Vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo mỹ thuật ứng dụng

Từ nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng (hay còn được gọi

Mỹ thuật công nghiệp) được coi là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội

có sự phát triển không ngừng cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay

là mặc dù sinh viên có kết quả học tập xuất sắc nhưng vẫn không đáp ứng ngay được nhu cầu

từ phía doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài), dẫn đến việc doanh

nghiệp phải đào tạo bổ sung, đào tạo lại đối với sinh viên trước khi sinh viên có cơ hội trở

thành nhân viên chính thức tại doanh nghiệp.

pdf 7 trang kimcuc 6520
Bạn đang xem tài liệu "Vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo mỹ thuật ứng dụng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo mỹ thuật ứng dụng

Vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo mỹ thuật ứng dụng
66 Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
VAI TRÒ CỦA DOANH NGHIỆP TRONG 
LIÊN KẾT ĐÀO TẠO MỸ THUẬT ỨNG DỤNG
THE ROLE OF ENTERPRISES IN 
APPLIED FINE ART TRAINING LINKS
Phùng Bá Đông*
Ngày tòa soạn nhận được bài báo: 4/4/2019
Ngày nhận kết quả phản biện đánh giá: 4/10/2019
Ngày bài báo được duyệt đăng: 25/10/2019
Tóm tắt: Từ nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng (hay còn được gọi 
Mỹ thuật công nghiệp) được coi là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội 
có sự phát triển không ngừng cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay 
là mặc dù sinh viên có kết quả học tập xuất sắc nhưng vẫn không đáp ứng ngay được nhu cầu 
từ phía doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài), dẫn đến việc doanh 
nghiệp phải đào tạo bổ sung, đào tạo lại đối với sinh viên trước khi sinh viên có cơ hội trở 
thành nhân viên chính thức tại doanh nghiệp.
Từ khóa: đơn vị đào tạo, doanh nghiệp, Mỹ thuật ứng dụng, sinh viên, nhân viên chính thức.
Abstract: For many years, training units of Applied Fine Art (also known as Industrial 
Fine Arts) have been considered as the place to provide high quality human resources for 
society, with continuous development in both quantity and quality. However, in reality, 
although students have excellent academic results but still do not meet the needs of enterprises 
(including domestic and foreign enterprises), leading to enterprises have to provide additional 
training and retraining before students have a chance to become a full-time employee at the 
enterprises. 
Keywords: training units, enterprises, Applied Fine Art, students, full-time employee
* Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn
Tạp chí Khoa ọc - Viện Đại học Mở Hà Nội 60 (10/2019) 66-72
67Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
1. Đặt vấn đề
Trong xu thế hội nhập, nhu cầu 
khách hàng ngày càng đa dạng và phức 
tạp, dẫn tới yêu cầu từ phía doanh nghiệp 
với người lao động ngày càng cao, điều 
này đòi hỏi cơ sở đào tạo phải liên tục cải 
tiến chương trình, gắn nội dung đào tạo 
sát với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Việc 
nâng cao chất lượng và năng lực cho sinh 
viên nói chung, sinh viên ngành Mỹ thuật 
công nghiệp nói riêng cần có sự nỗ lực từ 
nhiều phía, trong đó ngoài vai trò chính 
của cơ sở đào tạo, không thể thiếu vai trò 
