Mối quan hệ giữa “nhân nghĩa” và “lợi ích” trong đường lối chính trị của mạnh tử

Với tư tưởng dùng nhân nghĩa trong chính trị, Mạnh Tử đặc biệt đề cao vai trò của nhân

nghĩa trong công việc trị nước của nhà cầm quyền và chủ trương tuyệt đối hóa tư tưởng đức trị của

Khổng Tử trong xã hội Trung Quốc đương thời. Để làm sáng tỏ vai trò của nhân nghĩa, Mạnh Tử đã

đối lập nhân nghĩa với lợi ích và đòi hỏi nhà cầm quyền làm chính trị là vì nhân nghĩa chứ không

vì lợi ích. Theo ông, khi nhà cầm quyền có nhân nghĩa và thi hành nhân nghĩa trong chính trị thì

việc làm đó tự nhiên sẽ mang lại lợi ích. Ngược lại, nếu họ quá đề cao lợi ích, lấy lợi ích làm điểm

xuất phát cho suy nghĩ và hành động thì sẽ làm tổn hại nhân nghĩa và có thể mất luôn lợi ích.Có

thể nói, lý luận về mối quan hệ giữa“nhân nghĩa” và “lợi ích” là tư tưởng đặc sắc, có giá trị trong

đường lối chính trị của mạnh tử nói riêng và trong học thuyết chính trị - xã hội của ông nói chung.

pdf 9 trang kimcuc 9620
Bạn đang xem tài liệu "Mối quan hệ giữa “nhân nghĩa” và “lợi ích” trong đường lối chính trị của mạnh tử", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Mối quan hệ giữa “nhân nghĩa” và “lợi ích” trong đường lối chính trị của mạnh tử

Mối quan hệ giữa “nhân nghĩa” và “lợi ích” trong đường lối chính trị của mạnh tử
129
Mối quan hệ giữa . . .
MỐI QUAN HỆ GIỮA “NHÂN NGHĨA” VÀ “LỢI ÍCH” 
TRONG ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ CỦA MẠNH TỬ 
Bùi Xuân Thanh *
TÓM TẮT
Với tư tưởng dùng nhân nghĩa trong chính trị, Mạnh Tử đặc biệt đề cao vai trò của nhân 
nghĩa trong công việc trị nước của nhà cầm quyền và chủ trương tuyệt đối hóa tư tưởng đức trị của 
Khổng Tử trong xã hội Trung Quốc đương thời. Để làm sáng tỏ vai trò của nhân nghĩa, Mạnh Tử đã 
đối lập nhân nghĩa với lợi ích và đòi hỏi nhà cầm quyền làm chính trị là vì nhân nghĩa chứ không 
vì lợi ích. Theo ông, khi nhà cầm quyền có nhân nghĩa và thi hành nhân nghĩa trong chính trị thì 
việc làm đó tự nhiên sẽ mang lại lợi ích. Ngược lại, nếu họ quá đề cao lợi ích, lấy lợi ích làm điểm 
xuất phát cho suy nghĩ và hành động thì sẽ làm tổn hại nhân nghĩa và có thể mất luôn lợi ích.Có 
thể nói, lý luận về mối quan hệ giữa“nhân nghĩa” và “lợi ích” là tư tưởng đặc sắc, có giá trị trong 
đường lối chính trị của mạnh tử nói riêng và trong học thuyết chính trị - xã hội của ông nói chung.
Từ khoá: nhân nghĩa, lợi ích, đường lối chính trị, Manh Tử
THE RELATION BETWEEN “BENEVOLENCE” AND “BENEFIT” OF 
MENCIUS’ POLITICAL LINE.
ABSTRACT
With the thought of using benevolence in political, Mencius particularly gives prominence 
to the role of benevolence in the govern a country of authorities and advocate absolutely the thought 
of Mencius’ Rule of virtue in the then Chinese Society. To clarify the role of benevolence, Mencius 
opposed benevolence and benefit and claimed the authorities doing politics for benevolence but not 
for benefit. According to Mencius, If the authorities have benevolence and carry out the benevolence 
in the politics, it will bring benefit. By contrast, if they give prominence to benefit, choosing benefit 
as starting point for their thought and action, it will corrupt benevolence and may be lost benefit. 
In fact, the theory of relation between “Benevolence” and “Benefit” is the special thought which 
is very valuable in the Mencius’ political line in particular and political theory in his society in 
general. 
Keywords: benevolence, benefit, political line, Mencius (Mạnh Tử)
* TS. GV. Khoa Lý luận chính trị, trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh
130
Taïp chí Kinh teá - Kyõ thuaät
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Khi nghiên cứu tư tưởng triết lý, chính trị, 
đạo đức của Nho gia Tiên Tần qua các nhà tư 
tưởng, với các tác phẩm lớn mà sau này được 
xếp như là kinh điển của Nho gia, có thể nói 
một trong những điểm đặc sắc nhất trong học 
thuyết chính trị - xã hội của Mạnh Tử là lý 
luận về mối quan hệ biện chứng giữa “nhân 
nghĩa” và “lợi ích”. Thông qua việc bàn về 
mối quan hệ này, Mạnh Tử đã đặc biệt đề cao 
vai trò của nhân nghĩa. Xuất phát từ đó, ông 
vận dụng nhân nghĩa vào công việc chính trị 
của nhà cầm quyền hình thành nên tư tưởng 
nhân chính với những nội dung cơ bản: xây 
dựng đường lối chính trị nhân nghĩa, hoàn 
thiện đạo đức vua quan, đề cao vai trò của dân 
theo tinh thần dân bản, dưỡng dân gắn liền 
với giáo hóa dân, cùng với những quan điểm 
về kinh tế, chiến tranhmang tính nhân văn 
sâu sắc.
