Thực trạng áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống ở Việt Nam

Sau năm 2008, một số ngân hàng trung ương trên thế giới như Ngân hàng Trung ương Nhật

Bản, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh

đã áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã thực hiện chính sách tiền tệ phi truyền thống, nhằm khôi

phục nền kinh tế, trong đó có chính sách nới lỏng tín dụng hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn, thị

trường bất động sản và ngư dân. Bài viết tập trung phân tích thực trạng áp dụng các chính sách

này ở Việt Nam trong giai đoạn 2008 - 2019 và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả

công cụ đó trong tương lai.

pdf 29 trang kimcuc 8840
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Thực trạng áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Thực trạng áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống ở Việt Nam

Thực trạng áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống ở Việt Nam
Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế
Trang chủ của tạp chí: 
Thực trạng áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống ở Việt Nam
The implementation of unconventional monetary policy in Vietnam
Nguyễn Thị Hồng1
Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội, Việt Nam
Hồ Thị Diệu Linh
Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội, Việt Nam
Ngày nhận: 03/02/2020; Ngày hoàn thành biên tập: 25/02/2020; Ngày duyệt đăng: 28/02/2020
Tóm tắt
Sau năm 2008, một số ngân hàng trung ương trên thế giới như Ngân hàng Trung ương Nhật 
Bản, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh 
đã áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã thực hiện chính sách tiền tệ phi truyền thống, nhằm khôi 
phục nền kinh tế, trong đó có chính sách nới lỏng tín dụng hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn, thị 
trường bất động sản và ngư dân. Bài viết tập trung phân tích thực trạng áp dụng các chính sách 
này ở Việt Nam trong giai đoạn 2008 - 2019 và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả 
công cụ đó trong tương lai.
Từ khóa: Chính sách nới lỏng tín dụng, Ngư dân, Nông nghiệp, Nông thôn, Thị trường bất 
động sản
Abstract
Since 2008, some central banks in the world, such as the Central Bank of Japan, the 
Federal Reserve System, the European Central Bank and the Bank of England, have adopted 
unconventional monetary policies in response to the global economic crisis. The State Bank 
of Vietnam has recently, also implemented unconventional monetary policies to restore the 
economy in Vietnam, including credit easing policy to support agriculture and rural industry, the 
real estate market and fishermen. This paper analyzes the implementation of the credit easing 
policies in Vietnam during the period of 2008 - 2019 and proposes some measures to improve 
their effectiveness in the future.
Keywords: Credit easing policies, Fishermen, Agriculture and rural industry, Real estate market
1 Tác giả liên hệ: hongnt.ftu@gmail.com
Journal of International Economics and Management
ISSN 1859 - 4050
Đ
ẠI
 H
ỌC
 NGOẠI THƯƠNG
FOREIGN TRADE UNIVE
RSIT
Y
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG
T Ạ P C H Í
QUẢN LÝ VÀ KINH TẾ QUỐC TẾ
Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 126 (2/2020), 15-43
15Số 126 (2/2020) Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế
1. Đặt vấn đề
Ngày nay, hầu hết các nhà kinh tế đều thừa nhận rằng chính sách tiền tệ (CSTT) cùng với 
các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan 
trọng giúp các nhà hoạch định đạt được các mục tiêu kinh tế mà mỗi quốc gia đặt ra. Trong các 
điều kiện kinh tế thông thường, Ngân hàng Trung ương (NHTW) sử dụng các công cụ truyền 
thống (như nghiệp vụ thị trường mở, quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu,) 
để điều chỉnh lượng cung tiền hoặc lãi suất, qua đó đạt các mục tiêu cuối cùng như ổn định 
giá cả, tăng trưởng kinh tế,...
