Chuyển loại – một phương thức cấu tạo từ trong tiếng Việt

Hiện tượng chuyển từ từ loại này sang từ loại khác là một hiện tượng tồn tại

điển hình, phổ biến trong các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt. Chúng được xem là

một trong những phương thức cấu tạo từ thường gặp. Trong lịch sử nghiên cứu tiếng

Việt, khi phân loại từ theo từ loại, các nhà nghiên cứu cho rằng loại của từ không phải

là bất di bất dịch, giữa các loại của từ có một bộ phận chuyển hóa lẫn nhau. Vậy bản

chất của chuyển loại là gì? Bên cạnh đó, khi nghiên cứu hiện tượng chuyển loại trong

tiếng Việt, chúng ta cần phân biệt hai dạng chuyển loại, đó là chuyển loại bên trong

và chuyển loại bên ngoài. Hai dạng này được tạo ra theo hai phương thức khác nhau.

Hơn nữa, các từ được tạo ra giữa hai loại đó có đặc điểm khác nhau.

Chuyển loại bên ngoài là hiện tượng trong tiếng Việt, các động từ, tính từ có thể

chuyển hóa thành danh từ do sự tác động của yếu tố bên ngoài (yếu tố chuyên dùng,

yếu tố công cụ ngữ pháp). Ví dụ: Cái đẹp (đẹp là danh từ), nỗi buồn (buồn là danh từ)

Đây là hiện tượng mà “mỗi động từ, tính từ trong tiếng Việt có khả năng danh

hóa do kết quả của cách thức tri nhận, bởi một danh từ tương ứng bằng cách kết hợp

với một chỉ tố ngữ pháp nào đó” [5, tr.58]. Hiện tượng chuyển loại bên ngoài diễn ra

gắn với hoạt động giao tiếp, gắn với ngữ cảnh, có tính chất không cố định. Trong

phần trình bày tiếp theo, chúng tôi sẽ không bàn nhiều về hiện tượng chuyển loại bên

ngoài này.

pdf 9 trang kimcuc 7840
Bạn đang xem tài liệu "Chuyển loại – một phương thức cấu tạo từ trong tiếng Việt", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Chuyển loại – một phương thức cấu tạo từ trong tiếng Việt

