Sử dụng truyền thông xã hội trong nghiên cứu khoa học

Truyền thông xã hội là một nhóm các ứng dụng dựa trên internet, cho phép người

dùng tạo lập, chia sẻ nội dung trong cộng đồng mạng. Đối với hoạt động khoa học, truyền thông xã

hội có thể được sử dụng như một công cụ để trao đổi thông tin, hợp tác làm việc giữa các nhà nghiên

cứu và phổ biến thông tin khoa học cho cộng đồng. Bài viết trình bày khái niệm truyền thông xã hội,

các kênh truyền thông xã hội phổ biến, lợi ích và vấn đề cần lưu ý để sử dụng tốt truyền thông xã hội

phục vụ nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật.

pdf 5 trang kimcuc 4680
Bạn đang xem tài liệu "Sử dụng truyền thông xã hội trong nghiên cứu khoa học", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Sử dụng truyền thông xã hội trong nghiên cứu khoa học

Sử dụng truyền thông xã hội trong nghiên cứu khoa học
NGHIÊN CỨU-TRAO ĐỔI
14 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 6/2019
NCS Dương Thị Phương Chi
Trường Đại học Nghiên cứu Quốc gia Tổng hợp Perm, Liên bang Nga
Tóm tắt: Truyền thông xã hội là một nhóm các ứng dụng dựa trên internet, cho phép người 
dùng tạo lập, chia sẻ nội dung trong cộng đồng mạng. Đối với hoạt động khoa học, truyền thông xã 
hội có thể được sử dụng như một công cụ để trao đổi thông tin, hợp tác làm việc giữa các nhà nghiên 
cứu và phổ biến thông tin khoa học cho cộng đồng. Bài viết trình bày khái niệm truyền thông xã hội, 
các kênh truyền thông xã hội phổ biến, lợi ích và vấn đề cần lưu ý để sử dụng tốt truyền thông xã hội 
phục vụ nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật. 
Từ khóa: Truyền thông xã hội; mạng xã hội; nghiên cứu khoa học.
Use social media in scientific research
Abstract: Social media is a group of Internet-based applications that allow users to create 
and share content within the network community. For scientific activities, social media can be used 
as a tool for exchanging information, working collaboratively among researchers and disseminating 
scientific information to the community. The article presents the concept of social media, popular 
social media channels, benefits and issues to be aware of for good use of social media for scientific 
research and academic exchange. 
Keywords: Social media; Social Network; scientific research.
SỬ DỤNG TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Đặt vấn đề 
Sự phát triển của các kênh truyền thông 
xã hội có thể giúp nhà nghiên cứu nâng 
cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa 
học thông qua việc chia sẻ ý tưởng, hợp tác 
nghiên cứu, mở rộng phạm vi công bố kết 
quả nghiên cứu không chỉ trong cộng đồng 
học thuật mà còn phổ biến rộng rãi cho 
công chúng trong các cộng đồng mạng 
mà họ tham gia. Tất cả các công cụ truyền 
thông xã hội phổ biến hiện nay như blog, 
Twitter, Facebook,... đặc biệt là những 
trang mạng xã hội chuyên biệt về khoa học 
như ResearchGate, Academia, Mendeley 
đều có thể trở thành những công cụ hỗ trợ 
đắc lực cho giới học thuật trong nghiên cứu 
khoa học, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm. 
Mặc dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu hiện 
vẫn cảm thấy do dự khi trở thành thành 
viên của thế giới ảo vì quan niệm rằng 
truyền thông xã hội chỉ gây lãng phí thời 
gian và không phù hợp với hoạt động khoa 
học. Tuy nhiên, quan niệm này không hoàn 
toàn chính xác. Các kênh truyền thông xã 
hội chỉ là công cụ còn hiệu quả sử dụng 
chúng như thế nào tùy thuộc vào cách thức 
và mục đích sử dụng của người dùng.
