Quy định về lao động trong Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ và thực hiện ở Mexico

 Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), được ký kết năm 1994 và đàm phán lại

năm 2018, là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trên thế giới có quy định về lao động. NAFTA

yêu cầu các nước thành viên tham gia phải thực hiện các tiêu chuẩn lao động cao. Mexico là nước

đang phát triển duy nhất trong NAFTA, có nhiều khó khăn so với các nước phát triển liên quan tới

khía cạnh lao động. Để thực hiện NAFTA, Mexico đã phải sửa đổi, bổ sung pháp luật lao động,

thành lập các thể chế thực thi. Tuy nhiên, thực tế thực hiện các quy định của NAFTA về lao động ở

Mexico nhiều khi vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu hiệp định và phải đối mặt với nhiều khiếu kiện.

pdf 9 trang kimcuc 17640
Bạn đang xem tài liệu "Quy định về lao động trong Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ và thực hiện ở Mexico", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Quy định về lao động trong Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ và thực hiện ở Mexico

Quy định về lao động trong Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ và thực hiện ở Mexico
49 
Quy định về lao động trong Hiệp định 
thương mại tự do Bắc Mỹ và thực hiện ở Mexico 
Phạm Thị Thu Lan1 
1
 Viện Công nhân và Công đoàn. 
Email: phamthulan.vgcl@gmail.com 
Nhận ngày 25 tháng 12 năm 2018. Chấp nhận đăng ngày 21 tháng 1 năm 2019. 
Tóm tắt: Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), được ký kết năm 1994 và đàm phán lại 
năm 2018, là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trên thế giới có quy định về lao động. NAFTA 
yêu cầu các nước thành viên tham gia phải thực hiện các tiêu chuẩn lao động cao. Mexico là nước 
đang phát triển duy nhất trong NAFTA, có nhiều khó khăn so với các nước phát triển liên quan tới 
khía cạnh lao động. Để thực hiện NAFTA, Mexico đã phải sửa đổi, bổ sung pháp luật lao động, 
thành lập các thể chế thực thi. Tuy nhiên, thực tế thực hiện các quy định của NAFTA về lao động ở 
Mexico nhiều khi vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu hiệp định và phải đối mặt với nhiều khiếu kiện. 
Từ khóa: Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, lao động, Mexico. 
Phân loại ngành: Kinh tế học 
Abstract: The North American Free Trade Agreement (NAFTA), signed in 1994 and renegotiated 
in 2018, is the first free trade agreement in the world with labour regulations. It requires the 
participating member countries to implement high labour standards. The only developing signatory 
of the agreement, Mexico, faces many difficulties compared to developed members in terms of the 
aspect of labour. In order to implement the NAFTA, the country has had to amend and supplement 
labour laws and establish enforcement institutions. However, the implementation of the NAFTA 
regulations on labour in Mexico has on many occasions not yet met the requirements of the 
agreement and faced many complaints. 
Keywords: North American Free Trade Agreement, labour, Mexico. 
Subject classification: Economics 
1. Mở đầu 
NAFTA gồm ba nước thành viên là Mỹ, 
Canada và Mexico, được ký kết năm 1994, 
là hiệp định thương mại tự do đầu tiên trên 
thế giới được ký giữa các nước giàu có và 
phát triển cao với một nước đang phát triển, 
nghèo và trình độ thấp, và cũng là hiệp định 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 - 2019 
50 
thương mại đầu tiên có quy định về lao 
động. Theo đó, các nước tham gia NAFTA 
phải xây dựng tiêu chuẩn lao động (TCLĐ) 
cao trong pháp luật lao động quốc gia dựa 
trên các TCLĐ quốc tế, và phải có cơ chế 
đảm bảo thực thi hiệu quả. Các cam kết về 
lao động trong NAFTA được ký kết thông 
qua một hiệp định đi kèm gọi là Thỏa thuận 
Bắc Mỹ về hợp tác trong lĩnh vực lao động 
(NAALC) có hiệu lực ngày 1/1/1994. 
NAALC mở ra cơ hội hợp tác về giải quyết 
các vấn đề lao động giữa ba nước thành 
viên nhằm cải thiện tình hình lao động. 
Hiệp định này có ý nghĩa đặc biệt với 
Mexico, vì một nước có điều kiện lao động 
thấp hơn so với các nước thành viên khác 
của NAFTA. Bài viết này giới thiệu quy 
định về lao động trong NAFTA và việc 
thực hiện quy định đó của Mexico; qua đó 
cung cấp thêm kinh nghiệm cho Việt Nam 
khi tham gia các hiệp định thương mại tự 
do trong việc giải quyết vấn đề lao động. 
