Việt nam trong quan hệ Pháp - Trung năm 1884: Một góc nhìn Trung Quốc
Nam du nhật ký là ghi chép của Trịnh Quan Ứng – một trí thức - doanh
nhân Trung Quốc trong chuyến công du tới một số quốc gia ở vùng biển phía
nam quốc gia này vào năm 1884. Trong công vụ này, họ Trịnh đã tới đất Sài
Gòn của Việt Nam, qua Thái Lan (khi ấy được gọi là vương quốc Xiêm La),
Singapour và gặp gỡ những nhân vật Hoa kiều danh giá, thành đạt về địa vị
chính trị và năng lực kinh tế.
Theo lời nói đầu của Hạ Đông Nguyên khi biên tập ấn bản Trịnh Quan
Ứng tập năm 1982,(1) Trịnh Quan Ứng được đánh giá là nhà tư tưởng theo
khuynh hướng cải cách, một thành viên của giai cấp tư sản Trung Quốc thời cận
đại, thừa hưởng truyền thống môi giới thương mại của gia tộc ở Quảng Đông và
bản thân có thâm niên kinh doanh công thương nghiệp. Trong 65 năm tham
gia các hoạt động xã hội từ thập niên sáu mươi của thế kỷ XIX tới thập niên 20
của thế kỷ XX, Trịnh Quan Ứng từng đảm trách nhiều vị trí chủ chốt trong các
hoạt động kinh doanh hàng hải Anh Quốc và Trung Quốc. Kinh doanh chuyên
nghiệp song tư tưởng chủ đạo của họ Trịnh là “phú cường cứu quốc”. Điều này in
dấu rõ rệt trong mọi hành động và trước tác của ông. Nam du nhật ký thuộc tập
thượng của Trịnh Quan Ứng tập, là một tác phẩm thuộc nội dung ghi chép tư
tưởng và hoạt động xã hội của Trịnh Quan Ứng, trong tương quan với hệ thống
sáng tác khác về y dược và quan niệm mê tín phong kiến của ông.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Việt nam trong quan hệ Pháp - Trung năm 1884: Một góc nhìn Trung Quốc
145Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (126) . 2015 VIỆT NAM TRONG QUAN HỆ PHÁP-TRUNG NĂM 1884: MỘT GÓC NHÌN TRUNG QUỐC Việt Anh* Khai phá giá trị tư liệu du ký của Trịnh Quan Ứng Nam du nhật ký là ghi chép của Trịnh Quan Ứng – một trí thức - doanh nhân Trung Quốc trong chuyến công du tới một số quốc gia ở vùng biển phía nam quốc gia này vào năm 1884. Trong công vụ này, họ Trịnh đã tới đất Sài Gòn của Việt Nam, qua Thái Lan (khi ấy được gọi là vương quốc Xiêm La), Singapour và gặp gỡ những nhân vật Hoa kiều danh giá, thành đạt về địa vị chính trị và năng lực kinh tế. Theo lời nói đầu của Hạ Đông Nguyên khi biên tập ấn bản Trịnh Quan Ứng tập năm 1982,(1) Trịnh Quan Ứng được đánh giá là nhà tư tưởng theo khuynh hướng cải cách, một thành viên của giai cấp tư sản Trung Quốc thời cận đại, thừa hưởng truyền thống môi giới thương mại của gia tộc ở Quảng Đông và bản thân có thâm niên kinh doanh công thương nghiệp. Trong 65 năm tham gia các hoạt động xã hội từ thập niên sáu mươi của thế kỷ XIX tới thập niên 20 của thế kỷ XX, Trịnh Quan Ứng từng đảm trách nhiều vị trí chủ chốt trong các hoạt động kinh doanh hàng hải Anh Quốc và Trung Quốc. Kinh doanh chuyên nghiệp song tư tưởng chủ đạo của họ Trịnh là “phú cường cứu quốc”. Điều này in dấu rõ rệt trong mọi hành động và trước tác của ông. Nam du nhật ký thuộc tập thượng của Trịnh Quan Ứng tập, là một tác phẩm thuộc nội dung ghi chép tư tưởng và hoạt động xã hội của Trịnh Quan Ứng, trong tương quan với hệ thống sáng tác khác về y dược và quan niệm mê tín phong kiến của ông. Tác phẩm du ký của họ Trịnh được phương Tây biết tới nhờ khảo cứu của học giả Pháp, trước tiên là của Claudine Salmon và tiếp đó là công bố chung của bà cùng với Tạ Trọng Hiệp.