1. Khái niệm truyền thông xã hội 
Truyền thông xã hội (Social media) ra 
đời vài thập kỷ trước cùng với sự xuất hiện 
của internet. Cho đến nay, đã có rất nhiều 
định nghĩa khác nhau về truyền thông xã 
hội, dưới đây là một số định nghĩa thường 
được trích dẫn: 
NGHIÊN CỨU-TRAO ĐỔI
15THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 6/2019
Theo Kaplan và Haenlein, truyền thông 
xã hội là những ứng dụng internet được xây 
dựng trên nền tảng công nghệ và ý tưởng 
của Web 2.0, tạo điều kiện cho việc tạo lập 
và trao đổi thông tin của người dùng [6].
David Meerman Scott xác định truyền 
thông xã hội cung cấp cách thức để mọi 
người chia sẻ ý tưởng, nội dung, suy nghĩ 
và các mối quan hệ trực tuyến. Truyền 
thông xã hội khác biệt so với truyền thông 
đại chúng truyền thống ở chỗ mọi người 
đều có thể sáng tạo, nhận xét và thêm nội 
dung trên các kênh truyền thông xã hội [2]. 
Joseph Thorley định nghĩa truyền thông 
xã hội là các phương tiện truyền thông 
trực tuyến, trong đó có sự di chuyển linh 
hoạt giữa vai trò tác giả và khán giả của 
các cá nhân tham gia. Để làm điều này, 
các phương tiện truyền thông xã hội sử 
dụng các phần mềm mang tính xã hội, cho 
phép cả những người không chuyên có thể 
đăng tải, bình luận, chia sẻ hay thay đổi 
nội dung, từ đó hình thành nên những cộng 
đồng chung sở thích [5].
Những định nghĩa nêu trên nhấn mạnh 
ba yếu tố gồm: nội dung, cộng đồng và Web 
2.0. Do vậy, có thể kết luận rằng “Truyền 
thông xã hội là một hình thức truyền thông 
được hình thành và phát triển dựa trên 
nền tảng Web 2.0, sử dụng các công cụ 
của mạng internet để truyền đạt nội dung 
trực tuyến do người dùng tạo ra”. Sự khác 
biệt lớn nhất giữa truyền thông xã hội so 
với truyền thông đại chúng (Mass media) 
chính là quyền tham gia sản xuất, cung 
cấp thông tin trên các kênh truyền thông 
xã hội của tất cả mọi người. Đặc điểm của 
truyền thông xã hội là người dùng sử dụng 
hồ sơ cá nhân trực tuyến để kết nối với bạn 
bè, gia đình, người quen hoặc tạo những 
liên hệ mới để chia sẻ thông tin, tin tức và 
kinh nghiệm [9].
Ngoài ra, cũng cần làm rõ sự khác biệt 
giữa hai thuật ngữ thường xuyên bị nhầm 
lẫn là truyền thông xã hội (Social media) và 
mạng xã hội (Social networking). Truyền 
thông xã hội là tập hợp các kênh truyền 
thông khác nhau được sử dụng để giao tiếp 
trực tuyến theo cách xã hội, bao gồm blog, 
wikis, trang web chia sẻ video và hình ảnh, 
diễn đàn trực tuyến, trang đánh dấu xã 
hội... Một thành phần của truyền thông xã 
hội là mạng xã hội - thuật ngữ đề cập đến 
cách mọi người tương tác trên các trang 
web như Facebook, Twitter, LinkedIn và 
một vài trang web tương tự khác [2].
2. Phân loại truyền thông xã hội 
Các nhà nghiên cứu hiện chưa có sự 
thống nhất trong cách phân loại các kênh 
truyền thông xã hội do số lượng công cụ 
truyền thông xã hội rất lớn và mỗi công cụ 
lại tích hợp rất nhiều tính năng khác nhau, 
điều này làm cho việc phân loại trở nên khó 
khăn hơn. Kaplan và Haenlein chia truyền 
thông xã hội thành sáu nhóm dịch vụ [6], 
trong khi đó David Meerman Scott phân loại 
truyền thông xã hội thành chín nhóm dựa 
vào cách thức được người dùng sử dụng để 
giao tiếp, thể hiện ý kiến cá nhân trên các 
công cụ trực tuyến [2]. Shweta Sharma, H. 
