Nguyên lý và chính sách phát triển thư viện số

Bài viết phân tích vai trò, lợi ích của thư viện số (TVS) đối với xã hội trong kỷ nguyên thông tin số, đặc biệt đối với hoạt động đào tạo từ xa. Tác giả cũng phân tích về chức năng, dịch vụ và nguyên tắc cơ bản của TVS, đồng thời đề xuất một số nội dung trong chính sách phát triển TVS.

pdf 8 trang thom 05/01/2024 5100
Bạn đang xem tài liệu "Nguyên lý và chính sách phát triển thư viện số", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Nguyên lý và chính sách phát triển thư viện số

Nguyên lý và chính sách phát triển thư viện số
NGUYÊN LÝ VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THƯ VIỆN SỐ 
TS. Nguyễn Huy Chương
*
Tóm tắt: Bài viết phân tích vai trò, lợi ích của thư viện số (TVS) đối với xã hội trong 
kỷ nguyên thông tin số, đặc biệt đối với hoạt động đào tạo từ xa. Tác giả cũng phân 
tích về chức năng, dịch vụ và nguyên tắc cơ bản của TVS, đồng thời đề xuất một số 
nội dung trong chính sách phát triển TVS. 
Từ khóa: thư viện số,vai trò thư viện số,chức năng thư viện số, dịch vụ thư viện số, 
nguyên tắc thư viện số, chính sách phát triển thư viện số 
1. VAI TRÒ CỦA THƯ VIỆN SỐ 
Thư viện số (TVS), với chức năng rất quan trọng là cung cấp hệ thống tri thức 
khoa học đầy đủ và luôn cập nhật những thông tin mới, là bộ phận không thể thiếu 
của hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong môi trường đại học, nơi mà 
khả năng tự học và tự nghiên cứu khoa học của sinh viên được đề cao, vai trò của 
thư viện số càng được khẳng định. Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, vai trò 
của TVS rất lớn. Khi triển khai bất cứ công trình nghiên cứu nào, nhà khoa học đều 
phải hiểu rõ lịch sử nghiên cứu vấn đề, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, phương 
pháp và phương tiện nghiên cứu... hệ thống tài liệu tham khảo phong phú mà TVS 
cung cấp, sẽ phần nào giúp chúng ta giải quyết được những câu hỏi đó. 
Thư viện số lưu trữ, “sản xuất” và phổ biến các tài nguyên điện tử 
Thư viện số chọn lọc và lưu trữ các tài nguyên điện tử. Tất cả các loại tài liệu 
của thư viện truyền thống như sách, bài báo, phim, ảnh chụp, bản nhạc, bản đồ và 
các loại tài liệu lưu trữ khác đều có thể được số hóa và lưu trữ trong kho chứa của 
TVS. Tài liệu điện tử có thể bao gồm nguồn lưu trữ toàn văn các bài báo, tạp chí do 
các cơ sở dữ liệu hoặc các báo điện tử cung cấp. Hoặc cán bộ thư viện chuyển dạng 
các ấn phẩm hoặc các loại tài liệu khác của thư viện sang dạng số hóa. Sau khi được 
chọn lọc, xử lý, lưu trữ và bảo quản, bộ sưu tập tài liệu số hóa sẽ được chuyển giao 
và phổ biến đến bạn đọc thông qua các trang web của thư viện. 
Định dạng số hóa, metadata lưu trữ trong thư viện kỹ thuật số có thể được “tái 
sử dụng” để “sản xuất” ra những “sản phẩm dạy và học điện tử” (e-learning 
productions), ví dụ như những “gói tài liệu giáo khoa” (course-packages), tài liệu 
giảng dạy dựa trên ứng dụng web, ... 
