Truyền thông bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ít người ở Việt Nam

Ở Việt Nam, vấn đề truyền thông bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số (DTTS) ít

người đã được đặt ra từ lâu và hiện nay vẫn được coi là cấp thiết, bởi sự thống nhất ý chí và củng

cố sức mạnh đoàn kết dân tộc, đồng thời thể hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc. Ngôn ngữ không

chỉ là thành tố cơ bản trong văn hóa mà còn là phương tiện để hình thành và lưu truyền trong đời

sống văn hóa tinh thần của một dân tộc. Truyền thông bằng ngôn ngữ của các dân tộc, trong đó có

DTTS ít người góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam.

pdf 8 trang kimcuc 9960
Bạn đang xem tài liệu "Truyền thông bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ít người ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Truyền thông bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ít người ở Việt Nam

Truyền thông bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ít người ở Việt Nam
 96 
Truyền thông bằng ngôn ngữ 
của các dân tộc thiểu số ít người ở Việt Nam 
Nguyễn Thị Nhung1, Nguyễn Thị Phương Thanh2 
1 Trường Đại học Thái Nguyên. 
 Email: nhungsptn@gmail.com 
2 Đài Truyền hình Việt Nam. 
Email: phuongthanh.vtv@gmail.com 
Nhận ngày 24 tháng 6 năm 2019. Chấp nhận đăng ngày 4 tháng 8 năm 2019. 
Tóm tắt: Ở Việt Nam, vấn đề truyền thông bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số (DTTS) ít 
người đã được đặt ra từ lâu và hiện nay vẫn được coi là cấp thiết, bởi sự thống nhất ý chí và củng 
cố sức mạnh đoàn kết dân tộc, đồng thời thể hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc. Ngôn ngữ không 
chỉ là thành tố cơ bản trong văn hóa mà còn là phương tiện để hình thành và lưu truyền trong đời 
sống văn hóa tinh thần của một dân tộc. Truyền thông bằng ngôn ngữ của các dân tộc, trong đó có 
DTTS ít người góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam. 
Từ khóa: Dân tộc thiểu số ít người, ngôn ngữ, truyền thông. 
Phân loại ngành: Báo chí học 
Abstract: In Vietnam, the issue of media/communication using the languages of small-number 
ethnic minorities has been raised for long, and is still considered urgent, given its capacities in 
unifying the will and consolidating the strength of national unity, and, at the same time, expressing 
the equality among ethnic groups. Language is not only a basic element in culture but also a means 
of formation and dissemination in the cultural and non-material activities of a nation. Media in the 
languages of ethnic groups, including small-number ethnic minorities, contributes to the 
preservation and development of diversity in Vietnamese culture. 
Keywords: Small-number ethnic minorities, language, media. ... 
Subject classification: Journalism studies 
1. Đặt vấn đề 
Hiện nay, Việt Nam có 15 DTTS với dân số 
chỉ dưới mười nghìn người. Trong đó, 4 dân 
tộc La Ha, Pà Thẻn, Chứt, Lự có dân số từ 
năm nghìn người trở lên đến dưới mười 
nghìn; 6 dân tộc Lô Lô, Mảng, Cơ Lao, Bố 
Y, Cống, Ngái có từ một nghìn đến năm 
Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Phương Thanh 
 97 
nghìn người; và 5 dân tộc Si La, Pu Péo, Rơ 
Măm, Brâu, Ơ Đu có dân số chỉ dưới một 
nghìn người [7]. 
Theo Điều 4, Nghị định 05/2011/NĐ-CP 
thì đây là những DTTS ít người. Các nhà 
nghiên cứu ngôn ngữ DTTS cho rằng, ngôn 
ngữ của các dân tộc này đang bị mai một, 
thậm chí có nguy cơ biến mất [1, tr.163]. 
Trên thực tế, có ngôn ngữ đã cơ bản biến 
mất như tiếng Ơ Đu. 14 ngôn ngữ còn lại 
(tạm gọi là các ngôn ngữ bị mai một) đang 
rất cần được giữ gìn, bảo tồn, phát triển để 
không bị biến mất mà còn đáp ứng được 
nhu cầu giao tiếp của thời đại. Do vậy, các 
ngôn ngữ bị mai một đang thu hút sự quan 
tâm của Nhà nước, của nhiều nhà khoa học. 
