Quan niệm về vũ trụ trong thần thoại Việt Nam

Tử thuở sơ khai của lịch sử, con người đã có nhu cầu tìm hiều về nguồn gốc hình thành vũ trụ.

Vì vậy, các quan niệm ban đầu về vũ trụ đã ra đời và được thể hiện trong các truyện thần thoại. Quan niệm vũ

trụ trong thần thoại xuất hiện trong lịch sử nhận thức của nhân loại rất sớm, trước khi quan niệm vũ trụ của

tôn giáo và quan niệm vũ trụ của triết học xuất hiện. Qua thần thoại, người Việt Nam xưa đã tưởng tượng về vũ

trụ với những nét riêng biệt, mang đặc trưng nhận thức của người bản địa. Quan niệm về vũ trụ trong thần

thoại Việt Nam thể hiện cái nhìn hồn nhiên và ấu trĩ của con người cổ xưa về thế giới nhưng chứa đựng những

yếu tố triết học độc đáo.

pdf 8 trang kimcuc 9560
Bạn đang xem tài liệu "Quan niệm về vũ trụ trong thần thoại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Quan niệm về vũ trụ trong thần thoại Việt Nam

Quan niệm về vũ trụ trong thần thoại Việt Nam
48 
TẠP CHÍ KHOA HỌC 
Khoa học Xã hội, Số 5 (6/2016), tr 48 - 55 
QUAN NIỆM VỀ VŨ TRỤ TRONG THẦN THOẠI VIỆT NAM 
Phạm Văn Hùng 
Khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Hải Phòng 
Tóm tắt: Tử thuở sơ khai của lịch sử, con người đã có nhu cầu tìm hiều về nguồn gốc hình thành vũ trụ. 
Vì vậy, các quan niệm ban đầu về vũ trụ đã ra đời và được thể hiện trong các truyện thần thoại. Quan niệm vũ 
trụ trong thần thoại xuất hiện trong lịch sử nhận thức của nhân loại rất sớm, trước khi quan niệm vũ trụ của 
tôn giáo và quan niệm vũ trụ của triết học xuất hiện. Qua thần thoại, người Việt Nam xưa đã tưởng tượng về vũ 
trụ với những nét riêng biệt, mang đặc trưng nhận thức của người bản địa. Quan niệm về vũ trụ trong thần 
thoại Việt Nam thể hiện cái nhìn hồn nhiên và ấu trĩ của con người cổ xưa về thế giới nhưng chứa đựng những 
yếu tố triết học độc đáo. 
Từ khóa: Vũ trụ, thần thoại 
1. Mở đầu 
Thần thoại là phương thức nhận thức thế giới đặc trưng của người nguyên thủy. Thông 
qua sự thần thánh hoá tự nhiên và xã hội, con người gửi gắm khát vọng lý giải và chinh phục 
thế giới. Ngày nay, nhân loại đã tiến những bước dài trong quá trình nhận thức và cải tạo thế 
giới nên đã đẩy các vị thần "ngày càng bay xa" khỏi miền nhận thức của con người. Tuy 
nhiên, sự tưởng tượng thần linh được khơi nguồn trong thần thoại vẫn tồn tại và chi phối con 
người chừng nào con người còn "bất lực", "sợ hãi" và "mất mát" trước các biến cố tự nhiên 
và xã hội. 
Ở Việt Nam, nguồn tư liệu thần thoại ít được khai thác về mặt triết học vì hệ thống thần 
thoại mà người Việt sáng tạo từ thời kỳ Đông Sơn đã bị vỡ ra từng mảnh do sự nô dịch, đồng 
hoá suốt thời Bắc thuộc, cùng với đó là sự tiếp biến văn hoá với văn hoá Hán cũng như các 
tôn giáo lớn bên ngoài. Bên cạnh đó, có quan niệm cho rằng: Thần thoại là loại tư tưởng bình 
dân phản ánh hư ảo về thế giới, có nhiều hạn chế, lạc hậu nên ít chứa đựng các yếu tố triết 
học; phương thức tồn tại của thần thoại là truyền miệng nên nội dung đã bị biến đổi và mất đi 
cốt lõi ban đầu vì vậy không thể hiện đúng được triết lý bản địa của người Việt. Trong giới 
nghiên cứu vẫn tồn tại quan niệm Việt Nam không có triết học hoặc nếu có, cũng chỉ là bản 
sao chép của Trung Hoa và Ấn Độ mà không hề có bản sắc riêng và sáng tạo. Do vậy, khi 
nhận thức thế giới, người Việt Nam không có tư tưởng của riêng mình mà chỉ vay mượn tư 
tưởng của các dân tộc khác. 
