Tìm hiểu những rào cản về tính an toàn và tính ổn định trong xu hướng khởi nghiệp của doanh nhân trẻ
Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, thông qua các cuộc phỏng vấn sâu theo lối tiếp cận
tiểu sử cá nhân - dòng chảy cuộc đời, bài viết này trình bày kết quả tìm hiểu xu hướng khởi nghiệp
của các doanh nhân trẻ thành phố Hồ Chí Minh. Với việc tập trung giải quyết câu hỏi về những
thách thức và lựa chọn của doanh nhân trẻ khi khởi nghiệp, bài viết gợi ý những nguyên nhân dẫn
đến sự lựa chọn ấy cùng những thách thức mà các doanh nhân trẻ gặp phải. Sự chọn lựa khởi
nghiệp của doanh nhân trẻ không hẳn là một quyết định theo trào lưu mà là quá trình đấu tranh với
nếp suy nghĩ truyền thống, với những bất trắc, rủi ro trong môi trường xung quanh để đi tìm đến
công việc để thỏa mãn niềm đam mê, khẳng định được giá trị riêng của mỗi cá nhân.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tìm hiểu những rào cản về tính an toàn và tính ổn định trong xu hướng khởi nghiệp của doanh nhân trẻ
Quách Thuyên Nhã Uyên Tìm hiểu những rào cản về tính an toàn và tính ổn định... 88 TÌM HIỂU NHỮNG RÀO CẢN VỀ TÍNH AN TOÀN VÀ TÍNH ỔN ĐỊNH TRONG XU HƯỚNG KHỞI NGHIỆP CỦA DOANH NHÂN TRẺ Quách Thuyên Nhã Uyên(1) (1)Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (VNU-HCM) Ngày nhận 10/11/2016; Chấp nhận đăng 10/01/2017; Email: quachthuyennhauyen@gmail.com Tóm tắt Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, thông qua các cuộc phỏng vấn sâu theo lối tiếp cận tiểu sử cá nhân - dòng chảy cuộc đời, bài viết này trình bày kết quả tìm hiểu xu hướng khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ thành phố Hồ Chí Minh. Với việc tập trung giải quyết câu hỏi về những thách thức và lựa chọn của doanh nhân trẻ khi khởi nghiệp, bài viết gợi ý những nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn ấy cùng những thách thức mà các doanh nhân trẻ gặp phải. Sự chọn lựa khởi nghiệp của doanh nhân trẻ không hẳn là một quyết định theo trào lưu mà là quá trình đấu tranh với nếp suy nghĩ truyền thống, với những bất trắc, rủi ro trong môi trường xung quanh để đi tìm đến công việc để thỏa mãn niềm đam mê, khẳng định được giá trị riêng của mỗi cá nhân. Từ khóa: khởi nghiệp, thách thức, lựa chọn, trẻ Abstract UNDERSTANDING THE SAFETY AND STABILITY BARRIERS IN THE TREND OF THE YOUNG ENTERPRISES’ BUSINESS START-UP Through the quantitative research method, the in-depth interviews in approaching the personal biography - the flow of life, this article presents the results of exploring the entrep- reneurial trend of young entrepreneurs in Ho Chi Minh City. By focusing on handling the questions about the challenges and choices of young entrepreneurs in their business start-up, the article suggests the reasons for that choice and the challenges faced by young entrepreneurs. The younger enterprises’ start-up choices are not necessarily a trendy decision, but a process of struggling with traditional thinking, uncertainties and risks in the surrounding environment, to come with passion, affirm the personal value of each individual. 