Một số vấn đề pháp lý về tranh chấp liên quan đến chủ thể của hợp đồng tín dụng
Tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một bên là khách hàng và một bên là Ngân hàng thương mại là
dạng tranh chấp rất phổ biến và có xu hướng gia tăng hiện nay. Có nhiều dạng tranh chấp như tranh
chấp về lãi suất, nợ gốc, nợ lãi, việc giải ngân, xử lý tài sản bảo đảm đặc biệt phải kể đến tranh chấp
liên quan việc xác định chủ thể của HĐTD. Đây là dạng tranh chấp xảy ra tương đối phổ biến, có tính
chất phức tạp Chính vì vậy, việc nắm vững các quy định pháp luật về chủ thể của HĐTD sẽ hạn chế
các tranh chấp có thể xảy ra cũng như giúp giải quyết các tranh chấp đó.
Bạn đang xem tài liệu "Một số vấn đề pháp lý về tranh chấp liên quan đến chủ thể của hợp đồng tín dụng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số vấn đề pháp lý về tranh chấp liên quan đến chủ thể của hợp đồng tín dụng
Chuyên mục: Tài chính - Ngân hàng - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 08 (2018) 79 MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG Nguyễn Thị Thùy Trang1, Nguyễn Thị Thu Trang2 Tóm tắt Tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một bên là khách hàng và một bên là Ngân hàng thương mại là dạng tranh chấp rất phổ biến và có xu hướng gia tăng hiện nay. Có nhiều dạng tranh chấp như tranh chấp về lãi suất, nợ gốc, nợ lãi, việc giải ngân, xử lý tài sản bảo đảm đặc biệt phải kể đến tranh chấp liên quan việc xác định chủ thể của HĐTD. Đây là dạng tranh chấp xảy ra tương đối phổ biến, có tính chất phức tạpChính vì vậy, việc nắm vững các quy định pháp luật về chủ thể của HĐTD sẽ hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra cũng như giúp giải quyết các tranh chấp đó. Từ khóa: Hợp đồng tín dụng, tranh chấp, chủ thể của hợp đồng tín dụng. SOME LEGAL DISPUTES RELATED TO THE SUBJECT OF CREDIT CONTRACTS Abstract Among civil and economic disputes, the contract dispute accounts for the largest proportion, including credit contract dispute between a customer and a commercial bank. There are many types of disputes such as disputes over interest, disbursement, security asset handling especially the disputes regarding the determination of the subject of credit activity. This type of dispute is relatively common and complicated. Therefore, mastering the legal provisions on subjects of credit activity will reduce disputes as well as help solve those disputes. Key words: credit contracts, disputes, the subject of credit contracts. 1. Đặt vấn đề Trong số các tranh chấp kinh doanh thương mại, tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng (HĐTD) chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các vụ án đã thụ lý và giải quyết. Đơn cử tại Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, từ năm 2013 đến tháng 6/2016, tổng số thụ lý tranh chấp HĐTD trên tổng số án kinh doanh, thương mại là 420/862 chiếm 48,7%, tổng số giải quyết án tranh chấp HĐTD trên tổng số tranh chấp kinh doanh thương mại là 308/736 chiếm 41,8% [1]. Theo số liệu của Tòa án thành phố Thái Nguyên năm 2018 giải quyết 1.393 vụ án (dân sự, thương mại, hôn nhân) thì có 127 vụ thương mại (trong đó tranh chấp HĐTD là 76 vụ chiếm 59,8% [8]. Bên cạnh các dạng tranh chấp khác, dạng tranh chấp về việc xác định chủ thể của HĐTD để đưa vào tham gia quá trình tố tụng chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt do có nhiều quy định liên quan như pháp luật dân sự, luật doanh nghiệp hay pháp luật Ngân hàng. Bài viết sẽ phân tích các quy định hiện hành về chủ thể của HĐTD và đưa ra một số phương hướng giải quyết các vướng mắc pháp lý liên quan đến vấn đề này. 3. Kết quả nghiên cứu 3.1. Khái quát về tranh chấp hợp đồng tín dụng tại các Ngân hàng thương mại Hiện nay, pháp luật không quy định về khái niệm tranh chấp hợp đồng nói chung và khái niệm tranh chấp HĐTD nói riêng. Tuy nhiên, xét từ các tranh