Chúng tôi cho rằng, tư tưởng triết học Việt Nam, trong đó có tư tưởng triết học biểu hiện 
qua thần thoại mặc dù chịu ảnh hưởng của các dòng văn hoá ngoại sinh khi giải thích về vũ 
trụ cũng như các vấn đề nhân sinh nhưng thần thoại là sáng tác dân gian mà chủ thể của nó là 
những người bình dân thì không dễ gì hấp thụ được những triết lý cao siêu của Nho, Phật, 
Đạo. Hơn nữa, ở nhiều dân tộc thiểu số thì mức độ ảnh hưởng của các yếu tố văn hoá Hán và 
Ngày nhận bài: 25/12/2015. Ngày nhận đăng: 20/7/2016 
Liên lạc: Phạm Văn Hùng- mail: phamhungdh81@gmail.com 
49 
Ấn đến văn hoá nói chung và thần thoại nói riêng là rất ít. Vì vậy, thần thoại Việt Nam, đặc 
biệt là thần thoại của một số dân tộc thiểu số về cơ bản vẫn giữ được cốt lõi tư tưởng ban 
đầu. Tư tưởng triết học Việt Nam không chỉ được phát hiện, nghiên cứu từ các văn bản mang 
tính chất bác học như văn, thơ, phú, kệ... mà còn từ lĩnh vực văn hóa dân gian như thần thoại, 
truyền thuyết, cổ tích, ca dao, tục ngữ, tín ngưỡng... và trong cả các sản phẩm văn hoá vật 
chất của các thời đại trước. 
Từ những tài liệu nghiên cứu của các ngành khảo cổ học, văn hoá dân gian, thần thoại 
học đã chứng tỏ rằng vào thời kỳ văn hoá Đông Sơn (trước khi Nho, Phật, Đạo du nhập), 
Việt Nam đã có một hệ thống thần thoại khá hoàn chỉnh. Cộng đồng người Việt khi ấy đã có 
những quan niệm nhất định về vũ trụ mà ngày nay chúng ta biết được qua những bằng chứng 
khá thuyết phục như các di chỉ khảo cổ và qua thần thoại của các dân tộc. Người Việt Nam 
xưa đã tưởng tượng về vũ trụ với những nét riêng biệt, mang đặc trưng nhận thức của người 
bản địa. Quan niệm về vũ trụ trong thần thoại Việt Nam thể hiện cái nhìn hồn nhiên và ấu trĩ 
về thế giới nhưng chứa đựng những tư tưởng triết học độc đáo. Điều đó được thể hiện ở quan 
niệm về quá trình hình thành vũ trụ và quan niệm về các yếu tố hợp thành vũ trụ. 
2. Nội dung 
2.1. Quan niệm về quá trình hình thành vũ trụ 
Thần thoại giải thích về nguồn gốc vũ trụ của các dân tộc có sự khác biệt về chi tiết, về 
tên gọi các vị thần nhưng nội dung cơ bản thì có nhiều nét tương đồng. Do vậy, chúng tôi 
tạm gạt bỏ đi những sự khác biệt nhỏ để đưa ra một mô hình khái quát về quá trình hình 
thành vũ trụ trong thần thoại Việt Nam. Nhìn chung, quá trình hình thành vũ trụ được quan 
niệm trải qua ba thời kỳ gồm: Thời kỳ hỗn mang, thời kỳ vũ trụ hình thành còn khiếm 
khuyết, thời kỳ vũ trụ ổn định và hài hòa. 