của doanh nghiệp. 
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp 
sử dụng nhân sự ngành mỹ thuật công 
nghiệp, mô hình gắn kết giữa trường đại 
học với doanh nghiệp là sự kết nối quan 
hệ cung - cầu lao động, cụ thể, sự gắn kết 
của các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng 
với các doanh nghiệp, nhà máy, xưởng sản 
xuất theo một mô hình thích hợp là nhu 
cầu tất yếu và cấp thiết hiện nay cũng như 
trong tương lai, góp phần nâng cao chất 
lượng nguồn nhân lực thiết kế trong bối 
cảnh hội nhập. Thông qua mô hình gắn 
kết này, doanh nghiệp có thể tìm kiếm, lựa 
chọn những giải pháp đồng hành cùng nhà 
trường trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ, liên 
kết đào tạo.
2. Một vài khái niệm
Theo Từ điển Từ và ngữ Hán Việt, 
liên kết là “kết, buộc lại với nhau, gắn bó 
chặt chẽ với nhau” hoặc rõ hơn, liên kết 
là “kết lại với nhau từ nhiều thành phần 
hoặc tổ chức riêng lẽ nhằm mục đích nào 
đó” [5]. Có thể thấy rằng, liên kết sẽ tạo 
ra sức mạnh mới, trạng thái mới mà mỗi 
thành phần sẽ không có được khi chưa liên 
kết với nhau. 
Ở khía cạnh khác, theo từ điển 
Bách khoa Việt Nam: “Đào tạo là quá 
trình tác động đến một người nhằm làm 
cho người đó lĩnh hội và nắm vững tri 
thức, kỹ năng, kỹ xảo một cách hệ thống 
nhằm chuẩn bị cho người đó thích nghi 
với cuộc sống và khả năng nhận một sự 
phân công nhất định, góp phần của mình 
cho việc phát triển xã hội, duy trì và phát 
triển nền văn minh của loài người” [6]. 
Vậy, liên kết đào tạo được hiểu là 
sự hợp tác giữa các bên tham gia để tổ 
chức thực hiện các chương trình đào tạo 
với những đối tượng, mục đích, nội dung 
đào tạo đã được thống nhất khi tiến hành 
liên kết. Trong thực tế có nhiều dạng thức 
khác nhau trong thực hiện liên kết đào 
tạo như liên kết đào tạo giữa nhà trường 
với nhà trường; liên kết đào tạo giữa nhà 
trường với các trung tâm, viện nghiên 
cứu; liên kết đào tạo giữa nhà trường với 
doanh nghiệp...
Việc liên kết đào tạo giữa nhà 
trường và doanh nghiệp là sự hợp tác 
giữa hai bên nhằm thực hiện các mục 
đích, chương trình đào tạo đã được hai 
bên xác lập. Trong mối liên kết này, nhà 
trường đóng vai trò là đơn vị chủ trì, chịu 
trách nhiệm chính trong đào tạo, doanh 
nghiệp đóng vai trò là đơn vị phối hợp, 
hỗ trợ và sử dụng sản phẩm đào tạo. Có 
thể định nghĩa quan hệ hợp tác giữa nhà 
trường và doanh nghiệp là tất cả mọi hình 
thức tương tác trực tiếp hay gián tiếp, có 
tính chất cá nhân hay tổ chức giữa trường 
đại học và các doanh nghiệp nhằm hỗ 
trợ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai: hợp 
tác trong nghiên cứu và phát triển, kích 
thích sự vận động năng động qua lại của 
giảng viên, sinh viên và các nhà chuyên 
68 Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
môn đang làm việc tại các doanh nghiệp; 
thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; 
xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức 
học tập suốt đời; hỗ trợ các nỗ lực sáng 
nghiệp và quản trị tổ chức
3. Mối quan hệ giữa nhà trường - 
doanh nghiệp và sinh viên
Trên thế giới, việc liên kết giữa nhà 
trường với doanh nghiệp trong đào tạo 
đã trở thành xu hướng chung và phương 
thức hoạt động được triển khai theo những 
mô hình khác nhau, tùy thuộc vào sự lựa 
