Triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng của John Dewey

Tình hình kinh tế - xã hội: J. Dewey sống trong thời đại nước Mĩ chứng kiến những sự đổi

thay đáng kinh ngạc. Trong không đầy một thế kỉ kể từ khi G.Washington trở thành tổng thống đầu

tiên của Mĩ vào năm 1789, sau cuộc nội chiến 1861 – 1865, nền kinh tế của quốc gia non trẻ này

đã đi từ mảnh ghép của nhiều ngành nghề đa dạng với sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang nền

kinh tế công nghiệp hiện đại, đô thị hóa, thương mại hóa với sự phát triển mạnh mẽ của đường sắt,

dầu mỏ và điện năng. Thực tế đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực mới với trình độ kĩ thuật cao,

năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội Mĩ. Nền

giáo dục truyền thống kinh viện, giáo điều, xa rời thực tiễn của xã hội nông nghiệp khép kín, bảo

thủ không còn đủ sức đáp ứng yêu cầu này. Nắm bắt được yêu cầu mới đó, J. Dewey là người đã đi

tiên phong trong việc khởi xướng trào lưu Tân giáo dục, mở đường cho lí luận giáo dục hiện đại,

đề cao tinh thần dân chủ, thực dụng trong giáo dục.

pdf 7 trang kimcuc 3860
Bạn đang xem tài liệu "Triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng của John Dewey", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng của John Dewey

Triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng của John Dewey
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0013
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 1, pp. 114-120
This paper is available online at 
TRIẾT LÍ GIÁO DỤC DÂN CHỦ, THỰC DỤNG CỦA JOHN DEWEY
Nguyễn Thị Toan
Trung tâm Nghiên cứu Tâm lí học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Tóm tắt. John Dewey là một trong những người sáng lập tâm lí học chức năng và phát triển
triết học thực dụng. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống tinh thần nước Mĩ
suốt thế kỉ XX, đặc biệt trên lĩnh vực giáo dục. Bài viết này giới thiệu khái quát về cuộc
đời và sự nghiệp của John Dewey với đóng góp nổi bật nhất của ông trong lĩnh vực giáo
dục, đó là triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng.
Từ khóa: John Dewey, triết lí giáo dục, dân chủ, thực dụng.
1. Mở đầu
John Dewey là triết gia – nhà giáo dục khởi xướng trào lưu Tân giáo dục, người phát ngôn
cho nền giáo dục dân chủ Mĩ thế kỉ XX. Triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng của ông có ảnh hưởng
sâu sắc và sức lan tỏa rộng rãi khắp nước Mĩ và châu Âu trong thời kì hiện đại. Đã có một số công
trình nghiên cứu về tư tưởng giáo dục của J. Dewey trong dòng chảy của lịch sử tư tưởng giáo dục
thế giới [5, 6, 11]. Cũng có những bài viết bước đầu đề cập tới triết lí giáo dục trong hệ thống triết
học thực dụng của J. Dewey [1, 7, 10]. Tuy nhiên, chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về
khía cạnh dân chủ và thực dụng trong triết lí giáo dục của ông.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. John Dewey – cuộc đời và sự nghiệp
J. Dewey (1859 – 1952) xuất thân trong một gia đình bình dân tại thành phố Burlington,
bang Vermont (Mĩ). Ông lấy bằng cử nhân triết học tại đại học Tổng hợp Vermont năm 1879 và
bằng tiến sĩ triết học tại đại học John Hopkins năm1884. Sau đó, ông bắt đầu giảng dạy triết học
tại đại học Michigan từ năm 1884 tới năm 1894. Tới năm 1894, ông rời Michigan để trở thành giáo
sư triết học, chủ nhiệm phân khoa triết học, tâm lí học, giáo dục học tại đại học Chicago. Trong
khoảng thời gian này, ông cùng với vợ thành lập trường Thực nghiệm của đại học Chicago (1896),
song do bất đồng gay gắt với hiệu trưởng về cách quản lí trường, năm 1904, ông rời Chicago, đến
dạy tại khoa triết của trường đại học Columbia, New York và làm việc tại đây cho tới khi về hưu.
Năm 1905, ông được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Tâm lí học Mĩ. Trong quãng thời gian này, ông đã
được chứng kiến sự lan tỏa triết lí giáo dục của mình trên thế giới bởi các học trò của ông.
Ngoài công việc chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học, J. Dewey còn tích cực tham
gia vào các hoạt động cải tạo xã hội: đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, cải thiện đời sống
Ngày nhận bài: 15/11/2015. Ngày nhận đăng: 10/2/2016.
Liên hệ: Nguyễn Thị Toan, e-mail: toandhsp1@gmail.com.
114
Triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng của John Dewey
người nhập cư... Với vai trò một nhà hoạt động xã hội và tư vấn giáo dục, ông đã đi tham quan và
tham gia giảng dạy ở một số nước như Nhật, Trung Quốc (1919 – 1921), nghiên cứu, tổ chức các
báo cáo giáo dục tại Thổ Nhĩ Kì (1924), Nam Phi, Mexico, Liên Xô (1928). . . Thực tiễn giảng dạy,
quản lí giáo dục và tham gia hoạt động xã hội đã bổ trợ cho John Dewey những hiểu biết phong
phú về giáo dục. Mặt khác, việc nghiên cứu sâu sắc, đề xuất triết học thực dụng đã đặt nền tảng cho
triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng của John Dewey. Bằng quá trình lao động khoa học miệt mài
và nghiêm túc, J. Dewey đã cho ra đời một khối lượng công trình khoa học đồ sộ với giá trị lí luận
và thực tiễn sâu sắc. Các tác phẩm tiêu biểu của J. Dewey là những tác phẩm bàn về triết học, tâm
lí, giáo dục, dân chủ, đạo đức, tôn giáo và nghệ thuật như: Tiểu luận về quan niệm con người trong
