Tình hình sản xuất đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (LPƯHN ĐL) ngày nay với công suất danh định 500 kW là duy

nhất tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2017, lò phản ứng đã hoạt động với tổng cộng khoảng 44.000

giờ, có nghĩa là mức trung bình của mỗi năm hoạt động được 1.200 giờ (khoảng 1.500 giờ từ năm

2014 đến nay) an toàn và khai thác hiệu quả. Hơn 90% thời gian hoạt động lò phản ứng và hơn 80%

công suất chiếu xạ đã được khai thác cho nghiên cứu và sản xuất đồng vị phóng xạ (ĐVPX). Trong

quá trình hoạt động, lò phản ứng đã được sử dụng thành công trong sản xuất nhiều loại ĐVPX và

dược chất phóng xạ (DCPX) để sử dụng trong y học và các lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật khác. Đã

cung cấp khoảng 8.000 Ci ĐVPX sử dụng trong y học, trong đó phần lớn là I-131, P-32, máy phát Tc-

99m, Sm-153, Lu-177, Cr-51, Co-60, Ir-192 ., góp phần thúc đẩy sự phát triển của Y học hạt nhân

(YHHN) tại Việt Nam.

pdf 10 trang kimcuc 20240
Bạn đang xem tài liệu "Tình hình sản xuất đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tình hình sản xuất đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Tình hình sản xuất đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN
1Số 56 - Tháng 09/2018
TÌNH HÌNH SẢN XUẤT
ĐỒNG VỊ PHÓNG XẠ VÀ DƯỢC CHẤT PHÓNG XẠ
TRÊN LÒ PHẢN ỨNG HẠT NHÂN ĐÀ LẠT
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (LPƯHN ĐL) ngày nay với công suất danh định 500 kW là duy 
nhất tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2017, lò phản ứng đã hoạt động với tổng cộng khoảng 44.000 
giờ, có nghĩa là mức trung bình của mỗi năm hoạt động được 1.200 giờ (khoảng 1.500 giờ từ năm 
2014 đến nay) an toàn và khai thác hiệu quả. Hơn 90% thời gian hoạt động lò phản ứng và hơn 80% 
công suất chiếu xạ đã được khai thác cho nghiên cứu và sản xuất đồng vị phóng xạ (ĐVPX). Trong 
quá trình hoạt động, lò phản ứng đã được sử dụng thành công trong sản xuất nhiều loại ĐVPX và 
dược chất phóng xạ (DCPX) để sử dụng trong y học và các lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật khác. Đã 
cung cấp khoảng 8.000 Ci ĐVPX sử dụng trong y học, trong đó phần lớn là I-131, P-32, máy phát Tc-
99m, Sm-153, Lu-177, Cr-51, Co-60, Ir-192 ..., góp phần thúc đẩy sự phát triển của Y học hạt nhân 
(YHHN) tại Việt Nam.
1. MỞ ĐẦU
Trên thế giới từ nhiều thập niên qua, việc 
ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và ĐVPX đã trở thành 
một công cụ đắc lực trong các lĩnh vực phát triển 
kinh tế xã hội như: công nghiệp, nông nghiệp, 
xây dựng, môi trường, và nghiên cứu khoa học, 
đặc biệt trong y học được ứng dụng cho chẩn 
đoán, điều trị và nghiên cứu y học đã có nhiều 
kinh nghiệm và mang lại kết quả thiết thực. 
Để đáp ứng các nhu cầu sử dụng trong các 
lĩnh vực nêu trên, các ĐVPX được điều chế chủ 
yếu trên 2 thiết bị hạt nhân là lò phản ứng nghiên 
cứu và máy gia tốc hạt.
Riêng trong thập niên vừa qua, do sự tăng 
trưởng nhanh và sự phổ biến rộng của các đồng 
vị sống ngắn phát positron, ứng dụng trong y tế 
được điều chế trên máy gia tốc hạt nên sự phát 
triển các sản phẩm này đã hướng tới một công 
nghệ mới chính xác, hiệu quả nhưng đòi hỏi sự 
đầu tư công nghệ cao về mọi mặt. Trong khi đó, 
lò phản ứng hạt nhân (LPƯHN) vẫn luôn đóng 
vai trò chủ đạo trong việc điều chế một số ĐVPX 
quan trọng không thể thiếu được cho các ứng 
dụng trong y tế, công-nông nghiệp như Tc-99m, 
Mo-99, I-131, Ir-192, Co-60, v.v... Đặc biệt với 
sự phát triển mạnh mẽ các phương pháp điều trị 
bệnh nhắm đích dùng các đồng vị phát bêta như 
Lu-177, Sm-153, P-32, bằng cả hai cách thức, 
xạ trị ngoài (dùng nguồn phóng xạ kín) và xạ trị 
nội (dùng nguồn phóng xạ hở), LPƯHN ĐL là 
phương tiện duy nhất và được khai thác hiệu quả 
cho mục đích điều chế các loại ĐVPX này.
