Một số vấn đề lí luận về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực người học ở các trường Đại học trong quân đội
Phương pháp dạy học (PPDH) là một trong những
nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng
GD-ĐT. Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-
ĐT theo hướng “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ
yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng
lực (NL) và phẩm chất người học” [1] hiện nay, đòi hỏi
PPDH cũng cần phải được đổi mới đồng bộ, để góp phần
nâng cao chất lượng GD-ĐT. Lịch sử vấn đề phương
pháp dạy học và đổi mới PPDH đã được rất nhiều tác giả
nghiên cứu, luận giải khá công phu với nhiều góc độ khác
nhau. Tuy nhiên, dưới góc độ phát triển NL người học
còn là vấn đề khá mới mẻ, cần phải được nghiên cứu làm
rõ một cách có hệ thống, nhất là với giáo dục ở các trường
đại học trong quân đội.
Bạn đang xem tài liệu "Một số vấn đề lí luận về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực người học ở các trường Đại học trong quân đội", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số vấn đề lí luận về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực người học ở các trường Đại học trong quân đội
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2019, tr 180-184 180 Email: thanhtranhct@gmail.com MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRONG QUÂN ĐỘI Trần Hữu Thanh - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng Ngày nhận bài: 08/4/2019; ngày chỉnh sửa: 14/4/2019; ngày duyệt đăng: 22/5/2019. Abstract: Innovating teaching methods towards developing learners' competencies is a solution to improve the quality of training to meet practical requirements. This article focuses on addressing some theoretical issues about innovating teaching methods in military universities in the direction of developing learners' competencies. Research results are the basis for surveying and proposing innovative solutions in order to improve the quality of training officers to meet the requirements of military construction in the new situation. Keywords: Teaching methods; competency; competency development; teaching process; military universities. 1. Mở đầu Phương pháp dạy học (PPDH) là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng GD-ĐT. Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT theo hướng “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực (NL) và phẩm chất người học” [1] hiện nay, đòi hỏi PPDH cũng cần phải được đổi mới đồng bộ, để góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT. Lịch sử vấn đề phương pháp dạy học và đổi mới PPDH đã được rất nhiều tác giả nghiên cứu, luận giải khá công phu với nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, dưới góc độ phát triển NL người học còn là vấn đề khá mới mẻ, cần phải được nghiên cứu làm rõ một cách có hệ thống, nhất là với giáo dục ở các trường đại học trong quân đội. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực người học 2.1.1. Phương pháp dạy học đại học Thuật ngữ “phương pháp” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “Methodos” có nghĩa là con đường, cách thức, phương tiện để đạt tới mục đích nhất định. Dưới góc độ dạy học, “PPDH” được hiểu là cách thức tiến hành hoạt động dạy học mà nhà giáo thiết kế và thực hiện dựa trên cơ sở khoa học cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp để tác động trực tiếp đến người học và các hoạt động nhận thức của người học trong quá trình dạy học (QTDH), nhằm thực hiện nội dung và mục đích dạy học đã xác định. Ở mỗi cấp học, bậc học khác nhau tùy thuộc vào nội dung, mục tiêu, đối tượng khác nhau, vì vậy, ngoài những điểm chung thì PPDH cũng có những điểm khác nhau. Tiếp cận dạy học ở đại học, các nghiên cứu cho rằng: PPDH ở đại học là tổng hợp các cách thức hoạt động của giảng viên và sinh viên nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ dạy học ở đại học góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, kĩ thuật, cán bộ quản lí, nghiệp vụ có trình độ đại học [2]. Các nghiên cứu của các tác giả trong quân đội cũng chỉ rõ: PPDH đại học quân sự là tổng hợp cách thức hoạt động của giảng viên và học viên nhằm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ dạy học, góp phần đào tạo đội ngũ sĩ quan các chuyên ngành khác nhau có trình độ đại học [3]. Như vậy, quan niệm về PPDH đại học cho thấy, giáo dục đại học với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực bậc cao đáp ứng yêu cầu xã hội. Do vậy, khác với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho người học hệ thống kiến thức khoa học, kĩ năng hoạt động, mà còn có nhiệm vụ hình thành ở người học những phẩm chất và NL cho một nghề nghiệp nhất định phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Ngày nay, trước tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế học tập suốt đời, đang đặt ra những yêu cầu mới với giáo dục đại học, đòi hỏi việc dạy học không chỉ dừng lại ở dạy kiến thức, kĩ năng, dạy cách học và học cách học mà còn phải hướng tới bồi dưỡng cho người học có thói quen, niềm say mê và khả năng học suốt đời, để họ tự hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Từ những quan niệm trên, có thể hiểu: PPDH đại học là tổng hợp cách thức phối hợp thống nhất giữa hoạt động chỉ đạo, định hướng của giảng viên với hoạt động tự chỉ đạo, tự tổ chức của sinh viên nhằm thực hiện mục VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2019, tr 180-184 181 tiêu dạy học ở bậc đại học, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ theo các chuyên ngành có trình độ đại học. 2.1.2. Phát triển năng lực người học ở các trường đại học trong quân đội NL của người học ở các trường đại học trong quân đội là tổ hợp thuộc tính tâm lí cá nhân, là khả năng làm chủ, kết nối, vận hành có hiệu quả hệ thống kiến thức, kĩ năng, thái độ của người học vào thực hiện thành công hoạt động học tập và những tình huống trong thực tiễn hoạt động quân sự và cuộc sống sau khi ra trường. Theo quan điểm triết học Mác - Lênin, “phát triển” được hiểu là sự vận động, biến đổi theo chiều hướng đi lên của mọi sự vật, hiện tượng trong cả tự nhiên, xã hội và tư duy. Mặt khác, phát triển cũng có thể được hiểu là sự trải qua, tăng trưởng hay lớn lên tự nhiên, phân hoá hoặc tiến hoá tự nhiên với những thay đổi liên tục kế tiếp nhau [4]. Như vậy, phát triển là sự biến đổi hợp quy luật theo phương hướng không thể đảo ngược, được đặc trưng bởi sự chuyển biến chất lượng sang một trình độ mới. Phát triển là đặc trưng cơ bản, là phương thức tồn tại của mọi sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Phát triển NL của người học trong QTDH là một hình thức đặc biệt trong sự phát triển của thế giới vật chất, là sự tiến bộ không ngừng về nhân cách của người học đáp ứng với sự vận động liên tục của thực tiễn nghề nghiệp. Sự phát triển này diễn ra trong chính bản thân người học, được biểu hiện thông qua hoạt động và kết quả hoạt động đó luôn phù hợp với thực tiễn và được xã hội thừa nhận. Phát triển NL người học không chỉ là kết quả tác động tích cực, đồng bộ của các nhân tố trong QTDH mà còn là kết quả của quá trình hoạt động tích cực, tự giác đầy sáng tạo của bản thân người học. Mặt khác cấu trúc NL người học bao gồm kiến thức, kĩ năng và thái độ. Vì vậy, phát triển NL người học trước hết là phát triển tất cả những yếu tố này. Tuy nhiên, những yếu tố trên chưa được gọi là NL, để chuyển hóa thành NL phải thông qua hoạt động của chủ thể trong việc kết nối, vận hành vào giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn. Do đó, phát triển NL người học còn bao hàm cả phát triển khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng thái độ vào giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn đặt ra theo mục tiêu đào tạo đã xác định. Với cách hiểu trên, có thể quan niệm: Phát triển NL người học ở các trường đại học trong quân đội là sự mở rộng và nâng cao hệ thống NL của người học trong QTDH, đáp ứng hiệu quả với yêu cầu đặt ra trong quá trình học tập và hoạt động thực tiễn. Khái niệm cho thấy, phát triển NL người học là phát triển hệ thống các NL (NL chuyên môn, NL phương pháp, NL xã hội và NL cá nhân) của người học, xét về bản chất và nguồn gốc đó là quá trình tác động làm tăng trưởng không ngừng các yếu tố kiến thức, kĩ năng, thái độ và những phẩm chất cá nhân cũng như khả năng vận dụng các yếu tố đó vào thực tiễn cuộc sống và hoạt động quân sự, đáp ứng kịp thời sự vận động, biến đổi không ngừng của thực tiễn. Mặt khác, cũng có thể hiểu là quá trình tác động làm gia