2. NHÂN NGHĨA VÀ LỢI ÍCH 
TRONG ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ CỦA 
MẠNH TỬ
Nhân nghĩa được hiểu theo nghĩa khái 
quát nhất là dùng nhân nghĩa trong chính trị. 
Do đó, mặc dù Mạnh Tử không ưa biện luận, 
nhưng để thuyết phục các vua chư hầu sử dụng 
học thuyết của mình, và để triển khai những 
tư tưởng cơ bản trong đường lối nhân nghĩa; 
trước hết ông tập trung làm sáng tỏ vai trò của 
nhân nghĩa đối với công việc cai trị của nhà 
cầm quyền. Chính vì thế, lý luận về vai trò của 
nhân nghĩa trong chính trị trở thành một trong 
những nội dung mang tính cơ sở trong đường 
lối nhân chính của Mạnh Tử nói riêng và trong 
học thuyết chính trị - xã hội của ông nói chung. 
Là một nhà Nho có tấm lòng nhân ái, 
Mạnh Tử rất coi trọng nhân nghĩa. Lập trường 
nhất quán của ông là khi: “Thiên hạ chìm đắm, 
muốn tiếp cứu họ, phải dùng đạo lý (nhân, 
nghĩa, lễ) mới được” [12] Chính vì vậy, 
trong học thuyết chính trị - xã hội của mình, 
Mạnh Tử chủ trương nhà cầm quyền phải lấy 
nhân nghĩa làm gốc trong công việc trị nước. 
Trong suy nghĩ của ông, các bậc vương giả 
trị quốc, bình thiên hạ là vì nhân nghĩa chứ 
không phải vì lợi ích. Ông đề cao tới mức độ 
tuyệt đối hóa vai trò của nhân nghĩa, đặt nó 
lên trên lợi ích nên cho rằng nhà cầm quyền 
không cần nói tới lợi ích mà chỉ cần nói tới 
nhân nghĩa là đủ. Chính vì thế, khi Mạnh Tử 
sang nước Lương, Huệ vương hỏi ông có 
phương pháp gì để làm lợi cho nước mình. 
Ông trả lời: Vua cần gì phải nói việc lợi? Hãy 
nói việc nhân nghĩa mà thôi.
Nếu ở trên bậc quốc vương nói rằng: Có 
cách gì để làm lợi cho đất nước ta? Kế đó, 
hàng đại phu nói rằng: Có cách gì để làm lợi 
cho gia tộc ta? Sau đó hạng sĩ và hạng bình 
dân nói rằng: Có cách gì để làm lợi cho thân 
phận ta? Như vậy, từ trên tới dưới đều tranh 
nhau vì mối lợi, ắt vận nước phải lâm nguy 
đó” [11].
Không phải ngẫu nhiên mà Mạnh Tử coi 
trọng nhân nghĩa và đặt nhân nghĩa lên trên 
lợi ích. Theo ông: “Những vị Thiên tử đời 
trước nhân có lòng chẳng nỡ đối với kẻ khác, 
thành ra phổ cập lòng thương xót người trong 
việc chính trị của mình. Bởi có lòng chẳng 
nỡ ấy, các ngài bèn đem lòng thương xót mà 
thi hành trong chính sự, cho nên các ngài cai 
trị thiên hạ dường như có thể xây trở món đồ 
trên bàn tay” [11]. Trong suy nghĩ của ông, 
khi nhà cầm quyền “biết làm cho bốn mối 
thương xót, hổ thẹn, khiêm nhượng và phải 
quấy được sung túc” nơi mình, họ sẽ đủ sức 
cai trị thiên hạ. Ngược lại, nếu họ lấy lợi ích 
131
Mối quan hệ giữa . . .
làm mục đích cho suy nghĩ và hành động của 
mình thì kẻ dưới sẽ vì lợi mà hại kẻ trên, còn 
kẻ trên cũng vì lợi ích chiếm đoạt hết của cải 
của kẻ dưới. Trong một quốc gia và trong cả 
thiên hạ, nếu tất cả mọi người chỉ biết đuổi 
theo lợi ích của bản thân mình, gia đình mình 
và dòng tộc mình, tất sẽ đưa xã hội tới tình 
trạng loạn lạc, mọi người tranh giành, cướp 
đoạt của cải của nhau. Chính vì thế, muốn 
bình trị thiên hạ, nhà cầm quyền không được 
lấy lợi ích làm điểm xuất phát cũng như mục 
tiêu hướng tới của đường lối cai trị.
