Thi pháp lời văn nghệ thuật trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng

Bài viết nghiên cứu việc tổ chức lời văn nghệ thuật trong các sáng tác của Vũ Trọng Phụng,

từ góc độ phong cách học cá nhân và đặc trưng của thể loại tiểu thuyết. Hiện thực - trào phúng là

nguyên tắc chủ đạo trong việc tổ chức lời văn trong các sáng tác của Vũ Trọng Phụng, đặc biệt là

trong các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông. Nguyên tắc này được thể hiện trên tất cả các cấp độ,

từ cấp độ nhãn quan ngôn từ tiểu thuyết đến cấp độ hình thức nghệ thuật của lời văn. Đóng góp

của Vũ Trọng Phụng cho nghệ thuật trần thuật trong văn xuôi Việt Nam đầu thế kỉ XX thực sự to

lớn, thể hiện năng lực tìm tòi và sáng tạo có tính chất đột phá của một tài năng viết truyện.

pdf 13 trang kimcuc 6580
Bạn đang xem tài liệu "Thi pháp lời văn nghệ thuật trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Thi pháp lời văn nghệ thuật trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng

Thi pháp lời văn nghệ thuật trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng
 TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH 
TẠP CHÍ KHOA HỌC 
HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF EDUCATION
JOURNAL OF SCIENCE
ISSN: 
1859-3100 
KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN 
Tập 16, Số 5 (2019): 46-58 
SOCIAL SCIENCES AND HUMANITIES
Vol. 16, No. 5 (2019): 46-58
 Email: tapchikhoahoc@hcmue.edu.vn; Website:  
46 
THI PHÁP LỜI VĂN NGHỆ THUẬT 
TRONG SÁNG TÁC CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG 
Nguyễn Mạnh Quỳnh 
Trường Đại học Hoa Lư 
Tác giả liên hệ: Nguyễn Mạnh Quỳnh – Email: nmquynh@hluv.edu.vn 
Ngày nhận bài: 01-3-2019; ngày nhận bài sửa: 20-4-2019; ngày duyệt đăng: 15-5-2019 
TÓM TẮT 
Bài viết nghiên cứu việc tổ chức lời văn nghệ thuật trong các sáng tác của Vũ Trọng Phụng, 
từ góc độ phong cách học cá nhân và đặc trưng của thể loại tiểu thuyết. Hiện thực - trào phúng là 
nguyên tắc chủ đạo trong việc tổ chức lời văn trong các sáng tác của Vũ Trọng Phụng, đặc biệt là 
trong các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông. Nguyên tắc này được thể hiện trên tất cả các cấp độ, 
từ cấp độ nhãn quan ngôn từ tiểu thuyết đến cấp độ hình thức nghệ thuật của lời văn. Đóng góp 
của Vũ Trọng Phụng cho nghệ thuật trần thuật trong văn xuôi Việt Nam đầu thế kỉ XX thực sự to 
lớn, thể hiện năng lực tìm tòi và sáng tạo có tính chất đột phá của một tài năng viết truyện. 
Từ khóa: thi pháp, ngôn ngữ, lời văn nghệ thuật, trần thuật, tiểu thuyết, phong cách cá nhân. 
1. Mở đầu 
Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học là một hiện tượng siêu ngôn ngữ do tính hình 
tượng và tính tổ chức đặc thù của nó. Lời văn trong tác phẩm thường được xem xét trên hai 
bình diện: Một là, những nguyên tắc chung để tổ chức lời văn như là lời văn nghệ thuật; 
hai là, các nguyên tắc riêng để tổ chức lời văn phù hợp với một phong cách, một trào lưu, 
một phương pháp sáng tác hay đặc trưng của một thể loại. Thi pháp học chủ yếu quan tâm 
đến bình diện thứ hai, tức là chú ý đến tính quan niệm được thể hiện qua hình thức lời văn 
của tác phẩm. Bài viết này sẽ xem xét việc tổ chức lời văn nghệ thuật trong các sáng tác 
Vũ Trọng Phụng (Vũ Trọng Phụng, 1998) dưới góc nhìn phong cách cá nhân và đặc trưng 
của thể loại. 
2. Nội dung 
2.1. Nguyên tắc chủ đạo trong tổ chức lời văn và nhãn quan ngôn từ tiểu thuyết của 
Vũ Trọng Phụng 
Vũ Trọng Phụng là nhà văn hiện thực trào phúng cỡ lớn. Tác phẩm của ông, bất luận 
thuộc thể loại nào, thì yếu tố trào phúng vẫn nổi lên hàng đầu như là “một nguyên tắc phản 
ánh nghệ thuật trong đó các yếu tố của tiếng cười mỉa mai, châm biếm, phóng đại, khoa 
trương, hài hước... được sử dụng để chế nhạo, chỉ trích, tố cáo, phản kháng... những cái 
tiêu cực, xấu xa, lỗi thời, độc ác trong xã hội” (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc 
Phi 1992, tr.246). Hiện thực – trào phúng là nguyên tắc chủ đạo trong việc tổ chức lời văn 
trong các sáng tác của Vũ Trọng Phụng, đặc biệt là trong các tiểu thuyết và truyện ngắn 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Mạnh Quỳnh 
47 
của ông. Nguyên tắc này được thể hiện trên tất cả các cấp độ, từ cấp độ nhãn quan ngôn từ 
tiểu thuyết, đến cấp độ ngôn ngữ và cấp độ hình thức nghệ thuật của lời văn. 