chọn tối ưu của mỗi trường cho phù hợp 
với điều kiện cụ thể của trường. Thông 
qua mối quan hệ gắn kết này, nhà trường, 
doanh nghiệp và sinh viên hình thành mối 
liên hệ về mặt lợi ích khá chặt chẽ, ngoài 
lợi ích chung, mỗi bên sẽ đạt được những 
lợi ích của riêng mình.
Sơ đồ 1. Mối quan hệ giữa nhà trường, 
doanh nghiệp và sinh viên
Sự cần thiết của việc gắn kết bền 
vững giữa nhà trường và doanh nghiệp 
trong đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật 
ứng dụng được thể hiện qua những khía 
cạnh sau:
3.1. Những lợi ích cơ bản - nhìn từ 
góc độ nhà trường
Nhà trường được doanh nghiệp tư vấn, 
góp ý về việc sửa đổi, xây dựng hoàn thiện 
chương trình đào tạo. Góp phần nâng cao 
năng lực và trình độ chuyên môn cho sinh 
viên, giúp sinh viên trường tốt nghiệp thích 
ứng tốt với đòi hỏi của thị trường lao động.
Nhà trường phát triển các đề tài 
nghiên cứu khoa học và tổ chức các buổi 
tọa đàm, hội thảo chung với doanh nghiệp 
chuyên ngành. Trao đổi các thông tin về 
xu hướng thiết kế, công nghệ vật liệu, 
phần mềm mới ứng dụng trong thiết kế và 
cập nhật nhu cầu về nguồn nhân lực trong 
hiện tại và tương lai, từng bước thương 
mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Nhà trường nâng cao uy tín và vị thế 
của mình thông qua việc thiết lập và duy 
trì mối liên kết bền vững với các doanh 
nghiệp đầu ngành, các tổ chức, tập đoàn 
nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Tăng cường sự tham gia của giới 
doanh nghiệp vào quá trình ra quyết định 
ở tầm lãnh đạo nhà trường, mời những 
người thành đạt trong giới doanh nghiệp 
tham gia vào Hội đồng Trường. Họ sẽ 
giúp ích cho nhà trường rất nhiều, đặc biệt 
là tư vấn về chiến lược phát triển.
3.2. Những lợi ích cơ bản - nhìn từ 
góc độ doanh nghiệp
Doanh nghiệp được phép đánh giá 
chất lượng đào tạo thông qua các cuộc thi 
chuyên ngành, được mời tham gia các hội 
đồng chấm đồ án tốt nghiệp và đóng góp ý 
kiến vào việc xây dựng chương trình đào 
tạo của nhà trường.
Hình ảnh doanh nghiệp được nhà 
trường quảng bá và giới thiệu cho sinh 
viên về thương hiệu, cơ hội thực tập, thông 
tin tuyển dụng...
69Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
Doanh nghiệp hỗ trợ tài chính, 
cơ sở vật chất, giải pháp công nghệ và 
vật liệu mới cho nhà trường phục vụ 
giảng dạy, nghiên cứu..., tham gia nói 
chuyện chuyên đề, đảm nhận một phần 
việc giảng dạy tại trường như một hình 
thức đầu tư, phát triển bước đầu. Doanh 
nghiệp sẽ được hưởng lợi khi chất lượng 
sản phẩm đào tạo là đội ngũ nhân sự 
thiết kế được đảm bảo bởi chuẩn đầu ra 
đã được thống nhất giữa nhà trường và 
doanh nghiệp.
Doanh nghiệp luôn yên tâm có 
một đội ngũ nhân lực chất lượng và phù 
hợp với nhu cầu, đồng thời chi phí tuyển 
dụng, thử việc cũng giảm đáng kể khi 
chọn lọc nhân sự từ những sinh viên có 
năng lực đã trải qua quá trình thực tập tại 
doanh nghiệp. Nói cách khác, các doanh 
nghiệp liên kết với nhà trường có lợi thế 
trong việc tiếp cận những tài năng trẻ, 
thêm cơ hội lựa chọn và sử dụng nguồn 
lao động chất lượng cao, có trình độ, từ 
đó giải quyết được bài toán về nhân lực.
3.3. Những lợi ích cơ bản - nhìn từ 
góc độ sinh viên
Thông qua các hội thảo chuyên 
ngành, các môn học chuyên đề, sinh viên 
có điều kiện tiếp cận những tiến bộ công 
nghệ mới về vật liệu và phần mềm thiết 
