Sự hình thành và phát triển của chế định chủ thể hợp tác đầu tư của pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Trong điều kiện chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung với hai thành phần kinh tế: kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể sang nền kinh tế thị trường, Nhà nước đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tồn tại và phát triển. Trên cơ sở đó, văn bản có tính pháp quy đầu tiên về đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được ban hành, đó là "Điều lệ Đầu tư nước ngoài ở nước CHXHCNVN" được ban hành kèm theo Nghị định số 115/HĐCP ngày 18/4/1977 của Hội đồng Chính phủ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên quy định về vấn đề Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong pháp luật Việt Nam, nó ghi nhận những điều kiện, những khái niệm đầu tiên về vấn đề Đầu tư trực tiếp nước ngoài và là căn cứ tạo tiền đề cho những quy định tiếp sau này.

doc 5 trang kimcuc 20020
Bạn đang xem tài liệu "Sự hình thành và phát triển của chế định chủ thể hợp tác đầu tư của pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Sự hình thành và phát triển của chế định chủ thể hợp tác đầu tư của pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Sự hình thành và phát triển của chế định chủ thể hợp tác đầu tư của pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, Số 19, 2003
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN 
CỦA CHẾ ĐỊNH CHỦ THỂ HỢP TÁC ĐẦU TƯ 
CỦA PHÁP LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
	Nguyễn Thị Hà
	 Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
	Đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Trong điều kiện chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung với hai thành phần kinh tế: kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể sang nền kinh tế thị trường, Nhà nước đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tồn tại và phát triển. Trên cơ sở đó, văn bản có tính pháp quy đầu tiên về đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được ban hành, đó là "Điều lệ Đầu tư nước ngoài ở nước CHXHCNVN" được ban hành kèm theo Nghị định số 115/HĐCP ngày 18/4/1977 của Hội đồng Chính phủ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên quy định về vấn đề Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong pháp luật Việt Nam, nó ghi nhận những điều kiện, những khái niệm đầu tiên về vấn đề Đầu tư trực tiếp nước ngoài và là căn cứ tạo tiền đề cho những quy định tiếp sau này.
	Vấn đề hình thức đầu tư được quy định trong NĐ 115/CP dưới ba dạng:
	- Hợp tác sản xuất chia sản phẩm;
	- Xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp;
	- Xí nghiệp tư doanh chuyên sản xuất hàng xuất khẩu.
	Trên cơ sở 3 hình thức đầu tư này, Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 đã hoàn thiện thêm một bước theo hướng cụ thể hơn, có tính khoa học hơn. Chẳng hạn như hình thức hợp tác sản xuất chia sản phẩm được qui định trong Điều lệ Đầu tư nước ngoài năm 1977, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đã hoàn thiện thành hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh và qui định rất rõ đặc trưng cơ bản của nó là các bên cùng góp vốn kinh doanh, sau đó phân chia kết quả kinh doanh mà không thành lập một pháp nhân mới như hình thức liên doanh. Mỗi bên hợp doanh vẫn giữ tư cách pháp nhân của mình, tự quản lý, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo pháp luật của nước mình. Đây là hình thức đầu tư được nhiều nhà đầu tư hoan nghênh vì nó rất đa dạng, linh hoạt.
	Về hình thức xí nghiệp liên doanh, điều 2 Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 đã đưa ra khái niệm doanh nghiệp liên doanh như sau: "Xí nghiệp liên doanh là xí nghiệp do Bên nước ngoài và Bên Việt Nam hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng hợp tác liên doanh hoặc Hiệp định ký giữa Chính phủ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và Chính phủ nước ngoài". Từ định nghĩa này cho thấy, Nhà nước ta cho phép xí nghiệp liên doanh chỉ có hai bên là Bên nước ngoài và Bên Việt Nam; trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân muốn hợp tác đầu tư dưới hình thức này thì phải thỏa thuận lại thành một Bên nước ngoài và một Bên Việt Nam để liên doanh với nhau. Mặt khác, trong thực tế còn tồn tại một liên doanh được thành lập trên cơ sở Hiệp định được ký kết giữa Chính phủ Liên Xô trước đây và Chính phủ Việt Nam, đó là liên doanh dầu khí Việt - Xô. Do đó trong nội hàm của khái niệm trên còn mở rộng diện áp dụng cho cả đối tượng liên doanh được thành lập trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các chính phủ. Ngoài liên doanh dầu khí Việt - Xô, từ đó đến nay không có liên doanh nào được thành lập theo phương thức tương tự.