chấp trên thực tế thì tranh chấp HĐTD được hiểu là sự mâu thuẫn, bất đồng của các bên tham gia quan hệ HĐTD việc thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng. Theo tác giả Đỗ Thị Hồng Hạnh “Tranh chấp HĐTD ngân hàng là những mâu thuẫn phát sinh từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong HĐTD giữa bên cho vay (tổ chức tín dụng) và bên vay (khách hàng). Đó là những tranh chấp về lãi suất, nợ gốc, nợ lãi, việc giải ngân, xử lý tài sản bảo đảm...” [1]. Chúng tôi thống nhất với quan điểm này. Trong tranh chấp HĐTD có sự phân biệt là tranh chấp dân sự hay tranh chấp thương mại phụ thuộc vào bên vay là cá nhân hay pháp nhân và có mục đích lợi nhuận hay không. Song dù là Chuyên mục: Tài chính - Ngân hàng - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 07 (2018) 80 loại tranh chấp dân sự hay thương mại thì tranh chấp HĐTD có một số đặc trưng sau phân biệt với các loại tranh chấp thương mại khác. Thứ nhất, tranh chấp HĐTD luôn có sự tham gia của một bên là ngân hàng thương mại (NHTM). Vì đặc trưng của HĐTD một bên chủ thể bắt buộc là NHTM, do vậy khi phát sinh tranh chấp thì NHTM phải là một bên tranh chấp hoặc là nguyên đơn hoặc là bị đơn. Song thực tế cho thấy trong phần lớn các tranh chấp HĐTD, nguyên đơn là NHTM. Lý do NHTM thường không vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng xuất phát từ cơ chế thực hiện quyền và nghĩa vụ của HĐTD, theo đó, bên cho vay (NHTM) luôn phải thực hiện nghĩa vụ giải ngân trước, sau đó khách hàng vay mới thực hiện nghĩa vụ hoàn trả nợ gốc và lãi. Thời điểm xảy ra tranh chấp thông thường là thời điểm sau khi giải ngân khoản tiền vay của ngân hàng và quá trình sử dụng tiền vay của bên vay. Thứ hai, tranh chấp xảy ra do có sự vi phạm nghĩa vụ của một (hoặc hai) bên chủ thể về các nội dung chủ yếu của HĐTD. Về phía bên vay, vi phạm nghĩa vụ thường là việc khách hàng vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng: (i) Nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi về thời gian; (ii) Mục đích sử dụng tiền vay không đúng với cam kết trong HĐTD dẫn đến mất khả năng thanh toán hoặc (iii) vi phạm nghĩa vụ bảo đảm trả nợ như: Giá trị tài sản bảo đảm bị sụt giảm; tài sản bảo đảm có tranh chấp; tài sản bảo đảm bị tẩu tán, chuyển quyền sở hữu sang một bên thứ ba hoặc thậm chí tài sản bảo đảm hoàn toàn không tồn tại Về phía NHTM, vi phạm nghĩa vụ có thể xảy ra là (i) vi phạm nghĩa vụ về tiến độ giải ngân; (ii) vi phạm về cách thức tính lãi suất, lãi phạt và phương thức thu hồi tiền gốc, lãi; (iii) vi phạm về định giá, xử lý tài sản bảo đảm đối với những HĐTD có bảo đảm bằng tài sản. Thứ ba, đối tượng tranh chấp của HĐTD suy đến cùng là tiền tệ: Hoạt động tín dụng là hoạt động kinh doanh tiền tệ thông qua cho vay của NHTM. Khi phát sinh tranh chấp dù xuất phát từ phía nào (bên NHTM hay bên đi vay) và do vi phạm nào trong các loại vi phạm về nghĩa vụ nêu trên thì mục đích cuối cùng của giải quyết tranh chấp là nhằm hướng đến thu hồi tiền vay và lãi suất đã giải ngân. Phân loại tranh chấp HĐTD có nhiều dạng, như: (1) Tranh chấp HĐTD về hành vi vi phạm nghĩa vụ của một hoặc các bên trong hợp đồng; (2) Tranh chấp về việc thực hiện biện pháp bảo đảm đối với HĐTD có bảo đảm bằng tài sản; (3) tranh chấp về chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng; (4) tranh chấp về định giá, xử lý tài sản bảo đảm đối với những HĐTD có bảo đảm bằng tài sản và tranh chấp về pháp luật giải quyết tranh chấp HĐTD. Trong bốn loại tranh chấp trên đây, chúng tôi phân tích một số dạng tranh chấp liên quan đến chủ thể của HĐTD và phương hướng giải quyết. 