Triết lý về mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên trong tục ngữ Việt Nam
Ngay từ khi mới xuất hiện, con người
đã có mối quan hệ với giới tự nhiên.
Con người vẫn có thể tồn tại được trong
một thời gian nhất định nếu bị tách rời
môi trường xã hội, nhưng con người
không thể sống nếu thiếu không khí để
thở, nước uống, thức ăn, không thể sản
xuất nếu thiếu đất, nước, ánh sáng. Đối
với những cư dân nông nghiệp lúa nước
vốn sinh sống, lao động phụ thuộc chặt
chẽ vào giới tự nhiên, thì người ta càng
ý thức sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa
con người và giới tự nhiên.
Người Việt Nam trong quá trình sống
gắn bó, đấu tranh, chinh phục tự nhiên
cũng đã nhận thức được một cách sâu
sắc mối quan hệ này, nhận thức đó thể
hiện qua những triết lý gửi gắm trong
kho tàng tục ngữ. Những triết lý đó là:
Thứ nhất, con người là sản phẩm của
tự nhiên, sống phụ thuộc vào tự nhiên
Trong khi các nhà triết học tốn rất
nhiều thời gian để tranh luận về nguồn
gốc của con người, thì nhân dân lao
động, từ rất lâu trước đó, đã nhận thức
một cách tự giác rằng: con người là sản
phẩm của giới tự nhiên và gắn bó khăng
khít với giới tự nhiên. Trong số 4.160
câu tục ngữ trong công trình Tục ngữ
Việt Nam (của Chu Xuân Diên - Lương
Văn Đang - Phương Tri) có 535 câu,
(chiếm 12,86 %) đề cập đến giới tự
nhiên. Điều ấy cho thấy, người Việt
Nam luôn xem tự nhiên và mối quan hệ
với giới tự nhiên là một trong những
mối quan tâm hàng đầu của mình.(
Tóm tắt nội dung tài liệu: Triết lý về mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên trong tục ngữ Việt Nam
Triết lý về mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên... 103 TRIẾT LÝ VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA CON NGƯỜI VÀ GIỚI TỰ NHIÊN TRONG TỤC NGỮ VIỆT NAM BÙI VĂN DŨNG* Tóm tắt: Từ xa xưa người Việt Nam đã có nhận thức về mối quan hệ biện chứng giữa con người với giới tự nhiên. Điều đó thể hiện qua những triết lý được gửi gắm trong kho tàng tục ngữ. Bài viết phân tích các biểu hiện của triết lý dân gian về nguồn gốc tự nhiên của con người, về khả năng cải tạo, chinh phục tự nhiên của con người, về sự cần thiết phải tôn trọng, bảo vệ tự nhiên. Từ khóa: Người Việt Nam, triết lý, mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên. Ngay từ khi mới xuất hiện, con người đã có mối quan hệ với giới tự nhiên. Con người vẫn có thể tồn tại được trong một thời gian nhất định nếu bị tách rời môi trường xã hội, nhưng con người không thể sống nếu thiếu không khí để thở, nước uống, thức ăn, không thể sản xuất nếu thiếu đất, nước, ánh sáng... Đối với những cư dân nông nghiệp lúa nước vốn sinh sống, lao động phụ thuộc chặt chẽ vào giới tự nhiên, thì người ta càng ý thức sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên. Người Việt Nam trong quá trình sống gắn bó, đấu tranh, chinh phục tự nhiên cũng đã nhận thức được một cách sâu sắc mối quan hệ này, nhận thức đó thể hiện qua những triết lý gửi gắm trong kho tàng tục ngữ. Những triết lý đó là: Thứ nhất, con người là sản phẩm của tự nhiên, sống phụ thuộc vào tự nhiên Trong khi các nhà triết học tốn rất nhiều thời gian để tranh luận về nguồn gốc của con người, thì nhân dân lao động, từ rất lâu trước đó, đã nhận thức một cách tự giác rằng: con người là sản phẩm của giới tự nhiên và gắn bó khăng khít với giới tự nhiên. Trong số 4.160 câu tục ngữ trong công trình Tục ngữ Việt Nam (của Chu Xuân Diên - Lương Văn Đang - Phương Tri) có 535 câu, (chiếm 12,86 %) đề cập đến giới tự nhiên. Điều ấy cho thấy, người Việt Nam luôn xem tự nhiên và mối quan hệ với giới tự nhiên là một trong những mối quan tâm hàng đầu của mình.