triết học Leibniz (Leibnizs New Essays Concerning the Human Unerstanding, 1886), Tâm lí học
(Psychology, 1887), Trường học và xã hội (The School anh Society, 1899), Trẻ em và chương trình
(The Child and the Curriculum), Chúng ta tư duy như thế nào (How We Think, 1910), Dân chủ và
giáo dục (Democracy and Education, 1916), Tái cấu trúc triết học (Reconstruction in Philosophy,
1920), Nhân tính và cách ứng xử (Human Nature and Conduct, 1922), Logic học: Lí thuyết thẩm
tra (Logic: The Theory of Inquiry, 1938); Kinh nghiệm và giáo dục (Experience and Education,
1938). . . Trong phần lớn các tác phẩm này, J.Dewey đều chủ trương xây dựng một nền giáo dục
dân chủ gắn lí thuyết với thực hành.
2.2. Những điều kiện, tiền đề hình thành triết lí giáo dục của John Dewey
Tình hình kinh tế - xã hội: J. Dewey sống trong thời đại nước Mĩ chứng kiến những sự đổi
thay đáng kinh ngạc. Trong không đầy một thế kỉ kể từ khi G.Washington trở thành tổng thống đầu
tiên của Mĩ vào năm 1789, sau cuộc nội chiến 1861 – 1865, nền kinh tế của quốc gia non trẻ này
đã đi từ mảnh ghép của nhiều ngành nghề đa dạng với sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang nền
kinh tế công nghiệp hiện đại, đô thị hóa, thương mại hóa với sự phát triển mạnh mẽ của đường sắt,
dầu mỏ và điện năng. Thực tế đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực mới với trình độ kĩ thuật cao,
năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội Mĩ. Nền
giáo dục truyền thống kinh viện, giáo điều, xa rời thực tiễn của xã hội nông nghiệp khép kín, bảo
thủ không còn đủ sức đáp ứng yêu cầu này. Nắm bắt được yêu cầu mới đó, J. Dewey là người đã đi
tiên phong trong việc khởi xướng trào lưu Tân giáo dục, mở đường cho lí luận giáo dục hiện đại,
đề cao tinh thần dân chủ, thực dụng trong giáo dục.
Tình hình chính trị - xã hội: Tinh thần dân chủ là đặc điểm chính trị - xã hội nổi bật của
nước Mĩ thế kỉ XIX – XX. Sau khi chiến tranh giành độc lập thắng lợi, nhân dân Mĩ đã liên tục
đấu tranh để bảo vệ và mở rộng quyền dân chủ mà cách mạng đã đem lại. Cuộc nội chiến giữa hai
miền Nam – Bắc kéo dài suốt bốn năm (1861 – 1865) với sự kết thúc thắng lợi của đảng Cộng
hòa đã xóa bỏ chế độ nô lệ. Việc xây dựng chế độ tư bản chủ nghĩa không qua chế độ phong kiến
bảo thủ cũng khiến cho sự tự do dân chủ, tôn trọng cá tính và ý thức cá nhân được phát huy tối
đa ở Mĩ. Tinh thần dân chủ còn biểu hiện rõ ràng trong các chính sách và hoạt động chính trị của
nước Mĩ. Mĩ là một nước Cộng hòa liên bang gồm nhiều bang, mỗi bang có một luật pháp riêng
và có quyền lực độc lập với chính phủ liên bang. Dự luật về Quyền con người (1789) đảm bảo cho
người Mĩ quyền tự do ngôn luận, biểu tình, tự do tôn giáo và báo chí. Sự dân chủ còn biểu hiện
trong sự phân công chính trị “Tam quyền phân lập”, đảm bảo cho sức mạnh chính trị không bị tập
trung tuyệt đối vào “trong cùng một bàn tay”, dễ dẫn tới hiện tượng độc quyền. Việc xuất hiện nhà
cải cách Thomas Jefferson (1743 – 1826) là luật gia, chính trị gia, Tổng thống thứ ba của Mĩ đã
mở đường cho việc xây dựng bầu không khí dân chủ toàn nước Mĩ. Đây là môi trường thuận lợi
cho việc tách giáo dục khỏi nhà thờ, xây dựng một nền giáo dục thực sự dân chủ. Tinh thần cách
tân giáo dục, triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng của J. Dewey đã được nảy mầm từ mảnh đất dân
chủ màu mỡ đó nên nhanh chóng được hiện thực hóa, trở thành một trào lưu giáo dục tiến bộ của
nước Mĩ.
115
Nguyễn Thị Toan
Văn hóa, giáo dục và con người Mĩ: Mĩ là một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa, xuất
phát từ bối cảnh di dân và xâm chiếm thuộc địa. Đó là đất nước đón nhận nhiều người di cư hơn
bất kì một quốc gia nào khác. Bởi vậy, người Mĩ là “sự pha trộn lạ lùng của các dòng máu”, “trong
dòng máu người Mĩ không thể không có dòng máu của cả thế giới” [7; 6]. Để rời bỏ quê hương
đến sống ở miền đất xa lạ, phải có lòng dũng cảm và sự linh hoạt. Người Mĩ là những người dám
chấp nhận rủi ro, thử thách, độc lập, tự lực cánh sinh và ý thức mạnh mẽ về sự bình đẳng. Kết quả