Thứ nhất, thời kỳ hỗn mang 
Ngày nay, về cơ bản vũ trụ học công nhận rằng vũ trụ của chúng ta bắt nguồn từ vụ nổ 
lớn. Từ đó, vũ trụ tiến triển theo thời gian cho đến bây giờ. Theo thuyết này, vũ trụ đã có 
khởi đầu trong không gian và thời gian. Thần thoại của một số dân tộc ở Việt Nam cũng thừa 
nhận một điểm khởi đầu của vũ trụ và đề cập đến một thời kỳ hỗn mang bất định trước khi 
vũ trụ bắt đầu hình thành. 
Theo niềm tin của người Việt Nam thời cổ sơ, thế giới ban đầu là hỗn mang. "Hỗn mang 
là sự nhân cách hoá cái trống không nguyên thuỷ, có trước sự sáng thế, khi mà trật tự chưa 
được thiết định cho các yếu tố của thế giới" [1]. Niềm tin của con người cho rằng có sự đối 
lập giữa thế giới của chúng ta (vũ trụ) và thế giới ngoài ta (hỗn mang). Thế giới hỗn mang 
được tưởng tượng là một thế giới huyền bí, hỗn độn, xa lạ. "Nỗi khủng khiếp trước hỗn 
mang bao quanh thế giới đang ở của con người, tương ứng với nỗi khủng khiếp hư không. 
Không gian xa lạ và trải rộng ở bên ngoài thế giới của con người, tức là không gian không 
được vũ trụ hoá, vì không được thiêng hoá, một không gian không hình thù, ở đó chưa có 
một hướng nào được phóng ra, chưa có một cấu trúc nào nổi lên" [2]. 
50 
Quan niệm về thế giới thời kỳ hỗn mang xuất hiện trong một số tôn giáo và thần thoại 
của các cộng đồng người trên thế giới khi lý giải về trạng thái trước khi vũ trụ bắt đầu hình 
thành. Tư duy của con người thời cổ mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng vẫn khó chấp nhận 
một vũ trụ ra đời mà lại không có mối liên hệ với bất cứ cái gì từ trước đó. Tư duy suy 
nguyên của họ đòi hỏi phải có một trạng tồn tại trước khi vũ trụ hình thành, do vậy quan 
niệm về thời kỳ hỗn mang đáp ứng yêu cầu nhận thức của họ về nguồn gốc thế giới. 
Sách sáng thế của Kinh Thánh ghi lại: "Ban đầu, Đức Chúa sáng tạo trời đất. Lúc ấy đất 
không có hình thể và còn trống không. Bóng tối bao trùm vực thẳm và Thần Linh của Đức 
Chúa Trời vận hành trên mặt nước" [3]. Trong thần thoại Hy Lạp, thời kỳ hỗn mang trước 
khi có buổi khai thiên lập địa, trước khi có thế gian và các vị thần, được gọi là Khaôx: 
"Thoạt đầu là Khaôx một vực thẳm vô cùng/Hung dữ như biển khơi, tối đen, lang thang, 
hoang dã" [4]. Thần thoại Trung Hoa miêu tả cõi hỗn mang giống như quả trứng của vũ trụ. 
Người Trung Hoa cổ đại cho rằng trước khi có vũ trụ là hỗn mang, vô hình, huyền bí, vô trật 
tự. Thần thoại Prajapati của Ấn Độ lý giải thời kỳ trước khi vũ trụ xuất hiện là trạng thái vũ 
trụ chìm trong bóng tối. Sau cùng, một hạt giống bồng bềnh trên mặt biển vũ trụ đã tạo nên 
một cái trứng đẹp đẽ, sáng ngời. Brahman (thần sáng tạo) đã nở ra từ cái trứng sau cùng rồi 
sáng tạo vạn vật, muôn loài. 