Tuy nhiên, trong một số điều kiện nhất định, việc thực hiện CSTT truyền thống không còn 
hiệu quả nữa do các kênh truyền dẫn của nó bị gián đoạn nghiêm trọng. Ví dụ, khi nền kinh tế 
xảy ra khủng hoảng, để tránh rủi ro, các ngân hàng và định chế tài chính sẽ siết chặt điều kiện 
cho vay nên dù NHTW có gia tăng lượng thanh khoản dành cho hệ thống ngân hàng, nhưng 
kênh truyền dẫn thông qua tín dụng của CSTT sẽ bị ảnh hưởng. Tâm lý bất ổn và sự mất niềm 
tin sau khủng hoảng cũng là một nhân tố gây cản trở đến các kênh truyền dẫn truyền thống 
khác. Các hộ gia đình và các hãng, với tâm lý phòng ngừa rủi ro cao hơn sẽ giảm đầu tư hoặc 
tránh đầu tư vào các tài sản rủi ro cao nên cầu về tín dụng giảm. Điều này khiến cho các động 
thái làm giảm lãi suất nhằm kích thích kinh tế (kênh lãi suất) của NHTW tỏ ra thiếu hiệu quả 
ngay cả khi lãi suất đã giảm về gần mức 0% (Zero Lower Bound - ZLB). Một khi đã mất đi 
vũ khí quan trọng là lãi suất, NHTW sẽ buộc phải sử dụng đến các biện pháp tiền tệ đặc biệt 
nhằm trực tiếp cung cấp vốn cho thị trường (như chính sách nới lỏng định lượng, nới lỏng 
định tính, nới lỏng tín dụng) và tìm cách làm giảm lãi suất chung trong dài hạn để hỗ trợ đi vay 
(thậm chí áp dụng cả chính sách lãi suất âm), đồng thời củng cố, khôi phục niềm tin các chủ 
thể kinh tế thông qua các công cụ truyền thông và định hướng (tức định hướng thị trường). 
Các biện pháp đó gọi chung là CSTT phi truyền thống (Nguyễn & Trần, 2018).
Trên thế giới, NHTW Nhật Bản (BOJ) là cơ quan tiên phong áp dụng CSTT phi truyền 
thống với việc sử dụng các gói nới lỏng định lượng vào năm 2001 khi kênh truyền dẫn lãi suất 
tỏ ra vô hiệu và nền kinh tế đối mặt với giảm phát kéo dài do tác động của bong bóng tài sản 
đổ vỡ vào đầu những năm 1990. Sau đó, năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ 
ra, làm rối loạn thị trường tài chính toàn cầu và gây gián đoạn các kênh truyền dẫn của các 
CSTT truyền thống, buộc một số NHTW trên thế giới như: Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), 
NHTW Châu Âu (ECB), NHTW Anh (BOE) áp dụng CSTT phi truyền thống thông qua công 
cụ nới lỏng định lượng, định hướng thị trường hay thậm chí là lãi suất âm.
Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa sử dụng công cụ nới lỏng định lượng và 
nới lỏng định tính (QE) bởi nhiều lý do. Thứ nhất, QE chỉ nên thực hiện khi lãi suất điều hành 
ngắn hạn đã gần mức 0% và không thể giảm xuống dưới mức này. Trong khi đó, các mức lãi 
suất điều hành của NHNN Việt Nam vẫn ở mức khá cao (xem Hình 1). Thứ hai, QE được các 
nước trên sử dụng với mục tiêu chống giảm phát, song tại Việt Nam, lạm phát luôn thường 
trực. Nếu tăng cung tiền lớn, lạm phát sẽ tăng cao gây ra nhiều bất ổn cho nền kinh tế do VND 
chưa phải là đồng tiền mạnh, chưa được chấp nhận chuyển đổi rộng rãi trên thế giới. Thứ ba, 
thực hiện QE sẽ khiến cho VND giảm giá mạnh so với các ngoại tệ khác, trong khi Chính phủ 
16 Số 126 (2/2020)Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế
Việt Nam chủ trương theo đuổi chính sách tỷ giá ổn định. Hơn nữa, nếu VND giảm giá mạnh 
sẽ gây áp lực lên nợ công và chi tiêu ngân sách, bởi vì khi VND mất giá 1% so với USD, nợ 
công sẽ tăng thêm 10.000 tỷ đồng (Doanh nhân Sài Gòn, 2015). Thứ tư, thị trường chứng 
khoán của Việt Nam chưa phát triển đến mức NHNN có thể mua bán các tài sản tài chính để 
tác động đến các khu vực và thị trường.