(*) Khi khẳng định nguồn gốc tự nhiên của con người, người Việt Nam có quan niệm duy vật khi khẳng định: Người ta là hoa đất. Con người không phải là thực thể tách khỏi hoàn toàn giới tự nhiên, mà bản thân con người là một phần của giới tự nhiên. Tư tưởng đó thể hiện một triết lý sâu sắc: Con người là (*) Tiến sĩ, Trường Đại học Vinh. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 5(78) - 2014 104 tinh hoa của đất trời, là một thực thể phát triển cao của giới tự nhiên, luôn gắn kết với giới tự nhiên. Đây là quan niệm duy vật. Đây cũng là một quan niệm rất biện chứng. Tuy nhiên, họ cũng có quan niệm duy tâm khi lí giải nguồn gốc của con người. Theo quan niệm của họ, trời và đất là hai đối tượng tối cao của giới tự nhiên có quyền năng tạo dựng ra muôn loài. Điều đó thể hiện qua các câu tục ngữ như: Trời sinh, trời dưỡng; Trời sinh voi, trời sinh cỏ... Trời sinh ra và nuôi dưỡng vạn vật theo quy luật riêng của nó. Chính vì vậy, con người không nên bi quan, mà nên có niềm tin vào sức mạnh của tự nhiên. Tất cả mọi điều trong cuộc sống có được dường như đều là “nhờ trời”. Trong quan hệ với trời, người là đối tượng bị phụ thuộc, không ai có thể đoán được ý trời: Người tính không bằng trời tính. Trời quyết định mọi điều, từ tính nết cho đến sinh mệnh: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính; Trời kêu ai nấy dạ. Không chỉ tạo sinh vạn vật, trời còn tạo điều kiện sống cho tất cả mọi người, không phân biệt đối xử: Trời chẳng đóng cửa ai. Trời đại diện cho công lý, công bằng xã hội: Trời nào có dung kẻ gian, có oán người ngay. Dù đôi lúc người Việt Nam cũng có tư tưởng “coi trời bằng vung”, giận gì thì người ta cũng nhằm trời mà kêu, chửi, trút giận. Nhưng không thể phủ nhận rằng, trong tiềm thức, người Việt Nam luôn xem trời là đấng tạo sinh muôn loài. Người Việt Nam có tục lệ thờ cha trời, mẹ đất. Bánh chưng và bánh dày cũng được hình tượng hóa từ mô hình trời tròn, đất vuông. Có chuyện gì thì người Việt Nam xưa và cả nay đều “lạy trời”; thậm chí thần thánh hóa trời. Chẳng hạn, người Việt Nam thường kêu “trời ơi”; họ tin rằng con người nếu làm điều gì trái với đạo trời, thì sẽ bị “trời đày”, “trời đánh”... Đây thực sự là một kiểu sùng bái tự nhiên, thần thánh hóa tự nhiên - một quan niệm khá phổ biến không chỉ ở Việt Nam. Quan niệm này còn được thể hiện rõ nét hơn trong quan niệm về ông bà thần Bếp (sứ giả của Ngọc Hoàng xuống trần thế cai quản mọi mặt cuộc sống của con người, hàng năm về trời để bẩm báo). Trời như vậy vừa là đấng liêng thiêng, chi phối cuộc sống con người một cách toàn diện, lại vừa là lực lượng bình thường. Điều đó, thể hiện tính chất “nhị nguyên” trong quan niệm về giới tự nhiên của người Việt Nam. Khi con người là một thực thể gắn kết giữa cái sinh vật và xã hội, con người là một phần của giới tự nhiên, thì mọi hoạt động của con người không tách khỏi giới tự nhiên mà gắn kết chặt chẽ với giới tự nhiên. Ngay từ thời xa xưa, người Việt Nam đã nhận thức được thế giới tự nhiên luôn vận động và biến đổi theo quy luật khách quan mà con người không thể chi phối: Sóng trước đổ đâu, Triết lý về mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên... 105 sóng sau đổ đó; Trăng đến rằm thì trăng tròn/Sao đến tối thì sao mọc; Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây. Vì