tăng những nhân tố thích ứng với thực tiễn cuộc sống và hoạt động quân sự của người học viên sau khi ra trường. Sự phát triển này là quá trình liên tục dưới sự tác động tổng hợp của các nhân tố trong QTDH, trong đó có vai trò quan trọng của PPDH thể hiện thông qua các bước: (1) Cung cấp kiến thức để nâng cao nhận thức cho người học; (2) Rèn luyện hình thành và phát triển kĩ năng cho người học; (3) Đưa người học vào hoạt động thực tiễn để người học vận dụng kiến thức, kĩ năng vào giải quyết các tình huống trong thực tiễn và hình thành thái độ cho người học; (4) Kiểm tra đánh giá kết quả phát triển NL người học. 2.1.3. Phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực người học ở các trường đại học trong quân đội Dạy học định hướng hình thành và phát triển NL người học về bản chất là việc mở rộng và phát triển mục tiêu dạy học hiện tại. Điều này có nghĩa, việc dạy học thay vì chỉ dừng lại ở mục tiêu hình thành kiến thức, kĩ năng và thái độ tích cực ở người học, mà mục tiêu xa hơn là phát triển khả năng thực hiện các hành động có ý nghĩa đối với người học. Nói cách khác, việc dạy học định hướng phát triển NL người học về bản chất không thay thế mà chỉ mở rộng, phát triển hoạt động dạy học định hướng nội dung bằng cách tạo ra môi trường, bối cảnh cụ thể và những điều kiện thuận lợi để người học vận dụng kiến thức, sử dụng kĩ năng và thể hiện thái độ của mình. Để thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi phải có những PPDH phù hợp. Kết quả các công trình nghiên cứu về phát triển NL trong QTDH của các tác giả trong và ngoài quân đội đã chỉ ra: PPDH theo quan điểm phát triển NL không chỉ chú ý tích cực hoá người học về hoạt động trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện NL giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ người dạy - người học theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển NL xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kĩ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn cần bổ sung các chủ đề học tập phức hợp nhằm phát triển NL giải quyết các vấn đề phức hợp [5]. VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2019, tr 180-184 182 Từ những sự phân tích trên, có thể hiểu: PPDH theo hướng phát triển NL người học là tổng hợp cách thức phối hợp, thống nhất giữa cách thức dạy và cách thức học nhằm phát huy vai trò chủ thể của người học trong hình thành và phát triển hệ thống năng lực theo mục tiêu đào tạo đã xác định. 2.2. Đổi mới phương pháp dạy học ở các trường đại học trong quân đội theo hướng phát triển năng lực người học 2.2.1. Đổi mới phương pháp dạy học Đổi mới theo nghĩa thông thường là sự thay đổi những cái cũ, đã lạc hậu, lỗi thời bằng một cái mới hơn, tốt hơn để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển [6]. Tuy nhiên, tiếp cận về mặt hoạt động đổi mới còn được hiểu theo nghĩa là thay đổi cách làm cũ bằng cách làm mới có hiệu quả hơn. Với cách hiểu này, đổi mới là khái niệm chỉ quá trình hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo của chủ thể nhằm tìm ra những cách thức, biện pháp mới tác động vào đối tượng, thúc đẩy đối tượng biến đổi theo chiều hướng tích cực để đáp ứng với sự vận động, phát triển không ngừng của thực tiễn. Vấn đề đổi mới PPDH cho đến nay đã được khá nhiều tác giả bàn đến, với nhiều khía cạnh khác nhau. Dựa trên những yếu tố tích cực mà PPDH đem lại, đổi mới PPDH chính là quá trình áp dụng PPDH hiện đại vào nhà trường trên cơ sở phát huy những yếu tố tích cực của các PPDH truyền thống nhằm thay đổi cách thức, phương pháp học tập của học sinh, chuyển từ học tập thụ động, ghi nhớ kiến thức là chính sang học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, chú trọng bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn [7]. Dựa trên cách thức làm việc của giáo viên và học sinh, đổi mới PPDH là cải tiến những hình thức và cách thức làm việc kém hiệu quả của giáo viên và học sinh, sử dụng những hình thức và cách thức thực hiện hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo, phát triển NL của học sinh [5]. Dựa theo tính hiệu quả và tính khoa học trong từng PPDH thì đổi mới PPDH không phải là thay đổi từng cách giảng dạy này bằng cách giảng dạy khác mà là sử dụng những PPDH hiện tại như thế nào để tạo ra