1. Đặt vấn đề Trong xã hội hiện đại, “khởi nghiệp”[1] được xem như một từ khóa “nóng” và được toàn xã hội quan tâm. Năm 2016, thành phố Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu mới, trở thành “thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ” cùng với nhiều hoạt động sôi nổi như phát động sân chơi khởi nghiệp Startup Wheel, quỹ đầu tư 500 Starups của Mỹ công bố nguồn ngân quỹ 10 triệu USD để đầu tư vào 100-150 doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Tất cả đã tạo nên những tác động tích cực đến đội ngũ doanh nhân cũng như các bạn trẻ có mơ ước khởi nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, “khởi nghiệp” không chỉ có “màu hồng” mà để đi đến quyết định này, những người trẻ trong xã hội đương đại phải nỗ lực rất lớn để đối mặt với những thách thức và đưa ra lựa chọn cho riêng mình. Chúng tôi cho rằng việc nghiên cứu về động cơ khởi nghiệp dẫn đến sự lựa chọn công việc này của những doanh nhân trẻ là điều cần thiết để giúp ta có cái nhìn toàn diện hơn về đối tượng này. Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 89 Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với lối tiếp cận tiểu sử cá nhân - dòng chảy cuộc đời. Phương pháp này giúp chúng tôi rất nhiều trong việc đi sâu vào những câu chuyện cuộc đời cùng những tâm tư, trăn trở của những người trẻ để tìm ra những lý giải cho sự lựa chọn của họ trong bối cảnh xã hội vẫn còn nhiều rủi ro, bất trắc - bối cảnh mà chúng tôi cho rằng mang nhiều dấu hiệu của xã hội hậu hiện đại với biểu hiện là “mỗi lãnh vực của xã hội tách rời nhau và có quy tắc riêng của chúng [...] Con người phải tìm cách sống trong cái xã hội phân mảnh đó, vốn có nhiều “mã” xã hội và đạo đức không tương thích nhau” (Nguyễn Xuân Nghĩa, 2014: 54). Như vậy, với góc tiếp cận các đối tượng khảo sát trong một xã hội “phân mảnh” cùng sự đứt gãy khung giá trị truyền thống, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích các lựa chọn và hành xử của họ. 2. Những tác động của xã hội đến xu hướng khởi nghiệp của doanh nhân trẻ Thế kỷ XX được xem là thế kỷ của những phát minh khoa học vĩ đại, thế kỷ của lý trí và sức mạnh tư duy của con người. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt đó của khoa học kỹ thuật lại dẫn đến sự mất kiểm soát của con người. Những phát minh ban đầu khiến con người thấy tự hào, giờ đây trở thành công cụ giết chóc - cướp đi mạng sống lẫn hạnh phúc vốn có. Ngoài ra, sự phát triển của khoa học đến một lúc nào đó, đưa đến những phát hiện mới mang tính bước ngoặt, như sự ra đời của thuyết tương đối hẹp của Albert Einstein, lý thuyết lượng tử và các ý tưởng của Niels Bohr phá tan quan điểm về sự bất định của quy luật tự nhiên trước đó mà lý thuyết của Isaac Newton về chuyển động và thuyết xác định về ánh sáng của James Clerk Maxwell từng khẳng định. Từ đây, con người bắt đầu bị khủng hoảng trong chính hệ giá trị văn hóa truyền thống của mình. Hệ quả là con người cũng mất dần đi những trách nhiệm vốn có với nhau trong việc tuân thủ các trật tự xã hội - bởi họ - với quan niệm về tính phi lý của sự tồn tại đã phủ nhận tất cả những trật tự truyền thống vốn có trước đây. Ở một góc độ khác, song song với đó, người ta cho rằng xã hội hậu - hiện đại (post - modern) ngày nay có nguồn gốc từ “sự tan rã của xã hội tiền công” - một khái niệm của Robert Castel. Hệ quả của điều này theo Francis Danvers là “từ nay tương lai sẽ bị đánh dấu bởi sự rủi ro (Deskilling Society: xã hội rủi ro) và sự bấp bênh hiện sinh” (2005). Nếu như ở thời kỳ hiện đại, con người được xác định bằng tiền công và công việc ổn định, được bao bọc bởi cái khung tập thể thì trong xã hội hậu hiện đại, do quá trình “giải tập thể hóa”, cá nhân không còn được bảo vệ bởi tập thể, con người không còn được đảm bảo trong những công việc và tiền lương ổn định, mà gắn với những công việc bấp bênh. Tuy nhiên, sự rủi ro này không hẳn chỉ mang nghĩa tiêu cực. Ở đây, rủi ro tuy là một nguy cơ đối với con người nhưng lại mở ra một cơ hội mới cho chính họ - để tìm thấy cho mình một lối thoát khả dĩ đem đến hạnh phúc và sự tự do. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để con người vượt ra khỏi những phạm trù giá trị truyền thống để định hình những giá trị mới phù hợp với bản ngã của chủ thể cũng như bối cảnh xã hội đương đại. Riêng về bối cảnh kinh tế Việt Nam, có thể nói, đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển mình với tình hình kinh tế - xã hội khá phức tạp. Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thay cho nền kinh tế tập trung bao cấp giúp kinh tế đất nước có những bước phát triển. Các thành tựu kinh tế chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp khi sản lượng nông - lâm - thủy hải sản xuất khẩu luôn nằm trong hàng “top” của thế giới. Tuy vậy, bối cảnh kinh tế xã hội với nhiều bất trắc, rủi ro trong quá trình hội nhập cũng tạo nên sự hoang mang, lo lắng nhất định đối với mỗi cá nhân trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị. Theo đó, “đội ngũ quản lý kinh tế vĩ mô hay doanh nghiệp nhà nước đều kém kỹ năng vì nền giáo dục từ chương tụt hậu; Quách Thuyên Nhã Uyên Tìm hiểu những rào cản về tính an toàn và tính ổn định... 90 cũng như không đủ kinh nghiệm để sáng tạo hay đột phá” (Alan Phan, 2016: 146). Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân lại “chạy theo mô hình phát triển của Âu Mỹ, lấy bất động sản, đòn bẩy nợ và dịch vụ tài chính làm trọng tâm để phát triển kinh doanh. Nếu Âu Mỹ với một nền kinh tế mạnh mẽ và lâu đời còn bị long đong với các bong bóng tài sản, thổi giá từ nợ nần và thủ thuật tài chính, thì doanh nghiệp Việt Nam bị sập bẫy là chuyện ai cũng đoán được” (Alan Phan, 2016: 146). Bối cảnh toàn cầu hóa cùng với việc tham gia các hiệp hội - hiệp định kinh tế trong khu vực và thế giới như WTO, TPP... đã mang đến nhiều cơ hội và cả thách thức cho Việt Nam. Đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong những năm gần đây có sự gia tăng đáng kể mang đến những lợi thế cho kinh tế Việt Nam nhưng cũng mang đến nhiều nguy cơ “ngày càng tăng áp lực đè nặng lên doanh nghiệp nội” (Alan Phan, 2016: 162). Ngoài ra, toàn cầu hóa cùng với sự phát triển mạnh của internet cũng mang đến nhiều hệ giá trị mới, giúp cho giới trẻ Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với nguồn tri thức và những yếu tố văn hóa mới. Như vậy, có thể nhận thấy bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại nói chung, tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam nói riêng đều đang trong quá trình chuyển biến mạnh mẽ với những tiến bộ, thời cơ đi song hành cùng với những bất cập, lạc hậu và cả nguy cơ. Những giá trị cũ dần mất đi, trong khi đó, những giá trị mới xuất hiện nhưng đôi chỗ vẫn chưa có sự tiếp nhận và định hình phù hợp khiến cho bối cảnh xã hội và nền kinh tế có những chuyển biến phức tạp. Có thể nói, tất cả những yếu tố này bước đầu đã tạo nên sự thay đổi lớn trong suy nghĩ, hành động của người Việt nói chung, của giới trẻ Việt Nam nói riêng trong giai đoạn hiện nay. 3. Rào cản về tính an toàn và tính ổn định trong xu hướng khởi nghiệp Sự lung lay hệ giá trị truyền thống cũng là một trong những yếu tố tạo nên thách thức đối với người trẻ trong xã hội hiện đại, khiến họ dường như không còn điểm tựa để đưa ra những lựa