(2) Qua đó, người đọc được biết về chuyến công du tới Nam Kỳ (Việt Nam) của Trịnh Quan Ứng vào năm 1884: “ diễn ra vào đêm trước của cuộc chiến Pháp-Trung, có mục đích là sẵn sàng thế phòng vệ người Pháp ở Nam Kỳ, với hy vọng tiến hành công kích họ. Trịnh Quan Ứng (1842-1922) – nhà ái quốc chuyên môi giới kinh doanh đồng thời cũng là nhà cải cách – được giao nhiệm vụ đi nắm bắt thực lực của đối phương ở các nơi và mời gọi sự hợp tác tài chính của những đại thương gia Hoa kiều (Singapour, Pinang, Bangkok); thế nhưng có nhiều sự kiện diễn ra dồn dập và sứ mệnh của ông đã kết thúc một cách đột ngột. Tuy vậy du ký của ông mang tên “Nam du nhật ký” đã được gửi gắm cho các nhà chỉ huy quân sự ở Quảng Đông, những người đã ký thác cho ông sứ mệnh cũng như đã chứng thực với ông như một bước mở đầu cho trọng trách của dự định này. Văn bản này ban đầu rơi vào lãng quên, về sau đã được xuất bản ở Đài Loan * Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam. TƯ LIỆU 146 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (126) . 2015 với hình thức bản sao chụp vào năm 1965, rồi được tái bản sau đó ở Trung Quốc lục địa.”(3) Các nhà khảo cứu tiên phong cho rằng văn bản Nam du nhật ký vào thời điểm mới ra đời đã bị quên lãng. Cần nhắc lại, đây là ghi chép trong một sứ mệnh có tính bảo mật theo chủ ý của những người lãnh đạo đương thời. Có thể chăng, việc xuất bản tác phẩm này như là một sự giải mật vào thời điểm thích hợp? Dù sao, kết quả khảo cứu tư liệu du ký này của Claudine Salmon đóng góp đáng kể cho những nghiên cứu tiếp theo về Trung Quốc và các quốc gia liên quan, nhất là có ý nghĩa quan trọng đối với nghiên cứu về Việt Nam và Sài Gòn của Việt Nam giai đoạn thuộc Pháp. Có thể tìm thấy lời tưởng thưởng dành cho Claudine Salmon qua một bài viết của học giả Léon Vandermeersch được xuất bản năm 2008.(4) Trong đó, ông cho biết: “Ghi chép về lịch sử Việt Nam được Trịnh Quan Ứng biên soạn trong phụ lục của ‘Nam du nhật ký’ là nội dung của một đoạn giới thiệu ngắn trong nghiên cứu xuất sắc của Claudine Salmon được mang tên ‘Trois regards chinois sur le Vietnam des années 1880-1890’ [Ba quan sát của người Trung Quốc về Việt Nam những năm 1880-1890].”(5) Đoản văn mà Vandermeersch đề cập là một trong số phụ lục của Nam du nhật ký có tên “Việt Nam lập quốc thất quốc nguyên ủy” [Nguồn ngọn dựng nước mất nước của Việt Nam]. Đây là bài luận súc tích về lịch sử Việt Nam khởi từ thượng cổ tới nửa sau thế kỷ XIX. Hạn chế phân tích, bình luận sự kiện, Trịnh Quan Ứng rành mạch đi theo diễn tiến lịch đại để hệ thống hành trình lịch sử của nước Việt. Trong bài viết của mình, đối với phụ lục này, Vandermeersch đề cập theo nguồn của Claudine Salmon, cung hiến chế bản chữ Hán (tương đối khó đọc vì chữ nhỏ) và dịch, chú thích ra Pháp văn dựa vào nguyên bản Hán văn được ấn hành tại Thượng Hải năm 1982. Diễn dịch tư liệu du ký của Trịnh Quan Ứng Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX đối diện và chứng kiến nhiều biến cố lịch sử lớn không chỉ với riêng nước Việt. Năm 1884, Việt Nam chính thức trở thành thuộc địa toàn phần của thực dân Pháp. Cùng thời điểm, cuộc chiến Pháp-Trung nổ ra. Năm này, Trung Quốc thêm một lần chấp nhận ký với Pháp bản điều ước Thiên Tân bất bình đẳng, trong đó có những điều khoản áp đặt tương tự như nhà Nguyễn của Việt Nam phải gánh chịu: nhượng địa, bồi thường chiến phí Trước đó một năm, chính quyền nhà Thanh, đặc biệt là những người cai quản vùng đất Lưỡng Quảng (Quảng Đông-Quảng Tây) giáp Việt Nam đã cắt cử một công vụ mật tới Việt Nam và các quốc gia khác trong vùng biển phía nam để tìm cách đương đầu với sức mạnh Pháp. Từ công vụ mật này, một tác phẩm du ký có tên Nam du nhật ký được biên soạn vào năm 1884. Trong đó, đoản văn “Việt Nam lập quốc thất quốc nguyên ủy” tái hiện một cách cô đọng diễn tiến lịch sử nhiều biến động của Việt Nam trong tương quan với các nước, đồng thời phản ảnh sắc nét quan niệm của người Trung Quốc về vị thế của Việt Nam trong thế cuộc. 147Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (126) . 