Tìm hiểu văn hóa ứng xử với phụ nữ trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Có thể nói rằng, thơ chữ Hán (thể hiện qua ba

tập thơ: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm

và Bắc hành tạp lục) của Nguyễn Du đã được

nghiên cứu sâu sắc trên nhiều bình diện, nhiều

lĩnh vực khác nhau bởi thơ chữ Hán của ông vô

cùng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, như nhiều

tác phẩm thơ chữ Hán của các tác giả cùng thời,

thơ chữ Hán của Nguyễn Du là đối tượng ẩn chứa

nhiều điều mới mẻ, bất ngờ, thú vị. Do vậy, chưa

thể có một công trình nào nghiên cứu trọn vẹn về

mảng sáng tác này của đại thi hào. Bài viết của

chúng tôi không có tham vọng đi sâu tìm hiểu hết

những nét mới mẻ ấy mà chỉ dừng lại khám phá

những đặc điểm tiêu biểu về văn hóa ứng xử với

phụ nữ trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du.

pdf 8 trang kimcuc 6640
Bạn đang xem tài liệu "Tìm hiểu văn hóa ứng xử với phụ nữ trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tìm hiểu văn hóa ứng xử với phụ nữ trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Tìm hiểu văn hóa ứng xử với phụ nữ trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du
61KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019)
VĂN HÓA - VĂN HỌC v
1. MỞ ĐẤU
Có thể nói rằng, thơ chữ Hán (thể hiện qua ba 
tập thơ: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm 
và Bắc hành tạp lục) của Nguyễn Du đã được 
nghiên cứu sâu sắc trên nhiều bình diện, nhiều 
lĩnh vực khác nhau bởi thơ chữ Hán của ông vô 
cùng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, như nhiều 
tác phẩm thơ chữ Hán của các tác giả cùng thời, 
thơ chữ Hán của Nguyễn Du là đối tượng ẩn chứa 
nhiều điều mới mẻ, bất ngờ, thú vị. Do vậy, chưa 
thể có một công trình nào nghiên cứu trọn vẹn về 
mảng sáng tác này của đại thi hào. Bài viết của 
chúng tôi không có tham vọng đi sâu tìm hiểu hết 
những nét mới mẻ ấy mà chỉ dừng lại khám phá 
những đặc điểm tiêu biểu về văn hóa ứng xử với 
phụ nữ trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du.
2. NỘI DUNG
2.1. Thế nào là văn hóa ứng xử
Khái niệm văn hóa ứng xử được kết hợp bởi 
hai từ văn hóa và ứng xử. Để hiểu được nội hàm 
TRẦN THỊ THU HIỀN*
*Học viện Khoa học Quân sự, qkieutuan@gmail.com
Ngày nhận bài: 22/8/2018; ngày sửa chữa: 24/12/2018; ngày duyệt đăng: 26/12/2018
TÌM HIỂU VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI PHỤ NỮ 
TRONG THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU
TÓM TẮT 
Trước đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về sáng tác của Nguyễn Du nói chung và mảng thơ chữ 
Hán nói riêng. Tuy nhiên, các tác giả của nhiều công trình nghiên cứu đó mới chỉ dừng lại ở việc khai 
thác, khám phá, tìm hiểu về thể loại, ngôn ngữ, nhân vật mà chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu vấn 
đề văn hóa ứng xử với phụ nữ trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Do vậy, bài viết này đã bước đầu 
đưa ra một vài gợi ý trong việc tìm hiểu văn hóa ứng xử với người phụ nữ trong thơ chữ Hán của ông. 
Từ khóa: Nguyễn Du, phụ nữ, thơ chữ Hán, văn hóa ứng xử
của khái niệm này, nên bắt đầu từ ý nghĩa của hai từ 
ghép trên.
Từ xưa đến nay có rất nhiều các học giả trong 
nước và thế giới bàn về khái niệm văn hóa. Phan 
Ngọc trong cuốn “Bản sắc văn hóa Việt Nam” đã 
nêu ra định nghĩa về văn hóa: “Văn hóa là mối 
quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá 
nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại 
ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô 
hình hóa theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. 
Điều kiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là 
văn hóa dưới hình thức dễ nhận thấy nhất, biểu 
hiện thành một kiểu lựa chọn của cá nhân hay của 