Thư viện số và đào tạo từ xa 
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, việc tiến hành đào tạo từ xa 
*
 Khoa Thông tin-Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia 
Hà nội 
(ĐTTX) đã và đang trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn nhờ sự trợ giúp của thông tin 
viễn thông và các chương trình học trên mạng. Khuynh hướng cung cấp các chương 
trình đào tạo thông qua mạng diện rộng toàn cầu (World Wide Web) của các trường 
cao đẳng, đại học và cao học, của các trung tâm và viện nghiên cứu đang trở nên 
phổ biến hơn tại Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. 
Dạy và học dựa trên mạng diện rộng toàn cầu và máy tính, các lớp học ảo và sự 
hỗ trợ kỹ thuật số là những hình thức giảng dạy đã ra đời để đáp ứng đòi hỏi về một 
loại hình đào tạo không lệ thuộc vào không gian và thời gian. 
Mục tiêu của ĐTTX là đưa giáo dục đến với mọi người, thay vì mỗi người tự 
tìm đến giáo dục. Trong môi trường ĐTTX, không có những giới hạn của không 
gian và thời gian; học viên và giảng viên có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên, cũng 
như tương tác và tác động đến các nguồn tài nguyên “mọi lúc, mọi nơi”. Faulhabel 
[8] khẳng định rằng “ĐTTX không thể thực hiện được nếu không có thư viện số”. 
Học viên không cần phải đến thư viện để truy cập và tìm kiếm tài liệu, mà chính thư 
viện số đem tài liệu đến người dùng ở bất cứ nơi đâu và trong mọi thời điểm. 
Dịch vụ tham khảo kỹ thuật số trong môi trường ĐTTX là sự kết hợp của việc 
hướng dẫn sử dụng nguồn tài nguyên thư viện số và việc cung cấp câu trả lời. 
Đối với xã hội nói chung và đối với những người làm công tác thư viện nói 
riêng, TVS mang lại nhiều lợi ích to lớn: 
- Mang thông tin đến với người dùng tin mà không phụ thuộc vào khoảng 
cách và thời gian. 
- Tăng cường khả năng tìm kiếm thông tin 
- Tăng cường khả năng chia sẻ thông tin: TVS thúc đẩy quá trình chia sẻ, công 
bố thông tin của các tổ chức với nhau; chia sẻ thông tin giữa các cá nhân, tổ chức 
với cộng đồng ... 
- Thư viện số tăng cường sự cộng tác giữa các bộ phận nghiệp vụ trong cùng 
một cơ quan thông tin - thư viện; tăng cường sự cộng tác giữa thủ thư với người 
dùng tin (trong TVS người dùng tin đồng thời đóng vai trò là người sáng tạo, tạo lập 
thông tin); tăng cường sự cộng tác giữa các cơ quan thông tin - thư viện thông qua 
các hoạt động liên kết và chia sẻ nguồn tin  
- Thư viện số giảm khoảng cách số: Sự phát triển của công nghệ thông tin và 
truyền thông phát triển, đặc biệt Internet và TVS, đang làm phẳng thế giới và làm 
giảm khoảng cách giữa mọi người trên thế giới, mọi người đều có cơ hội tiếp cận 
thông tin khắp nơi trên thế giới một cách bình đẳng, không phụ thuộc vào vị trí địa 
lý, thời gian. 
2. CÁC CHỨC NĂNG, DỊCH VỤ VÀ NGUYÊN TẮC CỦA THƯ VIỆN SỐ 
2.1. Các chức năng cơ bản 
- Giúp cho người dùng có thể với tới được các dạng nguồn tri thức, thông tin 
- Tạo cơ chế phát hiện nguồn, cho phép người dùng nhận dạng, xác định được 
các nguồn tin cần tìm và vị trí lưu giữ các nguồn tin ấy 
- Cung cấp cơ chế chuyển giao các nguồn tin riêng biệt tới người dùng, kể cả 
quá trình nhận các nguồn tin ở nơi khác và chuyển cho người dùng. (Thư viện như 
là người môi giới thông tin) 
2.2. Các dịch vụ cơ bản 
- Dịch vụ tàng trữ, nơi các đối tượng số được ký gửi và lưu giữ 
- Dịch vụ định danh (đặt tên) đảm bảo cho mỗi đối tượng số có một tên duy 
nhất và có ít nhất một vị trí lưu trữ 
- Dịch vụ chỉ mục: mô tả tập hợp các đối tượng số, chuyển đổi các câu hỏi 
thành tập hợp kết quả tìm có chứa các tên nguồn duy nhất. 