 	Mặc dù vậy, Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 chưa quy định hình thức liên doanh giữa một xí nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam với một tổ chức kinh tế khác ở nước ngoài. Thực tiễn thi hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đã đặt ra vấn đề phải bổ sung quy định về việc một doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài được liên doanh tiếp với một tổ chức nước ngoài để thành lập một pháp nhân liên doanh mới. Quy định mới này có lợi cho việc mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp liên doanh khi có yêu cầu và điều kiện, đó cũng là hình thức thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Khái niệm Hai bên trong doanh nghiệp liên doanh mới sẽ khác với khái niệm Hai bên trong Luật Đầu tư nước ngoài 1987. Bên Việt Nam không phải làm "một bên gồm một hoặc nhiều tổ chức kinh tế Việt Nam có tư cách pháp nhân" như quy định tại Điều 2 Luật Đầu tư nước ngoài 1987, mà là "một tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam". Chính vì vậy, khái niệm "xí nghiệp liên doanh" tại khoản 10 Điều 2 Luật Đầu tư nước ngoài 1987 đã được sửa đổi, bổ sung như sau: "Xí nghiệp liên doanh là xí nghiệp do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp động liên doanh hoặc Hiệp định ký giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc là xí nghiệp mới do xí nghiệp liên doanh hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh" ; đồng thời Điều 6 Luật này cũng đã được bổ sung như sau: "Xí nghiệp liên doanh được hợp tác với tổ chức và cá nhân nước ngoài để thành lập xí nghiệp liên doanh mới tại Việt Nam".
 	Hình thức xí nghiệp 100% vốn nước ngoài đã được quy định trong Điều lệ đầu tư nước ngoài năm 1977 với điều kiện chặt chẽ, bắt buộc phải xuất khẩu 100% sản phẩm làm ra. Lúc đó hình thức này được gọi là: "Xí nghiệp tư doanh chuyên sản xuất hàng xuất khẩu". Để có sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đã đổi lại tên thành hình thức xí nghiệp 100% vốn nước ngoài và quy định tại Điều 14 như sau: "Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được thành lập tại Việt Nam xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, tự mình quản lý xí nghiệp, chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài được hưởng quyền lợi và thực hiện các nghĩa vụ ghi trong Giấy phép đầu tư. Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam". Theo quy định này, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài không bắt buộc phải xuất khẩu 100% sản phẩm làm ra. Đây là một bước tiến quan trọng về kỹ thuật lập pháp trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài so với Điều lệ đầu tư nước ngoài năm 1977.
 	Thực tiễn nhiều nước đã cho thấy rằng, thành lập Khu chế xuất là một hình thức đầu tư có sức hấp dẫn thu hút được nhiều vốn đầu tư, tạo được nhiều việc làm, tăng nhanh khả năng xuất khẩu và tác động tích cực tới kinh tế nội địa.
 	Để chỉ đạo việc xây dựng Khu chế xuất mang tính thí điểm, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành nghị định số 322/HĐBT ngày 18/10/1991 kèm theo Quy chế Khu chế xuất. Mô hình Khu chế xuất mà Nhà nước ta chủ trương xây dựng chỉ là khu sản xuất trong đó không có dân cư thường trú, không có cấp chính quyền riêng. Khu chế xuất có một số đặc thù về cơ chế quản lý, nhưng vẫn nằm trong tổng thể của chính sách đầu tư nước ngoài, chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn Nhà nước ta quy định về Khu chế xuất trong Luật Đầu tư nước ngoài để họ yên tâm đầu tư vào đó.
 	Trên tinh thần như vậy, Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 1992 đã bổ sung Điều 19a như sau: "Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư vào các Khu chế xuất tại Việt Nam dưới các hình thức quy định tại Điều 4 Luật này... quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp trong thị trường Việt Nam với các xí nghiệp chế xuất được coi là quan hệ xuất - nhập khẩu và theo các quy định của pháp luật về xuất - nhập khẩu".
 	Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng như: cầu cống, đường sá, bến cảng, nhà máy cung cấp nước... là ưu tiên hàng đầu của Nhà nước ta. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng đòi hỏi số vốn đầu tư lớn nhưng việc thu hồi vốn lại gặp nhiều khó khăn. Phương thức đầu tư đặc thù "xây dựng - kinh doanh - chuyển giao" (BOT) là một sáng kiến của cộng đồng quốc tế, đã được áp dụng ở nhiều nước, mang lại những kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là ở những nước đang phát triển. Trong phương thức này, nhà đầu tư tự nguyện bỏ vốn xây dựng công trình, tự khai thác kinh doanh công trình trong một thời gian nhất định để thu hồi vốn và lợi nhuận, sau đó chuyển giao công trình cho Nhà nước.
