Một số cách làm đồ chơi từ vật liệu tái chế cho trẻ mầm non

Trong trường mầm non, đồ chơi có tác động rất lớn tới quá trình phát triển của trẻ.

Đồ chơi trong các trường mầm non có nhiều dạng và nhiều loại chủ đề khác nhau như: đồ

chơi trang trí; đồ chơi học tập; đồ chơi mô tả hình tượng; đồ chơi sân khấu âm nhạc; đồ

chơi xây dựng. Các loại đồ chơi này thường là do giáo viên mầm non tự thiết kế dựa trên

quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, quy trình thiết kế, cách sử dụng và phương pháp bảo quản.

Sử dụng vật liệu tái chế để làm đồ chơi cho trẻ đang dần trở thành biện pháp hiệu quả nhất

trong các hoạt động dạy học của các cô giáo mầm non, là một giải pháp tiết kiệm kinh tế

đồng thời giáo dục trẻ về bảo vệ môi trường, đặc biệt sử dụng trong các hoạt động giáo dục

ở trường mầm non. Bài viết này đưa ra một số cách làm đồ chơi theo chủ đề đơn giản nhưng

có tính khả thi, thiết thực, phù hợp với đặc điểm và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn,

thiếu thốn về đồ chơi ở một số trường mầm non hiện nay.

pdf 8 trang thom 09/01/2024 2000
Bạn đang xem tài liệu "Một số cách làm đồ chơi từ vật liệu tái chế cho trẻ mầm non", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số cách làm đồ chơi từ vật liệu tái chế cho trẻ mầm non

