Sáng ngời tư tưởng chính trị nhân ái của học thuyết các mác vĩ đại
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư
luận tiến hành trên mạng Internet được
công bố vào đầu tháng 10 - 1999, khi nhân
loại chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới,
Các Mác, người sáng lập ra Chủ nghĩa xã
hội khoa học, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp
công nhân và nhân dân lao động trên toàn
thế giới, được bình chọn là nhà tư tưởng
của thiên niên kỷ. Cũng trong cuộc thăm dò
dư luận này, hai nhà khoa học An-be Anhxtanh và I-xắc Niu-tơn được xếp ngay sau
Các Mác. Dư luận cộng đồng quốc tế, sự
khẳng định của các đảng cộng sản trên thế
giới, Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm
của Đảng Cộng sản Việt Nam đều nhấn
mạnh vai trò to lớn của Các Mác, Ph.Ăngghen, V.I. Lê-nin, những người sáng lập ra
Chủ nghĩa xã hội khoa học, con đường đi
tất yếu của xã hội loài người. Và cũng
chính giữa muôn trùng sự chống phá và
xuyên tạc của các thế lực thù địch, những
tư tưởng vĩ đại của các ông nói chung, tư
tưởng chính trị nhân ái nói riêng vẫn ngời
ngời tỏa sáng, đầy sức sống thanh xuân.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Sáng ngời tư tưởng chính trị nhân ái của học thuyết các mác vĩ đại
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Xuân Tế 1 SÁNG NGỜI TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ NHÂN ÁI CỦA HỌC THUYẾT CÁC MÁC VĨ ĐẠI POLITICAL IDEALS OF GREAT MARXIAN THEORY TOWARDS HUMAN NGUYỄN XUÂN TẾ PGS.TS. Tổng Biên tập, nguyenxuante@yahoo.com, Mã số: TCKH09-09-2018 TÓM TẮT: Tư tưởng chính trị của Các Mác xuất phát từ con người và mục đích cuối cùng là giải phóng con người, để con người trở thành tự do, phát triển toàn diện. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng của Các Mác, phát huy nhân tố con người - yếu tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta. Từ khóa: Các Mác, tư tưởng chính trị, giải phóng con người, phát huy nhân tố con người. ABSTRACT: The political ideals of Marx were derived from human beings and the ultimate goal is to liberate human, for them to be free and develop fully. In the process of leading the Vietnamese revolution, our Paety applied the Marxist ideals, to promote human factor- the decisive factor contributed to the sucess of the revolution, promoted the industrialization, modernization and international intergration of our country. Key words: Karl Marx, political ideal, free human, human factor. 1. TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ LỚN NHẤT CỦA CÁC MÁC LÀ GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận tiến hành trên mạng Internet được công bố vào đầu tháng 10 - 1999, khi nhân loại chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới, Các Mác, người sáng lập ra Chủ nghĩa xã hội khoa học, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, được bình chọn là nhà tư tưởng của thiên niên kỷ. Cũng trong cuộc thăm dò dư luận này, hai nhà khoa học An-be Anh- xtanh và I-xắc Niu-tơn được xếp ngay sau Các Mác. Dư luận cộng đồng quốc tế, sự khẳng định của các đảng cộng sản trên thế giới, Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đều nhấn mạnh vai trò to lớn của Các Mác, Ph.Ăng- ghen, V.I. Lê-nin, những người sáng lập ra Chủ nghĩa xã hội khoa học, con đường đi tất yếu của xã hội loài người. Và cũng chính giữa muôn trùng sự chống phá và xuyên tạc của các thế lực thù địch, những tư tưởng vĩ đại của các ông nói chung, tư tưởng chính trị nhân ái nói riêng vẫn ngời ngời tỏa sáng, đầy sức sống thanh xuân. Đối với Các Mác, tư tưởng chính trị lớn nhất là giải phóng con người. Điều đầu tiên mà Mác quan tâm là làm thế nào để giải phóng con người khỏi những “tình cảnh không thể chấp nhận được”. Điểm TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 09, Tháng 5 - 2018 2 xuất phát của Mác là con người, từ lòng nhân ái thương người. Điều này chưa phải là cái mới trong tư tưởng chính trị của Mác vì rằng những tư tưởng như để sống thế nào là tự do hạnh phúc, những khát vọng tự do, tư tưởng nhân văn đã có từ lâu. Cái mới của C.Mác là ở chỗ ông đã đi tìm câu trả lời cho những vấn đề đó trong đời sống hiện thực. Hê-ghen không tìm được lời giải cho câu hỏi lớn một cách khoa học, vì ông đã tìm câu trả lời những vấn đề đó trong tinh thần, trong tư duy, chứ không đi tìm trong hiện thực cuộc sống. Trước khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, Các Mác và Ăng-ghen đã đề xuất nhiều tư tưởng và luận điểm đặc sắc về con người; về sự phân cách giữa con người cá thể (tức con người cụ thể trong xã hội tư sản); không thể cứ để con người tiếp tục mang mãi những xiềng xích được trang điểm