Một trăm năm cải lương là năm nào?

Tháng 12/1966, Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn đã tổ chức Kỷ niệm 50

năm thành lập nghệ thuật cải lương. Tại buổi lễ kỷ niệm này, một diễn giả đã khẳng

định chắc rằng, cải lương ra đời năm 1916! Cuối năm đó, tạp chí Tin văn do nhà

văn Nguyễn Ngọc Lương bút danh Nguyễn Nguyên ra số đặc biệt, số 13, để “Kỷ

niệm nửa thế kỷ sân khấu cải lương”! Vậy cải lương ra đời năm 1916?

Không! Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng nói “quý vị mặc tình muốn

đặt năm sanh của cải lương vào năm nào tùy ý mỗi người” (Vương Hồng Sển,

50 năm cải lương, Tủ sách Nam Chi Sài Gòn, 1968, trang 18). Còn nhà nghiên

cứu Nguyễn Tuấn Khanh lại trích Vương Hồng Sển thành “Cải lương là đứa con

không cha nên mạnh ai muốn khai tên cha mẹ và khai năm sanh tháng đẻ làm sao

cũng được” (Nguyễn Tuấn Khanh, Bước đường của cải lương, Viện Việt học USA,

2014, trang 5).

pdf 8 trang kimcuc 9600
Bạn đang xem tài liệu "Một trăm năm cải lương là năm nào?", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Một trăm năm cải lương là năm nào?

