Biện pháp quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non tỉnh Quảng Ninh

Thực trạng giáo dục kĩ năng phòng chống xâm hại

tình dục cho trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non tỉnh

Quảng Ninh

Khảo sát thực trạng giáo dục KNPC XHTD cho

TMG ở các trường mầm non tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi

đặt câu hỏi cho GV: Nơi đồng chí công tác, nhà

trường/GV có dạy cho TMG nhận biết vùng kín của cơ

thể và cách bảo vệ nó hay không? Nếu có, những nội

dung này được thực hiện trong những giờ học và hoạt

động nào? Kết quả thu được là có 718/1.800 (39,9%) GV

trả lời nơi họ công tác có dạy cho TMG KNPC XHTD.

Tuy nhiên, các khách thể khảo sát đã không chỉ ra được

cụ thể các hoạt động được tổ chức để giáo dục KNPC

XHTD cho TMG. Điều đó cho thấy, mặc dù tình trạng

XHTD trẻ em đã ở mức báo động, gây lo lắng, bức xúc

cho toàn xã hội nhưng nhiều nhà trường vẫn thờ ơ với

hoạt động này. Việc dạy cho trẻ nhận biết vùng kín và

cách bảo vệ nó vô cùng quan trọng, giúp trẻ có thể tự bảo

vệ chính mình, từ đó phòng tránh được hành vi XHTD.

Theo thống kê của các công trình nghiên cứu, trẻ em từ

3-8 tuổi là những nạn nhân chủ yếu của XHTD trẻ em và

đây là lứa tuổi dễ bị tổn thương nhất trong các vụ XHTD

[5]. Vì thế, cần cho trẻ nhận biết các vùng kín và vùng

riêng tư trên cơ thể không ai được phép chạm vào hoặc

không ai được phép bắt trẻ chạm vào những chỗ đó.

pdf 5 trang kimcuc 3680
Bạn đang xem tài liệu "Biện pháp quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non tỉnh Quảng Ninh", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Biện pháp quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non tỉnh Quảng Ninh