- Dịch vụ thu thập: lựa chọn theo các tiêu chí xác định, dựa vào các mục lục 
chuyên môn hoá hoặc các phương tiện trợ giúp phát hiện nguồn khác 
2.3. Các nguyên tắc cơ bản 
Trong khi xây dựng TVS, điều quan trọng là phải xem xét các nguyên tắc quan 
trọng đảm bảo sử dụng dễ dàng thư viện đó và giá trị lưu trữ lâu dài: 
- Cần có những dạng tư liệu tiêu biểu.Các thành phần tư liệu phải được trình 
bày dưới hình thức tự nhiên, cụ thể là những đối tượng có thể được vận hành bởi 
người dùng quen thuộc với chúng. 
- Kết hợp cả ba lĩnh vực: Xã hội (kỹ năng và kiến thức thông tin của người sử 
dụng, ảnh hưởng xã hội đối với dây chuyền chuyển giao thông tin, luật pháp và 
chính sách), thông tin (tổ chức, phát hiện nguồn, vai trò của siêu dữ liệu,...), và hệ 
thống (tương tác người - máy, phần mềm và cấu trúc, qui mô và tương tác) 
- Các đường liên kết phải được ghi lại, giữ gìn, tổ chức và tổng quát hoá. 
- Cần có sự phân tách giữa thư viện số và giao diện người dùng cho thư viện 
đó. Đối tượng của thư viện số được sử dụng khác với đối tượng được lưu trữ. Người 
dùng tin cần nội dung trí tuệ của tư liệu chứ không phải là đối tượng số. 
- Sử dụng những phương pháp tìm kiếm tiên tiến. 
- Phát triển các hệ thống mở, bao gồm người dùng và địa điểm nơi mà một số chức 
năng của cán bộ thư viện sẽ do máy tính thực hiện. 
- Hỗ trợ việc truy nhập theo nhiệm vụ tới các nguồn lưu trữ điện tử 
- Có quan điểm phát triển lấy người dùng làm trung tâm. Người dùng phải làm 
việc với những đối tượng ở mức tổng quát hoá thích hợp. 
3. XÁC ĐỊNH CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THƯ VIỆN SỐ 
Phát triển từ thư viện truyền thống thành TVS đang là xu hướng tất yếu ở tất cả 
các nước. Để xây dựng được một TVS theo đúng nghĩa, cần có một số quan điểm 
thống nhất có cách tiếp cận đúng và lựa chọn những bước đi thích hợp. 
Để xây dựng TVS, chúng ta cần quan tâm nhiều vấn đề mà nổi bật là 4 khía cạnh 
chủ yếu: 
- Cấu trúc của TVS; 
- Hạ tầng cơ sở kỹ thuật; 
- Kho tư liệu số hóa; 
- Các vấn đề khai thác và bản quyền. 
3.1. Cấu trúc của thư viện số 
Các TVS đều được bố trí trên “Giao diện web”, trên đó, ngoài những vùng chung 
như: Giới thiệu về cơ quan, về hệ thống, về thư viện; hướng dẫn sử dụng và các công 
cụ trợ giúp thì phần chủ yếu là nội dung, tức “Tài nguyên thông tin” 
- Phần thứ nhất của “Tài nguyên thông tin” thông thường là danh mục chủ đề. 