của xã hội dân chủ và bình đẳng là những con người tôn trọng tự do cá nhân. Khi xã hội đã tạo
điều kiện cho con người bình đẳng hơn, người Mĩ sẽ có cảm giác “chẳng nợ ai một cái gì”. Từ đó
“họ nuôi một thói quen coi bản thân mình là kẻ đứng tách ra một mình và họ có xu hướng tưởng
tượng là bàn tay họ đã nắm gọn tất cả số phận của chính mình” [7; 88-89]. Những đặc trưng tính
cách này của người Mĩ là một trong những cơ sở để J. Dewey xây dựng triết lí giáo dục dân chủ,
thực dụng, tôn trọng tự do cá nhân của người học. Bởi vậy, triết lí đó dễ dàng được tiếp nhận hơn
ở nhiều miền đất khác, dân tộc khác.
Mĩ cũng là một trong những nước có hệ thống giáo dục đa dạng. Mỗi bang có một luật giáo
dục riêng, có thể giống hoặc khác các bang khác. Chương trình học vừa mang tính bắt buộc vừa
mang tính tự chọn. Nhờ đặc trưng này mà J. Dewey có thể đưa quan điểm giáo dục vào thực tiễn
mà không sợ làm xáo trộn chương trình và tiến trình học tập. Nền giáo dục Mĩ cũng một trong
những lĩnh vực thể hiện rõ rệt tính dân chủ của người Mĩ. Người Mĩ hiểu rằng tương lai phụ thuộc
vào trí tuệ của chính họ chứ không phải một ai khác. Vì vậy, họ dành mối quan tâm sâu sắc tới giáo
dục. Những câu hỏi về mục đích, phương pháp học tập trở thành những vấn đề cơ bản trong các
cuộc tranh luận về giáo dục tại Mĩ. Những người đi tiên phong trong công cuộc cải tổ giáo dục đã
nỗ lực xây dựng các tiêu chuẩn về đào tạo giáo viên, về việc nhấn mạnh tính hiệu quả trong giáo
dục. Điển hình, luật sư, chính trị gia, nhà giáo dục Horace Mann (1796 – 1859) đã đưa ra chương
trình giáo dục tích cực với các đặc điểm: đại chúng, miễn phí (chính quyền đài thọ), hiệu quả, coi
trọng giáo dục đạo đức, tách khỏi tôn giáo, phương pháp sư phạm thực dụng, đội ngũ giáo viên
chuyên nghiệp, nhiệt thành, yêu nghề, được đào tạo bài bản. J. Dewey đã tiếp thu có chọn lọc tinh
thần này để xây dựng triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng cho nước Mĩ.
Triết học thực dụng: Triết lí giáo dục của J. Dewey ra đời trên nền tảng triết học thực dụng
mà ông và C. Peirce, W. James dày công xây dựng. Triết học này là sự kế thừa triết học truyền
thống với tinh thần của Socrate “Hãy nhận thức chính mình”, F. Bacon coi “tri thức là sức mạnh”,
G. Hegel với tinh thần biện chứng về sự phát triển lịch sử và mối liên hệ giữa các thế hệ người. . . ,
trực tiếp là tư tưởng của hai nhà triết học thực dụng C. Peirce và W. James. C.Peirce (1839 – 1914)
là cha đẻ của chủ nghĩa thực dụng với tham vọng xây dựng thực dụng luận thành phương pháp
luận khoa học để phân tích ý nghĩa của khái niệm trừu tượng, từ đó hình thành niềm tin cho con
người. Theo ông, niềm tin không thể được xây dựng bằng phương pháp cố chấp, cưỡng bức hay
tiên nghiệm mà phải bằng phương pháp khoa học với sức mạnh là kinh nghiệm thực tế. Cùng với
đó, lí thuyết về chân lí của C. Peirce có ảnh hưởng sâu sắc tới triết học của J. Dewey nói chung,
triết lí giáo dục của ông nói riêng. Bên cạnh đó, W. James (1842 – 1910) cũng có ảnh hưởng trực
tiếp tới J. Dewey trên phương diện tâm lí học cơ năng. W. James giải thích về dòng ý thức với các
đặc trưng: tư tưởng là của mỗi cá nhân, luôn vận động và biến đổi liên tục, có tính lựa chọn, gắn
với lợi ích và hứng thú của con người. W. James cũng đưa ra quan niệm về chân lí: chân lí là thuộc
tính của tư tưởng, tương ứng với kinh nghiệm đang biến đổi của con người, là quan niệm xác định
niềm tin của con người, thỏa mãn nhu cầu, nguyện vọng có ích của con người, mang tính cụ thể
và hữu dụng. Tư tưởng của W. James đã khai mở mạnh mẽ cho J. Dewey khi xây dựng triết lí giáo
dục hiện đại, nhấn mạnh vai trò của kinh nghiệm, hành động, thói quen và tính hiệu quả trong quá
trình giáo dục.
Thuyết tiến hóa: Tiêu biểu cho thành tựu khoa học thời kì này là thuyết tiến hóa của Charles
Darwin. Quan niệm sự sống là kết quả của quá trình tiến hóa lâu dài qua quá trình đấu tranh sinh
116
Triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng của John Dewey