là sản phẩm của tự nhiên, nên con người sống phụ thuộc vào các quy luật tự nhiên và không thể thoát khỏi những quy luật đó: Chạy trời không khỏi nắng; Chạy mưa không khỏi trời. Sự nhận thức này thậm chí đã chứa đựng tư tưởng biện chứng (dù vẫn còn sơ khai) về sự vận động, phát triển của giới tự nhiên. Theo người Việt Nam, sự vật trong tự nhiên phát triển đến một độ nào đó (lượng) sẽ tạo thành sự chuyển đổi về chất: Tre già, măng mọc; Tức nước vỡ bỡ; Quá mù ra mưa; Góp gió thành bão; Góp cây nên rừng; Mèo già hóa cáo... Chính vì nhận thức như vậy, nên người Việt Nam thường có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương lai và rất tôn trọng các quy luật vốn có của tự nhiên. Trong quá trình sống, do phải dựa vào tự nhiên, phải thừa hưởng từ tự nhiên, luôn cố gắng tìm cho mình cái ăn, cái mặc, chỗ ở và luôn luôn đấu tranh với tự nhiên để vươn lên với mức sống cao hơn. Cho nên, người Việt Nam đã nhận thức được sự tác động của tự nhiên đối với sản xuất, vai trò quyết định của tự nhiên đối với sản xuất nông nghiệp: Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà; Được mùa lúa, úa mùa cau; Được mùa cau, đau mùa lúa; Được mùa quéo, héo mùa chiêm. Trăng tỏ hay mờ cũng quyết định đến sự sinh trưởng của vật nuôi, cây cối: Tỏ trăng mười bốn được tằm/Tỏ trăng hôm rằm thì được lúa chiêm; Trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu. Hiệu quả sản xuất thậm chí phụ thuộc cả vào số ngày trong một tháng: Thiếu tháng hai mất cà, thiếu tháng ba mất đỗ. Như vậy, có thể thấy, vì người Việt Nam là những cư dân nông nghiệp lúa nước, sinh sống và sản xuất phụ thuộc phần lớn vào tự nhiên, nên mối quan hệ giữa người Việt Nam với tự nhiên là vô cùng khăng khít. Tự nhiên là nguồn gốc, là môi trường sinh sống mà con người phải tuân thủ “luật chơi” của nó. Điều này phù hợp với tư tưởng của C.Mác sau này khi ông khẳng định giới tự nhiên là “thân thể vô cơ” của con người. Dù con người có khả năng cải tạo, tác động trở lại một cách chủ động và tích cực, nhưng cả đời sống vật chất và tinh thần của con người vẫn gắn bó khăng khít với tự nhiên. Điều này khiến cho người Việt Nam có thái độ tôn trọng, sùng bái và ý thức bảo vệ tự nhiên tích cực, tự giác. Thứ hai, con người có khả năng chinh phục và cải tạo tự nhiên Một điều khá đặc biệt trong quan niệm, cách ứng xử của con người Việt Nam với tự nhiên là ở chỗ tuy nhận thức mình là một bộ phận của tự nhiên, sống phụ thuộc vào tự nhiên, nhưng người Việt Nam cũng cho rằng, mình có khả năng nhận thức, chinh phục và cải tạo tự nhiên. Không thể ỷ lại thiên nhiên, không Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 5(78) - 2014 106 thể chỉ thừa hưởng những cái gì có sẵn trong tự nhiên để thỏa mãn cho nhu cầu của mình, mà cần phải nhận thức, lợi dụng và cải tạo tự nhiên để tạo ra của cải phục vụ cho cuộc sống của mình. Người Việt Nam luôn nhận thức được ranh giới khác nhau giữa việc chinh phục và chinh phạt tự nhiên. Tự nhiên có đời sống riêng của nó mà con người không thể thay đổi. Do vậy, bằng tư duy biện chứng rất linh hoạt, uyển chuyển của mình, người Việt Nam thiên về việc chinh phục tự nhiên theo hướng lợi dụng các quy luật tự nhiên để phục vụ lợi ích của mình. Ví như, họ căn cứ vào thời tiết nắng, mưa để sắp xếp công việc sao cho phù hợp: Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng; Nắng sớm thì đi trồng cà, mưa sớm thì ở nhà phơi thóc. Đây là một kinh nghiệm dự báo thời tiết: vào thời vụ trồng cà, nếu sáng sớm mà có nắng, thì chiều lại mưa (lúc đó cà mới được trồng thì dễ bén rễ), nếu lác đác mưa buổi sớm, thì chiều sẽ nắng to (thóc phơi sẽ được nắng). Họ còn căn cứ vào điều kiện địa hình đất đai để quyết định canh tác cây gì: Ruộng cao trồng mầu, ruộng sâu cấy lúa chiêm. Trong tục ngữ, nhân dân lao động hay có xu hướng khuyên con người lợi dụng, nương theo các hiện tượng tự nhiên để hoạt động sao cho đạt hiệu quả: Trồng trầu đắp nấm cho cao/ Che cho sương nắng khỏi vào gốc cây; Mồng tám tháng tám không mưa/Bỏ cả cày bừa mà nhổ lúa đi... Vì cây trầu không thể chịu được địa hình đất trũng, sương nắng sẽ làm cây chết, nên cần có biện pháp khắc phục điều này bằng cách đắp đất cao và che chắn mưa gió kĩ càng. Hay nếu như tháng tám vào giai đoạn lúa trỗ đòng, nếu có mưa thì lúa tốt, không có mưa sẽ báo hiệu đại hạn, mùa màng sẽ bị thất bát, có trồng cũng thất thu, vô ích (Tất nhiên, đó chỉ là trong điều kiện thủy lợi chưa phát triển, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên). Có thể thấy, bản chất quá trình chinh phục tự nhiên của người Việt Nam là nương theo, lợi dụng quy luật, điều kiện tự nhiên để định hướng hoạt động hiệu quả, biến cái bất lợi thành có ích chứ không phải là sự thay đổi tự nhiên theo ý muốn của mình. Tư tưởng của người Việt Nam truyền thống là sống thuận hòa, làm bạn, hợp tác với tự nhiên một cách linh hoạt, uyển chuyển chứ không phải thống trị tự nhiên. Điều này có nguyên nhân từ những hạn chế về trình độ khoa học kỹ thuật cũng như tư tưởng tôn trọng, thần thánh hóa tự nhiên đã ăn sâu, bén rễ trong tiềm thức của người Việt Nam từ ngàn xưa. Bên cạnh tư tưởng chinh phục tự nhiên, thông qua tục ngữ, người Việt Nam còn có nhận thức được khả năng của mình trong việc cải tạo tự nhiên (ở một mức độ nào đó). Mối quan hệ giữa con người, xã hội loài người với giới tự nhiên là mối quan hệ tác động qua lại Triết lý về mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên... 107 lẫn nhau, trong đó con người tác động vào tự nhiên nhằm tạo ra những biến đổi có lợi phục vụ cho lợi ích của mình. Sự tác động đó không phải là vô thức mà là một hoạt động có ý thức của con người. Người Việt Nam rất đề cao công sức của con người trong việc cải tạo thiên nhiên, đặc biệt là các điều kiện thiên nhiên trong nông nghiệp, để tạo ra hiệu quả sản xuất cao. Lịch sử dân tộc đã cho thấy, ngay từ thời xa xưa, người Việt Nam đã biết đắp đập, be bờ chống lũ lụt; đào kênh, mương để dẫn nước; vỡ hoang, khai khẩn để mở rộng diện tích canh tác... Chính vì vậy, người Việt Nam nhận thức được sâu sắc ý nghĩa của việc bỏ công sức, thời gian trong lao động sản xuất để khắc phục những điều bất lợi từ thiên nhiên. Họ biết rằng, nếu lao động chăm chỉ, con người sẽ có cái ăn, cái mặc, bởi vì trời, đất không phụ người bao giờ: Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ; Một lượt tát, một bát cơm. Nếu chăm chỉ làm cỏ cho lúa thì hiệu quả mang lại ngang tầm với bón phân cho đất: một nắm cỏ, một giỏ phân. Mặc dù điều kiện khí hậu không thuận lợi, nhưng nếu đầu tư chăm bón “mạ già, ruộng ngấu”, thì sự bất lợi ấy trở nên chẳng đáng kể: Tua rua thì mặc tua rua/ Mạ già ruộng ngấu không thua bạn hiền. Như vậy, dù có những lúc cái nhìn của người Việt Nam về tự nhiên vẫn mang màu sắc duy tâm, siêu hình, nhưng người Việt Nam cũng đã nhận thức được khả năng vươn lên làm chủ của con người trong việc chinh phục và cải tạo các điều kiện tự nhiên. Điều