Về dạng thức hát kết thúc trong hát đối đáp nam nữ người Việt

Bài viết khảo sát dạng thức hát kết thúc trong hát đối đáp nam nữ người Việt ở cả ba

miền đất nước về đặc điểm nội dung và ngôn ngữ nghệ thuật, chỉ ra một số điểm tương

đồng và dị biệt trong những bài hát này ở các địa phương ( với các bối cảnh khác nhau,

như hát quan họ ở Bắc bộ, hát phường vải ở Trung bộ, hò chèo ghe ở Nam bộ). Cuối cùng,

bài viết trình bày vai trò của dạng thức trong tổng thể cuộc hát đối đáp, trong văn hóa

người Việt và trong việc tìm hiểu các văn bản ca dao.

pdf 8 trang kimcuc 2880
Bạn đang xem tài liệu "Về dạng thức hát kết thúc trong hát đối đáp nam nữ người Việt", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Về dạng thức hát kết thúc trong hát đối đáp nam nữ người Việt

Về dạng thức hát kết thúc trong hát đối đáp nam nữ người Việt
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 3(28) - Thaùng 5/2015 
14 
VỀ DẠNG THỨC HÁT KẾT THÚC 
TRONG HÁT ĐỐI ĐÁP NAM NỮ NGƯỜI VIỆT 
 NGUYỄN THỊ NGỌC ĐIỆP(*) 
TÓM TẮT 
Bài viết khảo sát dạng thức hát kết thúc trong hát đối đáp nam nữ người Việt ở cả ba 
miền đất nước về đặc điểm nội dung và ngôn ngữ nghệ thuật, chỉ ra một số điểm tương 
đồng và dị biệt trong những bài hát này ở các địa phương ( với các bối cảnh khác nhau, 
như hát quan họ ở Bắc bộ, hát phường vải ở Trung bộ, hò chèo ghe ở Nam bộ). Cuối cùng, 
bài viết trình bày vai trò của dạng thức trong tổng thể cuộc hát đối đáp, trong văn hóa 
người Việt và trong việc tìm hiểu các văn bản ca dao. 
Từ khóa: hát đối đáp, hát kết thúc, dạng thức, bối cảnh, văn hóa truyền thống 
ABSTRACT 
The paper examines ending songs of the alternating folksongs between boys and girls 
in the three regions of Vietnam, about some basic features of its content and artistic 
language. This also shows the similarity and difference in ending songs between some 
locals (with differrent performance contexts, for example: “quan ho singing” of Northern 
people, “phuong vai singing” of Central people, “rowing boat singing” of Southern 
people). Finally, it presents the roles of this form toward the alternating folksongs in 
general, toward Vietnamese traditional culture and researching the textual versions of folk 
poetry. 
Keywords: alternating folksongs between boys and girls, ending songs, form, context, 
traditional cuture 
1. Hát đối đáp nam nữ là hình thức ca 
hát dân gian có từ lâu đời tồn tại ở khắp các 
vùng miền trên đất nước Việt Nam, còn được 
gọi bằng nhiều tên khác như dân ca đối đáp, 
đối ca nam nữ, hát đối, hò đối đáp, hát giao 
duyên, hát huê tình, hát nhân ngãi (*) 
Hiểu theo nghĩa rộng, hát là khái niệm 
dùng để gọi chung cho tất cả các hình thức 
diễn xướng lời ca, như hát bộ, hát quan họ, 
hát ví, hát hò, hát lý... Còn xét theo nghĩa 
hẹp, có thể phân biệt giữa hát và hò trong 
một chừng mực nhất định. Theo Từ điển 
văn học, hò là “một loại hình dân ca Việt 
Nam gắn với sản xuất, người lao động vừa 
(*)TS, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM 
làm vừa hát để giảm nhẹ nỗi vất vả, đồng 
thời trao đổi tâm tình, thử thách trí tuệ dưới 
dạng một người xướng lên một đoạn chính 
(hò cái) và xô theo là tiếng ngân nga của số 
đông người (hò con)” [2, tr.599]. Hò có 
mặt ở khắp các vùng miền đất nước, nhưng 
thường được xem là “đặc sản” của Trung 
và Nam bộ như hò mái nhì, hò khoan, hò 
Bến Tre, hò Đồng Tháp Nếu như hò 
thường gắn với các công việc lao động sản 
xuất thì hát gắn nhiều hơn với hội hè, đình 
đám, vui chơi. Hát là diễn xướng có vần có 
điệu theo một bản nhạc, ít nhiểu mang tính 
chất nghệ thuật khuôn khổ. Trong kho tàng 
dân ca người Việt, nổi bật có hát quan họ, 
15 
hát ví, hát đúm, hát trống quân, hát ghẹo 
Tuy có phần khác biệt như vậy, nhưng 
trong dân gian, sự phân định giữa hát và hò 
nhiều khi không rõ ràng, dễ nhập nhằng, 
lẫn lộn. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã nhận xét: 
“Làn điệu hát huê tình nghe buồn man 
mác, nhịp điệu buông lơi, thoải mái. Thoạt 
nghe dễ nhầm lẫn với một số làn điệu hò 
chèo ghe, vì giữa hai thể loại này không có 
ranh giới rõ rệt” [4, tr.110]. 