Biện pháp quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non tỉnh Quảng Ninh
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 30-34 
30 
BIỆN PHÁP QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC 
KĨ NĂNG PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC CHO TRẺ MẪU GIÁO 
Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON TỈNH QUẢNG NINH 
Vũ Thanh Hòa - Trường Đại học Hạ Long 
Ngày nhận bài: 13/02/2019; ngày sửa chữa: 18/03/2019; ngày duyệt đăng: 03/04/2019. 
Abstract: The article reflects the reality of education on skills of preventing and avoiding sexual 
abuse for preschool children at kindergartens in Quang Ninh province. From the research reality, 
we propose management measures to overcome weaknesses and improve the quality of 
educational activities to avoid child sexual abuse. Through experiments, the proposed measures 
are confirmed to be necessary and highly feasible, consistent with local educational practice. 
Keywords: Measure, management, preschool children, skill, preventing and avoiding sexual abuse. 
1. Mở đầu 
Theo Mục 8, Điều 4 của Luật Trẻ em, “Xâm hại tình 
dục (XHTD) trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ 
lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành 
vi liên quan đến tình dục bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, 
giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục 
đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức” [1]. Hiện 
nay, XHTD trẻ em đang là vấn đề nhức nhối trên toàn thế 
giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Theo thống kê 
của Bộ Công an, năm 2018, ở Việt Nam xảy ra trên 1.500 
vụ xâm hại trẻ em, trong đó, hơn 1.200 vụ án XHTD trẻ 
em (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 
1.230 người phạm tội có hành vi XHTD trên 1.100 em 
[2]. XHTD để lại hậu quả nặng nề cả về thể chất lẫn tinh 
thần cho nạn nhân. Thực tế cho thấy, hầu hết trẻ sau khi 
bị xâm hại đều có những rối loạn về tâm lí, hành vi; trẻ 
trở nên sợ hãi và mất niềm tin vào các mối quan hệ với 
mọi người xung quanh. 
Lứa tuổi mẫu giáo có vị trí đặc biệt quan trọng, là thời 
kì vàng trong sự phát triển nhân cách của trẻ em. Ở lứa 
tuổi này, trẻ cần được tiếp nhận, giáo dục các giá trị, hành 
vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, tạo cơ sở cho 
sự phát triển nhân cách ở những lứa tuổi tiếp theo. Những 
tổn thương về thể chất và tinh thần mà lứa tuổi này gặp 
phải có thể để lại hậu quả và trở thành nỗi ám ảnh đối với 
các em trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, ở các trường mầm 
non, hoạt động giáo dục kĩ năng phòng chống XHTD trẻ 
em chưa được triển khai mà nguyên nhân chính là do 
công tác quản lí giáo dục chưa phù hợp. Trong Chương 
trình giáo dục mầm non được ban hành kèm theo Thông 
tư số 17/2009/TT-BGDĐT và Chương trình giáo dục 
mầm non được sửa đổi một số nội dung theo Thông tư số 
28/2016/TT-BGDĐT, nội dung giáo dục giúp trẻ biết 
một số nguy cơ không an toàn và phòng tránh (nội dung 
4 trong Mục Giáo dục dinh dưỡng và sức khỏe cho các 
lứa tuổi: nhà trẻ, mẫu giáo) mới chỉ dừng lại ở việc dạy 
trẻ nhận biết và phòng tránh một số tai nạn thương tích, 
cảnh giác với người lạ [3], [4]. Tuy nhiên, thực tế cho 
thấy, thủ phạm XHTD trẻ em chủ yếu là người quen của 
trẻ. Hơn nữa, nội dung hết sức quan trọng là giúp trẻ nhận 
biết các vùng nhạy cảm trên cơ thể, quyền tuyệt đối của 
trẻ với việc bảo vệ cơ thể của mình, các kĩ năng phòng 
chống sự xâm hại chưa được đề cập đến. Vì thế, nghiên 
cứu và đề xuất các biện pháp quản lí giáo dục kĩ năng 
phòng chống (KNPC) XHTD cho trẻ mẫu giáo (TMG) 
là việc làm cấp thiết hiện nay. 
Bài viết phản ánh thực trạng giáo dục KNPC XHTD 