Trong thần thoại Việt Nam, thời kỳ hỗn mang được đề cập đến ở truyện kể của nhiều 
dân tộc như dân tộc Kinh, Mường, Gia Rai... Truyện Thần trụ trời của dân tộc Kinh quan 
niệm hỗn mang là thời kỳ "chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là 
một đám hỗn độn tối tăm và lạnh lẽo" [5]. Truyện Sáng lập vũ trụ của dân tộc Gia Rai kể 
rằng: "Ban đầu, trước tiên mọi vật, khi trời đất chưa dựng nên, có một cõi gọi là U minh 
(Brah Ting)" [6] tương tự như cõi hỗn mang Thần thoại Đẻ đất đẻ nước của người Mường 
miêu tả trong thời kỳ hỗn mang mọi thứ còn "bời lời", "bạc lạc", rời rạc, xác xơ, mông lung, 
trống rỗng và đáng sợ. Thời kỳ này chưa có đất dưới thấp, chưa có trời trên cao, do vậy chưa 
có các ngôi sao, sông suối, núi non và đường đi lối lại, chưa có thực vật, động vật cũng như 
con người. Không gian chưa mở ra vì trời đất còn liền một khối, thời gian chưa trôi vì ngày 
sáng, đêm tối cũng chưa có, muôn vật đều ở dạng tiềm ẩn, không vận động vì bản thân sự vật 
chưa hoàn chỉnh hoặc chưa có cặp đôi (mặt đối lập) để thúc đẩy sự phát triển:"Vùng đất ngày 
xưa còn bạc lạc/ Vùng đất ngày xưa còn bời lời/ Trời và đất còn dính là một/ Chưa có khúc 
sông Ly chảy lọt lá bài/ Chưa có khúc sông cái chảy lọt lá de/ Nước sông Đằm, Đè ngày xưa 
chưa có/ Bông cơm trái lúa khi xưa ngày ấy chưa nên.../ Chưa có:Chim pel chim pét, chim 
sẻ, chim song/ Muông đẹp muông béo/ Bờ ngán, bờ trường/ Khiêng cơn khiêng gạo..." [7]. 
Quan niệm về thời kỳ hỗn mang trong thần thoại Việt Nam thể hiện trình độ khái quát 
hóa và trừu tượng hóa của con người thời cổ sơ đã phát triển ở một mức nhất định. Quan 
niệm đó là sự tưởng tượng không hoàn toàn hoang đường vì những thành tựu mới nhất của 
khoa học hiện đại chứng tỏ vũ trụ đã có một khởi đầu và được hình thành từ hư không bất 
51 
định. Các nhà khoa học gọi trạng thái khởi nguyên của vũ trụ là một "điểm kỳ dị" chưa có 
không gian, thời gian và không thể nhận thức bởi các quy tắc khoa học. 
Thứ hai, thời kỳ vũ trụ hình thành còn khiếm khuyết 
Từ hỗn mang không có gì tồn tại đã xuất hiện vũ trụ hữu hình. Thời điểm vũ trụ hình 
thành là khi những yếu tố cơ bản cho sự tồn tại của thế giới xuất hiện. Trời đất được tạo ra và 
dần định hình rõ rệt, ánh sáng và hơi ấm thay thế bóng tối và sự lạnh lẽo. Trong vũ trụ, các 
yếu tố đầu tiên cho sự sống như nước (mưa, sông, biển), không khí (gió) hình thành. Sau 
đó, muôn loài, con người được sinh ra, tồn tại trong các mối liên hệ khăng khít đã tạo nên 
sinh khí và sự đa dạng của vũ trụ. Tuy nhiên, vũ trụ ở thời điểm mới hình thành là một vũ trụ 
nhiều khiếm khuyết. 
Sự khiếm khuyết của vũ trụ phổ biến trong không gian và thời gian của chính nó. Khiếm 
khuyết trong giới vô sinh và hữu sinh, khiếm khuyết ở sự vật, hiện tượng nhỏ bé đến to lớn. 
Trạng thái khiếm khuyết trên bầu trời biểu hiện ở sự dư thừa các thiên thể cần cho sự sống 
khi có nhiều mặt trời, nhiều mặt trăng làm cho mặt đất khô nóng, thời tiết khắc nghiệt. Trạng 
thái khiếm khuyết dưới mặt đất là có nơi thừa nước bị lũ lụt, có nơi thiếu nước bị hạn hán... 