Chuyển loại – một phương thức cấu tạo từ trong tiếng Việt
CHUYỂN LOẠI – MỘT PHƯƠNG THỨC CẤU TẠO 
TỪ TRONG TIẾNG VIỆT 
Trần Hoàng Anh1 
Tóm tắt: Sử dụng các phương pháp so sánh, phân tích và tổng hợp, bài viết tập trung 
chứng minh chuyển loại là một phương thức cấu tạo từ ngữ trong tiếng Việt. Bài viết 
khái quát các ý kiến đi trước về hiện tượng chuyển loại của từ trong tiếng Việt. Trên 
cơ sở đó, tác giả tập trung phân tích các đặc trưng về mặt ngữ âm, ngữ pháp và ngữ 
nghĩa của từ chuyển loại. So sánh từ chuyển loại với từ đồng âm, từ đa nghĩa và đưa 
ra một số quy tắc chuyển loại cơ bản trong tiếng Việt. 
1. Giới thiệu 
Hiện tượng chuyển từ từ loại này sang từ loại khác là một hiện tượng tồn tại 
điển hình, phổ biến trong các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt. Chúng được xem là 
một trong những phương thức cấu tạo từ thường gặp. Trong lịch sử nghiên cứu tiếng 
Việt, khi phân loại từ theo từ loại, các nhà nghiên cứu cho rằng loại của từ không phải 
là bất di bất dịch, giữa các loại của từ có một bộ phận chuyển hóa lẫn nhau. Vậy bản 
chất của chuyển loại là gì? Bên cạnh đó, khi nghiên cứu hiện tượng chuyển loại trong 
tiếng Việt, chúng ta cần phân biệt hai dạng chuyển loại, đó là chuyển loại bên trong 
và chuyển loại bên ngoài. Hai dạng này được tạo ra theo hai phương thức khác nhau. 
Hơn nữa, các từ được tạo ra giữa hai loại đó có đặc điểm khác nhau. 
Chuyển loại bên ngoài là hiện tượng trong tiếng Việt, các động từ, tính từ có thể 
chuyển hóa thành danh từ do sự tác động của yếu tố bên ngoài (yếu tố chuyên dùng, 
yếu tố công cụ ngữ pháp). Ví dụ: Cái đẹp (đẹp là danh từ), nỗi buồn (buồn là danh từ) 
Đây là hiện tượng mà “mỗi động từ, tính từ trong tiếng Việt có khả năng danh 
hóa do kết quả của cách thức tri nhận, bởi một danh từ tương ứng bằng cách kết hợp 
với một chỉ tố ngữ pháp nào đó” [5, tr.58]. Hiện tượng chuyển loại bên ngoài diễn ra 
gắn với hoạt động giao tiếp, gắn với ngữ cảnh, có tính chất không cố định. Trong 
phần trình bày tiếp theo, chúng tôi sẽ không bàn nhiều về hiện tượng chuyển loại bên 
ngoài này. 
Kiểu chuyển loại thứ hai là chuyển loại do chuyển hóa bên trong. Hiện tượng 
này diễn ra do sự thay đổi cơ cấu nghĩa của các loại từ, có tính quy tắc và tương đối 
ổn định, diễn ra phổ biến trong tiếng Việt và không phụ thuộc vào yếu tố chuyên 
dùng như chuyển loại bên ngoài. 
Nghiên cứu về vấn đề chuyển loại của từ không thể tách rời với việc nghiên cứu 
vấn đề từ loại. Có nhiều ý kiến khác nhau về từ loại của từ trong tiếng Việt cũng như 
về hiện tượng chuyển loại của từ. 
1 ThS, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Đồng Tháp 
TRẦN HOÀNG ANH 
 6 
Nhóm quan niệm thứ nhất: Tiếng Việt không có từ loại (nhất từ đa loại). Đây là 
quan niệm của Lê Quang Trinh, Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê. Các tác giả 
cho rằng tiếng Việt chỉ có từ không thôi, nhất loạt là đơn âm tiết, không có danh từ, 
không có đại từ, số từ, động từ mà chỉ có từ. Từ có thể thuộc bất kể từ loại nào. Ý 