cho TMG ở các trường mầm non tỉnh Quảng Ninh. Từ thực 
trạng nghiên cứu, bài viết đề xuất một số biện pháp quản lí 
để khắc phục những hạn chế yếu kém và nâng cao chất 
lượng của hoạt động giáo dục KNPC XHTD cho trẻ em. 
2. Nội dung nghiên cứu 
Nghiên cứu của chúng tôi được triển khai trên 1.800 
giáo viên (GV) mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 
từ tháng 5 đến tháng 11/2018. Các phương pháp nghiên 
cứu được sử dụng chủ yếu là: phương pháp điều tra bằng 
Anket, phương pháp phỏng vấn sâu. Kết quả nghiên cứu 
được xử lí bằng các công thức toán học với sự hỗ trợ của 
phần mềm SPSS 20.0. 
2.1. Thực trạng giáo dục kĩ năng phòng chống xâm hại 
tình dục cho trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non tỉnh 
Quảng Ninh 
Khảo sát thực trạng giáo dục KNPC XHTD cho 
TMG ở các trường mầm non tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi 
đặt câu hỏi cho GV: Nơi đồng chí công tác, nhà 
trường/GV có dạy cho TMG nhận biết vùng kín của cơ 
thể và cách bảo vệ nó hay không? Nếu có, những nội 
dung này được thực hiện trong những giờ học và hoạt 
động nào? Kết quả thu được là có 718/1.800 (39,9%) GV 
trả lời nơi họ công tác có dạy cho TMG KNPC XHTD. 
Tuy nhiên, các khách thể khảo sát đã không chỉ ra được 
cụ thể các hoạt động được tổ chức để giáo dục KNPC 
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 30-34 
31 
XHTD cho TMG. Điều đó cho thấy, mặc dù tình trạng 
XHTD trẻ em đã ở mức báo động, gây lo lắng, bức xúc 
cho toàn xã hội nhưng nhiều nhà trường vẫn thờ ơ với 
hoạt động này. Việc dạy cho trẻ nhận biết vùng kín và 
cách bảo vệ nó vô cùng quan trọng, giúp trẻ có thể tự bảo 
vệ chính mình, từ đó phòng tránh được hành vi XHTD. 
Theo thống kê của các công trình nghiên cứu, trẻ em từ 
3-8 tuổi là những nạn nhân chủ yếu của XHTD trẻ em và 
đây là lứa tuổi dễ bị tổn thương nhất trong các vụ XHTD 
[5]... Vì thế, cần cho trẻ nhận biết các vùng kín và vùng 
riêng tư trên cơ thể không ai được phép chạm vào hoặc 
không ai được phép bắt trẻ chạm vào những chỗ đó. 
Trao đổi với GV, chúng tôi được biết, một số trường 
mầm non đã tổ chức giáo dục KNPC XHTD cho TMG 
nhưng hoạt động này còn mang tính chất hình thức, chưa 
hình thành được ở trẻ kĩ năng phòng ngừa và thoát hiểm 
khi bị xâm hại. Thực trạng này đòi hỏi các nhà quản lí 
giáo dục phải có biện pháp phù hợp để triển khai và đảm 
bảo chất lượng của hoạt động giáo dục KNPC XHTD 
cho TMG ở các trường mầm non. 
2.2. Một số biện pháp quản lí hoạt động giáo dục kĩ 
năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ mẫu giáo 
ở các trường mầm non tỉnh Quảng Ninh 
Các biện pháp quản lí hoạt động giáo dục KNPC 
XHTD cho TMG tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh 
Quảng Ninh phải đảm bảo tính mục đích, tức là phải quán 
triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về GD-ĐT và hướng tới 
mục tiêu bảo đảm sự phát triển toàn diện cho trẻ mầm non. 
Việc xây dựng, lựa chọn các biện pháp quản lí này phải 
đồng bộ, toàn diện, xuất phát từ thực trạng giáo dục, chất 
lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lí, đội ngũ GV 
của từng trường, phải phù hợp với đặc điểm vùng miền và 
khả năng phối hợp của các lực lượng, những thuận lợi, khó 
khăn của các cơ sở, địa phương có tác động, ảnh hưởng tới 
việc giáo dục KNPC XHTD cho trẻ. 
2.2.1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lí giáo dục, 
giáo viên về vai trò của giáo dục kĩ năng phòng chống 
xâm hại tình dục cho trẻ mẫu giáo 
- Mục tiêu của biện pháp: 
KNPC XHTD là một kĩ năng sống quan trọng của trẻ, 
giúp trẻ có thể phòng ngừa và ứng phó với hành vi xâm 
hại. Hoạt động giáo dục KNPC XHTD cho TMG muốn 
đem lại được kết quả cao trước hết phải làm cho đội ngũ 