Sự khiếm khuyết trong giới hữu sinh biểu hiện ở muôn loài chưa có đủ các bộ phận để đạt 
đến trạng thái tối ưu cho sự sống, chưa có đôi đực cái cho sự sinh sôi nảy nở, chim không có 
chân, bươm bướm không có râu, các loài thú lớn không có sừng ngà, "trẻ không có mắt và 
tay chân, người ta thẳng đuột không có khớp, con người không cử động được tứ chi..." [8]. 
Sự quấy nhiễu của ma quỷ và các lực lượng xấu, ác đe doạ cuộc sống con người cũng là một 
phần của vũ trụ khiếm khuyết. 
Thần thoại Việt Nam thừa nhận rằng từ hỗn mang hình thành nên vũ trụ hữu hình là do 
một vị thần tối cao xuất hiện từ chính trạng thái hỗn mang ấy và thiết lập ra vũ trụ như Thần 
Trụ Trời (Kinh), Ải Lậc Cậc (Thái), Ải Đăng Đeng (Tày), Aê Ađiê (Ê Đê), thần Bung (Gia 
Rai), Tầm Thênh (Chăm). Vũ trụ cũng có thể hình thành nhờ đôi thần nam nữ như một lực 
lượng thân cận với con người như Nữ Oa - Tứ Tượng (Kinh), ông Thu Tha - bà Thu Thiên 
(Mường), ông Chày - bà Chày (H'Mông) Mặt khác, trong một số thần thoại thì các thần 
không phải là nguyên nhân và động lực duy nhất khiến cho vũ trụ hình thành và trở nên có 
trật tự mà các thần chỉ có tác động hỗ trợ cho quá trình thiết lập vũ trụ. Hơn nữa, bản thân 
các thần không tự ý sáng tạo ra vũ trụ chỉ bằng quyền năng của mình mà phải trải qua quá 
trình lao động vất vả và bền bỉ. Vũ trụ ấy không hoàn thiện ngay từ đầu dù được các thần tạo 
dựng nên. 
Trong thần thoại kể về sự sáng thế của một số dân tộc, đặc biệt là thần thoại Đẻ đất đẻ 
nước của người Mường, bên cạnh nguyên nhân trên thì trạng thái vũ trụ hình thành còn bao 
gồm nguyên nhân nội tại trong bản thân thế giới và các sự vật hiện tượng: "Chim cu muốn 
dậy đã có tràng cườm/ Bươm bướm muốn dậy đã có râu/ Mong tường mong ống (thú lớn) 
muốn dậy đã có sừng, có ngà.../ Trâu muốn dậy đã có bò/Chim nhò muốn dậy đã có chim 
chiện/Bói cá muốn dậy đã có chim trả..." [9]. Như vậy, sự thiết lập mối liên hệ tự thân giữa 
52 
cái bộ phận với cái toàn thể trong một sự vật hiện tượng và mối liên hệ giữa các sự vật hiện 
tượng với nhau dần tạo nên tính hoàn chỉnh và ổn định của thế giới. 
Thứ ba, thời kỳ vũ trụ ổn định và hài hòa 
Trạng thái vũ trụ ổn định và hài hòa là trạng thái xuất hiện các yếu tố thúc đẩy sự sống 
muôn loài và con người tồn tại, phát triển; mọi thứ trở nên xác định, trời đất không còn rời 
rạc, mông lun; muôn loài đã có đầy đủ các bộ phận để tồn tại và phát triển như: "Con gà có 
cựa; Dây dưa biết leo; Con người có tiếng..." [10]. Các hiện tượng tự nhiên trở nên chan hoà 
và phù hợp với sự sinh sôi của muôn vật và con người.Trong vũ trụ ổn định, mọi thứ dần trở 
nên hợp lý, có tính quy luật "con người chết cốt, con rắn lột lại", một năm là năm tháng nóng, 
bảy tháng ấm, một tháng có ba mươi ngày. Khi thời gian trở nên hợp lý thì vạn vật vận động 
trong không gian, muôn loài biết hoạt động, có đường đi lối lại trên mặt đất và lên trên Trời, 
chuột biết khoét lỗ cây, chim sáo biết đậu cành, chim công biết múa 
Sau khi các vị thần tối cao tạo ra vũ trụ (có khiếm khuyết), các thần khác ở cấp độ thấp 
hơn sẽ đóng vai trò trợ giúp để làm nên vũ trụ hài hoà, hoàn thiện. Trong một số trường hợp 
vũ trụ trở nên hài hoà nhờ vai trò của những con người có sức khoẻ phi thường hoặc do sự 
vận động tự thân của các sự vật hiện tượng dưới sự hỗ trợ của các thần. 