2015 Sau đây là bản dịch Việt văn một số đoạn trong Nam du nhật ký có khả năng cung hiến tới độc giả nhiều tư liệu về chuyến công du mật năm 1884 của một tác giả Trung Quốc tới Việt Nam và quan điểm của tác giả về nước Việt, nhất là toàn bộ đoản văn về ngọn nguồn dựng nước, mất nước của Việt Nam từ truyền thuyết tới sử liệu. Bài tự tựa sách “Nam du nhật ký”(6) Từ khi hưng thịnh những sáng chế do người Tây phát minh về tàu thủy, đường sắt thì không nơi hiểm yếu nào không tới được, không chốn xa xôi nào không nối thông. Cho nên kẻ sĩ được thích chí bốn phương, thường coi việc đi khắp địa cầu là một thú vui lớn. Đại khái từ nay về sau được nhìn thấy những gì chưa từng thấy, được nghe thấu những gì chưa từng được nghe. Tôi rất ngưỡng mộ điều này, chỉ bởi việc công chồng chất chưa được toại nguyện. Xuân này bọn mọi Pháp xâm chiếm đất Việt Nam [của] ta, Đại Tư mã Bành Ngọc Lân chuyên quản phòng thủ miền Quảng Đông có tâu [bề trên] xin điều Quan Ứng tới đất Điền Việt, truyền hịch đi Sài Gòn, Xiêm La để trinh thám tình hình quân địch. Riêng nghĩ người Pháp từ Paris tới miền Hoa Hạ, đường thủy tới hơn hai vạn lý, đáng lẽ không thể mãi kiêu căng, thế mà lại có thể thôn tính những nơi phên giậu [của ta], gây phiến loạn miền Hoa Hạ. Người ta chỉ thấy thế lực bành trướng của nó mà không thấy [hết] được cái khí chất đã mục ruỗng của nó, cho nên [nó] phải lấy đất Sài Gòn làm chốn hội tụ để lấy đường vận chuyển. Thế thì tôi cho rằng ngày nay muốn mưu tính [đương đầu] với Pháp, nếu không phải tính ở Sài Gòn thì còn tính ở đâu được đây? Tuy nhiên, không dễ dàng gì. Người Pháp từ niên hiệu Hàm Phong thứ 9 [1859] chiếm đoạt Sài Gòn, đặt chức trách Thống đốc cai quản cả miền, kinh dinh kiến thiết 12 năm không chút ngơi tay, ngoài thời hòa hảo với lân bang, trong thời nuôi dã tâm thôn tính. Các đảo của Xiêm La, Miến Điện không biết đoàn kết, bị rơi vào túi tham của kẻ đó. Nếu có thể uyển chuyển không ngừng tìm mưu tính kế, hợp cùng Trung Quốc chung sức chế ngự kẻ mạnh bên ngoài thì không chỉ người Pháp không đáng sợ mà cả người Anh cũng không dám kiêu hùng chiếm ngự đất Nam Dương. Chuyến đi này của tôi: đầu tiên tới Sài Gòn, tiếp đó sang Xiêm La [Thái Lan], sau nữa tới Kim Biên [Phnom Penh], cũng muốn từ Sài Gòn theo tàu biển tới các xứ Tân Châu, Quảng Ngãi, Hội An; rồi vào Hà Nội, ra Hải Phòng, về lại vùng Bắc Hải của Liêm Châu.(7) Muốn nắm bắt tận cùng hình thế, duyên hải, ranh giới Trung-Việt, thấu hiểu hết thảy căn cơ cốt yếu thực lực của kẻ di mọi. Tiếc là Lạng Sơn khởi loạn,(8) rong ruổi chưa khắp, bị trở ngại phải trở ra, điều này thực trong dạ không thỏa nguyện. Thế nhưng xem những hang ổ của người Pháp, những thiết kế thực thi của nước di mọi, quy mô đại lược nói chung như vậy thì cũng đáng là mối lo muôn một đó! Nếu thói thường coi việc thăm thú quả đất tròn là cuộc đại du lịch, thì chắc hẳn có phần thẹn ở chuyến này. Niên hiệu Quang Tự năm thứ 10 [1884], năm Giáp Thân, tháng mạnh thu [tháng 8], Hương Sơn Trịnh Quan Ứng kính cẩn đề tại trai phòng Dung Kinh Chú Sử(9) thuộc thư viện Ứng Nguyên tại Dương Thành.(10) 148 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (126) . 