Tính thời đại của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện qua “di chúc”

Tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di sản tinh thần lớn của

dân tộc Việt Nam, phản ánh sinh động quá trình hoàn thiện hệ giá trị tinh thần Việt Nam

trong lịch sử và trong thế kỷ XX. Đó là sự kết tinh những tinh hoa của tư tưởng, đạo đức

truyền thống và tư tưởng, đạo đức cách mạng, thông qua vai trò tổng hợp của một cá

nhân xuất chúng. Cho đến nay, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn được Đảng Cộng sản

Việt Nam xác định là một giá trị nền tảng, làm chỗ dựa cho toàn bộ hoạt động, ứng xử

của con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Để thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh trong Di chúc Người để lại,

cần phải chú ý đến tính thời đại của loại hình tư tưởng, đạo đức này. Bắt rễ sâu vào

truyền thống dân tộc nhưng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn tạo được một cột mốc

trong bối cảnh toàn nhân loại dứt khoát từ giã thời đại “một số người trị vì còn những

người khác thì đau khổ” để xây dựng thế giới mới mà “trong đó sự phát triển tự do của

mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người” như K. Marx và F. Engels

đã khẳng định trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Không chỉ thế, tư tưởng, đạo đức Hồ

Chí Minh còn được định hình dần trong điều kiện đặc biệt của lịch sử dân tộc: nhân dân

Việt Nam “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu

làm nô lệ” (1946) (Hồ Chí Minh, 2011, Tập 4, tr. 202) và “Không có gì quý hơn Độc lập

Tự do” (1966).

pdf 5 trang kimcuc 14040
Bạn đang xem tài liệu "Tính thời đại của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện qua “di chúc”", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tính thời đại của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện qua “di chúc”