Hình tượng ngôn từ trong tiểu thuyết hiện đại mang một nhãn quan và loại hình ngôn 
từ khác hẳn và mới hẳn so với các thể loại trước nó. Trung tâm chú ý của nó là sự sống 
trong tính năng động đang diễn ra cùng thời với người trần thuật. Cho nên, ngôn từ trong 
tiểu thuyết là ngôn từ của người sống, về những người đang sống, nó cho phép một sự 
suồng sã, thân mật, nhòm ngó, soi mói, thóc mách cần thiết. Tiểu thuyết là thể loại dân chủ 
nhất bởi nó có thể dung nạp nhiều tiếng nói khác nhau, nhiều quan điểm khác nhau và 
nhiều cách đánh giá, nhận xét khác nhau có thể đồng hướng hoặc khác hướng. 
Khi bàn về đặc trưng của thể loại tiểu thuyết, M. Bakhtin có nói đến một thể loại mà 
ông gọi là “thể loại cười cợt – nghiêm túc” và xem nó như là giai đoạn phát triển đầu tiên 
rất quan trọng của tiểu thuyết như một thể loại luôn biến chuyển, làm nền tảng thể loại cho 
một kiểu loại tiểu thuyết mới mà ông gọi là tiểu thuyết đa thanh của Dotxtoievxki. Chính 
nơi đây, “tiếng cười đã xóa bỏ khoảng cách sử thi và nói chung, mọi khoảng cách ngôi thứ 
– giá trị – ngăn chia” (...). Tiếng cười có sức mạnh kéo đối tượng lại gần, tiếng cười lôi 
cuốn đối tượng vào khu vực tiếp xúc thân mật đến thô bạo, ở đó có thể suồng sã, sờ mó nó 
từ khắp phía, lật ngửa, lộn trái, nhòm ngó từ dưới và từ trên, đập vỡ vỏ ngoài để nhìn vào 
trong, hồ nghi, chia cắt, bóc trần và vạch trần, nghiên cứu và thử nghiệm một cách tự do”. 
Ông cho rằng “Sự thân mật hóa thế giới thông qua tiếng cười là một giai đoạn cực kì quan 
trọng và không thể thiếu được trên con đường hình thành nền nhận thức khoa học tự do và 
nền sáng tạo nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa của nhân loại châu Âu” (M. Bakhtin, 1992, tr. 
50-51). 
Từ ý kiến của M. Bakhtin, có thể thấy rằng, Vũ Trọng Phụng đã thân mật hóa thế 
giới thông qua tiếng cười trong hầu hết các sáng tác của ông. Tiếng cười của ông hạ bệ tất 
cả các đối tượng từ cao siêu thần thánh như Giời, Phật cho đến những đối tượng nghiêm 
túc, trang trọng như Toàn quyền, Công sứ, đức vua, nghị viên, quan lại, nhà sư, nhà nho, 
cảnh sát, ông chủ, giáo sư và cả đến những “đấng”, “bậc”, “chàng” và “nàng” trong văn 
chương. Tất cả đều bị kéo vào trong cái vòng tiếp xúc thô bạo, suồng sã để rồi tự chúng 
phải cất lên tiếng nói khác nhau và bị chiếu ứng bởi bầu khí quyển ngôn từ mới: ngôn từ 
cười cợt, nhạo báng, chế giễu, đay đả, mỉa mai... từ nhiều hướng, nhiều chiều. 
Thật vậy, để phê phán và lật tẩy thì không gì đắc địa hơn tiếng cười (dĩ nhiên người 
ta còn có vô vàn những phương tiện phê phán khác). Cảm hứng phê phán được soi chiếu 
qua nguyên tắc trào phúng giúp Vũ Trọng Phụng cho ra đời những hình tượng tiểu thuyết 
tiềm ẩn hoặc đầy ắp chất hài. Có thể thấy điều này ở hầu hết các nhân vật tiểu thuyết của 
ông. Có tiếng cười buồn, chua chát, mai mỉa, xa xót trong Lấy nhau vì tình, Trúng số độc 
đắc, Làm đĩ, tiếng cười đầy phẫn uất, cay đắng, tủi hổ trong Giông tố, tiếng cười khoái trá, 
hả hê, buốt nhói trong Số đỏ... Chính tiếng cười phê phán đã đóng vai trò là chiếc cầu, là 
chất kết dính, quy tụ các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thành một chỉnh thể văn học mang 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Tập 16, Số 5 (2019): 5-9 
48 
tên ông và sống mãi với thời gian. 
2.2. Ngôn từ nghệ thuật trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng 
Ngôn từ trong lời nói có cấu trúc riêng với những quy tắc kết hợp riêng có tính quy 
ước và được cả cộng đồng chấp nhận. Đi vào tác phẩm nghệ thuật, ngôn từ được tổ chức 
lại mang quan niệm và cái nhìn của chủ thể sáng tạo. Đây là góc nhìn từ cấp độ ngôn ngữ 
đối với tác phẩm. 
2.2.1. Ngôn từ võ đoán 
Thế giới trong cái nhìn của Vũ Trọng Phụng là một thế giới quay cuồng, đảo điên, 
mọi giá trị bị lay bật dữ dội. Với Vũ Trọng Phụng, sự quay cuồng, bát nháo, nhí nhố, lộn 
tùng phèo đã thổi bay những nghĩa lí vốn có của cuộc đời. Đây là tính quan niệm trong 
cách thức tổ chức ngôn từ trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Ngôn từ của Vũ Trọng 
Phụng dường như có xu hướng không tuân theo quy luật của ngôn ngữ học và logic ngữ 
nghĩa. Nó đầy những võ đoán, suy diễn lạ lùng, nó khước từ sự mạch lạc, phản lại những 
quy tắc tạo nghĩa, chối bỏ các phương thức tu từ vốn có. Tóm lại, nó là thứ ngôn ngữ của 
sự võ đoán, mà biểu hiện rõ ràng nhất là trong Số đỏ. 