những giờ học hiệu quả, tự thân từng PPDH sẽ không có ý nghĩa gì nếu nó không được sử dụng một cách, đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách [8]. Theo mối quan hệ giữa hoạt động dạy và hoạt động học của người dạy và người học thì đổi mới PPDH phải bắt đầu từ thay đổi cách dạy của người dạy và cách học của người học, muốn người học đổi mới cách học, phát huy được khả năng tư duy sáng tạo và NL thực hành, trước hết phải đổi mới cách dạy [9]. Như vậy, mặc dù nghiên cứu với nhiều góc độ khác nhau, nhưng nhìn chung các tác giả đều quan tâm đến mặt hành động của phương pháp, đặc biệt là hoạt động của người dạy và người học cũng như hiệu quả của nó mang lại để đưa ra quan điểm về đổi mới. Bên cạnh đó, các tác giả đều cho rằng đổi mới PPDH không phải là phủ định sạch trơn và loại bỏ những phương pháp truyền thống thay vào đó bằng những phương pháp mới, vấn đề cốt lõi là làm thế nào để các PPDH dù truyền thống hay hiện đại đều phải phát huy cao hiệu quả trong QTDH, đạt được mục đích dạy học đã đề ra. Bản chất của PPDH ở các trường đại học trong quân đội là hành động phối hợp tương tác giữa người dạy (giảng viên) và người học (học viên), trong đó người dạy là chủ thể của phương pháp dạy, người học vừa là đối tượng của phương pháp dạy, đồng thời là chủ thể của phương pháp học. Vì vậy, đổi mới PPDH thực chất là đổi mới hoạt động của người dạy và người học nhằm thực hiện tốt hơn mục tiêu dạy học. Từ sự phân tích trên, có thể quan niệm: Đổi mới PPDH ở các trường đại học trong quân đội là thay đổi cách thức phối hợp, tương tác giữa giảng viên với học viên nhằm giúp học viên chiếm lĩnh có hiệu quả hệ thống kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp, hình thành phương pháp tự học sáng tạo và phát triển phẩm chất theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. 2.2.2. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực người học Các nghiên cứu về GD-ĐT theo tiếp cận NL trên thế giới và trong nước đã chỉ ra GD-ĐT theo tiếp cận NL là kiểu giáo dục có hai mặt: (1) Xem NL của người học là mục tiêu đào tạo, là kết quả giáo dục; (2) Xem NL là nền tảng, là chỗ dựa của giáo dục, tức là giáo dục phải dựa vào NL người học, đặc biệt là kinh nghiệm nền tảng và kinh nghiệm thường trực được huy động thuộc vùng cận phát triển. Vấn đề đổi mới PPDH theo định hướng phát triển NL đến nay đã được một số nghiên cứu bàn đến, với những góc độ khác nhau. Dưới góc độ phát triển NL sáng tạo người học các nghiên cứu cho rằng, muốn phát triển NL sáng tạo cho người học trong quá trình dạy học thì cần phải có một nền giáo dục sáng tạo, trong đó người học được dạy bằng các phương pháp sáng tạo, đòi hỏi ở họ những khả năng sáng tạo [10]. Một số nghiên cứu lại cho rằng, để đáp ứng yêu cầu xã hội về nguồn nhân lực, mục tiêu của nền giáo dục hiện đại phải tập trung vào phát VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2019, tr 180-184 183 triển tối đa NL của người lao động. Vì vậy, trong nhà trường PPGD cần được đổi mới theo định hướng nâng cao tính tích cực, tự chủ, độc lập, sáng tạo của cá nhân học sinh, tập trung khai thác tối đa tiềm năng trí tuệ tập thể học sinh. Đồng thời kết hợp chặt chẽ với việc tăng cường sử dụng các thiết bị kĩ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin vào QTDH và đổi mới kiểm tra đánh giá quá trình học tập của người học [11]. Có thể thấy, mặc dù với các cách tiếp cận để lí giải khác nhau nhưng điểm chung các tác giả cho thấy đổi mới PPDH theo định hướng phát triển NL không phải là phủ định sạch trơn và loại bỏ những phương pháp truyền thống, thay vào đó bằng những phương pháp mới. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ phải làm thế nào để các PPDH được sử dụng đều phát huy cao hiệu quả vào phát triển trí tuệ, hình thành và phát triển NL giải quyết các vấn thực tiễn, NL xã hội, khả năng làm việc nhóm và hình thành phương pháp tự học sáng tạo. Các trường đại học trong quân đội có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực quân sự luôn đặt ra yêu cầu rất cao với người cán bộ ở đơn vị cơ sở về phẩm chất và NL, mà trước hết là NL hành động thực tiễn, NL tư duy sáng tạo và phương pháp tác phong công tác Thực tiễn đó đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới PPDH ở các trường đại