cán bộ quản lí, GV - những người trực tiếp thực hiện 
nhiệm vụ giáo dục, có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, 
nội dung, trách nhiệm của bản thân và mục tiêu, nội dung 
phương pháp, hình thức giáo dục KNPC XHTD cho trẻ, 
cũng như các nội dung về quản lí hoạt động giáo dục 
KNPC XHTD cho TMG. Từ đó, sẽ tạo ra động cơ và tính 
tích cực, chủ động của cán bộ quản lí, GV khi tham gia 
giáo dục KNPC XHTD cho trẻ. 
- Nội dung và cách thực hiện biện pháp: 
+ Hiệu trưởng các trường mầm non cần tăng cường 
tuyên truyền, truyền thông làm chuyển biến mạnh mẽ nhận 
thức của cán bộ quản lí, GV về vai trò, trách nhiệm của 
mình; về yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ 
sư phạm đáp ứng mục tiêu chung trong hoạt động giáo dục 
KNPC XHTD cho TMG tại các trường mầm non. 
+ Thúc đẩy triển khai việc học tập và tìm hiểu về mục 
tiêu, nội dung giáo dục KNPC XHTD cho trẻ, đặc biệt là 
phương pháp và hình thức để giáo dục kĩ năng này cho trẻ. 
+ Cần xác định việc nâng cao nhận thức cho cán bộ 
quản lí, GV là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải 
có kế hoạch theo giai đoạn, theo năm học. Tổng kết rút 
kinh nghiệm công tác thông tin tuyên truyền giáo dục, 
biểu dương khen thưởng kịp thời những cán bộ quản lí, 
GV có thành tích trong triển khai thực hiện công tác giáo 
dục KNPC XHTD cho trẻ em, đồng thời uốn nắn, nhắc 
nhở những cá nhân làm chưa theo kế hoạch, không thực 
hiện nghiêm túc việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên 
môn trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. 
+ Tạo mọi điều kiện để mỗi cán bộ quản lí, GV được 
tham gia các lớp bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, tập huấn 
KNPC XHTD trẻ em. 
+ Tổ chức tốt các buổi sinh hoạt chuyên môn theo 
chủ đề trong nhà trường, trong đó có nội dung về giáo 
dục KNPC XHTD cho trẻ em. 
+ Trong năm học, cần xây dựng các chuyên đề, hội 
thảo cấp trường, cụm nhằm trao đổi về tầm quan trọng 
của việc tổ chức hoạt động giáo dục KNPC XHTD cho 
TMG nói riêng, trẻ em nói chung; trao đổi về nội dung, 
phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động này để đạt 
hiệu quả cao nhất. 
+ Chỉ đạo đội ngũ cán bộ quản lí sưu tầm, nghiên cứu 
đầy đủ các văn bản, chỉ thị, những quy định hướng dẫn 
của các cấp quản lí; không ngừng bổ sung hoàn thiện các 
biện pháp quản lí giáo dục KNPC XHTD cho TMG ở cơ 
sở do mình phụ trách. 
+ Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lí, GV tăng 
cường hoạt động giao lưu, tham quan học hỏi kinh 
nghiệm tổ chức hoạt động giáo dục KNPC XHTD cho 
trẻ của các trường tiên tiến. Từ đó, họ biết rút kinh 
nghiệm và tổng kết kinh nghiệm để vận dụng có hiệu quả 
vào công tác tổ chức hoạt động giáo dục KNPC XHTD 
cho TMG của đơn vị mình. 
- Điều kiện thực hiện biện pháp: 
+ Hiệu trưởng nhà trường phải có nhận thức sâu sắc 
về tính cấp thiết của hoạt động giáo dục KNPC XHTD 
cho TMG. Ngoài ra, hiệu trưởng phải có chuyên môn 
vững vàng, có thể chỉ đạo và hỗ trợ GV trong việc tổ chức 
hoạt động giáo dục KNPC XHTD cho trẻ. Có như vậy, 
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 30-34 
32 
công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ 
cán bộ quản lí, GV về tầm quan trọng của hoạt động giáo 
dục KNPC XHTD trẻ em mới đạt được hiệu quả. 
+ Phòng GD-ĐT cần lập kế hoạch, xây dựng nội dung, 
chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ 
cán bộ quản lí, GV mầm non về tầm quan trọng của hoạt 
động giáo dục KNPC XHTD cho trẻ em cũng như bồi 
dưỡng nâng cao năng lực tổ chức hoạt động này cho họ. 
+ Bản thân mỗi cán bộ quản lí và GV phải luôn ý thức 
được rằng lứa tuổi mẫu giáo là “thời kì vàng” trong cuộc đời 
mỗi con người, tạo tiền đề cho sự phát triển ở các lứa tuổi 