2. Quy định về lao động trong Hiệp định 
thương mại tự do Bắc Mỹ 
Quy định về lao động trong NAFTA được 
nêu chi tiết trong NAALC. NAALC không 
đòi hỏi các bên ký kết phải hài hòa pháp 
luật lao động giữa các nước tham gia 
NAFTA, cũng không áp đặt pháp luật hay 
quy định pháp luật của nước này sang nước 
kia [10]. NAALC yêu cầu các nước thành 
viên tham gia phải thực hiện các TCLĐ bao 
gồm: quyền tự do hiệp hội (bao gồm quyền 
tự do thành lập công đoàn, quyền tự do liên 
kết tạo thành các hiệp hội rộng lớn hơn của 
người lao động); quyền thương lượng tập 
thể; quyền đình công; nghiêm cấm cưỡng 
bức người lao động làm việc; nghiêm cấm 
sử dụng lao động là trẻ em; xóa bỏ mọi sự 
phân biệt đối xử về việc làm và nghề 
nghiệp giữa lao động nam và lao động nữ; 
trả lương bình đẳng dựa trên giá trị công 
việc cho lao động nam và lao động nữ; đảm 
bảo các tiêu chuẩn việc làm tối thiểu (bao 
gồm tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc 
tối đa, tiền lương làm thêm giờ tối thiểu); 
phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề 
nghiệp; thực hiện đền bù phù hợp khi xảy ra 
tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; 
bảo vệ người lao động di cư làm việc ở 
nước ngoài. 
Các bên cam kết thực thi có hiệu quả các 
TCLĐ nêu trên và đồng ý để các nước đối 
tác được quyền đánh giá việc thực hiện của 
quốc gia mình [10]. Đồng thời, các bên cam 
kết tiếp tục “xây dựng các tiêu chuẩn lao 
động cao” và “nỗ lực cải thiện các tiêu 
chuẩn lao động” [10], và chứng minh sự cải 
thiện của nước mình trong một khoản thời 
gian xác định được thỏa thuận giữa các bên. 
Có 3 thể chế được thiết lập trong 
NAFTA để thực thi cam kết về lao động 
như sau. Một là, Ủy ban hợp tác về lao 
động (bao gồm Hội đồng cấp bộ trưởng và 
Ban thư ký theo Điều 8-14, NAALC). Hội 
đồng cấp bộ trưởng họp ít nhất 1 lần/năm 
và họp đột xuất khi có đề nghị của một bên. 
Chức năng của Hội đồng bộ trưởng là giám 
sát thực hiện TCLĐ trong nước; chỉ đạo 
hoạt động của Ban thư ký; xác định các nội 
dung hợp tác về lao động và các chương 
trình kỹ thuật hỗ trợ thực hiện; xây dựng kế 
hoạch và ngân sách hoạt động, thông qua 
các báo cáo do Ban thư ký chuẩn bị; điều 
hành các cuộc tham vấn về vấn đề lao động 
giữa các bên; giải đáp các ý kiến và bất 
đồng giữa các bên, điều hành việc triển khai 
các công việc, chương trình, hoạt động liên 
quan tới nội dung về lao động trong hiệp 
Phạm Thị Thu Lan 
51 
định. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh, 
tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Hội đồng 
chịu trách nhiệm về cung cấp dịch thuật, 
nếu cần. Ban Thư ký hỗ trợ Hội đồng, 
chuẩn bị các công việc về thủ tục, báo cáo, 
tổ chức các hoạt động của Hội đồng, các 
cuộc họp, tham vấn và các công việc khác 
liên quan. Hai là, Văn phòng quản lý quốc 
gia (NAO) (được thành lập theo Điều 15-
16), NAALC ở mỗi nước thành gia NAFTA 
là cơ quan đầu mối liên lạc với tất cả các 
bên về các vấn đề lao động và cung cấp báo 
cáo theo yêu cầu, tiếp nhận và xử lý về mặt 
thủ tục các khiếu nại, và thông tin về tình 
hình và tiến triển của các khiếu nại. Ba là, 
các ủy ban quốc gia (được thành lập theo 
Điều 17-18, NAALC ở mỗi quốc gia, bao 
gồm Ủy ban tư vấn quốc gia và Ủy ban 
chính phủ). Thành viên của ủy ban tư vấn 
quốc gia là đại diện các tổ chức của người 
lao động và người sử dụng lao động (doanh 
nghiệp), đại diện các tổ chức liên quan 
khác. Vai trò của Ủy ban này là tư vấn cho 
các bên về việc thực hiện nội dung lao động 
và cụ thể hóa các nội dung của Hiệp định. 
Ủy ban chính phủ có thành viên từ các 
chính quyền bang/tỉnh để tư vấn cho chính 
phủ về việc thực hiện hiệp định. 