này cho thấy tính chất duy vật trong cái nhìn của người Việt Nam về tự nhiên. Thứ ba, con người cần tôn trọng và bảo vệ tự nhiên Người Việt Nam rất tôn trọng các lực lượng tự nhiên. Họ xem các lực lượng tự nhiên là thứ của cải quý giá trời ban tặng cho con người. Trong nông nghiệp, đất và nước được xem như yếu tố hàng đầu, quyết định hiệu quả sản xuất: Tấc đất tấc vàng; Hòn đất nỏ bằng giỏ phân; Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống... Gió cũng được xem như là lực lượng hỗ trợ đắc lực, làm lao động của con người đỡ tốn sức: Gió thổi là chổi trời; Gió đông là chồng lúa chiêm/ Lúa bắc là duyên lúa mùa... Trong quá trình lao động sản xuất, người Việt Nam lại có xu hướng xem tự nhiên là bạn, đối xử rất thân tình: Con trâu là đầu cơ nghiệp. Con trâu chính là tài sản quý giá, là điều khởi đầu mang lại sự khá giả, gây dựng cả cơ nghiệp cho gia đình. Người và trâu không phải là quan hệ chủ - vật nuôi, mà là những người bạn gắn bó thân tình, cùng nhau làm việc như lời bài ca dao: Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta Sự tôn trọng đối với tự nhiên còn thể hiện ở chỗ, con người cần thiết phải tác động vào tự nhiên, nhưng đó là sự tác động có mục đích tính toán, có kế hoạch Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 5(78) - 2014 108 từ trước trên cơ sở tôn trọng tự nhiên, tôn trọng các quy luật khách quan. Sự tác động đó mang tính chủ động sáng tạo, nhưng phù hợp với các quy luật của tự nhiên mới mong mang lại kết quả cao: Biết chiều trời, nước đời chẳng khó. Chiều trời không gì khác chính là biết hành động, tác động vào tự nhiên đúng với các quy luật khách quan trên cơ sở tôn trọng tự nhiên. Nhưng dân gian vẫn sử dụng ngôn ngữ rất mềm dẻo: “Chiều trời”. Chiều trời chứ không phải sợ trời, kính trời. Hoạt động sản xuất của con người chỉ có kết quả cao khi sự tương tác con người - tự nhiên phù hợp với quy luật tự nhiên. Bên cạnh đó, người Việt Nam xem mỗi lĩnh vực tự nhiên có một vị thần cai quản. Với vị thần tự nhiên ấy, không ai dám làm trái, mà luôn phải có thái độ thăm dò: Trông trời, trông đất, trông mây; Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày; Nhờ trời hòa cốc, phong đăng/ Cấy lúa lúa tốt, nuôi tằm tằm tươi. Người Việt Nam ý thức được sự phụ thuộc của mình vào thiên nhiên. Và trong bối cảnh trình độ nhận thức còn hạn chế, khả năng chinh phục tự nhiên chưa nhiều, trước các thế lực có tính chất tự phát của thiên nhiên, người Việt Nam cổ xưa chỉ biết lạy trời, nhờ trời cầu cho mưa thuận gió hòa để được hưởng các ân huệ từ tự nhiên. Và nếu biết thành kính với trời thì trời sẽ mang lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống: nước uống, ruộng để sản xuất, sự no ấm, mùa màng tốt tươi. Tác động đến tự nhiên, cải tạo tự nhiên là một thắng lợi của con người. Tự nhiên tác động trở lại mang tính tự phát. Sự tác động trở lại của tự nhiên có lợi hay có hại đối với con người là phụ thuộc vào việc con người tác động tích cực hay tiêu cực đến tự nhiên. Đó cũng là mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả: con người tác động vào tự nhiên như thế nào thì tự nhiên sẽ trả lại cho con người sản phẩm tương ứng: Gieo gì gặt ấy; Gieo gió gặt bão. Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XX, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trên hành tinh chúng ta đã bị mất cân bằng (do cạn kiệt tài nguyên rừng biển, đất đai; do ô nhiễm khí hậu, nguồn nước trầm trọng; do chất hóa học bị lạm dụng trong sản xuất...). Dường như con người đang nhầm lẫn giữa việc làm chủ và việc phá hoại tự nhiên. Đáng nhẽ việc cần làm nhất là tôn trọng, lợi dụng các quy luật tự nhiên, tiến hành cải tạo để tự nhiên phục vụ chúng ta hiệu quả hơn thì con người lại không ngừng làm biến đổi tự nhiên theo lợi ích chủ quan, trước mắt của mình mà bất chấp quy luật. Đáng nhẽ khai thác đi đôi với phục hồi thì con người lại chỉ chú tâm khai thác một cách triệt để, thậm chí lãng phí. Và tất yếu, chúng ta phải đối diện với sự “báo thù” dữ dội, khôn lường, các hiểm họa rình Triết lý về mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên... 109 rập từ tự nhiên: ô nhiễm môi trường; các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão, lốc xoáy, lũ lụt, hạn hán); không còn tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất... Nguy cơ này đòi hỏi con người phải lưu tâm hơn nữa đến các quy luật phát triển sao cho sự phát triển của con người có thể vẫn không làm tổn hại đến giới tự nhiên, mà ngược lại, làm giàu cho tự nhiên theo hướng con người hài hòa với tự nhiên. Việc nắm các quy luật tự nhiên, sự phát triển của nhu cầu ngày càng kích thích thêm những hoạt động định hướng của con người nhằm chinh phục, chế ngự các thế lực, các hiện tượng tự nhiên, bắt chúng phục vụ cho con người. Thiên nhiên là một người bạn của con người, vì thế nó không chịu được thái độ đối xử dã man. Sử dụng một cách hợp lí, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, có thái độ quan tâm và chí tình đối với tự nhiên là điều cần thiết, bắt buộc nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai. Tóm lại, người Việt Nam có những triết lý nhất định về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Đó là biểu hiện của một trình độ nhận thức nhất định về thế giới tự nhiên trong điều kiện khoa học kỹ thuật chưa phát triển cao. Nghiên cứu triết lý của người Việt Nam về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên qua tục ngữ, chúng ta có thể nhận thấy rằng, người Việt Nam biết tôn trọng tự nhiên và từ đó xây dựng được một lối ứng xử với tự nhiên thể hiện một tầm văn hóa cao. Điều đó khiến ta phải suy nghĩ về thái độ, cách ứng xử của mình với tự nhiên trong thời hiện đại.) Tài liệu tham khảo 1. Bùi Hạnh Cẩm - Bích Hằng - Việt Anh (2000), Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 2. Chu Xuân Diên - Lương Văn Đang - Phương Tri (1975), Tục ngữ Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 3. Vũ Dung - Vũ Thuý Anh - Vũ Quang Hào (2000), Từ điển Thành ngữ và Tục Ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 4. Bùi Văn Dũng (2008), “Tư tưởng triết học về nguồn gốc và bản chất con người trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 5 (90). 5. Bùi Văn Dũng (2013), “Triết lý về giáo dục trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 (68). 6. Vũ Hùng (1994), “Tìm hiểu những yếu tố Triết học trong Tục ngữ Việt Nam”, Tạp chí Triết học, số 1. 7. Đinh Gia Khánh (1990), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 8. Nguyễn Xuân Kính (Chủ biên) - Nguyễn Thúy Loan - Phan Lan Hương - Nguyễn Luân (2002), Kho tàng tục ngữ người Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 9. Mã Giang Lân (1998), Tục ngữ, ca dao Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 10. Vũ Ngọc Phan (1998), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 5(78) - 2014 110
File đính kèm:
- triet_ly_ve_moi_quan_he_giua_con_nguoi_va_gioi_tu_nhien_tron.pdf