Điểm khác biệt trong mô hình vũ trụ của thần thoại Việt Nam so với thần thoại một số 
nước khác là thần không tạo ra vũ trụ bằng quyền năng hay sự vĩ đại của mình mà phải trải qua 
quá trình lao động (ông Bàn Cổ trong thần thoại Trung Hoa đứng lên chống trời chứ không 
xây đắp "cột chống trời" như ông Thần Trụ Trời của người Việt. Như vậy, công việc khai thiên 
lập địa của ông Bàn Cổ và ông Thần Trụ Trời vừa có chỗ giống nhau, vừa có chỗ khác nhau). 
Nguyên nhân vận động, phát triển của vũ trụ không chỉ có nguyên nhân bên ngoài mà còn bao 
gồm sự vận động tự thân của các sự vật hiện tượng trong vũ trụ. 
2.2. Quan niệm về các yếu tố hợp thành vũ trụ 
Về cơ bản, vũ trụ mà thần thoại Việt Nam khắc họa gồm ba tầng không gian và tương 
ứng có bốn thế giới. Không gian phía trên có Trời là nơi ở của các vị thần, không gian phía 
dưới có Đất (Âm phủ). Ở giữa là Trần gian (Trần gian bao gồm Nhân gian và Thuỷ phủ). Ba 
tầng vũ trụ và bốn thế giới này có mối liên thông với nhau nên các thần và người trần có thể 
đi đến và trở về giữa các thế giới. 
Vũ trụ bao gồm ba yếu tố cơ bản là Trời, Đất, Người. Trời là một thể bao quanh Đất và 
Người, bao gồm khoảng không, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, có hình tròn, màu sắc thay đổi. 
Đất ở dưới Trời và xuất hiện cùng với Trời. Đất nuôi dưỡng muôn loài và là nơi con người 
sinh sống. Đất có ranh giới hữu hạn, có màu sắc và hình thể bề ngoài phong phú. Đất gồm 
các sự vật hiện tượng cảm tính, bề mặt không bằng phẳng. Đất dày và tối, dưới Đất là một 
thế giới riêng gọi là cõi "Âm". Dưới cõi Âm có ma, quỷ, được cai quản bởi Thần và là nơi 
sống của các linh hồn chờ đến ngày xét xử để được tái sinh hay bị trừng phạt. 
Sau khi các vị thần làm công việc sáng tạo ra vũ trụ thì muôn loài được sinh ra. Trong 
thần thoại Việt Nam, vạn vật muôn loài đều mang linh hồn (vật linh luận). Muôn loài ban 
53 
đầu được tạo ra còn có nhiều khiếm khuyết nên ông Trời phải tu bổ các giống vật để chúng 
hoàn thiện hơn. Quan niệm ông Trời, vị thần tối cao của vũ trụ làm công việc tiếp theo với 
công việc sáng tạo vũ trụ là hoàn chỉnh, tu bổ các giống vật cho thế giới dưới mặt đất, tạo ra 
sự sống thể hiện cái nhìn vận động phát triển về giới hữu sinh. 
Con người tồn tại trên Đất và ở dưới Trời, là kết tinh của khí Đất - Trời. Con người là 
sản phẩm cao nhất của vũ trụ và đứng trên muôn loài vì có hiểu biết, có tình cảm, biết chế 
ngự, sai khiến các loài khác, biết tạo ra các vật dụng cần thiết cho cuộc sống. Con người 
được nhào nặn từ khí chất tinh tuý của Đất bởi đấng siêu nhiên, hay nở ra từ cái trứng rồi tồn 
tại nhờ vào Trời và Đất. Con người có kiếp trước kiếp sau, có số mệnh. Con người là thể 
thống nhất của thân xác và linh hồn. Thân xác là phần vật chất trong con người, hữu hạn 
trong không gian, thời gian và nằm trong vòng sinh - lão - bệnh - tử, còn linh hồn sống qua 
nhiều kiếp trong nhiều thế giới. 