Mạnh Tử rất coi thường những ai không 
coi trọng nhân nghĩa. Trong suy nghĩ của ông, 
người học theo “Thánh hiền”, nối nghiệp vua 
Nghiêu, vua Thuấn, sáng vừa thức dậy đã lo 
việc sửa mình và giúp đời. Còn kẻ theo phường 
gian trá vừa bừng mắt ra, đã mưu tính việc lợi 
cho mình. Những ai coi trọng nhân nghĩa và 
biết làm nhân chính là những kẻ thiện đức. Kẻ 
nào trong lòng thường sinh ra tư tưởng dục lợi 
là những kẻ đạo tặc. Ông viết: “Nghe gà gáy 
rộ mà thức dậy, chăm chăm làm việc thiện, 
người ấy là phái đồ của vua Thuấn, bậc trí 
đức vậy. Nghe gà gáy rộ mà thức dậy, chăm 
chăm là việc lợi, kẻ ấy là môn đồ của người 
Chích, tay cướp tổ vậy”[12]. Theo đó, nhân 
nghĩa là phẩm chất không thể thiếu của vua và 
các bậc quan lại, nói rộng ra là của nhà cầm 
quyền. Mạnh Tử phê phán gay gắt vua Trụ là 
kẻ làm hại đức nhân nghĩa nên không xứng 
đáng làm vua. Vì vậy khi Tề Tuyên vương hỏi 
ông về trường hợp vua chư hầu Võ vương giết 
vua Trụ nhà Thương: “Bề tôi mà giết vua có 
nên chăng?”. Ông trả lời: “ Kẻ làm hại đức 
nhân gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa gọi là 
tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là một người 
thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ vương 
chỉ giết một người thường là Trụ thôi, chứ tôi 
chưa hề nghe giết vua”[11]. Thông qua việc 
phê phán vua Trụ, Mạnh Tử muốn khuyến cáo 
Tề Tuyên vương không được coi thường nhân 
nghĩa trong đạo trị nước. Theo ông, một vị vua 
bất nhân và bất nghĩa tất sẽ cai trị bằng “bạo 
ngược” đẩy nhân dân vào cảnh “nước lửa”. Đó 
chính là nguyên nhân dẫn đến sự phản kháng 
của dân đối với vua, khiến vua phải trả giá 
bằng chính mạng sống của mình. Ngược lại, 
một ông vua biết coi trọng nhân nghĩa, thi hành 
nhân chính, tất sẽ nhận được sự ủng hộ của dân 
để làm nên nghiệp lớn. Do đó ông khuyên vua 
Mục Công nước Trâu: “Nếu vua thi hành nền 
chính trị nhân đức, ban ân huệ cho dân, khiến 
các quan chức trông nom dân chúng thì bá tính 
sẽ thương mến người bề trên của mình và dám 
liều chết vì kẻ lớn của mình”[11].
Có thể nói, đạo trị nước của Mạnh Tử tóm 
gọn trong hai chữ nhân chính và hoài bão lớn 
nhất của ông là làm thế nào cho đức nhân 
nghĩa trở thành lẽ sống của mỗi người trong 
xã hội. Để đức nhân nghĩa có thể lan rộng và 
tỏa sáng, Mạnh Tử bôn ba các nước không 
mệt mỏi khuyên các vua chư hầu thực hiện 
đường lối nhân chính. Nếu Khổng Tử khuyên 
người ta “phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ 
vật ngôn, phi lễ vật động: sắc chi chẳng hợp 
lễ thì mình đừng ngó, tiếng chi chẳng hợp lễ 
thì đừng nghe, lời chi chẳng hợp lễ thì mình 
đừng nói, việc chi chẳng hợp lễ thì mình đừng 
làm”[10], thì nguyên tắc của Mạnh Tử là 
nghe điều nhân nghĩa, nói điều nhân nghĩa và 
làm điều nhân nghĩa. Điều đó được thể hiện 
qua câu nói của ông với Cảnh Sửu: “Ta đây, 
ngoài cái đạo lý của vua Nghiêu, vua Thuấn, 
ta chẳng dám đem điều gì khác mà tâu bày 
trước vua”[11]. Cái đạo lý của vua Nghiêu 
vua Thuấn mà Mạnh Tử nói tới ở đây chính 
là đạo nhân nghĩa. Mạnh Tử cho rằng các vị 
132
Taïp chí Kinh teá - Kyõ thuaät
“Thiên tử” đời trước là những người có nhân 
nghĩa, biết “phổ cập lòng thương xót người 
trong việc chính trị của mình”, nghĩa là biết 
đem lòng nhân nghĩa thi hành trong chính 
trị nên sự nghiệp mới bền vững. Nhắc lại lời 
Khổng Tử: Đạo chỉ có hai đường nhân và bất 
nhân, Mạnh Tử chỉ ra đạo trị nước cũng chỉ 
có hai đường nhân và bất nhân. Theo ông, sở 
dĩ các triều đại trong quá khứ được thiên hạ 
là nhờ biết làm nhân (đó là các trường hợp 
vua Vũ lập ra nhà Hạ, vua Thương lập ra nhà 
Thương và vua Võ vương dựng lên nhà Chu). 