Tính võ đoán trong ngôn từ Vũ Trọng Phụng biểu hiện trước hết ở sự thay tháo, đánh 
tráo các thuộc tính của sự vật, hiện tượng trong vỏ bọc ngôn ngữ vốn đã được mặc định. 
Sân quần vợt được hiểu là “chỗ phơi quần”, kẻ tình nhân vụng trộm mặc nhiên được công 
nhận là người chồng mọc sừng vì “vợ ngài có hai chồng”; người đàn bà dâm đãng, lăng 
loàn được gọi là “thủ tiết với hai đời chồng”; “mĩ thuật Âu hóa” là những cái thẹo lộn xuôi 
chổng ngược xếp cạnh nhau; Hội Khai Trí Tiến Đức là những chủ sòng bịp bợm; sư sãi láu 
cá, tham lam, hổ mang thì được “nhân danh Đức Phật Tổ”; cảnh binh làm việc thì không 
cần luật vì “cốt phạt chứ không cốt đúng luật hay sai luật”; người hút thuốc phiện cốt là 
“để tỏ ra hoàn toàn là người Việt Nam”; danh sư, hay danh y biết tự trọng là kẻ “đánh 
mộng mà đến nỗi lòi con ngươi người ta ra” Sự đánh tráo theo kiểu “râu ông nọ cắm 
cằm bà kia” tạo ra sự cọc cạch, trật khớp mà hệ quả của nó, là triệt tiêu giá trị vốn có của 
sự vật, hiện tượng, nhằm phơi bày và bóc trần sự dối trá đến trơ trẽn của thói đời, của 
những kẻ tự xưng là Âu hóa, văn minh, trí thức. 
Thâm nhập sâu vào thế giới ngôn từ của tác phẩm, người đọc thấy sự võ đoán được 
đẩy lên đến mức kì quái để gây cười như trong các tổ hợp từ: Bộ Lời hứa, bộ Chiếm lòng, 
bộ Ngây thơ, bộ Dậy thì, áo Ỡm ờ, quần Hãy chờ một phút, Coóc-sê Ngừng tay, TYPN - 
tôi yêu phụ nữ. Đầy ắp trong tác phẩm là những tổ hợp từ như thế, chẳng hạn: “ba con gà 
mái thượng lưu của khách sạn”, “chết một cách bình tĩnh”, “giấy phép thõa mãn tình dục”, 
“nửa chữ trinh”, “thế này thì mẹ kiếp thật”, “thủ tiết với hai đời chồng”, “nước Việt Nam 
trong lúc hồi xuân”, “Tiết hạnh khả phong Xiêm La”... Ngôn ngữ vỉa hè, ngôn ngữ nhà thổ, 
bình dân và bác học, quê mùa và thành thị, cổ hủ và hiện đại, vừa Ta, vừa Tàu, vừa Tây đã 
đan nhập vào nhau theo những cách thức quái dị nhất để gây cười. 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Mạnh Quỳnh 
49 
Vũ Trọng Phụng còn đưa ra những định nghĩa cho từ (hoặc cụm từ) mà những định 
nghĩa này chủ yếu làm hủy diệt nghĩa vốn có của từ. Đây là một định nghĩa như thế: “Vì lẽ 
cũng như các ông Vua Thuốc Lậu biết tự trọng khác, nghĩa là không bao giờ cho các bệnh 
nhân khỏi bệnh như lời cam đoan, ông mới hai năm đã trở nên đại phú”. “Tự trọng” mà 
được định nghĩa như thế bỗng nhiên mang nghĩa tương đương với “vô sỉ”! 
Cấu trúc dị dạng của các tổ hợp ngôn từ như trên, một mặt làm bật lên những tiếng 
cười giòn giã, mặt khác chiếu hình cho các mảng hiện thực của cuộc sống để phản ánh cái 
phi lí, phi nghĩa của cuộc đời, lật tẩy những diện mạo quái thai của thời đại. 
2.2.2. So sánh tổng hợp, phối nghĩa 
So sánh của Vũ Trọng Phụng, về bản chất, là một sự đối chiếu tổng hợp, phối nghĩa. 
Một so sánh hoặc có thể có nhiều vế, hoặc có thể bao hàm nhiều phép tu từ được lồng ghép 
với nhau. Và như thế nó có thể móc nối được nhiều đối tượng cách xa nhau cả về không 
gian và thời gian, những đối tượng không cùng cấp giá trị, kết nối các nét nghĩa khác nhau 
do các phép tu từ khác nhau đem lại để tạo ra một trường liên tưởng rộng lớn, bất ngờ. 
Chẳng hạn, “Cái giường của mụ me Tây cũng như cái dùi khui của một thầy cảnh sát, cũng 
như cái búa của bác thợ rèn, cũng như cái cổ của một ông nghị viên Việt Nam” (Kĩ nghệ 
lấy Tây). Tính chất bất ngờ được thể hiện ở chỗ nó tạo ra những nét nghĩa đối lập châm 
biếm sâu cay, được gọi là so sánh tạt ngang, đá móc. 