sau. Từ đó, họ phải có ý thức trách nhiệm cao nhất trong 
công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, hình thành ở trẻ những 
kĩ năng sống cơ bản nhất, trong đó có KNPC XHTD. 
2.2.2. Xây dựng kế hoạch giáo dục kĩ năng phòng chống 
xâm hại tình dục cho trẻ mẫu giáo dựa trên các văn bản 
pháp lí và phù hợp với Chương trình giáo dục mầm non 
- Mục tiêu của biện pháp: 
Xác định được các mục tiêu, nội dung, phương pháp 
và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục KNPC XHTD 
cho TMG theo Luật Trẻ em năm 2016, các văn bản chỉ 
đạo của Nhà nước và phù hợp với Chương trình giáo dục 
mầm non được ban hành theo Thông tư số 28/2016/TT-
BGDĐT, đảm bảo vừa có tính hợp lí, vừa có tính khả thi 
nhằm định hướng các hoạt động giáo dục KNPC XHTD 
cho trẻ em mẫu giáo. Dựa trên kế hoạch này để huy động 
sự tham gia của GV, cha mẹ trẻ và các lực lượng xã hội 
vào hoạt động phòng chống xâm hại trẻ em. 
- Nội dung và cách thực hiện biện pháp: 
+ Hiệu trưởng các trường mầm non nghiên cứu kĩ 
Luật Trẻ em, các văn bản pháp lí liên quan đến công tác 
phòng chống XHTD trẻ em như Chỉ thị số 18/CT-TTg 
ngày 16/05/ 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng 
cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em 
[6]; các văn bản hướng dẫn của Sở, Phòng GD-ĐT cũng 
như của chính quyền địa phương liên quan đến vấn đề 
XHTD trẻ em để xây dựng kế hoạch trong cả năm học, 
trong đó xác định được vai trò, trách nhiệm của các Bộ, 
Ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động này. 
+ Căn cứ vào Chương trình giáo dục mầm non đã sửa 
đổi, bổ sung do Bộ GD-ĐT ban hành và Hướng dẫn thực 
hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non của Sở và Phòng GD-
ĐT, hiệu trưởng các trường xây dựng kế hoạch cụ thể 
nhằm chi tiết hóa các hoạt động giáo dục KNPC XHTD 
cho TMG phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của trẻ, với đặc 
thù lớp học; phân công nhiệm vụ cho từng tổ chuyên 
môn, từng GV theo chức năng, tổ chức giáo dục trẻ lần 
lượt các nội dung theo chủ đề giáo dục KNPC XHTD đã 
xác định trong kế hoạch. 
+ Trong quá trình xây dựng kế hoạch, hiệu trưởng nhà 
trường cần phải tìm hiểu, khảo sát tình hình của nhà trường 
về năng lực của đội ngũ cán bộ quản lí, GV, về những yếu 
tố thuận lợi và khó khăn tác động đến giáo dục KNPC 
XHTD cho TMG. Đặc biệt, cần quan tâm tới chất lượng 
giáo dục của năm học trước, đây chính là nền tảng vững 
chắc và thuyết phục làm căn cứ cho việc xây dựng kế 
hoạch hành động trong quản lí giáo dục phòng chống 
XHTD cho TMG. Cần xác định nguồn nhân lực chính cho 
việc thực hiện kế hoạch, bởi đây là điều kiện để kế hoạch 
được thực hiện khả thi. Tại các trường mầm non, đội ngũ 
cán bộ quản lí, GV và trẻ là yếu tố quyết định trong việc 
thực hiện công tác giáo dục KNPC XHTD cho trẻ. 
+ Trong kế hoạch, cần xác định rõ mục tiêu, nội dung, 
phương pháp, hình thức tổ chức và phối hợp các lực lượng 
trong giáo dục KNPC XHTD cho TMG phù hợp với điều 
kiện của nhà trường, của địa bàn nơi trường đóng. 
+ Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ năm học, các điều 
kiện khách quan, chủ quan, nhà trường tiến hành xây dựng 
kế hoạch tổng thể về hoạt động giáo dục KNPC XHTD 
cho TMG, lấy ý kiến đóng góp của các tổ chuyên môn, 
trình kế hoạch lên cấp trên phê duyệt, thông qua kế hoạch 
và thông qua nhiệm vụ cụ thể. Giao cho các tổ chuyên môn 
xây dựng kế hoạch giáo dục KNPC XHTD của tổ phù hợp 
với nội dung giáo dục trẻ theo độ tuổi. Các trường cần 
thành lập tổ cốt cán để xây dựng kế hoạch hoạt động khả 
thi; phải xây dựng được kế hoạch giáo dục kĩ năng này lâu 
dài nhằm định hướng cho cả một giai đoạn, đồng thời có 
kế hoạch cho cả năm học, từng học kì, từng nội dung giáo 