Giữa hát ghẹo, hát ví, hát trống quân... 
và hò chèo ghe, hò giã gạo, hò cấy... có thể 
khác nhau trong cách thức trình diễn, làn 
điệu âm nhạc... nhưng về bản chất đều là 
sinh hoạt đối ca giữa nam và nữ xoay 
quanh tâm điểm huê tình. Bài viết này quan 
tâm đến điểm chung cốt lõi vừa nêu, đồng 
thời khảo sát các sáng tác trữ tình chủ yếu 
từ bình diện ngôn từ nên thiết nghĩ có thể 
dùng tên gọi hát đối đáp để chỉ chung cho 
tất cả các cách thức diễn xướng đối đáp của 
dân gian, bao gồm cả hát và hò. 
Theo cách hiểu trên đây về hát đối đáp 
thì Bắc Bộ có hát quan họ, hát cò lả, hát 
ghẹo, hát trống quân, hát đúm, hát ống  ; 
Trung Bộ có hát giặm, hát ví, hò khoan, hò 
giã gạo, hò mái nhì, hò mái đẩy; Nam 
Bộ có hò cấy, hò chèo ghe, hò giã gạo, hò 
xay lúa 
2. Hát đối đáp là một dạng sinh hoạt 
nghệ thuật tập thể, có thể diễn ra khi lao 
động, vui chơi, hội hè Ở đó, mọi người 
giáp mặt nhau, tự do làm quen, tìm hiểu, 
kết bạn, trao đổi tâm tư, tình cảm với nhau 
về tất cả các vấn đề trong cuộc sống thông 
qua lời ca tiếng hát. Tiếng hát trở thành cầu 
nối giữa những tâm hồn đồng điệu, thành 
phương tiện để tạo ra các mối tương tác xã 
hội trong nhóm nhỏ người tham dự. 
Theo nhiều tài liệu, ở những giai đoạn 
đầu, có thể hát đối đáp mang chức năng 
thực hành nghi lễ và tiền hôn nhân. Khi hát, 
trai gái làm quen nhau, xích lại gần nhau, 
mặt nhìn mặt, tay nắm tay, trao đổi những 
đồ vật kỷ niệm, hứa hẹn gắn kết Ca hát là 
cơ hội thuận lợi để đôi bên gặp gỡ, tìm hiểu 
và tiến tới hôn nhân. Trong quá trình phát 
triển, hát đối đáp đã dần trở thành một sinh 
hoạt văn nghệ, ở đó, quan hệ nam nữ được 
mở rộng thành nhiều mối quan hệ xã hội 
khác (kết chạ giữa hai làng, bạn bè, người 
dân – chiến sĩ, người dân – quan lại...). 
Hát đối đáp có sức hấp dẫn đặc biệt. 
Sự tồn tại của hình thức này trên khắp các 
vùng miền đất nước với số lượng câu hát 
cực kỳ lớn đã nói lên điều đó. Là lời tự hát 
của người lao động, hát đối đáp thu hút 
được sự chú ý tham gia của nhiều tầng lớp, 
ngành nghề, lứa tuổi...trong xã hội. Mỗi 
cuộc hát là một cuộc chơi nhiều thú vị, bất 
ngờ. Những lời ca buông bắt trò chuyện 
trực tiếp giữa các cá nhân đã tạo một 
không gian thuận lợi cho sự sáng tạo trên 
cái nền của các yếu tố nghệ thuật truyền 
thống. Sự kết hợp giữa truyền thống với 
ứng tác luôn làm mọi người hào hứng. 
Nhiều cô gái đã mê mệt “Em nghe anh bỏ 
giọng trầm; hồn xiêu phách lạc, vàng cầm 
em cũng buông...” và các chàng trai cũng 
quá say hát nên sẵn sàng vượt qua bao trở 
ngại “Ở xa nghe tiếng em hò; cách sông 
cũng lội, cách đò cũng qua...”. Tô Ngọc 
Thanh đã rất xác đáng khi cho rằng: “Đây 
là loại trình diễn dân gian có nhiều sản 
phẩm mang chất lượng văn hóa- nghệ thuật 
và ứng xử xã hội cao. Có lẽ do chỗ những 
chủ thể sáng tạo và tham gia là những 
thanh niên nam nữ đang vào tuổi tràn trề 
sức xuân. Trong văn hóa dân gian mỗi tộc 
người, những sản phẩm của giao duyên 
thường được coi là một trong những biểu 
tượng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.”
