Biện pháp giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi
Tính thủ lĩnh giúp trẻ luôn tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp; nhanh nhẹn, linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động tập thể; có sức ảnh hưởng đối với bạn bè, những người xung quanh và có khả năng lãnh đạo. Bài viết nêu những biểu hiện của tính thủ lĩnh, đồng thời đề xuất một số biện pháp giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.
Bạn đang xem tài liệu "Biện pháp giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Biện pháp giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Thị Ái Loan _____________________________________________________________________________________________________________ 77 BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TÍNH THỦ LĨNH CHO TRẺ MẪU GIÁO 5-6 TUỔI NGUYỄN THỊ ÁI LOAN* TÓM TẮT Tính thủ lĩnh giúp trẻ luôn tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp; nhanh nhẹn, linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động tập thể; có sức ảnh hưởng đối với bạn bè, những người xung quanh và có khả năng lãnh đạo. Bài viết nêu những biểu hiện của tính thủ lĩnh, đồng thời đề xuất một số biện pháp giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi. Từ khóa: tính thủ lĩnh, biện pháp giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ 5-6 tuổi. ABSTRACT Methods for educating the leadership for kindergarten children of 5-6 years old The leadership in children helps them become confident and brave in communications; agile, flexible and creative in group activities, influential among friends and the people around as well as able to lead others. The article presents some indications of leadership, as well as suggests some methods for educating leadership for kindergarten children of 5-6 years old. Keywords: leadership, methods for educating the leadership for kindergarten children of 5-6 years old. 1. Đặt vấn đề Ngày nay, khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão đòi hỏi con người phải tự trang bị cho mình những kĩ năng để sống và làm việc hiệu quả. Trong đó, kĩ năng lãnh đạo là kĩ năng có thể giúp con người sớm thành công trong tương lai, giúp con người làm chủ cuộc sống, có trách nhiệm trong công việc và luôn biết giúp đỡ người khác. Muốn trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, thì ngay từ lứa tuổi mầm non, trẻ cần được rèn luyện và phát huy tố chất lãnh đạo. Tính thủ lĩnh là biểu hiện cơ bản của tố chất lãnh đạo. Người có tính thủ lĩnh là người luôn biết lập kế hoạch, biết khởi xướng trong các hoạt động, biết giúp đỡ và dẫn dắt người khác, tạo ra một vòng ảnh hưởng tới những người xung quanh mình. Vì thế, người lớn cần phát hiện sớm khả năng này của trẻ và giáo dục trẻ theo chiều hướng đúng đắn nhất để có thể giúp trẻ tự tin, cải thiện kĩ năng giao tiếp, biết cách xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, biết lãnh đạo bản thân và lãnh đạo người khác. Ở lứa tuổi mẫu giáo 5-6 tuổi, tính thủ lĩnh biểu hiện rõ nét qua vui chơi, học tập, lao động, cho nên cần phải xác định rõ thủ lĩnh tích cực và thủ lĩnh tiêu cực để có hướng bồi dưỡng và giáo dục. Bởi có thể, ban đầu trẻ đã có tính thủ lĩnh, nhưng khi được cô giáo, bạn bè yêu mến, vị nể, lâu dần trẻ sẽ tự mãn, kiêu căng, hống hách, tham lam, ích kỉ và cả bắt nạt bạn. Và như thế, tính thủ lĩnh của trẻ đã trở thành tiêu cực. Vì vậy, giáo viên cần phải * HVCH, Trường Đại học Sư phạm TPHCM Ý kiến trao đổi Số 57 năm 2014 _____________________________________________________________________________________________________________ 78 theo dõi và rèn luyện tính thủ lĩnh cho trẻ. Nếu trẻ tiềm ẩn khả năng thủ lĩnh nhưng giáo viên thường áp đặt, làm hộ, làm thay trẻ, không cho trẻ cơ hội thể hiện mình thì sẽ dập tắt khả năng thủ lĩnh của trẻ. Đó là điều đáng tiếc cho một nhà lãnh đạo tương lai. Hiện nay ở Việt Nam, việc rèn luyện tính thủ lĩnh cho trẻ là một nhu cầu mang tính thời đại. Bởi xã hội hiện đại luôn cần những con người tiên phong, có tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, biết hợp tác, biết khởi xướng trong mọi hoạt động, biết lập kế hoạch, mục tiêu cho bản thân cũng như trong hoạt động tập thể. 2. Giải quyết vấn đề 2.1. Thế nào là tính thủ lĩnh? Về khái niệm tính thủ lĩnh, một số tác giả quan niệm như sau: Theo Vũ Dũng: “Thủ lĩnh là những người có năng lực và uy tín trong nhóm” [1]. Trần Quốc Thành và Nguyễn Đức Sơn quan niệm: “Thủ lĩnh là người cầm đầu một nhóm không chính thức. Thủ lĩnh xuất hiện do yêu cầu của nội bộ nhóm tự phát - mọi người tự áp đặt vào” [4]. Ngô Công Hoàn đã viết: “Khái niệm thủ lĩnh gắn liền với các đặc điểm tâm lí cá nhân của người đứng đầu nhóm. Do các thành viên trong nhóm suy tôn” [2]. Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia: “Thủ lĩnh là tổ chức một nhóm những người để đạt mục tiêu chung” [7]. Có thể nói, thủ lĩnh là người đứng đầu các nhóm nhỏ, là người có uy tín và năng lực, biết dẫn dắt và giúp đỡ người khác, có khả năng chỉ huy, được mọi người tín nhiệm và suy tôn. Với trẻ mầm non, thủ lĩnh của một nhóm xuất hiện khi đứa trẻ đó luôn biết khởi xướng trong các hoạt động, biết dẫn dắt các bạn trong lớp và được các bạn yêu mến bầu làm “thủ lĩnh”. Nghiêng về nghiên cứu hoạt động chơi của trẻ em, Mukhina đã đề cập “tính chất của các mối liên hệ qua lại hiện thực giữa các em trong trò chơi, trên một mức độ đáng kể phụ thuộc vào những hành vi của các “thủ lĩnh”, phụ thuộc ở chỗ chúng dùng những biện pháp nào để bắt các bạn thực hiện những yêu cầu của mình. Trong một số trường hợp, có thể đó là những đứa trẻ được ưa thích nhất trong nhóm, những đứa trẻ biết thỏa thuận với các bạn cùng tuổi, biết tính đến những nguyện vọng của các bạn, biết giải quyết những nghi ngờ xuất hiện trong nhóm. Trong một số trường hợp khác, “thủ lĩnh” thường là những đứa trẻ bắt nạt những đứa khác, thích chỉ huy, thích ra lệnh, có khi còn dùng đến cả sức mạnh thể lực” [3, tr.84]. Nguyễn Ánh Tuyết đã thấy được vai trò thủ lĩnh của trẻ trong hoạt động vui chơi và cho rằng: “Đó là đứa trẻ được các bạn tôn sùng và vị nể nhất, vì nó thường có nhiều sáng kiến và khả năng tổ chức trò chơi; nó chỉ huy việc phân các vai và hướng dẫn hành động cho những đứa trẻ khác. Em “thủ lĩnh” thường nhận vai chính vì vai chính có quyền lợi nhất” [5, tr.265]. 2.2. Biểu hiện tính thủ lĩnh của trẻ 2.2.1. Tự tin Biểu hiện đầu tiên của tính thủ lĩnh Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Thị Ái Loan _____________________________________________________________________________________________________________ 79 là sự tự tin. Tự tin là một phẩm chất nhân cách, là sự tin tưởng vào năng lực của bản thân. Một đứa trẻ tự tin là một đứa trẻ luôn có ý chí và tính kiên định, không lùi bước trước những khó khăn, biết vượt qua những trở ngại và thử thách, mạnh dạn tham gia các hoạt động. Trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi thể hiện sự tự tin qua nhiều hoạt động như: vui chơi, học tập, lao động, tham gia các lễ hội Ở hoạt động nào trẻ cũng luôn mạnh dạn đưa ra ý kiến, chủ động bàn bạc trao đổi, thảo luận với bạn trước khi thực hiện ý tưởng. Sự tự tin giúp trẻ mạnh dạn trước đám đông, thích thể hiện vai trò chỉ huy trước tập thể, có nhiều sáng kiến trong khi chơi cùng bạn, nhanh nhẹn, linh hoạt khi thực hiện nhiệm vụ người lớn giao cho và không e dè trước những thử thách. 