tộc người khác” (Phan Ngọc, 1998, tr.17-18). Tác 
giả Trần Ngọc Thêm đưa ra một định nghĩa ngắn 
gọn và bao quát về văn hóa: “Văn hóa là một hệ 
thống hữu cơ có giá trị vật chất và tinh thần do 
con người sáng tạo và tích lũy trong quá trình hoạt 
động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người 
với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (Trần 
Ngọc Thêm, 1999, tr.25). Như vậy, văn hóa có thể 
hiểu là một hệ thống được định hình và phát triển 
62 KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019)
v VĂN HÓA - VĂN HỌC
trong quá trình lịch sử, bao gồm nhiều yếu tố hợp 
thành như hệ giá trị, tập quán, thói quen, lối ứng 
xử, các chuẩn mực xã hội; nó mang tính ổn định, 
bền vững và có khả năng di truyền qua nhiều thế 
hệ, là nền tảng của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là 
động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
Còn khái niệm ứng xử được hiểu như thế nào? 
Theo “Từ điển tiếng Việt” do GS Hoàng Phê chủ 
biên thì nghĩa của từ ứng mang hai nội dung chính 
sau: thứ nhất là đáp lại, lên tiếng đáp lại lời kêu 
gọi; thứ hai là mối quan hệ phù hợp tương đối với 
nhau. Còn xử có nghĩa là hành động theo cách nào 
đó, thể hiện thái độ với người khác trong một hoàn 
cảnh cụ thể nhất định. 
Bách khoa toàn thư Xô Viết có định nghĩa 
khá ngắn gọn về ứng xử: “Hệ thống các quan hệ 
tương tác, các phản ứng được thực hiện bởi các 
vật thể sống để thích nghi với môi trường. Ứng 
xử (hành vi, tập tính) của động vật và con người 
được nghiên cứu bởi các ngành Tập tính học, Tâm 
lý học, Xã hội học” (Theo Trần Thúy Anh, 2000, 
tr.17). Như vậy, ứng xử là quan hệ tương tác, phản 
ứng giữa tự nhiên, con người và cộng đồng.
Trong truyền thống văn hóa của người Việt 
Nam, ông cha ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề, 
giao tiếp ứng xử, văn hóa ứng xử. Ứng xử của 
con người trong xã hội không diễn ra một cách 
tùy tiện, ngẫu nhiên mà chúng được lặp đi lặp lại 
thường xuyên bởi nhiều người trong cả không 
gian lẫn thời gian và do đó, nó đã tạo thành những 
khuôn mẫu. Cái khuôn mẫu ấy được coi là ứng xử 
có văn hóa. 
Có thể coi, văn hóa ứng xử là “cầu nối, sự đan 
xen yếu tố bên trong (nội tâm) và yếu tố bên ngoài 
(ngoại tâm). Nó là điểm cuối cùng của những gì 
diễn biến trong tâm lí con người và là điểm bắt 
đầu trong hành vi ứng xử của hành động” (Đỗ 
Long, 2008, tr.74). Bản chất của văn hóa ứng xử 
thể hiện thông qua các biểu tượng. Đỗ Long (2008, 
tr.73) cho rằng:“Văn hóa ứng xử là một hệ thống 
thái độ, hành vi được xác định để xử lý các mối 
quan hệ giữa người với người trên các căn cứ 
pháp luật và đạo lý nhằm thúc đẩy nhanh sự phát 
triển của cộng đồng, của xã hội”. Phạm Vũ Dũng 
(1996, tr.27) cũng định nghĩa: “Văn hóa ứng xử là 
hệ thống tinh tuyển những nếp ứng xử, khuôn mẫu 
ứng xử, chuẩn mực ứng xử, trong mối quan hệ ứng 
xử giữa con người với những đối tượng khác thể 
hiện qua ngôn ngữ, hành vi, nếp sống tâm sinh lí 
Trong quá trình phát triển và hoàn thiện đời sống, 
nó đã được tiêu chuẩn hóa, xã hội hóa trở thành 
chuẩn mực của cá nhân, nhóm xã hội, toàn bộ xã 
hội; phù hợp với đời sống xã hội, với đặc trưng 
bản sắc của văn hóa dân tộc, một quốc gia, 
được cá nhân, nhóm xã hội, cộng đồng, toàn bộ xã 
hội thừa nhận và làm theo”.
Tóm lại, văn hóa ứng xử là “hệ thống ứng xử 
giữa con người và thế giới tự nhiên - vũ trụ và hệ 
thống ứng xử giữa con người với nhau hay trong 
xã hội loài người” (Bùi Thiết, 2000, tr.98).
2.2. Văn hóa ứng xử với phụ nữ trong thơ 
chữ Hán của Nguyễn Du
Văn hóa là sản phẩm của con người, là sự thích 
ứng trước thử thách mà thiên nhiên đặt ra cho con 
người. Cách ứng xử đó làm thành nét văn hóa đặc 
sắc trong nền văn hóa chung của nước Việt. Văn 
hóa Việt được hun đúc từ trong lịch sử, gắn chặt 