Hiện nay có hơn 10.000 bệnh viện trên 
toàn thế giới sử dụng đồng vị phóng xạ trong y 
học, và khoảng 90% các thủ thuật được ứng dụng 
cho chẩn đoán. Các đồng vị phóng xạ phổ biến 
nhất được sử dụng để chẩn đoán là technetium-
99m (Tc-99m) với khoảng 40 triệu thủ thuật mỗi 
năm, chiếm khoảng 80% tổng số các thủ thuật y 
học hạt nhân trên toàn thế giới.
Ở các nước phát triển (26% dân số thế 
THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN
2 Số 56 - Tháng 09/2018
giới), tần suất của y học hạt nhân chẩn đoán là 
1,9% mỗi năm, và tần suất điều trị với đồng vị 
phóng xạ là khoảng một phần mười trong số này. 
Tại Mỹ có hơn 20 triệu thủ thuật y học hạt nhân 
mỗi năm, và ở châu Âu khoảng 10 triệu. Tại 
Úc, có khoảng 560.000 người/ năm, trong đó có 
470.000 người sử dụng đồng vị của lò phản ứng. 
Việc sử dụng dược phẩm phóng xạ trong chẩn 
đoán đang tăng lên trên 10% mỗi năm.
Y học hạt nhân đã được phát triển vào 
những năm 1950 với điểm nhấn là các bệnh về 
nội tiết, ban đầu sử dụng iodine-131 để chẩn 
đoán và sau đó điều trị bệnh tuyến giáp. Trong 
những năm gần đây, các chuyên gia cũng đã đến 
từ X quang, khi các quy trình chụp cắt lớp phát 
xạ positron / chụp cắt lớp điện toán (PET / CT) 
đã được thiết lập, tăng vai trò của máy gia tốc 
trong sản xuất đồng vị phóng xạ phát positron. 
Tuy nhiên, các đồng vị phóng xạ chính như Tc-
99m không thể sản xuất có hiệu quả mà không có 
lò phản ứng (một số Tc-99m được sản xuất trong 
máy gia tốc nhưng nó có chất lượng thấp hơn và 
chi phí cao hơn).
Ở nước ta, từ khi LPƯHN ĐL chính thức 
hoạt động vào tháng 3/1984, việc nghiên cứu 
điều chế các ĐVPX và DCPX bắt đầu hình thành 
và phát triển. Tại thời điểm đó cả nước chỉ mới có 
2 khoa YHHN tại Bệnh viện Chợ Rẫy (phía Nam) 
và Bệnh viện Bạch Mai (phía Bắc), đến nay đã có 
25 khoa từ Trung ương đến địa phương với nhiều 
thiết bị hiện đại như Gamma-Camera, SPECT/
CT, PET/CT cho phép chẩn đoán nhanh, và chính 
xác hầu hết các cơ quan trong cơ thể cũng như 
điều trị đặc hiệu các bệnh ung bướu.
Để phục vụ cho việc điều chế các chất 
phóng xạ, mỗi tháng lò phản ứng hoạt động liên 
tục 130-150 giờ ở công suất danh định 500 kW. 
Mặc dù công suất của LPƯHN bị hạn chế, song 
cho đến nay có thể đáp ứng 50% nhu cầu cung 
cấp các chất phóng xạ cho các cơ sở ứng dụng 
trong nước. Khả năng tự sản xuất được các chất 
phóng xạ trong nước đã kích thích và là chỗ dựa 
vững chắc cho việc nghiên cứu, ứng dụng các 
chất phóng xạ trong sự phát triển chung toàn xã 
hội.
2. HIỆN TRẠNG VỀ NGHIÊN CỨU VÀ SẢN 
XUẤT ĐỒNG VỊ PHÓNG XẠ TRÊN LÒ 
PHẢN ỨNG HẠT NHÂN ĐÀ LẠT
Hiện nay, tại Viện Nghiên cứu hạt nhân 
(Đà Lạt), các chất phóng xạ được điều chế bằng 
cách chiếu xạ kích hoạt hạt nhân các đồng vị bền 
bằng neutron trên LPƯHN và tiếp đến là công 
nghệ xử lý hoá phóng xạ để thu được sản phẩm 
cuối cùng bảo đảm chất lượng cho sử dụng thực 
tiễn. 
2.1. Hiện trạng về cơ sở vật chất và 
trang bị kỹ thuật
Cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật phục 
vụ cho nghiên cứu, sản xuất các ĐVPX và hợp 
chất đánh dấu bao gồm các hệ thống thiết bị và 
công nghệ tách rời nhau nhưng được vận hành và 
hoạt động đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với nhau.
