Liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam: Hình thức liên kết và tác động tới doanh nghiệp Việt Nam

Xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp

trong nước là vấn đề quan trọng, thậm chí là được xem như là chìa khóa để tạo nên những

lan tỏa bền vững từ nền sản xuất phát triển sang nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Bài viết này đánh giá thực trạng liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt

Nam, bao gồm liên kết ngược và liên kết xuôi, dựa trên số liệu Điều tra doanh nghiệp 2017

và Điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ của WB năm 2015 cho thấy liên kết này hiện nay vẫn

còn yếu mặc dù thực tế cho thấy rằng liên kết với doanh nghiệp FDI sẽ thúc đẩy gia tăng

năng lực cạnh tranh. Bài viết cũng chỉ ra một số nguyên nhân của tình trạng này để có

những gợi ý cho chính phủ trong kiến tạo chính sách gia tăng mối liên kết này.

pdf 15 trang kimcuc 16120
Bạn đang xem tài liệu "Liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam: Hình thức liên kết và tác động tới doanh nghiệp Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam: Hình thức liên kết và tác động tới doanh nghiệp Việt Nam

Liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam: Hình thức liên kết và tác động tới doanh nghiệp Việt Nam
1 
Mã số: 469 
Ngày nhận: 10/10/2017 
Ngày gửi phản biện lần 1: /12 /2017 
Ngày gửi phản biện lần 2: 
Ngày hoàn thành biên tập: 25/10/2017 
Ngày duyệt đăng: 25/10/2017 
Liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam: hình 
thức liên kết và tác động tới doanh nghiệp Việt Nam1 
Nguyễn Thị Thùy Vinh2 
Tóm tắt 
Xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp 
trong nước là vấn đề quan trọng, thậm chí là được xem như là chìa khóa để tạo nên những 
lan tỏa bền vững từ nền sản xuất phát triển sang nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. 
Bài viết này đánh giá thực trạng liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt 
Nam, bao gồm liên kết ngược và liên kết xuôi, dựa trên số liệu Điều tra doanh nghiệp 2017 
và Điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ của WB năm 2015 cho thấy liên kết này hiện nay vẫn 
còn yếu mặc dù thực tế cho thấy rằng liên kết với doanh nghiệp FDI sẽ thúc đẩy gia tăng 
năng lực cạnh tranh. Bài viết cũng chỉ ra một số nguyên nhân của tình trạng này để có 
những gợi ý cho chính phủ trong kiến tạo chính sách gia tăng mối liên kết này. 
Từ khóa: Liên kết doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam 
Abstract 
Builiding linkages between foreign firms and domestic firms is a crucial issue that plays a 
key role in creating sustainable spillover from developed economy to developing one like 
Vietnam. This paper evaluates the current condition of linkages between FDI firms and 
1 Kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Bộ GD và ĐT mã số B2016-NTH-05 
2 Trường Đại học Ngoại thương, Email: vinhntt@ftu.edu.vn 
2 
Vietnamese firms, including both forward and backward linkages. According to Enterprise 
Survey 2017 and SME Survey by World Bank 2015, the paper find that despite the fact that 
collaborating with FDI firms would promote competition ability of domestic firms, the 
linkages is still weak. The paper also points out several reasonable causes so as to put 
forward suggestions for government in terms of making effective policies. 
Keywords: Firm linkages, FDI firms, Vietnamese firms 
1. Đặt vấn đề 
Thu hút đầu tư nước ngoài là một mục tiêu cơ bản trong hoạch định chính sách của 
hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, bởi vì thiếu 
vốn là một trong những trở ngại chính cho sự thịnh vượng của nền kinh tế. Kinh nghiệm 
của nhiều nước cho thấy rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài là luôn cần thiết nhưng không 
phải là điều kiện đủ cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Hiệu quả của dòng vốn này 
trong các nền kinh tế và tác động của nó tới khu vực đầu tư trong nước phụ thuộc hoàn 
toàn vào chính sách của chính phủ nước nhận đầu tư. Những lợi ích xuất phát từ nguồn vốn 
đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào mật độ, độ sâu và tính chất của các mối liên kết giữa các 
nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Bởi vậy, các nước nhận đầu tư thường 
tập trung thu hút đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài có nhiều khả năng tạo tác động lan 
tỏa lớn và liên kết với các nền kinh tế địa phương; nỗ lực loại bỏ những trở ngại làm hạn 
chế sự tương tác của các công ty nước ngoài với các nhà cung cấp hay khách hàng địa 
phương. 