[10, tr.37]. 
Các hình thức hát đối đáp người Việt ở 
16 
cả ba miền rất phong phú. Diễn xướng đa 
dạng về thời gian, địa điểm, nhạc cụ, làn 
điệu, cơ cấu nhóm hát... Tuy nhiên, giữa 
chúng cũng lại có những điểm tương đồng: 
mục đích, nội dung, thủ tục, tiến trình mỗi 
cuộc hát gần giống nhau (theo các bước 
phát triển tuần tự của một cuộc tình duyên 
thông thường từ lúc bắt đầu đến khi kết 
thúc). Số lượng, thứ tự các bước có thể 
không hoàn toàn trùng khớp, nhưng nói 
chung đều nằm trên trục chính là quá trình 
giao kết lứa đôi. Trong hát đúm (Hải 
Phòng) có: hát chào hỏi, hát giao hẹn, hát 
giao duyên, hát đố giảng, hát họa, hát mời, 
hát lính, hát thư, hát cưới và sau cưới, hát 
ra về. Hát phường vải (Nghệ Tĩnh) có: hát 
dạo, hát chào, hát mừng, hát hỏi, hát đố, 
hát đối, hát mời, hát xe kết, hát tiễn. Ở hò 
giã gạo (Thừa Thiên-Huế) có: hò mời chào, 
hò vào cuộc (gồm hò gần, hò đâm bắt, hò 
đố, hò đối, hò ân tình), hò xa cách... Từ 
thực tế này, có thể bước đầu khái quát 
thành một tiến trình chung gồm bốn dạng 
thức cho tất cả các sinh hoạt ca hát có giao 
đối: 1. Dạng thức hát mở đầu: hát dạo, hát 
chào mừng, hát hỏi thăm, hát giao hẹn, hát 
mời 2. Dạng thức hát thử tài: hát đố, hát 
đối, hát họa 3. Dạng thức hát xe kết: hát 
thương nhớ, hát thư, hát thề, hát ước, hát 
than trách, hát cưới 4. Dạng thức hát kết 
thúc: hát tiễn, hát dặn. Hệ thống các dạng 
thức này chỉ là một mô hình cơ bản, khi đi 
vào từng bối cảnh cụ thể, mô hình sẽ được 
điều chỉnh, bồi đắp để trở nên đầy đặn, 
sống động hơn bằng các dạng thức chi tiết 
mà có thể chỉ có ở từng địa phương. 
Bài viết này xin giới thiệu đôi nét về 
dạng thức hát kết thúc trong tiến trình trên 
của hát đối đáp người Việt. 
3. Trong dân gian, các tên gọi phổ biến 
của hát kết thúc là: hát tiễn, hát dặn, hát 
chia tay, hát tiễn bạn, hát hẹn hò, hát ra 
về, hát giã (gồm hát giã đám, hát giã người 
tình nhân), hò từ tạ, hò giã biệt, hò tiễn 
bạn, hò hẹn, hò xa cách... Những tên gọi 
này phần nào giúp hình dung được nội 
dung và chức năng của dạng thức. Mỗi 
cuộc đối đáp có thể được diễn ra đầy đủ 
theo các bước thông thường, cũng có thể 
do thời gian hay điều kiện này khác mà bỏ 
qua một số bước, nhưng hát kết thúc (cùng 
với hát mở đầu, hát xe kết) thì thường được 
giữ lại như một quy định bắt buộc để tạo sự 
toàn vẹn cho chỉnh thể cuộc diễn xướng tại 
thời điểm đó. Có mở đầu thì phải có kết 
thúc. Khi mới gặp, đôi bên nam nữ đã mời 
mọc nhau hò hát, bộc lộ niềm vui được đối 
đáp, hỏi thăm tên tuổi và gia cảnh, mời 
nhau ăn trầu và hút thuốc...cho nên khi chia 
tay, cũng phải theo cách thức như vậy mà 
tiến hành. 
Hát kết thúc là dạng thức có số lượng 
lời hát phong phú. Đúng như một nhà 
nghiên cứu đã nhận xét: “Thực ra đây là sự 
thể hiện cao độ của bước hát xe kết. Hai 
bên đã ý hợp tâm đầu rồi, tình nghĩa đã gắn 
bó rồi, ra về sao được, xốn xang bịn rịn 
lắm” [8, tr.74] Theo sưu tầm, trong hát 
phường vải, riêng dạng thức này đã có đến 
236 lời [8, tr.444-469]. Hát đúm Hải Phòng 
có 25 lời, mỗi lời trên dưới 20 dòng thơ [3, 
tr.296-316]. Hát ví Hà Bắc có hơn 50 lời, 
trong đó cũng nhiều lời có độ dài như ở hát 
đúm [5, tr.201-212]. Hát ghẹo Thanh Hóa 
có hơn 30 lời [9, tr.584-587]. Hò đối đáp ở 
Thừa Thiên - Huế có 42 lời [11, tr.121-
128]... Những lời giã biệt này đã trở thành 
nguồn bài hát mang tính công thức chung. 