Phần này được cấu trúc theo trình tự từ chung đến riêng, từ tổng quát đến chi 
tiết, từ ngoài vào trong theo thứ bậc. Cách tổ chức như vậy nhằm tạo thuận 
tiện cho người dùng trong khai thác thông tin. Thông thường trong TVS các 
xuất bản phẩm điện tử (tạp chí, bản tin, kỷ yếu ...) được bố trí sắp xếp theo 
kiểu này và để tìm kiếm tài liệu theo chủ đề ta có thể vào mục tương ứng tuần 
tự từ ngoài vào trong. Nếu muốn tìm/truy cập nhanh tới tài liệu cần phải có sự 
hỗ trợ của công cụ tìm kiếm thông qua các lệnh tìm cụ thể ... 
- Phần thứ hai là các tổ hợp CSDL, biểu hiện danh mục các CSDL, thường 
được sắp xếp theo chủ đề hoặc theo vần chữ cái. Người dùng có thể tiếp cận 
tới các CSDL này để khai thác thông tin theo các cấp độ khác nhau: từ thư 
mục tới toàn văn; khai thác riêng rẽ từng CSDL hay khai thác theo nhóm 
CSDL ... Mức độ khai thác đến đâu tùy thuộc vào khả năng của hệ thống và 
đặc biệt là sự cho phép của cơ quan chủ quản, các lệ phí tương ứng. 
- Phần thứ ba là phần liên kết tới các nguồn tài nguyên thông tin bên ngoài. 
Đây là thế mạnh của TVS. Tuy nhiên, mức độ và khả năng liên kết đến đâu 
phục thuộc vào sự hợp tác với các cơ quan khác và việc khai thác các tầng 
thông tin số hóa đó cũng có những khác biệt: có vùng thông tin khai thác tự 
do, miễn phí; nhưng cũng có những vùng phải có mật khẩu, phải trả tiền ... 
Như vậy, TVS không chỉ có một hệ thống mà có thể gồm nhiều hệ thống khác 
nhau. Tuy nhiên, các tài nguyên thông tin, các CSDL đó liên kết được với nhau trong 
một chế độ phục vụ thống nhất. Tức là khi được yêu cầu, chúng xuất hiện đối với 
người dùng như thể chúng cùng trong một hệ thống. 
3. 2. Hạ tầng cơ sở kỹ thuật 
Một TVS phải có hạ tầng cơ sở đủ mạnh đó là: 
- Mạng Intranet có tốc độ kết nối nhanh với Internet 
- Hệ thống máy chủ lớn thực hiện việc quản trị các dịch vụ khác nhau: 
Máy chủ web, máy chủ FTP, Mail, các máy chủ lưu trữ dữ liệu, máy 
chủ Firewall, máy chủ cho các ứng dụng khác ... 
- Hệ thống máy trạm để cập nhật, khai thác thông tin 
- Các thiết bị công nghệ chuyên dụng cho TVS: mã vạch, thẻ từ, RFID, 
máy quét, máy sao dữ liệu ... 
- Phần mềm phục vụ cho việc xây dựng và phát triển TVS: Phần mềm 
TVS, phần mềm hệ thống, hệ điều hành, hệ quản trị CSDL, phần 
mềm xuất bản điện tử, xuất bản CD-ROM ... 
3.3. Kho tư liệu số hóa 
Một phần quan trọng trong TVS chính là kho tư liệu số hóa của bản thân cơ 
quan thông tin/ thư viện chủ quản. Có 3 cách để tạo lập kho này, đó là: 
- Tự tiến hành số hóa nguồn tư liệu trên giấy của thư viện. Tức là chuyển 
tài liệu hiện có sang dạng số bằng phương pháp quét hay nhập lại thông 
tin từ bàn phím ... Đây là hướng phải đầu tư lớn, đầu tư liên tục và tốn 
kém thời gian, tiền của, công sức 
- Bổ sung/ tích hợp nguồn tin điện tử thông qua việc mua, trao đổi tài liệu 
điện tử đang được xuất bản (bản tin, tạp chí điện tử, các chế bản điện tử 
trước khi in ra trên giấy). Chúng ta đều biết: hầu hết các ấn phẩm hiện 
nay đều vừa xuất bản trên giấy vừa tồn tại dưới dạng điện tử và nếu tận 
dụng được nguồn này, ta sẽ tiết kiệm được nhiều công sức, thời gian 
- Xây dựng các liên kết (tạo khả năng truy cập) đến các nguồn tài liệu trên 
Internet, nhất là nguồn của các cơ quan có cùng diện chuyên đề bao quát 
Tạo lập và phát triển kho tư liệu số của riêng mỗi cơ quan thông tin - thư viện là 
vấn đề lớn nhất trong xây dựng TVS. Công việc này đòi hỏi phải đầu tư lớn và liên 
tục. Để làm tốt công việc này, các cơ quan xây dựng TVS cần có cách tiếp cận hợp lý, 
khả thi và kinh tế. Cụ thể là: 
- Nhất thiết phải lập kế hoạch sát sao và ưu tiên đầu tư cho việc thu thập, 
xử lý và số hóa nguồn tin cơ bản, nguồn tin tiềm năng của riêng mình. 
Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thậm chí phải triển khai mạnh trước khi 
bắt tay vào xây dựng TVS. 
- Nếu không có sự đi trước này, khi xây dựng xong hạ tầng mạng và có 
các phần mềm hệ thống, phần mềm thư viện số đầy đủ nhưng đến lúc đó 
thư viện vẫn không có hoặc có rất ít tài liệu số hóa của mình, chắc chắn 
TVS đó không thể phát huy được hiệu quả; và như vậy không tương 
xứng với kinh phí đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng TVS. 
- Trong việc lựa chọn tài liệu để số hóa, ta phải ưu tiên các tài liệu đặc thù 
của thư viện, các tài liệu duy nhất và có giá trị lâu dài để trao đổi, ví dụ: 
các tài liệu quý hiếm, các sưu tập có giá trị ...; ưu tiên số hóa trước hết đối 
với tài liệu chưa ở đâu số hóa, tài liệu ngôn ngữ hiếm, ... Song song với 
việc số hóa là việc xây dựng các siêu dữ liệu đối với từng tài liệu và cập 
nhật tài liệu đã được số hóa này vào CSDL tương ứng để phục vụ kịp thời 
cũng như làm cơ sở cho việc xây dựng TVS sau này. 
- Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến chất lượng của việc số hóa tài liệu 
cũng như cần sao lưu đầy đủ, kịp thời các tài liệu số hóa để tránh rủi ro 
cũng như tránh phải làm đi làm lại gây lãng phí. Điều này phụ thuộc 
nhiều vào công tác tổ chức, phụ thuộc vào cán bộ thực hiện cũng như 
thiết bị và quy trình số hóa. 
- Phải phối hợp, tận dụng sản phẩm số hóa của các cơ quan thông tin-thư 
viện khác, nhất là của những cơ quan có cùng diện chuyên đề bao quát. 
Trên cơ sở đó mới có thể tăng nhanh “nguồn tin” của mình, tiết kiệm 
được thời gian, công sức và tiền của. 
Các thư viện cần có chiến lược đầu tư và triển khai kế hoạch tổng thể trong việc 
số hóa đối với các nguồn tin quan trọng, có ý nghĩa lâu dài. Các thư viện cần xác lập 
chính sách ưu tiên số hóa theo các khía cạnh sau: 
1. Về dạng tài liệu 
- Các đề tài nghiên cứu khoa học 
- Luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ 
- Tài liệu hội nghị, hội thảo khoa học 
- Giáo trình, bài giảng 
- Sách, tài liệu tham khảo quý hiếm, ... 
2. Về ngôn ngữ 
- Tài liệu Hán nôm 
- Tài liệu tiếng Việt, hạn chế số hóa tài liệu tiếng Anh 
3. Về lĩnh vực 
- Ưu tiên số hóa tài liệu phục vụ các ngành, chuyên ngành đào tạo đẳng 
cấp quốc tế, đào tạo chất lượng cao; tài liệu KHCN những ngành trọng 
điểm, mũi nhọn. 