Ngược lại, các triều đại mất thiên hạ là do làm 
điều bất nhân (đó là các trường hợp vua Kiệt 
làm mất nhà Hạ, vua Trụ để mất nhà Thương, 
vua Lệ và vua U nhà Chu mất ngôi). Chính vì 
lẽ đó, Mạnh Tử đòi hỏi các vua chư hầu phải 
trị nước theo pháp tiên vương. Đối với ông, 
đó là cách duy nhất để đưa xã hội Trung Quốc 
đương thời ra khỏi cảnh loạn lạc, phân tranh, 
và đó cũng là phương pháp tốt nhất để một 
ông vua củng cố sự nghiệp.
Cố nhiên, khi lấy nhân nghĩa làm gốc 
trong đạo trị nước, Mạnh Tử có lý lẽ riêng 
của ông. Ông tin tưởng rằng: “Hiện nay nếu 
vua chư hầu chịu hành chính như Văn vương, 
trong bảy năm ắt nền nhân chính sẽ phổ khắp 
thiên hạ”[12]. Mặt khác, trong suy nghĩ của 
ông, “Đức nhân là chỗ an ổn của người đời. 
Đức nghĩa là con đường chính đại của người 
đời”[12], nên khi nhà cầm quyền cai trị bằng 
bạo lực là không biết “ở trong đức nhân và noi 
theo đức nghĩa”. Như vậy có thể đưa dân vào 
khuôn khổ nhưng không thể thu phục lòng 
dân. Từ đó cho thấy, thi hành nhânnghĩa trong 
chính trị về thực chất là trị nước bằng đắc 
nhân tâm. Nói cách khác là nhà cầm quyền 
phải thu phục nhân tâm bằng đức nhân nghĩa 
của mình.
Thế nhưng thời đại của Mạnh Tử là thời 
đại của chiến tranh và loạn lạc. Trong bối 
cảnh ấy Mạnh Tử không thể không nhận 
thấy xã hội Trung Quốc đương thời vẫn xảy 
ra những trường hợp mặc dù nhà cầm quyền 
lấy nhân nghĩa làm trọng trong đường lối trị 
quốc, nhưng họ vẫn không nhận được sự phục 
tùng, tin yêu của dân nên sự nghiệp không bền 
vững. Lý giải về những trường hợp ấy, Mạnh 
Tử cho rằng không phải vì đức nhân nghĩa 
không thể thu phục nhân tâm mà do lòng nhân 
của kẻ cai trị chưa đủ để cảm hóa lòng người. 
Mặt khác, theo ông nhân phải gắn liền với 
trí. Đã có nhân trong suy nghĩ mà không biết 
làm nhân là không có trí. Vậy nên “Mình yêu 
thương người mà người chẳng thân mến, vậy 
mình nên tự xét coi mình có đủ lòng nhân hay 
chăng. Mình cai trị người mà người chẳng 
phục tùng, vậy mình nên xét coi mình có đủ 
trí sáng hay chăng” [12].
Theo đó, đạo trị nước phải gắn liền nhân 
với trí. Khi nhà cầm quyền có đủ nhân và trí, 
tất sẽ biết được điều gì nên làm để làm, điều 
gì không nên làm để không làm, nên sẽ cảm 
hóa được lòng dân, thu phục được nhân tâm.
Khi đề xuất đường lối nhân chính với nhà 
cầm quyền, mọi chủ trương, chính sách Mạnh 
Tử đưa ra chỉ vì nhân nghĩa chứ không vì lợi 
ích. Thế nhưng, xét tới cùng, bản chất của mối 
quan hệ giữa người với người trong xã hội, 
giữa cá nhân với tập thể, cũng như giữa cá 
nhân với xã hội lại là mối quan hệ lợi ích. Vậy 
việc Mạnh Tử kịch liệt phản đối những ai nói 
tới lợi ích có phải do ông không hiểu rằng lợi 
ích là động lực cơ bản chi phối mọi hành vi 
của con người?
Chúng tôi cho rằng Mạnh Tử hoàn toàn 
không phủ nhận lợi ích ngay cả khi ông đối 
lập nhân nghĩa với lợi ích. Thực ra việc đối 
133
Mối quan hệ giữa . . .
lập nhân nghĩa với lợi ích chỉ là cái cách mà 
Mạnh Tử đề cao nhân nghĩa. Phản đối việc 
người đời lấy lợi ích làm động cơ cho hành 
động của họ vì Mạnh Tử không tin rằng xuất 
phát từ lợi ích, người ta lại có thể giữ được 
nhân nghĩa. Đặt nghĩa và lợi trong mối quan 
hệ một chiều, ông có dụng ý làm rõ công dụng 
của nhân nghĩa. Ông tin tưởng rằng khi nhà 
cầm quyền có nhân nghĩa và thi hành nhân 
nghĩa trong chính trị thì việc làm đó tự nhiên 
sẽ mang lại lợi ích. Ngược lại, nếu họ quá đề 
cao lợi ích, lấy lợi ích làm điểm xuất phát cho 
suy nghĩ và hành động thì sẽ làm tổn hại nhân 
nghĩa và có thể mất luôn lợi ích. Chính vì lẽ đó 
khi Tống Hinh muốn đem điều lợi để khuyên 
Tần và Sở không nên đánh nhau, Mạnh Tử đã 
phân tích về sự có hại của việc làm này, qua 
đó làm nổi bật vai trò của nhân nghĩa. Ông 
nói: Nếu tiên sinh đem việc lợi mà nói với vua 
nước Tần và vua nước Sở, hai vua ấy đẹp lòng 
vì chỗ lợi, bèn bãi hết các sư đoàn trong tam 
quân Rồi kẻ làm tôi vì ham lợi nên thờ vua. 