Tính thời đại của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện qua “di chúc”
Trường Đại học Vinh Tạp chí khoa học, Tập 48 - Số 4B/2019, tr. 105-109 
 105 
TÍNH THỜI ĐẠI CỦA TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH 
THỂ HIỆN QUA “DI CHÚC” 
Phạm Thị Như Thúy 
NCS Trường Đại học Vinh 
Ngày nhận bài 25/9/2019, ngày nhận đăng 18/11/2019 
Tóm tắt: Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh với tư cách là một hệ giá trị tinh thần 
cao quý của dân tộc được thể hiện toàn diện trong mọi hoạt động cách mạng của 
Người, đặc biệt, được bộc lộ kết tinh dưới dạng ngôn ngữ ở Di chúc. Để góp phần 
khẳng định ý nghĩa của việc học tập Di chúc, bài viết tập trung tìm hiểu nội dung tư 
tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cùng tính thời đại của di sản tinh thần này thông qua 
những luận điểm then chốt nhất của văn bản. 
Từ khóa: Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh với tư cách là một hệ giá trị tinh thần; 
tính thời đại. 
1. Tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di sản tinh thần lớn của 
dân tộc Việt Nam, phản ánh sinh động quá trình hoàn thiện hệ giá trị tinh thần Việt Nam 
trong lịch sử và trong thế kỷ XX. Đó là sự kết tinh những tinh hoa của tư tưởng, đạo đức 
truyền thống và tư tưởng, đạo đức cách mạng, thông qua vai trò tổng hợp của một cá 
nhân xuất chúng. Cho đến nay, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn được Đảng Cộng sản 
Việt Nam xác định là một giá trị nền tảng, làm chỗ dựa cho toàn bộ hoạt động, ứng xử 
của con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 
Để thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh trong Di chúc Người để lại, 
cần phải chú ý đến tính thời đại của loại hình tư tưởng, đạo đức này. Bắt rễ sâu vào 
truyền thống dân tộc nhưng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn tạo được một cột mốc 
trong bối cảnh toàn nhân loại dứt khoát từ giã thời đại “một số người trị vì còn những 
người khác thì đau khổ” để xây dựng thế giới mới mà “trong đó sự phát triển tự do của 
mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người” như K. Marx và F. Engels 
đã khẳng định trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Không chỉ thế, tư tưởng, đạo đức Hồ 
Chí Minh còn được định hình dần trong điều kiện đặc biệt của lịch sử dân tộc: nhân dân 
Việt Nam “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu 
làm nô lệ” (1946) (Hồ Chí Minh, 2011, Tập 4, tr. 202) và “Không có gì quý hơn Độc lập 
Tự do” (1966). 
Có thể nói tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vừa mang đặc thù dân tộc vừa có tính 
phổ biến toàn nhân loại. Điều đáng chú ý là những mệnh đề thể hiện hệ tư tưởng, đạo đức 
này đã được Hồ Chí Minh ghi lại trong Di chúc và diễn đạt bằng một ngôn ngữ hết sức 
bình dị, rất gần gũi với tâm hồn, trí tuệ người Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, toàn bộ 
nội dung của nó đã được bộc lộ sinh động qua mọi hoạt động của một con người đã dành 
trọn cuộc đời mình cho dân tộc: “Tự do cho đồng bào tôi, Độc lập cho Tổ quốc tôi. Đó là 
tất cả những gì tôi muốn. Đó là tất cả những gì tôi hiểu” (Trần Dân Tiên, 1976, tr.73). 
Theo Hồ Chí Minh, để xây dựng một xã hội tốt đẹp phải có nền tảng đạo đức. Đạo đức 
cách mạng là cái gốc của cán bộ, đảng viên, cũng là cái gốc của một đảng cách mạng 
chân chính. Và nền tảng ấy được xây đắp bằng giáo dục, bằng sự chi phối của văn hóa. 
Email:thuynhu7768@gmail.com 
P. T. N. Thúy / Tính thời đại của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện qua “Di Chúc” 
 106 
Người nhận định: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có 
đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì 
muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự 
mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi 
việc gì” (Hồ Chí Minh, 2011, Tập 12, tr. 252). 
Câu nói trên giúp ta hiểu rõ đâu là cầu nối giữa phẩm chất người cách mạng và 
nền tảng văn hóa trong toàn bộ sự nghiệp giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh. Ở Người, 
sự nghiệp cách mạng đã được nâng lên tầm văn hóa. Đó là điều hiếm thấy ở những vĩ 
nhân khác của dân tộc Việt Nam cũng như của thế giới. 
Hồ Chí Minh quan niệm người cách mạng không phải là kẻ xa lạ hoặc đối lập với 