Một trăm năm cải lương là năm nào?
82 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
MỘT TRĂM NĂM CẢI LƯƠNG LÀ NĂM NÀO?
 Trần Nhật Vy*
Tháng 12/1966, Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn đã tổ chức Kỷ niệm 50 
năm thành lập nghệ thuật cải lương. Tại buổi lễ kỷ niệm này, một diễn giả đã khẳng 
định chắc rằng, cải lương ra đời năm 1916! Cuối năm đó, tạp chí Tin văn do nhà 
văn Nguyễn Ngọc Lương bút danh Nguyễn Nguyên ra số đặc biệt, số 13, để “Kỷ 
niệm nửa thế kỷ sân khấu cải lương”! Vậy cải lương ra đời năm 1916?
Không! Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng nói “quý vị mặc tình muốn 
đặt năm sanh của cải lương vào năm nào tùy ý mỗi người” (Vương Hồng Sển, 
50 năm cải lương, Tủ sách Nam Chi Sài Gòn, 1968, trang 18). Còn nhà nghiên 
cứu Nguyễn Tuấn Khanh lại trích Vương Hồng Sển thành “Cải lương là đứa con 
không cha nên mạnh ai muốn khai tên cha mẹ và khai năm sanh tháng đẻ làm sao 
cũng được” (Nguyễn Tuấn Khanh, Bước đường của cải lương, Viện Việt học USA, 
2014, trang 5).
Và để nghiên cứu sâu thêm với điều kiện mới, năm 1997, nhạc sĩ Kiều Tấn 
trong luận án làm tại Berlin, Đức “Cây đàn ghita phím lõm” đã quả quyết “Đến 
năm 1918, nghệ thuật sân khấu cải lương được chính thức ra đời tại Mỹ Tho bởi 
gánh hát thầy Năm Tú của Châu Văn Tú với vở Kim Vân Kiều đầu tiên của Trương 
Duy Toản tự Mạnh Tự” (Kiều Tấn, “Cây đàn ghita phím lõm”, Berlin, 1997, trang 
29). Rồi tới năm 2007, Tuấn Giang trong tác phẩm Lịch sử cải lương phổ biến trên 
mạng internet, tỏ ra chắc chắn rằng “Sự ra đời sân khấu cải lương, số đông các nhà 
nghiên cứu thống nhất vào ngày 15-11-1918, hoặc năm 1918 là năm ra đời sân 
khấu cải lương. Có hai ý kiến cho rằng sân khấu cải lương ra đời năm 1919, sau 
khi so sánh nhiều nguồn tư liệu tôi đồng tình với nhận định của các nhà nghiên cứu 
và giới báo chí Sài Gòn lấy năm 1918 xuất hiện nghệ thuật cải lương. Người đầu 
tiên trương biển hiệu “hát cải lương” là ban ca kịch của ông Châu Văn Tú, ông 
luyện tập hai vở: Kiều Nguyệt Nga và Kim Vân Kiều, nhưng khi công diễn chọn 
vở Kim Vân Kiều. Người đầu tiên, phát minh ra trò diễn carabộ là cô Ba Đắc. Tác 
giả đầu tiên của trò diễn carabộ có tính cải lương là ông phó Mười Hai.(1) Tác giả 
đầu tiên có vở diễn cải lương diễn trọn tác phẩm Kim Vân Kiều, ba đêm mới hết 
là ông Trương Duy Toản”. (
action=detail&id=16404).
Gần đây nhất, trên báo Thanh niên, đạo diễn Hồng Dung, con gái của NSND 
Năm Châu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, 
TRAO ĐỔI
* Thành phố Hồ Chí Minh.
83Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, cũng 
khẳng định: “Riêng tôi biết thì Kim Vân Kiều của ông Trương Duy Toản mới là vở 
cải lương đầu tiên. Lúc đó đang thịnh hành ca ra bộ, ông Trương Duy Toản viết 
nhiều lớp riêng lẻ cho nghệ sĩ ca, rồi sau ông ghép các lớp lại với nhau, bố cục 
lại chặt chẽ, thành ra một tuồng”. (https://thanhnien.vn/van-hoa/cai-luong-qua-1-
the-ky-buoi-dau-cai-cach-hat-ca-theo-tien-bo-948148.html).
Dù rằng hai ông Kiều Tấn và Tuấn Giang không có chứng minh nào cho sự 
khẳng định của mình nhưng thời điểm, tuồng, tác giả như hai ông nói đã được đa 