bằng “những bông hoa” tôn giáo. Các ông cũng đã nhiều lần đề cập tới sự tha hóa của con người lao động trong xã hội tư bản chủ nghĩa; bản năng phản kháng của những con người lao động nghèo khổ trong xã hội tư bản chủ nghĩa; vai trò cách mạng và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện đại, Mục đích của chủ nghĩa cộng sản là đạt đến cá nhân tự do, làm cho mọi người tự do, chừng nào còn một người không tự do thì xã hội đó không có tự do; tự do, theo C.Mác, phải đến với từng người. Từ việc phê phán quan điểm của những nhà tư tưởng duy tâm, C.Mác đã góp phần quan trọng vào việc làm cho con người thoát khỏi sự tha hóa về đạo đức, tôn giáo; đặt con người trong các mối quan hệ hiện thực cụ thể, đấu tranh cho bản thân mình và tự mình quyết định. C.Mác đã tìm ra chìa khóa để thực hiện việc giải phóng con người, làm cho con người thoát khỏi cái lôgic phi nhân của những sức mạnh mà con người đã tạo ra nhưng lại chi phối con người, cũng như thoát khỏi ảo tưởng đã cản trở con người đi đến sự giải phóng đích thực cho chính mình. Có thể nói, ở thời kỳ chín muồi tức là bắt đầu từ lúc C.Mác phát hiện ra bí mật sự bóc lột tư bản chủ nghĩa - C.Mác đã chỉ ra con đường giải phóng một cách khoa học. Ông đã tìm ra một khâu mà nếu không giải quyết thì vấn đề con người không thể giải quyết được. Đó là quyền lực chính trị. Muốn giải quyết vấn đề con người thì phải giải quyết vấn đề giai cấp, phải giành được quyền lực chính trị. Chủ nghĩa nhân đạo mác-xít là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, không phải chỉ dựa vào đạo đức và lòng thương người như chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng. Như vậy, tư tưởng chính trị của C.Mác xuất phát từ con người và mục đích cuối cùng là con người, từ con người qua xử lý giai cấp quay trở lại con người. Đó cũng chính là sự phủ định của phủ định trong tư duy chính trị của C.Mác. C.Mác đã tiến thêm một bước nghiên cứu điều bí mật của sự bóc lột, áp bức trong xã hội tư bản và vạch ra nguyên nhân tại sao các quyền con người và quyền công dân ở đó lại bị vi phạm trong thực tế, mặc dù giai cấp tư sản vẫn tuyên bố rằng cái xã hội được gọi là xã hội tư bản chủ nghĩa là một xã hội công bằng, bình đẳng, tự do, bác ái. Từ chỗ xét lại một cách có phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen, C.Mác đã thu được kết quả là: những quan hệ luật pháp cũng như những hình thức nhà nước TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Xuân Tế 3 được hiểu không phải do bản thân chúng, cũng không phải do bản thân cái gọi là sự tiến triển chung của tinh thần nhân loại, mà ngược lại, chúng bắt rễ trong những điều kiện tồn tại vật chất, Như vậy, nhiệm vụ của khoa giải phẫu học xã hội công dân là phải tìm chìa khóa trong khoa kinh tế chính trị. Điều bí mật về hiện thực xã hội phi nhân tính nơi những quyền con người bị vi phạm thô bạo trong thực tế đã được C.Mác vạch trần bởi sự phân tích từ những mối quan hệ của con người, từ bản chất của người. Bản chất con người, theo C.Mác “không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” [2, tr.11]. Đặc biệt, tư tưởng chính trị của C.Mác và Ph.Ăng-ghen thể hiện rất cô đọng và rõ nét trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do hai ông cùng soạn thảo và hoàn thành vào đầu năm 1848. “Tuyên ngôn” vừa là tác phẩm chủ yếu về chủ nghĩa cộng sản khoa học, vừa là cương lĩnh chính trị đầu tiên của phong trào cộng sản và công dân quốc tế. “Phản ánh đúng quy luật phát triển của hiện thực, định hướng cho Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đấu tranh theo quy luật đó để giải phóng con người, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã trở thành ngọn cờ tư tưởng, lý luận, soi đường, dẫn lối cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, và các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên phạm vi toàn thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ vì tiến bộ xã hội” [10]. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã đi đến kết luận: “Trong mỗi thời đại lịch sử, phương thức chủ yếu của sản xuất kinh tế và trao đổi cùng với cơ cấu xã hội do phương thức đó quyết định, đã cấu thành cơ sở cho lịch sử chính trị của thời đại và lịch sử của sự phát triển trí tuệ của thời đại, toàn bộ lịch sử của nhân loại (từ thời kỳ tan rã của công xã nguyên thủy với chế độ sở hữu công cộng ruộng đất của nó) là lịch sử đấu tranh giai cấp. Lịch sử của cuộc đấu tranh ấy hiện nay đã phát triển tới giai đoạn trong đó giai cấp bị bóc lột và bị áp bức tức là giai cấp vô sản, không còn có thể tự giải phóng mình khỏi ách của giai cấp bóc lột và áp bức mình tức là giai cấp tư