V. Verma xác định truyền thông xã hội bao 
gồm mạng xã hội, blog, diễn đàn trao đổi, 
trang web chia sẻ video, trang web chia 
sẻ nội dung, trang web đánh dấu xã hội, 
podcasts và wikis [9]. Một số nghiên cứu 
gần đây phân loại truyền thông xã hội dựa 
trên mục đích và chức năng của chúng, 
gồm những nhóm sau [3]:
Mạng xã hội (Social networking): là các 
trang web được xây dựng dựa trên việc 
đăng ký tài khoản để trở thành thành viên 
của cá nhân, cho phép người dùng tạo hồ 
sơ cá nhân, mời người khác tham gia, truy 
cập và chia sẻ thông tin, gửi tin nhắn, trò 
chuyện trực tuyến. Mạng xã hội được dùng 
với mục đích xây dựng cộng đồng trực 
tuyến, duy trì liên lạc với gia đình, bạn bè. 
Một số trang mạng xã hội phổ biến hiện 
nay là Facebook, Twitter, LinkedIn... [8];
Trang web chia sẻ (Sharing website): 
là những trang web cho phép người dùng 
đăng tải, chia sẻ những nội dung mà họ 
NGHIÊN CỨU-TRAO ĐỔI
16 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 6/2019
muốn dưới dạng hình ảnh (Instagram, 
Flickr, Pinterest), âm thanh (Last.fm, 
Soundcloud), video (YouTube), văn bản 
(Slideshare) với những người dùng khác có 
cùng mối quan tâm, sở thích;
Blog và microblog: blog là các trang web 
được tạo lập với mục đích chia sẻ bài viết, 
tăng sự tương tác giữa người đọc và người 
viết (WordPress, Blogger). Microblog cũng 
được sử dụng để chia sẻ bài viết nhưng 
chúng ngắn gọn hơn blog và bị giới hạn bởi 
số lượng ký tự (Tumblr, Twitter);
Trang đánh dấu xã hội (Social 
bookmarking site): là những trang web cho 
phép người dùng tổ chức, lưu trữ, quản lý, 
tìm kiếm và chia sẻ liên kết (link) mà họ 
quan tâm. Một số trang đánh dấu xã hội 
được dùng phổ biến là Bitly, Digg, Diigo, 
LibraryThing, Reddit, Pocket, CiteULike, 
Connotea... 
Diễn đàn (Forum): là các trang web cho 
phép người dùng tham gia thảo luận theo 
nhiều chủ đề khác nhau.
3. Lợi ích của truyền thông xã hội đối 
với hoạt động nghiên cứu khoa học
Nhờ vào khả năng chia sẻ, tương tác 
cao và thu hút ngày càng nhiều thành viên 
tham gia trong các cộng đồng mạng, việc 
sử dụng truyền thông xã hội trong hoạt 
động nghiên cứu khoa học giúp các nhà 
nghiên cứu:
- Đăng tải hoặc cập nhật thông tin về hội 
nghị, hội thảo, sự kiện khoa học;
- Tiếp nhận phản hồi, ý kiến đóng góp 
nhanh hơn, qua đó các nhà nghiên cứu có 
thể phát triển, hoàn thiện công trình nghiên 
cứu của mình tốt hơn;
- Hợp tác nghiên cứu hiệu quả hơn khi 
các nhà nghiên cứu có thể làm việc trực 
tuyến cùng nhau, không phụ thuộc vào thời 
gian, địa điểm và còn có thể tìm kiếm được 
sự cộng tác mới;
- Chia sẻ và trao đổi kỹ năng nghiên 
cứu, kiến thức chuyên môn, phát minh 
khoa học dễ dàng hơn bằng cách xuất bản 
kết quả nghiên cứu trên các kênh truyền 
thông xã hội;
- Mở rộng khả năng tiếp cận, sử dụng 
kết quả nghiên cứu trong cộng đồng mạng: 
việc truy cập những công trình nghiên cứu 
trên các tạp chí khoa học, đặc biệt trên các 
tạp chí đã qua thẩm định (peer-reviewed 
journals) luôn bị hạn chế vì người dùng cần 
phải trả phí rất cao để có được quyền truy 
cập. Do đó, truyền thông xã hội sẽ giúp giới 
thiệu kết quả nghiên cứu cho người dùng 
Internet nhanh chóng và rộng rãi hơn;
Thêm vào đó, việc sử dụng truyền thông 
xã hội có tác dụng như một công cụ tiếp thị 
cho đầu ra của các nghiên cứu, giúp tăng 
chỉ số Altmetrics - chỉ số phản ánh sự ảnh 
hưởng xã hội của kết quả nghiên cứu được 
công bố.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích nêu 
trên thì việc sử dụng truyền thông xã hội 
trong nghiên cứu khoa học có một hạn chế 
là sự vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ, 
bởi vì hầu hết các công cụ truyền thông xã 
hội đều có khả năng xuất bản lại nội dung 
mà không cần sự cho phép của tác giả.