Tuy nhiên, nếu 22/38 ngôn ngữ của các dân 
tộc có số dân từ mười nghìn người trở lên 
đã được đưa vào truyền thông cấp trung 
ương, tỉnh, huyện (chủ yếu ở hai loại hình 
truyền hình, phát thanh) thì 14 ngôn ngữ 
nói trên đều chưa được sử dụng trong hoạt 
động truyền thông ở ba cấp này. Truyền 
thông bằng ngôn ngữ DTTS có vai trò rất lớn 
trong việc bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa các dân 
tộc, trong việc phát triển bền vững vùng các 
DTTS nói riêng, phát triển bền vững đất nước 
nói chung. Nhưng vấn đề truyền thông bằng 
ngôn ngữ của các DTTS ít người ở Việt Nam 
cũng chưa được công trình nào đặt ra và giải 
quyết. Bài viết này chỉ rõ sự cần thiết truyền 
thông bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số 
ít người; nguyên nhân ngôn ngữ của các dân 
tộc thiểu số ít người chưa được sử dụng ở Việt 
Nam hiện nay. 
2. Sự cần thiết truyền thông bằng ngôn 
ngữ của các DTTS ít người 
Thứ nhất, ngôn ngữ của các DTTS ít người 
còn gọi là các ngôn ngữ bị mai một ở Việt 
Nam hiện nay là đối tượng cần bảo tồn, 
phát triển. Không chỉ bởi số người của các 
dân tộc này không nhiều, mà còn bởi số 
người sử dụng được các ngôn ngữ này ngày 
một ít đi. Ở hầu hết các DTTS có một thực 
trạng là nhiều người thuộc thế hệ trẻ không 
còn nắm vững, thậm chí không sử dụng 
được tiếng mẹ đẻ của mình do họ ít được kế 
thừa từ người lớn, không được dạy trong 
nhà trường; họ sớm tách khỏi môi trường 
tiếng mẹ đẻ để đi học, đi làm ở môi trường 
mới. Đối với các ngôn ngữ bị mai một, bên 
cạnh hiện tượng đó, còn có hiện tượng mai 
một ngôn ngữ xảy ra ngay ở những thế hệ 
trung, cao tuổi khi họ sống xen kẽ với các 
dân tộc khác có dân số lớn hơn. Theo kết 
quả Điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 
DTTS năm 2015, số người biết tiếng mẹ đẻ 
ở dân tộc La Ha chiếm 67,3%, ở dân tộc 
Ngái chiếm 50,8%, ở dân tộc Cơ Lao chiếm 
45,5%, ở dân tộc Ơ Đu chiếm 27,7%. Dân 
tộc Ơ Đu sở dĩ hầu như đã mất tiếng nói của 
mình chính bởi họ sống xen lẫn với người 
Thái, người Khơ Mú ở xã Hữu Khuông và 
xã Yên Hòa (Tương Dương, Nghệ An). 
Hiện tượng này không chỉ khi hội họp hay 
tham gia các hoạt động giao tiếp ở lĩnh vực 
hành chính, mà ngay cả khi giao tiếp trong 
cộng đồng, trong gia đình, họ cũng dùng 
ngôn ngữ của dân tộc có số dân lớn hơn là 
người Thái, người Khơ Mú. Dùng lâu thành 
quen, họ đã dần quên đi tiếng mẹ đẻ. Người 
Bố Y cũng sống xen cài với các dân tộc 
Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa, Thái tại một 
số huyện miền núi của Lào Cai, Hà Giang. 
Hiện nay, trong giao tiếp hàng ngày, có tình 
trạng một phần lớn người Bố Y đã quên 
tiếng mẹ đẻ của mình mà dùng ngôn ngữ 
của các dân tộc láng giềng. Người Bố Y tại 
Lào Cai dùng tiếng Quan Hỏa, Người Bố Y 
tại Hà Giang dùng tiếng Giáy, tiếng Tày. 