sản, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn xã hội khỏi ách bóc lột và áp bức, khỏi sự phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp” [1, tr.517]. Cũng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, hai ông cho rằng: Sự bóc lột và áp bức dân tộc chỉ là kết quả của sự bóc lột và áp bức giai cấp, xóa bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột, áp bức dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Vì vậy, tự do của mỗi cá nhân không bó hẹp trong tự do chính trị (như bầu cử, ứng cử), tự do thân thể (có thể bán sức lao động của mình cho người này hay người khác mà không bị ràng buộc), tự do trao đổi hàng hóa, mà tự do của con người là hoàn toàn thoát khỏi mọi áp bức bóc lột, có đầy đủ các điều kiện để phát huy tài năng, cá tính, nhân cách của mình. Đó là tương lai xa xôi song không phải là không tưởng. Vì chính chủ nghĩa tư bản phát triển cao đã và đang tạo ra những tiền đề, những yếu tố cho xã hội tương lai đó. Lôgic phát triển của chủ nghĩa tư bản đang tạo ra những yếu tố phủ định nó, TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 09, Tháng 5 - 2018 4 những yếu tố (tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất mâu thuẫn gay gắt với sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, phong trào đấu tranh đòi nhân quyền của đa số ngày càng gay gắt chống sự vi phạm nhân quyền của thiểu số,) cứ lớn dần lên. Tạo ra một xã hội cao hơn xã hội tư bản, một xã hội phát huy tối đa sự phát triển của lực lượng sản xuất và thực thi được nhân quyền trong thực tế một xã hội như C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã ghi rõ trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” [3, tr.628]. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản làm sáng tỏ địa vị kinh tế - xã hội và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản - người thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản - khẳng định cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản tất yếu dẫn đến sự thành lập Đảng Cộng sản, cuộc đấu tranh ấy sẽ phát triển thành một cuộc cách mạng xã hội công khai, rộng lớn, sâu sắc, sẽ dẫn đến kết quả là giai cấp vô sản dùng bạo lực chính trị đánh đổ giai cấp tư sản, giành lấy chính quyền, giành lấy dân chủ, tự tổ chức thành nhà nước, và dùng quyền lực chính trị của mình để cải tạo tư sản, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa bằng các biện pháp, hình thức hợp lý. 2. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ PHÁT HUY NHÂN TỐ CON NGƯỜI Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng chính trị vĩ đại của C.Mác, được kết tinh ngời sáng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản có ý nghĩa hết sức đặc biệt. “88 năm qua, được soi sáng bởi tư tưởng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, của chủ nghĩa Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, huy động được mọi nguồn lực của đất nước, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại để giành những thắng lợi vẻ vang và đang vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Mục đích cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn phù hợp với tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn: “đó là giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách áp bức, bóc lột, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” [10, tr.3]. Những tư tưởng chính trị của C.Mác, đặc biệt là những quan điểm cơ bản về con người của C.Mác đã được Đảng ta quán triệt, vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nước ta. Trong tiến trình cách mạng ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn chú ý phát huy nhân tố con người trong điều kiện so sánh lực lượng không tương xứng giữa ta và địch về điều kiện vật chất, văn hóa, vũ khí, để tạo ra sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) là mốc quan trọng đánh dấu công cuộc đổi mới của đất nước. Đảng đã có những nhận thức mới, sâu sắc hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó đã chú trọng thực hiện các chính TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Xuân Tế 5 sách kinh tế, xã hội hướng vào mục tiêu phát triển con người, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII, khẳng định: “Phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội” [4, tr.13]. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, vấn đề phát triển nguồn nhân lực được Đảng ta chú trọng. Muốn phát triển đất nước bền vững, yếu tố cực kỳ quan trọng là phải chăm lo phát triển con người. Đảng đã xác định: “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa” [5, tr.114-115]. Thực hiện đường lối Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết liên quan trực tiếp đến việc chăm lo, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người. Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) tháng 12-1996 nêu rõ: “Phát triển nguồn nhân lực phải là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó giáo dục và đào tạo là then chốt, là quốc sách hàng đầu. Chú trọng phát triển nguồn lực con người một cách toàn diện về cả trí tuệ, sức khỏe, đạo đức,” [6, tr.85]. Đại hội lần thứ IX của Đảng (năm 2001) nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý vì nguồn nhân lực là nhân tố then chốt quyết định sự phát triển của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội lần thứ X của Đảng (năm 2006), ở nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, đã chỉ ra nhiệm vụ căn bản phải tập trung đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo, chấn hưng giáo dục để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đại hội lần thứ XI của Đảng (năm 2011) đã xác định ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng cũng đã nêu rõ 4 định hướng chiến lược về phát triển nhân lực thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong đó, vấn đề mấu chốt là đổi mới chính sách đào tạo, sử dụng và đãi ngộ trí thức, trọng dụng và tôn vinh nhân tài, trong nguồn lực của sự phát triển tính cả đến nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài. Quan điểm về phát triển toàn diện con người Việt Nam nêu trên được Đảng đặc biệt nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (năm 2016): “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển” [7, tr.126]. Con người trở thành “nguồn tài nguyên quý nhất, tiềm năng to lớn, vô tận nhất, yếu tố chủ yếu quyết định nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững ở nước ta hiện nay” [8, tr.2-5]. 3. MẤY LỜI KẾT LUẬN Đối với Các Mác, con người không phải là con người trừu tượng, phi lịch sử mà là con người hiện thực, con người thực tiễn. Vì thế, muốn giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, vươn tới tự do, bảo TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 09, Tháng 5 - 2018 6 đảm các quyền của mình thì phải tìm đường giải phóng trong đời sống hiện thực, trong quy luật tất yếu của xã hội chứ không phải tìm nó trong niềm tin tôn giáo hay trong đạo đức trừu tượng. Muốn giải quyết vấn đề con người thì phải giải quyết vấn đề giai cấp, Mác đã tìm ra một khâu trong việc giải phóng con người là phải có quyền lực chính trị. Mọi vấn đề tự do, bình đẳng đều phải thông qua quyền lực chính trị mới có thể giải quyết được. Rõ ràng chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực chứ không phải chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng của các nhà duy tâm, không tưởng, lý luận chính trị của Mác hoàn toàn duy vật khoa học và khả thi. Nó hoàn toàn không dựa vào một lực lượng tinh thần nào, một “lý tưởng vĩnh cửu” nào tồn tại bên ngoài xã hội, mà là phát hiện ra một lực lượng xã hội có khả năng thực hiện sự chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Nó xác định quá trình chuyển biến phải bằng con đường đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản và đông đảo quần chúng nhân dân lao động bị áp bức và bóc lột theo những cương lĩnh hành động phù hợp với quy luật phát triển khách quan của lịch sử. Thấm nhuần học thuyết chính trị của Các Mác vĩ đại, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta sẽ không ngừng hoàn thiện xã hội công dân và phát triển toàn vẹn quyền con người. Đó cũng chính là “động lực chiến lược đổi mới chính trị Việt Nam hiện nay” [9, tr.65]. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] C.Mác và Ph.Ăng-ghen (1980), Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội. [2] C.Mác và Ph.Ăng-ghen (1995), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [3] C.Mác và Ph.Ăng-ghen (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [4] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [5] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [6] Đảng Cộng sản Việt Nam (1997), Văn kiện Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội. [8] Đinh Ngọc Giang, Vũ Khánh Hoàn (05/2016), Từ quan điểm của C.Mác và vấn đề con người, Tạp chí Xây dựng Đảng. [9] Nhị Lê (2016), Không ngừng đổi mới chính trị, vì sự phát triển toàn diện, đồng bộ và tiếp tục thành công của sự nghiệp đổi mới, Tạp chí Cộng sản số 884. [10] Võ Văn Thưởng (2018), Sức sống bền vững của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Báo Nhân dân số 22786. Ngày nhận bài: 10-4-2018. Ngày biên tập xong: 16-4-2018. Duyệt đăng: 19-5-2018.
File đính kèm:
- sang_ngoi_tu_tuong_chinh_tri_nhan_ai_cua_hoc_thuyet_cac_mac.pdf