Về cơ chế giải quyết khiếu nại vi phạm 
cam kết về lao động, thông thường, các 
khiếu nại về vi phạm cam kết về lao động 
trong NAFTA do một cá nhân hay tổ chức 
đưa ra sẽ là khởi đầu cho câu chuyện. Quy 
trình giải quyết khiếu nại sẽ đi theo năm 
bước như sau. 
Bước 1: gửi khiếu nại và tham vấn giữa 
các NAO. Bất kỳ ai, cá nhân hay tập thể, 
một hay nhiều tổ chức đều có thể gửi khiếu 
nại tới bất kỳ NAO nào của Mỹ, Canada 
hay Mexico. Khiếu nại liên quan tới vấn đề 
lao động phát sinh ở một nước thì được gửi 
tới NAO của nước khác. Ví dụ: khiếu nại về 
vi phạm pháp luật lao động của Mexico 
phải gửi tới NAO của Mỹ hoặc Canada, 
không gửi tới NAO của Mexico. Khiếu nại 
có thể liên quan tới một hay nhiều TCLĐ 
được nêu trong NAALC. Sau khi nhận 
được khiếu nại, các NAO sẽ tham vấn với 
nhau. Sau đó, NAO có thể tổ chức điều tra, 
điều trần công khai, và ra báo cáo bằng 
văn bản. 
Bước 2: tham vấn cấp bộ trưởng (Điều 
27, NAALC). Sau bước 1, nếu không đủ 
bằng chứng hoặc khiếu nại không phù hợp, 
khiếu nại sẽ bị đóng lại. Nếu NAO tiếp 
nhận và điều tra, báo cáo của NAO ra 
khuyến nghị tiếp tục quy trình giải quyết 
khiếu nại, khiếu nại sẽ được đưa ra tham 
vấn cấp bộ trưởng các nước thành viên 
NAFTA. Tham vấn cấp bộ trưởng là nỗ lực 
của các bên bằng nhiều hoạt động khác 
nhau, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng các 
bên và phối hợp với nhau để giải quyết vấn 
đề. Rất nhiều hoạt động sẽ được tổ chức 
trong bước này (như hội thảo, hội nghị, đối 
thoại, tọa đàm, điều trần, điều tra) để làm 
rõ vấn đề, đưa ra khuyến nghị và thực hiện 
khuyến nghị để giải quyết vấn đề. 
Bước 3: đánh giá của ủy ban chuyên gia 
độc lập (Điều 23-26, NAACL). Sau khi 
tham vấn cấp bộ trưởng, nếu khiếu nại 
không đi đến kết quả như mong muốn của 
các bên, bộ trưởng của một bên có thể yêu 
cầu đưa khiếu nại ra Ủy ban chuyên gia độc 
lập. Ủy ban này sẽ đánh giá vấn đề và đánh 
giá hiệu quả thực thi pháp luật lao động của 
quốc gia nơi xảy ra vi phạm theo cam kết 
trong hiệp định. Ủy ban chuyên gia độc lập 
sẽ đưa ra báo cáo khách quan cùng với các 
khuyến nghị của Ủy ban để bên bị khiếu nại 
thực hiện nhằm giải quyết vấn đề theo 
hướng đảm bảo pháp luật lao động quốc gia 
được thực thi. 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 - 2019 
52 
Bước 4: quyết định của Hội đồng trọng 
tài (Điều 29-41, NAALC). Sau khi Ủy ban 
chuyên gia độc lập ra báo cáo, bộ trưởng 
của hai bên (trừ bên bị khiếu nại) có thể đề 
nghị thành lập Hội đồng trọng tài độc lập 
nếu họ cho rằng bên bị khiếu nại vẫn không 
thực hiện các khuyến nghị có kết quả 
để giải quyết vấn đề. Quyết định của Hội 
đồng trọng tài sẽ ràng buộc các bên phải 
thực hiện. 
Bước 5: trừng phạt. Nếu chính phủ bên 
bị khiếu nại từ chối hoặc không thực hiện 
khuyến nghị của Hội đồng trọng tài, Hội 
đồng trọng tài sẽ tuyên mức phạt tiền với số 
tiền lên tới 0,007% khối lượng thương mại 
giữa các bên. Thời điểm NAFTA có hiệu 
lực, số tiền này tương đương 20 triệu đô la 
Mỹ. Năm 2013, do khối lượng thương mại 
giữa ba nước tăng, nên số tiền này lên tới 
50 triệu đô la Mỹ [1]. Khoản tiền nộp phạt 
này sẽ được dùng để cải thiện thực thi pháp 
luật lao động quốc gia trong các lĩnh 
vực/ngành có khiếu nại. Nếu quốc gia 
không nộp phạt, quốc gia đó sẽ bị dừng 
hưởng lợi ích thương mại/lợi ích giảm thuế 
quan theo NAFTA. Biện pháp trừng phạt 
chỉ áp dụng đối với các vi phạm TCLĐ 
liên quan tới tiền lương tối thiểu, lao động 
trẻ em và an toàn vệ sinh lao động. Các 
TCLĐ khác không áp dụng biện pháp 
trừng phạt [1]. 