yếu tố cộng đồng, yếu tố cá nhân và trong quá 
trình phát triển, nó được tinh lọc thành bản sắc với 
những giá trị nổi bật của tinh thần dân tộc, trong 
đó có tình yêu thương con người. Văn hóa ứng xử 
trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã phát huy 
được truyền thống đó, đặc biệt là văn hóa ứng xử 
với người phụ nữ.
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã nêu lên nỗi 
thống khổ của người phụ nữ trong xã hội phong 
kiến bằng một thái độ thương mến, trân trọng. Bởi 
ông hiểu hơn ai hết, phụ nữ là hạng người xấu số bị 
vùi dập nhiều nhất. Khi khảo sát thế giới nhân vật 
trong ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng 
tôi nhận thấy ông viết nhiều về những người phụ 
nữ trong lịch sử Trung Hoa như: các bà vợ của 
63KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019)
VĂN HÓA - VĂN HỌC v
Vua Thuấn; chị em Tiểu Kiều, Đại Kiều thời Tam 
Quốc; Dương Quý Phi; Ngu Cơ; ba người đàn bà 
ở núi Tam Liệt; Nhưng Nguyễn Du đặc biệt rỏ 
nước mắt thương xót cho hai đối tượng phụ nữ, 
thứ nhất là kiểu phụ nữ danh tiếng, thứ hai là kiểu 
phụ nữ tài hoa nhưng bất hạnh. Nguyễn Du đã 
từng nói: “Ngựa không chết già, liệt nữ không chết 
bệnh, người có khí phách khác thường thì trời đất 
không có chỗ dung” (Lê Thu Yến, 1999, tr.99). 
Quả đúng là như vậy.
2.2.1. Nguyễn Du bộc lộ thái độ (cái nhìn) 
xót xa, thông cảm trước nỗi thống khổ của người 
phụ nữ danh tiếng trong xã hội phong kiến
Đối với kiểu phụ nữ danh tiếng, Nguyễn Du có 
cách nhìn xót xa, thông cảm, đồng cảm sâu nặng 
đối với họ. Nhà thơ nhìn thấy nỗi thống khổ của 
những người phụ nữ này. Bởi chính họ cũng phải 
gánh chịu nhiều mất mát, đau khổ trong cuộc đời. 
Dưới con mắt của Nguyễn Du, kiểu người phụ nữ 
danh tiếng như hai bà phi Nga Hoàng và Nữ Anh 
(vợ Vua Nghiêu - Thuấn), Dương Quý Phi, luôn 
là đối tượng được ông quan tâm.
Nguyễn Du thật sự ngưỡng mộ hành động của 
hai bà phi Nga Hoàng và Nữ Anh khi đi tìm chồng. 
Hai bà ngồi khóc bên dòng sông Tương, những 
giọt nước mắt nhỏ vào những cây trúc trở thành 
những “vết lốm đốm”:
“Ngu Đế nam tuần cánh bất hoàn,
Nhị Phi sái lệ trúc thành ban”
(Vua Ngu Thuấn đi tuần ở phương Nam, không 
trở về nữa
Hai bà Phi khóc, nước mắt rưới vào khóm trúc 
thành vết lốm đốm)
(Ngô Thương tức sự - Bắc hành tạp lục)
Hành động của hai bà làm cho Nguyễn Du rất 
xúc động. Trước hành động và cử chỉ cao đẹp đó, 
nhà thơ đã dành cho hai bà bốn bài thơ trong tập 
“Bắc hành tạp lục” (Thương Ngô tức sự, Thương 
Ngô mộ vũ, Thương Ngô trúc chi ca - bài 3 và bài 
8). Khi có dịp đến sông Tương, Nguyễn Du không 
quên viếng hai bà bằng chén rượu và trầm ngâm 
tưởng tượng ra tiếng đàn của hai bà:
“Bình ba nhật mộ Tương Đàm viễn,
Bôi tửu bằng lan điếu nhị phi”
(Tương Đàm sóng lặng đường chiều thẳm,
Rượu viếng hai bà đứng tựa lan)
(Thương Ngô mộ vũ- Bắc hành tạp lục)
Hoặc: “Ngu vương táng xứ vô khâu mộ,
 Thủy diện huyền thanh tự nhị phi”
 (Nơi táng vua Thuấn không thấy mồ mả,
Tiếng đàn trên mặt nước nghe như tiếng đàn 
của hai bà phi)
(Thương Ngô trúc chi ca III - Bắc hành tạp lục)
Bên cạnh đó, Nguyễn Du tỏ sự thương tiếc, 
kính trọng với ba người phụ nữ tiết liệt như Trương 
Thị, Quách Thị và Lưu Thị đời Minh. Họ đã kiên 
quyết chống lại bọn hung bạo và hi sinh để giữ 
mình được trong sạch. Tấm gương đó nghìn đời 
vẫn còn sáng mãi:
“Thiên thu bi kiệt hiển tam liệt,
Vạn cổ cương thường thuộc nhất môn”
(Bia kệ nghìn năm làm rạng danh ba người đàn 
bà tiết liệt,
Cương thường vạn thuở thuộc về một nhà)
(Tam liệt miếu - Bắc hành tạp lục)
Dương Quý Phi là một quý phi được vua 
Đường Minh Hoàng vô cùng sủng ái, sắc đẹp 
nghiêng nước nghiêng thành nhưng lại bị đổ tội 
oan chỉ vì vua quan bất tài không đuổi được giặc, 
cuối cùng nàng phải thắt cổ tự tử ở đèo Mã Ngôi. 
Người đời mắng chửi và nguyền rủa Quý Phi, xem 