2015 Ngọn nguồn dựng nước, mất nước của Việt Nam(11) [Các vấn đề] thế hệ, diên cách của Việt Nam đã được Tổng đốc [Quảng Tây] Từ Hiểu Sơn(12) nói kỹ trong tác phẩm “Việt Nam tập lược”. Đại để, thời thượng cổ đã có tên là Giao Chỉ, tự xưng là hậu duệ của Thần Nông, sau hiệu là Lạc Hùng thị. Thời nhà Chu có họ Việt Thường sống ở phía nam Giao Chỉ, vương tử nhà Thục diệt họ Lạc Hùng xưng An Dương Vương. Tần Thủy Hoàng thâu tóm vùng đất này, đặt làm ba quận. Đầu đời Hán, Nam Việt Vương diệt An Dương Vương. Đến lượt [đời Hán] Vũ Đế diệt Nam Việt, đặt [chế độ] quận huyện; đến thời đại Ngũ quý(13) đều là quận huyện của Trung Quốc. Thời Đường đặt ra đạo An Nam, khởi tên An Nam từ đó, đương thời tương đương các vùng An Đông, An Tây, An Bắc. Đầu niên hiệu Càn Đức (963-968) đời Tống, phong Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương, thế là thành đất di mọi [chư hầu của thiên triều]. Giữa niên hiệu Thuần Hy [1174-1189],(14) tiến phong Lý Thiên Tộ làm An Nam quốc vương. Danh xưng An Nam trở thành tên nước bắt đầu từ đó. Từ đời Tống tới đời Minh, năm họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ nối nhau đều nhận phong từ Trung Quốc. Khoảng giữa niên hiệu Vĩnh Lạc [1402-1424](15) thảo phạt cha con Hồ Nhất Nguyên,(16) bình định nước này, đưa trở lại [chế độ] quận huyện. Lê Lợi phản nghịch, rồi biết quay đầu nhận tội, được [thiên triều] trao quyền quản An Nam quốc sự, vậy là thành cát cứ. Khoảng giữa niên hiệu Chính Thống [1435-1449],(17) phong con của Lợi là Lân(18) làm An Nam quốc vương. Đến triều đại [Thanh quốc] đương thời, hai họ Lê, Nguyễn đều chịu sách phong [từ Trung Quốc]. Từ niên hiệu Thuần Hy đời Tống tới nay, nước này đều mang tên là An Nam. Tên gọi Việt Nam được khởi từ Thái Tổ của vương triều hiện tại. Ban đầu, hậu duệ của bề tôi vương triều nhà Lê là Nguyễn Kim lập quốc ở miền Nông Nại,(19) đời con cháu suy vi, trước đó bị An Nam vương Nguyễn Quang Bình(20) bức bách phải nương thân miền biên cảnh Xiêm La; đến đời Nguyễn Phúc Ánh khởi binh nơi đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Hà Tiên, có điềm lạ là đôi kình ngư bảo hộ tàu thuyền,(21) thế là khôi phục được địa bàn cũ đồng thời diệt được An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình. Rồi dâng biểu tới [thiên triều] xin được phong, nói rằng nước này là đất cũ của họ Việt Thường, nay gồm cả An Nam, xin lấy tên Việt Nam làm tên nước; liền được phong làm Việt Nam quốc vương, khi ấy là niên hiệu Gia Khánh(22) năm thứ sáu [1801]. Ấy là Thái Tổ Cao vương [nhà Nguyễn], niên hiệu Gia Long, tại vị 18 năm. Người con trai kế thừa là Nhân vương Phúc Noãn,(23) niên hiệu Minh Mệnh, tại vị 21 năm. Người con trai kế thừa là Chương vương Phúc Miên,(24) niên hiệu Thiệu Trị, tại vị 7 năm. Người con trai kế thừa là vị vương đương nhiệm Phúc Thì, niên hiệu Tự Đức. Niên hiệu Quang Tự thứ 9 tức là năm Tự Đức thứ 35 (1882), [vị vua này] không có con, dự định chọn trong số ba người cháu ruột lựa lấy người hiền để lập làm thừa kế. Đầu niên hiệu Hàm Phong,(25) giáo sĩ Pháp Quốc đi truyền giáo ở Việt Nam, người hùa theo đông lắm, khác biệt so với Nho giáo, khi ấy hai bên công kích nhau, từng giết năm vị giáo sĩ người Pháp. Pháp Quốc tính dấy binh hỏi tội mà chưa có kết quả. Đến khi người Anh gây việc ở Trung Quốc, quân Pháp 149Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (126) . 2015 cũng dự vào. Sau hòa ước [Thiên Tân 1858] được lập, người Pháp chuyển quân tấn công Việt Nam, niên hiệu Hàm Phong thứ tám [1858] chiếm lấy trấn Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, nay mang tên là Tourane [Độ Dan].