 Thư viện cần xác lập và hình thành một tổ chức số hóa tài liệu 
- Trong mạng lưới các cơ quan thông tin, thư viện cần có sự phân công, 
phối hợp giữa các cơ quan trong việc số hóa tài liệu, cơ quan nào có kho 
tư liệu chuyên môn hóa với số lượng tài liệu nhiều nhất về lĩnh vực nào 
thì sẽ đảm nhận số hóa nguồn tư liệu về lĩnh vực đó, các cơ quan khác 
hỗ trợ trong việc số hóa 
- Bản thân trong các thư viện nên tổ chức một bộ phận chuyên trách cho 
việc thu thập, số hóa, xử lý các nguồn tin điện tử 
 Cơ quan thông tin thư viện tiến hành số hóa cần nghiên cứu, lựa chọn và xác 
lập những chuẩn cũng như các quy định thống nhất đối với việc số hóa tài liệu. 
Những chuẩn này được xác định trên cơ sở nghiên cứu, áp dụng chuẩn của 
nước ngoài vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Mỗi cơ quan tham gia mạng 
lưới số hóa đều phải tuân thủ nghiêm ngặt những chuẩn này sao cho các tài liệu 
số hóa luôn đảm bảo về mặt chất lượng cũng như về tiến độ thời gian; đồng thời 
chúng được tổ chức trong các CSDL có cấu trúc tương hợp hoặc dễ dàng trong 
chuyển đổi. 
 Công tác số hóa có thể tổ chức ở quy mô công nghiệp 
- Hoạt động số hóa ở quy mô lớn được gọi là “Công nghiệp nội dung” 
(CNND). Người ta coi CNND bao gồm: thu thập thông tin; phân tích nội 
dung để phân loại, lưu trữ; bao gói thông tin thành các CSDL (trên CD, 
DVD, thiết bị lưu trữ ...), nhân sao và cung cấp/bán các CSDL đó. 
- Nguyên vật liệu đầu vào của ngành CNND là thông tin và đầu ra cũng là 
thông tin. Nhưng thông tin đầu ra là CSDL, là thông tin có cấu trúc, có nội 
dung cụ thể và được bán/cung cấp cho những đối tượng cụ thể nhằm phục 
vụ cho một/một số hoạt động nhất định 
- Để xây dựng được một nền CNND cần phải: 
+ Có một hành lang pháp lý đủ mạnh 
+ Có sự phối hợp chặt chẽ về mặt tổ chức, liên kết, phân công phân 
mảng giữa các cơ quan có hoạt động số hóa tài liệu 
+ Có lực lượng cán bộ chuyên trách thu thập, số hóa, bao gói thông tin 
+ Trang bị các thiết bị hiện đại, ví dụ các máy quét chuyên dụng 
(nhanh, chất lượng cao, quét được các khổ lớn, màu sắc đẹp ...), các 
máy chủ lưu trữ và sao lưu chuyên dụng với dung lượng lớn; các 
thiết bị sao chuyên dụng 
3.4. Các vấn đề khai thác và bản quyền 
Trong một thư viện truyền thống, quyền sở hữu tài liệu là quan trọng; nhưng 
trong lĩnh vực lưu hành tài nguyên điện tử, quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền tác 
giả hay bản quyền còn quan trọng hơn. Sưu tầm thông tin và làm cho thông tin đó trở 
nên phổ biến hơn đối những người khác là một điều liên quan đến vấn đề xã hội, và 
những người xây dựng TVS phải am hiểu quyền sở hữu trí tuệ để hành động một 
cách có trách nhiệm và đúng luật xung quanh những ứng dụng cụ thể. 
Thư viện số có thể làm cho việc truy cập trở nên rộng rãi hơn thư viện truyền 
thống. Và chính điều này đã nảy sinh ra nhiều vấn đề: truy cập thông tin trong TVS, 
nói chung ít bị kiểm soát hơn truy cập sưu tập in ấn trong thư viện thường. Đưa thông 
tin vào TVS là có khả năng làm cho thông tin đó trở nên phổ biến ngay đối với một 
số lượng độc giả hầu như vô hạn. 