nàng là tội nhân của đất nước. Trong khi cả triều 
đình “đều như phỗng đứng” thì Nguyễn Du lại là 
người lên tiếng minh oan cho người con gái họ 
Dương và những mỹ nhân ngày xưa mắc tội làm 
“khuynh thành vong quốc”:
64 KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019)
v VĂN HÓA - VĂN HỌC
“Tự thị cử triều không lập trượng,
Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành”
(Chỉ vì cả triều đều như phỗng đứng,
Mà nghìn năm còn đổ tội oan cho sắc đẹp 
nghiêng thành)
(Dương Phi cố lý - Bắc hành tạp lục)
Tình cảm của Nguyễn Du không chỉ dừng lại 
ở chỗ thông cảm mà còn đi đến chỗ đồng cảm với 
những người phụ nữ phải gánh chịu nhiều mất 
mát, đau khổ trong đời. Cuộc đời nhà thơ cũng đã 
trải qua nhiều đau khổ, do vậy, hơn ai hết ông hiểu 
những nỗi bất hạnh mà cuộc đời gây ra cho mình 
cũng như những người phụ nữ khác. Nguyễn Du 
đã viết về họ bằng những vần thơ chân thành, giản 
dị. Điều đó cho thấy tác giả có con mắt tinh tế, tấm 
lòng “nghĩ suốt nghìn đời” và tâm hồn nhạy cảm 
với mọi số phận con người trong xã hội.
2.2.2. Nguyễn Du thể hiện thái độ nâng niu, 
trân trọng trước tài năng và nhan sắc của người 
phụ nữ trong xã hội phong kiến
Một đặc điểm nổi bật trong thơ chữ Hán của 
Nguyễn Du được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận 
đó là thơ Nguyễn Du đã bày tỏ tiếng lòng đặc biệt 
thương cảm đối với người phụ nữ tài hoa nhưng 
bất hạnh. Câu chuyện “hồng nhan bạc mệnh” của 
các mỹ nhân là vấn đề có căn cứ từ thực tại ở xã 
hội phong kiến. Câu chuyện này, ngoài Nguyễn 
Du cũng còn nhiều tác giả khác quan tâm. Song 
có lẽ Nguyễn Du là người quan tâm đặc biệt nhất. 
Bởi trong thơ của mình, ông không chỉ quan tâm 
đến cái đẹp của người phụ nữ như một thứ nhan 
sắc người đời thường nghĩ đến mà quan trọng hơn, 
ông xem cái đẹp ở người phụ nữ như một thân 
phận, một hiện hữu, một nhân vị giữa cuộc đời. 
Tuy hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp, tài hoa 
xuất hiện trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du không 
nhiều nhưng sự xuất hiện của họ luôn để lại ấn 
tượng và sự ám ảnh trong lòng người đọc. Đó là 
nàng Tiểu Thanh trong “Độc Tiểu Thanh ký”, là 
cô Cầm trong “Long Thành Cầm giả ca”, là người 
ca nữ đất La Thành trong “Điếu La Thành ca giả”. 
Không dừng lại ở chỗ chỉ miêu tả, than vãn, 
thương cảm cho hoàn cảnh sầu thảm, bi đát, khốn 
cùng của những người phụ nữ đẹp, tài hoa hơn 
người mà đồng thời với việc tái hiện bi kịch cuộc 
đời của họ, Nguyễn Du luôn bộc lộ thái độ trân 
trọng, nâng niu nhan sắc và tài năng của người phụ 
nữ. Trong thi phẩm của Nguyễn Du, người đọc 
hôm nay có thể nhận thấy ông luôn đề cao vấn đề 
dân chủ, bình đẳng đối với phái đẹp. Phải chăng vì 
thế, những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du viết về 
người đẹp là những bài thơ hay nhất trong di sản 
thơ chữ Hán của ông. Bởi mỗi bài thơ đều lắng sâu 
những suy tư, trăn trở của thi nhân về thân phận 
con người bị đọa đầy trong một xã hội mà mọi giá 
trị đều bị đảo lộn. 
Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du chúng ta thấy 
nàng Tiểu Thanh trong “Độc Tiểu Thanh ký”, cô 
Cầm trong “Long Thành Cầm giả ca”, người ca nữ 
không tên đất La Thành trong “Điếu La Thành ca 
giả”, mỗi người mang một vẻ đẹp khác nhau. Chỉ 
qua một vài nét chấm phá, vẻ đẹp ngoại hình của 
những người phụ nữ trong thơ chữ Hán Nguyễn 
Du hiện lên thật quyến rũ. Đó là vẻ đẹp phong 
nhã, kiêu sa, trong sáng ở cô Cầm đang độ tuổi 
hoa niên: 
“Hồng trang yểm ái đào hoa diện
Đà nhan hám thái tối nghi nhân”
(Áo hồng cũng bị mờ nhạt đi trước khuôn mặt 
hoa đào, 
Má hồng vì men rượu, dáng ngây thơ, rất dễ thương).
 (Long Thành Cầm giả ca- Bắc hành tạp lục)
Hay vẻ đẹp của nàng ca nữ đất La Thành. Nàng 
đẹp như một cành hồng thắm từ cõi tiên sa xuống, 