nghĩa cơ bản của chúng là do những từ đặt trước hay đặt sau mà có [4]. 
Nhóm quan niệm thứ hai: Tiếng Việt có từ loại và có chuyển loại. 
- Nguyễn Tài Cẩn cho rằng: các từ có đặc trưng hỗn hợp các từ loại là từ đồng 
âm [2]. Các tác giả trên, mặc dù có những cách tiếp cận khác nhau nhưng đều cho 
những loại từ vừa nói (các từ có đặc trưng hỗn hợp từ loại) là từ đồng âm. 
- Tác giả Đỗ Hữu Châu lại cho rằng đấy là hiện tượng đa nghĩa của từ [3]. 
Quan điểm này có ưu điểm là đứng về các bình diện nghĩa của từ vựng mà xét các 
đơn vị từ vựng, do trong các hình thức này nghĩa của chúng có quan hệ mật thiết theo 
quan hệ hoán dụ. 
- Một số tác giả khác như Diệp Quang Ban, Hồ Lê, Nguyễn Văn Tu, Hà Quang 
Năng,  cho các từ nêu trên là từ chuyển loại và bản chất của chúng khác từ đồng 
âm. Theo tác giả Diệp Quang Ban: Chuyển di từ loại – chuyển loại – là một hiện 
tượng một từ khi thì dùng với ý nghĩa này và đặc điểm ngữ pháp của từ loại này, khi 
thì được dùng với ý nghĩa và đặc điểm ngữ pháp của từ loại khác [1]. 
Như vậy, để khẳng định chuyển loại là một phương thức cấu tạo từ trong tiếng 
Việt, một mặt phải xác định đặc trưng của các từ chuyển loại, chỉ ra quy tắc chuyển 
loại, mặt khác cần phải phân biệt từ chuyển loại với từ đồng âm và từ đa nghĩa. 
2. Đặc trưng của hiện tượng chuyển loại 
Như trên chúng tôi đã trình bày, cần xem xét hiện tượng chuyển loại là phương 
thức cấu tạo từ. Về mặt ngữ âm thì từ chuyển loại có hình thức đồng âm. Nó rất giống 
với từ đa nghĩa và từ đồng âm. Chính vì thế, để chỉ ra đặc trưng của từ chuyển loại 
cần so sánh với hiện tượng đồng âm và hiện tượng đa nghĩa để thấy sự khác biệt giữa 
hiện tượng chuyển loại với những hiện tượng này. 
Xét đặc trưng hiện tượng chuyển loại, chúng ta cần phải xét trên cả ba phương 
diện là ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp giữa đơn vị gốc và đơn vị phái sinh. 
- Về mặt ngữ âm, từ chuyển loại giữ nguyên vỏ âm thanh của đơn vị gốc. Muối 
trong hạt muối và muối trong muối dưa, cà là đồng nhất về âm thanh. Tương tự như 
vậy, cày trong cái cày và cày trong đi cày là phát âm đồng nhất. 
- Về mặt ngữ nghĩa, từ chuyển loại chuyển nghĩa từ nghĩa của đơn vị gốc theo 
quy luật nhưng trong quá trình chuyển nghĩa, cấu trúc nghĩa của đơn vị phái sinh đã 
có sự đổi khác so với đơn vị gốc. Số lượng nét nghĩa khác nhau và xuất hiện những 
nét nghĩa mới thuộc phạm trù từ loại khác. Sự sắp xếp, tổ chức các nét nghĩa của đơn 
vị phái sinh đã khác về bản chất so với đơn vị gốc. Nó đã đại diện cho một đơn vị 
mới mang tính từ loại mới. 
CHUYỂN LOẠI – MỘT PHƯƠNG THỨC CẤU TẠO TỪ TRONG TIẾNG VIỆT 
  7 
Chẳng hạn: Cày trong đẽo cày giữa đường có các nét nghĩa: “[công cụ của nhà 
nông], [dùng để lật đất, chuẩn bị trồng trọt]”. Ngược lại Cày trong tôi đã cày xong 
thửa ruộng: “[hoạt động], [sử dụng công cụ là cày] [để lật đất chuẩn bị trồng trọt]”. 
Chúng ta thấy rằng nghĩa của hai từ có quan hệ với nhau là quan hệ hoán dụ: 