4. Sử dụng truyền thông xã hội trong 
hoạt động nghiên cứu khoa học
Thông tin cá nhân hoặc lĩnh vực chuyên 
môn, định hướng nghiên cứu của các nhà 
nghiên cứu có thể được tìm thấy trên trang 
web của cơ quan nơi họ đang làm việc. Tuy 
nhiên, việc các nhà nghiên cứu tự tạo lập 
hồ sơ cá nhân trên các kênh truyền thông 
xã hội sẽ giúp họ chủ động hơn trong việc 
thay đổi, cập nhật thông tin, bên cạnh đó 
người dùng cũng dễ dàng tiếp cận và tương 
tác với họ nhiều hơn. Do số lượng công cụ 
truyền thông xã hội rất lớn, nên bài viết chỉ 
nhấn mạnh một số lưu ý để có thể sử dụng 
tốt hơn các công cụ thường được dùng cho 
mục đích nghiên cứu khoa học, trao đổi 
học thuật.
4.1. Lựa chọn công cụ truyền thông 
xã hội 
Sẽ mất thời gian, công sức và rất khó để 
NGHIÊN CỨU-TRAO ĐỔI
17THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 6/2019
duy trì sự hiện diện tốt trên tất cả các công 
cụ truyền thông xã hội. Do đó, các nhà 
nghiên cứu cần căn cứ vào đặc điểm của 
từng công cụ truyền thông xã hội, mục đích 
sử dụng và đối tượng mà họ muốn hướng 
đến là những ai để lựa chọn được những 
công cụ thật sự phù hợp. Ví dụ như:
- Blog (Wordpress, Blogger): hỗ trợ tốt 
cho mục đích xuất bản các nghiên cứu, 
giúp mọi người biết đến hồ sơ cá nhân của 
nhà nghiên cứu nhiều hơn thông qua công 
cụ tìm kiếm. Qua đó, giúp tăng mức độ ảnh 
hưởng và mở rộng các mạng lưới nghiên cứu 
cho nhà nghiên cứu. Mặc dù blog không có 
khả năng lan truyền mạnh mẽ như mạng 
xã hội nhưng để tìm hiểu, nghiên cứu một 
vấn đề hoặc khi có một mối quan tâm nào 
đó thì người dùng thường có khuynh hướng 
tìm đọc những bài viết giải thích, phân tích 
sâu sắc trên blog thay vì đọc những dòng 
chia sẻ ngắn gọn trên mạng xã hội như 
Facebook, Twitter. Và cũng chính vì điều 
này nên các tác giả luôn cần phải đầu tư 
thời gian, công sức khi viết blog. 
- Microblog (Twitter, Tumblr): tin bài trên 
microblog luôn ngắn gọn hơn và không cụ 
thể, chi tiết như bài đăng trên blog do bài 
đăng bị giới hạn số lượng ký tự (ví dụ, với 
Twitter tối đa là 280 ký tự). Tuy nhiên, ưu 
điểm của microblog là tính cập nhật, tương 
tác cao nên các nhà nghiên cứu có thể 
sử dụng công cụ này để chia sẻ thông tin 
ngắn gọn về những công bố của họ trong 
các tạp chí; thông báo về sự kiện, hội nghị, 
hội thảo khoa học; hoặc chia sẻ liên kết 
web đến các bài viết khác dài và đầy đủ 
thông tin hơn...