sắc đẹp làm rung động cả sáu khu trong thành:
“Nhất chi nùng diễm há Bồng Doanh
Xuân sắc yên nhiên động lục thành”
(Một cành hoa hồng thắm từ cõi tiên sa xuống
Sắc xuân đẹp tươi làm rung động cả sáu khu 
trong thành)
 (Điếu La Thành ca giả - Thanh Hiên thi tập) 
65KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019)
VĂN HÓA - VĂN HỌC v
Nhưng cuộc đời lại bạc mệnh. Nàng chết trẻ, 
lúc sống đã không rửa được nghiệp phấn son, 
chết đi còn để lại tiếng gió trăng. Nguyễn Du xót 
thương cho người con gái ấy: 
“Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh
Trủng trung ưng tự hối phù sinh
Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng
Phong nguyệt không lưu tử hậu danh”
(Thiên hạ, ai là người thương kẻ bạc mệnh?
Dưới mồ chắc cũng hối hận cho kiếp phù sinh
Nghiệp chướng phấn son lúc sống đã không rửa sạch
Sau khi chết chỉ để lại tiếng trăng gió)
(Điếu La Thành ca giả - Thanh Hiên thi tập) 
Còn với nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du chỉ 
nhắc đến hình ảnh “Tây hồ hoa uyển” cũng làm 
người đọc mấy trăm năm sau xúc động, nhớ đến 
một vẻ đẹp phong lưu, ngọc ngà, kiều diễm được 
lưu truyền trong dân gian như huyền thoại. Thế 
nhưng những người phụ nữ tài hoa ấy có khi nào 
được sống hạnh phúc?
Có một vấn đề gần như là quy luật của muôn đời 
trong cuộc sống (nhất là trong xã hội phong kiến) 
đó là người đàn bà đẹp bao giờ cũng gian truân. Vì 
vậy, đã xuất hiện trong nhân gian những cụm từ 
“hồng nhan đa truân”, “hồng nhan bạc mệnh” như 
một tâm thức hiện sinh ám ảnh biết bao người, nhất 
là đối với phụ nữ. Người đẹp, đặc biệt là người tài 
sắc luôn chịu một số phận gian nan, bi kịch mà cái 
bi kịch rõ nhất là luôn bị lệ thuộc vào người khác 
theo những nguyên tắc lễ giáo khắc nghiệt đến phi 
lý của tư tưởng Nho giáo đó là “tại gia tòng phụ, 
xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (Ở nhà thì theo 
cha, đi lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì 
theo con). Vì thế, người phụ nữ hoàn toàn không 
chủ động được cuộc sống của mình, họ không có 
quyền lựa chọn cho mình cách sống, cách ứng xử, 
hay thậm chí là không có quyền làm chủ thân xác 
và tâm hồn của mình. Trong khi xã hội phong kiến 
vốn được xây dựng trên nền tảng tư tưởng Nho 
giáo coi khinh vai trò của người phụ nữ, nhất là 
những mỹ nhân thì Nguyễn Du cảm nhận nhan sắc 
của những người phụ nữ mà ông tình cờ gặp gỡ 
trong cuộc đời với một tấm lòng trân trọng, nâng 
niu. Những phụ nữ mà thi nhân không hề quen biết 
đã lưu lại trong cảm thức của ông những nét đẹp 
độc đáo - đó là vẻ đẹp thiên phú mà không phải ai 
cũng có: vừa e ấp, dịu dàng vừa rực rỡ, cuốn hút, 
quyến rũ đến mê hồn (Quan niệm này nhất quán 
trong các sáng tác cả chữ Nôm và chữ Hán của 
Nguyễn Du mà “Truyện Kiều” là đỉnh cao). 
Song những người phụ nữ mà chúng ta bắt gặp 
trong mảng thơ chữ Hán của Nguyễn Du không 
chỉ đẹp ở ngoại hình, họ còn là những phụ nữ 
mang vẻ đẹp nội tâm, là những người thực sự có 
tài năng nghệ thuật. Mỗi người có một tài riêng: 
Tiểu Thanh có tài thơ, cô Cầm có tài đàn, cô gái 
đất La Thành có tài ca hát. Và đặc biệt, tài năng 
của những người phụ nữ này trong cái nhìn của 
Nguyễn Du luôn xuất sắc hơn người. Câu danh 
ngôn “Sự thông minh và tinh tế ở người đàn bà 
là thứ nhan sắc không bao giờ tàn phai”, có lẽ rất 
xứng đáng dành tặng cho những người đẹp trong 
thi phẩm của Nguyễn Du. 
2.2.3. Nguyễn Du thể hiện niềm khao khát về 
quyền được sống, được tự do, bình đẳng, hạnh 
phúc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Xưa nay, khi bàn về trước tác của Nguyễn Du, 
nhiều học giả cho rằng chính những bài thơ chữ 
Hán của thi nhân đã cho hậu thế thấy phần sâu 
kín nhất trong tâm tư, tình cảm của ông. “Tất cả 
những nỗi đau thương u uất như thể dồn lại, về 