Khảo sát những so sánh của Vũ Trọng Phụng có thể nhận thấy không phải so sánh 
nào của ông cũng có kiểu tạt ngang, đá móc nguy hiểm. Có những so sánh chỉ để bông lơn, 
hài hước, cợt nhạo: 
- “Cụ bà bước ra đủng đỉnh như một cái chĩnh trôi sông”. 
- “Cụ bà đờ người ra miệng tròn như chữ o” (Trúng số độc đắc). 
- “Một thiếu niên bé nhỏ, mặt hốc hác như mặt những nhà thi sĩ có tên tuổi” (Số đỏ). 
- “Nói đến đấy, nước mắt ông đồ ứa ra. Ông lấy tay áo gạt ngang một cái. Cử chỉ ấy 
giống với một đứa bé lúc ăn vụng, sợ có người lớn biết, nên vội gạt tay chùi mồm” (Giông 
tố). 
Tuy nhiên, phần nhiều so sánh của Vũ Trọng Phụng trong đó có kết hợp với các phép 
tu từ khác như hoán dụ, ẩn dụ, nhân hóa... tạo ra một lượng thông tin mới mang ý nghĩa 
trào phúng sâu sắc: 
- Có điều này càng đáng lấy làm lạ lắm nữa là cái con chó khổng lồ, cái con chó giống y 
như con Kin tin tin, nó đã suýt nhảy lên cắn cổ anh khi đến xin việc lần trước, thì bây giờ 
tự nhiên nó chạy đến ve vẩy cái đuôi mà chạy chung quanh anh một cách mừng rỡ hết sức, 
đón tiếp anh một cách mặn mà, nồng nàn mà chỉ có người Tây văn minh mới biết” (Trúng 
số độc đắc). 
Trong ví dụ trên, mặc dù không có từ như, chúng ta vẫn nhận thấy có một so sánh: 
Con chó = người Tây văn minh. Tính chất “đá móc” là ở chỗ, từ một ông Tây “chó má” cụ 
thể Vũ Trọng Phụng “đá” sang bản chất của “người Tây văn minh”! 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Tập 16, Số 5 (2019): 5-9 
50 
Những so sánh tổng hợp kiểu trên là rất phổ biến trong các tiểu thuyết của Vũ Trọng 
Phụng: 
- “Nói tóm lại một câu, bọn người này là những mẫu hàng đặc biệt của công giới và 
thương giới”. 
- Một người lính quát một tiếng, thế là cả cái dòng người tò mò ấy tan tác ra như một đàn 
ruồi ở sau mông con bò, lúc bị cái đuôi bò đập một cái vậy” (Giông tố) 
Nó nhập vào những câu văn tả chân của các phóng sự như trong ví dụ dưới đây: 
- “...bà này chắc có điều gì bực mình với chị hàng rau nên mặt bà hầm hầm y như quan khâm 
sai Lê Hoan muốn triệt hạ cả một làng vì tuần đinh làng ấy không cấm được ếch nhái kêu 
dưới ao để đến nỗi làm khó chịu hai cái lỗ tai quý hóa của ngài vậy” (Kĩ nghệ lấy Tây). 
Nó tràn sang cả những “đoản thiên tiểu thuyết” của ông: 
“Thú đi săn đối với tôi có một sức ám ảnh mạnh như là của ngọt đối với những ông nghiện, 
cái quần soóc đối với gái tân thời, huy chương phẩm hàm đối với những ông trọc phú, thịt chó hầm 
rựa mận đối với các nhà chân tu” (Đi săn khỉ). 
Như vậy, so sánh trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng cũng chịu sức ép của cái nhìn 
“vô nghĩa lí” đối với con người và cuộc đời, nó mang quan niệm về một cuộc đời bức bối, 
tạo ra một sức công phá mạnh mẽ đối với ngôn ngữ thường ngày. Chẳng hạn, ở so sánh 
trên, nét nghĩa thông thường, nội tại của cụm từ “các nhà chân tu” đã bị chính phép tu từ 
này phá vỡ, thay vào đó là nét nghĩa mới rất riêng, đầy tính chế giễu: Những bậc được coi 
là “chân tu” lại rất thường bị ám ảnh bởi món thịt chó hầm rựa mận (!) 
2.2.3. Câu dồn nén thông tin 
Một thế giới bức bối đầy những chen huých, va đập, chật cứng các sự kiện các biến 
cố phi lí, ngẫu nhiên và bất ngờ đòi hỏi câu văn Vũ Trọng Phụng phải tìm đến một hình 
thức mang tính lựa chọn rất cao. Chúng tôi gọi kiểu câu này là câu dồn nén thông tin. Đó 
là loại câu chứa đầy những quán ngữ, những liệt kê, câu nhiều vị ngữ, trạng ngữ, định ngữ, 
bổ ngữ... Các thành phần câu, thành phần phụ của từ chen dồn nhau, khiến cho câu văn có 
cảm giác bị nén thành một khối ngôn từ kẹt cứng. Đây là một trong những kiểu câu chứa 
nhiều vị ngữ, bổ ngữ, định ngữ liên kết với nhau bằng phép liệt kê: 
- “Vì những lẽ ấy, hồ Trúc Bạch chẳng bao lâu mà trở nên một cách oanh liệt, là một sân 
khấu của tất cả những tấn đại thảm kịch của những cảnh địa ngục giữa Hà Thành, là những 
gia đình Việt Nam, những trở lực tai hại cho những cuộc tự do kết hôn, tự do li hôn, tự do cải 
giá, tự do tục huyền... Hồ Trúc Bạch cứ là một thứ hàn thử biểu, thời khắc biểu về những tấn 
bi kịch mới cũ xung đột, cá nhân, gia đình, hi sinh, giác ngộ, áp chế, giải phóng mãi mãi nếu 
không có một nhà thương nòi yêu giống xây ngay trên bờ hồ ấy một khách sạn mà Tây 
phương có lẽ cũng thèm muốn, là khách sạn Bồng Lai” (Số đỏ). 
