Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng cơ chế pháp lý phòng, chống mua bán người: Bài học đối với Việt Nam

Hiện nay, tội phạm mua bán người đang diễn biến hết sức phức tạp. Đây

không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia, mỗi khu vực mà còn là vấn đề của quốc tế. Điều này,

đòi hỏi mỗi quốc gia phải hình thành những cơ chế pháp lý hữu hiệu đồng bộ và tương thích

với quy định quốc tế trong đấu tranh với tội phạm buôn bán người. Việc nghiên cứu kinh

nghiệm của các quốc gia, trong đó có các quốc gia có mối liên quan chặt chẽ tới tình hình

mua bán người ở Việt Nam như là Trung Quốc, Philipin và Thái Lan, là kênh tham khảo để

Việt Nam có thể hoàn thiện cơ chế pháp lý (CCPL) phòng, chống mua bán người trong thời

gian tới.

pdf 7 trang kimcuc 8660
Bạn đang xem tài liệu "Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng cơ chế pháp lý phòng, chống mua bán người: Bài học đối với Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng cơ chế pháp lý phòng, chống mua bán người: Bài học đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng cơ chế pháp lý phòng, chống mua bán người: Bài học đối với Việt Nam
58 Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG XÂY DỰNG CƠ CHẾ 
PHÁP LÝ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI: BÀI HỌC 
ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Đỗ Thị Lý Quỳnh*
Ngày tòa soạn nhận được bài báo:5/9/2019
Ngày nhận kết quả phản biện đánh giá: 5/3/2020
Ngày bài báo được duyệt đăng: 25/3/2020
Tóm tắt: Hiện nay, tội phạm mua bán người đang diễn biến hết sức phức tạp. Đây 
không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia, mỗi khu vực mà còn là vấn đề của quốc tế. Điều này, 
đòi hỏi mỗi quốc gia phải hình thành những cơ chế pháp lý hữu hiệu đồng bộ và tương thích 
với quy định quốc tế trong đấu tranh với tội phạm buôn bán người. Việc nghiên cứu kinh 
nghiệm của các quốc gia, trong đó có các quốc gia có mối liên quan chặt chẽ tới tình hình 
mua bán người ở Việt Nam như là Trung Quốc, Philipin và Thái Lan, là kênh tham khảo để 
Việt Nam có thể hoàn thiện cơ chế pháp lý (CCPL) phòng, chống mua bán người trong thời 
gian tới.
Từ khóa: mua bán người, cơ chế pháp lý, vấn đề quốc gia và quốc tế, Việt Nam.
* Học Viện An ninh Nhân dân
Đặt vấn đề
Nghị định thư về phòng ngừa, trấn 
áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt 
là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư TIP) 
bổ sung cho Công ước của Liên Hợp quốc 
về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc 
gia (Công ước TOC) là văn bản có ý nghĩa 
tiến bộ nhất cả về mặt chính trị và pháp 
lý, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng 
cho việc tăng cường hợp tác quốc tế trong 
lĩnh vực đấu tranh phòng, chống buôn bán 
người cũng như trong việc bảo vệ nạn 
nhân. Nghị định này được Liên hiệp quốc 
thông qua vào ngày 15/11/2000 và là cơ 
sở để các quốc gia soi chiếu và hoàn thiện 
pháp luật về phòng, chống mua bán người. 
Tuy nhiên, hiện nay mỗi quốc gia đã hình 
thành nên các cơ chế pháp lý riêng biệt 
để phòng, chống mua bán người. Do vậy, 
việc nghiên cứu CCPL của các quốc gia 
trong đó nổi bật là Trung Quốc, Thái Lan, 
Philipin là một trong những kênh soi chiếu 
để vận dụng vào việc hoàn thiện CCPL 
phòng, chống mua bán người ở Việt Nam. 
Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Mở Hà Nội 65 (3/2020) 58-64
59Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
1. Cơ chế pháp lý phòng, chống 
mua bán người của một số quốc gia trên 
thế giới
1.1. Tại Trung Quốc
Tại Điều 240 BLHS nước Cộng hòa 
nhân dân Trung Hoa 1997 quy định các 
mức phạt đối với từng hành vi buôn bán 
phụ nữ, trẻ em trong đó mức phạt cao nhất 
lên đến tử hình và tịch thu toàn bộ tài sản 
của đối tượng phạm tội.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc chỉ 
coi hành vi bóc lột tình dục, cưỡng bức lao 
động, lấy nội tạng là mua bán người mà 
không coi hành vi giao người, nhận tiền 
thông qua việc cưới là mua bán người. 
Trong khi nhu cầu chủ yếu của Trung Quốc 
là mua bán cô dâu nhằm giải quyết sự thiếu 
hụt nữ giới ở nước này. Đây cũng là một 
khó khăn trong công tác phối hợp cũng 
như ngăn chặn các hành vi mua bán người 
từ Việt Nam.
Ngoài ra, pháp luật Trung Quốc tại 
Điều 241 BLHS còn quy định về hành vi 
mua phụ nữ, trẻ em bị đem bán thì bị xử 
phạt từ 3 năm, cải tạo lao động hoặc bị 
quản chế. Nhưng nếu không ngăn cản họ 
trở về nơi cư trú cũ theo nguyện vọng của 
họ, không có hành vi lạm dụng trẻ em bị 
đem bán, không ngăn cản các nỗ lực giải 
thoát cho họ thì có thể không bị truy cứu 
trách nhiệm hình sự.
Điều 242 quy định về hành vi dùng 
bạo lực hoặc uy hiếp ngăn cản nhân viên 
thi hành công vụ nhà nước giải thoát cho 
phụ nữ, trẻ em bị đem bán.
Điều 416 quy định trách nhiệm của 
nhân viên trong các cơ quan nhà nước trong 
giải cứu phụ nữ và trẻ em. Nếu không tiến 
hành giải cứu khi có thông tin sẽ bị phạt tù 
đến 5 năm hoặc cải tạo lao động. Nếu ngăn 
cản việc giải cứu sẽ phạt tù từ 2 năm đến 7 
năm hoặc cải tạo lao động.
Như vậy, rõ ràng mặc dù quy định 
pháp luật về tội buôn bán phụ nữ trẻ em 
khá nặng với hình phạt cao nhất là tử hình 
nhưng nhìn chung quy định này còn những 
khác biệt cơ bản so với nghị định thư ở cả 
hành vi, phương thức và mục đích.
Ngoài ra, luật Trung Quốc còn có 
thiếu sót khi nam giới không được đề cập 
là nạn nhân và Trung Quốc mặc dù là đích 
đến của tội phạm mua bán người và các 
hành vi mua bán người trong quốc gia 
diễn biến phức tạp nhưng Trung Quốc vẫn 
chưa có luật phòng, chống mua bán người 
như các nước trong khu vực và các nhà 
quản lý Trung Quốc thường xây dựng các 
kế hoạch, phương án phòng chống mua 
bán người qua các từng giai đoạn và hiện 
nay là giai đoạn 2013-2020.
Trẻ em vị thành niên theo quy định 
pháp luật Trung Quốc là dưới 18 tuổi.
1.2. Tại Thái Lan
Thái Lan đã ban hành Luật phòng, 
chống buôn bán người từ năm 2008 gồm 
57 điều trong đó đưa ra khái niệm về buôn 
bán người, về mức hình phạt cụ thể đối 
với từng hành vi, về hỗ trợ nạn nhân và 
hợp tác quốc tế cũng như thành lập Ủy 
ban chống buôn bán người và quỹ buôn 
bán người. Định nghĩa về buôn bán người 
60 Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
của Thái Lan tương đồng với các cách 
định nghĩa của Nghị định thư về hành vi 
tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, mua 
bán, chuyển giao cùng phương thức như 
ép buộc, cưỡng bức, bắt cóc, lừa gạt, sử 
dụng vũ lực và nhấn mạnh yếu tố bóc lột. 