học trong quân đội, từ truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang phát triển toàn diện NL và phẩm chất người học. Từ kết quả các công trình nghiên cứu về đổi mới PPDH theo định hướng phát triển NL người học cho thấy, đổi mới PPDH theo hướng phát triển NL người học chính là quá trình thay đổi cách thức hoạt động phối hợp, tương tác giữa giảng viên và học viên từ thụ động một chiều sang tích cực, hiện đại nhằm phát triển NL tư duy và NL vận dụng kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp của người học lên một trình độ mới, giúp người học có thể đáp ứng với những đòi hỏi của thực tiễn. Với cách hiểu này cho thấy: Đổi mới PPDH ở các trường đại học trong quân đội theo hướng phát triển NL người học là quá trình biến đổi cách thức hoạt động phối hợp, tương tác giữa người dạy và người học nhằm phát huy vai trò chủ thể của người học vào nâng cao nhận thức, rèn luyện kĩ năng, hình thành thái độ nghề nghiệp và định hướng vận dụng vào thực tiễn, tạo ra sự phát triển hệ thống các năng lực của người sĩ quan, đáp ứng kịp thời với chức trách, nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp. Mục tiêu của đổi mới là làm thay đổi hoạt động của giảng viên và học viên, hướng vào phát triển hệ thống NL cần thiết cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người sĩ quan theo mục tiêu đào tạo. Chủ thể đổi mới: giảng viên và học viên thông qua các hoạt động giảng dạy và học tập. Hay nói cách khác, giảng viên và học viên là chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động đổi mới PPDH ở các trường đại học trong quân đội theo hướng PTNL người học Nội dung đổi mới: Một là, vận dụng các PPDH hiện đại trong dạy học. Mấu chốt của đổi mới PPDH là thay đổi cách thức hoạt động, cách thức tương tác của giảng viên và học viên, với việc vận dụng các PPDH hiện đại vào dạy học sẽ làm thay đổi cơ bản cách thức hoạt động, cách thức tương tác của giảng viên và học viên hiện nay từ thụ động một chiều sang hiện đại, tích cực hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển NL người học. Theo đó QTDH hoạt động chủ đạo của giảng viên tập trung giúp học viên đi từ việc nhớ lại kiến thức cũ, khám phá kiến thức mới và vận dụng kiến thức đã biết vào thực tiễn. Hoạt động của học viên chủ yếu là học tập chủ động, sáng tạo, sử dụng đa dạng các phương pháp, hình thức học tập khác nhau phù hợp với khả năng của bản thân, trong đó cần lấy tự học làm cốt Hai là, tăng cường các PPDH thực hành theo chức trách nhiệm vụ. Muốn phát triển NL nhất thiết phải thông qua thực hành, thực hành vừa giúp người học vận dụng kiến thức vào thực tiễn đồng thời vừa giúp người học rút ra những kinh nghiệm để bổ sung cho lí thuyết. Lĩnh vực hoạt động quân sự là lĩnh vực đặc thù, luôn đặt ra yêu cầu rất cao đối với người sĩ quan về NL hành động thực tiễn. Cho nên đi cùng với việc giúp người học tiếp thu được hệ thống tri thức quân sự, QTDH cần phải tạo điều kiện để người học vận dụng tri thức đó vào thực tiễn, chỉ khi nào tri thức đó được người học vận dụng hiệu quả trên thực tiễn thì NL mới hình thành. Ba là, đổi mới trang thiết bị, PTDH và ứng dụng công nghệ thông tin trong QTDH. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật và việc ứng dụng nó vào lĩnh vực giáo dục đã tạo ra bước phát triển mới trong GD-ĐT. Trong QTDH ở nhà trường quân đội, cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, việc nghiên cứu, xây dựng các thiết bị mô phỏng đặc thù, thì việc trang bị các phương tiện kĩ thuật hiện đại sẽ tạo ra những cơ hội lớn trong việc trợ giúp tìm kiếm tri thức và đổi mới PPDH, đồng thời nó cũng cho phép tổ chức nhiều hình thức hoạt động dạy học phong phú, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học. VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2019, tr 180-184 184 Vì vậy, việc đổi mới trang thiết bị, PTDH và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ngày càng được xem là một nội dung quan trọng trong đổi mới PPDH theo hướng phát triển NL người học ở các trường đại học trong quân đội hiện nay. Bốn là, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Thực tiễn QTDH ở các trường đại học trong quân đội hiện nay cho thấy, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên mới chủ yếu tập trung vào đánh giá việc tái hiện kiến thức, chưa quan tâm đến khả năng vận dụng kiến thức trong thực tế. Do vậy, muốn hình thành NL cho học viên trong QTDH cần phải đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Trong đó, cần tập trung thay đổi cách đánh giá truyền thống sang đánh theo NL, từ đánh giá dựa vào cuối kì sang đánh giá trong suốt tiến trình dạy học, từ đánh giá kiến thức sang đánh giá khả năng vận dụng kiến thức trong các tình huống thực tiễn. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng, phát triển kĩ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của người học. Đổi mới PPDH ở các trường đại học trong quân đội theo hướng phát triển NL của người học, thực chất là xem việc phát triển NL của học viên là mục tiêu của đổi mới PPDH. Điều này cũng có nghĩa là mọi hoạt động đổi mới của giảng viên và học viên trong dạy và học cần phải hướng tới kích thích và phát triển những NL cần thiết cho người sĩ quan đáp ứng với đòi hỏi từ thực tiễn. Nói cách khác, đổi mới PPDH ở các trường đại học trong quân đội phải có tác dụng đến phát triển NL nhận thức, NL thực hành, tư duy sáng tạo, phương pháp tự học suốt đời cũng như tác động nhằm phát triển NL hành động trong thực tiễn nghề nghiệp của người học. Từ những phân tích lí luận trên, có thể nhận thấy, mối quan hệ chặt chẽ giữa đổi mới PPDH với phát triển NL của người học ở các trường đại học trong quân đội, chính là những tác động của đổi mới PPDH đến phát triển NL nhận thức, NL thực hành của người học, đến phát triển NL tư duy sáng tạo và phương pháp tự học suốt đời của người học, đích cuối cùng là phát triển NL hành động trong thực tiễn nghề nghiệp của người học sau khi tốt nghiệp, để họ trở thành những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, giáo viên và cán bộ khoa học thực sự có chất lượng, có NL và phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. 3. Kết luận Đổi mới PPDH theo hướng phát triển NL người học là giải pháp quan trọng nhằm tối ưu QTDH ở các trường đại học trong quân đội. Trước những yêu cầu về chất lượng của đội ngũ sĩ quan cho sự nghiệp xây dựng quân đội trong điều kiện sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của khoa học quân sự và xu thế học suốt đời, việc đổi mới PPDH theo hướng phát triển NL người học càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi vì, thông qua đổi mới PPDH không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn góp phần bồi dưỡng cho người học NL tự học, nâng cao khả năng tìm kiếm và vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn, tạo ra sự phát triển toàn diện bản thân đáp ứng kịp thời với sự thay đổi không ngừng của cuộc sống và nghề nghiệp. Vì vậy, việc nghiên cứu góp phần bổ sung và phát triển lí luận về đổi mới PPDH theo hướng phát triển NL người học là hết sức cần thiết, là cơ sở để đề ra các biện pháp đổi mới phù hợp, hiệu quả. Tài liệu tham khảo [1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. [2] Đặng Vũ Hoạt - Hà Thị Đức (2017). Lí luận dạy học đại học. NXB Đại học Sư phạm. [3] Trần Đình Tuấn (2013). Giáo trình Lí luận dạy học đại học quân sự. NXB Quân đội nhân dân. [4] F. E. Weinert (2001). Comparative performance measurement in schools. Weinheim and Basejl: Beltz Verlag, pp. 17-31. [5] Nguyễn Văn Cường - Bernd Meier (2010). Một số vấn đề chung về đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông. Dự án Phát triển giáo dục trung học phổ thông (Loan No 1979 - VIE). [6] Hoàng Phê (chủ biên, 2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. [7] Nguyễn Hữu Chí (2004). Định hướng và các giải pháp đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông. Đề tài cấp Bộ, mã số B2002-49-TĐ 37. Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục. [8] Minh Huệ (2012). Đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức lớp học. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [9] Nguyễn Văn Đệ - Lê Kim Oanh (2014). Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học trong hoạt động đào tạo giáo viên. Tạp chí Giáo dục, số 332 (2), tr 1-2. [10] Trần Thị Bích Liễu (2013). Giáo dục phát triển năng lực sáng tạo. NXB Giáo dục Việt Nam. [11] Phạm Viết Vượng (2017). Giáo dục học. NXB Đại học Sư phạm.
File đính kèm:
- mot_so_van_de_li_luan_ve_doi_moi_phuong_phap_day_hoc_theo_hu.pdf