2.2.2. Sáng tạo Một đứa trẻ có tính thủ lĩnh là một đứa trẻ sáng tạo. Đó là những biểu hiện luôn thích tìm tòi, khám phá, có sáng kiến, luôn tạo ra cái mới, cái độc đáo trong các hoạt động. Tính sáng tạo có được là nhờ vốn sống, kinh nghiệm phong phú, nền tảng kiến thức, kĩ năng đa dạng đã giúp trẻ thể hiện cái mới, sáng tạo trên nền tảng cái cũ. Tính sáng tạo của trẻ được thể hiện trong hoạt động nghệ thuật như: kể chuyện, vẽ, nặn, ca hát, vận động theo nhạc Với hoạt động vẽ, nặn, xé dán, tính sáng tạo của trẻ biểu hiện khi trẻ có ý tưởng phong phú, mới lạ, không bắt chước theo khuôn mẫu, độc lập trong khi thực hiện mà không cần sự giúp đỡ của cô hay bạn. Hay trong hoạt động múa hát, trẻ luôn thích hát múa đúng giai điệu, thể hiện được cảm xúc và thường hay đề xướng động tác cho các bạn múa theo, luôn nảy ra ý tưởng để chế lời bài hát, giai điệu múa mà không thích bắt chước bạn. Trong hoạt động vui chơi, tính sáng tạo của trẻ thể hiện qua việc lựa chọn vai chơi, bạn cùng chơi, nội dung chơi, thỏa thuận luật chơi và nguyên tắc trong trò chơi. Bạn nào có ý tưởng mới lạ, độc đáo, luôn có sáng kiến trong khi chơi thường luôn được bạn bè yêu mến và chọn làm thủ lĩnh cho nhóm mình. 2.2.3. Luôn biết dẫn dắt và giúp đỡ người khác Đây được xem là yếu tố cần thiết của một thủ lĩnh. Trẻ có thể giúp bạn xây dựng công trình dang dở, giúp bạn bê chồng sách, trải nệm, trải khăn bàn Sự giúp đỡ này diễn ra một cách tự nhiên mà không hề có sự tác động hay nhắc nhở của giáo viên. Ngoài ra, trẻ còn biết chỉ huy, đề xướng khi chơi, khi học tập hoặc lao động tự phục vụ. Chẳng hạn: trong hoạt động vui chơi, trẻ là người phân vai chơi cho các bạn và đề xướng nội dung trò chơi. Khi hoạt động nhóm trong trò chơi học tập, trẻ thường nêu lên ý tưởng và mạnh dạn phân công công việc cho từng bạn. Hay trong các hoạt động lao động tự phục vụ, trẻ phân công bạn nào xếp nệm, bạn nào trải khăn bàn, bạn nào chồng ghế và tất cả những công việc trên các bạn của trẻ đều vui vẻ thực hiện dưới sự phân công của “thủ lĩnh”. Dĩ nhiên, thủ lĩnh đó luôn được bạn bè yêu mến, vị nể. 2.2.4. Giao tiếp tốt Tính thủ lĩnh còn được thể hiện khi Ý kiến trao đổi Số 57 năm 2014 _____________________________________________________________________________________________________________ 80 đứa trẻ có khả năng giao tiếp tốt. Nghĩa là biết lắng nghe người đối diện và biết chia sẻ cảm xúc với người khác, luôn tự tin, dạn dĩ trước tập thể, có ý thức về giá trị bản thân, có mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh, mạnh dạn phát biểu ý kiến trong giờ học, nêu lên ý tưởng trong giờ chơi, chỉ huy bạn trong hoạt động nhóm Khả năng giao tiếp của trẻ tốt còn thể hiện ở việc biết diễn đạt ngôn ngữ mạch lạc, trôi chảy, tạo được ấn tượng với bạn bè và mọi người xung quanh; biết đặt ra câu hỏi trong giao tiếp, biết cách nói chuyện một cách logic, rõ ràng và biết thuyết phục người khác đồng ý theo quyết định của mình. Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy, hình thành và phát triển nhân cách, là công cụ để trẻ giao tiếp, vui chơi, học tập. 2.3. Làm thế nào để phát huy tính thủ lĩnh cho trẻ? Tính thủ lĩnh của trẻ nếu được nuôi dưỡng và rèn luyện thì trong tương lai trẻ sẽ sớm trở thành một nhà lãnh đạo thành công. Thế nên giáo viên và cha mẹ cần phải quan tâm và giáo dục một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ. Với thực tế ở Việt Nam hiện nay, các trường mầm non đa số là quá tải, sỉ số trẻ trong một lớp thường rất đông nên rất khó khăn cho giáo viên mầm non trong quá trình rèn luyện và phát huy tính thủ lĩnh. Bởi lẽ, khi đông trẻ, mọi hoạt động diễn ra rất phức tạp, trẻ hay bắt chước nhau. Cho nên, nếu có sự xuất hiện của thủ lĩnh tiêu cực sẽ dễ dẫn đến hiện tượng a dua. Trẻ không phân biệt đâu là hành động đúng, đâu là hành động sai nên việc cùng nhau hành động là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, khi đông trẻ, giáo viên không thể quán xuyến và quan tâm hết từng trẻ nên việc bỏ sót hay không phát hiện ra những thủ lĩnh cũng có thể xảy ra. Đôi khi, giáo viên có phát hiện ra thủ lĩnh nhưng vì quá đông trẻ nên thường thờ ơ, không quan tâm, thường hay áp đặt trẻ trong quá trình chơi, ấn định trẻ nào chơi vai nào, chơi góc nào mà không để trẻ tự do lựa chọn theo ý thích. Rõ ràng, điều đó đã làm giảm đi cơ hội thể hiện mình của trẻ, dần dần trẻ sẽ không còn tích cực, tự tin, chủ động trong học tập, vui chơi. Với thực trạng trên, thiết nghĩ nếu có biện pháp tác động phù hợp, tính thủ lĩnh của trẻ sẽ được duy trì và phát huy cho đến lớn. Dưới đây là một số biện pháp tiêu biểu. 2.3.1. Giao nhiệm vụ Giao nhiệm vụ giúp trẻ nhận ra trách nhiệm của bản thân đối với người thân và bạn bè. Giao nhiệm vụ cũng là một cách giúp trẻ cảm thấy mình được tôn trọng và được đối xử như một người lớn thực thụ. Từ đó, trẻ cảm thấy tự tin, hứng thú và quyết tâm thể hiện nhiệm vụ cho tới cùng để được người lớn khen và tin tưởng. Tuy nhiên, người lớn khi giao nhiệm vụ cho trẻ cũng không nên quá xem trọng kết quả mà nên chú ý tới cả quá trình trẻ làm như thế nào. Chẳng hạn ở lớp, giáo viên yêu cầu trẻ hoàn thành nhiệm vụ nào đó trong một khoảng thời gian nhất định, như: ăn trong bao lâu, chơi trong bao lâu, sắp xếp đồ chơi trong bao lâu Đồng thời cũng nên giao yêu cầu cho từng tổ hoàn thành công việc nào Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Thị Ái Loan _____________________________________________________________________________________________________________ 81 đó. Ví dụ: Tổ Ong Vàng trải nệm, tổ Kiến Nâu lau bàn, tổ Nhím Xinh chồng ghế Và khi đó, trong tổ sẽ xuất hiện thủ lĩnh phân công nhiệm vụ cho từng bạn, đề xướng kế hoạch và thảo luận nhóm để đưa ra kết luận cho nhóm. Khi ở nhà, cha mẹ nên giao cho trẻ những nhiệm vụ vừa sức: xếp quần áo của trẻ, xếp dép, xếp sách vở lên kệ hay lập một kế hoạch cho một chuyến đi chơi dã ngoại, lập kế hoạch cho các bữa ăn, bữa tiệc sinh nhật của bé, của anh chị bé, của ba mẹ bé để bé có tinh thần trách nhiệm với người thân, với bạn bè và những người xung quanh. Thông qua kế hoạch, trẻ biết nên làm việc gì trước, việc gì sau, sắp xếp công việc cho hợp lí, để khi bắt tay vào công việc trẻ sẽ thực hành dễ dàng và khoa học. 2.3.2. Tạo cơ hội cho trẻ giải quyết vấn đề Muốn rèn khả năng ứng xử linh hoạt, khả năng giải quyết vấn đề nhanh nhẹn, giáo viên là người nên tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm với những tình huống có vấn đề để trẻ luôn chủ động tích cực. Và trong quá trình trẻ giải quyết tình huống, vốn kinh nghiệm còn nghèo nàn, hạn hẹp, nên cần