Mỗi người có thể vận dụng từ đó những bài 
phù hợp với tình huống hò hát của mình và 
ít nhiều có sáng tạo thêm. 
Giọng điệu chính của hát kết thúc là 
buồn thương, quyến luyến, trái ngược hẳn 
với hát mở đầu tràn đầy vui tươi, phấn 
17 
chấn. Ở cái “thế” của các nhân vật trong 
câu hát, đã làm quen, thử tài, ngỏ lời yêu 
thương, thề thốt gắn bó, viết thư, xin cưới, 
sắm sửa... nên đến giờ chia tay thật là não 
nuột. Những “người yêu” trao nhau lời giã 
biệt với các cung bậc cảm xúc đa dạng. Có 
niềm lưu luyến : “Tay bưng chén rượu tam 
bôi - Tay gạt nước mắt em ơi đừng về”, 
“Người ơi ở lại người ơi - Xin người ở lại 
với tôi bên này”... Có dặn dò chung thủy: 
“Ra về dặn bạn một hai - Bóng mình mình 
tựa, bóng ai đừng kề”, “Ra về dặn nước 
với non - Dặn rằng một chữ vuông tròn 
phu thê”, “Chàng về em dặn nhời 
này”, “Chàng về em dặn đôi lời”...Có 
nhớ thương, khóc lóc: “Ra về chỉ nhớ với 
thương”, “Ra về chỉ nhớ anh hoài”, 
“Ra về chín nhớ mười thương”, “Ra về 
nhớ ngãi nhớ tình”, “Ra về nước mắt 
như mưa”, “Ra về nước mắt nhỏ 
hoài”... Có mong muốn táo bạo được 
“về theo”: “Chàng về bỏ thiếp sao đành - 
Thiếp xin đóng cửa, buông mành thiếp 
theo”, “Anh về cho em về cùng”, “Anh 
về cho em về theo”... Có hẹn hò gặp lại: 
“Nàng về hầu mẹ hầu thầy - Ngày mai lại 
đến chốn này cùng anh”, “Hẹn ngày ta lại 
gặp ta - Chắc rằng tình cũ mặn mà lại 
hơn” 
Họ chào nhau ra về, cũng lớp lang 
trình tự, không bỏ sót ai - chu đáo như khi 
mới gặp nhau: “Canh khuya nguyệt lặn sao 
tà - Giã ơn tất cả khách quan trong ngoài - 
Có lòng chiếu cố hôm nay - Đã mãn cuộc 
này xin bạn nghỉ ngơi”, “Bây giờ trăng 
đã xế tà - Mình gần mình ở, ta xa ta về - 
Anh em đi ngủ kẻo khuya - Tôi xin tạm biệt 
đi về đường xa” 
Lời hát từ giã thường vẽ lại thời điểm 
chia tay, đó là lúc cuối ngày: mặt trời đã 
gác non đoài, mặt giời đã tối hôm rồi, mặt 
giời hết ánh nắng rồi hoặc khi rạng sáng: 
đêm lụn canh tàn, trăng tắt sao tàn, trăng 
lên đã đến mái nhà, đằng Đông hửng sáng 
mất rồi, cho thấy thời gian dành cho 
cuộc hát đã được kéo giãn hết mức, không 
thể tiếp tục được nữa. Từ đây, ta hiểu thêm 
nỗi lòng của người tham dự - rất nhiệt tình, 
say sưa đối đáp. 