Về hình phạt, pháp luật Thái Lan quy định 
hình phạt dựa vào độ tuổi của nạn nhân 
cũng như đối tượng thực hiện hành vi 
phạm tội. Cụ thể như sau:
Mua bán người phạt tù từ 4 - 10 
năm, phạt tiền từ 56 triệu đến 140 triệu 
đồng (quy ra tiền Việt Nam);
Nạn nhân từ 15 - 18 tuổi: phạt tù từ 
6 - 12 năm, phạt tiền từ 84 triệu đến 168 
triệu đồng;
Nạn nhân dưới 15 tuổi: phạt tù từ 8 
đến 15 năm, phạt tiền từ 112 triệu đến 210 
triệu đồng.
Đặc biệt, nếu là tội phạm có tổ chức 
thì các thành viên phải chịu hình phạt 
năng hơn gấp 1/2 lần hình phạt mà pháp 
luật quy định.
Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới Thái 
Lan, hoặc tội phạm được thực hiện bởi các 
cán bộ nhà nước thì xử phạt gấp 2 lần hình 
phạt mà pháp luật quy định.
Cán bộ trực tiếp làm công tác chống 
buôn bán người, cán bộ làm công tác thực 
thi pháp luật tham gia buôn bán người thì 
sẽ bị xử phạt gấp 3 lần hình phạt mà pháp 
luật quy định.
Thái Lan quy định khá chặt chẽ, cụ 
thể và hướng tới tăng nặng hình phạt đối 
với những hành vi được thực hiện bởi tội 
phạm có tổ chức, bởi đưa nạn nhân ra khỏi 
biên giới, bởi người trong bộ máy nhà 
nước. Thái Lan cũng quy định trách nhiệm 
hình sự của các pháp nhân.
Ngoài ra, luật này còn quy định các 
chế tài cụ thể nhằm ngăn ngừa việc lộ bí 
mật của nạn nhân. Bên cạnh đó, cá nhân, 
tổ chức cung cấp tài sản, nơi hội họp cho 
những đối tượng buôn bán người thì có 
thể sẽ bị xét thêm tội trong Luật chống rửa 
tiền và tịch thu hết tài sản thu được.
Thái lan đã thành lập 2 Ủy ban 
về vấn đề này, đó là Ủy ban quốc gia 
chống buôn bán người và Ủy ban điều 
phối và giám sát công tác phòng, chống 
buôn bán người với những nhiệm vụ cơ 
bản như: ủy ban quốc gia chống buôn 
bán người có trách nhiệm tư vấn cho 
chính phủ trong ban hành pháp luật, 
tổ chức bộ máy, hợp tác quốc tế. Ủy 
ban điều phối và giám sát có nhiệm vụ 
giám sát việc thực hiện chính sách pháp 
luật, giám sát việc tổ chức và thực hiện 
nhiệm vụ, thúc đẩy nâng cao nhận thức 
và đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu. Ủy 
ban quốc gia chống buôn bán người 
do Thủ tướng làm chủ tịch và các bộ 
trưởng khác là thành viên. Ủy ban điều 
phối và giám sát do Phó Thủ tướng làm 
chủ tịch và Phó Chủ tịch là Bộ trưởng 
bộ an ninh con người và phát triển xã 
hội, vận hành đường dây nóng 1300 
hoạt động 24/7.
Ngoài ra, Thái Lan cũng thành lập 
quỹ buôn bán người từ việc tịch thu tài sản 
do phạm tội buôn bán người có và sự ủng 
hộ của các xã hội để từ đó hỗ trợ cho các 
nạn nhân của buôn bán người.
61Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
1.3. Tại Philippin
Ngày 30/9/2003 luật chống buôn 
bán người - đạo luật số 9208 ra đời đánh 
dấu quyết tâm của chính phủ Philipin trong 
việc đảm bảo quyền con người và phòng, 
chống mua bán người. Luật này đã đưa ra 
định nghĩa về buôn bán người tại Điều 3 - 
định nghĩa khá tương đồng với định nghĩa 
của Nghị định thư với 3 dấu hiệu về hành 
vi, phương thức và mục đích. Định nghĩa 
các hành vi cụ thể từ giới thiệu, môi giới, 
lợi dụng hợp đồng hôn nhân, tổ chức các 
tour du lịch, nhận nuôi trẻ em, lừa gạt bắt 
cóc nhằm mục đích mua bán người. 
Tuy nhiên, luật này còn quy định về 
các hành vi thúc đẩy việc buôn bán người 
(Điều 5) như cung cấp nhà ở, lưu trú; cung 
cấp giấy tờ giả; quảng cáo, in ấn tài liệu 
phục vụ mua bán người; và đáng chú ý là 
việc coi hành vi “cố ý thu lợi về tài chính 
hoặc lợi ích khác từ lao động hoặc dịch vụ 
của một người trong tình trạng như nô lệ, 
lao động cưỡng bức hoặc nô lệ, hoặc lợi 
dụng lao động hoặc dịch vụ đó”.
Tại Điều 6, quy định các hành vi mua 
bán người được coi là nghiêm trọng khi 
mua bán trẻ em; tội phạm có tổ chức hoặc 
với 3 nạn nhân trở lên; đối tượng phạm tội 
là bố mẹ, anh chị em, cán bộ công chức.
Điều 7 quy định về việc bảo vệ nạn 
nhân, bảo mật thông tin nạn nhân
Điều 10 quy định về các hình phạt 
cụ thể như: hành vi mua bán người bị phạt 
tù 20 năm, phạt tiền từ 1 - 2 triệu pesos; 
các hành vi thúc đẩy bị phạt tù 15 năm và 
phạt tiền từ 5 trăm nghìn - 1 triệu pesos; 
các hành vi mua bán người nghiêm trọng 
sẽ bị tù chung thân và phạt tiền từ 2-5 
triệu pesos; hành vi vi phạm về bảo mật 
thông tin nạn nhân bị phạt đến 6 năm và 
phạt tiền từ 5 trăm nghìn - 1 triệu pesos. 
Vi phạm điều 6 hình phạt có thể lên đến 
chung thân, phạt tiền từ 2 - 5 triệu pesos. 
Vi phạm điều 7 hình phạt lên tới 6 năm tù, 
phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu pesos.
Ngoài ra, pháp luật Philipin còn 
quy định rõ trách nhiệm của các pháp 
nhân tập đoàn hiệp hội, công ty, câu lạc 
bộ hay bất kỳ pháp nhân nào vi phạm thì 
chủ công ty, người quản lý cũng phải chịu 
hình phạt, tước giấy phép kinh doanh 
vĩnh viễn. Hoặc cán bộ không tuân thủ 
các quy định trong luật sẽ bị đuổi việc và 
chấm dứt mọi quyền lợi.
Đặc biệt, tại Điều 11 quy định nếu 
sử dụng nạn nhân, dịch vụ do hành vi buôn 
bán người gây ra vì mục đích mại dâm nếu 
phạm tội lần đầu sẽ bị phạt 6 tháng lao 
động công ích, 50.000 pesos; phạm tội 
lần thứ hai trở lên sẽ bị phạt 1 năm tù và 
100.000 pesos.
Năm 2012, bằng đạo luật số 10364, 
chính phủ Philipin đã sửa đổi bổ sung một 
số điều trong luật phòng, chống mua bán 
người năm 2003 nhưng những vấn đề cốt 
lõi nêu trên không bị thay đổi.