Hai câu trên là những câu đồng chủ ngữ (Hồ Trúc Bạch) nên thực chất nó chỉ là một 
câu nối dài tạm bị ngắt ra, nhưng lại có tới bốn vị ngữ được đứng sau các từ trở nên, là, là, 
cứ là tạo nhịp điệu dồn dập, ép nén thông tin “áp đặt một cách có lí do” (Diệp Quang B ... , không còn liêm sỉ của con người. Những tiếng Nhịa, dạ vâng được phát ra từ 
mồm của một ông bố vốn “có gang có thép” như là một sự giễu nhại, châm chọc tính hám 
lợi, nô lệ cho kim tiền của ông ta. Ông chủ hãng xe hơi trước mặt Phúc thì cúi đầu lắp đi 
lắp lại “tôi lấy làm hối hận, thật thế, vô cùng hối hận!” rồi “giơ thẳng hai tay lên không khí 
như định đỡ một vật gì đó ở trên cao sắp rơi xuống đầu mình... Sắc mặt bỗng nhiên buồn 
thiu. Giọng nói trước giòn giã thế, bây giờ chỉ khe khẽ, qua những hơi thở”. Ông phán – 
anh trai của Phúc – đến cầu cạnh em thì “không thấy ngượng chỗ thằng em không chịu bắt 
tay mình. Làm gì có đủ thì giờ! (...) Ông lóng cóng vén đuôi cái áo đoạn thâm, sợ hãi ngồi 
xuống cái ghế lùn, lấm lét nhìn người em”. Câu Làm gì có đủ thì giờ là một câu văn nhại, 
nhại giọng nói và ngôn ngữ “nịnh hót nhà nghề của một viên chức đối với người bề trên”! 
Tâm lí nô lệ cho đồng tiền đã làm con người biến thành những con rối vô nghĩa, quái dị. 
Tiếng cười nhại trên nhiều cung bậc chỉ có thể gửi vào lời văn nhại. Còn gì đích đáng 
hơn là đem chính giọng điệu, lời của nhân vật ra để đay đả nó, để gây cười! Thế giới bị lộn 
trái, bị dốc ngược cũng chính bằng những lời đay nhại như thế. 
2.3.2. Lời kể phong cách hóa hài hước – mai mỉa 
Lời kể phong cách hóa là “lời kể bằng giọng của người khác mà có khuynh hướng 
cùng chiều với lời giọng ấy để tạo sắc thái, không khí cá thể” (Trần Đình Sử, 1998, tr.179). 
Nói khác đi, đó là lời kể của tác giả được kết cấu theo một cách thức đặc thù, để cho người 
đọc cảm thấy được tính cách, địa vị, thân phận cá thể của nhân vật. Đặc điểm của nó là có 
sự giao hòa, đồng hướng, tương thông giữa các giọng. 
Chúng tôi quan tâm đến lời này không chỉ bởi vì nó có đóng góp không nhỏ trong 
việc cá tính hóa nhân vật, mà điều quan trọng hơn là, từ tính chất đồng hướng của nó, 
người đọc còn phát hiện ra được chất nhân văn tiềm ẩn trong ngòi bút của Vũ Trọng 
Phụng, qua đó có thể đánh giá đúng đắn hơn về giá trị sáng tác của ông. 
Đây là đoạn văn kể về những suy tính của ông đồ (Giông tố) khi ông quyết định kể 
cho Long – người yêu chưa cưới của con gái ông – chuyện Mịch bị hiếp: “Cái tinh thần 
nhà nho của ông đồ đã khiến ông đồ báo cái tai họa ấy ngay cho chàng rể một cách quả 
quyết. Trời hại ông và con ông, chứ không phải ông và con gái ông gây ra. Ông sẽ cho hai 
đứa được trò chuyện với nhau, mặc lòng ông đã hiểu trước rằng cho con rể như thế thì con 
gái sẽ thẹn. Mà nếu chàng rể chưa thực thụ ấy có vin vào cớ tân tiết để bỏ Mịch thì, thôi, 
ông cũng đành ở với Trời. Bao giờ ông cũng chỉ ở với Trời, mặc lòng Trời chẳng bao giờ 
tử tế gì với ông. Xa ra! Những cái dư luận khốn nạn của hạng người nông nổi. Việc ấy 
không là việc giấu giếm được. Có bổn phận thông báo, ông cứ việc làm”. 