chọn hay cung cách hành xử phù hợp. Ở đây, chúng tôi muốn tập trung nhấn mạnh hơn đến sự vượt thoát khỏi các giá trị truyền thống - mà chúng tôi xem là phần quan trọng dẫn đến chọn lựa khởi nghiệp của người trẻ. Giá trị truyền thống mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây xoay quanh quan điểm về nghề nghiệp với hai đặc điểm chính là tính an toàn và tính ổn định. Có thể nói, trong tâm thức truyền thống, khi nhắc đến việc làm, người ta thường nghĩ ngay đến một công việc đảm bảo được sự ổn định và an toàn giúp duy trì một cuộc sống an ổn và đủ đầy. Như nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã nhận định: “Ngày xưa... đối với người ta, tiền lương và việc làm định nghĩa con người. Hễ có việc làm, có tiền lương là trở thành con người sống rất an toàn, thảnh thơi trong xã hội”[2] (2016). Tuy nhiên, ngày nay, con người - đặc biệt là người trẻ không còn quá quan tâm đến hai yếu tố này nữa. Đặc biệt hơn, như với việc lựa chọn khởi nghiệp, họ đã đi ngược lại với khung giá trị truyền thống khi từ chối chọn cho mình con đường an toàn và ổn định như trước mà thay vào đó là sự chọn lựa một công việc mang đầy tính rủi ro, bất trắc. Ở góc độ này, chúng ta cũng có thể thấy được nhu cầu tìm kiếm giá trị hiện hữu về mặt xã hội thể hiện qua ước muốn khẳng định vị thế trong xã hội của các cá nhân. 3.1. Rào cản về tính an toàn Có thể nhận thấy, một công việc an toàn từ lâu đã trở thành mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại với sự tan rã của “xã hội tiền công” được đề cập ở phần trên, những công việc độc lập, không gắn liền với tổ chức công quyền (mà ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến việc khởi nghiệp) trở nên phổ biến, đồng thời với đó là cuộc sống mà con người không còn dựa trên những khung đỡ của hệ giá trị truyền thống mà trở nên bấp bênh giữa Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 91 thực tại. Sự bấp bênh thể hiện trong cả độ an toàn của công việc và môi trường đầy tính rủi ro: “Rồi... ờ, thì câu chuyện nó cũng xoay quanh vào vấn đề là an toàn... như là em nha, em đi làm nhân viên bình thường thì mức độ an toàn nó cao hơn. Tại vì kỹ năng của em có thì chắc chắn là người ta không có đuổi việc em, với lại thu nhập em hằng tháng nó đều. Còn khi mình khởi nghiệp, thì là cái mức độ an toàn nó mất đi, và em chịu cái gọi là “chi phí”. Chi phí là thứ nhất là về chi phí tiền mặt, rồi chi phí cơ hội, tại vì em đi làm ở ngoài em có tiền nhiều, cuối cùng còn đi làm ở đây nhiều khi em không có tiền, rồi những cái rủi ro kinh doanh, những cái em đầu tư vào. Em đầu tư vào cái vấn đề gì đó, thì nó bị tác động, giống như là máy móc bị hư... thì đó là những rủi ro. Hoặc là em đầu tư để em chơi những cái cú gì đó lớn để thu tiền nhiều mà em không thành công thì cái số tiền đầu tư đó em mất, thì đó là những rủi ro. Thì đó là những cái khó khăn”. (Phúc, 27 tuổi, TP. HCM, trích BBPVS, ngày 6-5-2016). Phúc[3] - xuất thân là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh. Sau khi đi làm được 1 năm, anh quyết định nghỉ làm để kết hợp với bạn mình thành lập công ty sản xuất và kinh doanh video. Những khó khăn được Phúc nhắc đến trên đây chủ yếu là những rủi ro mà ai lựa chọn công việc kinh doanh đều phải đối mặt, đặc biệt là với người trẻ - những người chưa có nhiều kinh nghiệm sống và kinh nghiệm trong nghề. Từ “rủi ro” được anh nhắc lại 3 lần cùng với những từ đồng nghĩa khác như “khó khăn”, “không thành công” hay