công cụ - hoạt động sử dụng công cụ. Tuy nhiên, nét nghĩa hoạt động là nét nghĩa 
mới, thuộc phạm trù từ loại khác nên cách sắp xếp tổ chức các nét nghĩa trong cấu 
trúc nghĩa của hai từ đã khác nhau. Chúng ta có thể hình dung điều này qua sơ đồ sau: 
Cày (trong cái cày): Công cụ => mục đích, chức năng của công cụ 
Cày (trong đã cày): Hoạt động => phương tiện hoạt động => mục đích, 
chức năng của hoạt động 
Như vậy, bản chất của hiện tượng chuyển loại trong tiếng Việt chính là sự 
chuyển nghĩa làm biến đổi cấu trúc nghĩa của từ. Dựa vào những tư liệu đã có, chúng 
tôi thấy rằng sự biến đổi cấu trúc nghĩa của từ khi cấu tạo từ theo phương thức 
chuyển loại diễn ra theo những hướng chủ yếu sau: 
Có thể triệt tiêu một hoặc một số nghĩa vị (nghĩa tố) trong cấu trúc nghĩa của từ 
được cấu tạo bằng chuyển loại. Nhưng phổ biến hơn cả là hiện tượng mở rộng cấu 
trúc nghĩa khi chuyển loại. Thông thường từ nào có cấu trúc nghĩa phức tạp hơn là từ 
chuyển loại. 
Ví dụ: Muối (danh từ): tinh thể màu trắng, có vị mặn, thường tách ra từ nước 
biển, dùng để ăn. 
Muối (động từ): hoạt động, dùng muối cho vào thịt, cá, rau, quả để giữ được lâu 
hoặc làm thức ăn chín, thay đổi mùi vị. 
Tuy nhiên, giống như Hoàng Phê đã phân tích và kết luận: Trong một số trường 
hợp, có thể căn cứ vào dấu hiệu chức năng ngữ pháp thường trực (đơn vị gốc) và 
không thường trực để xác định đơn vị mới được chuyển loại (đơn vị phái sinh). Ví dụ: 
nhân dân trong Nhân dân Việt Nam rất cần cù là đơn vị gốc (danh từ), nhân dân 
trong Quân đội nhân dân hay Chính quyền nhân dân là đơn vị phái sinh, từ chuyển 
loại (tính từ) [8]. 
- Về mặt ngữ pháp: Vì cấu trúc nghĩa của từ chuyển loại đã khác từ gốc nên kéo 
theo đó là đặc điểm ngữ pháp của đơn vị phái sinh cũng khác. Điều này thể hiện ở 
khả năng kết hợp của từ cũng như khả năng đảm nhận chức năng ngữ pháp của 
chúng. 
Ví dụ: Cái đục này // khá sắc. Tôi // đang đục cái bàn. 
 CN VN. CN VN. 
Hoặc: Cái cưa này // rất bén. Tôi // đang cưa mấy cành xoài bị sâu. 
 CN // VN. CN // VN 
TRẦN HOÀNG ANH 
 8 
Mỗi từ loại đều có khả năng kết hợp điển hình và phân biệt với khả năng kết 
hợp của từ loại khác. Bản chất của hiện tượng chuyển loại là do sự chuyển nghĩa làm 
cho cấu trúc nghĩa của từ phái sinh thay đổi, kéo theo sự thay đổi về ngữ pháp. Từ 
thuộc loại này trở thành một từ mới thuộc loại khác trong khi vỏ âm thanh không thay 
đổi. Chính vì vậy mà khả năng tham gia của từ vào những tổ hợp khác nhau đặc trưng 
cho những từ loại khác nhau sẽ được coi là dấu hiệu của hiện tượng chuyển loại. 
Cùng với tiêu chuẩn ngữ nghĩa, khả năng kết hợp của từ, khả năng đảm nhận chức 
năng ngữ pháp của từ phải được coi là một tiêu chuẩn bắt buộc khi xác định hiện 
tượng chuyển loại trong tiếng Việt. 
Nếu chúng ta so sánh hiện tượng chuyển loại với hiện tượng đa nghĩa và hiện tượng 
đồng âm thì chúng ta sẽ thấy rằng hiện tượng chuyển loại có những điểm khác biệt. 
Chuyển loại khác với đồng âm về bản chất. Tuy hai hiện tượng này nếu xét về 