kế, và các giải pháp sáng tạo, ứng dụng 
vào thực hiện đồ án môn học
Việc thực tập tại doanh nghiệp 
chuyên ngành giúp sinh viên có được 
những trải nghiệm thực tế, hình dung 
trước con đường sự nghiệp để đảm bảo 
việc chọn ngành đúng và quá trình học tập 
của sinh viên đang đi đúng hướng.
Thời gian thực tập tại doanh 
nghiệp giúp sinh viên học hỏi và trưởng 
thành trong môi trường chuyên nghiệp. 
Sinh viên thực hiện đồ án tốt nghiệp với 
kinh nghiệm thực tiễn tích lũy trong quá 
trình làm việc tại các doanh nghiệp góp 
phần nâng cao chất lượng đồ án và giá 
trị bản thân trước các nhà tuyển dụng.
3.4. Thông qua các cuộc thi 
chuyên ngành, các học bổng hỗ trợ tài 
năng từ doanh nghiệp giúp sinh viên 
suy nghĩ và hành động với tinh thần 
khởi nghiệp, đặt sinh viên trước những 
con đường sáng nghiệp của giới doanh 
nghiệp và lôi cuốn sinh viên thoát khỏi 
lối mòn tư duy.
4. Những nội dung doanh nghiệp 
có thể đồng hành cùng nhà trường 
trong liên kết đào tạo lĩnh vực mỹ thuật 
công nghiệp
Nhà trường, doanh nghiệp và sinh 
viên đều nhận thức được vai trò của việc 
hợp tác và sự cần thiết trong mối liên 
kết này. Vấn đề tiếp theo là tìm ra một 
phương thức hợp tác phù hợp, làm sao để 
việc liên kết đào tạo có thể mang lại lợi 
ích thiết thực cho các bên. Qua khảo sát 
các mô hình hợp tác của một số trường 
đại học, các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng 
dụng tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng 
như nghiên cứu kinh nghiệm của một số 
trường đào tạo thiết kế nổi tiếng trong 
khu vực như NAFA (Nanyang Academy 
of Fine Arts - Singapore), Đại học quốc 
gia Seoul việc hợp tác với doanh 
nghiệp trong đào tạo sinh viên ngành mỹ 
thuật công nghiệp có thể thực hiện theo 
mô hình trang sau.
70 Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
Các doanh nghiệp có thể tham gia 
hợp tác cùng nhà trường trong quá trình 
đào tạo thông qua 4 cách thức sau:
Thứ nhất, góp ý, tư vấn xây dựng 
chương trình đào tạo cùng nhà trường: 
trong quá trình phát triển chương trình 
đào tạo, nhà trường cập nhật, điều chỉnh 
chương trình đào tạo theo định kỳ và mục 
tiêu kiểm định chất lượng, doanh nghiệp 
tư vấn cho nhà trường về thực trạng nguồn 
nhân lực, mong muốn, yêu cầu của doanh 
nghiệp đối với sinh viên, cung cấp xu 
hướng thiết kế và bảng mô tả công việc 
cũng như phản biện nội dung chương trình 
đào tạo, từ đó nhà trường có căn cứ để xây 
dựng chuẩn đầu ra vừa đáp ứng yêu cầu 
chung của chương trình đào tạo, vừa có 
thể đáp ứng các yêu cầu riêng của doanh 
nghiệp trong liên kết.
Thứ hai, phối hợp đào tạo sinh viên 
cùng nhà trường: học tập có chất lượng 
được hiểu là sinh viên chủ động tạo ra 
sự hiểu biết chứ không thụ động tiếp thu 
những gì được truyền đạt từ giảng viên. 
Đây là quan điểm học tập có chiều sâu; 
sinh viên tự tạo ra sự hiểu biết để đạt đến 
sự thông tuệ trong học tập. Trong suốt thời 
gian sinh viên học tập tại trường, doanh 
nghiệp có thể phối hợp cùng nhà trường 
thực hiện các buổi hội thảo, nói chuyện 
chuyên đề, tổ chức các khóa đào tạo ngắn 
hạn tại nhà trường hoặc tại các showroom 
trưng bày, studio chuyên ngành với các 
chủ đề gắn với thực tiễn, các nội dung về 
thực hành, kỹ năng nghềnhằm giúp sinh 
viên năng động và chủ động hơn trong 