Đơn vị: %
Hình 1. Lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam giai đoạn 2004 - 2018
Nguồn: Các tác giả tổng hợp
Để hỗ trợ tăng trưởng và ổn định các thị trường do tác động của khủng hoảng năm 2008, 
NHNN Việt Nam đã thực hiện chính sách nới lỏng tín dụng và định hướng thị trường. Đặc 
điểm của chính sách nới lỏng tín dụng là giảm lãi suất tín dụng cho một số đối tượng vay vốn, 
đặc biệt nhằm thực hiện các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành 
kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay cho các lĩnh vực ưu 
tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đối với công cụ định hướng thị trường, NHNN đã đưa 
ra các thông điệp mang tính “định hướng mục tiêu” để truyền tải các quan điểm về điều hành 
CSTT nhằm ổn định các thị trường trong những giai đoạn thị trường có diễn biến phức tạp 
sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, bài viết sẽ chỉ tập trung phân tích 
thực trạng áp dụng chính sách nới lỏng tín dụng hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn (NN & NT), 
chính sách nới lỏng tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS) và chính sách nới lỏng tín 
dụng hỗ trợ ngư dân trong giai đoạn 2008 - 2019. Bởi vì, việc thực thi chính sách với khu vực 
và thị trường này sẽ tác động tích cực đến đời sống của đại bộ phận dân cư của Việt Nam, nhất 
là những người có thu nhập thấp.
17Số 126 (2/2020) Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế
2. Thực trạng áp dụng CSTT phi truyền thống của Việt Nam
2.1 Chính sách nới lỏng tín dụng hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn
2.1.1 Bối cảnh thực hiện
Trong cơ cấu kinh tế với 04 lĩnh vực là công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ thì 
nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất trong GDP nhưng lại là lĩnh vực có sức lan tỏa lớn nhất, 
có tính kết nối rất cao với nhiều ngành khác trong nền kinh tế. Nông nghiệp cung cấp đầu vào 
cho các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến xuất khẩu và có nhu cầu đối với sản 
phẩm của các ngành khác. Với khoảng 50% lực lượng lao động cả nước làm việc trong lĩnh 
vực nông nghiệp và 70% dân số sống ở nông thôn, nông nghiệp Việt Nam đã đóng vai trò 
đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm và thu nhập cho 
trước hết là khoảng 70% dân cư, là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo, góp phần phát 
triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế 
gặp khó khăn do bị tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới năm 2008, nông 
nghiệp Việt Nam càng tỏ rõ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, tiếp tục ổn định và có mức tăng 
trưởng tốt (Nguyễn, 2013).
Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu tập trung theo chiều rộng thông 
qua tăng diện tích, mùa vụ và dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào cho 
sản xuất (như lao động, vốn, vật tư) và đất đai. Điều này đã gây tác động tiêu cực đến môi 
trường như: mất đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước, 
đất đai bị bạc màu, chi phí sản xuất tăng, đe dọa tính bền vững của tăng trưởng ngành 
nông nghiệp và làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam (với 
vị thế là nước sản xuất có chi phí thấp) so với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một 
trong những nguyên nhân của tình trạng kể trên là đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm 
dần, không tương xứng với sự đóng góp của nông nghiệp cho nền kinh tế do khu vực này 
sinh lời thấp, chi phí cao, nhiều rủi ro khách quan (thiên tai, dịch bệnh). Cụ thể, nếu như 
năm 2000, tỷ trọng đầu tư vào ngành nông nghiệp chiếm 13,85% tổng đầu tư của xã hội, thì 
tới năm 2005 chỉ còn 7,5%; năm 2008: 6,45%; năm 2009: 6,26% và năm 2010: 6,2%. Đầu 
tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho nông nghiệp cũng giảm, từ 21,5% năm 2006 xuống 
21,3% năm 2010 (Nguyễn, 2013). Trong giai đoạn 2003 - 2007, đầu tư cho khuyến nông chỉ 
là 0,13% GDP (trong khi các nước khác là 4%). Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông 
nghiệp và nông thôn chỉ chiếm 3% tổng nguồn FDI (Nguyễn, 2010). Bên cạnh đó, sản xuất 
nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ khiến cho áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, đặc 
biệt là các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chế biến nông sản gặp nhiều khó khăn. Hậu quả 
là trình độ sản xuất còn lạc hậu, năng suất, chất lượng nông sản còn thấp. Ngoài ra, nhiều hộ 
dân và doanh nghiệp (DN) nông nghiệp còn hạn chế về khả năng tài chính, khả năng quản lý 
cũng như năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường nên sản xuất chưa đáp ứng tốt nhu cầu 
và thị hiếu của thị trường.