Người La Ha thì sống xen cài với người 
Kháng, người Thái ở miền hữu ngạn sông 
Hồng và miền lưu vực sông Đà (thuộc Lào 
Cai, Yên Bái, Sơn La). Họ dùng tiếng Thái 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 - 2019 
 98 
rất phổ biến, thơ ca dân gian đều thể hiện 
bằng tiếng Thái. 
Bên cạnh đó, phạm vi sử dụng ngôn ngữ 
mẹ đẻ cũng hết sức hạn hẹp, chủ yếu chỉ 
còn trong giao tiếp gia đình. Phạm vi gia 
đình cũng có thể không đảm bảo giữ vững 
khi mỗi người bị ảnh hưởng ngày một lớn 
bởi thói quen dùng ngôn ngữ khác từ giao 
tiếp xã hội. Phạm vi hẹp kéo theo tần số sử 
dụng tiếng mẹ đẻ thấp bởi người DTTS 
cũng theo xu thế chung của thời đại, mở 
rộng các quan hệ xã hội. Những điều này đã 
dẫn tới hiện tượng quên tiếng mẹ đẻ ở một 
bộ phận người trung, cao tuổi; hạn chế phát 
triển tiếng mẹ đẻ ở những người trẻ tuổi; 
khiến mức độ mai một của các ngôn ngữ 
này ngày càng cao. 
Thứ hai, truyền thông bằng ngôn ngữ bị 
mai một còn là phương tiện không thể thiếu 
giúp mọi chủ nhân của các ngôn ngữ này 
thực hiện quyền tiếp cận thông tin của 
mình. Đó là quyền của công dân được đề 
cập trong Luật Tiếp cận thông tin số 
104/2016/QH13 được Quốc hội Việt Nam 
thông qua ngày 09 tháng 4 năm 2016 tại kỳ 
họp thứ 11, chính thức có hiệu lực từ ngày 
1 tháng 7 năm 2018. Luật này có ý nghĩa 
quan trọng trong việc cụ thể hóa quyền con 
người trong Hiến pháp năm 2013, đó là 
“quyền được biết” của dân, là dấu mốc 
quan trọng trong việc thực hiện các cam kết 
quốc tế mà Việt Nam tham gia. Luật xác 
định rõ nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận 
thông tin. Trong đó có nguyên tắc: Mọi 
công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt 
đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận 
thông tin; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi 
để người khuyết tật, người sinh sống ở khu 
vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có 
điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn 
thực hiện quyền tiếp cận thông tin [4]. Luật 
quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà 
nước từ cơ quan hành pháp, tư pháp đến cơ 
quan lập pháp cung cấp thông tin cho công 
dân; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, 
nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc 
bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công 
dân. Phương tiện cung cấp thông tin phổ 
biến, tiện lợi hơn cả hiện nay chính là 
truyền thông đại chúng, đặc biệt là phát 
thanh, truyền hình. 
Vấn đề đặt ra là, có phải hiện nay, mọi 
người dân Việt Nam đều đã được thực hiện 
quyền tiếp cận thông tin? Qua quan sát sơ 
bộ của chúng tôi, trong số các DTTS ở Việt 
Nam, nhóm các DTTS ít người này đang 
còn đáng kể những người chưa biết tiếng 
Việt cùng các ngôn ngữ có sử dụng vào 
truyền thông đại chúng. Bởi các DTTS ít 
người hầu hết đều sinh sống ở các địa bàn 
núi cao, xa xôi, hẻo lánh. Nếu họ cư trú độc 
lập thành khu vực riêng thì khả năng nắm 
được ngôn ngữ thứ hai, thứ ba là không 
cao. Chẳng hạn, người Cống cư trú gọn 
trong 5 bản thuộc các xã của huyện Mường 
Tè (Lai Châu). Người Brâu sống tập trung 
tại làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, 
tỉnh Kon Tum. Người Rơ Măm cư trú tập 
trung tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa 
Thầy, Kon Tum. Những người có tuổi, ít 
rời khỏi làng thường không biết chữ Quốc 
ngữ, và có thể không thạo tiếng Việt cũng 
như các ngôn ngữ khác. Theo kết quả Điều 
tra thực trạng kinh tế xã hội 53 DTTS ngày 
01/8/2015, có đến 6 DTTS ít người có tỷ lệ 
người (15 tuổi trở lên) không biết đọc, biết 
viết tiếng Việt chiếm từ 40% trở lên. Trong 
đó, dân tộc La Ha là 42,5%, dân tộc Lô Lô 
là 45,5%, dân tộc Cơ Lao là 50,2%, dân tộc 
Brâu là 51,8%, dân tộc Mảng là 56,2% và 
dân tộc Lự là 57,2%. Tuy nhiên, tỷ lệ người 
nghe, nói được tiếng Việt thì cao hơn. Như 
vậy, nhìn chung, nhiều người DTTS ít 
người không thể thực hiện tốt quyền tiếp 
cận thông tin của mình nếu như không có 
các hoạt động truyền thông sử dụng tiếng 
mẹ đẻ của họ. 
Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Phương Thanh 
 99 
Thứ ba, truyền thông bằng ngôn ngữ bị 
mai một góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu 
lực của hoạt động tiếp cận thông tin. Việc 
tiếng mẹ đẻ được dùng trên các phương tiện 
truyền thông chính thống chắc chắn sẽ 
khiến người dân các DTTS ít người có thêm 
niềm tự tôn dân tộc, tự hào về văn hóa dân 
tộc mình, từ đó hào hứng và thích thú theo 
dõi để nắm được tốt hơn các nội dung 
truyền thông. Điều này đồng thời có tác 
động tăng cường hiệu lực truyền thông, thu 
hút được lượng người quan tâm đến truyền 
thông đại chúng nhiều hơn. 
Thứ tư, truyền thông bằng các ngôn ngữ 
bị mai một là phương tiện hữu hiệu để nâng 
cao chất lượng cuộc sống của DTTS ít 
người. Các DTTS ít người còn nhiều tập tục 
lạc hậu, hiểu biết mọi mặt còn hạn chế, 
nhiều hộ vẫn sống trong điều kiện khó 
khăn, kinh tế thấp kém. Chẳng hạn, đồng 
bào dân tộc Cống có cuộc sống nhìn chung 
còn nghèo khó, nhưng cứ mỗi đám cưới, 
dân bản có thể ăn uống, vui chơi suốt trong 
3 ngày 2 đêm. Mỗi người chết đi, có thể hạ 
cả một cây to, khoét rỗng, để làm quan tài. 
Sự lãng phí khiến cuộc sống của bà con đã 
nghèo khổ càng thêm khốn khó, cây lớn bị 
triệt hạ nhiều, rừng già dần bị xóa sổ. 
Nhiều tập tục vẫn còn ảnh hưởng không 
tốt đến kinh tế, môi trường, sức khỏe, đến 
sự tự do trong hôn nhân hay tự do trong 
phát triển cuộc sống của cộng đồng các 
DTTS ít người. Chẳng hạn, Người Lự, khi 
trồng lúa thường cấy chay, không làm cỏ, 
bỏ phân. Người Lô Lô có thể áp đặt chuyện 
hôn nhân (ấn định người vợ, người chồng 
tương lai) cho một đứa trẻ vừa sinh ra; cấm 
phụ nữ ăn thịt lợn, thịt gà. Người Cơ Lao có 
tục cho người đẻ khó uống nước rửa tay của 
người già hoặc nước rửa con thoi. Người Si 
La có tục: cha mẹ còn sống, con trai dù đã 
có vợ con cũng không được ra ở riêng. 
Người Pà Thẻn, người Lự, và nhiều DTTS 
ít người khác còn tin vạn vật đều có linh 
hồn, mỗi khi có điều vui buồn thường lí giải 
theo tín ngưỡng, không theo khoa học, tổ 
chức cúng lễ tốn kém. Những tập tục, cách 
sống, lối nghĩ này cần được thay đổi để chất 
lượng cuộc sống của bà con được cải thiện. 
Bên cạnh đó, các DTTS ít người cũng có 
nhiều nét đẹp trong văn hóa. Đó là hầu hết 
các dân tộc đều có hôn nhân một vợ một 
chồng bền vững, ít có hiện tượng li dị, đa 
thê. Người Cống có mối quan hệ láng giềng 
gắn bó, có tinh thần tương trợ lẫn nhau rất 
cao. Người Chứt có đời sống tinh thần 
phong phú thể hiện qua hệ thống nhạc cụ 
phong phú, dân ca và truyện kể hấp dẫn. 