Ở một số địa phương Bắc Bộ, chặng 
kết thúc còn có nội dung hát về khăn, nón, 
áo, quạt, ô, kính. Sắp chia tay nhau, họ 
muốn xin, trao chút kỷ vật để làm tin hoặc 
xin lại, đòi lại các vật đã trao lúc đầu khi 
vào cuộc hát. Trong tài liệu về hát ghẹo 
Vĩnh Phú có lưu ý về điều này: “Thi hát 
ghẹo không hát ứng khẩu mà chỉ thi hát các 
giọng và câu đã có sẵn. Để biết ai hơn ai 
kém, các cụ dùng một cái đóm tre hay một 
cái lạt dài bẻ gập từng khúc một để làm 
dấu. Các cụ gọi là “bẻ cò” Mỗi lần thua, 
thì bên thua phải lấy một thứ trang phục 
như khăn, áo hoặc một thứ đồ vật nào khác 
để trao cho bên được. Khi hát xong, sắp ra 
về, bên được sẽ trao trả lại bên thua” [7, 
tr.155] Còn ở hát đúm Hải Phòng, “Nếu 
bên nào chịu thua thì phải để lại “vật làm 
tin” (khăn, áo, mũ, nón, ô) và như vậy càng 
thôi thúc họ gắng tìm ra lời đáp để “chuộc” 
lại “vật làm tin” đó Đôi khi nam cũng 
phải bỏ cả ô, mũ, nữ phải bỏ cả nón, khăn 
chịu thua bỏ của chạy lấy người” [3, tr.21] 
Các bài hát về khăn, nón, áo... khá dài, 
miêu tả tỉ mỉ về vật dụng và xen vào đó 
những liên tưởng về tình duyên. Những đồ 
vật này thường được hình dung là rất đẹp, 
rất quý: “Nón này nón bạc nón vàng - Nón 
này anh để treo ngang trong nhà”, 
“Khăn em nua ở tỉnh Đông - Chạy tàu em 
xuống Hải Phòng mua kim - Chạy tàu 
xuống tỉnh Hưng Yên - Mua con chỉ thắm 
kết duyên cùng chàng”...Bài hát xin và 
tặng kỷ vật thì lời rất thiết tha, tình tứ: 
“Chàng để ô lại em ghì - Người không đi 
18 
lại của thì còn đây”, “Quạt này em quạt 
đương vừa - Chàng mà muốn lấy em đưa 
cho chàng - Quạt này cúc bạc nhài vàng - 
Quạt này chỉ quyết với chàng, chàng ơi!”, 
“Chàng về em chẳng dám nài – Áo trong 
chàng mặc, áo ngoài em xin” Còn bài 
hát đòi lại vật dụng để ra về thì nhiều câu 
lý lẽ trước sau nhằm thuyết phục phái kia 
rằng việc trả lại là cần thiết, hợp lý. Họ 
thường nói về đường sá xa xôi (phải có 
nón, ô che mưa nắng), sợ bạn bè cười chê 
(vì đi có về không), vật dụng do cha mẹ 
mua (nên phải đem về kẻo cha mẹ mong): 
“Sáng đi chúng bạn anh đông - Giờ về ô 
mất bạn trông bạn cười – Trước sau có bấy 
nhiêu lời – Lấy công lấy của anh thời đền 
sau – Xin em cầm tạm khẩu giầu – Trả ô 
anh lại kẻo lâu bạn chờ”, “Nón này 
chàng cho em xin -... Nón này của mẹ của 
thầy - Cho em chơi hội cầm tay đội đầu...” 
Lời hát thuộc chặng kết thúc cũng có 
những đặc điểm ngôn ngữ dễ nhận dạng. 
Các công thức mở đầu như “Anh về...”, 
“Chàng về...”, “Ra về...” được lặp lại 
thường xuyên. Chỉ riêng trong hát phường 
vải đã có đến 90 lời bắt đầu bằng “Ra 
về...”, hơn 30 lời “Anh về...”. Những từ 
ngữ được láy đi láy lại: ra về, xin về, đừng 
về, sao vội về, về chi, về răng được mà về, 
sao đành, bao giờ cho quên, ở lại đây, dặn 
chàng, dặn nàng, hẹn ngày...và nhiều cung 
bậc của nhớ, thương, khóc... 
4. Tương tự như các hình thức diễn 
xướng văn nghệ dân gian khác, hát đối đáp 
là những sự kiện giao tiếp nghệ thuật trực 
tiếp trong nhóm nhỏ [6, tr.218]. Vì là giao 
tiếp trực tiếp, vì là nhóm nhỏ..., tức rất cụ 
thể, đa dạng, linh hoạt, nên ở từng địa 
phương, dạng kết thúc trong sinh hoạt trữ 
tình này cũng có những sắc màu phong phú 
khác nhau. 
Hát quan họ thường được diễn xướng 
trong các ngày hội, là một phần quan trọng 
trong nghi thức thờ cúng, tế tự. Mỗi hành 
động, lời nói, câu hát quan họ là một phần 
thiêng, là thể hiện mối quan hệ thần linh - 
người tế tự, và giữa đôi dân. Các liền anh, 
liền chị đi hát đều có ý thức rằng họ đang 
đại diện cho làng mình đi làm lễ ăn chạ với 
làng bạn. Lời hát có thể tác động đến thánh 
thần, góp phần tạo ra cuộc sống tốt đẹp 
hơn, nên họ luôn chú ý trau dồi ngôn ngữ, 
phong cách trình diễn, nghệ thuật hát... 