Xuất phát thực tiễn đó, sau khi xảy ra khủng hoảng năm 2008, Chính phủ đã có những biện 
pháp kịp thời để cung cấp nguồn vốn tín dụng nhằm giúp lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo 
18 Số 126 (2/2020)Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế
hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị 
trường trong nước và quốc tế.
2.1.2 Các chính sách hỗ trợ
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông 
thôn” đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/08/2008, trong đó xác định nông nghiệp, 
nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ 
sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính 
trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi 
trường sinh thái của đất nước. Vì thế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa NN & NT là một nhiệm 
vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện 
được nhiệm vụ ấy, NN & NT phải là một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư vốn. Xuất 
phát từ yêu cầu đó, hàng loạt chính sách đã được Chính phủ và NHNN ban hành nhằm hướng 
dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Cụ thể:
Ngày 12/04/2010, chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng 
nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thực hiện 
Nghị định 41/2010/NĐ-CP, ngày 14/6/2010, NHNN đã ban hành Thông tư số 14/TT-NHNN 
và sau đó, ngày 29/09/2010, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư số 20/TT-NHNN nhằm hướng 
dẫn chi tiết việc thực hiện các biện pháp điều hành công cụ CSTT cho tất cả các đơn vị trực 
thuộc và các tổ chức tín dụng (TCTD) trên cả nước để cho vay phát triển NN & NT. Theo đó, 
NHNN sẽ thực hiện:
Thứ nhất, áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam thấp 
hơn so với mức tỷ lệ DTBB thông thường (là tỷ lệ DTBB áp dụng cho các ngân hàng thương 
mại (NHTM) Nhà nước không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 
(NH NN & PTNN) Việt Nam, NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng 
nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính) và áp dụng kể từ kỳ duy trì 
dự trữ bắt buộc tháng 10 năm 2010, cụ thể như sau:
- Đối với TCTD có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển NN & NT trên tổng dư nợ bình quân 
cuối các quý trong năm tài chính liền kề từ 70% trở lên: Tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi bằng 
đồng Việt Nam bằng 1/20 so với tỷ lệ DTBB thông thường tương ứng với từng kỳ hạn tiền 
gửi;
- Đối với TCTD có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển NN & NT trên tổng dư nợ bình quân 
cuối các quý trong năm tài chính liền kề từ 40% đến dưới 70%: Tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi 
bằng đồng Việt Nam bằng 1/5 so với tỷ lệ DTBB thông thường tương ứng với từng kỳ hạn 
tiền gửi.
Thứ hai, dành lượng tiền cung ứng hàng năm để tái cấp vốn cho TCTD cho vay phát triển 
NN & NT phù hợp với mục tiêu và biện pháp điều hành CSTT. Các khoản cho vay tái cấp vốn 
đối với lĩnh vực NN & NT được NHNN ưu tiên về thời hạn và nguồn vốn cho vay so với các 
lĩnh vực khác.
19Số 126 (2/2020) Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế
Đối tượng được hưởng ưu đãi là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, chủ trang trại, hợp 
tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn nông thôn; các tổ chức và cá nhân cung ứng các dịch vụ phục 
vụ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, diêm nghiệp và 
thuỷ sản; các DN chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực 
công nghiệp, thương mại, cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp, có cơ sở sản xuất, kinh doanh 
trên địa bàn nông thôn.
Các đối tượng trên được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản để thực hiện phương án 
hoặc dự án sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển NN & NT với 
các mức như sau:
- Tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ sản 
xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp;
- Tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch 
vụ phục vụ NN & NT;
- Tối đa đến 500 triệu đồng đối với các hợp tác xã, chủ trang trại trong lĩnh vực NN & NT.
Nhờ thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, nguồn tín dụng cho NN & NT chuyển biến 
rất tích cực, từ mức tăng tưởng 15,86% năm 2009 lên 31,17% năm 2010. Tuy nhiên, sau đó lại 
có xu hướng giảm, tăng trưởng tín dụng chỉ còn 27,3% năm 2011; 15,51% ... ng các Bộ, 
ban, ngành các cấp cần nhanh chóng đưa ra các thông tư hướng dẫn Nghị định, Quyết định. 
Đồng thời, các văn bản phải đảm bảo tính đồng bộ, tránh hiện tượng chồng chéo gây khó khăn 
và chậm trễ khi thực hiện.
