Vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội – quan điểm của Francis Bacon

Francis Bacon (1561 – 1626), nhà triết học duy vật Anh, người sáng lập chủ nghĩa duy vật kinh

nghiệm Anh và ông tổ của khoa học thực nghiệm tự nhiên hiện đại, là người sáng lập tinh thần triết

học mới. Ông là người đầu tiên lên tiếng đòi trả lại phẩm giá cho khoa học đã bị chìm lấp trong

đêm trường trung cổ bởi thần học. Ông đã thực hiện một chương trình đồ sộ để Đại phục hồi khoa

học (Instauratio Magne Scientarum / The Great Instauration of Science). Để đạt đến tri thức khoa

học, Bêcơn chỉ ra những sai lầm, ảo tưởng (Idola / Idols) trong nhận thức và sự cần thiết phải xoá

bỏ chúng ra khỏi lý trí của con người. Trên cơ sở làm sạch lý trí, Bêcơn đưa ra phương pháp nhận

thức khoa học mới – phương pháp thực nghiệm khoa học qui nạp The Inductive Scientific

Empirical Method, khẳng định của Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội

suốt mấy thế kỷ qua vẫn tiếp tục được triển khai bởi các trào lưu triết học ở phương Tây và được

chứng minh một cách trọn vẹn ở thời đại của chúng ta – thời đại kinh tế tri thức. Việc tìm hiểu quan

điểm của Ph.Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội hết sức có ý nghĩa đối với

chúng ta trong bối cảnh xây dựng và phát triển kinh tế tri thức.

pdf 6 trang kimcuc 10940
Bạn đang xem tài liệu "Vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội – quan điểm của Francis Bacon", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội – quan điểm của Francis Bacon

Vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội – quan điểm của Francis Bacon
VAI TRÒ CỦA TRI THỨC KHOA HỌC TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI 
– QUAN ĐIỂM CỦA FRANCIS BACON 
 LÊ THỊ HUYỀN(*) 
TÓM TẮT 
Francis Bacon (1561 – 1626), nhà triết học duy vật Anh, người sáng lập chủ nghĩa duy vật kinh 
nghiệm Anh và ông tổ của khoa học thực nghiệm tự nhiên hiện đại, là người sáng lập tinh thần triết 
học mới. Ông là người đầu tiên lên tiếng đòi trả lại phẩm giá cho khoa học đã bị chìm lấp trong 
đêm trường trung cổ bởi thần học. Ông đã thực hiện một chương trình đồ sộ để Đại phục hồi khoa 
học (Instauratio Magne Scientarum / The Great Instauration of Science). Để đạt đến tri thức khoa 
học, Bêcơn chỉ ra những sai lầm, ảo tưởng (Idola / Idols) trong nhận thức và sự cần thiết phải xoá 
bỏ chúng ra khỏi lý trí của con người. Trên cơ sở làm sạch lý trí, Bêcơn đưa ra phương pháp nhận 
thức khoa học mới – phương pháp thực nghiệm khoa học qui nạp The Inductive Scientific 
Empirical Method, khẳng định của Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội 
suốt mấy thế kỷ qua vẫn tiếp tục được triển khai bởi các trào lưu triết học ở phương Tây và được 
chứng minh một cách trọn vẹn ở thời đại của chúng ta – thời đại kinh tế tri thức. Việc tìm hiểu quan 
điểm của Ph.Bêcơn về vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội hết sức có ý nghĩa đối với 
chúng ta trong bối cảnh xây dựng và phát triển kinh tế tri thức. 
ABSTRACT 
Francis Bacon (1561 – 1626) was a British materialist philosopher and the founder of experimental 
materialism and also of new philosophical spirit. He made a big project of The Great Instauration 
of Science. To obtain scientific knowledge, Bacon pointed out the wrong opinions and idols in our 
consciousness and the necessity to move them from our reason. On the basis of making our reason 
clear, Bacon introduced a new method of scientific consciousness – The Inductive Scientific 
Empirical Method. Bacon’s confirmation of the role of scientific knowledge in social life through the 
last century has been continuously developed by western philosophical trend. Understanding 
Bacon’s viewpoint about the role of scientific knowledge in social life is very important to us in the 
context of building and developing intellectual economy. 
1. ĐẶT VẤN ĐỀ 
Francis Bacon (1561 – 1626), nhà triết học vĩ đại thời cận đại, được Mác coi là người sáng lập chủ 
nghĩa duy vật kinh nghiệm Anh và ông tổ của khoa học thực nghiệm tự nhiên hiện đại. Ông sinh ra 
trong gia đình quí tộc Anh, tốt nghiệp đại học Cambridge, hoạt động trong ngành ngoại giao, từng 
làm đến chức Thủ tướng. Sống trong thời kỳ trước cách mạng tư sản, nhưng Bêcơn là người ủng hộ 
mạnh mẽ những cải cách tư sản nhằm phát triển đất nước, phát triển khoa học và triết học. Nước 
Anh, cũng như toàn thể châu Âu ở thế kỷ XVI – XVII, diễn ra những sự thay đổi bước ngoặt trong 
phương thức sản xuất, dẫn đến những sự biến chuyển trong đời sống tinh thần xã hội. Đó là thời đại 
nối tiếp tinh thần văn hoá Phục hưng, đấu tranh chống chế độ chuyên chế phong kiến và giáo hội, 
từng bước hình thành phương thức sản xuất mới với vai trò lịch sử của giai cấp tư sản, đêm trước 
của các cuộc cách mạng tư sản. F.Bacon, từ đỉnh cao của một nhà chính trị, vị thế của một nhà tư 
tưởng, triết gia, bằng vốn sống và kinh nghiệm của mình, bằng năng lực nhạy bén và sáng suốt của 
(*)
 Th.S, Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai 
mình, đã thâu tóm được những biến đổi của thời đại và đưa ra những phương án cải cách đáp ứng 
nhu cầu thực tiễn của cuộc sống. 
Ông là người đầu tiên lên tiếng đòi trả lại bản chất thực sự cho khoa học đã bị chìm lấp trong đêm 