 	Trên tinh thần đó, Luật Đầu tư nước ngoài (sửa đổi 1992) đã bổ sung Điều 19b như sau: "Các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam xây dựng công trình hạ tầng có thể ký hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng các quyền lợi và thực hiện các nghĩa vụ quy định trong hợp đồng".
 	Đến Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 đã bổ sung một số quy định nhằm hoàn thiện hình thức đầu tư, phưong thức đầu tư như quy định đa dạng hóa các phương thức đầu tư theo phương thức BOT, BTO, BT; cho phép bệnh viện, trường học, Viện nghiên cứu hợp tác đầu tư với nước ngoài, Luật hoá Khu công nghiệp, cho phép doanh nghiệp liên doanh được hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để thành lập liên doanh mới (Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 1992 chỉ cho phép liên doanh tiếp với Bên nước ngoài); cho phép Bên nước ngoài góp vốn bằng tiền Việt Nam có nguồn gốc đầu tư tại Việt Nam.
 	Ngoài ra khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập văn phòng đại diện. Quá trình thành lập và hoạt động của các chi nhánh được quy định tại Luật Thương mại năm 1997. Văn phòng không được phép tiến hành kinh doanh, chỉ được phép xúc tiến thương mại.
 	Nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể thành lập các chi nhánh tại Việt Nam trong các lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, thành lập các chi nhánh các công ty Luật, thành lập các công ty bảo hiểm, kiểm toán ...
	Để phù hợp với thông lệ quốc tế và cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã bổ sung qui định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. Điều này phù hợp với phương hướng chung là tiến tới nhất thể hóa khung pháp luật đầu tư trong nước và nước ngoài.
	Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp cổ phần là giải pháp cần thiết để tạo thêm kênh huy động vốn mới, tạo ra khả năng cho phép doanh nghiệp trong nước mua lại cổ phần của các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, qui định này cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đăng ký tại thị trường chứng khoán.
	Như vậy, kể từ bản Điều lệ Đầu tư nước ngoài đầu tiên năm 1977 cho đến nay, chế định Hình thức và Phương thức đầu tư không ngừng được hoàn thiện theo hướng mở rộng, phù hợp với Pháp luật của các nước và thông lệ quốc tế, tạo ra môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng phát triển, giúp cho Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài trong điều kiện Hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra hết sức sôi nổi như hiện nay. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các văn bản pháp luật về Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội (1994).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tập bài giảng về đầu tư nước ngoài năm 1996.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Văn phòng Bộ kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội (1998).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tờ trình về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Những vấn đề cơ bản về quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Tài liệu giảng dạy, học tập. Hà Nội (2000)
TÓM TẮT
Việc nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của Pháp luật đầu tư nước ngoài nói chung cho ta thấy bức tranh tổng thể, mang tính khái quát về Pháp luật đầu tư nước ngoài. Trong đó đi sâu nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển của chế định chủ thể tham gia hợp tác đầu tư nước ngoài góp phần quan trọng làm đầy đủ hoàn thiện bức tranh tổng thể đó. Chế định này ngày càng được qui định theo hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện tối đa cho mọi thành phần kinh tế tham gia hợp tác đầu tư nước ngoài, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập từng bước vào nền kinh tế khu vực cũng như thế giới.
THE ESTABLISHMENT AND DEVELOPMENT
OF INSTITUTION: INVESTMENT FORMS AND MEASURES
OF FOREIGN INVESTMENT LAW IN VIETNAM.
Nguyen Thi Ha
College of Sciences, Hue University
SUMMARY
Researches on the Institution on Investment Forms and Measures of Foreign Investment Law in Vietnam play a part in pecfectalizing the whole picture of Foreign Investment Law in Vietnam. From the first Regulations on Foreign Investment in 1977 to Law of Foreign Investment in 2000, forms and measures of investment have been regulated in a more detailed, scientific and larger way, contributing to perfectalize the investment environment in Vietnam and to attract foreign investment, especially in the condition that Vietnam is activily and subjectively integrating into the world and region economy.

File đính kèm:

  • docsu_hinh_thanh_va_phat_trien_cua_che_dinh_chu_the_hop_tac_dau.doc