việc tiếp thu kiến thức.
Thứ ba, hỗ trợ tham quan, cơ sở 
thực tập cho sinh viên: thông qua quá 
trình thực tập tại doanh nghiệp, tại các 
xưởng sản xuất, các buổi tham quan thực 
hành tại trung tâm thiết kế của các công 
ty, sinh viên có thể vận dụng các kiến 
thức, kỹ năng được học tại nhà trường để 
bước đầu hòa nhập tốt với môi trường làm 
việc trong tương lai. Sinh viên có cơ hội 
Sơ đồ 2. Phương thức hợp tác từ phía doanh nghiệp (Nguồn: tác giả tổng hợp)
71Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
sử dụng các công nghệ mới, các hệ thống 
máy móc chuyên dụng đắt tiền mà nhà 
trường chưa có khả năng đầu tư, có khả 
năng tiếp cận và nắm vững quy trình sản 
xuất, từ đó đề xuất các giải pháp thiết kế 
mỹ thuật ứng dụng mang tính thực tiễn 
vào đồ án môn học Xác định như vậy, 
doanh nghiệp có thể tạo điều kiện để sinh 
viên có thể có được môi trường thực hành, 
thực tập tốt nhất.
Thứ tư, một số hoạt động khác: Nhà 
trường và doanh nghiệp có thể thực hiện 
một hay nhiều các hình thức liên kết như 
trên, tùy theo từng ngành nghề và nhu cầu 
của các bên. Riêng trong nhóm ngành đào 
tạo mỹ thuật ứng dụng, yếu tố thực hành 
luôn được chú trọng và đánh giá cao, đào 
tạo lý thuyết luôn gắn với thực hành. Một 
số hình thức liên kết giữa doanh nghiệp 
và nhà trường được phát triển lên một 
bậc dựa trên tính chất “truyền nghề” chứ 
không chỉ dừng lại ở việc giúp sinh viên 
tiếp thu kiến thức lý thuyết. Đặc biệt, việc 
các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp 
được mời giảng dạy một số chuyên đề, 
học phần trong chương trình đào tạo, tham 
gia hướng dẫn tốt nghiệp hoặc được nhà 
trường mời tham gia hội đồng chấm đồ 
án tốt nghiệp cho sinh viên giúp cho mối 
liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh 
nghiệp mang tính hệ thống, tương tác cao 
và đi vào chất lượng thực tế hơn.
5. Kết luận và kiến nghị
Không thể phủ nhận việc hợp tác 
giữa nhà trường - doanh nghiệp là con 
đường dẫn đến thành công trong đào tạo 
và bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, trong 
quá trình liên kết đào tạo cũng khó tránh 
khỏi những mâu thuẫn hay xung đột về 
quan niệm, cơ chế, lợi ích giữa hai bên. 
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng 
sử dụng nhân tài, coi nhẹ việc đào tạo, 
doanh nghiệp tính đến chi phí kinh doanh 
và áp lực quản lý sẽ kém mặn mà với sự 
hợp tác này, trong khi đó hai bên chưa xây 
dựng được cơ chế đảm bảo sự phát triển 
lâu dài dựa trên nguyên tắc cùng có lợi, lại 
không có sự ràng buộc về mặt pháp lý dẫn 
đến mối quan hệ hợp tác khó bền vững; 
hay mục tiêu đào tạo của nhà trường lại 
chịu sự quy định của khung chương trình 
đào tạo và phạm vi kiểm định, so với yêu 
cầu vị trí công việc của doanh nghiệp có 
những sai biệt và khoảng cách nhất định, 
hoặc một số phương diện của nhà trường 
không đáp ứng được nhu cầu hiện tại của 
doanh nghiệp...
Việc lựa chọn mô hình hợp tác, liên 
kết đào tạo – thực hành hợp lý sẽ tạo ra 
tính hiệu quả trong công tác đào tạo nói 
chung của nhà trường cũng như trong việc 
sử dụng lao động của doanh nghiệp. Tuy 
nhiên, để doanh nghiệp có thể đồng hành 
hiệu quả cùng nhà trường trong liên kết 
đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ thuật 
công nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố 