- Mạng xã hội: tương tự như Twitter, 
Facebook thường xuyên được sử dụng để 
xây dựng mạng lưới nghiên cứu và phổ 
biến kết quả nghiên cứu đến cộng đồng 
mạng. Ngoài Facebook, các trang mạng 
xã hội dưới đây cũng được giới học thuật 
sử dụng khá phổ biến:
+ LinkedIn - trang mạng xã hội định 
hướng kinh doanh, là nơi mà nhà nghiên 
cứu có thể tạo hồ sơ cá nhân, đăng tải lý 
lịch khoa học, nơi công tác để tìm kiếm sự 
cộng tác mới hoặc cơ hội việc làm mới;
+ Trang mạng xã hội dành riêng cho 
các nhà nghiên cứu như ResearchGate, 
Academia,... cũng được dùng để đăng tải 
các bài nghiên cứu, xây dựng mạng lưới 
giữa các nhà nghiên cứu, đưa ra các thảo 
luận và tương tác trực tiếp với nhau. Thêm 
vào đó, nhóm công cụ này có chức năng 
phân tích, giúp người dùng theo dõi chỉ số 
ảnh hưởng các bài nghiên cứu của họ;
+ Mendeley là một công cụ quản lý trích 
dẫn, được xây dựng ở hai dạng thức: 
 Mendeley Desktop là phần mềm giúp 
quản lý tài liệu tham khảo, cho phép tìm 
kiếm, tải lên và tổ chức các bài viết, số liệu 
từ nhiều cơ sở dữ liệu, tạo danh mục tài liệu 
tham khảo cho các bài viết;
 Mendeley phiên bản web là trang 
mạng xã hội cho phép người dùng tạo hồ 
sơ nghiên cứu cá nhân, theo dõi và kết nối 
với các nhà nghiên cứu khác để tìm kiếm 
và xác định xu hướng nghiên cứu cũng như 
chia sẻ danh mục trích dẫn. Hiện nay, trang 
mạng xã hội này cũng đã thu hút được hơn 
6 triệu nhà nghiên cứu tham gia [4]. 
- Trang đánh dấu xã hội: nhà nghiên 
cứu có thể sử dụng trang đánh dấu xã hội 
để tự xây dựng nguồn tham khảo riêng cho 
họ bằng cách mô tả, phân loại các liên kết 
web hữu ích mà họ tìm thấy trên Internet. 
Mặt khác, nhà nghiên cứu cũng có thể chia 
sẻ bộ sưu tập dấu trang của họ trong cộng 
đồng mạng và tìm kiếm những dấu trang 
do người khác tạo lập có nội dung tương 
tự hoặc liên quan với những gì mà họ đang 
lưu trữ. Hiện nay, CiteULike và Connotea là 
những trang đánh dấu xã hội được chuyên 
dùng để đánh dấu nguồn tài nguyên trực 
tuyến mang tính học thuật [7].
4.2. Liên kết và chia sẻ thông tin 
Các nhà nghiên cứu được khuyến khích 
mô tả trong tài khoản trực tuyến của họ 
các thông tin về lĩnh vực nghiên cứu, dự án 
NGHIÊN CỨU-TRAO ĐỔI
18 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 6/2019
nghiên cứu nhằm giúp đồng nghiệp, nhà 
nghiên cứu khác, nhà xuất bản dễ dàng tìm 
kiếm, chia sẻ, cộng tác. Họ nên bắt đầu 
kết bạn, theo dõi người mà họ quen biết, 
đặc biệt là đồng nghiệp và những người có 
chung hướng nghiên cứu. Để tiết kiệm thời 
gian duyệt thông tin, nhà nghiên cứu hoàn 
toàn có thể hủy theo dõi người/ nhóm người 
dùng nếu thấy thông tin của họ không còn 
liên quan hoặc không hữu ích.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng những 
thông tin được chia sẻ trên các kênh truyền 
thông xã hội không được vi phạm quy 
định của cơ quan chủ quản, nhà xuất bản 
hoặc những nơi đã đăng bài báo khoa học 
của họ.