số người trong nghề chịu! Cả bà Hồng Dung cũng vậy, chỉ nói miệng mà không 
có gì chứng minh. Và hình như hiện nay có một số tổ chức, cá nhân đang rục rịch 
chuẩn bị kỷ niệm 100 năm cải lương.
Xin thưa với các vị, những điều mà quý vị xác định là hoàn toàn trật lất! Bởi 
năm 1918, thầy Năm Tú chưa có gánh hát mà chỉ mới cất rạp chiếu phim; ông 
Trương Duy Toản chưa được thoát án “an trí” còn bị bó chân ở Cần Thơ và tuồng 
Kim Vân Kiều đã có bài ca vọng cổ. Theo tài liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du 
lịch Bạc Liêu thì “bản Dạ cổ hoài lang được ông (Cao Văn Lầu) sáng tác năm 
1919” (Vọng mãi bản Dạ cổ hoài lang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, 
2008, trang 7). Dạ cổ hoài lang sau này được gọi là bản vọng cổ.
Trước hết về thầy Năm Tú:
Thầy Năm Tú tên thật là Châu Văn Tú, còn gọi là Pierre Tú vì có quốc tịch 
Pháp, sanh năm 1878, là người xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. 
Ông từng đi Pháp và rất say mê ca nhạc. Năm 1918, ông xây một rạp chiếu bóng 
bên hông chợ Mỹ Tho tên Cinéma Palace (nay là rạp Tiền Giang), được dân chúng 
gọi là rạp thầy Năm Tú. Năm 1922, sau khi sang lại gánh hát của thầy Năm Thận 
tức André Thận ở Sa Đéc, thầy Năm Tú mới lập gánh hát thầy Năm Tú và sửa sang 
lại rạp chiếu bóng của mình để làm nơi diễn cải lương thường trực.
Gánh hát thầy Năm Tú biểu diễn lần đầu ở Sài Gòn vào ngày 11/11/1922 
tại rạp Modern (đọc là rạp Mô Đẹc, sau này là rạp xi nê Lê Lợi) số 212 đường 
Espagne (Lê Thánh Tôn). Sau đó, gánh hát thầy Năm Tú hàng tuần diễn ở rạp thầy 
Năm Tú ở Mỹ Tho ba đêm và ba đêm còn lại diễn ở rạp Eden Chợ Lớn (sau này 
là rạp xi nê Victory Lê Ngọc). Hoạt động tới năm 1928 thì rã gánh tại Cái Bè, Mỹ 
Tho. Thầy Năm Tú được ghi nhận có công lớn trong việc phổ biến cải lương qua 
dĩa hát Pathé có hình con gà trống với lời giáo đầu “Đây là bạn hát cải lương của 
thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, ca cho hãng dĩa Pathé phono nghe chơi”.
Lẽ ra nên ghi công cho thầy Năm Tú một điều nữa, đó là gánh hát của ông 
đã đưa lên sân khấu tuồng hát đầu tiên “có bản vọng cổ hoài lang” là tuồng Kim 
Vân Kiều. 
84 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
Vâng, cho tới nay tôi chưa tìm thấy tuồng cải lương nào trước Kim Vân Kiều 
có bản “Dạ cổ hoài lang”. Xin trích vài đoạn trong tuồng Kiều du Thanh minh.
Túy Vân: ca vọng cổ hoài lang
Này lời em khuyên dứt, 
Chị chớ chác thãm đeo sầu.
Mà đi nghĩ - suy cơ - cầu.
Cho hao tổn tinh - thần.
Túy Kiều:
Vì em chẳng suy nên lầm. Niềm riêng tưởng thôi xót dạ.
Thân người là thân ta. Nay thấy người nằm đó rồi sau...
Nầy hồng - nhan tự thuở. Rồi sau nầy biết ta thể nào?
Trong cái đều bạc mạng chừa ai? Xót chung phận má đào
Bài ca vọng cổ và ca khúc Tây Marseillaise trong tuồng Kiều du Thanh minh.
Với những bài ca cổ này, chắc chắn Kim Vân Kiều phải ra đời sau năm 1919 
hoặc 1920, thời điểm bài ca này được ông Cao Văn Lầu cho ra đời.
Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong 50 năm cải lương còn ghi rõ “mấy 
buổi diễn của gánh hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho lên Sài Gòn hát tại rạp Modern 
85Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