Dòng vốn FDI bắt đầu chảy vào nền kinh tế Việt Nam từ sau Đổi mới (1986), được 
đánh dấu bằng Luật Đầu tư nước ngoài Việt Nam năm 1987, đến nay được thay thế Luật 
Đầu tư 2014. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã trở thành một địa điểm hấp dẫn thu 
hút FDI trong khu vực ASEAN, thu hút đầu tư từ nhiều nước phát triển ở Châu Á như Nhật 
Bản, Hàn Quốc và Singapore, cũng như các nhà đầu tư đến từ Châu Âu, Hoa Kỳ, Các 
nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tìm kiếm nhiều yếu tố tại Việt Nam. Đó có thể là thị 
trường tiêu thụ đầy tiềm năng, một địa điểm đầu tư với những nguồn lực hoặc tài sản phù 
hợp, hoặc tìm kiếm hiệu quả đầu tư. Xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn 
đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước là vấn đề quan trọng, thậm chí là được xem 
3 
như là chìa khóa để tạo nên những lan tỏa bền vững từ nền sản xuất phát triển sang nền 
kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Mối liên kết này càng trở nên quan trọng khi quá 
trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, phân công lao động ngày càng cao với 
sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu. Sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp có vốn 
đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam là cầu nối để Việt Nam không bị bật 
khỏi guồng quay của toàn cầu hóa, gia nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi vậy, 
bài báo xem xét thực trạng cũng như những tác động của mối liên kết này tới khả năng 
nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. 
2. Sự phát triển các hình thức liên kết của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong 
nước 
Về liên kết ngược 
Thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng tìm kiếm các doanh nghiệp địa 
phương tại Việt Nam nhằm cung cấp các nguyên nhiên liệu, hoặc linh phụ kiện đầu vào 
phục vụ cho sản xuất. Sự kết nối này sẽ giúp cho các doanh nghiệp FDI tiết kiệm được chi 
phí vận chuyển và giảm chi phí sản xuất trung bình. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên của chuỗi 
giá trị toàn cầu, sự tồn tại của các doanh nghiệp FDI phụ thuộc vào mức độ hiệu quả, năng 
suất và chất lượng cấp độ toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp FDI sẽ chỉ tìm đến những 
doanh nghiệp trong nước nếu có đủ năng lực đáp ứng những yêu cầu mang tính quốc tế. 
Đối với các doanh nghiệp trong nước, sự hợp tác cũng làm tăng năng lực sản xuất của 
các doanh nghiệp nội địa theo những tiêu chuẩn toàn cầu. Điều này khiến cho mối liên kết 
giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các liên kết ngược (doanh 
nghiệp trong nước cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp FDI), có vai trò quan trọng trong 
quá trình tạo nên những lan tỏa tích cực cho doanh nghiệp nội địa từ chính sách thu hút đầu 
tư nước ngoài. Vì thế Đề tài sẽ phân tích nhiều hơn vào sự liên kết này. 
Theo số liệu điều tra doanh nghiệp vào năm 2015 của Ngân hàng thế giới (WB), tỷ lệ 
các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng đầu vào sản xuất trong nước ở Việt Nam thấp hơn 
đáng kể so với các nước khác. Trong khi phần lớn doanh nghiệp FDI ở Trung Quốc, 
Malaysia và Thái Lan có sử dụng đầu vào trong nước, thì chỉ khoảng 2/3 doanh nghiệp FDI 
ở Việt Nam làm như vậy (Hình 1). 
4 
Hình 1. Tỷ lệ doanh nghiệp nước ngoài sử dụng đầu vào trong nước 
Nguồn: WB (2017) 
Một trong những nguyên nhân giải thích cho thực tế này có thể là do phần lớn các 
doanh nghiệp FDI là 100% vốn nước ngoài và tỷ lệ các doanh nghiệp FDI hướng về xuất 
khẩu ở Việt Nam là cao. Theo kết quả điều tra của WB, xu hướng các doanh nghiệp FDI 
mua đầu vào trong nước dường như tỉ lệ nghịch với tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp trong 
doanh thu và tỷ lệ vốn do nước ngoài sở hữu (Hình 2). 