Người Lô Lô có trang phục nữ độc đáo, 
công phu, đẹp như những tác phẩm nghệ 
thuật. Những nét đẹp này cần được khẳng 
định, tôn vinh và phát huy. 
3. Nguyên nhân ngôn ngữ của các DTTS 
ít người chưa được sử dụng vào truyền 
thông ở Việt Nam 
3.1. Khó khăn về kinh phí và nhân lực 
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, 
kinh phí cho truyền thông nói chung, cho 
truyền thông bằng ngôn ngữ DTTS nói 
riêng của quốc gia và của các tỉnh còn hạn 
hẹp. Các đài phát thanh truyền hình (PT-
TH) đang bước vào giai đoạn tự chủ về tài 
chính. Làm phát thanh, truyền hình bằng 
tiếng Việt thì có thể cải thiện thu nhập bằng 
quảng cáo, thương mại truyền thông. Làm 
phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc, không 
có điều kiện cải thiện như vậy. Thực tế ở 
hầu hết các đài PT-TH hiện nay là thu nhập 
của phòng Tiếng dân tộc đều rất hạn hẹp, 
điều kiện làm việc của anh chị em thực sự 
khó khăn. Vì vậy, từ Trung ương đến các 
tỉnh, các cấp lãnh đạo đều phải đặt vấn đề 
lựa chọn một số ngôn ngữ nhất định cho 
truyền thông bằng ngôn ngữ DTTS, chưa 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 - 2019 
 100
thể đưa tất cả ngôn ngữ DTTS vào truyền 
thông, việc mở rộng thêm các ngôn ngữ 
mới là rất chậm. 
Vì kinh phí ít, nhân lực cũng bị cắt giảm. 
Với các ngôn ngữ DTTS đã được duy trì 
làm phát thanh truyền hình từ lâu, nhân lực 
cũng đang bị biến động theo hướng đi 
xuống, kéo theo tình trạng làm việc căng 
thẳng ở hầu hết các đài PT-TH tỉnh. Theo 
quan sát của chúng tôi, nhiều người làm 
phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc đang ở 
chế độ hợp đồng đã bị chuyển sang thành 
cộng tác viên. Hơn nữa, việc lựa chọn nhân 
lực người DTTS cho truyền thông cũng 
không hề dễ dàng. Bởi người làm truyền 
thông, cụ thể là người làm phát thanh, 
truyền hình bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số 
đều phải đáp ứng được nhiều yêu cầu: (1) 
Phải thạo ngôn ngữ DTTS; (2) Có giọng 
hay; (3) Có khiếu nói; (4) Có nghiệp vụ báo 
chí; và (5) nếu làm truyền hình thì còn cần 
tiêu chuẩn ngoại hình đẹp. Yêu cầu thứ hai, 
thứ ba, thứ năm là không dễ đạt được, bởi 
nó nghiêng về thiên bẩm. Yêu cầu thứ nhất 
và thứ tư lại dường như đối lập nhau. Bởi 
những người đã xa môi trường tiếng mẹ đẻ 
để đi học văn hóa, học chuyên nghiệp cho 
đến tinh thông nghiệp vụ báo chí thì thường 
đã bị mai một vốn ngôn ngữ mẹ đẻ. Ngược 
lại, người có vốn ngôn ngữ mẹ đẻ phong 
phú lại thường là người chưa dứt khỏi môi 
trường dân tộc mình, thường chưa được đi 
đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ báo chí. 
Đây là khó khăn chung với việc chọn nhân 
lực cho truyền thông bằng ngôn ngữ DTTS. 
Hiện nay có bộ phận làm chương trình 
Tiếng dân tộc mà không có một người 
DTTS nào như ở Đài PT-TH Thừa Thiên- 
Huế, hay chỉ có một người DTTS cho mỗi 
ngôn ngữ như Đài PT-TH Quảng Trị, 
Đài PT-TH Ninh Thuận, Đài PT-TH Cao 
Bằng... Với các DTTS ít người, việc lựa 
chọn nhân lực lại càng khó khăn gấp bội. 