Đạo luật này cũng cho phép 
Philipin thành lập ủy ban liên ngành 
phòng chống buôn bán người do Bộ 
trưởng Bộ Tư pháp và bộ trưởng Bộ 
Phúc lợi và phát triển xã hội đồng chủ 
tịch, có trách nhiệm phối kết hợp với tất 
cả các bộ ban ngành khác trong chính 
62 Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
phủ nhằm thực hiện nhiệm vụ phòng, 
chống buôn bán người, đề ra chương 
trình, xây dựng pháp luật, giám sát, điều 
phối hoạt động, tuyên truyền giáo dục, 
giải đáp vướng mắc và triển khai các 
chương trình tái hòa nhập cho nạn nhân. 
Ngoài ra, Philipin còn thành lập các đội 
đặc nhiệm phòng, chống buôn bán người 
ở những nơi có nguy cơ cao về hoạt động 
buôn bán người như ở bến cảng, sân 
bay và khu vực biên giới và vận hành 
Trung tâm tội phạm xuyên quốc gia là 
đấu mối thống nhất tiếp nhận tin tức, lưu 
trữ thông tin và điều phối hoạt động về 
phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đặc biệt, luật chống buôn người của 
Philipin rất chú trọng tới việc bảo vệ nạn 
nhân hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng 
đồng thông qua việc thành lập quỹ ủy thác 
từ số tiền thu được trong cuộc đấu tranh 
chống buôn bán người và số tiền do các cá 
nhân tổ chức ủng hộ để tập trung vào tái 
hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân, đào tạo 
dạy nghề cũng như tư vấn, khám sức khỏe 
cho nạn nhân. Cấp phép cho các tổ chức 
nước ngoài tham gia vào hoạt động tái hòa 
nhập cộng đồng cho nạn nhân và coi giấy 
chứng nhận nạn nhân của các tổ chức này 
cấp là cơ sở để thực hiện các biện pháp hỗ 
trợ nạn nhân.
2. Các giá trị tham khảo đối với 
Việt Nam
Sau khi tham khảo từ hệ thống pháp 
luật, tổ chức bộ máy, cách thức tổ chức 
vận hành lực lượng phòng, chống mua 
bán người ở Trung Quốc, Thái Lan và 
Philippin. Sự khác biệt trong quy định pháp 
luật, trong tổ chức bộ máy đã cho thấy sự 
phức tạp, khó khăn trong hoạt động hợp 
tác quốc tế. Bên cạnh những khác biệt thì 
việc nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn từ 
các quốc gia này đã mang lại những giá trị 
tham khảo nhất định cho Việt Nam trong 
việc hoàn thiện CCPL phòng chống mua 
bán người trong thời gian tới. 
Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống 
pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán 
người đồng bộ với quy định quốc tế trong 
đó phát huy hiệu quả hoạt động của các 
tổ chức phi chính phủ cũng như xây dựng 
quỹ ủy thác dành cho nạn nhân.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội 
nhập sâu rộng như hiện nay, việc đồng 
bộ và phù hợp với pháp luật quốc tế là 
nền tảng cơ bản trong mọi quá trình hợp 
tác và đặc biệt quan trọng trong đấu tranh 
với tội phạm xuyên quốc gia trong đó có 
tội phạm mua bán người. Việc nội luật 
hóa các công ước và nghị định thư mà 
Việt Nam ký kết không những là đòi hỏi 
có tính nguyên tắc được quy định trong 
Công ước Viên 1969 mà Việt Nam ký kết 
tham gia mà còn là hoạt động phù hợp 
với pháp luật Việt Nam (Luật điều ước 
quốc tế 2016). Hệ thống pháp luật đồng 
bộ với quy định quốc tế nhưng cũng cần 
đồng bộ phù hợp với hệ thống pháp luật 
hiện hành từ hình sự hóa các hành vi 
trong mua bán người đến tổ chức bộ máy, 
cách thức vận hành, hoạt động công vụ, 
biện pháp hợp tác quốc tế, trình tự thủ 
tục giải cứu, xác minh, tiếp nhận và tái 
hòa nhập cộng đồng cùng việc đồng bộ 
với các luật liên quan như luật lao động, 
63Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
luật hôn nhân và gia đình, luật xuất nhập 
cảnh....Cần xây dựng cơ chế để các tổ 
chức có tư cách pháp nhân cũng phải chịu 
trách nhiệm do những hành vi mua bán 
người và thu lợi từ hành vi này gây ra. 
Cần gắn trách nhiệm của mỗi các nhân, 
tổ chức trong việc cung ứng và thu lợi 
từ hoạt động này. Việt Nam cần nghiên 
cứu tạo dựng nguồn kinh phí từ việc tịch 
thu tài sản do hoạt động phạm tội mà có 
để trợ giúp nạn nhân, cũng như nghiên 
cứu mô hình cấp phép cho các tổ chức 
phi chính phủ được quyền giám hộ các 
nạn nhân được giải cứu. Cần phải thống 
nhất độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi để có 
cơ sở thực hiện hợp tác đấu tranh. Đồng 
thời, cũng cần xem xét trách nhiệm hình 
sự của các pháp nhân có liên quan đến 
hành vi mua bán người.
Tuy nhiên, trong giai đoạn tới nạn 
nhân Việt Nam vẫn chủ yếu bị mua bán 
và đưa sang Trung Quốc, trong khi đó 
Trung Quốc có hệ thống pháp luật khác 
biệt không tương đồng với quy định của 
Nghị định thư cũng như quy định pháp 
luật Việt Nam, đáng chú ý là Trung Quốc 
không coi hành vi giao người nhận tiền 
thông qua việc cưới là mua bán người 
đã gây trở ngại rất lớn trong việc phối 
hợp đấu tranh. Việc này trong thời gian 
ngắn cũng khó được cải thiện như mong 
muốn vì những vấn đề nội tại trong chính 
xã hội Trung Quốc. Vì vậy, dẫn đến có 
vụ việc Việt Nam xác định là mua bán 
người, nhưng Trung Quốc lại cho rằng 
hợp pháp. Do vậy, lực lượng chức năng 
cần tích cực triển khai các biện pháp, các 
phương án đấu tranh thích hợp như thực 
hiện tốt hơn nữa việc tuyên tuyền giáo 
dục nâng cao nhận thức cộng đồng, quản 
lý đối tượng cũng như tăng cường hoạt 
động tuần tra kiểm soát biên giới nhằm 
đẩy mạnh ngăn chặn hành vi mua bán 
người từ trong nội địa.
Thứ hai, cần nghiên cứu thành lập 
các lực lượng chuyên trách có chức năng 
đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia 
trong đó có tội phạm mua bán người.
Để vận hành hiệu quả CCPL phòng, 
chống mua bán người, hệ thống cần được 
vận hành thông suốt từ trung ương đến địa 
phương do một trong những người đứng 
đầu chính phủ phụ trách nhằm huy động 
được tối đa các nguồn lực, phân bổ lực 
lượng, tổ chức từ việc ra chủ trương, kế 
hoạch, chương trình đến vận hành, kiểm tra 
và giám sát, từ tổ chức thực hiện đến hợp 
tác quốc tế. Do vậy, để cơ chế vận hành 
có hiệu quả trên thực tế tránh phân tán 
lực lượng cần thành lập lực lượng chuyên 
trách phụ trách đấu tranh với tội phạm 
xuyên quốc gia trong đó có tội phạm mua 
bán người nhằm tạo đầu mối điều phối các 
hoạt động đấu tranh, hợp tác quốc tế. 
Để tạo dựng một CCPL toàn diện, 
đồng bộ, phù hợp có hiệu quả cao không 
thể không kể đến những cán bộ có năng 
lực, có kinh nghiệm được đào tạo bài bản, 
chuyên sâu. Việc đào tạo này cần được tiến 
hành nhiều cấp từ đào tạo tại các trường 
chuyên biệt, đào tạo qua trao đổi kinh 
nghiệm, trong tập huấn nâng cao tay nghề, 
đào tạo qua hội thảo trong và ngoài nước. 