Hình 2. Mối quan hệ giữa sở hữu, tỷ lệ xuất khẩu với liên kết ngược 
Nguồn: WB (2017) 
Xem xét cụ thể hơn mối liên kết này với các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, là một 
trong những quốc gia có mức vốn FDI lớn nhất,n tác giả sử dụng số liệu điều tra của Tổ 
chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) về hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản 
tại Việt Nam. Theo điều tra của JETRO, mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI Nhật Bản và 
doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng tăng lên theo thời gian, nhưng với mức độ chậm 
5 
và vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan và 
Indonesia. 
Bảng 1. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI Nhật Bản sử dụng nguồn cung ứng đầu 
vào nội địa 
Nguồn: JETRO (2017) 
Bảng 2 cho thấy, năm 2010 chỉ có 22,5% doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng đầu vào 
mua từ nền kinh tế Việt Nam, con số này đã tăng lên 32,1% vào năm 2015 và 34,2% vào 
năm 2016. Trong khi đó, ở Trung Quốc và Thái Lan, tỷ lệ này trên dưới 60%. 
Hình 3. Tỷ lệ nguồn cung ứng nội địa của các doanh nghiệp FDI 
Nhật Bản 
Nguồn: JETRO (2017) 
6 
Tuy nhiên, trong số những sản phẩm đầu vào nội địa mà các doanh nghiệp Nhật Bản 
mua trong nước năm 2016 thì chỉ có hơn 40% là từ các doanh nghiệp Việt Nam. Phần còn 
lại là từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Tức là chỉ có 
khoảng 14,1% doanh nghiệp Nhật Bản có mối liên kết ngược với doanh nghiệp Việt Nam. 
Tỷ lệ này cao hơn ở miền Nam so với miền Bắc (Hình 3) 
Hình 4. Tỷ lệ nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện nội địa 
Nguồn: JETRO (2017) 
Như vậy, có thể thấy rằng, nguyên liệu hay linh kiện đầu vào mà các doanh nghiệp 
Nhật Bản sử dụng để thực hiện sản xuất kinh doanh chủ yếu là từ nhập khẩu (trên 65%) và 
hơn ½ trong số nhập khẩu đó là từ chính Nhật Bản. Trong trường hợp mua từ nguồn cung 
nội địa thì phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản mua từ chính các doanh nghiệp FDI Nhật 
Bản đang hoạt động tại Việt Nam. 
So với các quốc gia khác, tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong cung 
ứng đầu vào cho các doanh nghiệp FDI Nhật Bản vẫn ở mức thấp, cầm chừng và trong suốt 
khoảng thời gian dài từ 2010 đến nay vẫn chỉ ở mức hơn 40%. 
Một kênh thông tin khác có thể giúp có cái nhìn rộng hơn về liên kết giữa doanh 
nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là từ số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục 
thống kê thực hiện năm 2017. Dựa trên thông tin về tỷ lệ mua các yếu tố đầu vào của các 
7 
doanh nghiệp FDI, tác giả đánh giá về mức độ liên kết ngược của các doanh nghiệp FDI 
với các doanh nghiệp trong nước: (1) Nếu các yếu tố đầu vào hoàn toàn được nhập khẩu thì 
doanh nghiệp FDI không có liên kết ngược với doanh nghiệp trong nước, (2) Nếu có mua 
đầu vào trong nước nhưng tỷ lệ nhỏ hơn 50% thì có liên kết yếu, (3) Nếu tỷ lệ mua đầu vào 
trong nước lớn hơn 50% thì có liên kết mạnh, và (4) nếu doanh nghiệp hoàn toàn mua đầu 
vào trong nước thì có liên kết hoàn toàn. Mức độ liên kết ngược của các doanh nghiệp FDI 
với nội địa được thể hiện trong Bảng 2.8 
Bảng 2. Tỷ lệ liên kết ngược của các doanh nghiệp FDI với trong nước 
Nhóm Mức độ liên kết ngược Tỷ lệ 
(1) Không có liên kết ngược trong nước 18,87% 
(2) Liên kết ngược trong nước ít 28,77% 
(3) Liên kết ngược trong nước nhiều 23,86% 
(4) Liên kết ngược hoàn toàn trong nước 28,49% 
 Nguồn: Tính toán từ Điều tra Doanh nghiệp của Tổng cục thống kê (2017) 
Số liệu điều tra cho thấy có khoảng gần 20% doanh nghiệp FDI không sử dụng nguồn 
đầu vào trong nước, đầu vào của các doanh nghiệp này hoàn toàn được nhập khẩu. Trong 
khi đó có đến gần 30% doanh nghiệp FDI sử dụng hoàn toàn nguồn đầu vào trong nước. 