(26) Khi tiến công Thuận Hóa, binh lính [Pháp] không hợp thủy thổ, nhiều phần tử vong và thương tích, [quân Pháp] bèn chuyển hướng sang Gia Định, đến niên hiệu Hàm Phong thứ chín (1859) thì chiếm trọn miền đất này. Người Pháp nuôi chí giữ hận báo thù, ban đầu không muốn chiếm cứ đất này, rồi sau thấy đất đai màu mỡ, tàu buôn tấp nập, rất đáng giá đất lành cho việc thông thương. Khi ấy người Anh đã sở hữu Singapour, Hông Kông, người Pháp cũng manh nha ý định chiếm cứ [thuộc địa]. Bèn tâu xin Hoàng đế Pháp Quốc cho lấy Gia Định, thiết lập bến tàu. Rồi đề nghị với Espagne [Y Sĩ Ban quốc] tức Đại Lữ Tống quốc để mượn quân. Nữ hoàng nước ấy có quan hệ hôn nhân thân thiết với Hoàng đế nước Pháp,(27) liền khởi mấy ngàn binh ở Tiểu Lữ Tốn ... mất nước tức là khi tuột khỏi sự phụ thuộc của Trung Quốc, rơi vào sự dẫn dắt của chủ thể khác. Vị thế chiếu dưới của Việt Nam trong thế cuộc chính trị đương thời hiển hiện rành mạch trong ghi chép của Trịnh Quan Ứng - một học giả Trung Quốc 153Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (126) . 2015 có xu hướng hoạt động chính trị. Dù vậy, qua góc nhìn khắt khe cố hữu của một người Trung Quốc có tầm vóc đa quốc gia về tư tưởng và độ từng trải, không ít chiêm nghiệm dành cho Việt Nam có thể rút ra. Tám thập niên kể từ giữa thế kỷ XIX khi người Pháp từng bước chiếm hữu Việt Nam, cũng là chừng ấy thời gian người Trung Quốc – hiện hữu là các lực lượng quân sự bạo loạn thất thế từ Trung Quốc tràn sang – khuấy nhiễu khắp Bắc Kỳ. Những cánh tàn quân này, đồng thời với việc gây rối đời sống nhân dân địa phương, cũng đem đến không ít tổn thất quân sự-kinh tế cho người Pháp. Như thể hiện trong đoản văn “Việt Nam lập quốc thất quốc nguyên ủy” của Trịnh Quan Ứng, đây chính là những lực lượng Trung Quốc duy trì được trong nhiều năm hoạt động tấn công-phòng ngự người Pháp ở Bắc Kỳ. Cho đến khi họ (quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, quân viện trợ từ Lưỡng Quảng sang) thất thế thoái lui về mạn biên giới phía bắc Việt Nam, “Thế là các tỉnh Bắc Kỳ của Việt Nam đều thuộc về tay người Pháp”. Bắc Kỳ về vị trí địa lý có nhiều tỉnh là biên giới Việt-Trung, là những vùng đất mà Trung Quốc am hiểu tường tận và nhiều lần xâm phạm qua hằng thế kỷ. So với Nam Kỳ, miền Bắc nước Việt gần hơn cho Trung Quốc khi cần can thiệp quân sự để điều khiển chính trị. Việt Nam trong truyền thống cũng bao phen dốc sức toàn quốc bảo vệ biên giới phía bắc. Trịnh Quan Ứng từ Trung Quốc nhưng có cái nhìn khác: nung nấu chí hướng công kích sức mạnh Pháp, chấn hưng Trung Quốc, tái thiết vị thế quốc gia trên thế giới, ông nhận ra tầm quan trọng thiết yếu của miền Nam Việt Nam, cụ thể là Sài Gòn. Đây là nơi chính người Pháp đã phát hiện và nhanh chóng kiến thiết cơ sở đứng chân, thể chế hóa thành thuộc địa để tận dụng những ưu thế thiên thời địa lợi nhằm súc tích tiềm lực kinh tế, phát huy lợi thế hàng hải quân sự từ miền Trung. Sài Gòn trong hệ thống tương quan với các quốc gia có biển như Thái Lan, Singapour, Malaysie, Mianma chiếm vị trí đắc địa. Thêm một yếu tố đáng kể, hệ thống các địa phương lợi thế về hàng hải này là những địa bàn kinh doanh lâu năm và hữu hiệu của nhiều thương gia Trung Quốc nói chung và Hoa kiều nói riêng. So sánh với các lực lượng quân sự gốc Hoa ở Bắc Kỳ, thực lực của đội ngũ thương gia gốc Hoa này có lẽ là giải pháp thích đáng cho sức mạnh Trung Quốc ở Nam Kỳ của Việt Nam. Một trong những mục đích của công vụ mật năm 1884 của Trịnh Quan Ứng là tận dụng quan hệ với những nhân vật như thế – những thương gia có viễn kiến chính trị, giàu có về tài chính, am hiểu Việt Nam và thực lực người Pháp ở Việt Nam. Lữ Thành được Trịnh Quan Ứng nhắc tới trong Nam du nhật ký là một nhân vật tiêu biểu, người “từ nhỏ buôn bán ở Nam Dương, qua lại Xiêm, Việt, [tính người] hào hoa trượng nghĩa, đồ đảng rất đông, từng bị người Pháp gây khó dễ nhiều lần tại Sài Gòn, từng trình bày mưu kế khôi phục, rành rọt sáng rõ. Tôi rất hòa hợp với người ấy, muốn thu phục làm việc cho nước nhà, khiến thâm nhập vào những nơi trọng yếu của Xiêm, Việt để thám sát tình hình”.