- Lò phản ứng là thiết bị quan trọng nhất 
với các kênh chiếu xạ có thông lượng neutron từ 
5x1011 n.cm-2.s-1 đến 2,3x1013 n.cm-2.s-1, thích ứng 
cho việc điều chế các đồng vị trên cơ sở của phản 
ứng (n,γ), có thời gian sống ngắn và trung bình, 
được ứng dụng phổ biến trong YHHN.
- Tổng diện tích các phòng thí nghiệm 
dành cho nghiên cứu và điều chế các chất phóng 
xạ là 300 m2, được bố trí ngay trong vùng kiểm 
soát của lò phản ứng. Trong đó 200 m2 dành cho 
việc lắp đặt các dây chuyền công nghệ sản xuất 
các đồng vị và DCPX, 100 m2 là các phòng thí 
nghiệm nghiên cứu phát triển và kiểm tra chất 
lượng sản phẩm.
THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN
3Số 56 - Tháng 09/2018
Hình 1. Bên trong LPƯHN ĐL
Hình 2. Vùng hoạt LPƯHN ĐL
Hình 3. Mặt cắt đứng vùng hoạt LPƯHN ĐL
Được sự tài trợ của Cơ quan Năng lượng 
nguyên tử quốc tế (IAEA) và của ngành Năng 
lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), đơn vị 
đã được trang bị 3 dây chuyền công nghệ cơ bản 
và một số box đánh dấu cùng các thiết bị chuyên 
dụng khác, cụ thể là:
- Dây chuyền sản xuất đồng vị I-131:
Năm 1986, dưới sự tài trợ của IAEA Viện 
Nghiên cứu hạt nhân (Viện NCHN) tiếp nhận một 
dây chuyền sản xuất I-131, tại thời điểm này đây 
là một dây chuyền hiện đại, bảo đảm các điều 
kiện hoạt động của công việc sản xuất và kiểm tra 
chất lượng loại hình sản phẩm này.
Năm 2008, Viện NCHN được Bộ Khoa 
học và Công nghệ trang bị dây chuyền sản xuất 
I-131 mới phù hợp với nhu cầu phát triển trong 
điều kiện hiện tại. Dây chuyền được nhập khẩu 
từ Đức do Tập đoàn ITD (Isotope Technologies 
Dresden GmbH) sản xuất theo tiêu chuẩn German 
Standard DIN ISO 9001:2000. 
Đây là dây chuyền được thiết kế lắp ráp 
trên công nghệ hiện đại, tự động hoá các công 
đoạn chính của quy trình sản xuất, và bảo đảm 
theo các tiêu chuẩn GMP về thực hành sản xuất 
dược phóng xạ của WHO/IAEA.
Về hiệu quả kinh tế, dây chuyền này đã 
mang lại hiệu quả cao bởi lẽ nó luôn đáp ứng 
được nhu cầu sử dụng, thay thế sản phẩm ĐVPX 
nhập ngoại với giá thành phù hợp với điều kiện 
xã hội hiện tại.
- Dây chuyền sản xuất máy phát Tc-99m 
và Dây chuyền sản xuất P-32 dạng tấm áp: mỗi 
dây chuyền này gồm 2 buồng sản xuất có che 
chắn phóng xạ bằng chì và được lắp ráp các cánh 
tay đẩy cùng với các thiết bị công nghệ cơ bản 
được đưa vào sử dụng từ năm 1999. 
- Các thiết bị chuyên dụng để điều chế các 
chất đánh dấu phóng xạ và DCPX.
- Các thiết bị cơ bản để kiểm tra chất 
lượng các chất ĐVPX và DCPX.
THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN
4 Số 56 - Tháng 09/2018
Hình 4. Dây chuyền sản xuất I-131
Hình 5. Box sản xuất Tc-99m
Hình 6. Hệ thống kiểm tra chất lượng
Hình 7. Phòng sạch, vô trùng sản xuất KIT
2.2. Năng lực đội ngũ cán bộ
Liên quan đến công việc sản xuất các chất 
phóng xạ, các đơn vị chuyên môn sau đây của 
Viện NCHN cùng phối hợp tham gia:
- Bộ phận Vận hành lò phản ứng và xử lý 
thải phóng xạ gồm 40 cán bộ, trong đó 25 cán bộ 
có trình độ đại học và trên đại học.
- Bộ phận An toàn phóng xạ gồm 16 cán 
bộ, trong đó 10 cán bộ có trình độ đại học và trên 
đại học.
- Bộ phận trực tiếp sản xuất chất phóng 
xạ và kiểm tra chất lượng sản phẩm gồm 16 cán 
bộ, trong đó có 15 cán bộ có trình độ đại học và 
trên đại học. 
Đội ngũ cán bộ này đã được đào tạo 
chuyên ngành ở trong và ngoài nước, làm việc 
nhiều năm trong lĩnh vực này, có kinh nghiệm 
và trình độ công nghệ đáp ứng các nhiệm vụ cần 
thiết.