mặt ngữ âm là giống nhau. Chúng đều có vỏ âm thanh đồng nhất. Nhưng nếu xét về 
mặt ngữ nghĩa thì chuyển loại và đồng âm lại khác xa nhau. Từ đồng âm là những từ 
giống nhau về âm thanh nhưng khác nhau về nghĩa. Nói cách khác, đó là hai từ đồng 
nhất về ngữ âm nhưng ngữ nghĩa không liên quan đến nhau. Ngược lại, một số từ 
chuyển loại có vỏ ngữ âm giống nhau, có nghĩa khác nhau nhưng có lại liên hệ với 
nhau như trên ta đã phân tích. 
Đa nghĩa và chuyển loại đều là kết quả của sự chuyển nghĩa của từ theo quy luật. 
Chính vì vậy giữa các nghĩa của từ đa nghĩa cũng như giữa các nghĩa của từ chuyển 
loại, chúng có quan hệ ngữ nghĩa với nhau. Song sự khác nhau giữa hai loại này là ở 
chỗ, các nghĩa của từ đa nghĩa có cùng một cấu trúc nghĩa, thuộc một từ loại nên khả 
năng kết hợp cũng như khả năng đảm nhận chức năng ngữ pháp của từ khi dùng với 
nghĩa nào cũng như nhau. Còn với các từ chuyển loại, nghĩa của chúng có cấu trúc 
nghĩa khác nhau, thuộc các phạm trù từ loại khác nhau nên khả năng kết hợp cũng như 
khả năng đảm nhận chức năng ngữ pháp của các từ chuyển loại là khác nhau. 
Mặt khác, các từ chuyển loại được tạo ra có tính đồng loạt, mang tính quy tắc 
và diễn ra với tất cả các từ loại. 
Như vậy, chuyển loại là một phương thức cấu tạo từ, nhờ đó mà một từ mới 
thuộc phạm trù từ loại này được tạo ra từ một từ loại khác mà vẫn giữ nguyên vỏ âm 
thanh, đồng thời tạo ra ý nghĩa mới có quan hệ nhất định với ý nghĩa của từ xuất phát 
và có những đặc trưng ngữ pháp mới thể hiện ở khả năng kết hợp và chức năng làm 
thành phần câu khác với đặc trưng của đơn vị xuất phát. 
3. Một số quy tắc chuyển loại cơ bản 
Như chúng ta đã khẳng định, chuyển loại là một phương thức cấu tạo từ trong 
tiếng Việt. Vì vậy, về nguyên tắc, hiện tượng này có thể xảy ra ở tất cả mọi từ loại. 
Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày một số quy tắc chuyển loại cơ bản, xoay quanh các từ 
loại: danh từ, động từ, tính từ. 
CHUYỂN LOẠI – MỘT PHƯƠNG THỨC CẤU TẠO TỪ TRONG TIẾNG VIỆT 
  9 
3.1. Thực từ chuyển thành thực từ 
3.1.1. Động từ chuyển thành danh từ và tính từ 
3.1.1.1. Động từ chuyển thành danh từ 
a. Động từ biểu thị hoạt động chuyển thành danh từ chỉ đồ vật, sự vật, kết quả 
hoạt động đó. Ví dụ: bước, di chúc, kí họa, đăng kí, cuộn, buộc, gói, chỉ thị, thông 
báo, tổng kết, báo cáo,  
- Anh bước (động từ) tới đây một bước (danh từ). 
- Tôi gói (động từ) lại các gói (danh từ) này nhé! 
b. Động từ biểu thị hành động điển hình đặc trưng cho một người hoặc một 
nhóm người được dùng để chỉ nghề, chức năng của một tầng lớp người. Ví dụ: đạo 
diễn, kế toán, đặc công, do thám, phiên dịch, trinh sát, cướp, trộm, chỉ huy, chủ tọa, 
- Anh để tôi đạo diễn (động từ) cho. 
- Anh ấy là đạo diễn (danh từ). 
c. Động từ chỉ hoạt động chuyển thành danh từ chỉ các đồ vật, công cụ để thực 
hiện hành động đó. Ví dụ: kích, chắn, kè, xịt, bơm,  
- Tôi bơm (động từ) xe máy bằng cái bơm (danh từ) này. 