cinéma ở đường d’Espagne số 212 “đêm thứ bảy 11 và chúa nhựt 12 Novembre 
1922. Hát cải lương tuồng Kim Vân Kiều. Hát hai hồi. Hồi thứ nhứt Túy Kiều du 
Thanh minh ngộ Kim Trọng. Hồi thứ nhì-Kiều nữ mại thân cứu phụ... Tuần tới 
ngày thứ bảy 18 và chúa nhựt 19 Novembre 1922 sẽ hát tuồng Kim Vân Kiều tiếp 
theo: Hồi thứ ba Kiều nhập thanh lâu và thứ tư Hoạn Thơ ghen bắt Túy Kiều” 
(Vương Hồng Sển, sách đã dẫn, trang 226-227).
Tuồng Kim Vân Kiều mà tôi có trong tay do nhà in Saigon Nguyễn Văn Viết 
in vào tháng 3/1926 thì Kim Vân Kiều là tuồng cải lương gồm 3 tuồng, mỗi tuồng 
có 7 màn với 65 bài ca và 4 bài thi (thơ). Muốn coi hết Kim Vân Kiều thì phải tốn 
ba đêm diễn! 
Ai là tác giả tuồng Kim Vân Kiều?
Lâu nay, nhiều người cho rằng, tác giả tuồng Kim Vân Kiều là ông Mạnh Tự 
Trương Duy Toản. Xin xem lại hành trạng ông Mạnh Tự.
Trương Duy Toản (1885-1957) là một nhà cách mạng, một nhà văn, một nhà 
báo từ đầu thế kỷ 20, từng đi nhiều nơi trên thế giới và là thư ký của Kỳ Ngoại 
Hầu Cường Để. Năm 1913, ông bí mật xuất cảnh sang Thượng Hải rồi sau đó cùng 
Cường Để sang Paris. Tại đây ông đã bị Pháp bắt giam đến năm 1916, rồi bị đưa 
về an trí ở Nhơn Ái, Phong Điền (Cần Thơ). Đến năm 1919, nhờ Trần Chánh Chiếu 
và Nguyễn Văn Của can thiệp ông mới được thong thả và trở lại nghề báo. Xin lưu 
ý, chủ nhà in ông Huyện Nguyễn Văn Của thời điểm này (1919) là người rất có 
thế lực ở Nam Kỳ. Ông là chủ nhà in Union nổi tiếng, chủ tờ Nam Trung nhựt báo, 
Chủ tịch Hội Báo chương Nam Kỳ và là cha của một sĩ quan Pháp, Nguyễn Văn 
Xuân, có công trạng trong Chiến tranh Thế giới lần I; người sau này làm Thủ tướng 
Chính phủ Nam Kỳ tự trị. Với thế lực ấy, việc can thiệp một “can phạm chánh trị” 
vốn là nhà văn có tiếng, nhà báo trở lại nghề cũng là việc không khó lắm.
Cái khó ở đây là làm thế nào trong thời gian bị quản chế ở Phong Điền ông 
Toản có thể làm “thầy tuồng” cho gánh hát thầy Năm Tú vào năm 1918? Có thể 
trong thời gian ở Phong Điền ông có viết một số bài bản ca tài tử gởi cho gánh hát 
xiệc của ông André Lê Văn Thận (còn gọi là thầy Năm Thận) ở Sa Đéc. Song việc 
ngồi sau cánh gà để làm thầy tuồng thì... Xưa các gánh hát thường không có đạo 
diễn, một tuồng hát lên sàn diễn, thì tác giả thường kiêm đạo diễn ngồi sau cánh gà 
để chỉ đạo cho diễn viên diễn xuất từ khi tập tuồng cho tới lúc ra mắt khán giả. Kim 
Vân Kiều nếu đúng là của Trương Duy Toản thì ông phải ngồi sau cánh gà, mà thời 
điểm này ông là chánh trị phạm bị quản thúc ở Phong Điền làm sao có mặt ở Mỹ 
Tho để làm thầy tuồng được? Giả dụ ông có đi được đi nữa, thì ắt hẳn “lính kín” 
(công an, mật thám) cũng phải lảng vảng quanh rạp. Người làm ăn xưa nay vốn kỵ 
mấy nhân vật này. Buôn bán, hát xướng mà công an, mật thám lảng vảng thì ai dám 
vô mua, ai dám vô coi? Và dĩ nhiên mấy ông bầu gánh hát cũng không dám mời.
86 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
Tác giả của tuồng Kim Vân Kiều mà chúng tôi có trong tay là ông Trương 
Quan Tiền, một nhà báo thời ấy, sau chuyển sang viết tuồng cải lương. Hiện nay 
tôi chưa rõ tiểu sử ông này, chỉ biết ông là nhà báo, quê ở Biên Hòa, đồng hương 
với nhà văn Bình Nguyên Lộc.