2.3. Các sản phẩm ĐVPX và DCPX đã 
sản xuất
Với các đặc điểm và điều kiện như hiện 
nay, để phục vụ cho việc điều chế các chất phóng 
xạ, hàng tháng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hoạt 
động 130-150 giờ liên tục với công suất danh 
định là 500 kW.
THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN
5Số 56 - Tháng 09/2018
Hình 8. Các sản phẩm ĐVPX và DCPX 
đã được sản xuất tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân
Lượng đồng vị hiện nay có thể sản xuất 
được sau mỗi đợt lò hoạt động có thể đến 50 Ci 
tùy thuộc nhu cầu tại thời điểm cung cấp, trong 
đó phần lớn là I-131, Tc-99m và P-32 chiếm tỷ lệ 
50%, phần còn lại 50% bao gồm các đồng vị như 
Mo-99, Lu-177, Sm-153, Co-60, Ir-192...
Bảng 1. Các loại ĐVPX và DCPX đã 
được sản xuất trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt 
và ứng dụng của chúng
Loại 
nguồn 
ĐVPX và DCPX Ứng dụng 
Nguồn hở 99mTc 99Mo Đánh dấu vớ á h 
 hấ ánh dấ , ghi 
hình chẩn oán 
131I viên nang và dung dịch Chẩn oán và iều trị 
các bệnh tuyến giáp 
 32P tấm áp và dung dịch Đ ều trị giảm au do 
di căn, các bệnh ngoài 
da 
153Sm;177Lu;165Dy; 166Ho; 32P (dd) 
Nguồn 
kín 
192Ir; 60Co Đ ều trị chiếu ngoài và 
áp sát và ứng dụng 
trong công nghiệp 
H p chất 
 ánh dấu 
131I-MIBG, 131I-HIP; 153Sm, 165Dy 166Ho; 125I; 
89Sr; 90Y; 188Re;177Lu- ánh dấu EDTMP, 
phân tử sinh học 
Đ ều trị chiếu trong 
Các KIT 
invivo 
Phosphontec, Pyrotec, Glucotec, DMSA, HIDA, 
Phytate, Citrate, MAA, HMPAO, MIBI, MAG-3, 
MDP, EDTMP, DISIDA, ECD 
Ghi hình chức năng 
các cơ quan nội tạng 
Các DCPX như 131I-Hippuran, 
131I-MIBG, 153Sm-EDTMP, 177Lu-EDTMP, 177Lu-
DOTATATE... cũng đã được điều chế theo yêu 
cầu của các cơ sở sử dụng. 
Ngoài ra, các hợp chất đánh dấu với Tc-
99m là các Kit invivo bao gồm hơn 10 chủng loại 
cũng được sản xuất dưới dạng đông khô, sẵn sàng 
đáp ứng theo yêu cầu các khoa YHHN.
2.4. Tình hình đảm bảo chất lượng sản 
phẩm
Trong 34 năm qua, song song với việc vận 
hành tốt công nghệ sản xuất, công tác bảo đảm và 
kiểm tra chất lượng sản phẩm luôn luôn được coi 
trọng, các thiết bị dùng cho kiểm tra chất lượng 
sản phẩm đã được nâng cấp và hoàn thiện theo 
mô hình kiểm tra độc lập có đối chứng, so sánh 
mẫu song song. Bộ phận kiểm tra chất lượng là 
cơ sở đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005, mã số 
VILAS 519 do Văn phòng công nhận chất lượng 
cấp.
Việc theo dõi chất lượng sản phẩm ngay 
tại các cơ sở sử dụng cũng được thực hiện thường 
xuyên và đã ghi nhận rằng trong suốt 34 năm qua 
chưa phát hiện thấy trường hợp kém chất lượng 
nào.
2.5. Tình hình phân phối sản phẩm
Tình hình cung cấp và phân phối các 
DCPX phụ thuộc vào loại sản phẩm, số lượng và 
mục đích sử dụng. Các chất phóng xạ sản suất 
trên LPƯHN ĐL như I-131, Tc-99m, P-32, Cr-
51, Sm-153, Lu-177, Au-198... được cung cấp 
cho các bệnh viện mỗi tháng 2 lần, từ năm 2018 
Viện NCHN có kế hoạch cung cấp hàng tuần do 
nhu cầu các bệnh viện ngày càng tăng. Các sản 
phẩm Kit in-vivo và in-vitro có thể cung cấp với 
thời gian bất kỳ khi nào có giấy yêu cầu.
Hiện tại, Viện NCHN cung cấp ổn định 
cho 25 bệnh viện trong cả nước. Bệnh viện Chợ 
Rẫy và Viện Quân y 108, trong nhiều năm trước 
đây đã sử dụng 100% chất phóng xạ do Viện 
NCHN cung cấp. Tuy nhiên, từ 2 năm nay, do 
nhu cầu cao về số lượng mà Viện NCHN không 
THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN
6 Số 56 - Tháng 09/2018
có khả năng đáp ứng đủ nên các cơ sở này đã 
chuyển sang sử dụng một phần hoặc toàn bộ sản 
phẩm nhập ngoại. 