cuộc đời, về con người, về các triều đại kế tiếp 
nhau, đã hình thành nên trong nhân sinh quan của 
Nguyễn Du một ý thức thường trực, một cảm hứng 
bi thiết về sự mong manh của đời người, của số 
phận” (Trương Chính, 1978, tr.25). Chúng tôi cho 
rằng nhận định trên là hoàn toàn xác đáng. Tuy 
nhiên xem xét những bài thơ chữ Hán của Nguyễn 
Du về đề tài người đẹp, thiết nghĩ cần phải bàn 
rộng thêm một số giá trị khác như bên cạnh tiếng 
lòng xót thương thân phận người phụ nữ thì tiếng 
nói thể hiện quan niệm về quyền dân chủ, bình 
đẳng cho họ đã hiện diện trong thơ chữ Hán của 
Nguyễn Du như thế nào? 
66 KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019)
v VĂN HÓA - VĂN HỌC
Bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du 
từng gây ra nhiều tranh luận, nhất là về vấn đề 
tư liệu và hướng nghiên cứu. Để hiểu bài thơ này 
người đọc thường phải gắn nó cùng câu chuyện 
như một huyền thoại về cuộc đời của một giai nhân 
họ Phùng tên Tiểu Thanh mà chúng ta đã từng biết. 
Như vậy, khác với cô Cầm và ca nữ đất La Thành 
là những người sống cùng thời, Nguyễn Du từng 
gặp đó đây trên mọi nẻo đường, Tiểu Thanh là 
người đẹp mà Nguyễn Du chỉ được ngưỡng vọng 
qua trang sách. Ở đây không nên quá quan trọng 
việc xem xét Tiểu Thanh có thật hay không có 
thật, sống trước Nguyễn Du ba trăm năm hay mấy 
trăm năm như nhiều người đã tranh luận, theo tôi 
bi kịch của nàng Tiểu Thanh chỉ là cái cớ nghệ 
thuật để Nguyễn Du giãi bày quan điểm của ông 
về kiếp người mong manh trong cõi trần ai đầy bất 
trắc, nhất là thân phận của những người phụ nữ 
vừa có nhan sắc vừa có tài năng. Nguyễn Du tưởng 
nhớ Tiểu Thanh và ngưỡng mộ nàng là bởi nàng 
đoan trang, kiều diễm, cao quý, ngọc ngà, nhưng 
hơn hết còn bởi nàng là một phụ nữ thông minh, 
thơ phú tài hoa, tâm hồn phong phú. Di cảo thơ 
của nàng còn sót lại như tiếng vọng xa xăm kể về 
câu chuyện bi thương của cuộc đời nàng. Thương 
tiếc Tiểu Thanh, xót xa cho nỗi oan khổ của nàng, 
Nguyễn Du đã thốt lên: 
“Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.”
 (Những mối hận cổ kim, khó mà hỏi trời được. 
Ta tự coi mình như người cùng một hội với kẻ 
mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã)
(Độc Tiểu Thanh ký - Thanh Hiên thi tập)
Nguyễn Du tự coi nàng Tiểu Thanh là người 
cùng “một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng”. Chưa 
dám bàn đến vấn đề Nguyễn Du đấu tranh vì 
quyền dân chủ, tự do, bình đẳng cho phụ nữ nhưng 
rõ ràng ở đây sự cảm thông, chia sẻ với nỗi đau 
khổ, oan trái mà người phụ nữ tài hoa, xinh đẹp 
phải gánh chịu đã đạt đến độ kết tinh sâu sắc về 
tư tưởng: đó là tư tưởng nam nữ bình đẳng, bình 
quyền. Không hề ngần ngại trước quan niệm “nam 
tôn nữ ti”, Tố Như tiên sinh đã nâng đỡ Tiểu Thanh 
- một phụ nữ yếu đuối, bất hạnh lên ngang bằng 
với chính mình, coi Tiểu Thanh như người tri âm, 
tri kỷ, đồng điệu với mình. 
Xuất phát từ bi kịch của nàng Tiểu Thanh để 
suy ngẫm và bộc bạch quan điểm của bản thân về 
thế thái nhân tình, quên mình để nghĩ cho người, 
phải chăng đó chính là hồn cốt làm nên hệ giá 
trị nhân văn sâu sắc trong sự nghiệp lớn lao của 
Nguyễn Du. Cho nên hai câu cuối của bài thơ vẫn 
là sự tiếp nối dòng cảm hứng đau đáu khát vọng 
của thi nhân: 
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
(Không biết hơn ba trăm năm sau
Thiên hạ có ai là người khóc Tố Như?)
(Độc Tiểu Thanh ký - Thanh Hiên thi tập)
Đã có nhiều ý kiến khi bàn về hai câu kết trên. 
Tuy nhiên, trong tột cùng của nỗi cô độc, không 
tìm đâu người tri âm, tri kỷ, Nguyễn Du hướng 
đến một dự báo: Mai sau liệu có ai là người khóc 
cùng ông những điều đáng khóc? Khóc cùng ông 
nỗi đau về thế thái nhân tình? Khóc cùng ông về 
những đau khổ bất công, đọa đày phi lý mà con 
người (đặc biệt là những giai nhân yếu đuối, mong 