3.2. Một số tranh chấp liên quan đến chủ thể của hợp đồng tín dụng và phương hướng giải quyết Các tranh chấp trong việc xác định chủ thể của HĐTD diễn ra tương đối phổ biến. Việc các bên không đáp ứng đủ các điều kiện quy định, hoặc trong HĐTD không phản ánh đầy đủ, chính xác các thông tin để thỏa mãn điều kiện quy định về chủ thể chắc chắn có thể gây ra những hệ lụy sau này, thậm chí có thể dẫn đến hợp đồng vô hiệu. Ngoài ra, trên thực tế có thể xảy ra một số tình huống pháp lý dẫn đến việc các NHTM gặp lúng túng trong quá trình yêu cầu khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Việc nghiên cứu các quy định liên quan về chủ thể của HĐTD là cần thiết để hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra. 3.2.1. Đối với bên cho vay là các Ngân hàng thương mại Luật các Tổ chức tín dụng đưa ra các quy định chung đối với chủ thể cho vay gồm: Có điều lệ được Ngân hàng nhà nước chuẩn y; có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh hợp pháp; có người đại diện đủ năng lực hành vi dân sự và thẩm quyền để giao kết hợp đồng [4]. Theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sau đây gọi tắt là Thông tư 39), các tổ chức tín dụng được phép cho vay thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này bao gồm: Ngân hàng thương mại (gồm NHTM nhà nước; NHTM cổ phần; Ngân hàng liên doanh; Ngân hàng 100% vốn nước ngoài); Ngân hàng hợp tác xã; tổ chức tín dụng phi Ngân hàng (gồm công ty tài chính và công ty Chuyên mục: Tài chính - Ngân hàng - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 08 (2018) 81 cho thuê tài chính; Tổ chức tài chính vi mô; Quỹ tín dụng nhân dân; Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài [2]. Đối với NHTM về nguyên tắc nhà nước chỉ cấp phép cho hoạt động ngân hàng đăng ký (một cấp); tuy nhiên theo BLDS và các quy định pháp luật về ngân hàng, pháp luật thương mại cho phép thành lập các chi nhánh, văn phòng giao dịch. Chi nhánh, văn phòng giao dịch được ủy quyền thực hiện hoạt động từ NHTM được cấp phép. Đặc thù của Ngân hàng là hoạt động theo cơ chế chi nhánh và khách hàng thường làm việc trực tiếp với chi nhánh. Vậy trong HĐTD, thông tin về bên cho vay nếu không phản ánh đủ thông tin về NHTM mà chỉ phản ánh thông tin về chi nhánh là sự khiếm khuyết dẫn đến không bảo đảm tính pháp lý khi giải quyết tranh chấp: Thứ nhất, trong quá trình soạn thảo HĐTD, thông tin về bên cho vay thường bao gồm: tên NHTM cho vay; địa chỉ trụ sở; điện thoại, fax; Đại diện và các thông tin về người đại diện Trên thực tế, tên NHTM thường được trình bày gồm tên NHTM và tên Chi nhánh/Phòng giao dịch, ví dụ: Ngân hàng thương mại cổ phần A – Chi nhánh X. Tuy nhiên, nhiều Ngân hàng khi soạn thảo HĐTD lại lược bớt thông tin, ví dụ: “Bên cho vay: Chi nhánh Ngân hàng X”. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền; Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó (Điều 46). Chi nhánh có thể hoạch toán độc lập, có con dấu riêng, có tài khoản riêng nhưng không có tư cách pháp nhân [6]. Điều này xuất phát từ việc Chi nhánh hay phòng giao dịch của NHTM không có tài sản (vốn) độc lập nên không được coi là pháp nhân mà chỉ là “đơn vị phụ thuộc” của pháp nhân. Như vậy, căn cứ các quy định Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và Luật các tổ chức tín dụng mà HĐTD ghi bên cho vay không ghi đầy đủ tên NHTM, chỉ ghi tên chi nhánh, văn phòng giao dịch thì không được coi là chủ thể của quan hệ pháp luật tín dụng của HĐTD. Do vậy, hợp đồng này về nguyên tắc là vô hiệu. Thứ hai, trong HĐTD đã ghi đầy đủ tên của NHTM và ghi đầy đủ tên của chi nhánh đang thực hiện hoạt động cho vay thường ghi là “Đơn vị thực hiện cho vay”, nhưng không ghi rõ nội dung ủy quyền (giấy ủy quyền của NHTM cho chi nhánh); về nguyên tắc cũng là không đầy đủ, song nếu quá trình giải quyết tranh chấp chứng minh được Chi nhánh đã có giấy ủy quyền (hoặc quyết định ủy quyền thường xuyên) cho chi nhánh trước khi ký HĐTD thì được coi là hợp pháp. Thứ ba, Nội dung của ủy quyền của NHTM cho chi nhánh không thể nói chung chung là “ủy quyền cho chi nhánh” mà phải ghi rõ là ủy quyền cho cá nhân nào của chi nhánh (Giám đốc hay Phó giám đốc