Các vị Thần có quyền uy rất lớn nên con người phải cố gắng tìm hiểu tính cách của các 
vị để khỏi làm trái ý các Thần. Tuy vậy, không phải các Thần muốn làm gì thì loài người đều 
khuất phục. Trong một số trường hợp, con người sẵn sàng chống lại khi các vị Thần sai trái 
quá nhiều. Hình ảnh người mò tôm bắt ốc Cường Bạo lập mưu làm ngã thần Sét, chiến thắng 
sự trừng phạt của thần Nước, tước đoạt lưỡi búa của thần Sét doạ nên đến Thiên Đình hay 
thần Đất bị đánh bởi một người trần gian trong thần thoại dân tộc Kinh đã thể hiện vai trò tác 
động trở lại của con người với các thần tự nhiên trong thế giới. 
Tự nhiên như là "thân thể vô cơ" của con người, không chỉ là nơi con người tồn tại mà 
còn luôn gợi nên khao khát giải thích của người xưa. Họ đã thần thánh hoá các hiện tượng tự 
nhiên và gán cho thiên nhiên bí ẩn sức mạnh của những vị thần tối linh rồi họ thờ phụng và 
ngưỡng mộ. Con người mong ước nương nhờ tự nhiên, mong đất - nước che chở, hoà thuận 
với mình nhưng những bất trắc và tai ương thì vẫn luôn ập đến với họ. Con người không chỉ 
biết cầu khấn mà còn khát khao chinh phục các hiện tượng tự nhiên để sống hài hoà với tự 
nhiên. 
Vai trò cải biến tự nhiên của con người thể hiện trong các thần thoại kể về việc những 
người anh hùng của cộng đồng chống lại sự hà khắc của thiên nhiên bị điều khiển bởi các vị 
thần. Chàng Hậu Nghệ giương cung bắn rụng chín mặt trời và chỉ để một mặt trời ở lại; 
chàng Quải ném cát bụi vào mặt nữ thần mặt trời và nữ thần mặt trăng làm cho khí hậu bớt 
nóng bức, mặt đất không còn khô nứt; Giàng Do chống lại thần Dư Nhung đi săn mặt trời, 
mặt trăng; chàng Lương Vung bắn rụng mặt trời... chàng Cóc lên tận trời kiện thần mưa; Sơn 
Tinh nâng núi ngăn nước lũ, Tất cả những anh hùng thần thánh đó cùng góp phần phản 
ánh sinh động mơ ước lớn lao của con người trong công cuộc thử sức với tự nhiên, chinh 
phục tự nhiên. Họ chính là đại diện cho những mơ ước vĩ đại của con người trong cuộc chiến 
đấu không cân sức giữa họ với tự nhiên. 
Như vậy, quan niệm về vũ trụ trong thần thoại Việt Nam được hình thành từ chính nhận 
thức và thực tiễn chinh phục tự nhiên của của người Việt Nam, đồng thời được sáng tạo, bổ 
54 
sung tương ứng với nhu cầu tồn tại, phát triển của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ 
nước, bao gồm việc sáng tạo lại, Việt hoá (trong quá trình phát triển) những yếu tố về vũ trụ 
quan (thần thoại, triết học) được tiếp nhận từ bên ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ. 
3. Kết luận 
Nhìn chung, quan niệm về vũ trụ trong thần thoại Việt Nam chứa đựng những tư tưởng 
riêng biệt và thể hiện tư duy độc đáo khi coi con người và thế giới là một hợp thể, vạn vật 
trong vũ trụ đều mang linh hồn, muôn loài hoà hợp, tương tác với nhau chan hoà và bình 
đẳng. Người Việt Nam xưa nhìn nhận thế giới trong mối quan hệ giữa cái tổng thể với cái bộ 
phận, tính hợp thành và tương tác giữa hai mặt đối lập: trên/dưới; đực/cái; âm/dương và sự 
vận động, hoà hợp giữa chúng để tạo ra muôn loài. 