Bởi các dân tộc này ít người, lại thường 
chưa phát triển, rất khó tìm người đã được 
đào tạo nghiệp vụ báo chí. Việc chọn người 
có nhan sắc, có năng khiếu trong một tập 
thể nhỏ hẳn khó hơn trong một tập thể lớn. 
3.2. Rào cản tiêu chí lựa chọn ngôn ngữ 
truyền thông 
Thứ nhất, nước ta còn nghèo, kinh phí cho 
truyền thông còn ít, nên tiêu chí đầu tiên 
được đưa vào lựa chọn ngôn ngữ truyền 
thông chính là tiết kiệm. Cùng một hoạt 
động truyền thông, mà số người có thể tiếp 
cận được càng đông, có thể phủ sóng càng 
rộng thì hẳn là càng tốt. Nên thường thì 
ngôn ngữ của dân tộc lớn, cư trú trên địa 
bàn rộng; ngôn ngữ của những dân tộc có 
uy tín, có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, 
được coi là ngôn ngữ phổ thông vùng ở các 
phạm vi khác nhau (như tiếng Gia Rai, 
tiếng Khmer, tiếng Chăm, tiếng Thái, tiếng 
Tày,...) được ưu tiên lựa chọn vào truyền 
thông. Các ngôn ngữ bị mai một đương 
nhiên không đáp ứng tiêu chí này. 
Thứ hai, xếp sau tiêu chí tiết kiệm là tiêu 
chí tiện lợi. Vậy nên, các ngôn ngữ có vốn 
từ vựng phong phú, có chữ viết được Bộ 
Giáo dục và Đào tạo công nhận, có từ điển, 
sách dạy chữ; ngôn ngữ của dân tộc có bề 
dày về văn hóa sẽ được ưu tiên lựa chọn. 
Bề dày văn hóa sẽ là một thuận lợi cho việc 
tìm đề tài cho các tin bài. Vốn từ vựng 
phong phú, cùng bộ chữ viết sẽ tạo thuận 
lợi cho khâu viết bài, dịch thuật, lưu giữ. 
Nhờ có chữ viết, các phóng viên có thể viết 
bài bằng chữ DTTS, văn phong sẽ mềm 
mại, chuẩn mực hơn văn phong của các bản 
dịch từ tiếng Việt. Cũng nhờ có chữ viết, 
các biên dịch viên có thể dịch trước, ghi lại 
bằng văn bản để có thời gian lựa chọn từ 
ngữ, trau chuốt cách diễn đạt. Các ngôn ngữ 
bị mai một là ngôn ngữ của các dân tộc 
nhỏ, chưa có chữ viết, khó đáp ứng được 
tiêu chí này. 
Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Phương Thanh 
 101 
Thứ ba, tiêu chí hiệu quả. Theo đó, các 
dân tộc càng cần được tuyên truyền, giáo 
dục về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc 
phòng, anh ninh, cần được cố kết cộng 
đồng thì ngôn ngữ của họ càng được ưu tiên 
sử dụng. Trong thực tế, việc áp dụng tiêu 
chí này mới chủ yếu hướng tới các DTTS 
cần tuyên truyền về chính trị, quốc phòng, 
an ninh, cần tăng cường sự gắn kết của 
cộng đồng dân tộc đó với đại gia đình các 
dân tộc Việt Nam. Điều này đồng nghĩa 
việc vận dụng tiêu chí mới nghiêng về đáp 
ứng nhu cầu chung của quốc gia. Tuy 
nhiên, hiệu quả của truyền thông cần phải 
đến từ hai phía, bên cạnh hiệu quả nhìn từ 
lợi ích quốc gia, còn cần chú ý tới hiệu quả 
đối với bản thân DTTS được tiếp cận truyền 
thông. Nếu xuất phát từ bản thân các DTTS 
này thì mục tiêu cũng rất quan trọng cần 
quan tâm là tuyên truyền giáo dục về văn 
hóa, khoa học, cách làm kinh tế (bên cạnh 
mục tiêu về chính trị, an ninh). Các dân tộc 
có số dân càng nhỏ (thường cũng là những 
dân tộc còn nghèo nàn, lạc hậu) càng 
cần được tuyên truyền giáo dục về các lĩnh 
vực đó. 