manh, xinh đẹp, tài hoa như nàng Tiểu Thanh, hay 
những thi nhân một đời chỉ biết sáng tạo và trân 
quí cái đẹp như ông) phải gánh chịu? Tại sao một 
người con gái xinh đẹp, đức hạnh, tài hoa như Tiểu 
Thanh lại phải chết oan ức đến vậy? Với ý nghĩa 
ấy, thông điệp mà bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” của 
Nguyễn Du ký thác cho đời sau có thể coi là một 
thông điệp vươn đến tầm tư tưởng nhân văn sâu sắc 
của nhân loại. Mà tư tưởng nhân văn sâu sắc ấy là 
các vấn đề mà cả nhân loại đã, đang và sẽ tiếp tục 
bàn luận, đó là quyền được làm vợ, được hưởng 
cuộc sống hạnh phúc không bị trói buộc, lệ thuộc 
vào đàn ông và quyền được bình đẳng, dân chủ, 
tự do trong mọi sáng tạo dành cho người phụ nữ. 
Nếu qua số phận bi kịch của người đẹp Tiểu 
Thanh, bên cạnh tiếng kêu thương cho số phận bất 
67KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019)
VĂN HÓA - VĂN HỌC v
hạnh của nàng, Nguyễn Du hé lộ cho chúng ta thấy 
tiếng nói khát khao về quyền bình đẳng, tự do, 
dân chủ và hạnh phúc cho người phụ nữ thì trong 
“Long Thành Cầm giả ca” và “Điếu La Thành ca 
giả” ông lại có một góc nhìn khác về thân phận của 
những người đẹp, có tài năng hơn người. 
Khác với Tiểu Thanh, cô Cầm và người ca nữ 
đất La Thành là những kỹ nữ. Trong quan niệm 
của xã hội, loại người này bị coi là “xướng ca vô 
loài”, luôn hứng chịu những thiệt thòi, bị xem 
thường, khinh miệt, coi rẻ. Song trong con mắt của 
Nguyễn Du, họ là những nghệ sĩ tài hoa điêu luyện 
chứ không phải đơn thuần chỉ là những kẻ mua vui 
cho thiên hạ. 
Trong lần đầu gặp gỡ tình cờ nhưng Nguyễn 
Du đã nhận ra “chất ngọc” của người đẹp đất Long 
thành, ông trân trọng ví cô như “báu vật vô giá đất 
Trường An”:
“Độc thiện Nguyễn Cầm
Cử thành chi nhân dĩ Cầm danh
Học đắc tiên triều cung trung Cung phụng khúc
Tự thị thiên thượng gian đệ nhất thanh”.
(Riêng thạo ngón đàn Nguyễn Cầm
Người trong thành ai cũng gọi là cô Cầm. 
Nàng học được khúc “Cung phụng” trong cung 
triều trước
Đó là những khúc nhạc hay nhất, tưởng như từ 
trên trời đưa xuống trần gian)
 (Long Thành Cầm giả ca - Bắc hành tạp lục)
Nguyễn Du đã đặc tả một cách tài tình ngón 
đàn tuyệt diệu của kỹ nữ Long Thành trong một 
đêm tiệc lớn của các tướng lĩnh Tây Sơn. Tiếng 
đàn của nàng là sự tuyệt vời nơi thượng giới cũng 
như trong chốn nhân gian:
“Hoãn như sơ phong độ tùng lâm
Thanh như song hạc minh tại âm
Liệt như Tiến Phúc bi đầu toái tích lịch
Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm”
(Tiếng khoan như gió thoảng qua rừng thông
Tiếng trong như đôi chim hạc kêu lúc đêm khuya
Tiếng mạnh như sét đánh tan bia Tiến Phúc
Tiếng buồn như Trang Tích ngâm tiếng Việt khi 
ốm đau)
(Long Thành Cầm giả ca - Bắc hành tạp lục)
Trong cảm thức của Nguyễn Du, đây là tiếng 
đàn độc đáo, nó là sự kết tinh của trí tuệ mẫn tiệp 
tuyệt vời và tâm hồn phong phú, tiếng đàn lắng 
đọng bao cung bậc thăng trầm của cảm xúc diệu 
kỳ, vừa tinh tế, vừa da diết nồng nàn, vừa bay bổng 
thiết tha. Chính vì tiếng đàn “tuyệt kỹ” như vậy 
nên nó mê hoặc lòng người, có sức quyến rũ lạ 
thường khiến cho: 
“Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo
Triệt dạ truy hoan bất tri bão
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo
Hào hoa ý khí lăng vương hầu
Ngũ Lăng thiếu niên bất túc dạo”.
(Các quan Tây Sơn trong tiệc thảy đều nghiêng ngả
Suốt đêm vui chơi không biết chán
Phía tả, phía hữu đua nhau gieo thưởng
Tiền bạc coi rẻ như đất bùn
Vẻ hào hoa của họ lấn lướt cả bậc vương hầu
Bọn thiếu niên đất Ngũ Lăng thì không đáng kể).
 (Long Thành Cầm giả ca - Bắc hành tạp lục)
Nàng Cầm được những người Tây Sơn quí 
trọng, hâm mộ chính là nhờ tài đàn những bản nhạc 
“hay nhất ở trên trời cũng như giữa cõi người”. 
Ngón đàn ấy không tàn phai theo năm tháng. Nó 
luôn trường tồn. Nhưng không phải lúc nào cũng 