Trong tất cả các bước giải quyết và trong 
toàn bộ quá trình khiếu nại, bên bị khiếu nại 
đều có quyền tham dự và bày tỏ ý kiến 
của mình. 
Như vậy, có thể thấy cơ chế giải quyết 
khiếu nại về thực thi TCLĐ trong NAALC 
không đưa ra các phán quyết cụ thể về việc 
khắc phục một vi phạm lao động cụ thể nào 
đó (ví dụ: buộc doanh nghiệp phải nhận lại 
công nhân mà doanh nghiệp đã sa thải trái 
luật, hay buộc doanh nghiệp phải công nhận 
công đoàn do người lao động thành lập theo 
quy định của pháp luật; buộc doanh nghiệp 
phải thương lượng với công đoàn, không 
được sử dụng lao động trẻ em, phải trả 
lương bình đẳng cho lao động nữ; buộc 
doanh nghiệp phải lắp thêm máy lọc không 
khí để giảm nguy cơ về an toàn lao động 
cho người lao động; buộc doanh nghiệp 
phải tăng lương hay đền bù thỏa đáng cho 
người lao động bị tai nạn lao động, v.v..). 
Các vấn đề này thuộc trách nhiệm của pháp 
luật quốc gia giải quyết theo từng vấn đề vi 
phạm cụ thể và thuộc cơ chế của pháp luật 
quốc gia. Các bước giải quyết khiếu nại của 
NAALC chỉ đưa ra khuyến nghị để các bên 
tham chiếu, nhưng cuối cùng, kết quả vẫn 
phải là khắc phục các vấn đề vi phạm và sự 
cải thiện tình hình lao động quốc gia. 
Trong toàn bộ quy trình giải quyết khiếu 
nại và ra khuyến nghị ở các bước, bên bị 
khiếu nại (thường là chính phủ vì chủ yếu 
liên quan tới việc thực thi pháp luật không 
hiệu quả của chính phủ) có quyền tham gia 
và bày tỏ ý kiến. Sau khi bên bị khiếu nại 
thừa nhận vi phạm và thống nhất hướng 
khắc phục thì mới có báo cáo. Điều này có 
nghĩa là, nếu bên bị khiếu nại không thực 
hiện các khuyến nghị đưa ra ở các bước mà 
họ đã đồng ý, thì cam kết sẽ không được 
thực hiện. 
3. Thực hiện của Mexico đối với quy định 
về lao động của NAFTA 
Theo quy định của Hiệp định mà các thành 
viên cam kết thực hiện, Mexico đã tiến 
hành hai biện pháp sau để cải thiện tình 
hình lao động quốc gia. 
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung pháp luật lao 
động cho phù hợp với các TCLĐ đã cam kết 
trong NAFTA. 
Phạm Thị Thu Lan 
53 
Về các TCLĐ liên quan quyền tự do 
hiệp hội, quyền tổ chức và thương lượng 
tập thể, Hiến pháp năm 1917 của Mexico 
quy định các tổ chức công đoàn chịu sự 
quản lý và kiểm soát của đảng cầm quyền. 
Điều này hàm ý rằng các tổ chức công đoàn 
không được có ý kiến khác với các chủ 
trương, chính sách đã quyết định của đảng 
cầm quyền [11]. Đầu những năm 1980, đề 
xuất cải cách luật lao động cũng không có 
thay đổi nào đối với các quyền này của 
người lao động [7]. Đến năm 1995, với tinh 
thần của cam kết về lao động trong 
NAFTA, Thỏa thuận “Hướng tới văn hóa 
lao động mới” được ký kết giữa Hiệp hội 
giới chủ Mexico (MEA) và Tổng Công 
đoàn Lao động Mexico (CTM), mở ra các 
nguyên tắc mới cho cải cách pháp luật lao 
động của Mexico theo hướng đảm bảo các 
quyền tự do tổ chức, tự do hiệp hội, thương 
lượng tập thể và bày tỏ ý kiến của các bên 
doanh nghiệp và người lao động trong quan 
hệ lao động. Nhờ đó, Luật Lao động 
Mexico năm 2000 được sửa đổi theo hướng 
tuân thủ các nguyên tắc về các TCLĐ cốt 
lõi của người lao động theo chuẩn quốc tế. 