Đặc biệt trong đấu tranh với tội phạm có 
tổ chức, xuyên quốc gia thì việc đào tạo 
64 Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion
nâng cao nhận thức về pháp luật quốc tế 
cũng như pháp luật nước liên quan, cách 
thức kỹ năng trong quan hệ quốc tế được 
đặc biệt coi trọng. Mặt khác, do địa bàn 
phạm tội, địa bàn trung chuyển của tội 
phạm chủ yếu là vùng biên giới, hải đảo 
địa bàn phức tạp với chủ yếu là người dân 
tộc thiểu số trình độ nhận thức thấp cũng 
như điều kiện kinh tế khó khăn do vậy để 
hoạt động hiệu quả trong vùng này cán bộ 
làm công tác phòng, chống cần biết tiếng 
dân tộc, phong tục tập quán, tâm tư của 
đồng bào cùng những kỹ năng truyền tải 
vận động người có uy tín, già làng, trưởng 
bản cùng người dân trong phong trào toàn 
dân bảo vệ an ninh trật tự. Các kỹ năng 
này cần được đào tạo không chỉ với những 
cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, 
chống mua bán người mà còn cả hệ thống 
chính trị, các đoàn thể trong đó tập trung 
vào hội phụ nữ, đoàn thanh niên...
Thứ ba, cơ chế pháp lý phòng, 
chống mua bán người cần phải được vận 
hành lồng ghép với các chương trình 
mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, 
chú trọng công tác phòng ngừa
Mua bán người là hành vi không 
những được xác định là tội phạm mà còn 
phải được xác định và nhìn nhận là vấn đề xã 
hội cần phải giải quyết. Tội phạm nảy sinh 
từ những vấn đề cấp bách của đời sống xã 
hội, từ vấn đề đói nghèo, từ động cơ mong 
muốn thoát nghèo, từ những nhân tố bất ổn, 
bất bình đẳng tồn tại trong xã hội. Do vậy, 
việc giải quyết nó cũng phải đi từ xã hội, giải 
quyết những tồn tại, vướng mắc nảy sinh 
trong lòng xã hội. Bên cạnh việc nâng cao 
dân trí, trang bị kỹ năng nhận biết, phòng 
tránh cũng như đầu tư cho lực lượng chuyên 
trách thì không thể không thể đến việc triển 
khai và thực hiện các chương trình, chính 
sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo 
bền vững, phòng tránh các hình thức di cư 
không an toàn. Các quốc gia cần phối kết 
hợp triển khai các mô hình phòng ngừa các 
hành vi mua bán người và các chương trình 
liên kết giữa các quốc gia thúc đẩy phát triển 
kinh tế, bình đẳng giới và đẩy mạnh hoạt 
động giáo dục, nâng cao nhận thức cộng 
đồng về tội phạm mua bán người. 
Tài liệu tham khảo:
[1]. Đinh Bích Hà dịch (2007), Bộ luật hình 
sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, 
Nxb Tư Pháp, Hà Nội. tr.159 
[2]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt 
Nam, Luật phòng, chống mua bán người 2011
[3]. Bộ Tư pháp (2013), hội thảo “Quy định của 
Bộ luật hình sự 1999 về tội mua bán người, tội 
mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em - 
thực trạng và kiến nghị hoàn thiện” 
[4]. Liên hiệp quốc (2000), Nghị định thư 
Phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán 
người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.
[5]. 
Philippines/RA%209208%20-%20Anti-
Traffi cking%20Law.pdf
[6]. https://www.offi cialgazette.gov.ph/2013/ 
02/06/republic-act-no-10364/
Địa chỉ tác giả: Trung tâm Lưu trữ và Thư 
viện - Học viện ANND
Email: doquynh83@gmail.com

File đính kèm:

  • pdfkinh_nghiem_quoc_te_trong_xay_dung_co_che_phap_ly_phong_chon.pdf