- Anh ta kích (động từ) cá bằng cái kích (danh từ) này. 
d. Động từ biểu thị hoạt động trừu tượng chuyển thành danh từ chỉ tên hành 
động, trạng thái được coi là kết quả của hành động. Ví dụ: khởi nghĩa, khủng bố, cách 
mạng, kháng chiến, bố cục, kết cấu, chuyên chính, cam đoan, cam kết, kỉ niệm,  
- Tôi kỉ niệm (động từ) bạn cái bút. 
- Đó là một kỉ niệm (danh từ) đẹp. 
3.1.1.2. Động từ chuyển thành tính từ 
a. Động từ biểu thị hoạt động, trạng thái cảm xúc, tình cảm của con người 
chuyển thành tính từ biểu thị thuộc tính, phẩm chất của trạng thái đó. Ví dụ: chùng, 
căng, tóm tắt, khái quát, quyến rũ, khêu gợi, chán,  
- Tôi đang tóm tắt (động từ) lại câu chuyện. 
- Anh ấy kể lại câu chuyện một cách tóm tắt (tính từ). 
b. Động từ biểu thị hành động chuyển thành tính từ biểu thị tính chất, thuộc tính 
của sự vật có liên quan đến hành động, cách thức hành động đó. Ví dụ: khùng, gượng, 
kén, kè nhè, kêu, kênh, in,  
- Anh ta đang kêu (động từ) bạn về ăn cơm. 
- Nó quảng cáo kêu (tính từ) lắm. 
TRẦN HOÀNG ANH 
 10 
3.1.2. Danh từ chuyển thành tính từ và động từ 
3.1.2.1. Danh từ chuyển thành tính từ 
a. Danh từ chỉ bộ phận cơ thể người hoặc sự vật có đặc điểm, tính chất, chức 
năng nhất định được dùng để chỉ đặc điểm tính cách, trí tuệ, tâm lí con người. Ví dụ: 
tai mắt, đầu óc, ruột thịt, miệng lưỡi, gân guốc, mồm mép, gan, gang thép, sắt son, 
sành sỏi, sắt đá, gai góc,  
- Gan (danh từ) của anh ta có vấn đề. 
- Thằng ấy gan (tính từ) thật. 
b. Danh từ chỉ người, động vật, thực vật có tính chất, đặc điểm, màu sắc, kích 
thước, đặc trưng nào đó được dùng để biểu thị đặc trưng đó. Ví dụ: chúa, bợm, nhân 
dân, dân tộc, kiệt tác, cao su, gấu, dê, du côn, đế vương, anh hùng, quê, ác ôn, bác 
học,  
- Thịt dê (danh từ) ăn rất ngon. 
- Thằng ấy dê (tính từ) quá. 
c. Danh từ chỉ một số loại sâu bọ, côn trùng chuyển thành tính từ chỉ trạng thái, 
tính chất của sự vật do côn trùng, sâu bọ làm hư hại. Ví dụ: mối, sâu, mọt, hà,  
- Ruộng lúa nhiều sâu (danh từ). 
- Quả ổi bị sâu (tính từ) quá, không ăn được. 
d. Các danh từ chỉ khái niệm, phạm trù, quan niệm về tự nhiên, xã hội được 
dùng để chỉ tính chất, phẩm chất theo đánh giá của con người. Ví dụ: kĩ thuật, hiệu 
quả, hòa bình, hạnh phúc, mĩ thuật, nghệ thuật, kiểu cách, mốt, điệu, hàn lâm, khoa 
học, văn minh, văn hóa, nhân đạo, chuẩn mực, hình thức, danh tiếng,  
- Anh ấy là người thuộc lĩnh vực kĩ thật (danh từ). 
- Đường đi bóng kĩ thuật (tính từ) của Công Phượng đã loại bỏ hết các hậu vệ 
của đối phương. 
3.1.2.2. Danh từ chuyển thành động từ 
a. Danh từ gọi tên sự vật, chất liệu có thể chuyển thành động từ biểu thị hoạt 
động dùng hoặc để có được sự vật chất liệu đó. Ví dụ: thịt, muối, gang, băng,  
- Hôm nay, ngoài chợ người ta bán nhiều thịt (danh từ). 
- Tôi sẽ thịt (động từ) nó. 
b. Danh từ chỉ công cụ chuyển thành động từ biểu thị những hoạt động cơ bản 
khi sử dụng những công cụ đó. Ví dụ: cuốc, cưa, cày, bơm, khóa, xích, chốt, cáng, 
đục, bào, còng,  
