn, GV địa lí nên sử
dụng các tranh ảnh về thiên nhiên, các hình ảnh về các hoạt động kinh tế, các biểu đồ, bản đồ Atlat
Địa lí, thiết kế đồ họa... làm học liệu trong quá trình giảng dạy. Sử dụng phim ảnh để giảng các
ý tưởng mới và dùng phấn (bút) màu trong quá trình dạy học để thu hút sự chú ý của các HS có
PCHT kiểu nhìn là những lựa chọn GV nên chú ý.
Người học qua đọc và ghi chép: thích học thông qua đọc và viết nên sẽ hứng thú hơn nếu
GV sử dụng các hướng dẫn bằng văn bản để bổ sung những hướng dẫn bằng miệng,...[6; tr.32].
Khi giao nhiệm vụ cho các HS có PCHT đọc và ghi chép GV nên chuẩn bị học liệu là các sách,
các tài liệu hướng dẫn bằng văn bản. Cũng có thể thu hút sự chú ý của các HS này nếu GV dùng
nhiều màu phấn khác nhau để gạch chân các kiến thức trọng tâm của bài học trên bảng hoặc lập
bảng thời gian biểu để dạy những nội dung diễn ra theo quá trình. HS cũng rất hứng thú với các áp
phích liệt kê các quá trình quan trọng của các đối tượng địa lí tự nhiên hay địa lí kinh tế xã hội.
Người học kiểu nghe: Học được nhiều nhất khi nghe nên sẽ hứng thú khi GV sử dụng học
liệu là các băng ghi âm, hay lồng ghép âm nhạc vào nội dung bài học [6; tr.33]. GV Địa lí nên sử
dụng video và CD để HS nghiên cứu, khám phá kiến thức mới. GV cũng có thể cùng HS thiết kế
các hình ảnh tạo thành file video có lồng lời thuyết minh để làm phương tiện dạy học cho các HS
có PCHT qua nghe.
Người học qua vận động: hứng thú khi được học bằng kinh nghiệm cơ học, được khám phá
thông qua vận động và rất thích sờ vào hiện vật [6; tr.33]. Với những HS học qua vận động GV
nên lựa chọn học liệu là những sản phẩm rất cụ thể (mẫu vật khoáng sản, nông sản, sản phẩm công
107
Nguyễn Thị Thu Anh
nghiệp,...) để HS tìm hiểu kiến thức... GV cũng có thể giao cho HS tìm hiểu các kiến thức ngoài
thực tiễn (tìm hiểu về thiên nhiên, về thực trạng giao thông, sản xuất nông nghiệp hay các hoạt
động dịch vụ,...) của địa phương liên quan đến nội dung bài học.
Ví dụ: Dạy nội dung “Thủy triều” (bài 16, Địa lí 10, chương trình chuẩn) GV có thể thiết
kế các học liệu khác nhau cho các nhóm PCHT khác nhau khi muốn HS tìm hiểu về nguyên nhân
sinh ra thủy triều. Với những HS thuộc PCHT kiểu nhìn GV có thể cung cấp học liệu là các tranh
ảnh về hiện tượng thủy triều để HS quan sát.
Với những HS thuộc PCHT kiểu nghe GV có thể cung cấp học liệu là video Clip có lời bình
luận về hiện tượng thủy triều để các em nghe. Với những HS thuộc PCHT qua đọc và ghi chép,
GV sẽ cung cấp những tài liệu bản in về hiện tượng thủy triều để các em đọc. Với những HS thuộc
PCHT kiểu vận động, GV sẽ cung cấp sơ đồ câm và yêu cầu HS hoàn thiện hình vẽ vị trí của Mặt
Trăng, Mặt Trời, Trái Đất, mũi tên thể hiện lực tác động của Mặt Trăng và Mặt Trời đối với lớp
nước trên Trái Đất (hình 16.2 và hình 16.3, SGK Địa lí 10).
Tuy nhiên, nếu trường học nằm gần bờ biển thì học liệu hiệu quả nhất đối với các em khi
tìm hiểu về thủy triều là hình ảnh bãi cát dài tuyệt đẹp ven biển khi triều xuống, là vùng nước biển
xanh thẳm tràn lên cao khi triều lên, là tiếng sóng biển rì rào ngày đêm rất mực quen thuộc đối với
các em.