mối lo ngại về sự “an toàn” (nhắc lại 3 lần) cho thấy ý thức về những thách thức trong công việc kinh doanh với anh khá rõ ràng. Theo Phúc, có hai loại rủi ro, một là rủi ro về mặt vật chất và hai là rủi ro về cơ hội. Rủi ro về mặt vật chất khá dễ nhận ra bởi kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, video cần nguồn vốn khá lớn cũng như chi phí cho máy móc, thiết bị rất cao. Bên cạnh đó, một loại chi phí khác thường được nhắc đến trong kinh doanh là “chi phí cơ hội”[4] mà ở đây được Phúc diễn giải như một sự “mất an toàn” khi chọn lựa một công việc này thay vì làm một công việc khác có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, Phúc vẫn quyết định thành lập công ty của riêng mình và chấp nhận bỏ ra những loại “chi phí” vừa kể trên để thực hiện được ước mơ của anh. Câu chuyện của Hưng[5] - một người trẻ khởi nghiệp khác cũng tương tự. Hưng (27 tuổi) chia sẻ, anh học ngành kỹ thuật về thiết kế in ấn quảng cáo - không liên quan gì đến kinh doanh, nhưng lại quyết định kinh doanh khi vừa ra trường: “Thứ nhất hồi đó là, xin việc, hồi đó là anh có apply vô vài chỗ, mấy khu công nghiệp. Tại vì lúc anh học xong ra thì cái ngành của anh thì chỉ có vô khu công nghiệp là lương mới cao thôi. Còn nếu là bên ngoài thì đa số tư nhân họ trả lương cũng không cao. Anh hỏi 2 chỗ thì không thấy họ hồi âm anh nên anh quyết định là anh đi làm luôn, tự làm. [...] Cái năm anh mới ra trường là anh không có đi làm. Ba mẹ anh ai cũng giới thiệu cho mấy chỗ lương cũng ok, cao nhưng mà chắc do cái tính của anh nó không phù hợp với việc mà đi làm thuê cho người khác nên anh đã quyết định là anh không đi làm. Chắc vậy nên anh ra anh làm riêng”. (Hưng, 27 tuổi, TP. HCM, trích BBPVS, ngày 3-6-2016). Trong lời chia sẻ đầu tiên, đối với Hưng, không tìm được việc làm ở đây không hẳn do không có khả năng mà do một nhu cầu khác của anh là tìm chỗ trả lương cao. Điều này cho thấy một trong những giá trị chi phối cách chọn lựa công việc nói chung, việc khởi nghiệp nói riêng còn có thể là yếu tố vật chất qua yêu cầu về mức lương. Tuy nhiên, tiếp theo, anh lại cho hay là thậm chí khi có chỗ có lương cao nhận anh vào làm thì anh vẫn quyết định không đi làm do “cái tính anh nó vậy”. Câu chuyện này còn được nhấn mạnh một lần nữa khi anh kể ở đoạn sau rằng, lần duy nhất anh đi làm, công ty trả cho anh mức lương 6 triệu - khá cao với thị trường lao động cách đây 5 năm. Tuy nhiên, vì công việc “khá nhàn” và “vô ngồi chơi không” nên sau khi làm được 2 tuần, anh quyết định xin nghỉ: Quách Thuyên Nhã Uyên Tìm hiểu những rào cản về tính an toàn và tính ổn định... 92 “Cái anh lên anh gặp giám đốc anh xin nghỉ luôn thì ổng nói lý do vì sao mà em nghỉ? Vì công ty anh trả lương không tốt hay là chế độ gì đó này nọ các kiểu. Em không hài lòng mà em nghỉ hả? Dạ không, em có cảm giác là em không thích những công việc mà làm cho người khác. Cái ổng chửi anh làm việc là phải cống hiến này nọ các kiểu. Dạ, đúng rồi em sẽ cống hiến nhưng em không thích làm cho người khác”. (Hưng, 27 tuổi, TP. HCM, trích BBPVS, ngày 3-6-2016). Một nguyên nhân nữa có thể nhận thấy bên cạnh vấn đề mức lương, đó là nhu cầu được làm việc phù hợp với mức lương mà mình nhận được cũng như nhu cầu khẳng định cái tôi cá nhân qua việc “không thích làm cho người khác” của anh. Bên cạnh đó, trước thách thức về sự an toàn mà công việc kinh doanh đặt ra, Hưng cũng bộc bạch khá chân tình: “Thì bây giờ cũng tuỳ năng lực mình thôi. Mình