3.2 Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành
Để ngành ngân hàng có thể đẩy mạnh cung ứng nguồn vốn tín dụng phục vụ hiệu quả lĩnh 
vực ưu tiên, rất cần sự quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các Bộ, ngành, ủy 
ban nhân dân chính quyền các cấp và từ chính bản thân đối tượng được hưởng lợi. Trong 
chính sách nới lỏng tín dụng đối với khu vực NN & NT, đặc biệt là vùng sâu vùng xa khó tiếp 
cận với thông tin, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngân hàng với cấp ủy, chính quyền địa 
phương, các tổ chức chính trị - xã hội (như Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên 
hiệp phụ nữ Việt Nam,) để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách đến các tổ chức, 
cá nhân trên địa bàn. Hoặc để giúp các hộ gia đình sớm hoàn thiện thủ tục vay vốn và nhanh 
chóng tiếp cận được nguồn vốn, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cần tham mưu cho Ủy ban 
nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên môi trường và các ban ngành liên quan đẩy 
nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất cho 
người dân. Trong công tác cho vay, kiểm tra, đôn đốc thu nợ, xử lý và phát mại tài sản thế chấp 
đối với các món vay không có khả năng hoàn trả, các ngành có liên quan và các cấp chính 
quyền địa phương cần phối hợp và tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện nhiệm vụ.
Đối với chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân, sự ra đời của Nghị định 67/2014/NĐ-CP được 
đánh giá là hệ thống chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân 
đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, bộ 
máy thực hiện Nghị định cồng kềnh nên ngư dân muốn vay vốn phải nộp hồ sơ xét duyệt qua 
nhiều cấp và các cấp có những tiêu chí đánh giá không thống nhất. Trong Nghị định 67/2014/
NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn quy định các cấp chính quyền địa phương có trách nhiệm 
phổ biến, hướng dẫn, đưa chính sách đến với ngư dân; xác nhận, thẩm định, lập danh sách 
những chủ tàu đủ điều kiện được hỗ trợ theo Nghị định, nhưng trong thực tế, các cơ quan này 
chưa vào cuộc mạnh mẽ, chưa tuyên truyền chính sách và bị động trước những khó khăn của 
ngư dân trong quá trình thực hiện. Hậu quả là nhiều ngư dân không tha thiết với vốn vay ưu 
đãi, thậm chí họ đã lập hồ sơ vay vốn rồi lại xin rút hồ sơ và tự tìm nguồn vốn vay bên ngoài.
39Số 126 (2/2020) Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế
Từ những trường hợp cụ thể ở trên có thể rút ra kết luận, Chính phủ cần yêu cầu các Bộ, 
ngành, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền và hỗ trợ người dân 
tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo 
NHNN và qua đó là NHTM đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, 
ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đồng thời niêm yết 
công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để 
người dân được vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất
3.3 Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả và có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp
Chính sách nới lỏng tín dụng trong những năm qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện 
các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, giúp người 
dân đô thị có thu nhập trung bình và thu nhập thấp có nhà ở, giúp ngư dân vươn khơi bám 
biển,Tuy nhiên, việc triển khai chính sách vẫn còn nhiều bất cập và vướng mắc mà khi thiết 
kế chính sách đã không lường trước hết được.
Thứ nhất, vốn vay không đến đúng đối tượng như mong đợi của chính sách. Mục tiêu 
của các chính sách nới lỏng tín dụng là “giải cứu” một số khu vực của nền kinh tế, đồng thời 
khuyến khích một số lĩnh vực phát triển, giúp nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên, khi 
thực hiện, có nhiều hộ gia đình, DN và đơn vị không đủ điều kiện được hưởng chính sách ưu 
đãi nhưng vẫn cố tình thay đổi điều kiện để tiếp cận vốn vay nhằm trục lợi khi các cơ quan 
kiểm tra, thẩm định không kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Thứ hai, nguồn vốn vay được sử dụng không đúng mục đích. Trong chính sách nới lỏng tín 
dụng cho khu vực NN & NT đã có những trường hợp vốn vay được hộ nông dân sử dụng vào 
mục đích chi tiêu, giải quyết khó khăn đột xuất,thay vì sử dụng để sản xuất, kinh doanh. 