tồn và chọn lọc tự nhiên đã làm lung lay siêu hình học truyền thống, đặc biệt là nền tảng cơ giới
luận của triết học, phá vỡ quyền uy của chủ nghĩa duy tâm trong triết học cổ điển Đức, mở đường
cho sự phát triển của phương pháp thực nghiệm. J. Dewey đã kế thừa thành tựu khoa học này để
xây dựng môn tâm lí học chức năng và triết lí giáo dục hiện đại.
Như vậy, triết lí giáo dục hiện đại của J. Dewey đã được hình thành từ những điều kiện kinh
tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đặc thù của nước Mĩ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Điều làm nên
sức hấp dẫn, tính thuyết phục của triết lí này còn bởi đó là sự kế thừa có chọn lọc thành tựu triết
học và khoa học tự nhiên đương thời.
2.3. Nội dung cơ bản trong triết lí giáo dục của J.Dewey
2.3.1. Triết lí giáo dục là gì?
Trong tác phẩm “Dân chủ và giáo dục”, J. Dewey đã đưa ra định nghĩa về triết lí giáo dục.
Theo ông, triết lí giáo dục là sự thể hiện rõ nhất mối quan hệ mật thiết giữa triết học và giáo dục:
“Nếu chúng ta sẵn sàng quan niệm giáo dục như là quá trình đào tạo ra các xu hướng căn bản, xu
hướng tinh thần và xu hướng tình cảm. . . thì triết học có thể được định nghĩa như là lí luận chung
của giáo dục” [1; 386], “Giáo dục là phòng thí nghiệm ở đó sự độc đáo của triết học trở nên cụ
thể và được chứng minh” [1; 388] Trên cơ sở phê phán ba triết lí giáo dục điển hình trong lịch sử:
triết lí giáo dục của Rousseau quá chú trọng cá nhân còn triết lí giáo dục Platon quá chú trọng tới
xã hội trong đó cá nhân sinh hoạt, triết lí giáo dục duy tâm thế kỉ XIX thu hẹp khái niệm mục tiêu
xã hội, khiến cá nhân phải phụ thuộc vào thiết chế, J. Dewey quan niệm trí tuệ và sự hình thành
trí tuệ là một tiến trình chung, cá nhân chỉ là một khái niệm có ý nghĩa khi tham gia vào tiến trình
xã hội và trở thành một bộ phận không thể tách rời của xã hội, còn xã hội chỉ có vai trò hiện thực
hóa sự tồn tại của các cá nhân. Từ đó, ông cho rằng: “Triết lí giáo dục chỉ đơn giản là sự phát biểu
rõ ràng về các vấn đề của sự đào tạo các thói quen tinh thần và đạo đức đúng đắn trong mối liên
quan đến những trở ngại nằm trong đời sống xã hội đương thời. Vậy thì, có thể định nghĩa ‘triết lí’
một cách sâu sắc nhất như sau: triết lí là lí luận giáo dục xét trên các phương diện phổ biến nhất”
[1; 389]. Ông khẳng định rằng, việc tái kiến tạo hệ thống triết lí, nền giáo dục, lí tưởng xã hội và
các phương pháp phải song hành với nhau. Sự thay đổi triệt để trong đời sống xã hội xảy ra đồng
thời với tiến bộ khoa học, cách mạng công nghiệp và sự phát triển của nền dân chủ đòi hỏi phải có
sự cải cách nền giáo dục, trong đó việc có một hệ triết lí giáo dục đúng đắn là điều vô cùng quan
trọng. “Giáo dục không thể tồn tại đơn thuần như một giả thuyết về điều nó khao khát” mà phải là
quá trình đem lại sự đổi thay cần thiết theo định hướng của triết lí giáo dục. Ông kết luận: “Triết
lí là lí luận giáo dục xét như một thực tiễn được thực hiện một cách có chủ tâm” [1; 390]. Như
vậy, triết lí giáo dục là những tri thức có tính mở đường, là công cụ lí thuyết để triển khai toàn bộ
nền giáo dục về mục tiêu, đội ngũ giáo viên, nội dung, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp
giảng dạy. . . Điều này được ông phân tích khá sâu sắc, tỉ mỉ trong các công trình nghiên cứu, đặc
biệt là trong tác phẩm “Dân chủ và giáo dục”.
2.3.2. Dân chủ và thực dụng – tinh thần cốt lõi trong triết lí giáo dục của J.Dewey
Sự quan tâm tới giáo dục của J. Dewey bắt đầu từ khi ông nhận thấy mâu thuẫn sâu sắc
giữa nhà trường và xã hội. Trong khi nước Mĩ đang chứng kiến những đổi thay to lớn chưa từng
thấy trong đời sống xã hội cũng như đời sống tinh thần và văn hóa ứng xử của con người thì nhà
trường Mĩ vẫn đi theo truyền thống cũ kĩ, “tĩnh về nội dung, độc đoán về phương pháp”, người dạy
nhồi nhét, áp đặt còn người học thì ghi nhớ thụ động, máy móc. Giáo dục lảng tránh những yêu
cầu thực tiễn, không điều chỉnh theo những khám phá mới nhất về tâm lí trẻ em và nhu cầu của