2.2.3. Lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phân hóa
Tìm hiểu về PCHT của HS giúp GV luôn tư duy để lựa chọn nhiều hình thức tổ chức dạy
học và phương pháp dạy học hiệu quả. Khi GV quan tâm đến các thiên hướng khác nhau của HS
để thiết kế các nhiệm vụ học tập phù hợp sẽ giúp HS học được nhiều kiến thức, kĩ năng mới, hoàn
thành các nhiệm vụ học tập được giao.“GV cần nhận thức về sự khác biệt của HS và lập kế hoạch
với những khác biệt đó trong bài giảng. Cũng cần hiểu rằng đôi khi HS sẽ học tốt bằng nhiều
phương thức khác nhau. Đừng trông đợi HS đáp ứng một cách chuẩn xác với một trong những
phương thức đó” [6; tr.33].
Phân loại PCHT của Neil Fleming giúp GV dạy địa lí những gợi ý để lựa chọn phương
pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng cá nhân HS. Elizabeth Breaux and Monique
Boutte Magee khẳng định: "Người học kiểu trực quan: Học hiệu quả qua nhìn và viết thì cần yên
tĩnh trong quá trình học hoặc xử lí thông tin. Các HS này hiểu nhanh các biểu đồ, bảng số liệu,
thích xây dựng dàn ý để xử lí thông tin, thích sử dụng flashcard (thẻ học từ), thích được học với
các hình ảnh [5; tr.31]. Khi thiết kế nhiệm vụ học tập cho các HS học kiểu nhìn, các GV Địa lí nên
ưu tiên các nhiệm vụ đòi hỏi HS phân tích các sơ đồ, các loại biểu đồ, các bảng số liệu thống kê để
trình bày ý tưởng. Với các nội dung liên quan đến lãnh thổ nên tổ chức cho HS khai thác kiến thức
trên các bản đồ hoặc Atlat Địa lí. GV có thể yêu cầu HS sử dụng phấn (bút) màu để gạch dưới các
từ chìa khóa để tìm ra các kiến thức kiến thức trọng tâm của bài học. Cũng có thể yêu cầu HS xây
dựng các sơ đồ thể hiện mối quan hệ nhân quả hay các sơ đồ về các thành phần của một tổng thể
khi tìm hiểu kiến thức mới.
Khi giao nhiệm vụ cho những HS có PCHT kiểu đọc và ghi chép nên yêu cầu HS đọc các
tài liệu bằng văn bản (sách, bài báo, truyện tranh,...) để tìm hiểu kiến thức mới. Tạo điều kiện để
HS trình bày ý tưởng bằng việc diễn giải (phân tích) các sơ đồ, biểu đồ và dàn ý chính (đề cương).
Các HS có PCHT qua đọc sẽ nhớ nhanh hơn nếu được GV hướng dẫn cách sử dụng thẻ học để ghi
các kiến thức cơ bản và khuyến khích gạch chân bằng bút dấu dòng như một phương tiện để tiếp
108
Vận dụng phân loại phong cách học tập của Neil Fleming để tổ chức dạy học phân hóa...
thu kiến thức.
Với người học qua nghe: "Học nhanh qua nghe; Hiểu thông tin khi đọc to lên; Thích giải
thích thông tin; Thích âm nhạc và nhịp điệu; Thích thuyết giảng và ghi âm lại bài giảng để dùng về
sau; Thích học nhóm” [5; tr.31]. Các HS này học tốt nhất khi được nghe nên thích cách dạy kiểu
thuyết trình, đàm thoại. GV cần tạo điều kiện cho các HS này được tham gia thảo luận nhóm, được
trao đổi kiến thức với các bạn, khuyến khích các em đọc to các hướng dẫn và dùng lời để nhắc lại
các nội dung của bài học. Nên giao cho các HS này làm các bài tập hay các trò chơi tương tác bằng
máy tính hoặc nghe thông tin trên website. Có thể cho phép các HS này vừa học vừa nghe nhạc ở
những nơi yên tĩnh để người học kiểu nghe không bị mất tập trung do tiếng ồn.