Nhóm nhỏ hát quan họ được tổ chức chặt 
chẽ, có quy định kỹ càng về mọi mặt sinh 
hoạt, có luyện tập công phu... Trước khi 
cuộc hát bắt đầu, bên mời hát phải đón 
quan họ bạn ở cổng làng, cùng đến đình để 
hát chúc rồi mới về nhà, mời cơm, nước, 
trầu... Trong không khí như vậy, những câu 
hát vang lên vừa trang trọng, vừa ấm áp 
nghĩa tình. Cũng như ở các dạng thức khác 
trước đó, dạng hát kết thúc của quan họ 
gồm nhiều lời với phong cách mượt mà, 
trau chuốt: “Người về bỏ bạn sao đành - 
Người về em vẫn đinh ninh tấm lòng - 
Người về bỏ vắng phòng không - Người về 
em vẫn nay trông mai chờ...”, “Người về 
em những khóc thầm – Bên song, vạt áo 
ướt đầm như mưa...”...Trong một số trường 
hợp, câu hát thể hiện tình yêu lứa đôi thắm 
thiết, đậm sâu: “...Trách ai trải chiếu 
không nằm – Để em trằn trọc một mình sao 
đang...”, “Người về thưa bác mẹ thầy – Rồi 
ra mở lịch định ngày kết duyên...”... nhưng 
được dùng như lời từ tạ giữa đôi dân, giữa 
hai quan họ bạn đã kết nghĩa và xem nhau 
như anh em một nhà. Đặng Văn Lung có 
nhận xét rất hay rằng: “...Phát triển dòng 
ngôn ngữ mang tính thiêng của hội hè, 
người quan họ tạo ra một thế giới thăng 
hoa đặc biệt so với các dân ca khác, với trai 
thanh gái lịch các nơi khác.”[1, tr.138]. 
Hát phường vải ở Nghệ Tĩnh không 
19 
gắn với lễ hội, với các nghi thức thờ cúng, 
tế tự hay với tục kết chạ. Đây là sinh hoạt 
văn nghệ của những người lao động làm 
nghề kéo vải, thường diễn ra từ sau mùa 
thu hoạch bông cho đến tháng tám, tháng 
chín hàng năm. Quay xa kéo vải là công 
việc của phụ nữ cho nên khi đối đáp, các 
cô thường vừa làm việc vừa ca hát, còn các 
chàng trai đến hát thì không làm gì, chỉ 
đứng hoặc ngồi để cất giọng mà thôi. Một 
cuộc hát đúng thủ tục “thường kéo dài hai 
ba, bốn có khi năm, sáu đêm mới đủ mọi 
chặng bước” [8, tr.49], nhưng trong thực tế 
sinh hoạt linh động hơn nhiều. Trai gái hát 
với nhau để trao đổi tình cảm, đua tài đua 
trí, kết bạn, kết đôi trong không khí vui 
tươi, sôi nổi. 
Nếu như khi bắt đầu gặp nhau đã có 
những lời tha thiết như: “Dừng xa khoan 
kéo ơi phường, Hình như có khách viễn 
phương đến nhà”, “Em đang kéo vải giữa 
sân, Thấy chàng quân tử mười phần nhớ 
thương”, “Chào chàng nho sĩ vài lời, Gọi 
là phường vải nhởi chơi theo mùa”... rồi 
khi xe kết “Bốn mùa xuân hạ thu đông, 
Thiếp ngồi kéo vải chỉ trông bóng chàng”, 
“Một niềm chỉ quyết lấy o, Khéo bông khéo 
vải, khéo lo việc nhà”, “Hỡi người dệt vải 
lanh tay, Mắt trông lúng liếng lòng say lấy 
lòng”, “Hỡi người kéo vải quay vành, Có 
về dưới Liệu với anh thì về”... thì ở chặng 
cuối, lúc hát tiễn cũng không kém phần 
mãnh liệt “Em đang kéo vải dựa thềm, 
Chàng về chăn ấm gối êm sao đành?”, 
“Xếp xa quay lại em tề, Gửi thầy với mẹ 
mà về theo anh.”... Trong câu hát, có khá 
nhiều từ ngữ gắn với nghề kéo vải. Công 
việc lao động đi vào lời ca thật tự nhiên, 
nhẹ nhàng mà cũng thật đẹp đẽ, lãng mạn. 
Có những câu hát chải chuốt, điêu luyện, 
có những câu mộc mạc, giản dị... nhưng 
nhìn chung loại sau vẫn chiếm phần hơn. 