đồng loại, mà là người bộc lộ được toàn bộ những phẩm chất đạo đức mà tất cả mọi cá 
nhân trong các cộng đồng xã hội muốn hướng tới. Trở thành người cách mạng không phải 
là cứu cánh mà là phương tiện thực hiện đạo đức, hơn nữa, hoàn thiện đạo đức. Ở Hồ Chí 
Minh, chất cách mạng đã chuyển thành chất văn hóa, chất nhân bản. Muốn thực hiện Di 
chúc của Người trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn xây dựng đất nước văn minh tiến bộ và 
chống nghèo nàn lạc hậu, đạo đức càng phải được giữ vững. Thấu hiểu điều này, Người 
nói: “Một dân tộc biết cần kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh 
thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ” (Hồ Chí Minh, 2011, Tập 12, tr. 642). 
2. Trong Di chúc của Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là tiêu chuẩn tối cao, vì 
có đạo đức thì mọi việc khác sẽ có nền tảng vững chắc để phát huy và tài năng sẽ nở rộ. 
Đạo đức là bộ phận năng động nhất của thế giới quan, trực tiếp chỉ đạo mọi hành vi của 
con người. Đạo đức và luân lý Đông - Tây đều quan tâm đến giá trị của con người. 
Nhưng lấy gì làm chuẩn mực cho giá trị của con người cũng như của văn hóa, văn 
minh? Trong truyện ngắn Một con người ra đời, M. Gorki đưa ra hai nhận xét có tính 
chất cảm thán: “Con người, hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh xiết bao”; “Cao sang thay 
cái chức vị làm người trên trái đất”. Như vậy, giá trị của con người tùy thuộc vào mức 
độ hoàn thành “chức vị làm người”. Đối với Hồ Chí Minh, “mọi việc đều do con người 
làm ra cả”, từ đó Người đặt ra yêu cầu rất cao với đạo đức, nó là sự thể hiện cao nhất 
trách nhiệm của con người trước cuộc sống xã hội, và theo đó, Người luôn đặt niềm tin 
ở con người. Điểm xuất phát và đích cuối cùng của bản Di chúc, về đạo đức, là con 
người không được tách khỏi đồng loại; giữa con người cụ thể với đồng loại phải tồn tại 
văn hóa biết yêu thương. 
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, người có đạo đức là người biết sống vì đồng 
loại, biết tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của đồng loại, cụ thể là trong hạnh 
phúc của nhân dân lao động. Đạo đức đó hoàn toàn phù hợp với bản chất của con người 
theo như K. Marx quan niệm: “Bản chất con người phải được cấu tạo sao cho chỉ khi con 
người làm việc nhằm hoàn thiện cả những người cùng thời vì lợi ích của họ thì mới đạt 
tới sự hoàn thiện bản thân”. Do đó, Người ân cần căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch 
tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân 
dân”; sau khi kết thúc chiến tranh, cần phải “miễn thuế nông nghiệp một năm cho hợp tác 
xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm nguồn phấn khởi, đẩy 
mạnh sản xuất” (Hồ Chí Minh, 2011, Tập 12, tr. 504), làm được như thế là “trọng dân”, 
“thấu hiểu lòng dân”, “khoan thư sức dân” theo đạo nghĩa. Như vậy, với Hồ Chí Minh, 
quan hệ tốt với nhân dân là một tiêu chuẩn rất quan trọng của đạo đức, qua hai phương 
diện gắn bó với nhau: 
Trường Đại học Vinh Tạp chí khoa học, Tập 48 - Số 4B/2019, tr. 105-109 
 107 
Thứ nhất, lợi ích của nhân dân là mục đích tối cao của mọi việc làm, mọi chính 
sách, “điều gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, điều gì có hại cho dân, phải hết sức tránh” 
(Hồ Chí Minh, 2011, Tập 4, tr. 348). Nói cách khác, nhân dân là đối tượng phục vụ của 
cán bộ ở bất cứ cương vị xã hội nào. Do đó, ở phương diện này, đạo đức Hồ Chí Minh 
đòi hỏi phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, phải cần kiệm liên chính, chí công vô tư. 
Thứ hai, mọi chủ trương chính sách lại đều do nhân dân thực hiện. Ở phương 
diện này, đạo đức Hồ Chí Minh đòi hỏi phải hết sức dân chủ với nhân dân: “nếu ai nói 
chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có 
như thế” (Hồ Chí Minh, 2011, Tập 4, tr.484). Đạo đức Hồ Chí Minh có chiều sâu nhân 
văn và mang tính dân chủ. Tuy nhiên, hai điều Người đã nêu trên không phải dễ thực 
hiện. Bởi vậy, trong suốt nhiều năm lãnh đạo đất nước, Người từng phải nhiều lần hướng 
dẫn cán bộ và tổ chức các cấp cách làm: “Trong mọi công việc, ngay từ khi lập kế hoạch 
và suốt cả thời gian thực hiện, phải mạnh dạn phát động quần chúng, làm cho mọi người 
thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể. Quần chúng thực sự có quyền dân chủ và cán bộ, 
đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu, thì chắc chắn ngăn ngừa được những 
tệ quan liêu, mệnh lệnh lãng phí, tham ô” (Hồ Chí Minh, 2011, Tập 12, tr. 249). Hồ Chí 
Minh luôn tôn trọng tính dân chủ trong mọi trường hợp, từ việc rất nhỏ đến việc lớn: 
“Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác cứ cãi, nhất trí rồi về làm 
mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cũng ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa 
thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa”; “Các chú phải hết sức chú ý 
vấn đề dân chủ và kỷ luật. Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật. Bác thấy có 
nơi còn có hiện tượng cán bộ cáu kỉnh với chiến sĩ, như vậy không tốt. Có gì thì cứ bình 
tĩnh bảo nhau, bàn với nhau. Càng cáu càng khó nghe. Muốn dân chủ tốt, kỷ luật cao, cán 
bộ phải gương mẫu phê bình và tự phê bình. Ví dụ: Bác và các chú khai hội với nhau, 
Bác tự phê bình trước thì các chú mới dám phê bình. Các chú có khuyết điểm, Bác phê 
bình lại. Mục đích tự phê bình và phê bình là học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải 
nói xấu nhau” (Hồ Chí Minh, 2011, Tập 12, tr. 249, tr. 547). 
Bàn về dân chủ và quyền tự do dân chủ, Hồ Chí Minh luôn là người trình bày linh 
hoạt và thấu tình đạt lý, Người nói: “Tự do tư tưởng. Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư 
tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vần đề, mọi người tự do bày tỏ ý 
kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của 
mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm ra chân lý, lúc đó quyền tự do tư 
tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý.” (Hồ Chí Minh, 2011, Tập 4, tr.492). 
Vậy là, có thể coi sự mở rộng dân chủ là thước đo của sự tiến bộ xã hội, và tùy 
thuộc vào các điều kiện cụ thể của xã hội ấy. Trong mọi trường hợp, có dân chủ mới có 
thể phát triển kinh tế - xã hội. 
3. Trong quan niệm đạo đức Hồ Chí Minh, không có con người trừu tượng, do đó 
cũng không có đạo đức trừu tượng, không có nhân dân trừu tượng. Nhân dân là nhân dân 
cụ thể, con người là con người cụ thể. Con người cụ thể trong đạo đức Hồ Chí Minh là 
con người có tự do, được bình đẳng, giàu tình bác ái, coi nhau như anh em. Nhưng muốn 
đạt được điều đó thì trước hết con người phải được sống trong một đất nước độc lập. Đây 
chính là điều Bác muốn bổ sung cho khẩu hiệu nổi tiếng của cách mạng tư sản Pháp - từ 
“Tự do, Bình đẳng, Bác ái” thành “Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Độc lập”. Năm 1946, trong 
bức thư “gửi người Việt Nam, người Pháp và người thế giới”, Hồ Chí Minh đã gọi “tự 
do, bình đẳng, bác ái, độc lập” là đạo đức thật sự. Trong đạo đức Hồ Chí Minh, độc lập 
P. T. N. Thúy / Tính thời đại của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện qua “Di Chúc” 
 108 
của đất nước nói ở đây là độc lập cụ thể, không tách khỏi sự sống cụ thể của con người. 
Con người là điểm xuất phát của mọi giá trị đạo đức, và mọi giá trị đều được quy về hạnh 
phúc toàn thể của con người. Ngày 17 tháng 9năm 1945, Bác viết: “Ngày nay, chúng ta 
đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân 
không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì” Hồ Chí Minh, 2011, 
Tập 4, tr. 35). Luận điểm sâu sắc này có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn cực kỳ quan trọng 
trong việc thực hiện Di chúc của Người với công cuộc xây dựng đất nước của chúng ta 
ngày nay. 
Năm 1946, phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến 
quốc, Người lại khẳng định tiếp: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết 
đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của 
độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ” (Hồ Chí Minh, 2011, Tập 4, tr. 87). Trong cuộc 
đối thoại giữa Hồ Chí Minh với các nhà báo ngày 10 tháng 7 năm 1946 tại Paris, Người 
từng phát biểu: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi 
đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác còn khi nào thì chủ nghĩa Các Mác thực hiện thì tôi 
không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được cần phải có đất kỹ 