Lâu nay việc chuyên chở chất phóng 
xạ đến các Khoa YHHN được thực hiện bằng 
phương tiện ôtô chuyên dụng và do Viện NCHN 
đảm nhận. Vì phải chuyên chở bằng ôtô nên thời 
gian vận chuyển bị kéo dài làm giảm khả năng sử 
dụng các chất đồng vị sống ngắn và làm lãng phí 
hoạt độ phóng xạ.
Khả năng vận chuyển chất phóng xạ bằng 
tàu hỏa cũng đã được thử nghiệm trong thời gian 
qua nhưng có nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận 
tại các địa phương sử dụng.
Khả năng vận chuyển chất phóng xạ bằng 
đường hàng không còn nhiều khó khăn trong thủ 
tục hành chính cho nên hiện nay vẫn chưa được 
cấp phép thực hiện.
3. NHU CẦU PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG 
ĐỒNG VỊ PHÓNG XẠ TRONG Y TẾ Ở 
NƯỚC TA
3.1. Tình hình chung
Trong suốt 34 năm qua kể từ ngày đưa 
LPƯHN ĐL vào hoạt động, lĩnh vực YHHN của 
nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. 
Thông qua các dự án viện trợ kỹ thuật, IAEA đã 
cung cấp một số thiết bị YHHN cơ bản và hiện đại 
đồng thời hỗ trợ đào tạo đội ngũ bác sỹ, kỹ thuật 
viên cho các bệnh viện. Bằng khả năng của mình, 
Viện NCHN đã tích cực thực hiện chương trình tư 
vấn, mở rộng mạng lưới YHHN bằng cách hỗ trợ 
cho các bệnh viện để thiết lập các khoa YHHN, 
đó là: tham gia tư vấn xây dựng dự án, thiết kế 
phòng ốc, cung cấp các thiết bị, ĐVPX và hỗ trợ 
trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật phóng 
xạ cho các bệnh viện. Hiện nay, trong toàn quốc 
có 30 khoa YHHN đang hoạt động (năm 1984, 
thời điểm LPƯHNĐL bắt đầu hoạt động chỉ có 2 
khoa YHHN).
Hình 9. Số lượng các khoa YHHN trên toàn quốc
Hình 10. Sự phân bố các khoa YHHN trên toàn 
quốc
Hình 11. Sơ đồ cung cấp đồng vị hàng 
năm từ 1984-2017 cho lĩnh vực Y tế
THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN
7Số 56 - Tháng 09/2018
Sự phát triển số lượng các khoa YHHN 
đồng nghĩa với sự phát triển thị trường bền vững. 
Đặc biệt sau khi ban hành Quyết định số 1958/
QĐ-TTg ngày 4/11/2011 của Thủ tướng chính 
phủ Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, 
ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020, việc 
triển khai, mở rộng các cơ sở YHHN đang có sự 
chuyển biến tích cực cả về số lượng cũng như 
quy mô kỹ thuật. Hiện nay 95% lượng ĐVPX sản 
xuất trên lò phản ứng Đà Lạt đang cung cấp cho 
ứng dụng trong y tế.
Để đáp ứng thị trường ngày càng mở rộng 
mỗi tháng lò phản ứng đã phải tăng thời gian hoạt 
động từ 100 giờ lên 130-150 giờ, tuy nhiên do 
đặc điểm hệ thống công nghệ nên các sản phẩm 
sản xuất trên lò cũng chỉ đáp ứng được mỗi tháng 
1 lần với sản phẩm chính là I-131, P-32 trong khi 
nhu cầu là mỗi tháng 4 lần.
Sự phát triển thêm nhiều cơ sở ứng dụng 
ĐVPX trong y tế dẫn đến nhu cầu thị trường tăng 
nhanh cả về số lượng và chủng loại ĐVPX. Ngoài 
ứng dụng cho chẩn đoán và điều trị, thì ứng dụng 
ĐVPX trong nghiên cứu y học cũng đang phát 
triển đáng kể tại các viện nghiên cứu và tại các 
bệnh viện với nhu cầu đa dạng về chủng loại 
ĐVPX nên hầu hết là nhập ngoại.
3.2. Nhu cầu sử dụng ĐVPX ở Việt 
Nam trong thời gian tới
Theo kế hoạch, trong 5 năm tới sẽ có 
khoảng 40 bệnh viện có khoa YHHN được xây 
dựng và đưa vào hoạt động. Các thiết bị chẩn 
đoán bệnh sẽ được hiện đại hóa và đưa vào hoạt 
động với khoảng 30 thiết bị gamma camera và 
SPECT trong vòng 3 năm tới.