Sở hữu một cuốn sách chắc chắn không phải là xác lập được quyền sở hữu đối 
với tài liệu đó theo nghĩa của bản quyền. Mặc dù có nhiều bản của một tài liệu nhưng 
chỉ có một bản quyền. Điều này không chỉ áp dụng cho bản in mà cả cho bản điện tử, 
dù được số hoá từ bản in hay được tạo nên dưới dạng điện tử từ đầu. 
Luật bản quyền khá phức tạp. Tình trạng luật pháp đối với tập tin máy tính và tài 
liệu cụ thể được xuất bản trên World Wide Web lại chưa thật rõ ràng. Trong khi đó, 
muốn xây dựng thư viện số thì phải cần số hoá tài liệu. Vậy phải làm như thế nào để 
tránh vi phạm bản quyền? 
Trước hết cần phải xem xét: 
- Nếu tác phẩm được số hoá ở trong miền (domain) công cộng thì 
không phải xin phép. Dĩ nhiên kết quả số hoá này cũng không được 
bảo vệ bản quyền, trừ phi kết quả cuối cùng nhiều hơn bản gốc; 
- Nếu tài liệu được tặng cho thư viện để số hoá và người tặng có bản 
quyền, thì có thể tiến hành số hoá, tuy nhiên cần phải yêu cầu người 
tặng cung cấp cho mình quyền được số hoá - có thể bằng một mẫu 
giấy có ghi "quyền sử dụng tác phẩm với bất kỳ mục đích chung của 
cơ sở, dưới bất kỳ phương tiện nào". 
- Nếu muốn số hoá tài liệu mà không rơi vào hai trường hợp trên thì phải 
cân nhắc việc số hoá của chúng ta có phải là một việc làm có lợi ích 
chung mà không xâm phạm quyền lợi của người khác hay không. Đây là 
một điều khó về mặt pháp lý. Cuối cùng nếu chúng ta không chắc chắn 
với điều cân nhắc trên thì ta phải tiến hành xin phép để được cấp phép 
thực hiện số hoá. 
Tóm lại để tiến hành xây dựng thư viện số, ta phải lưu ý đến vấn đề bản quyền. 
Những người thực hiện phải cam kết hiểu biết đầy đủ về bản quyền và nhận thức sâu 
sắc rằng giấy phép là rất cần thiết để chuyển đổi tài liệu số hóa không thuộc miền 
công cộng. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Barnes, S. J . Becoming a digital library. New York, Marcel Dekker, 2004. 
2. Kresh, D. (2007). The whole digital library handbook. Chicago, American 
Library Association. 
3. Marcum, D. B., George, G. Digital library development : the view from 
Kanazawa. Englewood, Colo., Libraries Unlimited ; Oxford : Harcourt 
Education [distributor], 2006 
4. Michael Lesk. Understanding Digital Libraries, Second Edition (The Morgan 
Kaufmann Series in Multimedia Information and Systems), Elsevier, 2005 
5. Nguyễn Huy Chương. Nguyên lý và nội dung cơ bản của thư viện điện tử. H., 
ĐHQGHN, 2013 
6. Nguyen Huy Chuong. The Digitization Activities of Academic Libraries in 
Vietnam. PNC Annual Conference and Joint Meetings, 2008 
7. Nguyễn Huy Chương. Xây dựng thư viện điện tử và phát triển nguồn tài 
nguyên số trong hệ thống thư viện đại học Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Khoa 
học Phát triển và chia sẻ nguồn tài nguyên số trong các thư viện đại học và 
nghiên cứu, 2009 
8. Stuart K. [et al]. Readings in Information Visualization: Using Vision to 
Think. Sanfrancisco, Morgan Kaufmann Publisher, 1999. 

File đính kèm:

  • pdfnguyen_ly_va_chinh_sach_phat_trien_thu_vien_so.pdf