4.3. Quản lý tài khoản cá nhân
Các nhà nghiên cứu không cần phải 
mất quá nhiều thời gian để theo dõi, đăng 
bài nếu họ sử dụng các ứng dụng có chức 
năng quản lý công cụ truyền thông xã hội. 
HootSuite, Buffer hiện là những công cụ 
quản lý phổ biến. Đặc biệt, những ứng dụng 
này cho phép người dùng hẹn lịch đăng bài 
và đăng bài cùng một lúc trên nhiều trang 
web như Twitter, Facebook, Instagram, 
LinkeIn, Pinterest...
Kết luận
Nếu như trước đây, đầu ra của các công 
trình nghiên cứu khoa học thường chỉ được 
công bố trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu 
hội nghị, hội thảo hoặc báo cáo chuyên đề, 
do đó chỉ có một số ít người có thể tiếp cận 
chúng thì hiện nay, truyền thông xã hội đã 
đóng vai trò đáng kể trong việc chuyển tải 
thông tin khoa học trong cộng đồng mạng. 
Rất nhiều người trong giới khoa học đã tạo 
lập hồ sơ cá nhân trên các công cụ truyền 
thông xã hội để giới thiệu sản phẩm khoa 
học, chia sẻ ý tưởng và hợp tác nghiên cứu, 
để cập nhật tin tức, sự kiện khoa học, tránh 
nghiên cứu trùng lặp... Các công cụ truyền 
thông xã hội là một công cụ thật sự hữu ích 
cho các nhà khoa học nếu họ biết cách tận 
dụng những ưu điểm nổi bật của chúng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bik H. M., Goldstein, M. C. (2013). An 
introduction to social media for scientists, 
h t tps : / / j ou r na ls .p los .o rg /p losb io logy /
article?id=10.1371/journal.pbio.1001535 (truy 
cập ngày 5/6/2019).
2. David Meerman Scott (2015). The new 
rules of marketing & PR: how to use social 
media, online video, mobile applications, 
blogs, news releases, and viral marketing to 
reach buyers directly, New Jersey, John Wiley 
& Sons, Inc., 458 p. 
3. Hồ Thị Ngọc (2018). Ứng dụng truyền 
thông xã hội trong hoạt động thư viện Trường 
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học 
Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh : luận văn 
Thạc sỹ, Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia 
thành phố Hồ Chí Minh, 139 tr.
4. Mendeley. https://www.mendeley.com/
research-network/community (truy cập ngày 
11/6/2019).
5. Joseph Thorley (2008). What is "Social 
media?", 
media (truy cập ngày 22/1/2019).
6. Kaplan, A.M., Michael Haenlein (2010). 
Users of the world, unite! The challenges 
and opportunities of Social Media, Business 
Horizons, 53(1), p.59-68. 
7. Meskó B. (2013). Social Bookmarking, 
Social Media in Clinical Practice, London, 
Springer, p.135-137. 
8. Most popular social networks worldwide 
as of April 2019, ranked by number of active 
users (in millions), https://www.statista.com/
statistics (truy cập ngày 10/6/2019)
9. Shweta Sharma, H. V. Verma (2018). 
Social Media Marketing: evolution and change, 
https://link.springer.com/chapter/10.1007 (truy 
cập ngày 5/6/2019)
10. Tom Denison (2018). Social Media 
for Researchers: [Conference papers], Ho 
Chi Minh, University of Social Sciences and 
Humanities.
(Ngày Tòa soạn nhận được bài: 08-7-2019; 
Ngày phản biện đánh giá: 12-9-2019; Ngày 
chấp nhận đăng: 15-10-2019).

File đính kèm:

  • pdfsu_dung_truyen_thong_xa_hoi_trong_nghien_cuu_khoa_hoc.pdf