Số lượng bệnh nhân được chẩn đoán và 
điều trị bằng ĐVPX sẽ tăng 200% sau năm 2020.
Số lượng ĐVPX ứng dụng trong y tế hiện 
nay ước tính 2000 Ci/năm trong đó hơn 50% là 
nhập khẩu.
Theo dự đoán của các chuyên gia YHHN 
của ta hiện nay thì sau 10 năm nữa nhu cầu về 
ĐVPX trong y tế có thể sẽ tăng gấp 10 lần.
4. NHỮNG THÁCH THỨC TRONG SẢN 
XUẤT VÀ CUNG ỨNG ĐỒNG VỊ PHÓNG 
XẠ CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU HẠT NHÂN 
Một trong những ứng dụng quan trọng của 
lò phản ứng nghiên cứu là sản xuất các ĐVPX 
phục vụ các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội; 
Tại LPƯHN Đà Lạt có thể nói dù có công suất 
nhỏ chỉ 500 kW, nhưng đã hoạt động hiệu quả 
trong lĩnh vực này trong suốt thời gian vận hành, 
góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của 
ngành năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, trước sự 
phát triển xã hội và nhu cầu sử dụng ĐVPX ngày 
càng gia tăng, việc sản xuất các ĐVPX đáp ứng 
thị trường đang phải đối diện với nhiều khó khăn 
thách thức, cụ thể:
4.1. Về thiết bị công nghệ
- Lò PƯHN Đà Lạt có công suất nhỏ cũng 
như đặc thù công nghệ nên thời gian cũng như tần 
suất hoạt động hạn chế; 
- Thiết bị công nghệ phục vụ cho sản xuất 
còn thiếu nhiều, ví dụ như chưa trang bị đầy đủ 
các dây chuyền sản xuất và kiểm tra chất lượng.
4.2. Về nhân sự, đào tạo
- Cán bộ chuyên môn cao trong sản xuất 
còn thiếu nhiều lĩnh vực như hóa dược phóng xạ, 
hóa phóng xạ, điện tử hạt nhân, vật lý y học (do 
hệ thống giáo dục đại học và trung học chuyên 
nghiệp chưa có chương trình đào tạo các lĩnh vực 
này).
4.3. Về chính sách, kế hoạch đầu tư
- Nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở sản 
xuất còn hạn chế;
- Chưa có cơ chế quản lý sản xuất và cung 
cấp, quản lý chất lượng về các sản phẩm ĐVPX 
THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN
8 Số 56 - Tháng 09/2018
và DCPX ở tầm quốc gia dẫn đến hiện tượng 
cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại.
4.4. Cơ chế xã hội
- Cơ chế hành chính trong điều hành phối 
hợp giữa nhà sản xuất và cơ sở ứng dụng còn 
nhiều bất cập như thủ tục, kế hoạch hợp đồng, 
đặt hàng, thanh quyết toán không kịp thời, ảnh 
hưởng nhiều đến tái sản xuất;
- Chưa có sự tổ chức thống nhất giữa 
mạng lưới các nhà cung cấp các sản phẩm ĐVPX 
và DCPX ngoại nhập;
- Chưa có cơ chế vận chuyển các ĐVPX 
bằng đường hàng không trong nước, gây lãng phí 
trong quá trình sản xuất đối với các sản phẩm 
ĐVPX có thời gian bán rã ngắn.
5. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT 
VÀ KHẢ NĂNG CUNG CẤP CÁC CHẾ 
PHẨM PHÓNG XẠ SỬ DỤNG TRONG Y TẾ 
VÀ CÔNG NGHIỆP
5.1. Khả năng sản xuất và cung cấp 
chất phóng xạ trong nước
Với tiềm năng và ưu thế của các hệ thiết 
bị, công nghệ và đội ngũ cán bộ hiện nay cũng 
như trong tương lai, Viện NCHN hoàn toàn giữ 
được vai trò quan trọng trong việc phát triển nền 
YHHN của nước nhà như thời gian qua thông 
qua các đóng góp trong nghiên cứu phát triển, 
sản xuất và cung cấp ổn định các chế phẩm phóng 
xạ, hỗ trợ kiểm tra chất lượng, sử dụng an toàn và 
có hiệu quả cho các khoa YHHN trong cả nước.
Khả năng sản xuất các chất phóng xạ của 
Viện NCHN không chỉ phụ thuộc vào hoạt động 
của LPƯHN ĐL mà còn phụ thuộc vào hoạt động 
và chất lượng của các hệ thiết bị công nghệ xử lý 
hóa dược phóng xạ. 