Tuy nhiên nguồn đầu vào này có thể được cung cấp từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt 
động tại Việt Nam. Hơn 50% doanh nghiệp FDI vừa sử dụng đầu vào trong nước vừa nhập 
khẩu. 
Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp FDI vẫn 
còn ở mức thấp nhưng đang có xu hướng cải thiện. Số liệu điều tra doanh nghiệp năm 2017 
cho thấy có gần 20% DN Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI, con 
số này tăng lên đáng kể so với năm 2015 (khoảng 14% theo điều tra PCI2016). Và trong số 
đó thì có tới 65% doanh nghiệp VN xác định rằng các doanh nghiệp FDI là khách quan 
trọng nhất của họ. 
Bảng 3. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI ký hợp đồng mua đầu vào trong nước 
Loại hợp đồng cung ứng 
Doanh nghiệp 
FDI 
Doanh nghiệp 
VN 
Hợp đồng ngắn hạn 89,5% 89,8% 
8 
Hợp đồng dài hạn 10,5% 10,2% 
- Với doanh nghiệp FDI khác 34,2% 12,3% 
- Với doanh nghiệp VN 65,8% 87,7% 
Nguồn: Tính toán từ Điều tra Doanh nghiệp của Tổng cục thống kê (2017) 
Khi xem xét tính bền vững của các liên kết này, có thể thấy rằng trong số hơn 80% 
doanh nghiệp FDI có mua đầu vào trong nước thì số doanh nghiệp FDI ký kết hợp đồng dài 
hạn là không cao. Chỉ có khoảng hơn 10% doanh nghiệp FDI ký hợp đồng 3 năm với các 
doanh nghiệp trong nước, trong số đó thì có đến 65,8% là hợp đồng được ký với các doanh 
nghiệp Việt Nam (Bảng 3). 
Về liên kết xuôi 
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2017, khu vực FDI đã 
đóng góp 70,8% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 20,6% so với cùng kỳ. 
Trong khi, số lượng doanh nghiệp trong nước chiếm đến 90% tổng số doanh nghiệp, số 
lượng doanh nghiệp FDI chiếm một tỷ lệ rất nhỏ đã cho thấy hình thức đầu tư của các 
doanh nghiệp FDI là hướng về xuất khẩu. Bởi vậy sẽ làm giảm khả năng hình thành các 
mối liên kết với các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam. 
Theo số liệu điều tra doanh nghiệp năm 2017 của Tổng cục thống kê, có tới gần 30% các 
doanh nghiệp FDI hoàn toàn xuất khẩu, không cung cấp sản phẩm cho thị trường trong 
nước vì thế không có bất kỳ một cơ sở nào để hình thành liên kết xuôi trong nước. Trong 
số gần 70% doanh nghiệp FDI có cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước thì chưa 
đến 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có hoạt động xuất khẩu (Bảng 4) 
Bảng 4. Liên kết xuôi của các doanh nghiệp FDI với thị trường Việt Nam 
Mức độ liên kết xuôi nội địa Tỷ lệ 
Không có liên kết xuôi trong nước 28.29% 
Liên kết xuôi trong nước yếu 26.66% 
Liên kết xuôi trong nước nhiều 26.09% 
Liên kết xuôi hoàn toàn trong nước 18.96% 
Nguồn Tính toán từ Điều tra Doanh nghiệp của Tổng cục thống kê (2017) 
9 
Cũng theo điều tra này, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam 
chiếm khoảng 48, 25% và khoảng 23,45% doanh nghiệp FDI có bạn hàng chỉ là các doanh 
nghiệp FDI, không có bất kỳ bạn hàng nào trong nước 
Theo điều tra của JETRO (2017) về hoạt động của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản ở nước 
ngoài cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp FDI 100% xuất khẩu ở Việt Nam là ở mức cao so với 
các nước trong khu vực. Năm 2016, tỷ lệ này mặc dù có giảm xuống so với những năm 
trước ( 2013 là 34%, 2014 là 32%, 2015 là 32.7%) nhưng vẫn ở mức gần 30% trong khi đó 
tỷ lệ này chỉ là 4% ở Thái Lan, 6,5% ở Trung Quốc và 7,3% ở Indonesia. 