trường trung cổ bởi thần học. Ngay từ rất sớm, (1592), khi ở nấc thang danh vọng của sự nghiệp 
chính trị, F.Bacon đã đưa ra một lời hứa, được coi là mục đích của cuộc đời ông, đó chính là việc cải 
tổ sinh hoạt khoa học, nhằm xác định vai trò, mục đích của khoa học là hướng đến phục vụ cuộc 
sống thực tiễn của con người. Tinh thần phê phán và khám phá của triết học F.Bacon đã ảnh hưởng 
sâu rộng đến nền triết học Anh và Tây Âu thế kỷ XVII – XVIII. Đặc biệt, tuyên bố của ông “Tri 
thức là sức mạnh” đã trở thành tuyên ngôn của thời đại. Đoạn tuyệt với triết học kinh viện và các 
hình thức tri thức trung cổ, các nhà khoa học và triết học hướng sự nghiên cứu của mình vào việc 
phục vụ nhu cầu thực tiễn. Những phát minh khoa học ra đời được ứng dụng rộng rãi, nhằm nâng 
cao sức sản xuất xã hội. Các tổ chức, thiết chế khoa học được thiết lập (Institutes of Society). Tri 
thức khoa học từng bước giúp con người nhận thức giới tự nhiên, chinh phục tự nhiên, khẳng định 
quyền lực con người trước tự nhiên. Với vai trò mở đường cho tinh thần triết học mới, F.Bacon đã 
tạo ra một thời đại sôi động và cách mạng trong triết học, trở thành ngọn cờ tư tưởng của giai cấp tư 
sản trong cuộc đấu tranh chống lại trật tự phong kiến và giáo hội và những uy quyền tư tưởng trung 
cổ. 
2. NỘI DUNG 
Trước hết, chúng ta tìm hiểu những yếu tố lịch sử và những tiền đề lý luận trực tiếp tác động đến 
quá trình hình thành quan điểm triết học của F.Bacon, đặc biệt là quan điểm về tri thức khoa học. 
Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nước Anh và tác động của nó đến sự hình thành triết học 
F.Bacon thể hiện những thay đổi mang tính bước ngoặt của nước Anh cũng như châu Âu cuối thế kỷ 
XVI đến đêm trước cách mạng tư sản Anh. Ở phương diện kinh tế, phương thức sản xuất tư bản, 
vốn hình thành từ trong lòng xã hội phong kiến, từng bước trở thành phương thức sản xuất thống trị. 
Tại nước Anh, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hình thành từ tự phát đến hệ thống, tạo nên những biến 
đổi tích cực trong các ngành kinh tế, từ công nghiệp đến thương nghiệp và nông nghiệp. Về chính 
trị, xã hội, dưới tác động của quá trình tích lũy tư bản và sự khẳng định từng bước quan hệ sản xuất 
mới, cơ cấu giai cấp có những biến đổi cơ bản. Cùng với sự ra đời của giai cấp tư sản, trong tầng lớp 
quí tộc đã hình thành quí tộc mới có khuynh hướng tư sản. Sự liên minh giữa giai cấp tư sản và tầng 
lớp quí tộc mới tạo nên bước chuyển trong tương quan lực lượng xã hội tại nước Anh. Những biến 
đổi trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đã tác động đến đời sống sinh hoạt tinh thần tại Anh, đặc 
biệt là sinh hoạt tôn giáo. Sự xung đột giữa Anh giáo, một tôn giáo mang tính cải cách, nhưng quá lệ 
thuộc vào nhà vua, với Thanh giáo, thể hiện ý thức hệ của giai cấp tư sản, đã phản ánh tính phức tạp 
trong sinh hoạt tinh thần của nước Anh thời kỳ chuyển tiếp. Sự thay đổi còn diễn ra trong môi 
trường sinh hoạt khoa học, văn hóa, thể hiện bước quá độ từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư 
bản, mà Anh là nước tiên phong. 
Xét một cách tổng thể, mâu thuẫn giữa cải cách và bảo thủ, giữa tiến bộ và phản động, giữa cái mới 
và cái cũ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nước Anh, tác động đáng kể đến F.Bacon. Dù là 
một nhà quí tộc, song F.Bacon đã nhạy bén nắm bắt cái mới, đứng về phía các lực lượng cách tân, 
khẳng định khát vọng của lý trí trước cái phi lý. Khát vọng này đã thể hiện một cách sinh động trong 
triết học của ông, nhất là phần lý luận nhận thức. 
Về tiền đề lý luận và khoa học tự nhiên của sự hình thành quan điểm Bêcơn về tri thức khoa học, 
thể hiện ở ba nhân tố sau đây: một là, truyền thống Anh với những tên tuổi lớn tác động đến nội 
dung và tính chất của triết học F.Bacon như R.Bêcơn – người đề xướng khoa học thực nghiệm và 