dục theo chủ đề và định hướng hoạt động giáo dục cụ thể. 
Kế hoạch càng cụ thể, chi tiết thì càng thuận lợi cho việc 
tổ chức triển khai thực hiện tại đơn vị mình. 
+ GV chủ nhiệm các lớp trên cơ sở kế hoạch và 
nhiệm vụ được giao, tổ chức họp phụ huynh để thảo luận 
và đề xuất các biện pháp thực hiện mục tiêu giáo dục 
KNPC XHTD cho TMG đã đề ra. 
+ Việc cụ thể hóa kế hoạch cho từng học kì, từng nội 
dung giáo dục theo chủ đề KNPC XHTD là bước vô 
cùng quan trọng và có tính quyết định của quá trình quản 
lí và kế hoạch hóa cho từng giai đoạn, quyết định thành 
công của công tác quản lí. Hoạt động quản lí giáo dục 
KNPC XHTD cho TMG rất phức tạp và khó khăn vì đối 
tượng quản lí là TMG mới từ 3-6 tuổi nên khi kế hoạch 
hóa việc quản lí công tác này yêu cầu cán bộ quản lí phải 
tính toán và quan tâm đến nhiều yếu tố ảnh hưởng, đặc 
biệt là địa bàn sinh sống của trẻ và hoàn cảnh gia đình, 
trình độ nhận thức của cha mẹ trẻ. 
- Điều kiện thực hiện biện pháp: 
+ Hiệu trưởng nhà trường, đội ngũ Ban Giám hiệu 
phải nắm vững và nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ 
đạo công tác phòng chống XHTD trẻ em. 
+ Các tổ chuyên môn trong nhà trường phải nắm chắc 
tình hình của đơn vị mình, nghiêm chỉnh thực hiện chức 
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 30-34 
33 
năng nhiệm vụ được giao, đảm bảo việc tổ chức hoạt động 
giáo dục KNPC XHTD cho TMG một cách hợp lí, đúng 
đắn, đạt hiệu quả. Kế hoạch cần có tính khả thi và phải 
tuân theo trình tự các bước tiến hành, tránh chồng chéo. 
2.2.3. Bồi dưỡng cho giáo viên mầm non năng lực tổ 
chức hoạt động giáo dục kĩ năng phòng chống xâm hại 
tình dục trẻ em 
- Mục tiêu của biện pháp: 
KNPC XHTD trẻ em là một trong số các kĩ năng sống 
của trẻ nhưng có đặc thù riêng. Do đó, việc tổ chức hoạt 
động này cần phù hợp để mang lại hiệu quả. Đội ngũ GV 
ở trường mầm non là những người trực tiếp hình thành 
cho TMG KNPC XHTD. Việc bồi dưỡng góp phần giúp 
GV có hiểu biết sâu sắc về hành vi XHTD trẻ em, những 
hình thức biểu hiện, nguyên nhân và hậu quả của nó, 
những nội dung kiến thức và các KNPC XHTD cần có ở 
độ tuổi mẫu giáo, từ đó nâng cao năng lực tổ chức hoạt 
động giáo dục KNPC XHTD TMG cho GV. 
- Nội dung và cách thực hiện biện pháp: 
Để làm tốt công tác bồi dưỡng nâng cao cho GV năng 
lực tổ chức hoạt động giáo dục KNPC XHTD cho TMG, 
hiệu trưởng các nhà trường cần: 
+ Tạo điều kiện cho GV được tiếp cận, nâng cao hiểu 
biết kiến thức pháp luật về hành vi xâm hại trẻ em, các 
hình thức biểu hiện, thủ phạm, nguyên nhân, hậu quả, 
những địa điểm có thể xảy ra hành vi XHTD trẻ em. 
+ Khuyến khích GV tự bồi dưỡng năng lực tổ chức 
hoạt động giáo dục KNPC XHTD trẻ em thông qua các 
bài viết trên các tạp chí, trang báo điện tử về KNPC 
XHTD cho trẻ. 
+ Tập huấn cho GV những kiến thức cần trang bị cho 
TMG như: vùng kín của cơ thể, quyền của trẻ đối với cơ 
thể của mình; những hành vi xâm phạm vùng kín của trẻ; 
cách ứng xử của trẻ trong các mối quan hệ để tránh bị 
xâm hại và các kĩ năng như: kĩ năng phòng ngừa sự xâm 
hại, kĩ năng thoát hiểm khi bị xâm hại. 
+ Bồi dưỡng cho GV các phương pháp và hình thức 
tổ chức giáo dục KNPC XHTD cho TMG. Các phương 
pháp và hình thức này phải phù hợp với đối tượng trẻ em 
ở từng vùng miền. 
Việc bồi dưỡng GV có thể thực hiện dưới các hình 
thức như cử GV tham gia các đợt tập huấn bổ sung kiến 
thức do Bộ, Sở, Phòng GD-ĐT tổ chức (nếu có). Cần 
chọn những GV cốt cán, nghiên cứu kĩ lưỡng về chương 
trình giáo dục KNPC XHTD trẻ em để tham gia. GV sau 
tập huấn sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, có trách nhiệm 
hướng dẫn lại, triển khai những nội dung đã được tập 
huấn cho GV trong tổ, trong trường. 