Kẻ làm con vì ham lợi nên thờ cha. Kẻ làm em 
vì ham lợi nên thờ anh. Như vậy, vua tôi, cha 
con, anh em rốt cuộc đều bỏ hết điều nhân và 
điều nghĩa; ai nấy đều giao tiếp nhau chẳng 
qua vì lòng tham lợi mà thôi. Nước nhà như 
thế mà chẳng diệt vong, thì chưa từng có vậy.
Còn như tiên sinh đem điều nhân và điều 
nghĩa mà nói với vua nước Tần và vua nước 
Sở, hai vua ấy đẹp lòng về chỗ nhân và chỗ 
nghĩa, bèn bãi hết các sư đoàn trong tam 
quân Rồi ra, kẻ làm tôi vì mộ nhân nghĩa 
nên thờ vua, kẻ làm con vì mộ nhân nghĩa nên 
thờ cha. Kẻ làm em vì mộ nhân nghĩa nên thờ 
anh. Như vậy, vua tôi, cha con, anh em rốt 
cuộc đều bỏ tuyệt điều lợi, ai nấy đều giao 
tiếp nhau chỉ vì lòng hâm mộ nhân nghĩa mà 
thôi. Cần chi phải nói chuyện lợi?”[12]. Tư 
tưởng trên đây của Mạnh Tử đượm tinh thần 
nhân văn sâu sắc. Nó chứng tỏ ông là nhà tư 
tưởng có tấm lòng nhân ái, luôn đề cao nhân 
nghĩa. Coi nhân nghĩa là gốc của đạo làm 
người, Mạnh Tử muốn nới lòng mình lan tỏa 
tới mọi người để đức nhân nghĩa được phổ 
cập rộng khắp và khuyến cáo nhà cầm quyền 
phải biết dùng nhân nghĩa điều chỉnh các mối 
quan hệ xã hội, đưa thiên hạ trở lại hữu đạo.
Tuy nhiên, việc Mạnh Tử đề cao tới mức 
độ tuyệt đối hóa vai trò của nhân nghĩa và đòi 
hỏi con người phải lấy nhân nghĩa đối xử với 
nhau trong cuộc sống một cách vô điều kiện, 
cho thấy ông chưa nhìn rõ sức mạnh thực sự 
của bản năng, của cái phần “động vật” trong 
con người với vô số nhu cầu cần phải thỏa 
mãn. Mặt khác, chúng ta hiểu rằng con người 
muốn hướng thiện nhưng con người lại không 
thể chối bỏ bản năng nên ngay trong suy nghĩ 
của mỗi người luôn luôn tồn tại sự đấu tranh 
giữa lợi ích và sự thánh thiện. Khi Mạnh Tử 
kêu gọi mỗi người, cả nước, cả thiên hạ hãy 
sống vì nhân nghĩa thì lời kêu gọi ấy của ông 
mang tính giáo dục hơn là tính phương pháp 
trong công việc trị nước của nhà cầm quyền.
Thế nhưng tại sao Mạnh Tử lại đối lập 
nghĩa với lợi và khuyên nhà cầm quyền phải 
quên lợi? Xét tới cùng, đó chỉ là cái cách đề 
cao nghĩa của ông. Nếu như Khổng Tử coi 
nghĩa là đức tính quan trọng để phân biệt 
người quân tử với kẻ tiểu nhân nên đặt nghĩa 
lên trên tư lợi cá nhân và đòi hỏi con người 
không được vì lợi mà quên nghĩa, thì Mạnh 
Tử đã đi xa hơn một bước bằng cách tuyệt đối 
hóa vai trò của nghĩa, đòi hỏi người ta phải 
quên lợi vì nghĩa. Trong suy nghĩ của Mạnh 
Tử, lợi là quan tước, bổng lộc, tiền của luôn 
cám dỗ con người, làm cho con người không 
còn giữ được nhân nghĩa. Hơn nữa, thời đại 
134
Taïp chí Kinh teá - Kyõ thuaät
của ông - thời Chiến quốc, xã hội Trung Hoa 
đang loạn lạc, các nước chư hầu tranh thành 
cướp đất của nhau, chỉ biết đuổi theo lợi ích. 