phê phán gay gắt chủ nghĩa kinh viện, W.Ockham – đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa duy danh, nhấn 
mạnh sự tự do trong nghiên cứu khoa học, T.More – nhà nhân đạo duy lý, một trong những người 
sáng lập chủ nghĩa nhân đạo không tưởng (gợi mở ý tưởng cho “New Atlantis” của F.Bacon); hai là, 
văn hoá nhân văn Phục hưng và xu hướng cải cách từ chính trị đến tôn giáo, một nền văn hóa mà 
theo F. Engels “đã sản sinh ra những người khổng lồ”; ba là, các phát minh khoa học thời đại Phục 
hưng gắn liền với tên tuổi của N. Copernicus, G. Bruno, G. Galilei, J.Kepler,v.v. những người đã 
làm “cuộc cách mạng trên trời”, báo trước một cuộc cách mạng trong các quan hệ xã hội, phá vỡ 
những chuẩn mực của phong cách tư duy kinh viện, mở đường cho phong cách tư duy sáng tạo, để 
làm nên thời đại của khám phá, phát minh mà Bêcơn là một trong những người mở đường về mặt lí 
luận. Những phát minh khoa học vào thời Phục hưng ở Tây Âu, đã đặt nền móng cho sự hình thành 
phương pháp tư duy và quan niệm mới về tri thức. Nhu cầu khẳng định quyền lực của con người 
trước tự nhiên và các lực lượng xã hội tự phát đã thúc đẩy quá trình tìm kiếm phương pháp nhận 
thức phù hợp. 
Có thể thấy rằng, khi đưa ra cụm từ tri thức khoa học (Scientific Knowledge), F.Bacon đối lập nó 
với cụm từ tri thức kinh viện (Scholatic Knowledge) mà ông gọi là thứ tri thức sách vở trống rỗng, 
xa rời cuộc sống. Để phục hồi vị trí, danh dự của tri thức khoa học trong đời sống xã hội, làm cho tri 
thức trở thành sức mạnh giúp con người làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình, 
theo F.Bacon, cần đưa ra chương trình tổng thể, chương trình đó được biết đến là “Đại phục hồi 
khoa học” (Instauratio Magne Scientiarum/ The Great Instauration). F.Bacon đã trình bày một cách 
cô đọng nội dung và mục đích của “Đại phục hồi khoa học”. Mục đích của “Đại phục hồi khoa học” 
là: thứ nhất, khôi phục lại vị trí của khoa học trong đời sống xã hội; thứ hai, xác định nhiệm vụ của 
khoa học trong điều kiện lịch sử mới, chỉ ra khả năng của “thế giới trí tuệ” phù hợp với những biến 
đổi to lớn đang diễn ra trong xã hội; thứ ba, xác lập phương pháp khoa học giúp con người đi tới 
khám phá cõi bí hiểm của tự nhiên, mở ra thế giới mới của mình. Mục đích cao nhất của tri thức 
khoa học, xét đến cùng, là đem đến cho con người phương tiện hiện thực và năng lực biến đổi thế 
giới. Theo F.Bacon, hai khát vọng của con người – khát vọng tri thức và khát vọng quyền lực – đều 
ngang bằng nhau. Có tri thức ắt có quyền lực, sức mạnh. “Tri thức là sức mạnh” (“Knowledge is 
Power”) – tư tưởng chủ đạo của triết học F.Bacon, cũng là tuyên ngôn của thời đại mới. “Đại phục 
hồi khoa học” cũng chính là nhằm làm sao để tri thức khoa học thực sự trở thành sức mạnh, hữu 
dụng đối với con người. Thực chất quan điểm mới của F.Bacon về vai trò của tri thức khoa học là ở 
chỗ tri thức đó phải bám sát nhu cầu của thực tiễn, gắn liền với khát vọng chiến thắng của lý trí 
trước cái phi lý đang tồn tại ở nước Anh do sự thống trị của hình thức tri thức trung cổ. F.Bacon 
tuyên bố rằng để tri thức khoa học phát huy hiệu quả thực tiễn của mình, cần vượt qua những chuẩn 
mực, giới hạn cũ xưa, mở ra những vùng đất mới cho nghiên cứu, tìm tòi và phát minh của con 
người. 
Để thực hiện sự cải tổ đối với khoa học thời bấy giờ, F.Bacon đã phác thảo một chương trình đồ sộ 
gồm sáu phần, song cốt lõi của nó tập trung ở ba phần chính: phần phủ định, phần thiết kế (hay xây 
dựng) và phần ứng dụng vào trong đời sống. Cả ba phần này liên kết với nhau thể hiện quan điểm 
xuyên suốt của triết học F.Bacon, và tuyên ngôn của cả thời đại - “tri thức là sức mạnh”. Trong đó, 