Bên cạnh đó, có những khoản vay không phải thế chấp tài sản đảm bảo nợ vay, không có ràng 
buộc về trách nhiệm pháp lý khiến người đi vay không có áp lực sử dụng vốn vay đúng mục 
đích để tăng thêm thu nhập và trả nợ.
Thứ ba, vốn vay có thể bị sử dụng kém hiệu quả. Các hộ nông dân, ngư dân với trình độ 
còn hạn chế, thường thiếu kiến thức về sản xuất, kinh doanh, cách thức làm việc kém chuyên 
nghiệp và không khoa học nên làm ăn hay bị thua lỗ dẫn đến nguy cơ mắc nợ xấu cao. Hoặc 
như công tác giám sát đóng tàu và đăng kiểm còn sai sót, sự giám sát của các bên liên quan 
thiếu sâu sát, vì thế chất lượng tàu đóng kém (vỏ thép bị rỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên 
hư hỏng,...) gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vốn vay của ngư dân 
cũng như hiệu quả chính sách tín dụng.
Để đảm bảo dòng tiền tín dụng hướng đến đúng nơi, được sử dụng đúng mục đích và đem lại 
hiệu quả cao, NHNN cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng của các TCTD. 
Đồng thời, các TCTD cần xây dựng quy trình và thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát quá 
trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của người vay; phát hiện kịp thời các khoản nợ quá hạn, nợ 
xấu ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng; thực hiện cảnh báo sớm rủi ro cho người vay. Trên cơ 
sở kết quả kiểm tra và giám sát, cần có đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục sai sót và có kiến 
nghị đề xuất kịp thời để điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách.
40 Số 126 (2/2020)Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế
3.4 Kết hợp với một số biện pháp hỗ trợ khác
Như đã phân tích ở trên, do điều kiện chưa phù hợp để thực hiện các chương trình nới lỏng 
định lượng, công cụ CSTT phi truyển thống NHNN Việt Nam sử dụng thời gian qua là chính 
sách nới lỏng tín dụng. Chính sách này đã giúp một số khu vực và thị trường phục hồi và tiếp 
tục phát triển sau khủng hoảng kinh tế. Song để CSTT phi truyền thống phát huy hiệu quả hơn 
nữa thì nên kết hợp với một số giải pháp hỗ trợ sau:
Thứ nhất, cần nâng cao mức an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng để cung cấp tín 
dụng cho nền kinh tế thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử 
lý nợ xấu. Muốn vậy, NHNN cần chỉ đạo hệ thống các TCTD tích cực triển khai đồng bộ các 
biện pháp điều hành cũng như chấn chỉnh hoạt động của các TCTD như: (1) Kiểm soát chặt 
chẽ tăng trưởng tín dụng đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và giảm tín 
dụng trong những lĩnh vực rủi ro để chủ động kiểm soát nợ xấu phát sinh; (2) Hoàn thiện 
khuôn khổ pháp lý hỗ trợ cho quá trình đánh giá, kiểm soát, xử lý nợ xấu như các chuẩn mực 
mới về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động 
của TCTD, quy định về ủy thác, nhận ủy thác theo hướng phù hợp hơn với các thông lệ, chuẩn 
mực quốc tế, từ đó, tạo nền tảng cho các TCTD hoạt động an toàn hơn và thúc đẩy xử lý nợ 
xấu, cơ cấu lại theo các mục tiêu, định hướng đề ra. (3) Yêu cầu các TCTD tăng cường công 
tác xử lý nợ xấu chủ yếu thông qua giảm lợi nhuận, giảm chia cổ tức cho các cổ đông để tăng 
cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro xử lý các khoản nợ xấu phát sinh, tăng cường phối 
hợp với các cơ quan chức năng để xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ xấu cho Công ty Quản lý Tài 
sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), bán nợ xấu cho các cá nhân và tổ chức khác.