(45) Không chỉ thực hiện quyết sách cầu kiếm và hội tụ sức mạnh kinh tế- chính trị của Hoa kiều, Trịnh Quan Ứng nhìn ra thế mạnh liên kết các quốc gia để đương đầu với phương Tây. Trong nhật ký, ông viết: 154 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (126) . 2015 “Nay người Pháp tỏ ra hung mạnh, chiếm cứ An Nam, diệt Phnom Penh [Kim Biên]; người Anh ngang ngược âm mưu, chiếm cứ Ấn Độ, đoạt Miến Điện, lại thôn tính cả các đảo miền Nam Dương ngoài lãnh hải. Lúc này đều cứ giả danh là thông thương, truyền giáo, kỳ thực ắt là thâm tâm tính kế. Việt Nam đã chịu tiếng ngu, ắt sớm sẽ bị thuận theo mà khuất phục bạo lực. Nếu Xiêm La còn ngờ vực nhìn quanh, không liên kết với Miến Điện để phụng sự Trung Quốc, tương lai ắt sẽ dẫm phải vết đi trước của Việt Nam, không bị người Anh làm loạn thì cũng bị người Pháp tiêu diệt.(46) Không thoát khỏi quan niệm độc tôn Trung Quốc, song họ Trịnh nhận rõ tầm quan trọng của việc liên kết các nước trong khu vực để đương đầu với phương Tây. Tự coi Trung Quốc là trung tâm và đòi hỏi các nước chung quanh tìm về xin quy phục, tâm thế đó không che phủ được kỳ vọng liên minh đa quốc gia của nhà hoạt động chính trị kiêm thương gia này. Có điều, nếu hình thành được mô hình liên minh các chính phủ như vậy, Trung Quốc của Trịnh Quan Ứng phải ngồi ở chiếu trên. Với tư tưởng bá chủ tiêu biểu, một khi tự hiểu và tự tìm được chiến lược phục hưng cho quốc gia mình, người Trung Quốc đầy sắc sảo như Trịnh Quan Ứng đương nhiên nhận thức sâu sắc một chiến lược khác áp dụng cho các nước láng giềng. Nói cụ thể, nếu trên lãnh thổ Việt Nam, người Pháp từng áp dụng kế sách chia để trị, thì trong đường lối ngoại giao đối với láng giềng, Trung Quốc cũng không hoan nghênh các liên kết quốc gia thoát Trung, càng không mong muốn địa vị thiên triều của mình bị xóa bỏ. Mối lo này của họ chính là nhược điểm của họ! V A CHÚ THÍCH (1) Nguyên bản Hán văn có tên Trịnh Quan Ứng tập, Thượng Hải Nhân dân xuất bản xã, 1982. Văn bản Nam du nhật ký được sử dụng trong bài viết nằm trong ấn bản này (tr. 941-1009). (2) Claudine Salmon và Tạ Trọng Hiệp, “Les récits de voyage chinois comme source pour l’étude du Vietnam (Xe-XXe)”, trong Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient (BEFEO), năm 1996, tập 83, số 83, tr. 67-87. (3) BEFEO, đã dẫn, tr. 77 (V.A. dịch). (4) Léon Vandermeersch, “Une note chinoise de 1884 sur l’Histoire du Vietnam”, trong Monde du Viêt Nam [Thế giới của Việt Nam], Les Indes Savantes, 2008, tr. 243-251. Đây là tập hợp nghiên cứu của nhiều học giả quốc tế dành để tôn vinh thành tựu khoa học của Giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh. (5) V.A. dịch. (6) Nguyên văn chữ Hán dựa vào ấn bản của Thượng Hải, đã dẫn. Thượng sách, tr. 941-942. (7) Tên gọi trước của đất Hợp Phố, thuộc khu tự trị Choang ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). (8) Chỉ trận Bắc Lệ (còn được gọi là trận chiến cầu Quan Âm) tại Lạng Sơn. Sự kiện này xảy ra từ ngày 23 tháng 6 tới mùng 3 tháng 7 năm 1884, trong bối cảnh người Pháp vì tự tin vào trật tự được định đoạt sau hiệp ước Việt-Pháp và điều ước Pháp-Thanh đều được ký kết trong nửa đầu tháng 6, đã kéo quân lên tiếp quản các tỉnh thành Lạng Sơn, Cao Bằng. Không ngờ, lực lượng liên minh quân sự Việt-Trung đồn trú quanh thành Bắc Lệ, cầu Quan Âm đã không nhượng bộ, tấn công mãnh liệt gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp. (9) Dung kinh chú sử: nghĩa là sôi kinh nấu sử. (10) Thuộc thành phố Quảng Châu (Trung Quốc). (11) Nguyên văn chữ Hán dựa vào ấn bản của Thượng Hải, đã dẫn. Thượng sách, tr. 985-988. 155Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (126) . 2015 (12) Tức Từ Diên Húc (?-1884), khi ấy là Tổng đốc Quảng Tây. (13) Ngũ quý: tức 5 triều đại Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu ở Trung Quốc (907-979). (14) Niên hiệu đời vua Tống Hiếu Tông (Trung Quốc). (15) Niên hiệu đời vua Minh Thái Tông (Trung Quốc). (16) Tức Hồ Quý Ly. (17) Niên hiệu đời vua Minh Anh Tông (Trung Quốc). (18) Minh sử của Trung Quốc chép người con nối ngôi của Lê Lợi tên là Lân, tức là Hoàng Thái tử Lê Nguyên Long, sau khi lên ngôi được truy phong miếu hiệu là Lê Thái Tông. (19) Vùng đất nằm phía đông bắc Nam Bộ, nay thuộc thành phố Biên Hòa. (20) Chỉ Nguyễn Huệ (1753-1792), một trong những thủ lãnh của phong trào Tây Sơn, sau lên ngôi Quang Trung Hoàng đế. (21) Theo diễn giải của Léon Vandermeersch, đây là cách diễn đạt đầy văn chương của một thực tế là khi ấy, Nguyễn Phúc Ánh có được sự trợ giúp đắc lực của hai sức mạnh: một là hai tàu lớn từ châu Âu tới viện trợ theo đề nghị của giáo sĩ Pigneau de Behaine và một là những đội tàu chiến dũng mãnh do chính Nguyễn Phúc Ánh lập ra để chiến đấu với quân Tây Sơn, giành lại vương quyền của tiền nhân là các chúa Nguyễn. (22) Niên hiệu đời vua Thanh Nhân Tông (Trung Quốc). Chính xác là năm Gia Khánh thứ 9 (1804). (23) Ở đây có sự nhầm lẫn của tác giả Trung Quốc Trịnh Quan Ứng. Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, vua Gia Long ngoài tên húy là Ánh còn có các tên gọi khác là Noãn và Chủng. Như vậy, Nguyễn Phúc Noãn chính là Nguyễn Phúc Ánh. Nối ngôi của Nguyễn Phúc Ánh là vị vua có niên hiệu Minh Mệnh. Đây là người con trai thứ tư của Nguyễn Phúc Ánh, húy là Đảm, cũng có tên gọi là Kiểu. Léon Vandermeersch cho rằng có sự nhầm lẫn về tự dạng giữa chữ Noãn 暖 và chữ Kiểu 皎 (tuy nhiên ông phiên âm chữ 皎 là Giao). (24) Tên chính xác là Nguyễn Phúc Miên Tông, tức vua Thiệu Trị. (25) Hàm Phong (1851-1861): Niên hiệu một vị vua Trung Quốc đời nhà Thanh. (26) Từ đây tới cuối bài, các danh từ riêng trong ngôn ngữ Latin vốn được Trịnh Quan Ứng phiên âm bằng chữ Hán sẽ được đặt trong ngoặc vuông ngay sau danh từ đã được trả về nguyên âm của nó. Tourane là tên mà người Pháp đặt cho cảng Đà Nẵng. Ở đây, có lẽ Trịnh Quan Ứng có sự nhầm lẫn giữa Tourane (tức Đà Nẵng) và Hội An. Năm 1858, người Pháp nhiều lần uy hiếp quân sự và tấn công Đà Nẵng. Cuối năm này, quân Pháp bị cầm chân tại Đà Nẵng, chưa vào được tới Hội An. (27) Khi ấy, công nương Eugénie de Montijo làm vợ của Hoàng đế Napoléon III. Bà là con gái của một vị Bá tước xứ Espagne. (28) Tức xứ Manille (Philippinne), đương thời là thuộc địa của Espagne. (29) Tức Sài Gòn. (30) Niên hiệu vua nhà Thanh (Trung Quốc), tức năm 1867. (31) Trung Quốc. (32) Trong sử sách Việt Nam, nhân vật này được biết tới với tên gọi Lưu Vĩnh Phúc. (33) Tức địa phận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). (34) Thụy Lân (?