Lời kể mang âm điệu của lời tâm sự thầm kín của ông đồ nghe như ngậm đắng nuốt 
cay, vừa phẫn uất, vừa nhịn nhục, vừa xa xót, chán chường, tuyệt vọng. Có một sự đồng 
cảm chân thành của nhà văn với tình cảnh đau xót của một ông đồ vốn sống thanh bạch, 
nho nhã, mực thước, do hoàn cảnh xô đẩy mà cũng đành phải “liều nhắm mắt đưa chân”. 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Mạnh Quỳnh 
55 
Có thể tìm thấy không hiếm những lời kể như thế về tình cảnh bi đát của Long, Mịch trong 
Giông tố, về Huyền trong Làm đĩ, về ông Hai trong Số đỏ, Phú trong Vỡ đê... Tuy vậy, dù 
đồng cảm, đồng điệu với nhân vật song lời văn Vũ Trọng Phụng không hề rời bỏ nguyên 
tắc trào phúng của mình. Có điều, chất giễu nhại dường như bị ẩn kín đi, khuất lấp trong 
lời văn. Khi đó, xuất hiện sự chập đôi giữa lời kể phong cách hóa và lời nhại. Chẳng hạn 
như lời kể về ông Hai – em ông cụ cố Hồng – trong Số đỏ: “Khi thấy tin cụ cố tổ mệt nặng, 
ông Hai vội vã ra tỉnh ngay và đã ngồi suốt đêm ở đầu giường bố để nâng bố dậy, để đỡ bố 
nằm xuống, để đưa cái ống nhổ... để xúc một thìa cháo... ông không ghen tị vì cụ cố Hồng 
cứ an vị mà hút thuốc phiện, vì các cháu không chăm sóc đến ông cụ già. Ông chỉ thấy 
mình ông vất vả thì lòng hiếu đễ càng tăng”. Con người có nghĩa lí duy nhất trong Số đỏ 
quả là có giành được ít nhiều cảm tình của Vũ Trọng Phụng qua những cử chỉ hiếu nghĩa. 
Nhưng tiếng cười tinh quái của ông Vũ vẫn thấp thoáng đâu đây trong câu văn này: “Ông 
chỉ thấy mình ông vất vả thì lòng hiếu đễ càng tăng”. Điều này chứng tỏ, lời gián tiếp 
phong cách hóa vì phỏng theo một lời hoặc một ý thức nào đó nên “tuy lời và ý thức đó 
không thuộc đối tượng miêu tả, nhưng nó lại mang ý vị bổ sung, thường là hài hước, mỉa 
mai” (Phương Lựu, 1997, tr.366). 
2.3.3. Lời nửa trực tiếp châm biếm, đả kích 
Lời nửa trực tiếp là lời trần thuật mô tả lại suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật nhằm 
bộc lộ nội tâm. Hình thức lời này trong rất nhiều trường hợp rất khó phân định với lời độc 
thoại nội tâm, tạo ra một sự mơ hồ trong lời kể. Chúng tôi khảo sát lời văn này vì hai lí do. 
Thứ nhất, nó xuất hiện khá nhiều trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, tạo nên những nét 
ổn định trong thi pháp lời văn nghệ thuật của ông. Thứ hai, giá trị của lời này là rút ngắn 
khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật, tạo một sự thân mật, suồng sã, gần gũi vốn 
là một đặc trưng của tư duy tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. 
Theo thống kê sơ bộ, dạng lời này xuất hiện với tỉ lệ như sau: Dứt tình: 7 lần/130 
trang, Giông tố: 46 lần/314 trang, Làm đĩ: 24lần/184 trang, Lấy nhau vì tình: 39 lần/168 
trang, Trúng số độc đắc: 50 lần/306 trang. Điều này chứng tỏ lời nửa trực tiếp đóng vai trò 
khá quan trọng trong nghệ thuật trần thuật của Vũ Trọng Phụng. Lời nửa trực tiếp trong 
sáng tác của Vũ Trọng Phụng có chức năng tái hiện ý thức của nhân vật đồng thời với việc 
mô tả nhân vật cùng với những phân tích, bình luận của tác giả. Bên cạnh đó, nó còn thực 
hiện chức năng miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật trong sự đối thoại với các ý thức 
khác, kể cả tác giả. 
Nét độc đáo của nó là được tổ chức lại dưới cái nhìn “vô nghĩa lí” và bởi nguyên tắc 
chủ đạo của lời văn Vũ Trọng Phụng: lời văn trào phúng. Có nghĩa là nhà văn vừa tái hiện 
thế giới nội tâm của nhân vật vừa chen vào đó chất giọng hài hước, châm biếm của mình 
với mục đích cợt nhạo, chỉ trích, hoặc tố cáo, phản kháng... là chủ yếu. 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Tập 16, Số 5 (2019): 5-9 
56 
Lời nửa trực tiếp trước hết nhằm tái hiện ý thức nhân vật đồng thời với miêu tả, bình 
luận về nhân vật của người kể chuyện. Ở dạng lời này, nhà văn vừa miêu tả nhân vật vừa 
tái hiện ý thức của nó đối với bản thân bằng ngôn ngữ giao hòa giữa lời nhân vật và lời của 
người kể chuyện. Xin trích một đoạn văn tái hiện ý thức của bà phó Đoan trong Số đỏ về 
việc cậu Phước trở chứng: 
“(...) Ông thầy số đã kêu số cậu Phước thọ lắm, hay là thầy số đoán nhảm? 
Ấy đó là những câu hỏi làm rối loạn cả khối óc bà mẹ, khiến bà đau khổ khó nghĩ. 
Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Nhất là lại có nuôi con cầu tự nữa mới biết lòng cha mẹ. 
Như bà phó Đoan nuôi con kể đã là cùng. Bà đã kiêng khem đủ thứ, và tránh những tiếng 
“quở quang” rất kĩ lưỡng cho cậu Phước, nào bán khoán, nào đội bát nhang, nào cúng, nào 
sớ tấu: thôi thì chẳng thiếu thứ gì nữa. Vậy mà bây giờ thốt nhiên cậu lại “thế” thì là bởi 
đâu? Hay đi cầu cứu sư cụ Tăng Phú chăng? Hay là mời ông đốc Trực Ngôn? Bà lo lắng 
nhìn cậu Phước ngồi tần ngần trên một cái bàn ở giữa nhà, rồi bà ra cửa sổ...” 