Trong 8 công ước cốt lõi của ILO, 
Mexico đã phê chuẩn 7 công ước. Riêng đối 
với Công ước 98 về thương lượng tập thể, 
Mexico chưa phê chuẩn cho đến ngày 
20/9/2018. Tuy nhiên, điểm quan trọng là, 
pháp luật quốc gia về quyền thương lượng 
tập thể của Mexico cũng không mâu thuẫn 
với quy định của Công ước 98. Pháp luật 
lao động liên bang Mexico có những điều 
khoản quy định về thương lượng tập thể 
tương thích với quy định của Công ước 98, 
cụ thể là: Điều 2, Điều 357-359, Điều 391 - 
396 quy định về quyền thương lượng tập 
thể ngang với Công ước 98 của ILO [9]. 
Ngày 20/9/2018, Mexico đã phê chuẩn 
Công ước 98 của ILO, đưa đến việc phê 
chuẩn toàn bộ 8 Công ước nền tảng về 
TCLĐ cốt lõi của ILO. 
Về các TCLĐ liên quan tới điều kiện 
làm việc, Mexico đã sửa đổi pháp luật lao 
động trên tinh thần: (a) tạo cơ hội tiếp cận 
việc làm cho người lao động; (b) thiết lập 
cơ chế thúc đẩy công lý (justice) trong giải 
quyết các tranh chấp về lao động; và (c) 
thúc đẩy dân chủ trong các tổ chức của 
người lao động nhằm trao quyền quyết định 
của tổ chức cho đoàn viên của tổ chức [15]. 
Luật lao động (sửa đổi) quy định các điều 
kiện lao động thỏa đáng và thực hiện 
nguyên tắc “việc làm thỏa đáng” (decent 
work) theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó bao 
gồm: quyền của người lao động được tôn 
trọng nhân phẩm, đảm bảo các TCLĐ về 
xây dựng tiền lương tối thiểu, thời giờ làm 
việc, an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm 
việc làm, đào tạo nghề trên cơ sở nguyên 
tắc thương lượng và đàm phán. Luật Lao 
động Mexico quy định về không phân biệt 
đối xử nam nữ, không định kiến giới, không 
phân biệt đối xử trong việc làm và nghề 
nghiệp vì lý do tàn tật, tôn giáo hay tín 
ngưỡng. Luật cũng quy định: người sử dụng 
lao động có nghĩa vụ phải đào tạo thường 
xuyên cho người lao động. Đặc biệt, Luật 
quy định việc bảo vệ các nhóm lao động 
yếu thế, quy định doanh nghệp phải cung 
cấp phương tiện đầy đủ cho lao động bị tàn 
tật, nghiêm cấm việc doanh nghiệp yêu cầu 
lao động nữ không được mang thai trong 
quá trình lao động, nghiêm cấm doanh 
nghiệp đưa ra chính sách ưu tiên tuyển 
dụng hay thăng tiến đối với người lao động 
không mang thai (một thực trạng khá phổ 
biến ở Mexico thời điểm đàm phán 
NAFTA). Luật cũng quy định các hình phạt 
nặng đối với hành vi quấy rối tình dục trong 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 - 2019 
54 
lao động, sử dụng lao động là trẻ em, coi 
việc thuê lao động trẻ em dưới 14 tuổi là tội 
phạm hình sự. Dù dưới bất kỳ hình thức 
hợp đồng lao động nào, mọi người lao động 
đều được tham gia các chương trình an sinh 
xã hội của nhà nước [15]. 
Như vậy trong số các TCLĐ theo cam 
kết của NAFTA, Mexico phải thực hiện 8 
TCLĐ theo các Công ước ILO cốt lõi mà 
Mexico đã phê chuẩn, bao gồm các TCLĐ 
liên quan tới quyền tự do hiệp hội. Đó là, 
quyền tự do thành lập công đoàn; quyền tự 
do liên kết tạo thành các hiệp hội rộng lớn 
hơn của người lao động (Công ước 87); 
quyền thương lượng tập thể (Công ước 98); 
quyền đình công (Công ước 87); nghiêm 
cấm cưỡng bức người lao động làm việc 
(Công ước 29 và 105); nghiêm cấm sử dụng 
lao động là trẻ em (Công ước 138 và 182); 
xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử về việc làm 
và nghề nghiệp giữa lao động nam và lao 
động nữ (Công ước 100 và 101); trả lương 
bình đẳng dựa trên giá trị công việc cho lao 
động nam và lao động nữ (Công ước 100 và 
101). Nếu trong quá trình thực hiện cam kết 
về lao động trong NAFTA và từ những vi 
phạm lao động nảy sinh trong thực tiễn, 
phát hiện thấy pháp luật quốc gia không 
tương thích/hoặc trái với các quy định của 
các Công ước cốt lõi này, Mexico sẽ phải 
sửa đổi pháp luật quốc gia cho phù hợp. 