nghệ, đất nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở 
nước tôi những điều kiện ấy chưa đủ” (Báo Cứu quốc, 1946). Qua phân tích câu chuyện 
này, có thể thấy, đối với Hồ Chí Minh, hạnh phúc của con người cũng như mọi giá trị 
đạo đức, mọi giá trị văn hóa của con người không phải chỉ dừng lại ở chỗ “ai cũng có 
cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. “Tất cả mọi người đều được phát triển hết khả 
năng của mình”, đó mới là mục tiêu cuối cùng trong lý tưởng tự do và tư tưởng đạo đức 
Hồ Chí Minh. Và chỉ có như vậy thì con người mới có thể tự thể hiện giá trị văn hóa, giá 
trị đạo đức, giá trị nhân bản của chính mình. 
Điều mà tất cả mọi người dân Việt Nam chúng ta ai cũng nhận thấy, khi đất nước 
bị thực dân Pháp đô hộ thì hơn 90% người dân không biết đọc, biết viết, bị tước đoạt, nô 
dịch về mặt văn hóa, nhưng khi vừa dành được độc lập Người đã kêu gọi đẩy mạnh công 
tác xóa nạn mù chữ do đó, giáo dục được phát triển rộng khắp trên cả nước, tiếng mẹ đẻ 
được dùng ở tất cả các cấp học và một nền văn hóa mới được hình thành theo hướng dân 
tộc, khoa học và đại chúng. 
4. Bản Di chúc của Hồ Chí Minh đã thể hiện sâu sắc nền móng cơ bản của đạo 
đức là lòng nhân ái bao la, thương yêu, tôn trọng, tin cậy con người. Sự nghiệp và di sản 
văn hóa ấy mang khát vọng của con người muốn được giải phóng, được không ngừng 
nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, được yêu thương nhau trong hòa bình, độc lập, 
dân chủ và tiến bộ. Điều này khiến cho tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có tính thời đại, 
có sức cảm hóa lớn đối với trái tim và khối óc không những quảng đại quần chúng nhân 
dân Việt Nam, mà còn của bạn bè quốc tế. 
Nhà hoạt động văn hóa Cuba Rơnê Dơpêtơrơ viết: “Những ai muốn biết thế nào 
là một con người thật sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái 
đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự 
tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta. Nhà cách mạng lão thành này 
ngay giữa cuộc đời mình và đi vào truyền thuyết. Cuộc sống của Người là một bài thơ 
đầy nét anh hùng ca, giống như cuộc đấu tranh của dân tộc Người” (Lê Khánh Sơn 2001, 
tr. 35).
Trường Đại học Vinh Tạp chí khoa học, Tập 48 - Số 4B/2019, tr. 105-109 
 109 
Những giá trị nhân văn cao đẹp, vị nhân sinh trong Di chúc Hồ Chí Minh không 
chỉ thể hiện tình cảm, tư tưởng đạo đức mà còn hướng tới một sự thống nhất chặt chẽ 
giữa nói và làm, giữa đời công và đời tư, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường. 
Do đó, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành "tinh hoa và khí phách, lương tâm và danh 
dự", thành biểu tượng của đạo đức và văn minh, không phải chỉ của Đảng ta, dân tộc ta, 
mà còn là biểu tượng của đạo đức, văn minh nhân loại. 50 năm hay dài lâu hơn nữa, lời 
dạy của Người vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta noi theo. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
Báo Cứu quốc (15/7/1946). Tài liệu lưu trữ ở Cục lưu trữ Quốc gia. Hà Nội. 
Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, Tập 4. 
Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, Tập 5. 
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, Tập 12. 
Lê Khánh Sơn (2001). Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh. Hà Nội: NXB Thanh niên. 
Trần Dân Tiên (1976). Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Hà Nội: 
NXB Sự thật. 
SUMMARY 
CONTEMPORARY VALUES OF HO CHI MINH’S MORALITY 
 AND IDEOLOGY PRESENTED IN HIS TESTAMENT 
Ho Chi Minh’s ideology and morality as a noble moral value system of the nation 
are comprehensively reflected in all of his revolutionary activities, especially manifested 
as quintessence in the form of the language in the testament. In order to contribute to 
affirming the meaning of the learning from the testament, the article focuses on the study 
of the content of Ho Chi Minh's ideology and morality and the contemporary values of 
this spiritual heritage through the most critical points of the document. 
Keywords: Ho Chi Minh’s ideology, morality, a set of spiritual values; 
contemporary. 

File đính kèm:

  • pdftinh_thoi_dai_cua_tu_tuong_dao_duc_ho_chi_minh_the_hien_qua.pdf