một xã hội dân chủ đang thay đổi. Bằng tinh thần dân chủ, J. Dewey coi nhà trường và xã hội dân
chủ là hai thành tố nền tảng cần được xây dựng lại nhằm khuyến khích trí thông minh trải nghiệm
117
Nguyễn Thị Toan
(experimental intelligence). Theo ông, xã hội dân chủ là xã hội tạo cho mọi người quyền bình đẳng
và dễ dàng có cơ hội tiếp cận tri thức, phát triển khả năng, xã hội mà quyền lực nằm trong khuynh
hướng bên trong của nhân cách và hứng thú tự nguyện. Chỉ có giáo dục mới tạo ra quyền lực này
song nền giáo dục truyền thống lại không thực hiện được điều đó. Bởi vậy, phải cấp thiết cải cách
giáo dục mà việc trọng tâm là thay đổi triết lí giáo dục, thay đổi quan niệm về vị trí, chức năng,
mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục. Việc tìm kiếm một triết lí giáo dục mới có thể khắc
phục hạn chế này trở thành mối quan tâm chính của J. Dewey. Bằng phương pháp luận của triết
học thực dụng, J. Dewey đã xây dựng triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng làm linh hồn cho cuộc
cách tân giáo dục của nước Mĩ. Tinh thần dân chủ và thực dụng thể hiện toàn diện trong quan niệm
của J. Dewey về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục. . .
Về mục tiêu giáo dục: Theo J. Dewey, không có mục tiêu chung chung, tách khỏi bối cảnh
cụ thể. Mục tiêu phải được đặt ra dựa trên điều kiện vật chất của xã hội đương thời, được sắp xếp
theo trình tự và mang tính liên tục chứ không phải là một phép cộng những kết quả rời rạc. Mục
tiêu hợp lí phải xuất phát từ những mong muốn của các hình thái cộng đồng đang tồn tại, phải căn
cứ trên hoạt động và nhu cầu bên trong của cá nhân cụ thể và chuyển thành phương pháp hợp tác
với các hoạt động của người học. Mục tiêu giáo dục, theo quan niệm của J. Dewey là “sự phát triển
tự nhiên và hiệu quả xã hội” [1; 139]. Đó là quá trình tái kiến tạo liên tục xã hội, làm cho xã hội
ngày càng tốt đẹp hơn, dân chủ hơn. Hiệu quả xã hội là sự phát triển năng lực của con người, là
sự chủ động sử dụng năng lực cá nhân vào những việc làm mang ý nghĩa xã hội, là khả năng hiểu
biết, cảm thông, khả năng sáng tạo, cảm thụ nghệ thuật, giải trí. . . “Hiệu quả xã hội hoàn toàn
nghĩa là quá trình làm cho tư duy trở nên phù hợp về mặt xã hội, để cho nó tham gia thực sự vào
quá trình biến các kinh nghiệm trở thành có thể truyền đạt nhiều hơn nữa; tham gia vào quá trình
phá vỡ các rào cản của sự phân tầng xã hội khiến cho các cá nhân không tiếp thu được những mối
hứng thú của người khác” [1; 149]. Để đạt tới hiệu quả xã hội, giáo dục cần giúp cá nhân: 1. Hình
thành và rèn luyện năng lực nghề nghiệp; 2. Giáo dục tư cách công dân tốt; 3. Đào luyện văn hóa,
hiểu theo nghĩa sự phát triển trọn vẹn của nhân cách. Quá trình giáo dục là quá trình hoạt động
của con người trong một xã hội của những cá nhân tự do bằng lao động của mình đóng góp cho sự
khai phóng và làm phong phú cuộc sống xã hội. Giáo dục phải phát triển tư duy phản biện, sáng
tạo và có trách nhiệm, phát triển tối đa những tiềm năng cá nhân. Nói ngắn gọn, mục tiêu cao cả
nhất là nhà trường đào tạo được những công dân tự do cho một chế độ dân chủ.
Về nội dung giáo dục: J. Dewey nhấn mạnh, phải xem xét nội dung trên cả quan điểm của
người dạy và người học. Với người thầy, sự hiểu biết về nội dung phải vượt lên trên sự hiểu biết
hiện tại của người học. Tuy nhiên, người thầy trong quá trình giáo dục không nên quá bận tâm tới
bản thân nội dung mà nên quan tâm tới mối tương giao giữa nội dung với các nhu cầu và năng
khiếu của người học: “Vấn đề của dạy học là giữ cho kinh nghiệm của người học đi theo con đường
mà nhà chuyên môn đã trải qua. Vì thế, người thầy cần phải hiểu biết cả nội dung lẫn các nhu cầu
đặc trưng và các năng khiếu của người học” [1; 221]. Giáo dục nhấn mạnh vào hành động tự do
cá nhân, bởi vậy, mọi biện pháp giáo dục đều phải căn cứ vào kinh nghiệm cuộc sống và nhu cầu
phát triển của người học, cung cấp những điều kiện, tài liệu cần thiết cho người học tự do hoạt