Các TCLĐ khác liên quan tới việc làm, tiền 
lương tối thiểu, an toàn vệ sinh lao động, 
đào tạo nghề, đều được đảm bảo ở mức 
tối thiểu trong pháp luật quốc gia và được 
thực hiện theo quy định của pháp luật quốc 
gia. Các TCLĐ cao hơn sẽ dựa trên đối 
thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các 
bên quan hệ lao động. 
Thứ hai, thành lập các thể chế thực thi 
cam kết về lao động. 
Sau khi NAALC có hiệu lực, Mexico 
thành lập các thể chế theo cam kết trong 
hiệp định, bao gồm Ủy ban hợp tác về lao 
động, văn phòng quản lý quốc gia (NAO) 
và các ủy ban tư vấn cho chính phủ. Tuy 
nhiên, điểm đáng chú ý là, có nhiều thể chế 
và quy định chỉ được Mexico điều chỉnh 
trên cơ sở các khuyến nghị đưa ra sau các 
khiếu nại được giải quyết theo quy trình đã 
nêu ở trên. Cụ thể có 4 thể chế và quy định 
như sau: 1) Chính phủ Mexico hình thành 
các văn phòng phụ trách riêng các vấn đề 
cụ thể (special issues offices) trực thuộc 
Ban Thư ký để điều tra về các vấn đề lao 
động (như: lao động trẻ em, lao động nữ, 
người khuyết tật, bình đẳng giới). 2) 
Mexico liên tục cải tiến về thanh tra lao 
động. Trong giai đoạn 1994-1996, ngân 
sách dành cho thanh tra lao động tăng 
250%. Trong hai năm 2000-2001, ngân 
sách đã tăng thêm 10 lần và giữ nguyên đến 
năm 2009 [3]. Ngân sách thanh tra lao động 
tăng hỗ trợ cho đào tạo thanh tra lao động, 
nâng cao chất lượng thanh tra lao động, 
tăng đáng kể số lượng thanh tra viên và số 
doanh nghiệp được thanh tra lao động, từ 
đó góp phần cải thiện tình hình vi phạm về 
lao động ở các doanh nghiệp [3]. 3) Mexico 
thành lập nhiều Ủy ban trọng tài để giải 
quyết các vấn đề về lao động, như tranh 
chấp về tiền lương hay sa thải người lao 
động, tranh chấp về bình đẳng giới hay an 
toàn vệ sinh lao động [14]. 4) Về thực hành 
dân chủ trong quyết định các vấn đề lao 
động, Mexico ban hành quy định sử dụng 
hình thức bỏ phiếu kín. Việc này ban đầu 
được áp dụng ở cấp liên bang, và sau đó, 
cấp địa phương cũng điều chỉnh và áp dụng 
hình thức bỏ phiếu kín [15]. 
Gần đây nhất, năm 2016, trước sức ép 
điều chỉnh pháp luật và thể chế do các 
Phạm Thị Thu Lan 
55 
khiếu nại liên quan tới vi phạm hệ thống về 
TCLĐ, Mexico quyết định sửa đổi pháp 
luật [8]. Các nội dung sửa đổi cụ thể như 
sau: 1) Xóa bỏ các ủy ban hòa giải và trọng 
tài hiện tại, và chuyển các chức năng pháp 
lý của các cơ quan này sang cơ quan tư 
pháp. Trung tâm hòa giải cấp bang và liên 
bang mới (một cơ quan hòa giải “chuyên 
trách và không thiên vị”) được thành lập để 
tiến hành hòa giải các tranh chấp lao động 
trước khi đưa các vụ việc ra tòa. 2) Chức 
năng hành chính của các ủy ban hòa giải và 
trọng tài cũ (ví dụ: đăng ký công đoàn), 
được giao cho một cơ quan liên bang mới, 
chuyên trách và không thiên vị. Chủ tịch cơ 
quan này do Quốc hội bầu. 
Mặc dù đã thực hiện hai biện pháp trên, 
song Mexico vẫn không cải thiện được 
nhiều về tình hình lao động. Trước 
NAFTA, các vi phạm về lao động vốn đã 
nhiều và việc thực thi trong nước không 
hiệu quả, nên ngay sau NAFTA và các năm 
về sau, Mexico liên tục phải đối mặt với các 
khiếu nại quốc tế cáo buộc Mexico không 
thực thi các TCLĐ. 