Đối với Lò phản ứng, về nguyên tắc có 
thể tăng thời gian hoạt động của lò ở công suất 
500 kW lên tối đa hợp lý là 200 giờ/tháng, cải 
tiến thiết bị và công nghệ chiếu xạ như cải tiến 
container chiếu xạ không dùng lớp vỏ thuỷ tinh 
để tăng được số lượng bia tối đa, tuy vậy, với mức 
độ nhu cầu ngày càng tăng như hiện nay cho dù 
có đáp ứng các yêu cầu trên thì trong vòng 3 năm 
tới, Viện NCHN cũng chỉ có thể đáp ứng được 
không quá 50% nhu cầu về số lượng các chất 
phóng xạ với các chủng loại có thể sản xuất được.
Để khai thác triệt để khả năng của thiết 
bị xử lý và đáp ứng nhu cầu cao hơn về số lượng 
và chủng loại các chế phẩm phóng xạ, một định 
hướng cần thực hiện là nhập khẩu các bia đồng 
vị đã được chiếu xạ kích hoạt trên các lò phản 
ứng hạt nhân ở nước ngoài như là vật liệu sơ chế 
để sản xuất các chất ĐVPX trên các thiết bị đã 
có tại Viện NCHN. Ngoài ra, Viện NCHN có 
đủ điều kiện về thiết bị và con người để nhập 
khẩu sản phẩm theo nguyên lô và thực hiện phân 
liều đóng gói, phân chia sản phẩm đến các khoa 
YHHN trong toàn quốc. Hai hình thức nhập khẩu 
nêu trên đều cần có sự đóng góp về trí lực và kỹ 
thuật của ngành và cũng là hình thức làm giảm 
giá thành của sản phẩm so với việc nhập khẩu 
riêng lẻ theo nhu cầu riêng của từng bệnh viện. 
Bên cạnh đó, nội dung mà Viện NCHN 
đang quan tâm và cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa 
là nâng cấp cơ sở sản xuất để đạt được các tiêu 
chuẩn GMP, QA/QC nhằm tăng tính cạnh tranh 
cho các sản phẩm trong nước và nâng cao uy tín 
của ngành hạt nhân Việt Nam đối với các đối tác 
trong và ngoài nước.
5.2. Định hướng nghiên cứu phát triển 
Trong những năm gần đây, lĩnh vực 
YHHN trên thế giới có nhiều đột phá trong sự 
phát triển về cả chiều sâu và chiều rộng. Sự ra đời 
của các thiết bị YHHN hiện đại như SPECT, PET, 
v.v cũng như những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh 
vực công nghệ Sinh - Y đã tạo cơ sở và động lực 
THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN
9Số 56 - Tháng 09/2018
thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực điều chế các 
DCPX.
Việc định hướng cho việc nghiên cứu 
phát triển các chế phẩm phóng xạ từ nay đến năm 
2020 để phục vụ cho YHHN nước ta phải dựa 
trên nền tảng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội 
ngũ cán bộ. Vì thế, các hướng nghiên cứu cần 
được tập trung trong thời gian tới là: 
- Nghiên cứu phát triển các Kit in-vivo 
đánh dấu với Tc-99m để chẩn đoán các bệnh tim 
mạch, hệ thần kinh trung ương (các bệnh liên 
quan tới não bộ).
- Nghiên cứu các Kit in-vivo dùng các 
kháng thể để hiện hình miễn dịch chẩn đoán bệnh 
trên máy SPECT cần được ưu tiên phát triển theo 
các chiều hướng xã hội.
- Nghiên cứu phát triển các chế phẩm 
phóng xạ phát alpha, beta năng lượng cao để 
phục vụ điều trị bệnh bằng phương pháp xạ trị 
nội và xạ trị áp sát để phục vụ việc điều trị khối u, 
ung thư và các bệnh viêm nhiễm.
- Nghiên cứu phát triển các chế phẩm 
phóng xạ phục vụ việc xét nghiệm nội tiết tố 
trong máu, như các Kit RIA, IRMA, v.v... 
- Quan tâm các hướng nghiên cứu DCPX 
đánh dấu với các loại đồng vị phát positron để 
dùng trên các thiết bị PET. 
- Quy hoạch sản xuất Tc-99m theo hướng 
cung cấp các sản phẩm cuối đã được đánh dấu 
với các KIT, trong đó việc hình thành mô hình 
cụm sản xuất Tc-99m trực tiếp từ nguồn Mo-99 
nhập khẩu.
6. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 
Với những thành quả có ý nghĩa quan 
trọng của ngành hạt nhân là việc đưa Lò phản 
ứng hạt nhân Đà Lạt vào hoạt động an toàn và 
có hiệu quả, với sự hình thành sớm và phát triển 
nhanh của lĩnh vực điều chế các chất phóng xạ tại 
Viện NCHN, ngành YHHN nói riêng và lĩnh vực 
sử dụng các chất phóng xạ vào các ngành kinh 
tế quốc dân nói chung đã có những bước tiến bộ 
và phát triển nhanh trong vòng 34 năm qua. Đặc 
biệt, từ tháng 10/2017, Viện NCHN đã xuất khẩu 
ĐVPX sang Campuchia, tuy bước đầu mức hoạt 
độ đồng vị xuất khẩu chưa cao, nhưng đã đánh 
dấu một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của 
Viện NCHN. Tất cả điều này đã khẳng định sự 
đóng góp tích cực, hiệu quả và quan trọng của 
ngành hạt nhân vào công cuộc hiện đại hóa nước 
nhà. Đồng thời, góp phần tăng cường mối quan 
hệ hữu nghị vốn có của Việt Nam với các nước 
trong khu vực.