động. Chương trình học phải tính đến việc làm cho các môn học phù hợp với cuộc sống hiện tại,
nhằm mục đích cải thiện đời sống, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Nội dung giáo dục phải phản
ánh sự phát triển của loài người. Vì thế nội dung phải mang tính tăng tiến. Tức là chương trình học
phải hiện đại lên cùng với sự phát triển của loài người. Tuy nhiên, nội dung giáo dục, dù phong
phú, hiện đại thế nào đi chăng nữa thì trước hết phải cốt ở ý nghĩa mà nó đem lại cho đời sống xã
hội hiện hữu. Xã hội càng phức tạp, nội dung kiến thức càng phong phú thì càng đòi hỏi người
dạy phải tránh bắt học sinh “sao chép lại nội dung dưới dạng phát biểu có sẵn” (231) mà phải định
hướng học sinh biết cách chọn lọc những kiến thức hữu dụng.
Về phương pháp giáo dục: Phê phán lối dạy học thiên về tích lũy, J. Dewey nhấn mạnh hiệu
118
Triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng của John Dewey
quả vận dụng trí thông minh vào một hoạt động cụ thể. Đây là tư tưởng cốt lõi của giáo dục thực
dụng. Dạy và học theo quan điểm dân chủ là chia sẻ hoạt động giữa thầy và trò. Phải đánh thức
tư duy của người học, hình thành và phát triển kinh nghiệm, gắn với giá trị của cuộc sống. Dạy
và học không đơn thuần là quá trình trao truyền thông tin mà phải cung cấp cho người học hành
trang vào đời, phục vụ cuộc sống. Nhà trường dạy học sinh kĩ năng, tri thức, tư duy, gắn biết và
làm. Phải đặt giáo dục trong quan hệ mật thiết với đời sống, gắn lí thuyết với thực hành. Triết học
thực dụng là triết học đề cao sự hữu ích và tính hiệu quả. Vận dụng triết học thực dụng vào xây
dựng triết lí giáo dục, J. Dewey cho rằng, cần xây dựng một nền giáo dục gắn lí thuyết với thực
tiễn. Giáo dục không còn là quá trình truyền dạy tri thức hay khai sáng trí tuệ, “giáo dục chính là
bản thân cuộc sống” (Education is life itself). Vì giáo dục là bản thân cuộc sống nên nhà trường
không thể tách khỏi xã hội như một ốc đảo cô đơn mà phải gắn liền, hòa làm một với cuộc sống.
Trường học không phải là nơi để người lớn dạy cho trẻ em các bài học về kiến thức và đạo đức
mà là một hình thái của đời sống cộng đồng. Giáo dục là bản thân quá trình sống của trẻ em chứ
không phải là một sự chuẩn bị cho một cuộc sống tương lai mơ hồ nào đó. Tri thức không thể là
sự áp đặt từ bên ngoài, một chiều từ phía người dạy. Tri thức phải đạt được bằng sự chủ động, nỗ
lực vươn lên, tìm kiếm và chinh phục của người học. Phê phán cách dạy học truyền thống chỉ chú
trọng vào lí thuyết, J. Dewey cho rằng dạy học phải tạo môi trường cho người học tiếp xúc với một
vấn đề có thực, gắn với một thực tại xã hội, phải hữu dụng. Theo John Dewey, điều quan trọng
sống còn của giáo dục không phải là sự truyền dạy những sự kiện đã chết mà là những kiến thức
và kĩ năng đã hòa trộn làm một với đời sống. Ý tưởng cơ bản nhất của John Dewey về giáo dục
là: thay vì chỉ học thuộc lòng, cần phải chú trọng hơn nữa việc mở rộng tri thức và phát triển các
kĩ năng giải quyết vấn đề, tư duy phê phán. Các tiến trình dạy học được tổ chức hài hòa, tập trung
vào việc tạo ra những thói quen tư duy cho người học. Tư duy là phương pháp trải nghiệm mang
tính giáo dục (educative experience). Những phương diện cơ bản của phương pháp dạy học do đó
cũng đồng nhất với những phương diện cơ bản của phương pháp tư duy. Nhà trường có nhiệm vụ
chuẩn bị những điều kiện cho người học tự mình tạo dựng kiến thức cho chính mình bằng toàn
bộ các giác quan và tư duy của chúng. Trước hết người học cần phải có một tình huống đích thực
để trải nghiệm; tiếp đó, phải được đặt trước một vấn đề đích thực nảy sinh từ chính tình huống đó
như một sự kích thích cho tư duy; từ đó, có những thông tin cần thiết gợi ý cho người học các giải
pháp giải quyết vấn đề, những điều kiện áp dụng chúng sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. Và
J. Dewey gọi đó là nền sư phạm thực dụng.
Vì giáo dục chính là cuộc sống nên J. Dewey cho rằng, không có một thứ giáo dục chung