khác nhau, có tính đến các bên liên quan, 
trong đó cơ quan quản lý nhà nước về giáo 
dục là một đại diện quan trọng. Như vậy, 
mô hình hợp tác giữa nhà trường – doanh 
nghiệp luôn cần có sự phối hợp, hỗ trợ từ 
phía chính phủ. Từ đó, mỗi bên cần thực 
hiện tốt vai trò của mình trên các góc độ 
sau: 
Đối với cơ quan quản lý nhà nước 
về giáo dục: cần có cơ chế nhằm tạo môi 
trường thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển 
hiệu quả của mối quan hệ hợp tác giữa 
doanh nghiệp và nhà trường, có chính 
sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia vào 
hoạt động đào tạo như giảm thuế, ưu đãi 
Tạp chí Khoa học - Viện Đại học Mở Hà Nội 60 (10/2019) 50-55
72 Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
lãi suất và vay vốn, công nhận và tôn vinh 
các doanh nghiệp có đóng góp cho lĩnh 
vực giáo dục, đào tạo
Đối với nhà trường: cần phát huy 
vai trò chủ đạo, chủ động tìm kiếm doanh 
nghiệp hợp tác, đảm bảo đầu ra cho sinh 
viên. Các trường đại học có thể xem xét 
áp dụng một số mô hình hợp tác trường 
đại học - doanh nghiệp tiên tiến trên thế 
giới trong lĩnh vực mỹ thuật công nghiệp, 
sao cho phù hợp với đặc điểm và điều 
kiện từng trường. Tuy nhiên, để làm được 
như vậy, nhà trường cần hoàn thiện thể 
chế quản lý, cơ chế cần đổi mới sáng tạo, 
tổ chức quản lý cần bắt kịp với nhu cầu 
thực tiễn.
Đối với các doanh nghiệp sử dụng 
nguồn nhân lực mỹ thuật công nghiệp: 
cần có sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo 
doanh nghiệp trong việc hợp tác với nhà 
trường. Các doanh nghiệp cần thể hiện 
trách nhiệm xã hội của mình và hỗ trợ 
nhiệt tình trong khả năng, thế mạnh của 
mình để góp phần nâng cao chất lượng 
đào tạo sinh viên mỹ thuật công nghiệp, 
cũng là nâng cao chất lượng đầu vào cho 
doanh nghiệp, đem lại sự phát triển thuận 
lợi và bền vững.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Nguyễn Thị Thanh Dần (2016), “Động 
lực hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp 
trong việc nâng cao kỹ năng nghề cho sinh 
viên”, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt 11/2016.
[2]. Nguyễn Thị Thanh Dần (2018), “Giải 
pháp hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực 
và doanh nghiệp trong việc đào tạo kỹ năng 
nghề cho sinh viên”, Tạp chí Khoa học Đại 
học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và kinh doanh, 
tập 34, trang 76 - 85.
[3]. Nguyễn Đình Luận (2015), “Sự gắn kết 
giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào 
tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh 
tế - xã hội ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến 
nghị”, Tạp chí phát triển và Hội nhập, số 22, 
trang 82 - 87
[4]. Phạm Thị Thu Phương (2016), “Các 
phương thức hợp tác giữa cơ sở đào tạo với 
doanh nghiệp trong đào tạo sinh viên ngành 
du lịch đáp ứng nhu cầu hội nhập”, Tạp chí 
phát triển Khoa học và công nghệ, tập 19, số 
X5-2016, trang 120 - 126
[5]. Nguyễn Lân (2002), Từ điển từ và ngữ 
Hán Việt, Nxb Từ Điển bách khoa, 867 trang.
[6]. Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa 
Việt Nam (1995), Từ điển bách khoa Việt Nam 
1, trang 735.
Địa chỉ tác giả: Trường Đại học Công nghệ 
Sài Gòn
Email: dong.phungba@stu.edu.vn

File đính kèm:

  • pdfvai_tro_cua_doanh_nghiep_trong_lien_ket_dao_tao_my_thuat_ung.pdf