có những khách tri âm hiểu và trân trọng. Nguyễn 
Du đau lòng “bồi hồi không yên, ngẩng lên, cúi 
xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay” là vì vậy! 
Sự ngưỡng mộ đối với tài năng cô Cầm đạt đến độ 
đồng cảm, tri âm sâu sắc của Nguyễn Du cho thấy 
ở ông xuất hiện một tư duy khác xa với nhiều kẻ 
đương thời. Với Nguyễn Du bên cạnh nhan sắc, tài 
năng của người phụ nữ cũng là một hệ giá trị để 
khẳng định thân phận của họ. Những phụ nữ có tài 
năng xuất chúng cũng hoàn toàn xứng đáng được 
hưởng sự vinh danh của xã hội và cộng đồng; tài 
68 KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019)
v VĂN HÓA - VĂN HỌC
năng không phân biệt giới tính, đẳng cấp sang hèn. 
Nguyễn Du đã tạc vào lòng người đọc hình ảnh 
người đẹp gảy đàn đất Long Thành như một biểu 
tượng của cái Đẹp và Tài năng con người.
3. KẾT LUẬN
Có thể nói, phụ nữ kết tinh trong mình nhiều vẻ 
đẹp nhưng xã hội phong kiến lại quá khắt khe đối 
với họ, Nguyễn Du đã lên tiếng thay họ đòi công 
bằng, đòi quyền sống và đòi quyền được thừa nhận 
tài năng. Điều làm nên một nhà thơ lớn Nguyễn 
Du là ông đã đưa hình ảnh người phụ nữ vào trung 
tâm của thơ để ca ngợi, trân trọng, để nâng họ lên 
và hơn hết là để bảo vệ, bênh vực và đòi quyền 
sống cho họ. Và ngày nay, khi đọc thơ chữ Hán 
của Nguyễn Du, chúng ta thấy rõ hơn tính nhân 
văn cao cả trong thơ ông, đó là tinh thần đấu tranh 
cho quyền sống, quyền làm người của những mỹ 
nữ tài hoa nhưng bạc mệnh. Trong quan niệm nghệ 
thuật của Nguyễn Du, những mỹ nữ ấy đã hiện hữu 
không phải chỉ bởi nhan sắc tuyệt trần mà còn là 
người đa tài, đa cảm, đa tình, biết yêu cái đẹp dẫu 
bi kịch đến đâu vẫn luôn khát khao hướng đến tự 
do trong tình yêu và cuộc sống. Như vậy, những 
nét ứng xử với người phụ nữ trong thơ chữ Hán của 
Nguyễn Du có thể được xem là nét đẹp của văn hóa 
truyền thống Việt Nam góp phần làm nên vẻ đẹp 
nhân văn nổi bật trong thơ chữ Hán Nguyễn Du./.
Tài liệu tham khảo:
Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương, NXB 
Hội Nhà văn, Hà Nội.
Trần Thúy Anh (2000), Thế ứng xử xã hội cổ truyền của 
người Việt châu thổ Bắc Bộ qua một số ca dao tục 
ngữ, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Trương Chính (giới thiệu, 1978), Thơ chữ Hán Nguyễn 
Du, NXB Văn học, Hà Nội.
Phạm Vũ Dũng (1996), Văn hóa giao tiếp, NXB Văn 
hóa Thông tin, Hà Nội.
Đỗ Long (2008), Tâm lí học với văn hóa ứng xử, NXB 
Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội.
Phan Ngọc (1998), Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn 
hóa Thông tin, Hà Nội.
Trần Văn Nhĩ (2015), Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB 
Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
Bùi Thiết (2000), Cảm nhận về văn hóa, NXB Văn hóa 
Thông tin, Hà Nội. 
Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB 
Giáo dục, Hà Nội. 
Lê Thu Yến (1999), Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán 
Nguyễn Du, NXB Thanh niên TP. Hồ Chí Minh.
UNDERSTANDING THE CODES OF BEHAVIOR TOWARDS WOMEN
IN NGUYEN DU’S HAN POETRY
TRAN THI THU HIEN
Abstract: Previously there were many studies on the composition of Nguyen Du in general and 
the poetry in Han script in particular. However, the authors of those studies have only explored the 
genres, languages and characters in the poems, in which no one has been able to deepen the study 
of codes of behavior in terms of dealing with women in Han poetry by Nguyen Du. This article will 
provide some initial suggestions for understanding the codes of behavior towards women in Nguyen 
Du’s Han poetries.
Keywords: Nguyen Du, women, Han poetry, codes of behavior
Received: 22/8/2018; Revised: 24/12/2018; Accepted: 26/12/2018

File đính kèm:

  • pdftim_hieu_van_hoa_ung_xu_voi_phu_nu_trong_tho_chu_han_cua_ngu.pdf