thấy được thì mình làm tại vì cũng phải có rủi ro thì mới có lợi nhuận cao được. Chứ nếu không thì bán nước mía ngon, ngày kiếm vài trăm vài trăm cũng ngon, ổn, đúng không? Nhưng mà nó cứ ổn ổn vài trăm vài trăm vậy hoài. Còn với anh bây giờ thì lâu lâu anh làm một hai ngày là anh kiếm được khoảng hai mươi tới ba chục triệu. Có nghĩa là lâu lâu sẽ có những đơn hàng như vậy và nếu mà em đi làm công ăn lương thì em sẽ không bao giờ có được những cái cơ hội như vậy. Cái đó gọi giống như chi phí rủi ro”. (Hưng, 27 tuổi, TP. HCM, trích BBPVS, ngày 3-6-2016). Với Hưng, những rủi ro trong kinh doanh là điều chắc chắn có thể xảy ra, nhưng anh vẫn quyết định làm công việc này, thay vì làm một việc gì đó nhàn nhã hơn với mức đầu tư thấp hơn và lợi nhuận cũng thấp hơn. Như đã phân tích ở trên, những người trẻ trong các câu chuyện khởi nghiệp kể trên hoàn toàn hiểu rõ những nguy cơ mà họ phải đối mặt, tuy nhiên, thái độ của họ đối với những yếu tố này là một thái độ sẵn sàng dấn thân và đương đầu với mọi khó khăn, bởi đó là quyết định và sự lựa chọn để đi tìm vị thế và ý nghĩa sống cho chính cuộc đời của họ. Giống như Phạm Văn Quang đã nhận định: “Ở thời đại của chúng ta, khi mà những quan tâm cá nhân trở nên vượt trội hơn những quan tâm cộng đồng thì chính mỗi cá nhân phải tự thiết lập cho mình một cuộc đời cố kết, nghĩa là chính cá nhân phải tự tạo ra ý nghĩa cho hiện hữu của mình... con người cá nhân đi vào một cuộc đấu tranh vị thế: vị thế không phải là cái đã được ban tặng và bắt buộc phải tuân thủ, mà mỗi cá nhân đều có tự do để thay đổi vị thế của mình, nhưng cũng có thể phải chấp nhận những nguy cơ đánh mất vị thế” (2016: 439, 440). Qua trường hợp của Hưng và Phúc, ta có thể nhận thấy, khi chọn lựa công việc này, họ đã lường trước sự không an toàn như một thách thức đối với bản thân mình nhưng họ vẫn quyết tâm chọn lựa và theo đuổi. Giống như Bùi Văn Nam Sơn nhận định, “trước những biến động không lường trước được của xã hội hậu - công nghiệp, con người không còn bị buộc phải chấp nhận những điều kiện lao động tồi tệ với đồng lương chết đói” (2012). Rõ ràng, điều kiện xã hội ngày nay kết hợp với giá trị văn hóa - tri thức mà mỗi cá nhân - đặc biệt là người trẻ thụ hưởng đã cho phép họ có nhiều sự lựa chọn hơn là một công việc an toàn tuyệt đối để đi tìm và thực hiện ước mơ của mình ở một công việc được xem là “bấp bênh” hơn nhưng không bị bó buộc trong khuôn khổ định chế hay lối mòn tư duy của xã hội truyền thống, mà lựa chọn khởi nghiệp là một ví dụ sống động. 3.2. Rào cản về tính ổn định Một thách thức khác nữa đó là sự rạn vỡ các giá trị truyền thống qua sự chối bỏ những quan niệm xã hội về tính ổn định trong công việc cũng như những ảnh hưởng từ truyền thống gia đình. Qua những câu chuyện mà các chủ doanh nghiệp trẻ chia sẻ, chúng tôi nhận thấy, đối với họ, yếu tố gia đình cũng như các quan niệm truyền thống về một công việc ổn định dường như Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 93 không ảnh hưởng quá nhiều đến việc quyết định lựa chọn công việc kinh doanh cũng như quan điểm, triết lý kinh doanh của họ. Dường như có một nỗ lực nào đó nhằm vượt thoát khỏi những khung giá trị cũ - mang tính truyền thống và trong quá trình định hình những giá trị cá nhân mới. Với Phúc, tuy sinh ra trong gia đình với nhiều người làm ăn buôn bán ở chợ nhưng anh cho rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của mình, bởi: “Thật ra thì tất cả những quan điểm