cho tất cả mọi người. Giáo dục phải tôn trọng sự khác biệt của người học. Giáo dục là quá trình của
người học chứ không phải của người dạy. Người học phải là trung tâm. Phương pháp là phương
pháp của năng lực và hứng thú của người học - những cá nhân đang trưởng thành, chứ không phải
là phương pháp của người lớn đã trưởng thành. Người thầy không phải là một vị quan tòa nắm
quyền uy độc đoán mà cũng chỉ là một thành viên của lớp học, có vai trò định hướng cho người
học. Vì thế phương pháp sẽ không cản trở sự phát triển tự nhiên ở người học. “Trong nhà trường,
sự sốt ruột muốn có được tính thống nhất về phương pháp và việc muốn có ngay những kết quả bề
ngoài, là kẻ thù lớn nhất của tính cởi mở. Người thầy nào không cho phép và không khuyến khích
tính đa dạng trong giải quyết vấn đề thì người thầy đó đang “bịt mắt” học sinh, xét trên phương
diện trí tuệ - tức là giới hạn tầm nhìn của chúng vào một con đường mà trí óc của người thầy vừa
hay cho phép... Ép buộc và thúc ép thái quá đều có chung nguyên nhân, và gây ra hệ quả như nhau
cho hứng thú trí tuệ linh hoạt và đa dạng” [1; 213].
119
Nguyễn Thị Toan
3. Kết luận
Giáo dục chính là cuộc sống, nhà trường là một xã hội thu nhỏ, kiến thức là sự tích hợp
liên môn, người học là trung tâm, học tập là quá trình người học tự kiến tạo tri thức trên cơ sở
thực nghiệm khoa học và kinh nghiệm dưới sự giúp đỡ của người dạy, kết quả giáo dục là những
công dân có tri thức, kĩ năng sống, năng lực làm việc. Triết lí giáo dục dân chủ, thực dụng đó của
J. Dewey thực sự đã tạo ra sự bùng nổ trong lĩnh vực giáo dục của nước Mĩ và châu Âu thế kỉ XX.
Bài học về việc tôn trọng, phát huy tính chủ động, tích cực của người học, tinh giản kiến thức, tích
hợp, gắn kết lí thuyết và thực hành, chú trọng tính hiệu quả của giáo dục. . . trong triết lí đó vẫn có
ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt đối với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam
hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Quách Hoàng Công, Hà Lê Dũng, 2014, Triết lí giáo dục của John Dewey trong tác phẩm
“Kinh nghiệm và giáo dục”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học
Huế, 1(2), 118-126.
[2] John Dewey. Phạm Anh Tuấn dịch. 2008. Dân chủ và giáo dục: một dẫn nhập vào triết lí
giáo dục. Nxb Tri thức.
[3] John Dewey. Phạm Anh Tuấn dịch. 2012. John Dewey về giáo dục. Nxb Trẻ.
[4] John Dewey. Vũ Đức Anh dịch. 2013. Cách ta nghĩ. Nxb Tri thức.
[5] Phạm Minh Hạc. 2012. Triết lí giáo dục thế giới và Việt Nam. Nxb Giáo dục Việt Nam.
[6] Bùi Minh Hiền (chủ biên), Nguyễn Quốc Trị. 2013. Lịch sử giáo dục thế giới. Nxb Đại học
Sư phạm.
[7] Nguyễn Ái Học, 2014, Vận dung triết lí giáo dục của John Dewey vào việc dạy học môn Ngữ
văn trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa
học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 59(2), Tr.25-33.
[8] Trần Kiệt Hùng, Phạm Thế Châu. 2007. Xã hội và nền văn hóa Mĩ. Nxb Văn hóa thông tin.
[9] Nhiều tác giả. 2004. Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới. Nxb
Thế giới.
[10] Lê Văn Tùng. Triết lí giáo dục của John Dewey. Tạp chí Giáo dục số đặc biệt, 01/2011.
[11] Thái Duy Tuyên. 2012. Triết học giáo dục Việt Nam. Nxb Đại học Sư phạm.
[12] Nông Duy Trường. 2012. Chủ nghĩa thực dụng trong giáo dục - Phương thức tư duy toàn
diện - Học viện công dân.  icevn.org/vi/print/393.
ABSTRACT
The democratic and pragmatic philosophy on education of John Dewey
John Dewey was one of the founders of functional psychology and also the person who
developed pragmatic philosophy. His ideology profoundly influenced the spiritual life of the
United States during the twentieth century, particularly when it comes to education. This article
presents an overview of John Dewey’s life and career and his most prominent contribution to
education, which is the democratic and pragmatic philosophy on education.
Keywords: John Dewey, educational philosophy, democratic, pragmatic.
120

File đính kèm:

  • pdftriet_li_giao_duc_dan_chu_thuc_dung_cua_john_dewey.pdf