hoặc người được chỉ định); nếu giấy ủy quyền hoặc quyết định ủy quyền không nêu rõ cá nhân nào nhận ủy quyền thì HĐTD do chi nhánh ký sẽ vô hiệu vì về nguyên tắc chi nhánh không có tư cách pháp nhân do đó không được nhận ủy quyền của NHTM (Điều 138 BLDS). Khi phân tích nội dung trên, có quan hai điểm khác nhau: + Quan điểm thứ nhất cho rằng nếu một chi nhánh của NHTM đã được ủy quyền hợp pháp (ủy quyền thường xuyên) ký kết các HĐTD khi xảy ra tranh chấp thì chi nhánh vẫn có thể tham gia trực tiếp giải quyết HĐTD với điều kiện thỏa mãn các yêu cầu sau: (i) một là phải tồn tại ủy quyền hợp pháp và có hiệu lực pháp lý giữa Ngân hàng cho chi nhánh; khi đó, chi nhánh sẽ nhân danh Ngân hàng đòi nợ chứ không phải nhân danh chính mình đi đòi nợ; (ii) hai là, giám đốc chi nhánh sẽ kí đơn khởi kiện với tư cách là đại diện Ngân hàng, đóng dấu chi nhánh (không đóng dấu Ngân hàng vì đã có giao dịch ủy quyền giữa Ngân hàng cho chi nhánh). + Quan điểm thứ hai cho rằng trong mọi trường hợp, chi nhánh của NHTM đều không tự mình khởi kiện tranh chấp HĐTD nếu không có ý kiến ủy quyền bằng văn bản của NHTM vì: (1) Chi nhánh không phải là pháp nhân nên dấu và chữ ký của Giám đốc chi nhánh không có giá trị; (2) Đại diện pháp luật của chi nhánh là Giám đốc không đương nhiên là người nhận ủy quyền của NHTM vì việc ủy quyền trong trường hợp này là Chuyên mục: Tài chính - Ngân hàng - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 07 (2018) 82 ủy quyền cá nhân. Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai. 3.2.2. Đối với khách hàng (bên vay vốn) Theo quy định hiện hành, điều kiện vay vốn đối với khách hàng vay được ghi nhận tại Khoản 1, Điều 7, Thông tư 39 như sau: “Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.” Như vậy, khi bên vay có nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ thì có thể đề nghị giao kết HĐTD với NHTM. Quy định về đối tượng khách hàng được vay vốn chỉ có thể là pháp nhân hoặc cá nhân là điểm mới so với Quyết định 1627/2001/QĐ- NHNN, theo đó, chủ thể được vay vốn bao gồm: tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự. Theo quy định tại Bộ luật dân sự (BLDS) 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân [3]. Để thực hiện quy định mới này của BLDS, Thông tư 39 (khoản 3 Điều 2) quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng là pháp nhân, cá nhân. Ngoài ra, để áp dụng thống nhất quy định pháp luật đối với các giao dịch cho vay được xác lập trước ngày Thông tư 39 có hiệu lực, Điều 34 của Thông tư 39 cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng là các tổ chức không có tư cách pháp nhân tiếp tục thực hiện các nội dung trong HDTD đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng đó hoặc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung HĐTD phù hợp với quy định tại Thông tư này. Bên cạnh việc xác định điều kiện trở thành bên vay tiền trong HĐTD, còn tồn tại một số tranh chấp phổ biến liên quan đến việc xác định chủ thể khi xảy ra vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Ví dụ về một số trường hợp tranh chấp như sau: Thứ nhất, tranh chấp xảy ra khi xác định nghĩa vụ trả nợ của vợ, chồng đối với khoản vay tại NHTM: Có thể thấy, khi cá nhân đủ năng lực chủ thể tham gia vào quan hệ HĐTD, cá nhân đó phải trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện đối với các nghĩa vụ của mình theo quy định. Đối với khoản vay NHTM, người nào vay tiền thì người đó có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng. Tuy nhiên, trường hợp chỉ một người ký kết HĐTD (đối với các khoản vay không có thế chấp tài sản chung), người còn lại hoàn toàn không biết việc vợ hoặc chồng mình vay tiền, nhưng kết quả là vợ chồng cùng phải liên đới trả nợ cho ngân hàng nếu quá trình giải quyết tranh chấp chứng minh được việc vay riêng nhưng sử dụng vào mục đích chung. Xem xét vấn đề này, cần nắm rõ quy định về trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với các nghĩa vụ xuất phát từ giao dịch do một bên vợ hoặc chồng xác lập. Theo Điều 37, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ, chồng phải cùng trả các khoản nợ thuộc các trường hợp sau đây: (1) Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; (2) Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; (3) Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình[7] Như vậy, nếu giao dịch cho vay được xác lập giữa NHTM với một bên vợ/chồng với mục đích sử dụng tiền vay thuộc một trong các trường hợp trên thì việc cả hai vợ chồng chịu trách nhiệm liên đới trả nợ cho ngân hàng là một quyết định phù hợp với quy định pháp luật. Thứ hai, tranh chấp trong việc xác định người trả nợ khi người vay tiền chết: Về nguyên tắc cá nhân nào vay tiền của NHTM thì cá nhân đó có trách nhiệm trả nợ. Trong trường hợp người vay tiền của NHTM chết, để thu hồi được nợ thì NHTM phải xác định được tài sản của người vay đã chết (tài sản thừa kế, tài sản chung) và nghĩa vụ trả nợ của người đã chết. Tuy nhiên ngay cả khi xác định được tài sản của người vay (đã chết) cũng không đương nhiên yêu cầu thanh toán thu hồi nợ cho NHTM mà phải thực hiện thứ tự thanh toán theo quy định tại Điều 658 BLDS. Trong trường hợp NHTM không phát hiện ra tài sản của người vay (đã chết) hoặc không phát hiện ra việc người vay chết mà Chuyên mục: Tài chính - Ngân hàng - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 08 (2018) 83 những người thừa kế đã chia nhau tài sản thừa kế của người vay thì phải áp dụng quy định tại Điều 615 BLDS. Điều 615 BLDS 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, theo đó, người thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật) dù là cá nhân hay pháp nhân (pháp nhân hưởng thừa kế theo di chúc) có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi tài sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do vậy, nếu NHTM muốn xác định người trả nợ thay cho người chết thì phải xác định đúng người thừa kế theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nếu di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Thứ ba, tranh chấp phát sinh khi xác định người trả nợ là pháp nhân hay người đại diện theo pháp luật của pháp nhân: Đây là một dạng tranh chấp tương đối phổ biến trên thực tế, do bên vay tín dụng thường là pháp nhân và phải thông qua người đại diện kí HĐTD với Ngân hàng. Theo quy định tại Điều 13, Luật Doanh nghiệp 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp “Là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Để xác định được người trả nợ NHTM là ai, cần xem xét việc cá nhân giao kết HĐTD nhân danh pháp nhân hay nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ tín dụng này; đồng thời chứng minh mục đích sử dụng tiền vay là mục đích cá nhân hay sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh của cá nhân. Chỉ có thể xác định nghĩa vụ trả nợ thuộc pháp nhân nếu thỏa mãn đồng thời hai điều kiện: thứ nhất, cá nhân vay tiền là người đại diện hợp pháp của pháp nhân; thứ hai, mục đích sử dụng tiền vay là để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của pháp nhân. Thứ tư, tranh chấp phát sinh do người trả nợ là doanh nghiệp bị giải thể: Trong số các trường hợp giải thể doanh nghiệp quy định tại Khoản 1, Điều 201, Luật Doanh nghiệp 2014, trường hợp giải thể do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gây ra nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005 và Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Mặc dù về mặt nguyên tắc, các nhà làm luật bắt buộc doanh nghiệp phải thanh toán hết các khoản nợ của mình mới được phá sản (ví dụ, doanh nghiệp nợ Ngân hàng), tuy nhiên, theo quy định tại khoản 6 Điều 158 Luật doanh nghiệp 2005, trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải giải thể trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dù