Hình thức mời các chuyên gia, các nhà khoa học có 
chuyên môn sâu về tổ chức hoạt động giáo dục KNPC 
XHTD cho trẻ em đến tập huấn trực tiếp cho đội ngũ GV 
cũng góp phần nâng cao năng lực tổ chức hoạt động này 
cho GV. 
Ngoài ra, hiệu trưởng có thể bồi dưỡng nâng cao năng 
lực tổ chức hoạt động giáo dục KNPC xâm hại trẻ em 
cho đội ngũ GV trong nội dung bồi dưỡng thường xuyên. 
Khuyến khích GV tự học, tự tìm hiểu các kĩ năng thiết kế 
hoạt động giáo dục KNPC XHTD qua các tài liệu, khai 
thác bồi dưỡng thường xuyên trên mạng. 
Tổ chức tốt các hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn 
về tổ chức hoạt động giáo dục KNPC XHTD cho TMG. 
- Điều kiện thực hiện biện pháp: 
+ GV cần nhận thức rõ về tầm quan trọng của hoạt 
động giáo dục KNPC XHTD cho trẻ em và năng lực thiết 
kế hoạt động này. Mỗi GV cần có kế hoạch tự bồi dưỡng 
nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm theo 
sự định hướng của nhà trường. 
+ Nhà trường cần có kế hoạch chỉ đạo và triển khai 
các nội dung giáo dục KNPC XHTD cho trẻ em phục vụ 
cho công tác chuyên môn. 
+ Mở rộng phạm vi liên kết với các trường khác để 
GV có điều kiện trao đổi nhằm cập nhật kiến thức và học 
hỏi nâng cao năng lực tổ chức hoạt động giáo dục KNPC 
XHTD cho TMG. 
+ Nhà trường phải làm tốt công tác xây dựng kế 
hoạch, mục tiêu, nội dung bồi dưỡng, tập huấn một cách 
cụ thể, rõ ràng, đồng thời tổ chức thực hiện nội dung kế 
hoạch theo đúng lộ trình đã xây dựng. 
2.2.4. Chỉ đạo triển khai kế hoạch giáo dục kĩ năng 
phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ mẫu giáo theo 
hướng lồng ghép, tích hợp với các hoạt động có chủ đích, 
hoạt động vui chơi và hoạt động khác 
- Mục tiêu của biện pháp 
Việc giáo dục KNPC XHTD cho trẻ em mẫu giáo theo 
hướng tích hợp với hoạt động có chủ đích, hoạt động chơi 
và hoạt động khác của trẻ là quan điểm hiện đại, không 
những phù hợp với tâm lí của trẻ mà còn phù hợp với xu 
hướng giáo dục hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng 
giáo dục kĩ năng này. Việc lồng ghép, tích hợp giáo dục 
làm cho các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ trở nên phong 
phú, lôi cuốn trẻ tham gia vào hoạt động cùng cô và các 
bạn. Qua đó, trẻ có thể liên hệ thực tế và có nhận thức đúng 
đắn với các tình huống có thể xảy ra trong đời sống. 
- Nội dung và cách thực hiện biện pháp: 
+ Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo xây dựng mục tiêu 
tích hợp nội dung giáo dục KNPC XHTD: Rà soát toàn 
bộ Chương trình giáo dục mầm non, xem xét nội dung 
nào có thể lồng ghép nội dung giáo dục KNPC XHTD 
cho trẻ. Tùy vào từng chủ đề theo tuần, tháng, học kì mà 
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 30-34 
34 
GV lựa chọn những KNPC XHTD phù hợp để giáo dục 
trẻ; xây dựng mục tiêu cần đạt được về kiến thức, kĩ năng, 
thái độ của từng nội dung, đặc biệt lưu ý đến KNPC 
XHTD cho trẻ. 
+ Bồi dưỡng cho đội ngũ GV năng lực giáo dục theo 
chủ đề tích hợp. 
- Điều kiện thực hiện biện pháp: 
+ Ban giám hiệu trường mầm non phải sát sao trong công 
tác quản lí hoạt động giáo dục KNPC XHTD cho TMG. 
+ GV phải nắm vững Chương trình giáo dục mầm 
non sau sửa đổi bổ sung năm 2016, có hiểu biết sâu sắc 
về hành vi xâm hại trẻ em, xác định được những nội dung 
cần thiết của KNPC XHTD trẻ; có năng lực tổ chức hoạt 
động giáo dục theo chủ đề tích hợp. 
- Những nội dung giáo dục KNPC XHTD phải được 
tích hợp một cách khéo léo, linh hoạt, mềm dẻo phù hợp 
với từng chủ đề. 
2.2.5. Phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc 
giáo dục kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ 
mẫu giáo 
- Mục tiêu của biện pháp: 
Nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ nói chung và giáo dục 