Thứ tư, các tiêu chí lựa chọn ngôn ngữ 
truyền thông dựa trên điều kiện kinh phí có 
mặt mạnh cơ bản của chúng. Bởi việc lựa 
chọn ngôn ngữ truyền thông theo các tiêu 
chí này đã giúp cho truyền thông bằng ngôn 
ngữ DTTS tồn tại được trong điều kiện kinh 
phí ngặt nghèo. Bên cạnh đó, nó còn ít 
nhiều đáp ứng trong việc nâng cao hiệu 
quả, hiệu lực truyền thông và nâng cao chất 
lượng cuộc sống. 
Tuy nhiên, việc lựa chọn ngôn ngữ 
truyền thông theo các tiêu chí trên cũng 
khiến cho hai mục tiêu quan trọng hàng đầu 
của truyền thông bằng ngôn ngữ DTTS là 
mục tiêu bảo tồn, phát triển ngôn ngữ, văn 
hóa và thực hiện quyền tiếp cận thông tin 
lại chưa được đáp ứng tốt. Đành rằng, tất cả 
các ngôn ngữ DTTS đều cần được bảo tồn 
ở một mức nào đó nên việc truyền thông 
bằng ngôn ngữ DTTS nào cũng đều góp 
phần thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát triển 
ngôn ngữ, văn hóa. Nhưng theo các tiêu chí 
lựa chọn trên, hơn một nửa ngôn ngữ DTTS, 
bộ phận có mức độ mai một cao hơn, nhu cầu 
bảo tồn, phát triển bức thiết hơn, có nhiều 
người không biết tiếng Việt lại chính là bộ 
phận các ngôn ngữ chưa được đưa vào hoạt 
động truyền thông. 
Những phân tích trên cho thấy các tiêu 
chí lựa chọn ngôn ngữ cho truyền thông 
bằng ngôn ngữ DTTS hiện hành có thể vận 
dụng trong một giai đoạn nhất định, nhưng 
không thể mãi kéo dài. Bởi nếu cứ kéo dài 
việc sử dụng các tiêu chí này thì kết quả lựa 
chọn ngôn ngữ truyền thông sẽ làm cho 
những mục tiêu cơ bản của hoạt động 
truyền thông bằng ngôn ngữ DTTS ở Việt 
Nam chưa thể thực hiện được. 
Khi điều kiện kinh tế của đất nước đi 
lên, kinh phí dành cho truyền thông DTTS 
được cải thiện, cần ưu tiên hàng đầu cho 
việc truyền thông bằng ngôn ngữ bị mai 
một. Và ngay từ bây giờ, nên chuẩn bị từng 
bước, để đưa các ngôn ngữ bị mai một vào 
hoạt động truyền thông. 
4. Kết luận 
Hoạt động truyền thông bằng ngôn ngữ của 
các dân tộc thiểu số ít người có vai trò đặc 
biệt với việc bảo tồn, phát triển ngôn ngữ, 
giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, góp 
phần bảo vệ vẻ đẹp đa sắc của văn hóa Việt 
Nam. Đồng thời, hoạt động này cũng giúp 
đồng bào các DTTS có lượng người ít nhất 
Việt Nam, có điều kiện tiếp cận thông tin 
để mở mang nhận thức, thay đổi hành vi 
theo hướng tích cực; góp phần phát triển 
kinh tế, văn hóa xã hội ở vùng miền núi, 
biên giới, tạo tiền đề quan trọng cho công 
tác an ninh, quốc phòng của đất nước; góp 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 - 2019 
 102
phần thực hiện Luật Tiếp cận thông tin và 
những chủ trương của Đảng, chính sách của 
Nhà nước về phát triển bền vững vùng 
DTTS ở Việt Nam. Tuy nhiên, để truyền 
thông bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu 
số ít người ở Việt Nam thành công, chúng 
tôi cho rằng: 
Một là, Bộ Thông tin và Truyền thông 
cần trực tiếp chỉ đạo thực hiện hoạt động 
truyền thông bằng ngôn ngữ bị mai một, bởi 
đây là một hoạt động tương đối phức tạp, 
tốn kém, cần một sự điều hành chung. 