Thứ hai, cần nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán là một 
bộ phận quan trọng của thị trường vốn, có chức năng huy động những nguồn vốn tiết kiệm 
nhỏ, lẻ trong xã hội tập trung thành nguồn vốn lớn tài trợ cho DN, các tổ chức kinh tế hoặc 
Chính phủ để phát triển sản xuất và thực hiện các dự án đầu tư. Đây là kênh huy động nguồn 
vốn dài hạn cho các DN trong nền kinh tế. Kể từ khi ra đời (năm 2000), thị trường chứng 
khoán Việt Nam vẫn chưa trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả cho các DN. Các 
nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu mua bán 
theo tâm lý đám đông, những tin đồn trên thị trường thay vì dựa trên cơ sở phân tích năng 
lực tài chính và năng lực kinh doanh của các công ty có cổ phiếu được niêm yết. Do vậy, hệ 
thống các NHTM vẫn là kênh cung cấp vốn chính (cả nguồn vốn ngắn hạn và dài hạn) cho nền 
kinh tế. Việc mở rộng thị trường chứng khoán giúp NHNN có thêm công cụ và kênh truyền 
dẫn để điều hành CSTT, giảm bớt sự phụ thuộc vào các cơ quan khác. Bài học kinh nghiệm 
rút ra từ việc áp dụng CSTT phi truyền thống tại các quốc gia phát triển cho thấy, thị trường 
chứng khoán phát triển sẽ làm tăng tính khả thi của các biện pháp phi truyền thống. Chính vì 
vậy, muốn CSTT phi truyền thống phát huy hiệu quả, cần phải nâng cao vai trò của thị trường 
chứng khoán.
Thứ ba, tăng cường thu hút nguồn vốn từ bên ngoài như đầu tư trực tiếp (FDI), vốn hỗ trợ 
phát triển chính thức (ODA). Hiện nay, nguồn vốn cần cho nhu cầu phát triển các lĩnh vực ưu 
tiên ở Việt Nam là rất lớn, trong khi nguồn lực trong nước có hạn, vì vậy thu hút nguồn vốn 
41Số 126 (2/2020) Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế
thêm từ bên ngoài là giải pháp tối ưu. Xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp 
đẩy nhanh dòng lưu chuyển vốn trên thế giới, đặc biệt là dòng vốn FDI. Với lợi thế về nguồn 
vốn, về khoa học và công nghệ cũng như kinh nghiệm và trình độ quản lý, dòng vốn FDI được 
kỳ vọng giúp các nền kinh tế phát triển hơn, đặc biệt là đối với các nước đang và kém phát 
triển. Ở nước ta, dòng vốn FDI đã tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế. 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dòng vốn FDI vào lĩnh vực ưu tiên còn rất hạn chế. Theo Tổng 
cục Thống kê, lũy kế đến tháng 8 năm 2018, lượng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp mới 
chỉ chiếm khoảng hơn 1%. Bên cạnh vốn FDI là vốn ODA, trong 20 năm (1996-2015) tổng 
lượng vốn ODA huy động trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ vào khoảng 
hơn 6 tỷ USD, chiếm 7-8% tổng ODA cả nước (trong đó, nông nghiệp: 21%; phát triển nông 
thôn: 15% và ít nhất là thủy sản chỉ với 4%). Mặc dù vậy, vốn ODA cũng đã góp phần đáng 
kể thúc đẩy và thay đổi bộ mặt lĩnh vực NN & NT. Để tăng tỷ trọng vồn FDI và ODA vào các 
lĩnh vực ưu tiên, cần nâng cao tính minh bạch của hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài, 
tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các vùng khó 
khăn, kém hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA để 
tạo tiền đề thu hút FDI, bởi vì, các dự án ODA sẽ giải quyết các khó khăn về cơ sở hạ tầng và 
những khó khăn sơ cấp nảy sinh trong quá trình sản xuất, qua đó giúp nhà đầu tư FDI hạn chế 
được các chi phí giao dịch và tập trung nguồn vốn cho đầu tư kinh doanh.
Tài liệu tham khảo
Báo Nhân dân điện tử (2020), “Khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”, https://www.nhandan.
com.vn/nation_news/item/18531102-.html, truy cập ngày 02/01/2020.
Doanh nhân Sài Gòn (2015), “3 lý do kinh tế Việt Nam chưa cần dùng gói QE”, https://doanhnhansaigon.
vn/di-nghi-viet/3-ly-do-kinh-te-viet-nam-chua-can-dung-goi-qe-1061475.html, truy cập tháng 
1/2020.
Đỗ, H.L, Phạm, T.L.P., Phạm, A.N. & Nguyễn, Đ.Q. (2015), “Tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị 
định 67/2014/NĐ-CP và các khuyến nghị”, Tạp chí Ngân hàng, Số 11/2015, https://www.sbv.gov.
vn, truy cập ngày 02/01/2020.