Mặc dù vậy, trên cơ sở phân tích tình hình 
thực tế về cơ sở hạ tầng, điều kiện thiết bị và khả 
năng nhân lực hiện có trong lĩnh vực sản xuất các 
chất ĐVPX tại Viện NCHN; từ thực tế về nhu cầu 
chẩn đoán và điều trị bệnh của các khoa YHHN 
trong cả nước ngày càng tăng; để đảm bảo sử dụng 
hiệu quả các chế phẩm DCPX do Viện NCHN 
sản xuất và đảm bảo an toàn phóng xạ cho người 
sử dụng; để Viện NCHN nói riêng và ngành hạt 
nhân nước ta nói chung thực sự đóng góp trách 
nhiệm của mình phục vụ tốt hơn cho ngành y tế, 
xin được nêu một số kiến nghị sau đây:
1. Cần nâng cấp cơ sở hạ tầng và một số 
hệ thống thiết bị đã cũ để đạt được các tiêu chuẩn 
GMP, QA/QC nhằm đảm bảo chất lượng cho các 
sản phẩm ĐVPX mà Viện NCHN đã, đang và sẽ 
sản xuất.
2. Tạo thuận lợi cho Viện NCHN trong 
công tác xuất, nhập khẩu; và vận chuyển chất 
phóng xạ bằng cách xác lập cơ chế vận chuyển 
và phân phối thích hợp sử dụng các phương tiện 
nhanh như máy bay, tàu hỏa để đáp ứng kịp thời 
yêu cầu của các khoa YHHN và tiết kiệm về mặt 
hoạt độ bị giảm do tự phân rã theo thời gian.
3. Do hạn chế về công suất của LPƯHNĐL, 
THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN
10 Số 56 - Tháng 09/2018
trong lúc nhu cầu ngày càng tăng của ngành y tế 
và các ứng công nghiệp, trong khi chờ phương 
án xây dựng một lò phản ứng đa chức năng mới 
công suất cao hơn, để đáp ứng về cả số lượng và 
chủng loại thì việc nhập các DCPX từ nước ngoài 
là tất yếu. Để thực hiện điều đó, cần xác lập cơ 
chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập khẩu 
các chất phóng xạ một cách hợp lý bảo đảm an 
toàn an ninh, đồng thời khuyến khích phát triển 
sản xuất ĐVPX một cách đầy đủ, cụ thể:
- Cho phép nhập nguyên liệu sơ chế để 
điều chế thành phẩm trên các dây chuyền công 
nghệ hiện có tại Đà lạt;
- Cho phép nhập thành phẩm nguyên lô 
để thực hiện việc phân liều và đóng gói tại Việt 
Nam.
- Pháp nhân chính thức về kiểm soát chất 
lượng các chế phẩm phóng xạ nhập ngoại, để 
thực hiện thành công điều này cần có sự phối hợp 
với Viện Kiểm nghiệm thuốc để thành lập Trung 
tâm kiểm định quốc gia về DCPX.
4. Từng bước hoàn thiện công tác phối 
hợp tổ chức quản lý, quan tâm công tác đào tạo 
cán bộ chuyên ngành cho các cơ sở sản xuất, cung 
cấp cũng như các cơ sở sử dụng các chất phóng 
xạ nhằm thiết lập một hệ thống sản xuất - phân 
phối - sử dụng tối ưu. 
Dương Văn Đông
Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế ĐVPX, 
Viện Nghiên cứu hạt nhân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. IAEA TEC-DOC-1234, The Applications 
of Research Reactors, Report of an Advisory 
Group Meeting held in Vienna, 4-7 October 1999.
[2]. Radioisotope Production in Nuclear 
Research Reactors. IAEA-TECDOC-2000.
[3]. Report of the IAEA Regional Management 
Workshop on Strategies to Enhance Utilisation of 
Local Radiopharmaceuticals, RAS/2/009, Korea, 
22-26 October 2001.
[4]. Report of the FNCA Radioisotope and 
radiopharmaceutical production in Vietnam, 
Korea, 23-28 October 2011. 
[5]. Dương Văn Đông, 30 năm nghiên cứu 
sản xuất, cung ứng ĐVPX và dược chất đánh dấu 
tại lò phản ứng hạt nhân, Đà Lạt, 2014.

File đính kèm:

  • pdftinh_hinh_san_xuat_dong_vi_phong_xa_va_duoc_chat_phong_xa_tr.pdf