Hình 5. Tỷ trọng doanh nghiệp FDI Nhật Bản theo tỷ lệ xuất khẩu 
Nguồn: JETRO (2017) 
Trung bình, hơn 50% giá trị sản xuất của doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam được 
xuất khẩu và phần lớn hàng hóa được xuất khẩu trở lại Nhật Bản. 
Như vậy, so với liên kết ngược đã phân tích ở trên, khả năng hình thành các liên kết xuôi sẽ 
ít hơn vì tỷ lệ doanh nghiệp FDI mua đầu vào trong nước nhiều hơn là cung cấp đầu vào 
cho các doanh nghiệp trong nước. 
Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam mua đầu vào từ các doanh nghiệp trong nước là khá cao. Chỉ 
có khoảng gần 3% doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp đầu vào từ nước ngoài, còn lại thì 
10 
mua từ các doanh nghiệp Việt Nam hoặc FDI (Trong khi phần lớn sản xuất ở Việt Nam 
hiện nay phải nhập khẩu nguyên vật liệu thì con số này chứng tỏ các doanh nghiệp phải 
nhập khẩu qua một doanh nghiệp khác). Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp ký kết hợp đồng 
mua sản phẩm lâu dài với các doanh nghiệp cung cấp, chỉ khoảng 10%. Và trong số những 
doanh nghiệp có hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp trong nước thì chỉ có hơn 10% có hợp 
tác với doanh nghiệp FDI. Như vậy có thể thấy rằng mức độ liên kết xuôi còn khá ít và 
lỏng lẻo. 
3. Tác động của liên kết tới các doanh nghiệp Việt Nam 
Các nhà hoạch định tại nhiều quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi 
xem xét FDI như là nhân tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu đã nhấn 
mạnh vai trò của đổi mới chính phủ - sở hữu doanh nghiệp nhà nước nhằm tăng năng lực 
của khu vực sở hữu nhà nước tại Trung Quốc (Buckley et al ,2002). Người ta kỳ vọng rằng 
năng suất liên quan đến các doanh nghiệp FDI, thông qua học hỏi kinh nghiệp của các 
doanh nghiệp nội địa từ các doanh nghiệp này. Các nước tăng cường thu hút FDI để tăng 
năng suất và tăng liên kết giữa TNCs và doanh nghiệp nội địa. Thực tế, đã có minh chứng 
về tác động tích cực của FDI tại Anh và Mỹ tại các lĩnh vực của các quốc gia công nghiệp 
hóa (Jonathan et al., 2002, Wolfgang Keller and Stephen R. Yeaple, 2003). Hơn nữa, tác 
động của FDI thông qua TNCs đến các doanh nghiệp nội địa thường theo cả chiều dọc và 
chiều ngang, nhưng chủ yếu theo chiều dọc. Có tác động giữa các công ty con nước ngoài 
và các nhà cung cấp nội địa (liên kết ngược) và liên kết xuôi giữa các nhà cung cấp nước 
ngoài và các khách hàng nội địa (Javorcik, 2004). 
- Tác động tới chất lượng sản phẩm: Dữ liệu điều tra doanh nghiệp mới nhất của WB 
(2017) cho thấy, trong khi một nửa số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có chứng chỉ 
về chất lượng được quốc tế công nhận, như ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng, thì 
chưa đến 10% doanh nghiệp trong nước có được các chứng chỉ này. Tuy nhiên, tỷ lệ này 
trong các doanh nghiệp có liên kết là gần 1/4. 
Hình 6. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng Chứng chỉ chất lượng 
11 
Nguồn: WB (2017) 
- Về mức độ nhập khẩu nguyên liệu: Theo điều tra của WB (2017), khi mà đầu vào 
nhập khẩu vẫn có chất lượng/giá tốt hơn hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến hơn đầu 
vào trong nước, thì việc doanh nghiệp có liên kết ở Việt Nam cũng như các quốc gia 
so sánh phụ thuộc nhiều hơn vào đầu vào nhập khẩu cũng có thể là một yếu tố giúp 
doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao hơn để có thể liên kết với các doanh nghiệp 
FDI (Hình 7). Kết luận này cũng đã được làm rõ ở số liệu điều tra doanh nghiệp của 
Tổng cục thống kê 2017. Tỷ lệ nhập khẩu trực tiếp trung bình của các doanh nghiệp 
Việt Nam có khách hàng là doanh nghiệp FDI xấp xỉ 16% trong khi đó tỷ lệ này chỉ ở 
mức gần 9% với các doanh nghiệp không có khách hàng là doanh nghiệp FDI. 