Những kết cấu “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Nhất là lại có nuôi con cầu tự nữa 
mới biết lòng cha mẹ”, “thốt nhiên cậu lại “thế” thì là bởi đâu?” là tái hiện ý thức, ngữ điệu 
của bà phó Đoan trong lời của người kể chuyện giấu mình. Người kể ẩn mình đi trong 
những kết cấu ấy, trao quyền chủ thể lời nói cho nhân vật rồi lại giành quyền “đồng sở 
hữu” trong những kết cấu: “như bà phó Đoan nuôi con kể đã là cùng. Bà đã kiêng khem đủ 
thứ... Bà lo lắng nhìn...” để miêu tả nhân vật. Người đọc rất khó có thể quy lời nói ấy về 
cho đích xác cho một ai, chỉ biết rằng, trong một lời, có âm vang hai giọng: giọng bà phó 
băn khoăn, lo lắng, pha chút khoe mẽ và giọng người kể chuyện tinh nghịch, cợt nhạo, 
ngầm phơi bày tính hay ngụy biện, giả tạo, dối trá ở con người này. 
Một kiểu lời trực tiếp nữa là miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật trong sự đối thoại 
với các ý thức khác. M. Bakhtin gọi đây là những vi đối thoại hay lời tranh luận ngầm. 
Dạng tiêu biểu là những đoạn độc thoại nội tâm mà “Chất đối thoại thẩm thấu vào từng từ 
ngữ, gây ra bên trong nó một sự giằng co, ngắt lời nhau giữa các tiếng nói” (Bakhtin, 1992, 
tr.290). Theo chúng tôi, Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan chưa có ý thức sử dụng loại lời 
này như là một thủ pháp nghệ thuật. Người đi đầu có lẽ là Vũ Trọng Phụng, và sau đó Nam 
Cao chính là người sử dụng lời này rất thành công trong các tác phẩm của mình nhằm xây 
dựng hình tượng con người tâm lí. 
Những vi đối thoại – xin được gọi kiểu lời này là như thế – thường được sử dụng để 
miêu tả quá trình khủng hoảng, bi đát, vật vã của con người trước một tình huống tâm lí 
căng thẳng. Bakhtin đã phân tích rất hay những cơn khủng hoảng tâm lí của nhân vật 
Đôtxtôjêvxki thông qua những vi đối thoại; chẳng hạn đoạn độc thoại nội tâm của 
Raxkolnikov trong phần đầu tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt: bao gồm cả mỉa mai, cay 
đắng, phẫn nộ, đau buồn, yêu thương, căm giận... Trong các tiểu thuyết của Vũ Trọng 
Phụng, có thể nhận thấy ông cũng thường sử dụng vi đối thoại – mặc dù còn ở mức độ – để 
khắc họa những giây phút nhân vật bị kích thích cao độ. Chẳng hạn, bản độc thoại nội tâm 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Mạnh Quỳnh 
57 
của bà đồ Uẩn trong Giông tố khi đang từ địa vị “nào là điêu đứng không còn kiếm nổi hột 
gạo mà ăn, nào là sự mỉa mai chèn chế của người làng, nào là sự thờ ơ lãnh đạm của họ 
mạc, nào là những trận cãi nhau, chửi nhau om sòm...” bỗng nhiên thành nhạc phụ của một 
nhà tư bản giàu có: 
“Bà sung sướng vì tưởng Mịch đã bị hại một đời, mà hóa ra sung sướng một đời. Cái 
con người quyền thế và giàu có nhất tỉnh, mà ai cũng phải sợ, mà ai cũng không kiện nổi, 
nay mai sẽ đem vài chục cái xe tu bin về dạm hỏi con bà hẳn hoi. Rồi thì cả làng sẽ ngậm 
miệng như hến. Rồi thì sẽ vô phúc cho những đứa nào đã bảo bà là vô phúc, đến nỗi con 
gái bà bị hiếp dâm. Rồi thì khổ cho những đứa chê bai, khinh bỉ, cho những đứa đã làm 
nhục bà. Tuy bà không biết biên sổ nhưng bà cũng biên sổ ngay vào bụng: nào là con mẹ 
đám Nhen nói kháy bà ra sao, nào là con mẹ đĩ Tốp nói xấu bà ra sao, vân vân... Con gái 
bà lấy chồng giàu! Những đứa ấy rồi thì nhục với bà, rồi thì điêu đứng với bà.” 
Ở đoạn văn trên, ý thức của bà đồ đã đối thoại, giằng co, tranh luận với ý thức của 
một số nhân vật được nêu tên. (“Chẹp! Chẹp!!!...Rõ chém cha cái đời! Cho thế mới mát 
ruột con mẹ đồ Uẩn. Không thế thì không được hợm hĩnh những là giấy rách giữ lấy lề, 
những là dòng dõi thế gia!” là lời trực tiếp của một trong số các nhân vật nói kháy, nói mát 
bà đồ). 