Chặng kết thúc trong hát phường vải với số 
lượng lớn lời ca mang lại cho người tiếp 
nhận cái nhìn đầy đủ hơn về tâm hồn 
phong phú và sự tinh tế, tài hoa của người 
dân xứ Nghệ, như Xuân Diệu đã có lần 
nhận xét “chỉ riêng một chuyện ra về, đã 
bao nhiêu trùng trùng điệp điệp của hai tấm 
lòng lưu luyến nhau: “Nửa về nửa muốn ở 
đây...”, “Nghe tin anh dóng dả ra về...”, rồi 
thế là nối tiếp nhau tất cả tám mươi câu “ra 
về”, có lẽ là của hàng vạn, hàng ức đôi trai 
gái của núi Hồng, sông Lam tiễn biệt nhau 
trong năm, sáu, bảy, tám trăm năm...Tầng 
tầng lớp lớp không dứt ra được.” [dẫn theo 
8, tr.83] Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các 
từ ngữ địa phương cũng góp phần tạo nên 
nét duyên cho câu hát tiễn: “Anh về em nỏ 
(không) chi đưa, Quan sơn nghìn dặm, em 
chưa hết lời”, “Anh về cho em về theo, Đói 
no có chắc (nhau), giàu nghèo đủ đôi”, 
“May mô đâu may, khéo mô đâu khéo, Cơn 
(cây) cỏ héo gặp trộ (trận) mưa rào, Mối 
tình duyên hội ngộ, Liễu với đào ta kháp 
(gặp) nhau”, “Anh về răng (sao) đứt anh 
ơi...”... 
Với Nam Bộ, diễn tiến một cuộc hát 
thường không có nhiều nghi thức, thủ tục 
đơn giản hơn vì phần nhiều dân gian hát hò 
khi đang lao động cày cấy, gặt hái, chèo 
thuyền, giã gạo... Nếu chỉ là một cuộc tao 
ngộ tình cờ trên sông nước thì thời gian ca 
hát sẽ bị hạn chế, và số lượng dạng thức 
cũng như số lời hát được sử dụng lúc này 
hiển nhiên là ít ỏi. Còn trong những cuộc 
hát dài hơi hơn, qua các tài liệu khảo sát- 
số lượng dạng thức và lời hát có nhiều hơn, 
nhưng cũng không phong phú, bài bản như 
ở Bắc và Trung Bộ. Có thể tính chất công 
việc, đặc điểm môi trường lao động và giao 
tiếp, tính cách con người địa phương, mục 
đích ca hát...đã chi phối sinh hoạt trữ tình 
và dẫn đến đặc điểm này. Cũng có thể do 
20 
thực tế sưu tầm còn hạn chế, ghi chép văn 
bản còn rời rạc... nên người tiếp nhận chưa 
tiếp cận được với hát đối đáp Nam Bộ ở 
dạng đầy đủ và sống động như đã từng tồn 
tại trước kia. Các công thức quen thuộc 
“Anh về...”, “Ra về...”... được sử dụng 
không nhiều, mà phổ biến là cách đặt lời, 
dùng chữ ít theo khuôn khổ: “Hai hàng lụy 
nhỏ ròng ròng, Chồng nam vợ bắc đau 
lòng trời ôi, Còn một đêm nay nữa mai 
thôi, Giã từ em ở lại, anh hồi cố hương”, 
“Đất Châu Thành anh ở, Xứ Cần Thơ nọ 
em về, Bấy lâu sông cận biển kề, Phân chia 
mai trước (trúc) dầm dề hột châu”... Ngôn 
ngữ giao đối thường mang nhiều chất khẩu 
ngữ, dân dã: “Ghe anh lui về Gia Định, Em 
nhớ anh em thọ bịnh liền, Không tin anh 
hỏi lại xóm giềng đều hay”, “Anh về ở bển 
an bài, Cơm cháo qua ít bữa vài ngày em 
ghé thăm”... 
Như vậy, cùng là chia tay, dặn dò, bịn 
rịn... nhưng câu hát giã biệt trong quan họ 
Bắc Ninh, hát phường vải Nghệ Tĩnh, hò 
cấy, hò chèo ghe Nam Bộ... được hình 
thành và diễn xướng trong những bối cảnh 
khác nhau. Đối đáp khi hội hè, nghi lễ, vui 
chơi, lao động... có những cách thức không 
trùng lắp. Ở mỗi nhóm nhỏ, địa điểm và 
thời điểm tụ họp, môi trường sinh hoạt, 
cách thức tổ chức, cơ cấu nhóm hát, bài 
bản sử dụng, trang phục, ngôn ngữ giao 
tiếp...đều có những nét riêng, tạo nên 
phong cách độc đáo cho cuộc hát đối đáp ở 
từng nơi. 
5. Cùng với các dạng thức khác (hát 
mở đầu, hát thử tài, hát xe kết), hát kết thúc 
góp phần tạo cho chỉnh thể cuộc hát được 
toàn vẹn, đầy đặn, phong phú. Gặp gỡ rồi 
chia tay, yêu thương rồi tiễn biệt...những 
lời hát ở chặng cuối này phù hợp với tâm 
lý tiếp nhận của cả người hát lẫn người 
nghe, khép lại một cuộc hát với nhiều 
luyến thương, tiếc nhớ... Hát kết thúc giúp 
đôi bên cùng cảm thấy đẹp lòng, đỡ bị hụt 
hẫng khi buộc phải xa cách những người 
bạn hát nhiều khi rất tâm đầu ý hợp với 
mình. Cuộc hát, đồng thời cũng là cuộc 
giao tiếp, rõ ràng đã đảm bảo được những 
nghi thức xã giao cần thiết. 