Hình 7. Tỷ lệ nhập khẩu đầu vào 
Nguồn: WB (2017) 
- Về vấn đề lao động: So với các doanh nghiệp không liên kết, các DN có liên kết 
nhìn chung có tỷ lệ lao động sản xuất có tay nghề cao hơn. Bản thân các DN liên kết cũng 
có xu hướng cung cấp các hoạt động đào tạo chính thức cho nhân viên của họ nhiều hơn 
12 
đáng kể. Các DN có liên kết có nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của thiếu kỹ năng và 
trình độ học vấn của lực lượng lao động, coi đó là một trở ngại chính để phát triển doanh 
nghiệp (Hình 8) 
Hình 8. Năng lực công nhân và vấn đề đào tạo 
Nguồn: WB (2017) 
Hoạt động đầu tư, đổi mới và chuyển giao công nghệ: Năng lực đổi mới có thể là một 
trong những lý do tại sao một số doanh nghiệp trong nước có khả năng đáp ứng yêu cầu 
của khách hàng nước ngoài về đa dạng sản phẩm, chất lượng và giá cả. Ngoài ra, các doanh 
nghiệp trong nước có liên quan đến các doanh nghiệp FDI có động lực lớn hơn để đổi mới 
nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu đối với sản phẩm của họ. Theo 
nghiên cứu của WB (2017) qua phân tích kinh tế lượng cho thấy việc đổi mới quá trình có 
mối tương quan chặt chẽ và tỉ lệ thuận với khả năng trở thành doanh nghiệp liên kết, sau 
khi đã kiểm soát các biến về quy mô/số năm hoạt động của doanh nghiệp và các tác động 
cố định của ngành/khu vực. Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp liên kết cho biết họ đã 
hợp tác với đối tác bên ngoài để đổi mới sản phẩm, đổi mới qui trình, trong khi các doanh 
nghiệp không liên kết chủ yếu dựa vào những nỗ lực của chính họ. Điều này cho thấy các 
doanh nghiệp kết nối với DN FDI có nhu cầu cao hơn trong việc tìm kiếm đối tác bên 
ngoài để có thể thực hiện hoạt động đổi mới đạt kết quả chất lượng cao hơn và các doanh 
nghiệp không liên kết thiếu động lực để thực hiện đổi mới thực sự. Kết quả này cũng chỉ ra 
rằng chất lượng đổi mới cao hơn khi được thực hiện với các đối tác bên ngoài. 
Bảng 5. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đầu tư và chuyển giao công nghệ từ 
khách hàng 
Khách hàng Thực hiện đầu tư Chuyển giao công nghệ 
13 
Có doanh nghiệp FDI 6,6% 5,1% 
Không có doanh nghiệp FDI 13,4% 12% 
Nguồn Tính toán từ Điều tra Doanh nghiệp của Tổng cục thống kê (2017) 
Theo số liệu điều tra doanh nghiệp năm 2017, trong quan hệ cung ứng sản phẩm, các 
doanh nghiệp Việt Nam nếu có khách hàng là doanh nghiệp FDI thì tỷ lệ thực hiện đầu tư 
cũng như là nhận được sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ khách hàng cao gấp đôi các 
doanh nghiệp không có khách hàng là doanh nghiệp FDI (Bảng 5) 
Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông: Khả năng tìm kiếm cơ hội kinh doanh 
của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài có thể phụ thuộc một 
phần vào việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại và nền tảng quảng cáo trực 
tuyến. Để kiểm chứng nhận định này, nghiên cứu xem xét tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng 
trang web riêng của họ và email để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp, và kết quả 
cho thấy các doanh nghiệp liên kết có khuynh hướng sử dụng các công cụ này nhiều hơn, 
đặc biệt là phát triển trang web của công ty. Mô hình này cũng được thấy ở các quốc gia so 
sánh khác ngoại trừ Trung Quốc, sự khác biệt này không đáng kể. 