Người học qua Vận động: “Học hiệu quả qua vận động; Thích di chuyển trong quá trình
học; Thích miêu tả vật thể; Thích học ngoài thiên nhiên; Thích sử dụng máy tính” [5; tr.31]. Trong
giờ Địa lí, GV nên giao nhiệm vụ cho HS học kiểu vận động được di chuyển trong lớp học, được
vẽ, được xây dựng các mô hình minh họa các ý tưởng phức tạp. Các HS này sẽ rất hứng thú khi
được tham gia các trò chơi, được trả lời câu đố, được thảo luận nhóm, được đóng vai, được thực
hành, được tìm hiểu kiến thức ngoài thiên nhiên, được sử dụng Flashcard (thẻ học) trong quá trình
tìm hiểu nội dung bài học.
Những HS học kiểu vận động thường gặp rắc rối khi phải ngồi im lâu nên giải pháp để giữ
trật tự là tạo điều kiện để các HS này được di chuyển trong quá trình học. Ví dụ: gọi HS được đứng
dậy để trả lời, cho phép HS được trao đổi nhóm với bạn, được lên bảng để viết, giao cho HS giữ
đồ vật gì đó khi phải ngồi quá lâu,... và đôi khi GV phải chấp nhận việc HS đó ghi chép bài không
cẩn thận.
2.2.4. Xác định cách thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập phù hợp với từng học sinh
Lựa chọn cách thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với PCHT của HS sẽ tạo điều kiện để HS
bộc lộ rõ nhất các kiến thức, kĩ năng các em đã lĩnh hội được sau mỗi nội dung học tập. Lựa chọn
cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá phù hợp với PCHT của HS là giải pháp để GV đa dạng kiểm
tra, đánh giá và khích lệ được HS tự giác, hứng thú học tập.
Ngoài đánh giá không chính thức thông qua quan sát HS học tập, như đưa ra những gợi ý
hay những lời động viên đánh giá ý thức học tập của HS,... GV có thể cho phép HS được lựa chọn
cách thức trình bày nội dung câu hỏi để đánh giá mức độ HS nắm bắt kiến thức, kĩ năng cho cùng
một nội dung phù hợp với PCHT của HS.
Các HS có PCHT qua nhìn và qua đọc sẽ hứng thú nhất với việc được trình bày kiến thức
bằng bài kiểm tra viết. Những HS học kiểu nghe sẽ thích trả lời câu hỏi của GV bằng miệng hơn
là được yêu cầu viết câu trả lời. “Với HS học kiểu vận động, GV nên tạo cơ hội cho HS được diễn
kịch thay vì các bài tập viết” [6; tr.33].
Ví dụ GV muốn kiểm tra kiến thức về vòng tuần hoàn lớn của nước trên Trái Đất sau khi
học bài 15 “Thủy quyển. Một số nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông. Một số sông lớn trên
Trái Đất” (SGK Địa lí 10).
GV sẽ đặt câu hỏi: “Dựa vào hình 15, hãy trình bày vòng tuần hoàn lớn của nước trên Trái
Đất” và cho phép HS được lựa chọn hình thức trả lời. Với HS có PCHT qua đọc và ghi chép, các
em sẽ hứng thú với việc được ngồi tại bàn học để viết câu trả lời thể hiện hiểu biết của các em về
vòng tuần hoàn lớn của nước trên Trái Đất. Với HS học qua nghe các em có thể được phép trình
109
Nguyễn Thị Thu Anh
bày miệng thay vì ngồi viết câu trả lời. Với những HS thuộc PCHT kiểu nhìn sẽ tập trung làm bài
vì các em sẽ thích thú khi được làm việc với tranh vẽ sơ đồ tuần hoàn của nước. Với các HS thuộc
PCHT vận động GV có thể cho phép các em đóng vai các em là một giọt nước ở biển Đông và
kể cho các bạn nghe về hành trình của mình từ Biển Đông vào đất liền rồi lại được quay về biển
Đông,...