Mô hình vũ trụ trong thần thoại Việt Nam gợi nên những khía cạnh không gian và thời 
gian mà khi tước bỏ đi yếu tố duy tâm thần linh thì thấy quan niệm này có điểm rất gần với 
khoa học. Một số nhà nghiên cứu trên thế giới đã từng khẳng định rằng có những sáng tạo 
dân gian (thần thoại) đã đi trước các nhà khoa học khi đặt vấn đề nguồn gốc của vũ trụ 
và "rất có thể nhiều giả thuyết của các nhà khoa học về vũ trụ được sinh ra bởi sự thúc đẩy 
của tâm thức dân gian nhiều hơn bởi các suy luận khoa học" [11]. 
Thần thoại Việt Nam phản ánh những nét độc đáo trong tư duy người Việt Nam về vũ 
trụ trước khi chịu ảnh hưởng của các trào lưu văn hoá ngoại lai. Tiếc rằng, những tư tưởng 
về vũ trụ của người Việt Nam đã được khơi nguồn trong thần thoại sau này không có điều 
kiện phát triển trong thời kỳ văn hoá nước ta phải chịu đựng sự "tiếp biến cưỡng bức". Dù 
sao, những yếu tố sơ khai của một vũ trụ quan như vậy vẫn tồn tại trong triết lý dân gian và 
tạo nên nét độc đáo so với các tư tưởng Trung Hoa và Ấn Độ về vũ trụ. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1]. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb. Đà 
Nẵng, tr.453 
[2]. Micéa Eliade (2005), Cái thiêng và cái phàm, Đỗ Lại Thuý giới thiệu, Huyền Giang dịch 
từ tiếng Pháp, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1, tr.192 
[3]. Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) (2005), Kinh thánh Cựu Ước và Tân 
Ước, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.2 
[4]. Nguyễn Văn Khoả (2004), Thần thoại Hy Lạp (tái bản), Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.35 
[5]. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia - Viện Văn học (1999), Tuyển tập 
văn học dân gian Việt Nam (tập 1), Thần thoại truyền thuyết, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.22 
[6]. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia - Viện Văn học (1999), Tuyển tập 
văn học dân gian Việt Nam (tập 1), Thần thoại truyền thuyết, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.131. 
[7]. Trương Sỹ Hùng, Bùi Thiện (1995), Vốn cổ văn hoá Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin, 
Hà Nội, tr.732 
[8]. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia - Viện Văn học (1999), Tuyển tập 
văn học dân gian Việt Nam (tập 1), Thần thoại truyền thuyết, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.132 
[9]. Phan Đăng Nhật (2008), Qua sử thi sáng thế tìm hiểu quan niệm nguyên sơ về thế giới 
và con người của người Việt - Mường và người Mường, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 5, tr. 
9-10 
55 
8. Phan Đăng Nhật (2008), Qua sử thi sáng thế tìm hiểu quan niệm nguyên sơ về thế giới và 
con người của người Việt - Mường và người Mường, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 5, tr. 12 
[11]. Lê Đắc Tất (2004), Vũ trụ không chỉ hiện lên trong kính chiếu yêu Big Bang, Báo An 
ninh cuối tháng, số 35, tr. 9 
THE CONCEPTION OF THE UNIVERSE 
IN THE MYTHOLOGY OF VIETNAM 
Pham Van Hung 
Faculty of political education, Hai Phong University 
Abtract: Since the early days, humans have always desired to discover the origin of the universe; 
therefore, humans' original conceptions of the universe were shown in the mythlogical stories. The conception 
of the universe in these stories had appeared very soon in the self-awareness history of human beings before 
the conceptions of the universe within religion and science were born. Through myths, ancient Vietnamese 
conceptualized the universe with particular features reflecting perception of indigenous people. Although the 
conception of the universe in Vietnamese mythology demonstrated an innocent and infantile view of the world, 
it attempted to imply distinguished aspects relating to philosophy. 
Key word: Universe, mythology. 

File đính kèm:

  • pdfquan_niem_ve_vu_tru_trong_than_thoai_viet_nam.pdf