Thế nhưng các cuộc chiến tranh vì lợi ích ấy 
chẳng những không mang lại lợi ích mà còn 
làm tổn hại lợi ích của vua chúa và các tập 
đoàn vua chúa cũng như tính mạng, tài sản 
của nhân dân. Để cứu vãn tình trạng đó, Mạnh 
Tử chủ trương dùng các giá trị chuẩn mực 
đạo đức điều chỉnh hành vi con người, và một 
trong những giá trị chuẩn mực đạo đức ấy là 
nhân nghĩa. Ông đưa ra lẽ sống: Kẻ nào coi 
trọng lợi ích tất sẽ nhận được sự đối xử cũng 
chỉ vì lợi ích của kẻ khác nên dễ mất luôn lợi 
ích. Ngược lại, những ai coi trọng nhân nghĩa 
sẽ nhận được sự đối xử có nhân nghĩa của mọi 
người, từ đó tự nhiên có lợi. Như vậy, không 
cầu lợi mà tự khắc sẽ có lợi, còn nếu đuổi theo 
lợi sẽ mất luôn lợi ích.
Rõ ràng, đối lập nhân nghĩa với lợi ích và 
đòi hỏi người ta phải quên lợi, về thực chất 
lại là mưu cầu lợi ích. Xét tới cùng, cái trật 
tự xã hội mà Mạnh Tử phấn đấu xây dựng 
cũng chỉ là xã hội bảo đảm quyền lợi cho vua, 
cùng các tập đoàn vua chúa và mục tiêu mà 
ông đặt ra cho kẻ sĩ cũng là để có danh lợi. 
Như vậy, Mạnh Tử không phê phán lợi ích nói 
chung mà chỉ tập trung phê phán cái lợi nào 
có hại cho nhân nghĩa. Tuy nhiên, xã hội là sự 
hợp thành của các cá nhân với sự đa dạng về 
nhân cách. Do hoàn cảnh sống, kinh nghiệm, 
trường đời, tuổi tác của mỗi cá nhân trong 
xã hội không giống nhau, nên những quan 
niệm cùng những trạng thái xúc cảm tâm lý 
của các cộng đồng người, các cá nhân về các 
giá trị thiện, ác, lương tâm, trách nhiệm và 
về các quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi 
ứng xử giữa cá nhân với xã hội, cá nhân với cá 
nhân luôn luôn có sự khác biệt. Do đó, không 
phải bất kỳ cá nhân nào khi thu nhận phạm trù 
đạo đức nhân nghĩa bằng con đường lý tính 
đều chuyển hóa nó thành hành vi nhân nghĩa. 
Đồng thời không phải lúc nào trong cuộc sống 
đức nhân nghĩa cũng được thực hiện suôn sẻ; 
không phải bất cứ ai cứ đối xử nhân nghĩa với 
người khác cũng được đáp trả bằng hành vi 
nhân nghĩa và lợi ích. Điều ấy cho thấy cách 
đạt đến lợi ích của Mạnh Tử không mang tính 
triệt để và thiếu thiết thực nên ông khó có thể 
thuyết phục được các vua chư hầu làm theo 
trong bối cảnh “đời suy đạo hỏng”. 
Có thể nói, nếu điểm cốt lõi mang tính 
đặc sắc trong học thuyết chính trị - xã hội của 
Mạnh Tử là tư tưởng dùng nhân nghĩa trong 
chính trị, thì hạn chế đầu tiên và xuyên suốt 
của học thuyết ấy cũng bắt đầu từ tư tưởng 
này. Mạnh Tử chủ trương dùng đạo đức nhân 
nghĩa trong chính trị, nhưng đó là thứ đạo 
đức tiên nghiệm, chứ không phải những giá 
trị, chuẩn mực đạo đức được hình thành trong 
quá trình phát triển của xã hội. Theo Mạnh 
Tử, vũ trụ bên ngoài thuần túy là vũ trụ tâm 
linh. Những nguyên tắc đạo đức của con người 
đồng thời cũng là những nguyên tắc siêu hình 
của vũ trụ và bản tính con người chỉ là sự thể 
hiện đặc biệt những nguyên tắc ấy.
Lòng thương xót là đầu mối của đức nhân 
“mọi người đều có” - điều đó có nghĩa nó 
mang tính bản năng và phổ biến. Mạnh Tử 
nói “mọi người đều có lòng chẳng nỡ” nên 
cố nhiên các ông vua trị vì thiên hạ cũng có 
lòng “chẳng nỡ”. Chính vì vậy mới có chính 
trị “chẳng nỡ” đối với mọi người. Đức nhân 
chỉ là sự phát triển của lòng thương xót, lòng 
thương xót chỉ phát triển được khi thi hành 
nhân ái nên thương người và làm những việc 
thương người là để đức nhân trở nên phổ 
biến. Vương đạo không có gì khác hơn là sự 
135
Mối quan hệ giữa . . .
thi hành nhân của vua chúa. Điều đó cho thấy 
Mạnh Tử lấy đức nhân làm điểm xuất phát 
để nới lòng mình lan tới người trong đạo trị 
nước. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội đầy 
những biến cố phức tạp, đức nhân nghĩa ông 
đưa ra sẽ gặp rất nhiều lực cản, làm cho nó 
không thể hiện một cách suôn sẻ và khó trở 
thành phổ biến. Khi chuẩn mực đạo đức ấy 
không thể đi vào cuộc sống, không giải quyết 
được mối quan hệ giữa nó với những hành 
động bất thiện của con người thì việc thực 
hiện nhân nghĩa chỉ là sự thể hiện mờ nhạt.