Dù cách trình bày của HS như thế nào thì GV cũng vẫn có thể kiểm tra được kiến thức về
vòng tuần hoàn lớn của nước trên Trái Đất đáp ứng chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Địa lí 10 là:
“Vòng tuần hoàn lớn: nước biển bốc hơi tạo thành mây, mây được gió đưa vào đất liền, gặp lạnh
tạo thành mưa và tuyết; mưa rơi và tuyết tan chảy vào các dòng sông, hồ và một phần thấm xuống
đất thành nước ngầm, nguồn nước từ lục địa lại chảy ra biển; rồi nước biển lại bốc hơi. . . ” (Chuẩn
kiến thức kĩ năng Địa lí 10).
3. Kết luận
Mô hình PCHT VARK của Neil Fleming đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều trường
học trên thế giới để xác định PCHT của HS. Khi GV tích cực tìm hiểu về PCHT của HS và chia
sẻ với các GV khác trong nhà trường để cùng chủ động gắn kết PCHT của HS với bài học sẽ giúp
HS hào hứng, đam mê và tăng khả năng tập trung hơn với việc học. Cảm xúc và niềm đam mê sẽ
thôi thúc HS học hỏi và không ngừng cố gắng trong học tập. GV cần hướng dẫn HS tự tìm hiểu
PCHT của bản thân để chủ động hơn trong học tập và quan tâm tới PCHT của các bạn trong lớp
từ đó xây dựng văn hóa thấu hiểu và tôn trọng những người xung quanh, thừa nhận khả năng của
tất cả mọi người.
Vận dụng PCHT của Fleming để đa dạng phương pháp dạy học, đa dạng hình thức tổ chức
dạy học, sử dụng đa dạng học liệu và thiết kế mục tiêu dạy học phù hợp với PCHT của từng HS. Tổ
chức dạy học phân hóa dựa theo PCHT của HS góp phần nâng cao chất lượng dạy học nói chung
và nâng cao chất lượng dạy học môn Địa lí nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Thị Hồng Chuyên, 2014. Lợi ích của sự hiểu biết về phong cách học tập. Tạp chí
Giáo dục, số 333, kì 1-5, trang 32-34.
[2] Phạm Hoài Thảo Ngân, 2015. Áp dụng chu trình học tập 4MAT của Bernice Mc Carthy nhằm
đáp ứng các phong cách học tập đa dạng của người học. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học
Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, số 3 (68), trang 157 - 161.
[3] Nguyễn Lâm Sung, 2015. Dạy học theo góc những nội dung kiến thức vật lí theo chủ đề, đáp
ứng đa phong cách học tập của học sinh. Tạp chí Thiết bị giáo dục, số 113, trang 48 - 50.
[4] Hồ Thị Hồng Vân. Nghiên cứu một số mô hình phong cách học tập và khả năng ứng dụng
vào giáo dục trung học phổ thông. Đề tài khoa học và công nghệ Viện KH GDVN, mã số
V2012 -15.
[5] Breaux, E., & Magee, B., 2010. How the best teachers differentiate instruction, Eye on
Education.
110
Vận dụng phân loại phong cách học tập của Neil Fleming để tổ chức dạy học phân hóa...
[6] Fox, J., & Hoffman, W., 2011. The differentiated instruction book of lists (Vol. 6), John Wiley
& Sons.
[7] Coffield, F., Moseley, D., Hall, E., & Ecclestone, K., 2004. Learning styles and pedagogy in
post 16 learning: a systematic and critical review. The Learning and Skills Research Centre
[8] Fleming, N., & Baume, D., 2006. Learning Styles Again: VARKing up the right tree!,
Educational Developments, 7(4), 4.
ABSTRACT
The application of learning styles categorised by Neil Fleming
to implement differentiated instruction of geography at high school
Nguyen Thi Thu Anh
Nguyen Tat Thanh Secondary and High School, Hanoi
The article refers to the application of learning styles categorised by Neil Fleming to
implement differentiated instruction of geography at high school with the aim of diversifying
teaching methods, teaching and learning activities, and assessments, contributing to the
improvement in the quality of geography teaching at high school.
Keywords: Learning styles, differentiated instruction, learning motivation.
111

File đính kèm:

  • pdfvan_dung_phan_loai_phong_cach_hoc_tap_cua_neil_fleming_de_to.pdf