Trong Trúng số độc đắc, việc Phúc trúng số mười vạn đồng đã làm kinh động cả xã 
hội, mà trước tiên là những người trong gia đình anh ta. Một cuộc đảo lộn ngôi thứ diễn ra 
một cách chóng vánh khiến người ta không thể không cân nhắc, đắn đo cách cư xử. Đây là 
những suy tính như thế của mẹ và vợ Phúc: “(...) Sau khi thấy cụ Phán ông bị mắng, người 
mẹ, người vợ càng hiểu rõ rằng từ nay ắt phải rất thận trọng trong sự thay đổi thái độ, phải 
làm thế nào cho cái khinh bỉ ngày trước với cái quý trọng bây giờ có được một cái cầu nó 
nối liền một cách kín đáo, cũng như mầu xám là cần cho sự dịu dàng của việc dung hợp 
trắng và đen, ấy thế mới khó, vì nhỡ ra thì có thể chỉ sai một li mà đi một dặm. Quý trọng, 
ừ thì quý trọng, nhưng phải ra sao cho khỏi mang tiếng nịnh thần? Vừa phải thôi ư, thì làm 
thế nào cho khỏi bị buộc là khinh nhờn như trước? Đó là sự gánh vác đàn bà khó lắm 
thay!” 
Trong đoạn lời này có sự tranh luận ngầm giữa ý thức của hai người đàn bà với ý 
thức của người đời (Quý trọng, ừ thì quý trọng, nhưng phải ra sao cho khỏi mang tiếng 
nịnh thần?), với ý thức của Phúc (Vừa phải thôi ư, thì làm thế nào cho khỏi bị buộc là 
khinh nhờn như trước?). Ở đây, lời nói là của người kể, nhưng ý thức và chủ thể lời nói 
vừa thuộc về mẹ Phúc, vừa thuộc về vợ Phúc và một người khác hàm ẩn. Cho nên, lời văn 
vừa mang âm sắc của tiếng cười mỉm báng bổ, vừa ẩn chứa nhiều “nỗi niềm” của nhân vật. 
Có thể tìm thấy khá nhiều đoạn có tính chất tranh luận như thế trong Lấy nhau vì tình 
(đoạn Liêm tự tranh luận với mình với ý thức của Quỳnh), trong Giông tố (tiêu biểu là các 
đoạn Mịch, Long tự vấn trong sự khủng hoảng tột độ sau vụ “dâm biến” của nghị Hách), 
trong Làm đĩ (đoạn độc thoại nội tâm của Huyền sau khi thất tiết với Lưu, khi bị chồng 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Tập 16, Số 5 (2019): 5-9 
58 
phát giác ngoại tình). Chính những “vi đối thoại” như thế đã góp phần không nhỏ giúp nhà 
văn len lỏi, mổ xẻ những nỗi niềm sâu kín, những uẩn khúc, giằng co, cắn xé trong tâm lí 
con người. Chiều sâu trong tâm hồn nhân vật được nâng cao thêm một bước. 
3. Kết luận 
Tóm tại, những đóng góp của Vũ Trọng Phụng cho nghệ thuật trần thuật trong tiểu 
thuyết hồi đầu thế kỉ XX là rất to lớn, thể hiện năng lực tìm tòi và sáng tạo có tính chất đột 
phá của một tài năng tiểu thuyết xuất sắc. Khó có thể hình dung diện mạo của văn xuôi 
hiện đại Việt nam đầu thế kỉ trước mà khuyết vắng khuôn mặt của Thiên Hư Vũ Trọng 
Phụng. Nhà văn chỉ sống 27 tuổi đời ấy, bằng những nỗ lực sáng tạo của mình đã làm 
không ít bạn văn phải khâm phục, ngưỡng mộ, cả trước kia, hôm nay và mai sau... 
 Tuyên bố về quyền lợi: Tác giả xác nhận hoàn toàn không có xung đột về quyền lợi. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
Bakhtin, M. (1992). Lí luận và thi pháp tiểu thuyết. Hà Nội: Trường viết văn Nguyễn Du xuất bản. 
Diệp Quang Ban. (2000). Ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: NXB Giáo dục. 
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi. (Chủ biên). Từ điển thuật ngữ văn học. Hà Nội: NXB 
Văn học. 
Phương Lựu (chủ biên), Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam. (1997). Lí luận văn học. Hà Nội: NXB 
Giáo dục. 
Vũ Trọng Phụng. (1998). Toàn tập. Hà Nội: NXB Hội nhà văn. 
Trần Đình Sử. (1998). Giáo trình dẫn luận thi pháp học. Hà Nội: NXB Giáo dục. 
Nguyễn Ngọc Thiện, Hà Công Tài. (2000). Vũ Trọng Phụng về tác gia và tác phẩm. Hà Nội: NXB 
Giáo dục. 
LITERARY STYLE IN VU TRONG PHUNG’S WRITINGS 
Nguyen Manh Quynh 
Hoa Lu University 
Corresponding author: Nguyen Manh Quynh – Email: nmquynh@hluv.edu.vn 
Received: 01/3/2019; Revised: 20/4/2019; Accepted: 15/5/2019 
ABSTRACT 
This article studies the literary style in the Vu Trong Phung’s works from the perspectives of 
the private writing style and the features of novel genre. Satire and reality is the fundamental 
principle in the discourse organization in the works by Vũ Trọng Phụng, especially in his novels 
and short stories. This principle is reflected in all levels: from the vision level of novel discourse to 
the level of artistic forms of language. Vu Trong Phung's contribution to the narrative art in 
Vietnamese proses in the early twentieth century is of great value, presenting the significant 
creativity of an outstanding talent. 
Keywords: literary style, discourse, artistic word, narrative, novel, private writing style. 

File đính kèm:

  • pdfthi_phap_loi_van_nghe_thuat_trong_sang_tac_cua_vu_trong_phun.pdf