F.Bacon vĩ đại chính là ở chỗ ông đã thực hiện sự phê phán các ảo tưởng trong nhận thức và xác lập 
phương pháp nhận thức khoa học. Các ảo tưởng (Idolas) thực chất là những chướng ngại làm lệch 
lạc quá trình nhận thức của con người. Những lệch lạc đó một phần do điều kiện bên ngoài, thói 
quen ý thức, môi trường giáo dục, một phần do sự thống trị của triết học kinh viện, của hình thức tri 
thức trung cổ, hay nói như F.Bacon, của “uy quyền tư tưởng”. Phê phán các ảo tưởng, F.Bacon chủ 
trương xây dựng phương pháp nhận thức khoa học nhằm khắc phục thực trạng tri thức của thời đại, 
vượt qua chủ nghĩa bảo thủ, giáo điều trong nhận thức, vạch trần quá trình “Arixtốt hóa” tri thức 
kinh viện. Phương pháp luận của F.Bacon là phương pháp luận thực nghiệm – qui nạp. Đó là đóng 
góp quan trọng của F.Bacon trong lý luận về phương pháp, bởi vì theo ông, chỉ có phương pháp qui 
nạp khoa học (The Scientific Inductive Method) - qui nạp kiểu con ong mới giúp con người đạt đến 
tri thức đúng đắn, thứ tri thức hữu dụng biến thành sức mạnh, giúp con người khẳng định quyền lực 
của mình trước tự nhiên. Cũng như R.Descartes, phương pháp luận của F.Bacon tỏ ra phiến diện, 
siêu hình. Hạn chế lịch sử đó đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác vạch ra trong tác phẩm 
“Gia đình thần thánh” và các tác phẩm khác. Tuy nhiên, xét theo quan điểm lịch sử – cụ thể, lí luận 
về phương pháp giúp con người vươn đến chân lý do F.Bacon khởi xướng có ý nghĩa tích cực và 
tiến bộ trong thời đại các cuộc cách mạng tư sản, và có tác dụng kích thích, gợi mở đối với thời đại 
chúng ta. 
Về nội dung của “New Atlantis” – một công trình chưa kịp hoàn thành của F.Bacon trong quan điểm 
của F.Bacon về vai trò của tri thức khoa học đã được hiện thực hóa một cách lí tưởng. Tri thức khoa 
học đi vào cuộc sống thể hiện sức mạnh của mình ở mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị. Có thể 
nói, thông qua “New Atlantis”, F.Bacon đã bày tỏ thông điệp về một xã hội mà ở đó tri thức khoa 
học không chỉ trở thành tài sản vô giá của con người mà còn là quyền lực thực sự, chi phối và định 
hướng cho sự phát triển xã hội. Lại một lần nữa F.Bacon tỏ ra không tưởng và phiến diện trong cách 
đánh giá về tri thức khoa học, song những vấn đề đặt ra từ “New Atlantis” có ý nghĩa lịch sử đặc 
biệt. Trước hết, không tưởng khoa học của F.Bacon có ý nghĩa gợi mở và kích thích đối với khát 
vọng của con người, thúc đẩy sự vận động xã hội; thứ hai, quan điểm của F.Bacon về tri thức khoa 
học và vai trò của nó đã báo trước kỉ nguyên mới – kỉ nguyên phát triển mạnh mẽ của khoa học và 
công nghệ, khẳng định quyền lực thực sự của tri thức trong đời sống của chúng ta. Thứ ba, trong 
“New Atlantis”, F.Bacon nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của nhà triết học và nhà chính trị. Từ kinh 
nghiệm quyền lực của một người từng làm đến chức Thủ tướng, F.Bacon nắm bắt khá đầy đủ và 
chính xác những đòi hỏi bức thiết của xã hội, đồng thời lại dung hoà những ước muốn hợp lý với 
trật tự chính trị – xã hội hiện hành. Thứ tư, bức tranh xã hội của “New Atlantis” còn làm nổi bật vai 
trò hoà giải của khoa học; xem khoa học là cầu nối hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Chuyển 
giao công nghệ và chuyển giao tri thức giữa các quốc gia, tư tưởng đó được thai nghén trong “New 
Atlantis”, dù chỉ là những dự phóng còn chưa rõ nét. Thứ năm, nội dung của không tưởng khoa học 
trong “New Atlantis”, với vai trò hàng đầu của khoa học tự nhiên thực nghiệm, là xuất phát từ cơ sở 
thế giới quan duy vật của F.Bacon. Vấn đề là ở chỗ trong quan điểm triết học của ông, giới tự nhiên 
có tính tích cực nội tại, vận động theo quy luật khách quan, mà con người chỉ nhận thức được nó, 
khám phá bí mật của nó, làm chủ nó, nếu được trang bị một năng lực “giải thích đúng bản chất sự 