Một số cách làm đồ chơi từ vật liệu tái chế cho trẻ mầm non
TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 38.2018
46
MỘT SỐ CÁCH LÀM ĐỒ CHƠI TỪ VẬT LIỆU 
TÁI CHẾ CHO TRẺ MẦM NON 
Đào Thị Hà , Đoàn Dũng Sĩ 
TÓM TẮT
Trong trường mầm non, đồ chơi có tác động rất lớn tới quá trình phát triển của trẻ.
Đồ chơi trong các trường mầm non có nhiều dạng và nhiều loại chủ đề khác nhau như: đồ
chơi trang trí; đồ chơi học tập; đồ chơi mô tả hình tượng; đồ chơi sân khấu âm nhạc; đồ
chơi xây dựng. Các loại đồ chơi này thường là do giáo viên mầm non tự thiết kế dựa trên
quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, quy trình thiết kế, cách sử dụng và phương pháp bảo quản. 
Sử dụng vật liệu tái chế để làm đồ chơi cho trẻ đang dần trở thành biện pháp hiệu quả nhất 
trong các hoạt động dạy học của các cô giáo mầm non, là một giải pháp tiết kiệm kinh tế
đồng thời giáo dục trẻ về bảo vệ môi trường, đặc biệt sử dụng trong các hoạt động giáo dục 
ở trường mầm non. Bài viết này đưa ra một số cách làm đồ chơi theo chủ đề đơn giản nhưng 
có tính khả thi, thiết thực, phù hợp với đặc điểm và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, 
thiếu thốn về đồ chơi ở một số trường mầm non hiện nay.
Từ khóa: Đồ chơi, vật liệu tái chế, trẻ mầm non.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong trường mầm non, đồ chơi là phương tiện, là người bạn đồng hành của trẻ trong 
các hoạt động. Đồ chơi vừa là đối tượng để trẻ khám phá thế giới xung quanh, vừa là công 
cụ để trẻ thao tác các hoạt động và phát huy trí tưởng tượng. Chính vì vậy, đồ chơi có tác 
động rất lớn tới sự phát triển và tư duy của trẻ. Đồ chơi có nhiều dạng và nhiều chủ đề khác 
nhau: đồ chơi trang trí, đồ chơi học tập, đồ chơi mô tả hình tượng, đồ chơi sân khấu âm nhạc, 
đồ chơi xây dựng. Một số đồ chơi chỉ phục vụ riêng cho một trò chơi nhưng có những đồ
chơi còn là đồ dùng dạy học, phục vụ cho nhiều trò chơi cũng như nhiều hoạt động dạy học 
khác nhau. Ngoài các loại đồ chơi được sản xuất theo công nghệ, đồ chơi tự làm từ các vật 
liệu tái chế mang đến sự độc đáo đầy sáng tạo đối với trẻ. Loại đồ chơi này thường do các 
giáo viên mầm non trực tiếp đứng lớp tự thiết kế, vì căn cứ vào chương trình chung theo các 
chủ đề của trường mầm non, giáo viên tự xây dựng khung kế hoạch tổ chức. Giáo viên là 
người am hiểu nhất nội dung hoạt động cần những gì, phương pháp tích hợp ra sao, công 
năng sử dụng như thế nào và cuối cùng là mức độ hào hứng của trẻ để có thể làm đồ chơi gì 
cho phù hợp, tránh sự lãng phí không cần thiết.
Sử dụng vật liệu tái chế để làm đồ chơi cho trẻ đang dần trở thành một biện pháp hiệu 
quả nhất trong hoạt động dạy học của các cô giáo mầm non, vì trong đời sống hàng ngày, 
Giảng viên khoa Giáo dục Mầm Non, Trường Đại học Hồng Đức
Giảng viên khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 38.2018
47
mỗi gia đình thường bỏ đi một số lượng lớn các loại vỏ hộp, vỏ bìa... Đó là những nguồn vật 
liệu rất phong phú có thể tận dụng làm những việc bổ ích. 
2. NỘI DUNG
2.1. Một số lựa chọn vật liệu tái chế để làm đồ chơi