Dạng thức hát kết thúc còn là biểu hiện 
sinh động của những nét đẹp trong văn hóa 
giao tiếp người Việt. Đó là những lời lẽ 
lịch sự, trang trọng, thân thiện, hiếu 
khách..., là thái độ trọng tình (tình nghĩa, 
tình yêu quý hơn mọi thứ của cải, vật chất 
trên đời; được ca hát với nhau rồi kết thành 
gia thất hay kết bạn... là ước mơ hạnh phúc 
mà mọi cuộc hát đều hướng đến), trọng nữ 
(nữ được nhiều “ưu tiên” trong cuộc hát, 
được tự do bộc lộ tâm tư tình cảm về mọi 
vấn đề trong xã hội, luôn có ứng đối nhạy 
bén, thông minh, số lượng lời hát giã biệt 
của nữ không thấp hơn của nam...), trọng 
văn (ưa thích ca hát đối đáp, không muốn 
dừng cuộc hát, người hát giỏi được đánh 
giá cao....)... Dạng thức này ít nhiều đã góp 
phần ổn định, duy trì, củng cố những điểm 
trội trong văn hóa giao tiếp cộng đồng, 
đem đến cho mọi người những bài học 
ngôn giao sinh động, hấp dẫn trên nhiều 
phương diện. Khi tham gia cuộc hát, người 
ta tiếp nhận những cái hay và hành xử theo 
các khuôn mẫu đó. 
Dạng thức hát kết thúc cũng cho thấy 
sinh hoạt đối ca có quy ước, thể thức, 
truyền thống sáng tác và thưởng thức riêng. 
Có những yếu tố liên quan đến lề lối, bối 
cảnh, nội dung diễn xướng đã in dấu trên 
ngôn từ của lời hát. Khi những lời này 
được cố định bằng văn tự, tách rời đời sống 
sinh động đã từng gắn bó hữu cơ, các dấu 
ấn trên có thể trở nên có ích trong việc giúp 
người đọc hiểu đúng, rõ, sâu về tác phẩm 
(xác định bối cảnh, xác định hệ thống lời 
21 
hát mà văn bản đơn lẻ kia là một thành tố 
phụ thuộc, từ đó nhờ hệ thống mà hiểu 
thành tố và ngược lại). Sự hiểu biết về các 
dạng thức hát đối đáp nói chung, hát kết 
thúc nói riêng thật sự cần thiết để người 
đọc “giải mã” hiệu quả các lời hát dân gian 
trong tình hình không ít tuyển tập sưu tầm 
về thể loại này hiện nay còn chưa chú ý 
nhiều đến việc sắp xếp các lời theo tiến 
trình cuộc hát hay cung cấp những tình 
huống thật cụ thể cho các văn bản đối ca. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Đặng Văn Lung (2005), Lễ hội và nhân sinh, Nxb. Đại học Quốc gia, Thành phố 
Hồ Chí Minh. 
2. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (đồng chủ biên) 
(2004), Từ điển văn học (bộ mới), Nxb. Thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh. 
3. Giang Thu - Traàn Saûn - Phạm Thị Huyền (2003), Tìm hiểu hội mở mặt Thủy Nguyên, 
hội hát đúm Hải Phòng, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 
4. Lư Nhất Vũ - Lê Giang - Nguyễn Văn Hoa (1985), Dân ca Kiên Giang, Sở Văn hóa –
Thông tin Kiên Giang xb. 
5. Mã Giang Lân - Nguyễn Đình Bưu (1976), Hát ví đồng bằng Hà Bắc, Ty văn hóa 
Hà Bắc xb. 
6. Ngô Đức Thịnh - Frank Proschan (đồng chủ biên) (2005), Folklore thế giới - một số 
công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 
7. Ngô Quang Nam – Xuân Thiêm (đồng chủ biên), (1986) , Văn hóa dân gian vùng đất 
Tổ, Sở Văn hóa thông tin Vĩnh Phú xb. 
8. Ninh Viết Giao (2002), Hát phường vải, Nxb. Văn hóa – Thông tin và Trung tâm 
Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. 
9. Sông Thao – Đặng Văn Lung (2007), Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, tập 4, 
quyển 2, Dân ca, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 
10. Tô Ngọc Thanh (2007), Ghi chép về văn hóa và âm nhạc, Nxb. Khoa học xã hội, 
Hà Nội. 
11. Triều Nguyên (1997), Hò đối đáp nam nữ Thừa Thiên – Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 
 * Ngày nhận bài: 24/1/2015. Biên tập xong: 24/4/2015. Duyệt đăng: 04/5/2015. 

File đính kèm:

  • pdfve_dang_thuc_hat_ket_thuc_trong_hat_doi_dap_nam_nu_nguoi_vie.pdf