Bìa tuồng Hoạn Thơ tróc Kiều. Bìa tuồng Kiều ngộ Từ Hải.
Như vậy có thể nói rằng, tuồng cải lương “có bản vọng cổ đầu tiên” là Kim 
Vân Kiều của tác giả Trương Quan Tiền do gánh hát thầy Năm Tú diễn buổi đầu 
tiên ở rạp Modern sau chợ Sài Gòn vào tháng 11/1922. 
Như vậy cải lương ra đời khi nào? Thế nào là một tuồng cải lương?
Trước hết xin nói về hai chữ “cải lương”.
Cải lương trước tiên được các chính trị gia, các nhà báo thời ấy dùng để phê 
phán các chính sách thay đổi nửa vời, thay đổi chút chút của chính quyền thực 
dân. Lần lần hai chữ này trở thành quen miệng đối với dân chúng khi thấy cái gì 
đó có thay đổi nhưng không thay đổi hoàn toàn. Báo Lục Tỉnh tân văn số ra ngày 
9/3/1923 có bài “Tình trạng cải lương của người mình” của Trung Trực viết “Đang 
buổi phong trào thay cũ làm mới, cái tiếng cải lương xuất hiện ở xứ mình, nghe ra 
một ngày một cổ võ vô cùng, trong dân bất cứ là làm những việc gì đều mượn hai 
tiếng cải lương bịa vào để nghe cho đẹp!”. Nghệ thuật cải lương đã “chiếm” hai 
chữ cải lương khi các gánh hát “cải lương” ra đời. 
Thuở ấy trước áp lực của người thưởng thức nghệ thuật sân khấu đòi hỏi phải 
có cái gì đó mới hơn hát bội, ca tài tử trong phòng trà, lạ hơn kịch Tây thì các sân 
87Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
khấu cải lương ra đời. Tuồng tích thì gần với người Việt (hát bội đa số tuồng tích 
Tàu, kịch thì tuồng Tây hoặc nói toàn tiếng Tây), trang trí sân khấu như hát bội, ăn 
mặc bình thường, có thoại (nói) giống kịch Tây lại có ca như ca tài tử có ra bộ (gọi 
là carabau = ca ra bộ), có hát nhạc Tây, giàn nhạc thì êm ái hơn không ầm ĩ như 
hát bội và không dùng nhiều bộ gõ, lời thoại thì gần với đời sống không pha quá 
nhiều chữ Hán khó hiểu. Các tuồng hát như vậy gọi là tuồng cải lương. Từ năm 
1922 trở đi thì cải lương có thêm bài ca Vọng cổ hoài lang viết theo nhịp bài Dạ cổ 
hoài lang của Cao Văn Lầu. Bài ca này khác hẳn với những bài ca khác của nhạc 
tài tử là có thể thể hiện đủ các trạng thái của nhân vật chớ không như bài ca tài tử. 
Chính vì vậy các tuồng cải lương có bài ca vọng cổ nhanh chóng được khán giả ưa 
chuộng và cũng giúp cho cải lương phất lên nhanh chóng cuối thập niên 1920 và 
các thập niên sau đó.
Tuồng Vì nghĩa quên nhà.
Năm 1916, có phong trào “cải lương hát bội” 
tức phong trào chấn hưng lại nghệ thuật hát bội 
đang chết dần. Người đứng đầu phong trào này 
là nhà báo Lương Khắc Ninh. Không chỉ cổ võ 
bằng miệng (diễn thuyết), đăng báo Lục Tỉnh 
tân văn và Nông cổ mín đàm, mà ông Ninh còn 
lập luôn gánh “cải lương hát bội” thường được 
gọi là gánh Bầu Ninh diễn thường trực tại rạp 
Cầu Muối, đường Hồ Văn Ngà (nay là đường 
Lê Thị Hồng Gấm).
Cũng vào thời điểm ấy, tại Long Xuyên, Hội 
Khuyến học Long Xuyên đã thành lập nhóm 
“Cải lương kịch xã” để diễn thoại kịch hoặc hí 
kịch. Ngày 14/7/1917, nhóm Cải lương kịch xã 
đã đưa tuồng Vì nghĩa quên nhà bằng hai thứ 
tiếng Việt Pháp do Đốc phủ Lê Quang Liêm 
và Đốc phủ Hồ Văn Trung (tên thật của nhà 
văn Hồ Biểu Chánh) hợp soạn, lên sàn diễn tại 
Long Xuyên. Tuồng đã tạo được tiếng vang 
nên nhóm Cải lương kịch xã được mời lên Sài Gòn diễn tại rạp hát bóng Eden(2) 