-1874), người Mãn Châu, khoảng niên hiệu Đồng Trị được bổ nhiệm Tổng đốc Lưỡng Quảng. (35) Tức Francis Garnier (1839-1873). Trong thư tịch Việt Nam, tên của ông thường được phiên âm là Ngạc Nhi. (36) Trong bài “Une note chinoise de 1884 sur l’Histoire du Vietnam” đã dẫn, Léon Vandermeersch cho rằng Trịnh Quan Ứng nhầm với trận đánh thành Hà Nội lần thứ hai vào năm 1882 do quân Pháp gây ra, khi ấy Tổng đốc thành Hà Nội là Hoàng Diệu. 156 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (126) . 2015 Trong sự kiện thành Hà Nội thất thủ bởi quân Pháp năm 1873 được Trịnh Quan Ứng đề cập, Nguyễn Tri Phương (1800-1873) với trọng trách Khâm mệnh đại thần tại Bắc Kỳ là người đã quyết tử tại thành. (37) Tức cảng Thị Nại, người Trung Quốc gọi là Tân Châu. Đoạn này ngụ ý chỉ khoản XI của hòa ước Giáp Tuất (1874) buộc triều đình Huế phải mở cửa Thị Nại (Quy Nhơn), cửa Ninh Hải (Hải Phòng), thành Hà Nội và Sông Hồng cho người ngoại quốc vào buôn bán. (38) Niên hiệu vua nhà Thanh (Trung Quốc), 1875-1908. (39) Tức Jules Blanscubé (1834-1888). Ông đến Nam Kỳ năm 1865, là thành viên của Hội Tam điểm và phóng viên, cũng là một chiến binh cho tới cuối cuộc chiến Đông Dương. Sau được bổ làm Thị trưởng Sài Gòn vào những năm 1879-1880, rồi Nghị viên. (40) Tức Trung tá Carreau. (41) Chỉ vùng đất mới khai hoang lấn biển thuộc tỉnh Nam Định. (42) Tức Henri Rivière (1827-1883). (43) Tức Alexandre Eugène Bouët (1833-1887). (44) Claudine Salmon (1996), đã dẫn, tr. 225. (45) Trịnh Quan Ứng tập, thượng sách (1982), đã dẫn, tr. 946-947. (46) Như trên. TƯ LIỆU THAM KHẢO (trích yếu) 1. Trịnh Quan Ứng [Zheng Guanying] (1884), “Nam du nhật ký”, trong Trịnh Quan Ứng tập, Tái bản: Thượng Hải Nhân dân xuất bản xã, 1982. 2. Claudine Salmon (1996), “Trois regards chinois sur le Vietnam des années 1880-1890”, trong Récits de voyage des Asiatiques, Paris: EFEO, 1996, tr. 223-251. 3. Claudine Lombard-Salmon và Tạ Trọng Hiệp (1996), “Les récits de voyages chinois comme source pour l’étude du Viêtnam (Xe-XXe siècle)”, trong BEFEO, tập 83, tr. 67-87. 4. Léon Vandermeersch (2008), “Une note chinoise de 1884 sur l’Histoire du Vietnam”, trong Monde du Viêt Nam-Vietnam World. Hommage à Nguyên Thê Anh, Frédéric Mantienne và Keith W. Taylor chủ biên, Paris: Les Indes Savantes, 2008, tr. 243-251. TÓM TẮT Du ký Việt Nam được biên soạn bởi tác giả Trung Quốc từ lâu nay được đánh giá là nguồn sử liệu hữu hiệu để nghiên cứu về Việt Nam và các nước liên quan. Nam du nhật ký được Trịnh Quan Ứng thực hiện năm 1884 là một ví dụ tiêu biểu, từng được học giả Pháp khám phá và khảo cứu. Kế thừa thành tựu đó ở phương diện tận dụng văn bản Hán văn của tác giả họ Trịnh, bài viết gồm ba phần: Khái lược quá trình khám phá giá trị tư liệu du ký của Trịnh Quan Ứng; Giới thiệu, phiên dịch, chú giải một số nội dung tư liệu liên quan Việt Nam trong Nam du nhật ký; Việt Nam trong nhận thức chính trị của Trịnh Quan Ứng. ABSTRACT VIETNAM IN THE FRANCE-CHINA RELATIONS IN 1884: VIEWPOINT OF A CHINESE So far, traveler’s notes on Vietnam compiled by Chinese authors have been regarded as an essential historical source to do research on Vietnam and relevant countries; “Nam du nhật ký” (Diary about the Travel to the South), which was written by Trịnh Quan Ứng in 1884, discovered and studied by French scholars, is a typical example. The article, inheriting previous achievements and takingadvantage of the Chinese text by Trịnh Quan Ứng, includes three parts: Summarizing the process of finding out the documentary value of Trịnh Quan Ứng’s travel diary; Introducing, translating and annotating some contents related to Vietnam in “Nam du nhật ký”; Vietnam in Trịnh Quan Ứng’s political viewpoint.
File đính kèm:
- viet_nam_trong_quan_he_phap_trung_nam_1884_mot_goc_nhin_trun.pdf