Vật liệu giấy: bao gồm các loại làm đồ chơi từ giấy, bìa, giấy báo cũ, các loại hộp 
các-tông, thường làm các đồ chơi học tập như: cờ, tranh so hình, chắp tranh; đồ chơi mô tả
hình tượng như: con giống, rối, mô hình bằng giấy bồi; đồ chơi sân khấu âm nhạc như: mặt 
nạ, mũ múa; giấy bìa thu nhặt được có thể đóng thành cuốn ép các con vật thật như chuồn 
chuồn, cây cỏ, hoa lá,... Nhìn chung, các loại vật liệu này có tính chất nhẹ, mềm, xốp, dễ tạo 
hình, màu sắc đẹp, khi làm thành đồ chơi, trẻ có thể chơi nhẹ nhàng. Tuy vậy, các đồ chơi 
làm từ bìa, giấy màu thường dễ bong tróc những chi tiết nhỏ, cho nên khi làm xong sản phẩm 
ta phải dùng băng dính dán kín bề mặt (loại băng dính trong và to bản), nhằm mục đích 
chống bong tróc, chống ẩm và chống mốc.
Vật liệu phế liệu: gồm các loại vỏ hộp sữa chua, vỏ hộp thạch, vỏ hộp hóa mỹ phẩm, 
xốp, cao su. Các loại vỏ hộp sưu tầm được, tùy theo cấu tạo hình dáng ban đầu của chúng, 
ta sẽ có cách tạo hình đồ chơi phù hợp với hình dáng ban đầu.
Vật liệu vải: gồm các loại vải dạ, vải nỉ, vải cốt tông, vải ren, vải băng lông, vải dạng 
fert (dạ cứng). Đồ chơi từ vải vụn hiện nay rất được các cô giáo mầm non ưa chuộng bởi đặc 
tính mềm mại dễ tạo hình, dễ vệ sinh, và nguồn vật liệu tương đối sẵn có. Các loại vải này 
thường được dùng để may các con giống, con rối phục vụ trong các hoạt động âm nhạc, kể
chuyện, hoặc may các loại đồ chơi theo chủ đề thực vật, các loại hoa, quả, cây cối, may đồ
dùng như bộ bàn ghế, may gối và váy áo búp bê.
Quy chuẩn kỹ thuật về an toàn đồ chơi bằng vật liệu phế thải
Các đồ chơi được làm ra phải không chứa rủi ro bất ngờ cho sức khỏe, các rủi ro về
thương tích do tiếp xúc với các cạnh sắc, góc nhô ra. Các dây, móc, chốt trên đồ chơi phải 
được giảm thiểu tới mức có thể, đáp ứng các đòi hỏi về vệ sinh và độ sạch sẽ để tránh bất cứ
nguy cơ nào về nhiễm trùng, gây nôn mửa và nhiễm bệnh.
Các đồ chơi có các chi tiết tháo rời phải nhằm chủ đích rõ ràng. 
Nhiệt độ tối đa bất kỳ bề mặt nào của đồ chơi phải luôn ổn định, không gây cháy và 
làm bỏng khi chạm vào. Các chất lỏng và khí có trong đồ chơi không bị tăng nhiệt độ hoặc 
áp suất gây bỏng hoặc làm tổn thương người dùng, không chứa các chất nguy hiểm hoặc các 
chất pha chế có thể dễ cháy khi mất các yếu tố không cháy. Đặc biệt, để bảo vệ sức khoẻ trẻ
em, các hoá chất được hấp thu thông qua việc sử dụng đồ chơi không vượt quá các mức giới 
hạn sau: 0,2 mg đối với antimon (Sb); 0,1 mg đối với arsen (As); 25,0 mg đối với bari (Ba);
0,6 mg đối với cadimi (Cd); 0,3 mg đối với crom (Cr); 0,7 mg đối với chì (Pb); 0,5 mg đối 
với thuỷ ngân (Hg); 5,0 mg đối với selen. Các đồ chơi có gắn điện tử phải hoạt động với 
điện năng không vượt quá 24 volt và không có bộ phận nào của đồ chơi hoạt động ở mức 
quá 24 volt [6].
TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 38.2018
48
Khi làm các loại đồ chơi từ những vật liệu phế liệu, cần phải xử lý vệ sinh sạch sẽ với 
các loại vật liệu, đặc biệt là vật liệu nhựa bao giờ dưới đáy đều có ký hiệu tái chế, cùng một 