kinh doanh, làm việc anh được học từ trong quá trình anh đi học thôi, không có bị ảnh hưởng bởi gia đình. Tại vì, gia đình anh kinh doanh nhỏ lẻ chứ không phải kinh doanh thuộc dạng tập đoàn công ty”. (Phúc, 27 tuổi, TP. HCM, trích BBPVS, ngày 6-5-2016). Hay như Hưng thì cho rằng ba mẹ anh có giới thiệu công việc với mức lương khá cao cho anh nhưng bản thân “không thích làm thuê cho người khác” nên anh ra làm riêng. Điều này cho thấy, những ảnh hưởng từ truyền thống tác động tương đối ít đến tư tưởng của người trẻ. Đặc điểm này có thể được lý giải như một hệ quả của khoảng cách thế hệ, sự khác biệt ngày càng xa giữa quan niệm sống của những thế hệ trước và thế hệ trẻ. Đây có thể xem là một hiện tượng phổ biến trong xã hội Việt Nam đương đại. Ví dụ với hiện tượng khởi nghiệp, với những bậc cha mẹ vốn tiếp thu những tư tưởng truyền thống, công việc ổn định được xem là thước đo cho sự thành công và trưởng thành của một con người chứ không phải một công việc nhiều rủi ro, phải di chuyển, xê dịch quá nhiều và chưa biết có thể tồn tại bao lâu. Trong khi đó, đối với người trẻ, tính ổn định đó không còn là vấn đề lớn bởi với việc khởi nghiệp, họ có nhiều sự lựa chọn hơn và họ có thể bằng nhiều cách khác nhau khẳng định bản thân mình, tìm thấy vị thế xã hội của mình. Về ảnh hưởng từ truyền thống và quan điểm kinh doanh của gia đình cũng tương tự. Người trẻ - vốn được tiếp thu những kiến thức hiện đại, đặc biệt là trong thời kỳ kỷ nguyên số với lượng thông tin vô cùng phong phú, đồng thời đó là những khóa học chuyên môn về kỹ năng quản lý, quản trị kinh doanh được mở khá phổ biến đã giúp họ trang bị cho mình những kỹ năng, quan điểm kinh doanh mới, phù hợp hơn với thời đại. Vì vậy, họ cho rằng những tri thức mà họ có điều kiện tiếp thu ấy sẽ phù hợp hơn với việc kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa so với những quan điểm quản lý, kinh doanh kiểu truyền thống. Tuy nhiên, bản thân những người trẻ ấy lại được giáo dục và thẩm thấu những quan điểm truyền thống từ gia đình từ khi còn bé. Những mâu thuẫn thế hệ nảy sinh. Từ đây, người trẻ không chỉ phải đấu tranh với những quan điểm cũ trong xã hội, trong gia đình mà còn trong chính bản thân mình, đấu tranh với chính những tư tưởng truyền thống mà mình đã được giáo dục từ nhỏ. Dường như họ đang trong quá trình thay đổi và chuyển biến, tự mình đi tìm con đường cho bản thân mình, vượt thoát khỏi những ràng buộc và quan điểm cũ để tìm cho mình một kiểu chủ thể tính nhất định. Hay nói một cách khác, trong bối cảnh xã hội đương đại, mỗi cá nhân luôn chịu sự giằng co giữa những giá trị cũ đã định hình và những giá trị mới nảy sinh từ thực tại cuộc sống (Nguyễn Đức Lộc, 2016: 225). Có thể nhận thấy, những quan điểm truyền thống về nghề nghiệp như sự an toàn hay tính ổn định đã dần mất đi ảnh hưởng đối với sự lựa chọn công việc của người trẻ. Môi trường xã hội ngày càng trở nên bất định với những đổi thay, tiến bộ về tư tưởng lẫn khoa học kỹ thuật vừa là một nguy cơ, cũng là cơ hội để những người trẻ nỗ lực tìm kiếm cho mình những con đường riêng. Bên cạnh đó, yếu tố toàn cầu hóa với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin giúp cho người trẻ có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn tri thức mới. Điều này cũng là một tác nhân quan trọng giúp họ trang bị đầy đủ những nguồn vốn cần thiết để có đủ bản lĩnh dấn thân trên con đường còn nhiều rủi ro, bất trắc mà mình đã chọn. Ở đây, rõ ràng, những