vật”, một phương pháp khoa học. Phương pháp đó là phương pháp thực nghiệm quy nạp. Như vậy, 
triết học F.Bacon, từ phần lí thuyết đến phần thực hành, từ phần phê phán đến phần thiết kế, đều 
tuân theo một nguyên tắc thống nhất, đó là: để làm chủ giới tự nhiên, con người cần tiếp cận nó, giải 
thích đúng về nó; để giải thích đúng về nó, cần xác lập phương pháp nhận thức mới, vượt qua lối 
mòn truyền thống; mà để có được điều này, không có gì khác hơn là loại bỏ mọi chướng ngại do tri 
thức kinh viện để lại, hướng con người đến cách hiểu mới về tri thức và vai trò thực sự chân chính 
của nó trong đời sống. “New Atlantis” là sự kết thúc lô gích tư duy ấy của F.Bacon. 
Cùng với việc tạo ra chủ nghĩa duy vật kinh nghiệm Anh thế kỷ XVII – XVIII, triết học F.Bacon, cụ 
thể là lí luận nhận thức, trong đó có vấn đề tri thức khoa học, thể hiện xu thế vận động của tư tưởng 
thời đại mới. Mặt khác, gợi mở của F.Bacon về xã hội lí tưởng được xác lập dựa trên “quyền lực 
của tri thức” đưa đến sự hình thành các học thuyết kỹ trị (Technocracy) trong thế kỷ XX, khi khoa 
học phát triển như vũ bão, làm thay đổi tư duy con người, cách thức tiếp cận về tiêu chuẩn của tiến 
bộ xã hội. Dấu ấn F.Bacon trong các học thuyết kĩ trị trở nên rõ ràng từ những năm 20 của thế kỷ 
XX. 
Cũng như F.Bacon, thuyết kĩ trị thế kỉ XX với các phương án như “thiên đường công nghệ”, “ba làn 
sóng”, “hội tụ”,v.v.đề cao vai trò của khoa học công nghệ trong đời sống xã hội, song đều sa vào 
quan điểm siêu hình và phiến diện khi tuyệt đối hóa vai trò đó, gạt sang bên những vấn đề phức tạp 
của các quan hệ xã hội. Những biến đổi trên thế giới hôm nay chứng tỏ rằng sự phát triển của khoa 
học công nghệ trở thành một trong những nhân tố của tiến bộ xã hội. Khoa học trở thành lực lượng 
sản xuất trực tiếp, giải phóng sức lao động của con người, cải tạo tự nhiên và cải tạo chính sức lao 
động của con người. Tuy nhiên, sự sùng bái khoa học công nghệ, xem nhẹ cuộc đấu tranh chính trị, 
tư tưởng là điều cần phê phán. Khẳng định của F.Bacon về vai trò của tri thức khoa học trong đời 
sống xã hội suốt mấy thế kỷ qua vẫn tiếp tục được triển khai bởi các trào lưu triết học ở phương 
Tây. Sau gần 400 năm, tinh thần triết học F.Bacon được chứng minh một cách trọn vẹn ở thời đại 
của chúng ta – thời đại kinh tế tri thức. Vào thập niên năm mươi của thế kỷ XX, sự phát triển của 
khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã khẳng định một thời đại mới, thời đại mà khoa học thực sự trở 
thành lực lượng sản xuất trực tiếp, góp phần to lớn vào sự phát triển của xã hội. Làn sóng văn minh, 
trí tuệ đang lan toả toàn cầu, kéo theo nó là sự ra đời nền kinh tế tri thức. Điều đó càng chứng tỏ giá 
trị bền vững của tư tưởng triết học của F.Bacon về vai trò của tri thức khoa học. Một mặt, chúng ta 
nhận thức được rằng, ảnh hưởng của F.Bacon đã dẫn đến sự phiến diện trong cách hiểu về quyền lực 
ở một số trào lưu triết học. Mặt khác, tri thức khoa học đang thực sự trở thành quyền lực trong xã 
hội ngày nay. Vì thế, việc tìm hiểu quan điểm của F.Bacon về vai trò của tri thức khoa học trong đời 
sống xã hội hết sức có ý nghĩa đối với chúng ta trong bối cảnh xây dựng và phát triển kinh tế tri 
thức. Trên cơ sở kế thừa, chọn lọc theo tinh thần của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chúng ta nghiên 
cứu tư tưởng của F.Bacon với mục đích xây dựng một xã hội lý tưởng, giàu mạnh dựa trên quyền 
lực của tri thức. 
3. KẾT LUẬN 
Từ quan điểm của F.Bacon về vai trò của tri thức khoa học trong đời sống xã hội, chúng ta rút ra ba 
bài học lịch sử như sau: 
Thứ nhất, chúng ta cần có quan điểm đúng đắn về tri thức nói riêng và khoa học nói chung. Tức là, 
tri thức phải là tri thức mang ý nghĩa thực tiễn, tri thức khoa học; khoa học phải hướng đến thực 