vào hai ngày 11 và 12/9/1917, rồi sau đó đi diễn ở Gò Vấp và một vài nơi khác. 
Nhà báo Nguyễn Chánh Sắt viết trên Nông cổ mín đàm ngày 6/9/1917: “Bổn quán 
xin nhắc cho liệt vị rõ rằng bạn hát Cải lương này toàn là mấy thầy trong hội 
khuyến văn tỉnh Long Xuyên làm tuồng, đều là người có học thức, chớ chẳng phải 
như hát bội Annam mà chúng ta xem thường tự thuở đến nay đâu”. (Nguyễn Tuấn 
Khanh, sách đã dẫn, trang 88).
88 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
Đến năm 1918, dưới sự cổ võ của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarrault, 
giới trí thức nhân sĩ của Sài Gòn và Nam Kỳ đã tổ chức một cuộc hát cải lương 
nhằm quyên góp giúp người Pháp tái thiết sau Thế chiến thứ I. Cuộc hát này do Hội 
Báo chương Nam Kỳ (tương tự Hội Nhà báo hiện nay) đứng ra vận động với người 
đứng đầu là ông Nguyễn Văn Của, huyện hàm, chủ nhà in, Tổng lý Nam Trung nhựt 
báo và là Chủ tịch Hội Báo chương Nam Kỳ. Tuồng cải lương hát bội biểu diễn là 
tuồng Pháp Việt nhứt gia do hai nhà báo Đặng Thúc Liêng và Nguyễn Viên Kiều 
hợp soạn. Diễn viên cũng hầu hết là nhà báo như Nguyễn Viên Kiều (chủ bút Nam 
Trung nhựt báo) vai Vê Rô (Bá Đa Lộc), Nguyễn Chánh Sắt (chủ bút báo Nông 
cổ mín đàm) vai Lê Văn Duyệt, Hồ Văn Trung, chủ nhiệm tạp chí Đại Việt, vai Lý 
trưởng, Nguyễn Kim Đính (chủ bút Công luận báo) vai dân làng. Nhạc công thì có 
Ký Quờn (Trần Quang Quờn) tòa án Vĩnh Long, Ký Hiệp, nghiệp chủ Sài Gòn, Cao 
Quỳnh Cư, thơ ký hãng xe lửa, Ba Thảo, nghiệp chủ Mỹ Tho... Vì có sự ủng hộ của 
Albert Sarrault nên dân chúng gọi nhóm hát này là “gánh hát Bầu Rô”. Buổi diễn 
đầu tiên vào đêm 20/10/1918 tại nhà hát Tây (nhà hát thành phố hiện nay), qua đêm 
21/10 diễn tại rạp Eden trong Chợ Lớn, đêm 22/10 diễn ở rạp Hội đồng Ngàn trong 
Gò Vấp. Sau đó, gánh hát đã đi Lục tỉnh biểu diễn cho đến hết tháng 11/1918 mới rã.
Năm 1919, tại Sa Đéc, ông Lê Văn Thận còn gọi là André Thận hoặc thầy 
Năm Thận nguyên là “cò tàu” (kiểm soát viên tàu bè), vì mê nghệ thuật nên mời 
một số người trong hội Sadec Amis lập một gánh hát xiệc lấy tên Sa Đéc Tâm 
Chơn Ban, sau đó đổi thành Tân Nam Việt, còn gọi là Cirque Jeune Annam, dân 
chúng quen gọi là gánh hát xiệc thầy Năm Thận. Gánh này trình diễn lần đầu tại 
Sa Đéc vào tháng 8/1918 với các tiết mục hát bóng, hát xiệc, ảo thuật, đờn ca và 
chưng bươm bướm. Chưng bướm bướm là múa theo kiểu Tây phương, diễn viên 
mặc áo lụa mỏng có thêu kim tuyến.
Sau một thời gian diễn gánh của André Thận được gọi là gánh “hát xiệc cải 
lương” vì có một số bài bản ca ra bộ do ông Trương Duy Toản viết. 
Từ năm 1921 trở đi thì đã có nhiều gánh hát ra đời như tháng 8/1921 gánh 
Tân Thinh ra đời ở rạp Bồ Rệt (đường Yersin hiện nay), tháng 9/1921 gánh Văn Hí 
Ban khai trương ở một rạp trên đường Gò Công Chợ Lớn. Rồi sau đó là Tập Ích 
Ban, Tân Ích Ban, Kỳ Lân Ban, Đồng Bào Nam... Tất nhiên có nhiều gánh hát thì 
có cạnh tranh. Vì không có rạp, phải đầu tư nhiều về trang phục và trang thiết bị và 
có thể cả tuồng mới nữa, nên André Thận coi như phá sản. Ông đã cho rã gánh sau 
buổi diễn ngày 19/3/1922 tại rạp Modern đường Espagne. Số đào kép của André 