Ban đầu, Mexico từ chối hoặc phủ nhận 
các cáo buộc đưa ra với các lập luận của 
mình [3]. Các khiếu nại ban đầu liên quan 
tới các vi phạm vụ việc cụ thể ở các doanh 
nghiệp cụ thể, song càng về sau, các khiếu 
nại mang tính hệ thống hơn, không chỉ 
khiếu nại về từng vụ việc cụ thể, mà khiếu 
nại đòi nhà nước phải thay đổi hệ thống, tức 
là điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật 
về thực thi cùng với hình thành các cơ chế 
giám sát thường xuyên, đảm bảo thực thi có 
hiệu quả. NAFTA không có lộ trình thời 
gian cụ thể về thực hiện cam kết lao động, 
nên quá trình khiếu nại và xử lý khiếu nại 
thường kéo dài. Nghiên cứu các vụ việc 
khiếu nại cụ thể cho thấy: từ khi gửi khiếu 
nại đến khi thực hiện xong bước một và 
chuyển sang bước hai của quy trình giải 
quyết khiếu nại thường mất cả năm, thậm 
chí hai hoặc ba năm [3]. 
Các vụ việc khiếu nại đối với Mexico 
thường chỉ được giải quyết khi phải đưa ra 
điều trần, hay thảo luận tại hội thảo, hội 
nghị quốc tế công khai. Các bên liên quan, 
các cá nhân và tổ chức quan tâm đều được 
tham dự và trình bày các bằng chứng, ý 
kiến, quan điểm của mình. Quy trình giải 
quyết khiếu nại kéo dài. Điều đó buộc chính 
phủ phải nhìn nhận lại việc thực thi pháp 
luật của mình. Bản thân các doanh nghiệp, 
khi bị nêu tên trong các buổi điều trần, hội 
thảo, hội nghị, thì cũng tự thấy cần phải sửa 
đổi hành vi vi phạm của mình. Quá trình 
giải quyết khiếu nại khiến Mexico không 
thể “bỏ ngoài tai” những ý kiến phê bình, 
chỉ trích và buộc phải chấp nhận “được và 
mất” trong các biện pháp đưa ra. Về kết quả 
khiếu nại, Mexico thường phải áp dụng các 
biện pháp tăng cường thực thi pháp luật, 
đảm bảo các doanh nghiệp không vi phạm. 
Tuy nhiên, các khiếu nại vụ việc không 
đưa đến cải thiện tình hình lao động trong 
cả nước, vì vậy các khiếu nại sau này được 
gộp lại thành khiếu nại chung. Khiếu nại 
gần đây nhất đối với Mexico là năm 2015. 
Khiếu nại đó do rất nhiều tổ chức cùng gửi 
khiếu nại, cáo buộc Mexico vi phạm một 
loạt các vấn đề lao động (bao gồm: tự do 
hiệp hội, quyền tổ chức, quyền thương 
lượng tập thể, tiêu chuẩn tối thiểu theo luật, 
phân biệt đối xử về việc làm, tai nạn lao 
động và bệnh nghề nghiệp và đền bù) [13]. 
Bổ sung thêm vào khiếu nại này, ngày 
25/1/2018, các công đoàn Mỹ và công đoàn 
Mexico phối hợp gửi thêm khiếu nại tới 
NAO Mỹ. Khiếu nại này cáo buộc Mexico 
vi phạm điều khoản cam kết về “xây dựng 
các tiêu chuẩn lao động cao” và “nỗ lực để 
cải thiện các tiêu chuẩn lao động” [10], với 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 - 2019 
56 
các vụ việc liên quan tới Công ty lốp xe 
Goodyear [16], Công ty PKC sản xuất dây 
điện và Công ty khai khoáng Torex Gold 
[18] về vi phạm nghiêm trọng quyền công 
đoàn; và yêu cầu Chính phủ Mexico giải 
quyết một cách hệ thống, điều chỉnh thể chế 
và quy định pháp luật về lao động nhằm 
thực thi có hiệu quả trong cả nước. 
Cho đến nay, các khiếu nại vụ việc đều 
được giải quyết và đưa đến cải thiện ở các 
doanh nghiệp vi phạm và bị khiếu nại, song 
các khiếu nại hệ thống thì chưa được giải 
quyết. Các khiếu nại hệ thống cho thấy: sau 
25 năm thực hiện cam kết về lao động trong 
NAFTA, tình hình lao động ở Mexico vẫn 
chưa cải thiện thực sự, và là một trong 
những nguyên nhân chính đưa tới việc đàm 
phán lại NAFTA, thách thức lợi ích quốc 
gia Mexico. 
4. Kết luận 
Phiên bản mới NAFTA đàm phán lại năm 
2018 với tên gọi Hiệp định Mỹ-Canada-
Mexico (USMCA/CUSMA) yêu cầu tuân 
thủ đầy đủ trong pháp luật và thực tiễn các 
Công ước cốt lõi của ILO, với đòi hỏi 
Mexico tiếp tục cải thiện các quy định về 
lao động, đặc biệt liên quan tới quyền tự do 
hiệp hội và thương lượng tập thể, trong đó 
quan trọng nhất là quy định ngăn chặn trả 
lương thấp để thu hút đầu tư ở Mexico [8]. 