chữ số dao dộng từ 1 đến 7 và có các chữ viết tắt như PETE, PP, PS, loại nhựa có ký hiệu 
số 3, số 6 và số 7 là loại nhựa ít có độ an toàn, đặc biệt là loại nhựa số 3 rất dễ bị nóng chảy
và có chứa một số chất độc như Phthalat, DEHA. Dựa vào những ký hiệu này, chúng ta sẽ
biết được mức độ an toàn của chúng và có thể tái chế được hay không, từ đó lựa chọn cách 
sử dụng hợp lý, an toàn với sức khoẻ và góp phần bảo vệ môi trường [5].
2.3. Một số cách làm đồ chơi từ vật liệu tái chế
2.3.1. Làm đầu tàu hỏa bằng hộp sữa
Vật liệu: Các hộp sữa bằng giấy loại 1 lít hình chữ nhật, hộp sữa giấy hình vuông, lõi giấy 
vệ sinh, vỏ chai nước khoáng loại 1 lít và 500ml, nắp chai nhựa, 1 số thanh nhôm bằng nhau, 
vỏ bút bi hoặc ống hút (có đường kính to hơn thanh nhôm) keo nến, súng bắn keo, dao trổ.
Cách làm
Bước 1: Dùng hộp sữa loại 1 lít làm đầu tầu. Đục 3 lỗ cách đều nhau làm bánh xe (lỗ
to bằng ống hút hoặc vỏ bút) luồn thanh nhôm vào ống hút để làm trục bánh xe, gắn cố định 
hai vỏ bánh xe bằng nắp chai nước vào 2 đầu (Hình 1).
Bước 2: Dùng vỏ lõi giấy vệ sinh làm máy, gắn cốc nhựa loại nhỏ hoặc 1/3 vỏ chai 
nước phía trên hộp để làm ống khói.
Bước 3: Trang trí toa tàu, dùng bút dạ vẽ các hình ô cửa trên toa tàu sao cho hài hòa 
với thân tàu, dùng dao trổ thủng các ô cửa. 
Cách vận dụng trong trường mầm non: Dùng trong tổ chức hoạt động dạy âm nhạc, 
tạo hình, làm quen với tác phẩm văn học, môi trường xung quanh, tổ chức hoạt động góc, 
gây hứng thú vào bài, các hoạt động theo chủ đề phương tiện và luật lệ giao thông.
2.3.2. Làm con giống bằng bìa cứng 
Trong trường mầm non, việc sử dụng những con giống có thể đứng được bằng bìa và 
giấy màu là rất thường xuyên, dễ gợi hứng thú cho giờ học. Mặt khác, các con giống bằng 
bìa dễ làm, dễ thay đổi mẫu mã, phù hợp với điều kiện còn nhiều khó khăn ở các địa phương 
vùng miền núi, tuy nhiên giá trị sử dụng không được lâu bền. Cấu tạo con giống gồm phần 
đế và phần thân. Phần đế làm bằng bìa giấy hình tròn hoặc hình chữ nhật gấp đôi (như hình 
mái nhà). Phần thân con vật ghép phía trên.
Vật liệu: Bìa cứng, giấy màu, giấy can, hồ dán, kéo.
Cách làm
Bước 1: Tạo hình phần đế
Lấy bìa cứng cắt một hình tròn đường kính 20cm làm đế, sau đó vẽ hình con giống 
lên (có thể là búp bê hoặc hình con vật) để lấy mẫu nhìn (Hình 2).
Gấp đôi hình tròn thành váy búp bê hoặc làm đế bập bênh (mẫu búp bê).
Bước 2: Tạo hình phần thân 
TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 38.2018
49
Đầu là hình tròn đường kính bằng 1/2 chiều rộng của phần đế. Khi tạo hình đầu con 
giống có thể vẽ cắt các chi tiết trên đầu liền khối với phần thân.
Các bộ phận khác như cổ, chân, đuôi được vẽ trước lên bìa gấp đôi theo tỷ lệ và đặc 
điểm con vật sau đó cắt từng bộ phận. 
Dán, cắt giấy màu lên từng bộ phận con giống.
Bước 3: Hoàn thiện và trang trí
Dùng keo gắn phần thân vào với phần đế. 
Dùng giấy màu các loại để trang trí các họa tiết hoa văn cho con giống. Chú ý phối 
kết hợp màu sắc chi tiết các bộ phận sao cho hài hòa. Cách làm con giống từ hình chữ nhật 
gấp đôi cũng tương tự. 