chưa thanh toán hết các khoản nợ [5]. Sau thời hạn sáu tháng mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó “coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh”. Như vậy, pháp luật thừa nhận doanh nghiệp mặc nhiên bị giải thể, để lại các nghĩa vụ tài chính, các khoản nợ mà doanh nghiệp chưa thanh toán cho các cá nhân quản lý công ty, theo đó, người đại diện theo pháp luật, các thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán. Như vậy, nếu doanh nghiệp bị giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, Ngân hàng với tư cách chủ nợ bắt buộc phải xác định bị đơn để khởi kiện là các cá nhân quản lý doanh nghiệp đó. Hiện nay, theo Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp thực sự chỉ được giải thể khi thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản. Nếu doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan với các thông tin: Tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức Chuyên mục: Tài chính - Ngân hàng - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 07 (2018) 84 thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ. Khi đó, người quản lý có liên quan và doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp (Khoản 2, Điều 201). Đặc biệt, nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của chủ nợ khi doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, Khoản 3 Điều 204 quy định những người quản lý doanh nghiệp như thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong bối cảnh số lượng các doanh nghiệp chấm dứt hoạt động ngày càng gia tăng, đặc biệt giải thể do bị thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp dẫn đến việc chủ nợ (NHTM) gặp khó khăn trong quá trình thu hồi vốn của mình. Do đó, xác định được chính xác bị đơn để khởi kiện là điều các NHTM cần hết sức lưu ý. 4. Kết luận Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật dân sự cũng như pháp luật Ngân hàng về chủ thể của hợp đồng tín dụng, tác giả đã chỉ ra các dạng tranh chấp phổ biến liên quan đến chủ thể của HĐTD. Từ đó, tác giả đã đưa ra các khuyến nghị đối với các NHTM và khách hàng vay vốn Ngân hàng về cách thức giải quyết các tranh chấp, góp phần hạn chế các rủi ro pháp lý cũng như nâng cao chất lượng tín dụng ở Việt Nam hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Đỗ Thị Hồng Hạnh. (2017). Giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng Ngân hàng: Thực tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Truy cập ngày 17/2/2019 từ luat/phap-luat-kinh-doanh/giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-tin-dung-ngan-hang-thuc-tien-xet-xu-tai-toa- an-nhan-dan-tp-ha-noi-129067.html [2]. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam .(2016). Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30 tháng 12 năm 2016. [3]. Quốc hội. (2014). Bộ luật dân sự 2015, số 91/2015/QH13, ngày 24tháng 11 năm 2015 [4]. Quốc hội. (2014). Luật các Tổ chức tín dụng, số 47/2010/QH12, ngày 16 tháng 6 năm 2010. [5]. Quốc hội. (2014). Luật doanh nghiệp 2005, số 60/2005/QH11, ngày 29/11/2005. [6]. Quốc hội. (2014). Luật doanh nghiệp 2014, số 68/2014/QH13, ngày 26/11/2014. [7]. Quốc hội. (2014). Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, số 52/2014/QH13, ngày 19 tháng 6 năm 2014. [8]. Tòa án Nhân dân TP Thái Nguyên. (2018). Báo cáo tổng kết công tác năm 2018, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2019. Thông tin tác giả: 1. Nguyễn Thị Thùy Trang - Đơn vị công tác: Khoa Quản lý - Luật Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế & QTKD - Địa chỉ email: thuytrang.lkt@gmail.com 2. Nguyễn Thị Thu Trang - Đơn vị công tác: Khoa Quản lý - Luật Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế & QTKD Ngày nhận bài: 15/10/2018 Ngày nhận bản sửa: 21/12/2018 Ngày duyệt đăng: 28/12/2018
File đính kèm:
- mot_so_van_de_phap_ly_ve_tranh_chap_lien_quan_den_chu_the_cu.pdf