FPT Securities (2015), Báo báo ngành Bất động sản.
Hồ, T.H.T. (2018), Giải pháp tài chính hỗ trợ hộ ngư dân phát triển hoạt động khai thác thủy sản ở Việt 
Nam, Luận án Tiến sỹ, Học viện Tài chính.
Ngân hàng Nhà nước (2019), “Nguồn vốn ngân hàng nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc 
gia”, https://www.sbv.gov.vn, truy cập ngày 02/01/2020.
Ngân hàng Nhà nước (2019), “Vốn ngân hàng hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho phát triển nông nghiệp nông 
thôn”, https://www.sbv.gov.vn, truy cập ngày 02/01/2020.
Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông 
qua ngày 07/09/2018, có hiệu lực từ ngày 25/10/2018.
Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/04/2010, có hiệu lực từ ngày 01/06/2010.
Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 02/02/2018, có hiệu lực từ ngày 25/03/2018.
42 Số 126 (2/2020)Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế
Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/06/2015, có hiệu lực từ ngày 25/07/2015.
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/07/2014, có hiệu lực từ ngày 25/08/2014.
Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có hiệu lực từ ngày 
10/12/2015.
Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013.
Nguyễn, D.V. (2013), “Nông nghiệp Việt Nam thực trạng và giải pháp”, Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp 
và Nông thôn,  truy cập ngày 02/01/2020.
Nguyễn, M.P. (2010), “Phát triển thị trường tín dụng nông nghiệp và nông thôn: kinh nghiệm Trung Quốc 
và thực tiễn ở Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, Số 22/2010, https://www.sbv.gov.vn, truy cập ngày 
02/01/2020.
Nguyễn, T.H. & Nguyễn, H.A. (2012), “Một số giải pháp cho thị trường bất động sản Việt Nam phát triển 
bền vững trong điều kiện hiện nay”, https://www.sbv.gov.vn, truy cập ngày 02/01/2020.
Nguyễn, T.H. & Trần, Q.T. (2018), “Chính sách tiền tệ phi truyền thống: bài học từ ngân hàng Trung ương 
Nhật Bản (BOJ)”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, Số 110, tr. 76 - 94.
Nguyễn, T.H.L. (2018), “Giải pháp tăng cường tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt 
Nam”, Tạp chí Tài chính, 
tin-dung-phuc-vu-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-viet-nam-301351.html, truy cập ngày 
02/01/2020.
Nguyễn, T.K.T. (2017), “Vai trò của tín dụng ngân hàng với sự phát triển bền vững của thị trường bất động 
sản”, Tạp chí Ngân hàng, Số 3/2017, https://www.sbv.gov.vn, truy cập ngày 02/01/2020.
Tạp chí cộng sản (2020), “Đổi mới chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”, http://
www.tapchicongsan.org.vn/Home/kinh-te/2019/55089/Doi-moi-chinh-sach-tin-dung-phuc-vu-
phat-trien-nong-nghiep.aspx, truy cập ngày 02/01/2020.
Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/07/2015.
Thông tư số 14/TT-NHNN ngày 14/06/2010.
Thông tư số 20/TT-NHNN ngày 29/09/2010.
Tô, K.N. & Vũ, T.K.O. (2017), “Nhìn lại 5 năm hoạt động tín dụng ngân hàng với chương trình xây dựng 
nông thôn mới”, Tạp chí Ngân hàng, https://www.sbv.gov.vn, truy cập ngày 02/01/2020.
Vũ, M.C. & Trần, A.Q. (2018), “Tình hình xử lý nợ xấu tại Việt Nam qua các giai đoạn - các vấn đề cần 
quan tâm và khuyến nghị”, Tạp chí Ngân hàng, Số 21/2018, 
hinh-xu-ly-no-xau-tai-viet-nam-qua-cac-giai-doan-cac-van-de-can-quan-tam-va-khuyen-nghi.
htm, truy cập ngày 02/01/2020.
Vũ, T.H. & Hoàng, Đ.M. (2015), “Ứng dụng công cụ truyền thống trong điều hành chính sách tiền tệ tại 
Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, Số 20, tr. 7 - 16.
43Số 126 (2/2020) Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế

File đính kèm:

  • pdfthuc_trang_ap_dung_chinh_sach_tien_te_phi_truyen_thong_o_vie.pdf