Cách vận dụng trong trường mầm non: Dùng trong các hoạt động tổ chức âm nhạc,
tổ chức hoạt động tạo hình, làm quen với toán học, tổ chức hoạt động góc, chuyện kể sáng 
tạo, gây hứng thú vào bài và sử dụng trong các hoạt động theo chủ đề thế giới động vật.
Hình 1. Đầu tàu ha bng hộp sữa Hình 2. Con giống bng bìa cứng
2.3.3. Làm con giống gà trống từ vải vụn
Vật liệu: Vải dạ, vải băng lông hoặc vải nhung, kéo, kim khâu, chỉ màu, phấn may.
Cách làm
Bước 1: Tạo mẫu trên bìa
In mẫu lên bìa cứng và cắt theo số lượng sau: 1 miếng ngang đầu (hình thoi nhỏ), 
1 miếng ngang bụng (hình thoi lớn), 2 miếng thân gập đôi vải lại rồi áp mẫu giấy lên cắt để
có hai miếng thân gà đối xứng nhau, 4 miếng cánh: gấp tư vải lại rồi áp mẫu giấy lên cắt để
có 4 miếng cánh. Màu sắc tùy chọn nhưng chỉ nên chọn hai màu tương phản để làm nổi bật 
các bộ phận nhỏ trên nền các bộ phận lớn.
Bước 2: May con giống
May thân gà: Áp 2 mặt phải của miếng ngang đầu và miếng thân gà thứ nhất vào với 
nhau tại phần trên đầu gà, may trong khoảng giữa hai đầu mút của miếng ngang đầu, chừa 
lại 2cm ở mỗi đầu (trên hình là may giữa hai điểm đánh dấu màu xanh). Tương tự, áp mặt 
TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 38.2018
50
phải của miếng ngang bụng và thân gà vào với nhau tại phần dưới bụng gà, may trong khoảng 
giữa hai đầu mút của miếng ngang bụng, chừa lại 2cm ở mỗi đầu (trên hình là may giữa hai 
điểm đánh dấu màu xanh).
May cánh gà: Áp 2 mặt phải của 2 miếng cánh vào nhau, tương tự với 2 miếng cánh 
còn lại, bạn sẽ có hai cánh với mỗi cánh là 2 miếng vải trùng khít. Đặt mỗi cánh (gồm 2 lớp 
vải) lên miếng bông chần loại mỏng, rồi may theo vòng quanh cánh, chừa 3cm để tạo khe 
hở lộn phải cánh.
Bước 3: Nhồi khối, nhồi căng phần đầu và thân.
Bước 4: Ghép chân, cánh và mỏ gà, phần cánh thì khâu một khuy bấm để cài được 
cúc vào, như thế cánh có thể xoay quanh chiếc cúc một cách linh động, ghép chân, chú ý 
cho cân bằng để chú gà đứng được (Hình 3), cách may tương tự với mẫu may con ngựa, tức 
là ghép 2 mảng thân vào với 2 mảng bụng, sau đó ráp 2 mảng bụng vào với nhau, ghép 4 
mảng lòng bàn chân vào ống chân, trừ lại 1,5cm đoạn gần cổ để nhồi khối, lưu ý khi khâu 
mảng tai cần gấp ¾ vành tai lại trước khi ghép, ghép bờm giữa 2 mảng thân vào các vị trí vẽ
trên mô hình, khi nhồi khối lưu ý nhồi căng phần ống chân để ngựa đứng vững (Hình 4).
Cách sử dụng trong trường mầm non: Có thể sử dụng cho các giờ học như khám phá 
khoa học, cho trẻ làm quen với một số động vật nuôi trong gia đình, làm quen với văn học 
như dạy các bài thơ “Đàn gà”, “Thăm nhà bà”, “Mười quả trứng tròn”; kể chuyện sáng tạo: 
“Gà con không vâng lời”, “Cáo thỏ và gà trống”; giờ chơi hoạt động góc “Xây dựng trại 
chăn nuôi” và được áp dụng ở các chủ đề: Gia đình, thế giới động vật.
Hình 3. Mẫu may con gà Hình 4. Mẫu may con ngựa
2.3.4. Làm mô hình ngôi nhà bằng bìa cứng, giấy màu (Hình 5)
Vật liệu: Bìa các-tông, giấy thủ công loại cứng, giấy màu sắc tùy chọn, keo dính, kéo, 
dao trổ bút màu, bút chì, thước kẻ.
TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 38.2018
51
Cách làm