Hai là, để chuẩn bị cho hoạt động này, 
Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo 
việc tuyển chọn người thuộc các DTTS ít 
người đã tốt nghiệp phổ thông, nắm vững 
tiếng mẹ đẻ, có năng khiếu báo chí, ưu tiên 
người có ngoại hình đẹp để đào tạo về 
nghiệp vụ báo chí. Nên ưu tiên việc chuẩn 
bị cho những ngôn ngữ có mức độ mai một 
cao và có nhiều người dân cần thực hiện 
quyền tiếp cận thông tin như tiếng La Ha, 
Ngái, Cờ Lao, Lô Lô, Brâu, Mảng, Lự. 
Bên cạnh đó, cần phối hợp với Viện 
Ngôn ngữ học, Bộ giáo dục và Đào tạo có 
kế hoạch từng bước xây dựng bộ chữ viết 
và dạy tiếng cho thế hệ trẻ của các dân tộc 
có ngôn ngữ bị mai một. 
Ba là, từng bước đưa các ngôn ngữ bị 
mai một đã được chuẩn bị vào truyền thông. 
Các ngôn ngữ đã đào tạo được đội ngũ làm 
truyền thông, được nhiều người sử dụng và 
đưa vào truyền thông trước. 
Bốn là, các DTTS ít người đều có số dân 
nhỏ, nên cấp truyền thông không gây tốn 
kém, phù hợp với các dân tộc này là truyền 
thông cấp huyện, xã. Nếu dân tộc không 
quá ít người (như La Ha, Pà Thẻn, Chứt, 
Lự, Mảng, Lô Lô, Cơ Lao, Bố Y, Cống) thì 
thực hiện truyền thông cấp huyện ở một 
hoặc một số huyện mà họ sinh sống. Với 
các ngôn ngữ quá ít người (như Ngái, Si La, 
Pu Péo, Rơ Măm, Brâu) thì có thể thực hiện 
truyền thông cấp xã. Dù ở cấp nào thì Nhà 
nước cũng cần quan tâm, chỉ đạo và tài trợ 
về kinh phí. 
Năm là, bước đầu, với điều kiện kinh phí 
hạn chế, có thể chỉ chọn loại hình truyền 
thông ít tốn kém là phát thanh và truyền 
thông trực tiếp. Khi có điều kiện hơn, có thể 
thêm các loại hình khác. Nên đưa các 
chương trình Tiếng dân tộc lên trang web 
để lưu giữ, tạo dần một dạng kho bảo tồn 
ngôn ngữ, và cũng để người dân tiếp cận 
được thuận lợi. 
Sáu là, các chương trình phát thanh bằng 
những ngôn ngữ bị mai một nên bắt đầu với 
thời lượng nhỏ (15 phút), sau tăng dần lên 
khi có điều kiện. Tần suất cũng có thể bắt 
đầu ở mức độ thấp (1 chương trình/ tuần), 
sau có thể tăng dần. 
Tài liệu tham khảo 
[1] Trần Trí Dõi (2016), Ngôn ngữ các dân tộc 
thiểu số ở Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà 
Nội, Hà Nội. 
[2] Nguyễn Văn Dững (2012), Cơ sở lý luận báo 
chí, Nxb Lao động, Hà Nội. 
[3] Nguyễn Hữu Hoành (Chủ biên) (2012), Ngôn 
ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam 
(Những vấn đề chung), Nxb Từ điển Bách 
khoa, Hà Nội. 
[4] Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt 
Nam (2016), Luật tiếp cận thông tin số 
104/2016QH13, ngày 9 tháng 4, Hà Nội. 
[5] Viện Dân tộc học (2014), Các dân tộc ít người 
ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Nxb Khoa học 
xã hội, Hà Nội. 
[6] Viện Dân tộc học (2014), Các dân tộc ít người 
ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Nxb Khoa 
học xã hội, Hà Nội. 
[7] 
tra-thuc-trang-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-cua-53-
dan-toc-thieu-so-nam-2015.htm
Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Phương Thanh 
 103 

File đính kèm:

  • pdftruyen_thong_bang_ngon_ngu_cua_cac_dan_toc_thieu_so_it_nguoi.pdf