Thận đã được sang lại cho thầy Năm Tú để lập gánh hát thầy Năm Tú.
Như vậy có thể nói rằng, những gì được viết gần đây về lịch sử cải lương còn 
nhiều lầm lẫn, thiếu chính xác. Và việc chọn một tiêu chí “cải lương” để kỷ niệm 
100 năm cải lương là chưa có.
89Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
Nếu chọn kỷ niệm cải lương là lúc có đoàn hát hoặc vở diễn đầu tiên thì thời 
điểm là năm 1917, thời điểm ra đời tuồng Vì nghĩa quên nhà của nhóm Cải lương 
kịch xã ở Sa Đéc, năm nay đã quá 100 năm. Nếu tiêu chí chọn gánh hát ra đời đầu 
tiên thì phải là gánh của thầy Năm Thận ra đời năm 1919. Hoặc chọn tuồng có bài 
ca vọng cổ thì phải chọn Kim Vân Kiều của gánh thầy Năm Tú thì là năm 1922, tức 
là tới năm 2022 sắp tới.
Việc lấy năm 1918 là thiếu cơ sở và hoàn toàn không trúng với lịch sử.
 T N V
CHÚ THÍCH
(1) Tên thật là Tống Hữu Định, người Vĩnh Long.
(2) Lúc ấy rạp Eden ở Sài Gòn chuyên chiếu phim, còn rạp Eden trong Chợ Lớn thường diễn 
ca nhạc kịch.
TÓM TẮT
Hiện nay, một số nhà nghiên cứu cho rằng thời điểm ra đời của sân khấu cải lương là vào 
năm 1918, gắn với sự kiện tuồng cải lương Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản được 
công diễn lần đầu tiên tại rạp thầy Năm Tú ở Mỹ Tho.
Tác giả bài viết này cho rằng, những gì được viết gần đây về lịch sử cải lương còn nhiều 
nhầm lẫn, thiếu chính xác. Và việc chọn một tiêu chí để kỷ niệm 100 năm cải lương là cần phải 
xem xét lại.
Nếu chọn kỷ niệm cải lương là lúc có đoàn hát hoặc vở diễn đầu tiên thì thời điểm là năm 
1917, thời điểm ra đời vở tuồng Vì nghĩa quên nhà của nhóm Cải lương kịch xã ở Sa Đéc. Nếu 
tiêu chí chọn gánh hát ra đời đầu tiên thì phải là gánh của thầy Năm Thận ra đời năm 1919. Hoặc 
chọn tuồng có bài ca vọng cổ thì phải chọn vở Kim Vân Kiều của gánh thầy Năm Tú diễn năm 
1922. Việc chọn năm 1918 như hiện nay là thiếu cơ sở và hoàn toàn không đúng với lịch sử.
ABSTRACT
WHAT YEAR IS THE ONE HUNDRED YEARS OF CẢI LƯƠNG (REFORMED THEATRE)? 
At present, some researchers believe that Cải lương (Reformed theatre) was born in 1918, 
which is associated with the occasion when Kim Vân Kiều play by composer Trương Duy Toản 
was first performed at artist Năm Tú’s theater in Mỹ Tho.
The author of this article thinks that what has been written recently about the history of Cải 
lương is much confused and inaccurate. And the selection of a criterion to celebrate the 100th 
anniversary of Cải lương needs to be reconsidered. 
If we choose to celebrate the birth of Cải lương at the time when the first troup or first Cải 
lương play came into being, the time is the year 1917, when Vì nghĩa quên nhà play was first 
performed by Cải lương and Drama Group in Sa Đéc. If the birth of the first Cải lương troupe is 
chosen as a criterian, it is artist Năm Thận’s troupe, which was established in the year 1919. Or 
if a play with "Vọng cổ" (Nostagia for the past) songs is chosen as a criterian, Kim Vân Kiều play 
performed by artist Năm Tú’s troupe in 1922 must be chosen. The choosing of the year 1918 as 
it is today is groundless and not in conformity with history. 

File đính kèm:

  • pdfmot_tram_nam_cai_luong_la_nam_nao.pdf