Bước 1: Phác thảo mô hình ngôi nhà lên giấy, sau đó can lại mẫu lên bìa các tông, 
mẫu to nhỏ tùy ý, nhưng lưu ý, hai cạnh song song của phần thân nhà phía trước và phía sau 
phải bằng nhau, hai mảng mái nhà có hình đồng dạng phải giống nhau. 
Bước 2: Cắt, trổ các mảng thân nhà. Dùng bút thước, kéo cắt bao quanh diện tích vừa 
thiết kế, dùng dao trổ các ô cửa.
Gấp các khoảng đã định sẵn theo tỷ lệ trên nhằm tạo nếp gấp. 
Gắn cố định phần áp mái với phần thân nhà với mép dán.
Dùng bút vẽ thêm các chi tiết phụ để trang trí.
Cách sử dụng trong trường mầm non: Được sử dụng trong các giờ hoạt động góc: như
góc xây dựng, giúp trẻ biết được ý nghĩa, tác dụng cấu tạo của ngôi nhà; làm mô hình mẫu
cho một số hoạt động dạy học, kể chuyện sáng tạo như kể chuyện “Bác gấu”, sử dụng trong
các chủ đề: gia đình, quê hương, đất nước, Bác Hồ.
2.3.5. Làm hộp bút bằng lõi giấy vệ sinh, bìa cứng (Hình 6)
Vật liệu: Lõi giấy vệ sinh, bìa cứng, giấy A4 trắng, giấy màu, bút dạ màu đen, kéo, 
mica loại zen 2 (độ cứng vừa phải), súng bắn keo và keo nến.
Cách làm
Bước 1: Dùng bút dạ vẽ hình động vật, hoa quả lên giấy màu hoặc xốp màu, sau đó 
bồi lên bìa cứng. 
Bước 2: Tô màu hoặc cắt dán tùy theo sở thích của từng người sao cho hợp lý và cắt 
theo đúng hình đã vẽ thành các phần riêng rời. 
Bước 3: Cắt mica thành hình tròn có đường kính tương ứng với lõi giấy vệ sinh, dùng 
keo nến gắn đế và các hình trang trí đã làm sẵn, dán sao cho ôm sát vào lõi giấy. Trang trí
mỗi hộp một màu sắc khác nhau cho sinh động. 
Cách sử dụng trong trường mầm non: Dùng làm ống đựng bút cho bé, giúp trẻ biết 
được ý nghĩa, tác dụng cấu tạo của hộp bút thông qua hoạt động làm quen với môi trường 
xung quanh, thể sử dụng trong các hoạt động theo chủ đề gia đình và trang trí lớp học.
Hình 5. Mô hình ngôi nhà bng bìa cứng Hình 6. Hộp bút bng lõi giấy vệ sinh
TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 38.2018
52
2.4. Quản lý và bảo quản đồ dng đồ chơi trong trường mầm non
Sắp xếp đồ dùng đồ chơi sao cho trẻ dễ nhìn, dễ thấy, thuận lợi cho việc lựa chọn và
sử dụng. Đồ dùng đồ chơi phải phù hợp với nội dung chơi của từng lứa tuổi, nội dung chơi 
của từng chủ đề, chủ điểm. Lứa tuổi càng nhỏ thì cần nhiều đồ dùng đồ chơi hơn trẻ lớn vì
trẻ chưa có khả năng tìm vật thay thế. Ghi chép số lượng đồ dùng đồ chơi để tiện cho việc 
kiểm tra, bổ sung, thay thế, tránh thất thoát. 
Để sử dụng đồ dùng, đồ chơi được lâu bền, cần có phòng chức năng chứa đồ, đảm 
bảo không gian để sắp xếp, bảo quản, có tủ, giá, kho đựng thiết bị dạy học và nên có mô tả
tóm tắt về đồ dùng, chú thích về cách sử dụng đồ dùng. Nhiều đồ dùng dạy học, đồ chơi 
mầm non tự làm có độ bền chưa cao, do đó bên cạnh việc làm đồ dùng, giáo viên phải chú 
ý đến độ bền chắc, cần bảo quản tốt, vệ sinh thường xuyên, theo dõi để sửa chữa hoặc vứt 
bỏ, làm thay thế ngay các thiết bị dạy học cùng nhóm khác. Nếu có điều kiện có thể mời 
chuyên gia giáo dục mầm non tư vấn hướng dẫn thêm về quy trình và kỹ thuật làm đồ chơi 
bằng vật liệu tái chế.
3. KẾT LUẬN
Trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ theo hướng tích cực chủ động hiện nay, những 
hoạt động vui chơi với đồ chơi của trẻ dưới sự gợi ý hướng dẫn của giáo viên, không những 
khiến trẻ hồ hởi tích cực mà còn chủ động, sáng tạo và xử lý những tình huống chơi đầy ngẫu 
hứng. Đây thực sự là bài học đầu tiên để trẻ khám phá thế giới xung quanh đầy màu sắc. Khi 
sử dụng đồ chơi trong từng trò chơi, trẻ biết tái hiện lại hành động, lời nói, các diễn biến mô 
phỏng sự việc có thực ngoài đời mà trẻ đã từng được tiếp xúc, ghi nhớ. Dưới sự dẫn dắt, gợi ý 
của cô giáo, những hoạt động sáng tạo này thực sự trở thành phương tiện giáo dục có hiệu quả
tích cực, vì vậy việc tạo ra đồ chơi từ vật liệu tái chế nên làm theo hướng tích hợp, có thể phục 
vụ nhiều trò chơi khác nhau một cách liên hoàn thì đồ chơi sẽ thú vị hơn, tạo cơ hội cho trẻ
được trải nghiệm và khám phá, tránh làm những đồ chơi chỉ có tính chất trưng bày, vừa lãng 
phí vừa không khả thi, thiết thực và hiệu quả trong quá trình giáo dục trẻ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phạm Thị Việt Hà (2004), Hướng dẫn trẻ làm đồ chơi theo chủ đề, Nxb. Giáo dục, 
Hà Nội. 
[2] Đặng Hồng Nhật (2001), Tạo hình và phương pháp hướng dẫn hoạt động tạo hình 
cho trẻ mầm non (Làm đồ chơi quyển 2), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 
[3] Mai Phạm (2016), Nhận biết nhựa an toàn sức khỏe, https://www.tecignin.com/
cuoc-song/nhan-biet-nhua-an-toan-suc-khoe/
[4] QCVN 3: 2009/BKHCN do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn 
đồ chơi trẻ em biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình duyệt 
và được ban hành theo Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 
2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 38.2018
53
[5] Phùng Thị Tường, Vũ Thị Ngọc Minh, Hoàng Thu Hương, Lý Thu Hiền (2009), Bé
tập làm đồ chơi từ vải vụn, giấy màu và các loại vỏ hộp, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[6] Đàm Thị Xuyến (2008), Làm đồ chơi từ vật liệu thông thường, Nxb. Giáo dục, 
Hà Nội.
WAYS TO MAKE TOYS FROM RECYCLED MATERIALS 
FOR PRESCHOOL CHILDREN 
 Dao Thi Ha, Doan Dung Si 
ABSTRACT
In preschools, toys are the source of joy, close friends, and also means for children to 
discover the world around them. Toy hence has a great impact on developing and thinking 
of children. There are many types of toys with different subjects: decoration toys, learning
toys, construction toys, figurative toys, etc. Those types of toys are normally designed by 
preschool teachers based on technical standards on safety, design progress, usage and 
preservation methods. Using recycled materials is becoming the most effective method in 
teaching, it is an economical method to teach children about environment protection. This 
article outlines some simple but feasible toy-making methods that are appropriate to the 
difficult economic conditions, the shortage of toys in some preschools nowadays.
Keywords: Toys, recycled material, preschool children.

File đính kèm:

  • pdfmot_so_cach_lam_do_choi_tu_vat_lieu_tai_che_cho_tre_mam_non.pdf