Hình 9. Mức độ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông 
Nguồn: WB (2017) 
4. Kết luận 
Như vậy, có thể thấy rằng việc hình thành mối liên kết với các doanh nghiệp FDI là 
rất quan trọng để các doanh nghiệp trong nước có thể nâng cao được năng lực sản xuất, 
năng lực cạnh tranh và gia tăng cơ hội để gia nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 
14 
Nếu doanh nghiệp xây dựng được mối liên kết với doanh nghiệp FDI thì sẽ mang lại những 
tác động tích cực và tạo động lực để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản 
xuất cũng như cạnh tranh. Tuy nhiên, sau 30 năm thu hút FDI, mối liên kết giữa doanh 
nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn còn chậm và khá yếu mặc dù đã và đang dần 
có những cải thiện trong những năm gần đây nhưng. 
Thực tế liên kết yếu này có thể được giải thích ở một vài lý do: Thứ nhất, với liên 
kết ngược, về phía cung, năng lực cung cấp của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế 
nên rất khó có thể tìm được doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo như yêu cầu sản xuất 
của các doanh nghiệp FDI, bởi vậy là gia tăng chi phí tìm kiếm đối tác của các doanh 
nghiệp FDI. Trong khi đó, các cơ chế chính sách từ trung ương tới địa phương với nhiều 
ưu đãi dành cho các doanh nghiệp FDI như miễn giảm thuế hay hỗ trợ đẩt đai đã tạo điều 
kiện cho các doanh nghiệp FDI đưa các nhà cung cấp đi cùng với doanh nghiệp khi vào 
đầu tư tại Việt Nam. Do đó hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chủ yếu 
là nhà cung cấp Cấp ba, được mô tả như là ngành sản xuất các nguyên liệu đầu vào nguyên 
liệu đơn giản và ít giá trị gia tăng và/hoặc các linh kiện đơn giản. Thứ hai, đối với liên kết 
xuôi, tỷ lệ doanh nghiệp FDI đầu tư hướng về xuất khẩu lớn làm hạn chế khả năng hình 
thành liên kết này vì doanh nghiệp FDI không cần có đối tác để tìm hiểu cũng như mở rộng 
thị trường trong nước. Thứ ba, tỷ lệ doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài khá lớn, 
hơn 71%, cũng là bước cản cho quá trình hình thành liên kết. 
Bởi vậy, để có thể tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp 
trong nước, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong nâng cao năng lực 
cạnh tranh về chất lượng sản phẩm cũng cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ trong lựa 
chọn loại hình đầu tư, giảm bớt những sự ưu đãi với các doanh nghiệp FDI, kiến tạo các cơ 
chế để tạo động lực cho cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực hình thành 
liên kết. 
15 
Tài liệu tham khảo 
1. Buckley, P., Clegg, J., & Wang, C. (2002), “The Impacts of FDI on the Performance 
of Chinese Manufacturing Firms”, Journal of International Business Studies, Vol.33 
(4), 637-655. 
2. Javorcik, B. S. (2004), “Does Foreign Direct Investment Increase the Productivity of 
Domestic Firms? In Search of Spillovers Through Backward Linkage”, The American 
Economic Review, 94(3), 605-627. 
3. JETRO (2017), Tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật bản đầu tư vào Việt 
Nam, Tháng 2/2017. 
4. Jonathan E H. , Sonia C Pereira, & Matthew J Slaughter, (2007), “Does Inward 
Foreign Direct Investment Boost the Productivity of Domestic Firms?”, The Review of 
Economics and Statistics, MIT Press, vol. 89(3), 482-496. 
5. WB (2017), Việt Nam: Tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh 
nghiệp vừa và nhỏ - Bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế, Hội nghị do Bộ Công 
Thương Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (World Bank) phối hợp tổ chức ngày 
07/09/2017, Hà Nội. 
6. Wolfgang Keller & Stephen R. Yeaple (2003), “Multinational Enterprises, International 
Trade, and Productivity Growth: Firm-Level Evidence from the United States”, NBER 
Working Paper, No. 9504. 

File đính kèm:

  • pdflien_ket_giua_cac_doanh_nghiep_fdi_va_doanh_nghiep_viet_nam.pdf