NAFTA 2018, yêu cầu Mexico phải sửa đổi 
pháp luật lao động phù hợp với các tiêu 
chuẩn lao động quốc tế, và đòi hỏi thực thi 
nghiêm ngặt. Ở NAFTA 2018, nội dung về 
lao động là trọng tâm của hiệp định; các 
cam kết về lao động được đối xử giống như 
với các cam kết về thương mại và đầu tư, 
và áp dụng chung cơ chế thực thi và trừng 
phạt khi vi phạm [17]. Trong khi đó, 
NAFTA 1994 áp dụng cơ chế thực thi riêng 
đối với cam kết về lao động, nhẹ hơn rất 
nhiều so với cơ chế thực thi cam kết về 
thương mại và đầu tư. 
Mặc dù USMCA/CUSMA đang trong 
thời kỳ phê chuẩn và chưa có hiệu lực, song 
NAFTA 2018 cho thấy thực tiễn thực hiện 
cam kết về lao động trong NAFTA 1994 
không hiệu quả ở Mexico. Với cơ chế thực 
thi chặt chẽ và trừng phạt thương mại, coi 
vi phạm về lao động ngang hàng với các vi 
phạm về thương mại, NAFTA 2018 hàm ý 
khía cạnh lao động, nếu tiếp tục không 
được đảm bảo, có thể trở thành nhân tố ảnh 
hưởng bất lợi cho thương mại và đầu tư của 
Mexico trong quan hệ với các đối tác của 
NAFTA giai đoạn tới. 
Tài liệu tham khảo 
[1] AFL-CIO (2003), Justice for all: A guide to 
worker rights in the global economy, American 
Center for International Labor Solidarity. 
[2] Friedman S. (1992), “NAFTA as Social 
Dumping”, JTOR Journal Storage, Vol. 35, 
No. 5. 
[3] Garcia K. (2010), Norms Socialization and 
NAFTA's Side Accord on Labor, CIDE, El 
Centro pulicia. 
[4] Gruber L. (2000), Ruling the World: Power 
Politics and the Rise of Supranational 
Institutions, Princeton, N.J.: Princeton 
University Press. 
[5] Juan D. M. (2010), Divergent reactions to 
globalization: Labor Unions and the Nafta and 
the EU Enlargement Process, Institut 
Barcelona d’Estudis Internacionals, 
Universidad Carlos III de Madrid 
[6] Kay T. (2005), “Labor Transnationalism and 
global Governance: The Impact of NAFTA on 
Transnational Labor Relationships in North 
Phạm Thị Thu Lan 
57 
America”, American Journal of Sociology, 
111 (3). 
[7] LaBotz D. & Alexander R. (2005), The 
Escalating Struggles Over Mexico's Labor 
Law, NACLA Reporting on the Americas 
since 1967. 
[8] Labour Advisory Committee (2018), Report on 
the Impacts of the Renegotiated North 
American Free Trade Agreement, by The 
Labor Advisory Committee on Trade 
Negotiations and Trade Policy September 27. 
[9] MSN (2016), Freedom of Association and the 
Right to Bargain Collectively in Mexico, 
Maquila Solidarity Network (MSN). 
[10] NAFTA-NAALC (1994), Text North 
American Agreement on Labor Cooperation 
(NAALC) signed between the Government of 
the United States of America, the Government 
of Canada and the Government of the United 
Mexican States. 
[11] Oliver R. S. (2012), Mexico’s Dilemma: 
Workers’ Rights or Workers’ Comparative 
Advantage in the age of globalization. 
[12] Sousa, D. J (2001), “Democracy and Markets: 
The IPE of NAFTA”, D. N. Vaseth, 
Introduction to International Political 
Economy, New Jersey: Pearson Education. 
[13] USDOL (2018), Submissions under the Labor 
Provisions of Free Trade Agreements, Bureau 
of International Labor Affairs, United States 
Department of Labour. 
[14] USDOS (2000), 1999 Country Reports on 
Human Rights Practices, US Department of 
State, Februbary. 
[15] Embassy of Mexico, Washington DC (April 
2010), Fact sheet - Labour Reform in Mexico, 
the Embassy of Mexico. 
[16] IndustriALL (2018), Goodyear Mexico fires 
workers for setting up their own union, 
Associated Press. 
[17] 
whats-deal 
[18] https://www.statista.com/statistics/ 
188628/united-states-direct-investments-in-
mexico-since-2000/ 

File đính kèm:

  • pdfquy_dinh_ve_lao_dong_trong_hiep_dinh_thuong_mai_tu_do_bac_my.pdf