tiễn, mục đích của khoa học là phục vụ cuộc sống của con người. Chỉ với quan điểm như thế mới 
làm cho tri thức trở thành nhân tố tất yếu của sự phát triển xã hội. Ở thời đại F.Bacon, tri thức khoa 
học, giữ vị trí quan trọng, đóng vai trò hàng đầu đối với sự phát triển xã hội. Thứ hai, xuất phát từ 
chỗ có quan điểm đúng đối với tri thức, cần phải có chiến lược phát triển khoa học. Trước hết, phải 
tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học, tạo điều kiện cho các nhà khoa học hoạt động, nghiên cứu 
và ứng dụng các thành tựu khoa học vào cuộc sống. Phải cải tạo sinh hoạt khoa học, đầu tư cho môi 
trường khoa học, từ đó để phát triển khoa học. Thứ ba, tri thức khoa học phải được vận dụng vào 
thực tiễn, biến nó thành sức mạnh, khẳng định quyền lực của con người, giúp con người làm chủ tự 
nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình. 
Trên tinh thần kế thừa biện chứng, trong khi tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa tư tưởng của nhân 
loại, trong đó có quan điểm của F.Bacon về tri thức khoa học, Đảng và nhà nước ta vẫn kiên trì 
những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin trong định hướng phát triển đất nước. Biểu hiện 
sinh động trong đường lối đổi mới ở Việt Nam hiện nay là thống nhất lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp 
và lợi ích nhân loại, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với việc đề cao vai trò của tri thức 
khoa học. Nhà nước ta đã đề ra những giải pháp định hướng đối với việc tổ chức, quản lí và phát 
triển khoa học, công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 
Một là, đổi mới cơ chế quản lí của nhà nước nhằm phát huy sức sáng tạo của con người, giải phóng 
thực sự năng lực sản xuất của xã hội; Hai là, chăm lo phát triển nguồn lực con người, nâng cao dân 
trí, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Nhà nước đầu tư để phát triển giáo dục, coi việc đầu tư cho giáo 
dục, đào tạo là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển. Giáo dục, đào tạo phải thật sự 
trở thành quốc sách hàng đầu; Ba là, tăng cường năng lực khoa học và công nghệ trên phạm vi cả 
nước, thể hiện ở việc thực hiện các chính sách, chủ trương của nhà nước về khoa học, công nghệ; 
Bốn là, mở rộng quan hệ đối ngoại, mà trước hết là quan hệ kinh tế quốc tế. 
Trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội Đảng lần thứ X, 
đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức: 
“Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn 
quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát 
triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hoá, 
hiện đại hoá.” (1) 
CHÚ THÍCH 
[1]. Đảng cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị 
Quốc gia, Hà Nội, tr 28, 29. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. F.A.Copleston (1964), Histotry of Philosophy. Vol 4, New York. 
2. Ph.D.DonathanDolhenty:A/basic/Introduction/to/the/Methods/of/Science–Part2/ 
" 
3. Eiseley, Loren (1973), The Man Who Saw Through Time, New York, Scribners. 
4. B.Farrington (1999), Francis Bacon – Philosopher of Industrial Science, New York. 
5. Gaukroger, Stephen (2001), Francis Bacon and the Transformation of Early-morden 
Philosophy, Cambridge, U.K, New York, Cambridge University Press. 
6. Rossi, Paolo (1968), Francis Bacon: from Magic to Science, Trans, Sacha Rabinovitch, Chicago, 
University of Chicago Press. 
7. T.V.Smith and Marjorie Grene (1940), From Descartes to Kant, The University of Chicago 
Press, Chicago Illinois. 
8. The English Philosophers from Bacon to Mill (1939), The Modern Library. 
9. The Works of Lord Bacon, Vol II (1955), London. 

File đính kèm:

  • pdfvai_tro_cua_tri_thuc_khoa_hoc_trong_doi_song_xa_hoi_quan_die.pdf