Khi đề cập đến mối quan hệ giữa nhân 
nghĩa và lợi ích, Mạnh Tử đã đặt niềm tin 
tuyệt đối vào sức mạnh của đạo đức, nên ông 
không tính đến những rào cản trong việc thi 
hành nhân nghĩa trong chính trị. Tư tưởng 
nhân nghĩa nói riêng và tư tưởng đạo đức của 
ông nói chung xuất phát từ tính tự giác của con 
người. Khi dùng nó để điều chỉnh hành vi cá 
nhân, ông đã không nhìn thẳng vào mâu thuẫn 
giữa lý trí, đạo đức với hiện thực cuộc sống, 
nên đã không giải quyết được mâu thuẫn ấy. 
Do đó, sự hy vọng cảm hóa nhân tâm trong 
đường lối chính trị của ông không tránh khỏi 
sự mơ hồ, khó thuyết phục đối với những ai 
đã dày dạn trong trường đời. Điều này cắt 
nghĩa tại sao các vua chư hầu đã không sử 
dụng học thuyết của ông trong công việc trị 
nước của họ.
Trước sự xung đột giữa lẽ phải và dục 
vọng, giữa nhân nghĩa và lợi ích Mạnh Tử 
cũng chỉ biết đề cao nhân nghĩa để xoa dịu 
tình hình mà không thực sự giải quyết mâu 
thuẫn đó. Dùng nhân nghĩa trong chính trị, coi 
thường lợi ích là để mong con người hướng 
thiện, nhưng con người có hướng thiện được 
hay không, không chỉ phụ thuộc vào nhân 
nghĩa của kẻ cai trị mà còn phụ thuộc vào 
nhiều yếu tố: sinh lý, hoàn cảnh khách quan, 
điều kiện sống Mạnh Tử đã không nhận ra 
điều đó nên ông không biết sử dụng và kết 
hợp các yếu tố ấy để giảm bớt những sai trái 
trong hành vi con người. Chính vì thế, mặc dù 
đã rất cố gắng “hành đạo” nhưng Mạnh Tử và 
các nhà Nho chủ trương đức trị trong xã hội 
Trung Quốc đương thời vẫn không thể cứu 
vãn được tình trạng “đời suy, đạo hỏng”. Cuối 
cùng, sự bế tắc trên con đường chính trị và sự 
thất bại trong sự nghiệp “cứu đời, cứu người” 
đã được ông giải thích bằng “mệnh trời” như 
Khổng Tử.
Mạnh Tử là một nhà triết học duy tâm. 
Trên nền tảng tư tưởng “Thiên mệnh” của 
Khổng Tử và một số nhà Nho như Tử Tư, 
Tăng Sâm ông đã dựng lên một hệ thống 
triết học duy tâm chủ nghĩa của các nhà Nho 
và phát triển thế giới quan duy tâm trong 
triết học Khổng Tử lên đến đỉnh cao. Trong 
tư tưởng của Mạnh Tử, trời là đấng tối cao 
chi phối vạn vật và xét tới cùng mọi sự biến 
đổi của đời sống xã hội, sự thay thế nhau của 
các vương triều cũng như quyền hành, chức 
tước của mỗi cá nhân đều do “Thiên mệnh” 
chi phối. Ông nói: “Tự mình là vua nước lớn 
mạnh mà giúp vua các nước nhỏ yếu, đó là 
mình vui thuận Mạng Trời. Tự mình là vua 
nước nhỏ yếu mà thờ phụng vua nước lớn 
mạnh, đó là mình kính sợ Mạng Trời. Bậc 
Thiên tử vui thuận Mạng Trời thì có thể bảo 
tồn cuộc cai trị thiên hạ một cách bền vững. 
Bậc quốc trưởng kính sợ Mạng Trời thì đủ 
sức gìn giữ nước nhà mình một cách miên 
trường.”[11]. Theo ông: “Phàm việc gì mình 
không cố ý làm mà tự nhiên mình làm, đó là ý 
Trời; mình không mong cầu mà tự nhiên tới, 
đó là Mạng Trời vậy”[12]. Vậy nên: “Mình 
bảo tồn lòng dạ mình, lương tâm mình, mình 
136
Taïp chí Kinh teá - Kyõ thuaät
tưởng dưỡng bản tính mình là để thờ Trời vậy. 
Dẫu mình có chết yểu hay sống dai; hai việc 
ấy mình vẫn coi như nhau; mình cứ bền chí 
mà tu tập lấy mình, bình tĩnh đối với giờ phút 
cuối cùng của mình; đó là cách mình lập vững 
cái Mạng do Trời ban cho mình vậy”[12].
Rõ ràng, đạo đức nhân nghĩa là do trời 
phú, và suy cho cùng mọi suy nghĩ, hành vi, 
địa vị của mỗi người là do trời quy định. 