KNPC XHTD cho trẻ nói riêng là việc hết sức quan trọng, 
đòi hỏi phải có sự vào cuộc tham gia của cả gia đình, nhà 
trường và xã hội bởi môi trường sống và giao tiếp của trẻ 
rất đa dạng. Do đó, phối hợp với gia đình TMG trong việc 
hình thành KNPC XHTD cho trẻ được thực hiện cả ở 
trong gia đình sẽ nâng cao hiệu quả của hoạt động này. 
- Nội dung và cách thực hiện biện pháp: 
+ Nhà trường và gia đình cần thống nhất nội dung 
giáo dục KNPC XHTD cho TMG. 
+ Ban giám hiệu chỉ đạo GV trao đổi với phụ huynh 
thông qua các buổi họp phụ huynh hay giờ đón trả trẻ về 
các kiến thức và kĩ năng cụ thể để phụ huynh có thể giáo 
dục con em khi ở nhà. 
+ Ban giám hiệu quán triệt GV trong việc duy trì 
thường xuyên việc trao đổi về vấn đề giáo dục KNPC 
XHTD cho trẻ, về sự tiến bộ của trẻ và những khó khăn 
khi thực hiện, kết quả đạt được trong quá trình giáo dục 
kĩ năng này cho trẻ. 
- Điều kiện thực hiện biện pháp: 
+ Cha mẹ trẻ em phải nhận thức được tầm quan trọng 
của hoạt động giáo dục KNPC XHTD cho con và chủ 
động phối hợp với nhà trường để thực hiện nội dung giáo 
dục này. 
+ Ban Giám hiệu nhà trường phải chỉ đạo đội ngũ GV 
tích cực, chủ động phối hợp với phụ huynh, hướng dẫn 
và hỗ trợ phụ huynh trong việc dạy con phòng chống sự 
xâm hại. 
+ Đội ngũ GV cần thấy được sự cần thiết phải phối 
hợp với gia đình, cha mẹ trẻ em để việc giáo dục KNPC 
XHTD cho trẻ đạt hiệu quả. 
3. Kết luận 
Chúng tôi tiến hành khảo nghiệm tính cần thiết và khả 
thi của các biện pháp quản lí giáo dục phòng chống 
XHTD cho TMG trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được 
đề xuất bằng phương thức trưng cầu ý kiến của đội ngũ 
cán bộ quản lí, GV của các trường mầm non của tỉnh. Kết 
quả thu được cho thấy, hầu hết các biện pháp đề xuất đều 
được đánh giá là rất cần thiết và cần thiết (chiếm trên 
95% tổng số ý kiến). 
Nghiên cứu cũng cho thấy, hoạt động giáo dục phòng 
chống XHTD cho TMG ở tỉnh Quảng Ninh còn nhiều 
hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Để khắc phục 
tồn tại đó cũng như nâng cao chất lượng của hoạt động 
này cần thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lí đã được 
nêu ở trên. Các biện pháp này được khẳng định có tính 
cần thiết và khả thi cao, phù hợp với thực tiễn giáo dục ở 
các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. 
Tài liệu tham khảo 
[1] Quốc hội (2016). Luật Trẻ em (Luật số 
102/2016/QH13). 
[2] Ngọc Quỳnh (2018). Ngăn chặn tội phạm xâm hại 
trẻ em.  
39254002-ngan-chan-toi-pham-xam-hai-tre-em.html. 
[3] Bộ GD-ĐT (2009). Thông tư số 17/2009/TT-
BGDĐT ngày 25/07/2009 Ban hành Chương trình 
giáo dục mầm non. 
[4] Bộ GD-ĐT (2016). Thông tư số 28/2016/TT-
BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của 
Chương trình giáo dục mầm non ban hành kèm theo 
Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/07/2009 
của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. 
[5] Phi Thi Hieu (2018). Формирование у 
дошкольников навыков предотвращения 
насилия и борьбы с ним. The Scientific Heritage, 
№ 29, pp. 23-25. 
[6] Thủ tướng Chính phủ (2017). Chỉ thị số 18/CT-TTg 
ngày 16/05/2017 Về việc tăng cường giải pháp 
phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. 
[7] Australian AID - World Vision (2014). Phòng ngừa 
xâm hại tình dục trẻ em (Tài liệu dành cho cha mẹ, 
người chăm sóc trẻ). Dự án Tuổi thơ - Chương trình 
phòng ngừa do AusAID tài trợ và Tổ chức Tầm nhìn 
thế giới thực hiện. 
[8] Trần Thị Cẩm Nhung (2012). Một số cách tiếp cận 
nghiên cứu xâm hại tình dục trẻ em qua các nghiên 
cứu nước ngoài. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và 
Giới, quyển 22, số 6, tr 48-58.

File đính kèm:

  • pdfbien_phap_quan_li_hoat_dong_giao_duc_ki_nang_phong_chong_xam.pdf