người trẻ mà chúng tôi có dịp khảo sát đã và đang tìm cách vượt thoát khỏi những hệ giá trị cũ để định Quách Thuyên Nhã Uyên Tìm hiểu những rào cản về tính an toàn và tính ổn định... 94 hình nên những giá trị riêng nhằm nhận diện bản thân mình, trong đó nổi bật là sự hình thành các giá trị khởi nghiệp, giúp đáp ứng và giải quyết các vấn đề của bản thân họ về mặt vật chất (mức lương) hay xã hội (yếu tố “vị thế”). CHÚ THÍCH VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Thực tế, từ “khởi nghiệp” ở đây không hẳn đồng nghĩa hoàn toàn với khái niệm start-up của Eric Rises (theo đó, Eric Rise định nghĩa: khởi nghiệp (startup) là “tổ chức được tạo ra nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ mới trong những điều kiện ít chắc chắn nhất” (nguyên văn: “A startup is a human institution designed to deliver a new product or service under conditions of extreme uncertainty”). Bài viết “What is startup?”, website: mà có thể hiểu một cách đơn giản là những người bắt đầu thành lập công ty, doanh nghiệp và làm kinh doanh với một sản phẩm nào đó (không nhất thiết quá mới). [2] Phát biểu tại Tọa đàm khoa học về Chủ thể tính và tính chủ thể đương đại trong nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (VNU-HCM) ngày 06-05-2016. [3] Tên của nhân vật đã thay đổi để đảm bảo tính riêng tư. [4] Chi phí cơ hội (opportunity cost): được định nghĩa là “giá trị của chọn lựa thay thế tốt nhất bị bỏ qua”, nguồn: Các khái niệm cơ bản về kinh tế (Basic Economic Concepts), NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2010. [5] Tên của nhân vật đã được thay đổi nhằm bảo đảm tính riêng tư. [6] A. A. Radughin (chủ biên) (2004), Văn hóa học - Những bài giảng, Viện Văn hóa Thông tin. [7] Alan Phan (2016), Góc nhìn Alan Phan - Dành tặng Doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu, NXB Thế giới. [8] Bùi Văn Nam Sơn (2012), “Triết luận về văn hóa, viết mừng nhà văn Nguyên Ngọc 80 tuổi: Chân thắng và chân ga”, in trong Kỷ yếu mừng sinh nhật 80 tuổi của nhà văn Nguyên Ngọc: Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa, NXB Tri thức. [9] Castel Robert (1995), Les métamorphoses de la question sociale, Paris, Folio. [10] Francis Danvers (2005), “Những ý tưởng đón đường cho một tiếp cận nhân học hướng nghiệp”, trình bày tại Hội thảo Pháp - Á, [11] Nguyễn Đức Lộc (2016), “Du cư trong tâm tưởng và tái thiết lập lãnh thổ tâm hồn - trải nghiệm của người thiểu số về đời sống gia đình trong cộng đồng mộ đạo (Khảo sát hiện tình hôn nhân - gia đình cộng đồng Công giáo tại giáo phận Xuân Lộc)”, in trong sách Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (Tập 2) - Những người thiểu số ở đô thị: Lựa chọn, trở thành, khác biệt, NXB Tri thức, tr. 217-256 [12] Nguyễn Xuân Nghĩa (2014), “Tính hiện đại, hậu hiện đại và tôn giáo”, in trong sách Chủ nghĩa hậu hiện đại và phong trào tôn giáo mới ở Việt Nam và thế giới, NXB Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 46-58. [13] Nhiều tác giả (2010), Các khái niệm cơ bản về kinh tế (Basic Economic Concepts), NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. [14] Phạm Văn Quang (2016), “Tự sự như là tiến trình nội tại hóa nghịch biện của chủ thể tính đương đại”, in trong sách Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (Tập 2) - Những người thiểu số ở đô thị: Lựa chọn, trở thành, khác biệt, NXB Tri thức, tr. 419-470.
File đính kèm:
- tim_hieu_nhung_rao_can_ve_tinh_an_toan_va_tinh_on_dinh_trong.pdf