có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên. Chẳng hạn: Trong hoạt động vui chơi, ở góc xây dựng, trẻ xây xong bệnh viện trong thời gian rất nhanh và ngồi ngắm công trình của mình. Còn rất nhiều thời gian nhưng trẻ không tiếp tục làm nữa. Cô giáo đến: “Các bạn xây gì mà đẹp thế?” Trẻ trả lời: “Con xây bệnh viện”. Cô giáo gợi ý: “Ồ, bệnh viện này xây sát đường quốc lộ như thế này, nếu người đi bộ ở bên kia đường qua bệnh viện sẽ rất nguy hiểm. Vậy bây giờ mình sẽ làm thế nào?” Trẻ nêu ý kiến: “Thưa cô, con sẽ xây cầu vượt dành cho người đi bộ ạ”. Cô động viên: “Đó là một ý tưởng rất hay, vậy con sẽ xây như thế nào?” Trẻ trả lời với nhiều ý tưởng khác nhau. Và cuối cùng, cô chọn một giải pháp hay nhất. Sau đó, trẻ bắt tay vào việc xây cầu vượt dành cho người đi bộ. Việc tạo cơ hội cho trẻ không đồng nghĩa với việc phải làm thay trẻ mà nên để trẻ tự giải quyết. Chẳng hạn người lớn không nên can thiệp vào những xích mích giữa trẻ với bạn bè mà nên để trẻ tự cư xử và nghĩ ra cách giải quyết. Chẳng hạn: “Cô ơi, bạn Minh không chơi với con”, “Mẹ ơi, chị Trúc đánh con, nói con là đồ ích kỉ” Trong những tình huống như thế, người lớn cần kiên quyết không xen vào mà nên để trẻ tự quyết định. Vì như thế trẻ sẽ không ỷ lại, không có ý nghĩ dựa dẫm mà phải tự mình biết cách ứng xử với bạn bè sao cho hòa đồng, vui vẻ, đoàn kết. Cần đặt ra cho trẻ những tình huống như: Chúng ta đang bị đắm tàu trên 1 hòn đảo và chúng ta phải tìm cách sống sót cho đến khi có người đến giúp đỡ. Phải tìm ra cách nào để có thực phẩm để ăn, bảo vệ mình trước con vật hung dữ và cách sống với người dân bản xứ. Cho trẻ 10 phút để mỗi cá nhân quyết định làm thế nào nếu trẻ là một thuyền trưởng và tàu bị đắm. Sau đó mỗi trẻ sẽ chia sẻ ý tưởng đó cho bạn bè và tìm ra ý tưởng nào khả thi nhất để bắt đầu chuyến phiêu lưu thú vị. [6] 2.3.3. Làm giàu vốn sống, vốn kinh nghiệm cho trẻ Ý kiến trao đổi Số 57 năm 2014 _____________________________________________________________________________________________________________ 82 Các hoạt động trẻ tham gia sẽ là hiệu quả nếu như vốn sống vốn kinh nghiệm của trẻ đa dạng, phong phú. Chẳng hạn như trong trò chơi, nếu trẻ có vốn sống, vốn kinh nghiệm phong phú thì trò chơi của trẻ diễn ra hấp dẫn, lôi cuốn bạn cùng chơi. Còn nếu vốn kinh nghiệm của trẻ nghèo nàn thì trò chơi sẽ khô cứng, chủ đề chơi cứ lặp đi lặp lại hàng ngày không có gì mới làm cho trẻ mất hứng thú, dễ chán nản và dễ bỏ dở giữa chừng. Trẻ có nhiều vốn sống, vốn kinh nghiệm sẽ là điều kiện cần thiết để phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo trong trò chơi cũng như trong các hoạt động học tập. Vốn sống, vốn kinh nghiệm càng nhiều trẻ càng có nhiều ý tưởng để phát triển chủ đề chơi, nội dung chơi và trong các hoạt động khác ở trường mầm non. Chính vì thế, việc lĩnh hội kinh nghiệm và kiến thức được thực hiện thông qua nhiều con đường như giao tiếp với thế giới xung quanh, thông qua các giờ hoạt động có chủ đích và ở mọi lúc mọi nơi với nhiều hình thức như trò chuyện, trải nghiệm, quan sát để kích thích óc tò mò, thích khám phá của trẻ, từ đó tư duy của trẻ phát triển đồng nghĩa với việc phát triển khả năng sáng tạo. Xem tranh ảnh, nghe kể chuyện về những câu chuyện nào đó có nội dung về bạn bè trong nhóm, về những thủ lĩnh trong nhóm chơi. Bên cạnh đó, cho trẻ xem phim hoặc gặp gỡ những nhân vật thiếu nhi nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn để trẻ có dịp tiếp xúc, trò chuyện và rèn cho trẻ lòng tự tin, mạnh dạn khi tiếp xúc với mọi người xung quanh cũng như hình thành khả năng dạn dĩ trước đám đông và dám thể hiện mình trước tập thể. 3. Kết luận Tính thủ lĩnh của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi là một phẩm chất quan trọng của nhân cách, là thể hiện sự tự ý thức và nhu cầu tự khẳng định mình, thể hiện khả năng tự lập, tự điều chỉnh bản thân và biết khởi xướng trong các hoạt động, luôn biết giúp đỡ, lắng nghe và chia sẻ với người khác. Trẻ có tính thủ lĩnh nếu được quan tâm và giáo dục thì trẻ sẽ phát triển tốt về mặt nhân cách cũng như rèn cho trẻ khả năng tư duy, sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề. Trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi là lứa tuổi chuẩn bị bước vào trường phổ thông, sắp thực hiện những công việc như một người học sinh thực thụ, nên việc điều chỉnh hành vi cá nhân, khả năng thỏa thuận, hợp tác với bạn trong nhóm, khả năng đề xướng trong các hoạt động cũng như sự tự tin, mạnh dạn thể hiện mình, thuyết phục người khác là điều rất cần thiết khi trẻ bước vào lớp 1 và các bậc học sau này. Nếu trẻ được giáo dục tính thủ lĩnh tốt thì lớn lên trẻ có thể lãnh đạo người khác hoặc sẽ trở thành một nhà lãnh đạo thành công trong tương lai. Vậy nên, giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ 5-6 tuổi là một nhu cầu cần thiết trong xã hội hiện đại, bởi trước khi muốn lãnh đạo người khác, trẻ phải là người biết lãnh đạo bản thân mình, biết sống có trách nhiệm không những với bản thân mình mà còn với gia đình và xã hội. Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Thị Ái Loan _____________________________________________________________________________________________________________ 83 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vũ Dũng (chủ biên) (2000), Tâm lí học xã hội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 2. Ngô Công Hoàn (1997), Tâm lý học xã hội trong quản lí, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 3. Mukhina (1980), Tâm lí học mẫu giáo, tập II, Nxb Giáo dục. 4. Trần Quốc Thành, Nguyễn Đức Sơn, Tâm lí học xã hội, Nxb Đại học Sư phạm. 5. Nguyễn Ánh Tuyết (chủ biên), Nguyễn Như Mai, Đinh Kim Thoa (2006), Tâm lí học trẻ em lứa tuổi mầm non (từ lọt lòng đến 6 tuổi), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 6. 10904.html 7. (Ngày Tòa soạn nhận được bài: 13-3-2014; ngày phản biện đánh giá: 24-3-2014; ngày chấp nhận đăng: 08-4-2014) TỰ HỌC TỰ BỒI DƯỠNG – MỘT GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO (Tiếp theo trang 76) TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005), Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lí và giáo viên mầm non hè. 2. Đăng Quốc Bảo, Trần Quốc Thành (2008), Một số vấn đề về quản lí giáo dục và lí luận dạy học đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 3. Phạm Mạnh Hùng, Trần Thị Ngọc Trâm (2009), Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lí và giáo viên mầm non năm học 2009 - 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 4. Nguyễn Cảnh Toàn (1997), Khơi dậy tiềm năng sáng tạo, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 5. Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương I (2004), Chuyên đề bồi dưỡng đổi mới chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ngày Tòa soạn nhận được bài: 19-3-2014; ngày phản biện đánh giá: 28-3-2014; ngày chấp nhận đăng: 08-4-2014)
File đính kèm:
- bien_phap_giao_duc_tinh_thu_linh_cho_tre_mau_giao_5_6_tuoi.pdf