Trời quy định tất cả, vậy sự lu mờ của kỷ 
cương phép nước, sự đảo lộn của luân thường 
đạo lý và cả sự tham lợi của con người lẽ nào 
lại không do trời quy định? Từ đó cho thấy, 
việc quá đề cao mệnh trời lại làm giảm đi vai 
trò của nhân nghĩa, làm cho đạo đức nhân 
nghĩa bị bao bọc bởi cái vỏ duy tâm thần bí 
nên khó có thể phát huy tác dụng mà chỉ thể 
hiện ra một cách yếu ớt.
Thế nhưng, học thuyết chính trị - xã hội 
của Mạnh Tử với những quan điểm về mối 
quan hệ giữa nhân nghĩa và lợi ích đã đề cập 
trên đây thấm đẫm tinh thần nhân bản, dân 
bản của ông. Chủ trương đạt đến lợi ích bằng 
cách làm điều nhân nghĩa của Mạnh Tử không 
chỉ thể hiện một tinh thần nhân văn sâu sắc 
mà còn thể hiện sự khát khao của ông về sự 
hướng thiện của con người. Nó cũng chứng 
tỏ rằng ngay cả lúc tình trạng suy đồi đạo đức 
lên đến đỉnh điểm, Mạnh Tử vẫn thể hiện một 
lập trường nhất quán và một niềm tin sắt đá 
vào sự thức tỉnh lương tri của con người. Với 
những lập luận đặc sắc về tâm tính và với 
niềm tin ấy ông đã dành gần trọn cả cuộc đời, 
chuyên tâm, bền chí giáo dục đạo đức cho 
đồng loại.
3. KẾT LUẬN
Nhìn chung, trong quá trình mở rộng nhân 
nghĩa đến chính trị, Mạnh Tử đã đưa ra những 
lập luận sắc sảo về vai trò của nghĩa trong 
tương quan giữa nghĩa với lợi, cũng như vai 
trò của nhân nghĩa trong mối quan hệ giữa 
nhân nghĩa với sự hưng vong của các vương 
triều và sự bền vững của ngôi vua. Tiếp tục kế 
thừa tư tưởng của Khổng Tử: “Quân tử hiểu 
rõ về nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về lợi”, nhưng 
Mạnh Tử tuyệt đối hóa vai trò của nghĩa, đòi 
hỏi nhà cầm quyền phải vì nghĩa quên lợi. Mặc 
dù đề cao nghĩa xét tới cùng cũng là để mưu 
cầu lợi ích, nhưng cái cách đạt đến lợi ích trên 
cơ sở nhân nghĩa trong đường lối chính trị của 
Mạnh Tử đã thể hiện tinh thần nhân văn sâu 
sắc. Có thể nói việc đề cao nhân nghĩa chính 
là chủ ý của Mạnh Tử nhằm cụ thể hóa đường 
lối đức trị của Khổng Tử thành nhân chính và 
hiện thực hóa tư tưởng ấy trong đời sống 
xã hội. Nó thực sự là một trong những tinh 
hoa của tư tưởng loài người nói chung và tư 
tưởng Trung Quốc nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đào Duy Anh (1996), Từ điển Hán Việt, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
[2] Tào Thượng Bân (2005), Tư tưởng nhân bản của Nho học Tiên Tần, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.
[3] Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê (1960), Đại cương triết học Trung Quốc. Cảo Thơm, Sài Gòn.
137
Mối quan hệ giữa . . .
[4] Doãn Chính (2004), Đại cương triết học Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[5] Doãn Chính, Trương Giới, Trương Văn Chung (1994), Giải thích các danh từ triết học sử Trung 
Quốc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[6] Vũ Khiêu (chủ biên) (1990), Nho giáo xưa và nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[7] Vũ Khiêu (1995), Đức trị và pháp trị trong Nho giáo, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[8] Trần Trọng Kim (1971), Nho giáo, Trung tâm Học liệu, Sài Gòn.
[9] Nguyễn Hiến Lê (1996), Mạnh Tử, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
[10] Luận ngữ, (bản dịch của Đoàn Trung Còn) (1950), Trí Đức Tòng thơ, Sài Gòn.
[11] Mạnh Tử-Quyển thượng, (bản dịch của Đoàn Trung Còn).;1950, Trí Đức Tòng thơ, Sài Gòn.
[12] Mạnh Tử – Quyển hạ, (bản dịch của Đoàn Trung Còn) (1950), Trí Đức Tòng thơ, Sài Gòn.
[13] Mạnh Tử quốc văn giải thích, (Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục dịch thuật) (1992), Nxb. Tp. 
Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
[14] Nguyễn Tài Thư (1997), Nho học và Nho học tại Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[15] Tứ thư tập chú (Chu Hy, do Nguyễn Đức Lân chú dịch)(1998), Nxb. Văn hóa -Thông tin.
[16] Nguyễn Khắc Viện (1996), Bàn về đạo Nho, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

File đính kèm:

  • pdfmoi_quan_he_giua_nhan_nghia_va_loi_ich_trong_duong_loi_chinh.pdf