- Cái cuốc (danh từ) sắc lắm. 
CHUYỂN LOẠI – MỘT PHƯƠNG THỨC CẤU TẠO TỪ TRONG TIẾNG VIỆT 
  11 
- Hôm nay tôi phải cuốc (động từ) đất. 
c. Danh từ biểu thị tên gọi trừu tượng chuyển thành động từ chỉ hoạt động trừu 
tượng. Ví dụ: hợp đồng, âm mưu, hệ thống, ảnh hưởng, giới hạn, công tác,  
- Hợp đồng (danh từ) đã được kí kết. 
- Tôi hợp đồng (động từ) với nó mua ngôi nhà này. 
3.1.3. Tính từ chuyển thành động từ và danh từ 
a. Tính từ biểu thị phẩm chất, đặc điểm của sự vật, hiện tượng chuyển thành 
động từ chỉ hành động. Ví dụ: cố định, hoàn chỉnh, hoàn thiện, kiên định, bậy bạ, 
giản lược,  
- Tài sản cố định (tính từ). 
- Cố định (động từ) mức lãi suất. 
b. Tính từ biểu thị phẩm chất, đặc điểm của người, sự vật, hiện tượng chuyển 
thành danh từ chỉ người, vật, hiện tượng có phẩm chất, đặc điểm đó. Ví dụ: xuân, già, 
trẻ, bí mật 
- Điều ước bí mật (tính từ). 
- Khám phá bí mật (danh từ) của tự nhiên. 
3.2. Thực từ chuyển thành hư từ 
3.2.1. Danh từ chuyển thành quan hệ từ: trên, dưới, của. 
Ví dụ: - Trên bảo, dưới nghe.=> danh từ 
 - Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt, => quan hệ từ 
 - Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng.=> quan hệ từ 
 - Rừng là của quý cần phải bảo vệ => danh từ 
 - Rừng của chúng ta => quan hệ từ 
3.2.2. Động từ chuyển thành quan hệ từ: cho, ở, để, đến. 
Ví dụ: - Tôi cho bạn một cái áo mới.=> động từ 
 - Tôi lấy cho bạn một cái áo mới.=> quan hệ từ 
 - Tôi ở khách sạn.=> động từ 
 - Tôi đang ngồi ở khách sạn.=> quan hệ từ 
 - Để kem vào thùng đá.=> động từ 
 - Phòng để tiếp khách.=> quan hệ từ 
 - Đến đây để chơi.=> động từ 
 - Quan tâm đến chính trị.=> quan hệ từ 
TRẦN HOÀNG ANH 
 12 
3.2.3. Động từ chuyển thành phụ từ: ra, vào, lên, xuống, sang, qua, về, lại,  
Ví du: - Tôi vào Nam còn anh ra Bắc.=> động từ 
 - Tôi đi vào Nam còn anh ta đi ra Bắc.=> phụ từ 
 - Tôi lên rừng còn anh xuống biển.=> động từ 
 - Tôi đi lên rừng còn anh đi xuống biển.=> phụ từ 
 - Tôi sang (qua, về, lại) nhà anh chơi.=> động từ 
 - Tôi đi sang (qua, về, lại) nhà anh chơi.=> phụ từ 
4. Kết luận 
Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng hiện tượng chuyển loại của từ trong tiếng 
Việt diễn ra rộng khắp, có tính đồng loạt và có quy luật. Điều này được minh chứng 
trên cơ sở các quy tắc chuyển loại giữa các loại từ mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Bên 
cạnh đó, qua thống kê sơ bộ, chúng tôi thấy từ chuyển loại trong tiếng Việt chiếm số 
lượng lớn. Tất nhiên tỉ lệ chuyển loại giữa các từ loại là không ngang nhau. 
Từ chuyển loại là lớp từ có đặc trưng riêng về ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa. 
Đa nghĩa và chuyển loại là hệ quả của quá trình chuyển nghĩa theo quy tắc cho nên 
nghĩa của đơn vị gốc và đơn vị phái sinh thuộc hai hiện tượng này là có quan hệ với 
nhau, không tách rời. Chính vì vậy, hiện tượng chuyển loại có cơ chế chuyển nghĩa 
chung, giống với hiện tượng chuyển nghĩa của từ đa nghĩa. Tuy nhiên, khác với từ đa 
nghĩa, trong cơ chế chuyển nghĩa của từ chuyển loại có sự thay đổi về cơ cấu nghĩa. 
Đặc biệt là nét nghĩa mới (của từ chuyển loại) ở đơn vị phái sinh đã thuộc phạm trù từ 
loại khác so với đơn vị gốc. Do vậy, kéo theo sự chuyển nghĩa của từ là hiện tượng 
chuyển loại về ngữ pháp. Cho nên khả năng kết hợp cũng như khả năng đảm nhận 
chức năng ngữ pháp của đơn vị phái sinh ở hiện tượng chuyển loại là khác đơn vị 
gốc. Có thể nói cách khác rằng: đa nghĩa là hiện tượng của một từ, còn chuyển loại 
hiện tượng của các từ cùng gốc. 
Ở một sự đối sánh khác, chuyển loại cũng không phải là đồng âm vì bản chất 
của hai hiện tượng này khác nhau. Nếu như đồng âm là hiện tượng của các từ chỉ 
giống nhau về ngữ âm (ngẫu nhiên) cho nên nghĩa của chúng không liên quan đến 
nhau thì hiện tượng chuyển loại lại là hiện tượng từ một từ, do nghĩa của từ đó phát 
triển theo quy tắc; nhưng trong sự phát triển nghĩa của từ có sự thay đổi về cơ cấu 
nghĩa rồi dẫn tới chuyển loại. Cho nên giữa các từ chuyển loại đồng nhất về ngữ âm, 
nghĩa của từ có quan hệ với nhau, vừa đồng nhất vừa khác biệt. Như vậy có thể kết 
luận: chuyển loại là một phương thức cấu tạo từ của tiếng Việt. 
CHUYỂN LOẠI – MỘT PHƯƠNG THỨC CẤU TẠO TỪ TRONG TIẾNG VIỆT 
  13 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1] Diệp Quang Ban (1999), Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội (Tập 1). 
[2] Nguyễn Tài Cẩn (1975), Ngữ pháp tiếng Việt, Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ, 
NXB ĐH & THCN, Hà Nội. 
[3] Đỗ Hữu Châu (1987), Các bình diện của từ và từ tiếng Việt, NXB KHXH, Hà 
Nội. 
[4] Trương Văn Chình, Nguyễn Hiến Lê (1963), Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, 
Nhà xuất bản Đại học Huế. 
[5] Đinh Văn Đức (1986), Ngữ pháp tiếng Việt – Từ loại, NXB ĐH & THCN, Hà 
Nội. 
[6] Hoàng Văn Hành, Hà Quang Năng, Nguyễn Văn Khang (1998), Từ tiếng Việt – 
hình thái, cấu trúc, từ láy, từ ghép, từ chuyển loại, NXB KHXH, Hà Nội. 
[7] Hồ Lê (1976), Vấn đề cấu tạo của từ tiếng Việt, NXB KHXH, Hà Nội. 
[8] Hoàng Phê (1975), Phân tích ngữ nghĩa, Ngôn ngữ, (Số 2). 
[9] Lê Quang Trinh (1911), Etudes sur la langue annamite. P. 
[10] Nguyễn Văn Tu (1976), Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại, NXB ĐH & THCN, 
Hà Nội. 
Title: WORD CLASS CONVERSION – A WORD-FORMATION 
DEVICE IN VIETNAMESE 
TRAN HOANG ANH 
Dong Thap University 
Abstract: This paper proves that word class conversion is a word formation device in 
Vietnamese, based on the methods of comparison, analysis and synthesis. The paper 
reviews previous perspectives on the phenomenon of word class conversion in 
Vietnamese, and thereby analyzes phonological, grammatical and semantic features 
of the converting words. These converting words are compared to homonyms and 
polysemy, then used to figure out the basic rules of word class conversion in 
Vietnamese.

File đính kèm:

  • pdfchuyen_loai_mot_phuong_thuc_cau_tao_tu_trong_tieng_viet.pdf